Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2016

Sách Thủng Thẳng Với Thơ/ Chương 10/Luận Về Những Chiếc Áo Của Thơ


14 khúc Đó Đưa về thơ của Nguyễn Nguyên Bảy, viết vào năm 1975, và gần 40 năm sau, mới in thành sách, do NXB Văn Học ấn hành tháng 6/2011.

  THỦNG THẲNG VỚI THƠ
 Nguyễn Nguyên Bảy, Đò đưa
Khúc 10/ Luận Về Những Chiếc Áo Của Thơ

10/ Luận Về Những Chiếc Áo Của Thơ


Tôi có ý định viết về phép làm thơ lục bát của Nguyễn Du và phép làm thơ song thất lục bát của Đoàn Thị Điểm, nhưng ý định ấy chưa thực hiện được, vì tôi cứ có ý chờ những chuyên gia nghiên cứu về luật thơ viết những nguyên lý đó. Tôi đã nói điều này với Thầy tôi và yêu cầu Người viết. Nhưng cho đến nay Người cũng chỉ mới hứa sẽ bắt đầu.
Vì sao lại phải nghiên cứu phép làm thơ truyền thống ? Phải nghiên cứu phép làm thơ truyền thống, bởi đấy là hồn cốt của mọi phép làm thơ khác. Cũng ví như đất vậy, đất làng ta trồng ra hạt lúa làng ta.
Vì đây không phải là chuyên đề về thơ cổ cho nên chưa đề cập cả hai thể thơ lục bát và song thất lục bát. Chỉ xin dẫn một đôi nét về phép làm thơ lục bát của Nguyễn Du.
Về phép ngắt nhịp lục bát. Nguyễn Du lấy việc ngắt hai chữ làm chính, thỉnh thoảng có ngắt ba chữ, căn cứ theo dấu phẩy đoạn dẫn sau đây:
…Đầu lòng, hai ả, tố nga
Thúy Kiều, là chị, em là, Thúy Vân
Mai cốt cách, tuyết tinh thần

Mỗi người, một vẻ, mười phân, vẹn mười…

Đọc từ đầu cho đến cuối Truyện Kiều thấy hình thành rất rõ phương pháp ngắt này. Đưa ra giả thuyết: Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều theo nhịp đưa võng – giao động quả lắc – Hiện tượng ngắt đôi là khi võng đưa, ngắt ba là khi chân đạp lấy đà võng. Nhịp ngắt này thống nhất từ đầu đến cuối và có sức gợi cảm rất lớn.
Về hình thức, mỗi câu lục và câu bát đều chứa một trong ba đặc sắc: 1- đồng hưởng, 2 – điệp tự, 3 – tiểu đối.
Hãy dẫn vài câu: (Chú ý cách thể hiện từng câu)
Trăm
năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Lạ gì bỉ sắc, tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
Trên đây chỉ mới dẫn sáu câu đầu, đã thấy hiện lên rất rõ những đặc sắc của nó. Hầu như không có một câu nào lại không chứa từ một đến ba đặc sắc ấy.
Một vài dòng nói về phép làm thơ lục bát của Nguyễn Du không đủ để diễn đạt cái thần của lục bát Nguyễn Du, ở đây, chỉ muốn nói tới khuôn luật và tiêu chuẩn của nó, phần để dễ nhận biết đánh giá, phần thấy được những đóng góp của Nguyễn Du trong lĩnh vực này.
Lại xin dẫn ra một bộ song thất lục bát của Đoàn Thị Điểm, có gạch chân vận:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Mây kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này…
Trong một bộ song thất lục bát thấy hiện lên rất rõ các cách hiệp vần, từ vần lưng đến vần cuối chữ đến vần nối.  Chẳng phải các thể thơ mới đều mở rộng cách hiệp vận của thể thơ dân tộc đó sao? Chẳng phải thể thơ không vần hiện đang thịnh hành đều mang những đặc sắc về nhịp ngắt (nhạc điệu) và các đặc sắc về đồng hưởng, điệp tự và đối đẳng đó sao?
Một trong những yếu tố quyết định sự thành công của Thi Nhân là việc kế thứa một cách có hiệu quả các hình thức thơ dân tộc.
Nắm được vững chắc các phép làm thơ dân tộc thì việc sử dụng các thể thơ mới không còn là điều khó khăn nữa. Bởi lẽ, tất cả các thể thơ mới đều tôn trọng và mở rộng các cách hiệp vận, cách gieo nhạc điệu, các đồng hưởng, điệp từ và tiểu đối như ở các thể thơ dân tộc. Không có sự kế thừa ấy quyết không phải là thơ Việt.
Lối thơ hai chữ, ba chữ, bốn chữ, cho đến sáu, bảy tám chữ hoặc lối thơ văn xuôi – dù là lối thơ nào cũng không thể thiếu được một trong những đặc điểm trên. Tôn trọng những đặc điểm trên là một cần thiết, nhưng có phải tôn trọng một cách máy móc? Ngay cả với lối thơ lục bát, người viết ngày nay cũng đã phá thể nó cho phù hợp với nội dung mà nó biểu hiện. Gọi là phá thể, nhưng vẫn tôn trọng cốt cách của thể lục bát truyền thống. Sự phá thể thường xẩy ra với những tinh tế:
Khi muốn nhấn mạnh ý định nói, người viết đã phá vần bằng bắt buộc ở chữ thứ hai trong câu bát, thí dụ:
Nhớ anh biết nói làm sao
Chân đứng tổ kiến lòng chao gió cành…
(Lý Phương Liên)

Về nguyên tắc không được viết thanh chắc ở chữ thứ hai câu bát, phải theo cách cũ:
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay
Về số chữ trong câu lục hoặc câu bát có thể dài thêm hoặc ngắn đi.
Câu lục ngắn đi:
Chim bằng – con trai

Ngủ đi anh nhé sáng mai lên đường

(Lý Phương Liên)
Câu bát dài thêm:
Việc gì trằn trọc phải buồn
Ở ống dài, ở bầu tròn trằn trọc ơi

(Nguyễn Nguyên Bảy)
Sự kéo dài hoặc cắt ngắn số chữ trong câu đã khiến cho nhịp điệu thay đổi, tác động vào cảm xúc người đọc với những nốt nhấn của nó. Sự phá thể này không nên lạm dụng, nhưng biết sử dụng một cách khéo léo thì tác dụng không nhỏ.
Lại có khi vẫn là thể lục bát, nhưng sự nhấn mạnh chấm phẩy xuống dòng câu đã mang được ý nghĩa nội tâm của nội dung:
Hỡi ơi,
đèn ngọn trớ trêu
chưa sống đời đảo đã kêu thèm người..
Sự hiệp vận về căn bản không có những thay đổi lớn, nhưng cũng có khi cần hiệp vận ở chữ thứ tư của câu bát, sự hiệp vận này đã biến câu bát có giá trị như một thành ngữ, một tục ngữ, hay ngạn ngữ:
Muốn thương con sóng bạc đầu
Phải sống dãi giầu cuộc sống đấu tranh…
Ở phép làm thơ song thất lục bát cũng có những thay đổi tương tự.
Nhưng sự thay đổi này không phải là sự chạy theo mốt của thời đại, mà sự thay đổi đã khiến cho các thể thơ dân tộc thâu tóm được nhiều biến động xã hội thì hình thức thơ dân tộc không còn cổ với ý nghĩa thời gian của nó nữa, mà nó cũng hiện đại như bất kỳ thể thơ nào. Đồng thời, sự thay đổi ấy đã khiến nó gần gũi với các thể thơ mới và làm cho các thể thơ mới phát huy tác dụng, thích nghi với công chúng.
Tôi đánh giá rất cao sự nắm vững các thể thơ dân tộc, chừng nào còn chưa diễn đạt tứ thơ của mình nhuần nhuyễn bằng các hình thức thơ dân tộc, thì chừng ấy còn chưa thể nói đã nắm được công việc người làm thơ.
Nói như vậy tôi không có ý ép tất cả các nội dung đều diễn đạt bằng các hình thức thơ dân tộc. Hình thức thơ đó là cái áo của người thiếu nữ. Áo chật dài ngắn là phụ thuộc vào khổ người, còn mầu sắc của vải lại phụ thuộc vào nước da. Người gầy mặc áo hơi rộng chừng như béo hơn, người thấp mặc áo hơi ngắn hình như cao hơn, người có nước da trằng ưa mầu vàng và các mầu hoa sáng , người có nước da đen mới kỵ màu vàng làm sao! Chọn mầu áo, cỡ áo là một tinh tế, mọi sự bắt chước đều trở nên lố bịch. Sử dụng hình thức thơ chở nội dung của mình cũng ví như người học sĩ sử dụng bảng màu, có người đã sử dụng rất thành thục gam mầu nóng, có người ưa dùng gam mầu lạnh. Tài nghệ của người làm thơ được đánh giá cao trong việc sử dụng các hình thức thơ.
Lối thơ bảy chữ chuộng đề tài hồi nhớ lại quá khứ, biểu đạt một nỗi buồn, chạm khắc một phong cảnh, nối mạch một tự sự – Nhưng hình như kém chất bay bổng hùng ca.
Lối thơ sáu tám không điêu luyện để trở thành nôm na, dễ dãi. Cũng như lối thơ 4 chữ gần với thể vè.
Thơ tự do, rộng rãi trong cách diễn đạt, thích hợp với nhiều nội dung, giải quyết được nhiều tình huống phức tạp của tình cảm – những vừa dễ dài dòng kể lể, lại vừa dễ khơi gợi lòng tham. Và cái nhược của nó là nếu không diễn đạt thể hiện được mầu sắc Việt Nam thì lập tức nó như một dạng thơ lai, nhiều chất xám gần với thơ Đức, pha vị hoang dại lạ lẫm của câu chữ gần với thơ Châu Phi, tiền phong tình cảm dễ nhập vào dòng thơ Pháp, và xuôn xẻ  dễ gần với dòng thơ Nga…Chính vì thế, làm thơ tự do không bị gò ép trong niêm luật, nhưng quyết không phải là một hình thức dễ như mọi người quan niệm.
Loại thơ hai chữ, ba chữ nếu biết sử dụng thì chất nhạc rất nhiều và có thể được những ca từ xuất sắc.
Việc chia các khổ thơ cũng không thể tùy tiện. Có khi khổ 4 câu, có khi khổ 2, 3, cũng có khi khổ 8, hoặc 10. Sự tùy tiện trong việc chia khổ rất rõ nét ở các bài thơ hiện hành, đã khiến sự chia khổ chỉ là một công thức làm duyên. Cần phải có sự chia khổ thơ phải chặt với nội dung của từng khổ trong nội dung của từng bài.  Trong việc cấu tạo một tập thơ, việc sử dụng đa dạng nhiều thể loại là việc làm rất cần thiết. Vì cái nhịp đều đều về thể loại ở một tập thơ khiến người đọc dễ chán nản. Phải biết sắp xếp những thể loại khác nhau, góp vào việc gây ấn tượng cần thiết cho người đọc. Việc sử dụng nhiều thể loại khác nhau góp một phần không nhỏ vào sự thành công của tập thơ.
Đối với những thể loại gần với sự dễ dãi và vè, không có những cố gắng trong rèn luyện, lại dễ xẩy ra trường hợp làm văn vẻ. Bạn đọc sẽ xổ toẹt chính cái yểu điệu không phải lối của cô gái chát phấn, bôi son, mặc áo trắng bong vung vẩy cái chổi tổng vệ sinh đường phố.
Hình thức phá hoại nội dung như bỡn, vì thế muốn điều khiển những âm binh, người phù thủy còn cần phải biết trị những âm binh ấy khi nó phản lại mình.
Sử dụng hình thức thơ phải uyển chuyển và tinh tế theo từng nội dung định biểu hiện. Tấm áo may ô không thích hợp cho một người đứng đắn khi mặc ra đường phố. Những chiếc áo lót thơm tho thuộc về tình yêu. Chiếc áo dài thuộc về hội hè và ngày cưới, chiếc áo ấm thuộc về mùa đông. Màu xanh da trới hợp biết bao với sắc thu vàng, khi trên đường phố lanh lảnh những tiếng rao: Ai cốm mới!
Hãy mặc đúng mầu áo cho thơ, khổ áo cho thơ. Thơ chính là nàng, nàng đẹp biết bao, mà chiếc áo lại càng tôn thêm sắc đẹp của nàng, điều này nhiều khi vội vàng ta đã chót quên…

Sách Thủng Thẳng Với Thơ/ Chương 10
Mời đọc tiếp chương 11

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét