Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Sách Thủng Thẳng Với Thơ/ Chương 11/ Từ Trời Đất Đến Trăng Sao...

14 khúc Đó Đưa về thơ của Nguyễn Nguyên Bảy, viết vào năm 1975, và gần 40 năm sau, mới in thành sách, do NXB Văn Học ấn hành tháng 6/2011.
THỦNG THẲNG VỚI THƠ
  Nguyễn Nguyên Bảy, Đò đưa
Khúc 11/ Từ Trời Đất Đến Trăng Sao...


11/ Từ Trời Đất Đến Trăng sao…

Phải đến thế kỷ thứ 21, may ra bước chân của con người mới thực sự đặt lên mặt trăng, trong khoảng không vũ trụ mới bay lượn những con tàu…Nhưng từ vạn năm nay, trí tưởng tượng đã đưa con người tới đó. Xã hội vũ trụ trong trí tưởng tượng của con người cũng hệt như xã hội con người vậy, những thiên thần, thiên tướng, những tiên nữ, tiên đồng…Chẳng những thế mà còn có Giáng Kiều Tú Uyên bích câu kỳ ngộ, lại có thằng Cuội ngồi gốc cây đa, để trâu ăn lúa gọi cha hời hời…Với trí tưởng tượng, con người như có cánh bay, sao Hỏa sao Kim đều cũng hóa nên gần.
Trí tưởng tượng là một khả năng không hình dung được của trí tuệ. Người làm thơ không có trí tưởng tượng phong phú quyết không thể làm được những thi khúc hay. Cái tưởng tượng trong thơ ảo nhưng mà thực không nhưng mà có, vô lý nhưng mà hữu lý. Một phiến lá tre có thể hóa con thuyền trên dòng sông – rãnh nước trước cửa nhà. Một tiếng hót chim như bàn tay mở cửa mặt trời. Một tia trăng dọi qua cửa sổ mà ngỡ như chị Hằng buông mình xuống giường yêu. Óc tưởng tượng đưa con người đến những nơi xa xôi nhất, đến với những gì trừu tượng nhất; Óc tưởng tượng đã biến vạn vật xung quanh đập nhịp đập trái tim như con người vậy. Người không có óc tưởng tượng đã khiến rất tẻ nhạt trong cuộc sống hàng ngày còn nói gì đến việc làm thơ – hoặc làm bất kỳ một lao động sáng tạo nào khác.
Trí tưởng tượng có mức độ thượng và hạ cách của nó. Hạ cách của trí tưởng tượng diễn ra dưới dạng liên tưởng, suy tưởng. Dạng này thường nặng nề về hình thức, nêu không biểu đạt một cách tinh tế thì dễ sa vào sự gán ghép khiên cưỡng – gán ghép cho từng hình ảnh, hình tượng, gán ghép diễn ra trong từng câu thơ. Thượng cách của trí tưởng tượng là sự bay bổng của một tâm hồn thơ, một trí tuệ thơ, trong từng bài hoặc từng khổ thơ. Người đọc chỉ cảm thấy một cái gì say sưa, một cái gì cao hơn cuộc sống thực nhưng vẫn là cuộc sống, một cái gì rất thơ. Thượng cách của trí tưởng tượng sử dụng rất nhuyễn, rất ảo, rất lôgích một chuỗi hình ảnh, hình tượng xảy ra trong cuộc đời đã được thơ hóa bằng trí tuệ nhà thơ. Thượng cách của trí tưởng tượng là một nắm bắt khái quát cái ảo, cái thực, cái vô lý và cái có lý của thơ và không của thơ – nhưng phải biến tất cả chúng thành thơ…
Dù ít hay nhiều, người làm thơ nào cũng được trời phú cho họ óc tưởng tượng. Cứ nhìn vào hiện tượng các em nhỏ làm thơ thì rõ, trí tưởng tượng đã đưa các em đi rất xa, những điều các em viết ra đã vượt quá khả năng tiếp nhận của tuổi tác các em, và làm giật mình nhiều khối óc người lớn.
Tôi có biết một nữ thi sĩ lớp trước – chị viết được khá nhiều những thi khúc thành công, đọc thơ chị người ta dễ lầm kiến thức của chị, chị chỉ mới đọc thông viết thạo, nhưng trí tưởng tượng đã nâng bổng chị lên, những hình ảnh, hình tượng chị sử dụng tỏ ra chị có một kiến thức rất rộng, những hiện tượng của chị mới và hiện đại, đọc mỗi bài thơ của chị, những điều mình vẫn thấy hàng ngày bỗng trở nên đẹp hơn, chân dung hiện ra rõ hơn và mình đem lòng yêu cảnh đẹp và con người ấy. Tôi cứ nghĩ: Trời đã sinh ra chị để làm thơ.
Tôi hoàn toàn ngả theo quan điểm: Trí tưởng tượng vốn là một bẩm sinh.
Nhưng có thể trông cậy hoàn toàn vào nguồn bẩm sinh ấy để trở thành một tài năng? Điều này đã có rất nhiều người diễn giải để trả lời. Vì ai cũng đều cho rằng từ bẩm sinh đến tài năng thực sự phải trải qua một quá trình lao động cực kỳ gian khổ. Tôi thuộc về những người đế theo nhận định ấy.
Thơ chính là công trình mài một chiếc kim từ một thỏi sắt. Cái bẩm sinh trời cho chỉ là cái chất sắt mà thôi.
Lao động để hình thành một trí tưởng tượng bay bổng là một lao động vô cùng cực nhọc. Trí tưởng tượng vốn là sự trừu tượng, đã trừu tượng thì làm gì có sự cụ thể để so sánh, để gọt rũa, để gia giảm. Trí tưởng tượng thuộc về vốn sống, thuộc về tri thức văn hóa, thuộc về sự khám phá vũ trụ và con người. Do vậy, trí tưởng tượng trưởng thành dần dà như trái chín, trưởng thành ta không nhận biết, trưởng thành trong từng ngày ta sống, làm việc và học tập. Cho đến một ngày kia trí tưởng tượng cho ta cái tai của rơi, cái mũi của chó săn và đôi mắt đi đêm của vạc. Ấy chính là lúc trí tưởng tượng đã chín trái, ta đã làm chủ được con đường đi trên trái đất, đi đến trăng sao của thơ ta…
Uy lực của trí tưởng tượng như thế nào? Là con ngựa chiến của hình tượng và lưỡi kiếm thần của hình ảnh. Con ngựa chiến ấy có thể đến bất cứ nơi nào, bay qua một dòng sông, một trái núi đến nơi chiến địa, và thanh kiếm kia sẽ vang lên trong tiếng ngựa hý, quân reo. Trợ tướng của trí tưởng tượng là hình tượng và hình ảnh (cả cách nghĩ, cách cảm nữa!) Khi đã có một sức tưởng tượng lớn thì bất kỳ một tư duy khô cứng nào cũng đều có thể trở thành thơ. Tình trạng nghĩ chay, trí tuệ chay, sự khô cứng và lạnh lùng…đều do óc tưởng tượng không được chắp cánh của thơ. Như vậy, đủ biết trí tưởng tượng cần thiết đến ngần nào!
Óc tưởng tượng cũng bay bổng bao nhiêu, thì con ngựa chiến của hình tượng và thanh kiếm của hình ảnh càng thiện nghệ hơn trong bất kỳ trận đánh nào.
Trí tưởng tượng đến với từng câu. Có khi choán ngợp trong toàn bộ một khổ hoặc một bài thơ. Vì vậy khi trí tưởng tượng đã dẫn thơ đi, thì tức khắc ngòi bút phải ghi lại, phải cô đọng hoặc phát triển, không được để nó bay đi như cô gái giận dỗi người tình đến trễ giờ hò hẹn, vùng vằng bỏ đi.
Trí tưởng tượng lạ đến nỗi có khi ngay trong giấc mơ ta thấy mình đến hòn đảo lạ, biết bao nhiêu kỳ diệu của hoa lá cỏ cây. Có khi trí tưởng tượng vụt nhảy từ lĩnh vực hư sang một liên tưởng thực, một trừu tượng đến một cụ thể, một lý trí đến một hình ảnh.
Không vô lý khi thơ reo lên: Em muốn anh như bàn tay/ Xòe ra là gặp…
Hoặc: Cây cột đèn đầu phố rõ cao? Đây gánh nặng hai vai sà sứ/ Giống dáng đứng cha em làm sao/ Trạm biến thế gần ngã tư Hàng Đào/ Cửa sắt suốt ngày im khóa/ Mà dòng điện vẫn chia về mọi ngả/ Con nhớ dáng ngồi lặng lẽ của cha…(Thơ LPL)
Hoặc: Mới hay cái  kiếp đoạn trường/ Cởi ra chưa hết đã luồn thêm giây…( Thơ NNB)
Những liên tưởng bằng hình tượng, hình ảnh là những liên tưởng của thơ, chớ lầm những liên tưởng được nối một cách vội vã bằng chữ như, khi thì như thế này,  khi thì như thế khác. Chẳng những đó là những liên tưởng không đắt giá, mà còn là những liên tưởng lạm dụng, liên tưởng vội vã làm giảm giá trị của thơ. Thí dụ: Yêu anh như con, quí xăng như máu. Lối liên tưởng này có giá trị với sự cô đọng của một khẩu hiệunhiều hơn sự bay bổng của thơ. Nếu như những liên tưởng này, người cầm bút cố gắng đi sâu vào học tập, nghiên cứu và đặc biệt là vốn sống phong phú thì tiền đề ấy có thể mở ra một triển vọng rộng rãi, tươi sáng.
Việc lạm dụng những liên tưởng vội vã – bắc cầu bằng chự như – đã khiến người đọc nhìn thấy rất rõ bàn tay làm thơ của nhà thơ, chẳng khác gì một ảo thuật vụng về gây cho người xem một phẫn nộ vì bị lừa dối.
Đừng lầm hành trình của óc tưởng tượng với hình thức biểu hiện. Khi có triết lý: Mỗi người cần làm việc hết mình và khi đã làm việc hết mình thì lương tâm yên ổn. Với một nội dung như thế có thể lựa chọn nhiều hình thức biểu hiện, thể thơ tự do là đắt hơn cả khi diễn đạt nội dung này, nhưng nếu không chấp cánh cho óc tưởng tượng thì triết lý khô khan và rất chính trị kia khó lòng đứng nổi một bài thơ. Nhưng khi óc tưởng tượng đã cuốn nội dung ấy bay lên thì những hình ảnh, hình tượng cứ tự nhiên bay lên.
Hôm nào làm việc hết mìnhLà đêm ấy ngủ ngonĐêm nào em cũng ngủ ngon
Khi ngủCánh tay trần em gối đầuHai chân duỗi thẳngVà sau giấc mơ thoang thoảngCái đầu ngủ say…
Khi ngủChỉ có trái tim không ngủĐập nhẹ hơn ban ngàyNhịp đập êm như nôi quayVà vẳng giọng ru trầm dìu dặt
Ru rằng:Chân ơi hãy ngủ ngonEm đáng được ngủ ngon
Ru rằng:Đầu ơi hãy ngủ ngonEm đáng được ngủ ngon…
Nghe lời ru trong đêmEm yên lòng ngủ ngonNghe lời ru trong đêmEm đi vào ngày mới
Và em tin: qua ngày ngày tiếp nốiĐêm nào em cũng ngủ ngon…
(Thơ Lý Phương Liên)
Bài thơ có cái tên Lời Ru Trong Đêm - kể ra nó vẫn còn khô cứng và nặng nề. Nhưng chính nó đã thơ hóa được một triết lý cứng nhắc và đã là một bài thơ. Sở dĩ dẫn bài thơ trên vì sự thành công của nó không thuộc về hình thức mà thuộc về trí tưởng tượng, vì ngay cả hình thức ở đây cũng được óc tưởng tượng chắp cho đôi cánh thơ.
Nếu lầm giữa hình thức thơ với trí tưởng tượng thì sẽ rất tai hại, bởi lẽ dù hình thức thế nào cũng không thể cứu được một nội dung, nếu như hình thức ấy không chở một nội dung thơ, mà chỉ chở một nội dung khô cứng không thuộc về thơ.
Khi trí tưởng tượng đã cuốn thơ đi, thì sẽ không còn sự đơn điệu, sự diễn ca, diễn nôm, sự phân ảnh, sự mô phỏng, sự sao chép mà thơ rất kỵ.
Trí tưởng tượng là chất thơm của hoa, là sắc mầu của hoàng hôn và thảo nguyên, là tiếng hót của chim, là gió thổi, là vầng trăng…mà ở trên ta gọi khái quát nó bằng hình tượng và hình ảnh, những tự tình dũng cảm, mưu trí nơi trận tiến.
Ai bảo khi làm thơ hồn ta không bay lên trăng sao, không ngoạn du cùng tiên nữ, không hót cùng chim và không ra khơi lồng ngực căng buồm. Cho nên cái sung sướng của người làm thơ là được tắm hồn trong những vùng cỏ cây sông núi lạ, được nói chung ngôn ngữ với muôn loài, được tiếp cận tâm hồn với vô tri vô giác và tâm hồn đến với những tâm hồn. Khi hạnh phúc ấy đã ngấm vào máu thực người làm thơ, thì còn ai có thể giã từ thơ, dù thơ có mang lại cho đời những bất hạnh, những đau khổ.
Nhưng lại vẫn phải trở lại từ đầu, trí tưởng tượng nhà thơ là một quá trình mài thanh sắt lớn thành chiếc kim khâu xinh xẻo đang trong bàn tay trắng múp người yêu ta thêu thùa…Và người yêu ta soi tình trong gương, gương cũng sáng rạng ra, nhưng đó là sáng rạng mong manh, vụt đọng vụt đi mơ hồ như cánh chuồn chuồn. / Soi gương vui cả mặt gương/ Tình yêu nhón một cánh chuồn chuồn bay…/

Sách Thủng Thẳng Với Thơ/ Chương 11
Mời đọc tiếp Chương 12





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét