Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

Sách Thủng Thẳng Với Thơ/ Chương 14/ Chương Kết, Trằn Trọc Tu Thân




Chương Kết, Trằn Trọc Tu Thân

Lời phi lộ chương đầu tôi tỏ ra là một người khinh miệt chủ nghĩa kinh nghiệm, nhưng qua 13 chương đò đưa thơ này, tôi đã tỏ ra là một người kinh nghiệm chủ nghĩa. Đó là một hư xấu, một giả dối. Độc giả (nếu đọc nó) hãy coi đây là một tự đánh giá, hay là một tâm sự mà cảm thông cho; vì tất nhiên đối với bất kỳ người cầm bút nào cũng cần đánh giá từng giai đoạn để thấy hiện tại và tương lai, để xét minh trên phương diện người làm thơ, nên hay không nên tiếp tục công việc của mình.
Những khúc đò đưa này được viết vào tuần lễ cuối cùng tháng 7 và xong vào ngày 8-8-1975. Sở dĩ tôi đã viết xong một cách vội vàng như thế, là vì bao nhiêu đề tài mới trong thơ kêu gọi tôi. Tôi cần làm một số việc cần làm trước khi đón nhận một thực tế đau lòng đêm ngày buốt nhức trái tim tôi: Ly Hương. Do vậy, những đò đưa này tôi viết vội. Hứa sẽ còn trở lại, sẽ còn thay đổi những nhận định và bổ sung thêm những điều vội vàng, nông cạn đã bỏ qua.Lao động nghệ thuật của thơ là một lao động cực kỳ khổ nhọc, là một công việc mà sự sáng tạo của nó là vô kể vô cùng, cho nên không thể có một cuốn sách nào mà sau khi đọc nó người ta liền có thể viết được thơ và liền mê say thơ.
Tôi không mong muốn là cuốn sách này có những đóng góp gì vào công việc lý luận thơ – Có chăng chỉ là một hồi ký cho các con tôi. Từ hồi ký này nếu như con bước vào nghệ thuật, tuyệt đối không được là văn thơ, ví các con khó thể vượt qua cái bóng quá ngộ của cha mẹ. Các con chỉ nên theo đuổi Nghệ, nhắc lại, không theo đuổi Văn Thơ (*). Đù vậy, những đò đưa này chắc chắn vẫn bổ ích cho các con. Các con sẽ tự sắp định các bước sách cho hành trình đường dài Nghệ Thuật của mình. Tất nhiên không có con đường  Nghệ Thuật nào giống con đường nào, dù vậy, lời đò đưa khuyên nhủ này bây giờ và mãi mãi thuộc về các con, thậm chí các cháu nội, ngoại của ta.
/…Hãy chống gậy của cha, của mẹ

Của các chú, các cô
/ Đi con đường tự tìm ra mà vào nghệ thuật
Nếu có xẩy chân ngã vấp

Vẫn kịp dâng đời một hướng đi…/

Và sau hết, hãy coi bài thơ Bài Ru Trằn Trọc, tôi viết từ những ngày vướng nghiệp chướng thơ để tu thân vượt chướng, và tự mình mỗi ngày trang nghiêm nhang mõ tụng niệm, tụng niệm suốt đời, không phải chỉ để tu thân thơ mà tu thân làm người tử tế.


BÀI RU TRẰN TRỌC
Trằn trọc là trằn trọc ơi
Đêm đã khuya rồi sao chửa ngủ say
Trằn trọc bẻ khục ngón tay
Ai đè ngực xuống để rây điệu buồn

Vì sao trằn trọc lại buồn ?

Chuyện đời nước chảy trôi luôn bọt bèo
Lỗi lầm nước đã cuốn theo
Đời người tránh được bao nhiêu lỗi lầm

Đêm tôi chỉ có một mình

Một mình đêm
Với một mình trằn trọc tôi
Dối gian trôi khuất bể rồi
Ngủ đi mắt cho thảnh thơi tâm hồn
Việc gì trằn trọc phải buồn
Ở ống dài ở bầu tròn trằn trọc ơi
Quanh ta hỏi có bao người
Gian manh mà vẫn sống đời tụng ca
Mình lỗi lầm chút gọi là
Đời không chật chội như nhà ta đâu

Tôi nhắm nghiềm mắt hồi lâu

Mới hay cái ngủ từ đầu ngủ ra
Nếu đời ta chẳng thẹn ta
Thì ta cứ ngủ
Cần gì ru tâm hồn
Mặc ai dài
Mặc ai tròn
Người khác với vật bởi còn cội tâm

Tôi ru trằn trọc rì rầm

Trằn trọc vẫn thức với lỗi lầm hỏi tôi…


|Hànội 27/7 – 8/8/1975
Sài Gòn tháng 1/2011
(*) Chúng tôi có hai người con, các con tôi vâng lời, không theo đuổi đường văn thơ như cha mẹ. Cháu trai, Nguyễn Lý Việt Thi, theo nghề Điện Ảnh, con gái Nguyễn Lý Phương Ngọc, theo nghề Hội Họa.

Nguyễn Nguyên Bảy
/ Mời đọc thêm các bài hồi âm sách/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét