14 khúc Đó Đưa về thơ của Nguyễn Nguyên Bảy, viết vào năm
1975, và gần 40 năm sau, mới in thành sách, do NXB Văn Học ấn hành tháng
6/2011.
THỦNG THẲNG VỚI THƠ
Nguyễn Nguyên Bảy, Đò đưa
Khúc7/ Tung Cánh Đại Bàng
Nguyễn Nguyên Bảy, Đò đưa
Khúc7/ Tung Cánh Đại Bàng
7. Tung cánh đại bàng
Đối với người cầm bút đề tài nào là đề tài nên né tránh ?
Người cầm bút chân chính không thể né tránh bất kỳ đề tài nào. Nhưng vì sao lại phải đặt câu hỏi này? Có phải chủ thể của câu hỏi, là bây giờ – thời đại chính trị của chúng ta thì cái khó, cái nên né tránh mới xảy ra đối với người cầm bút?
Câu đáp là Không. Thời đại nào cũng có những cái đẹp, cái khó của nó và không cái khó, cái đẹp của thời nào giống thời nào. Ai dám bảo thời Nguyễn Du dễ viết hơn bây giờ, và ngược lại thời bây giờ khó viết hơn thời Nguyễn Du?
Đối với người cầm bút, có cái riêng của mình (cái riêng là bản chất của tài năng) thì xã hội thường không bao giờ dành cho họ những ưu ái mà cái riêng đó muốn. Lương tâm của cái riêng ấy không chấp nhận người cầm bút làm những gì ngược lại với lòng mình. Sống thành thực ở thời nào chẳng khó. Nhưng cái khó nhất là dám đem cuộc đời mình thách đố với những cản ngăn cái riêng cất lên tiếng lòng tranh đấu trực diện với một bên là cái phi luân dối trá, một bên là cái nhân đức trung thành, mà trong đấu tranh thì đổ mồ hôi, đổ máu thực không phải là một dị biệt. Trong cuộc đấu tranh ấy, những trận giáp lá cà, những trận đụng độ sinh tử thường được coi là những đề tài hóc búa, và những người cầm bút không có cái riêng thường né tránh những đề tài ấy.
Vì sao lại né tránh?
Né tránh vì sợ hãi. Sự sợ hãi ở đây đi kèm với ươn hèn vì nỗi lo bị dồn đẩy vào cuộc sống chết mòn – đúng nghĩa. Tay đời ( không vô hình!) nắm dạ dày và thắt nó lại. Đụng độ với những đề tài hóc búa thường là ngay tức khắc niêu cơm bị cướp giật, bị đe dọa, gương mặt của vợ hiện ra như một giao hưởng bi thương và ngôn ngữ thường trực của con là : Cha ơi, con đói!
Cho nên, tự do theo nghĩa hẹp về thân xác là rất cần thiết đối với người cầm bút. Giá như không có cha mẹ, giá như không có ruột thịt, giá như không cần lấy vợ và sinh con. Vì sao lại giá thiết vậy? Giản đơn là: Tội tru di tam tộc ở đây đã biến tướng, nặng không kém gì thực tội của nó. Bố mẹ nhìn nhận đứa con mình như một tên phản bội, vợ con, anh em bị giám sát, không công ăn việc làm, và với xung quanh đã trở thành đối tượng nhìn ngắm của những con mắt: gia đình một tên phản bội. Chính vì nỗi sợ người nọ bị liên can, người kia bị họa vì mình, nên thấy sợi ràng buộc hay sợi giá ghê gớm quá buộc đời người phải sống cùng hèn nhát. Như con đà điểu úp mặt vào cát nóng, người cầm bút đau lòng quay lưng lại những đề tài mà lương tâm bứt rứt.
Người ta đã sai lầm khi nghĩ rằng chỉ có một loại động cơ thúc đẩy tiến hóa xã hội là những lời ca ngợi trống rỗng và lừa mị. Còn việc vạch ra những yếu kém, những tồn tại của một xã hội đang xuống cấp thì lại là tội lỗi. Một con người, là một đơn vị cụ thể, nhỏ bé so với bao la xã hội triệu triệu người. Con người cụ thể nhỏ bé ấy trong đời còn có bao lầm lỗi, huống chi một xã hội người, bảo sao lại không có những tồn tại tôi ác. Mâu thuẫn xuất hiện. Chẳng lẽ viết về cội nguồn mâu thuẫn ấy là có tội? Viết về cái thật cái giả là có lỗi?
Cô giáo H.(*) lành hiền, sau hơn 50 năm đời sống đã đưa ra mười định nghĩa cho hai phạm trù thật-giả, lỗi-phải như sau:
“Bàn về Chân và Giả”
1. Chân là thật , còn giả là tạo ra cái thật, ở thế kỷ này thật giả khéo như nhau. Trắng lẫn đen. Vàng thau trộn sắc, mà vẻ giả lại choáng lòa hơn sắc thật.
2. Niệm trú “Kim Cô” kể cả tài Đức Phật cũng không phân thật giả giữa hai khỉ nhe răng. Chúng đều ôm đầu, đều kêu buốt trong tâm. Đều cầu khẩn xin Phật tin mình là khỉ thật.
3. Ngơ ngác quá tôi gào cùng trời đất: Đâu gian tà? Đâu chính nghĩa? Đâu trong sạch? Đâu thối tha? Ai ngụy trang? Ai mộc mạc? Ai kẻ cướp? Ai bà già? Hay chân lý chỉ là danh từ chưa bao giờ có thật?
4. Tôi đi giữa thác người như đi trên sa mạc, chới với đuổi theo một cái gì ảo ảnh tít mù xa, chân lý nơi đâu? Bên Tàu, bên Nhật hay bên Nga? Mà nước Mỹ nữ Thần Tự Do vẫn hồng tươi sắc mặt?
5. Ôi mỉa mai, viển vông và huyền hoặc. Họng súng đen ngòm, hay lí lịch ông cha? Lý tưởng vữa tan khi ánh sáng chói lòa và chính nghĩa đã thành khuôn lệch lạc.
6. Đúng hay sai? Hỏi những người rút ra nhiều qui luật. Trong thế giới vi mô: 1 với 3 lại có thể thành 2 ( Mẹ với Ba là hai!). Thuyết nhân quả ra sao? Định mệnh nào xô đẩy chúng ta? Sác xuất rơi vào ai? Hỡi những vì sao chiếu mệnh?
7. Ánh sáng xanh kia mấy nghìn năm tới đất? Để nắm xương tàn dưới mộ được cười reo. Nhờ số may nên đã thoát cảnh nghèo. Cứu cánh cuộc đời được vùi sâu ba thước đất?
8. Tôi đang kêu bỗng ngẩn người im bặt. Thấy mình điên giữa thế giới đảo điên…Trời đất quay cuồng, mọi vật thể nghiêng nghiêng và méo mó, không dáng hình nào thật.
9. Có hay không? Trái đất này hư hay thật? Ai bầy trò ảo hóa để lừa nhau? Một kiếp phù sinh ai suy nghĩ mà đau. Hẳn người đó chắc là còn chân thật.
10. Ôi! Đời này đã quen quay 6 mặt. Xét lại điều đúng đắn của ông cha. Còn tìm đâu ông Max, ông Phật, ông Giêsu! Bốn xung quanh chỉ toàn nhà ảo thuật!…/
Tôi không bình luận gì thêm về 10 định nghĩa này, thực ra không phải là 10 định nghĩa mà chỉ là một tiếng than. Sau khi nhập tâm lời than van này, tôi đã muốn vào chùa, xuống tóc đi tu.
Dẫu không dài đời cũng trăm năm/ Sao chẳng trăm năm nương cửa Phật / Bể đời khổ sao bể đời vẫn chật Nào mấy người vào bể Như Lai (Vào Chùa/ Thơ NNB)
Tôi đã vào chùa, sư nhìn ngắm một hồi rồi bảo không có căn tu, đuổi về. Tôi không giận cái sự đuổi ấy, bởi tôi đã ngộ: Bế đời khổ sao bể đời vẫn chật/ Nào mấy người vào bể Như Lai.
Tôi còn biết rất nhiều con người tâm huyết đã tự đau khổ. Nỗi đau khổ nghịch lý, như không có thật, ngoài tầm với của mình. Đó là nỗI đau khổ câm nín. Nhiều câm nín tạo thành một đa số im lặng. Nhưng cớ gì lại có cái đa số im lặng khủng khiếp ấy? Thơ lần mò tìm câu trả lời.
Lương tâm không có lưới nên không thể nói ra tiếng những phẫn nộ dồn nén, mà lương tâm vốn lại trừu tượng, không như gan – chức phận làm ra máu và dạ dày – chức phận co bóp thức ăn… ôi,cái dạ dày nhục nhã. Nếu như không có cái dạ dày, con người đã không cần ăn mà vẫn sống! Quá đỗi tiếu lâm, nếu thêm mệnh đề cho câu trên là con người không cần ăn vẫn cứ phát mình được đủ điều kỳ diệu cho con người. Tiếc thay tranh dành cấp độ sướng của miếng ăn lại là mục đích của sinh tồn, sinh lý.Sự thực là, chính cái dạ dày nhục nhã đã buộc người cầm bút phải né tránh những đề tài mà đụng vào nó sẽ không có cái để đưa vào dạ dày qua miệng. Dạ dày chính là nguyên nhân của mọi sản phẩm hèn nhát.
Ở trên, tôi đã dành nhiều dòng than van sự khổ sở của mình. Hầu như chưa bao giờ tôi lại không bị cái đói khủng bố. Cái đói quyền uy, chỉ cần tôi đầu hàng nó, lập tức số phận tôi được thay đổi. Tôi có gan đầu hàng? Không. Lương tâm tôi đã tự nhai cái đói.
Những đề tài mà bất kỳ người cầm bút nào cũng cho là hóc búa, cần né tránh, lại chính là đề tài mang tính bất tử. Anh nói về hồn xác của anh, hay anh nói về cái bóng giả của chính anh trên tường? Anh nói về tình anh yêu người con gái ấy hay anh nói về những chiến công đã lừa dối được họ? Chỉ có sự chân thật mới bất tử. Bởi sớm hay muộn người ta cũng nhận ra vàng và thau, đen và trắng. Bởi sớm hay muộn anh cũng phải chấp nhận dấu chấm hết cuộc đời. Xác thân của Vua hay thân xác kẻ ăn mày chôn xuống đất đều nát mục như nhau.
Thế thì có gì đáng sợ sự tuyệt thực của dạ dày. mọi lời đe dọa khủng bố có ý nghĩa gì đâu. Cũng một đời làm chim, chim cu đất kia, mi làm sao biết được sự bao la của vũ trụ. Cánh đại bàng dang ra, cánh đại bàng phơi trong mây nắng, đai bàng bay cùng tiên nữ, thiên thần. Có nghĩa gì cái tổ nhỏ bé của cu đất với căn nhà là bầu trời xanh của đại bàng. Có nghĩa gì tiếng ton hót nịnh của cu đất với tiếng gầm vang của đại bàng báo bão!
Không có một đề tài nào là đề tài cần né tránh chỉ cần tránh né sự phản bội của con tim.
Dám viết những đề tài khó – Những đề tài phải hy sinh sự sung sướng cá nhân mình – mới xứng đáng là người cầm bút. Những đề tài khó này không mang lại cho bản thân anh sự sung sướng kể cả vinh quang, nhưng nó sẽ không phản bội cuộc đời cầm bút của anh và nó tự tồn tại với sự bất tử của chính nó. Mai đây – mai đây, không là xa – khi con cháu anh, đồng bào của anh nhận ra chân giá trị của thơ anh. Không còn nghi ngờ gì nữa: Thơ là một nghệ thuật tuyệt khó, vượt qua ghềnh thác mà đi vào động phúc!
Đã có biết bao sự hy sinh. Những hy sinh ấy đã từng bị nguyền rủa, đã từng bị báng bổ, đó là sự hy sinh của người mở đường. Kính viếng hương hồn và sự hy sinh thân mình của các thế hệ đàn anh. Lớp lớp người sau cũng vẫn mở đường, may thay đã rút ra được những bài học quí giá, để trên con đường qua ghềnh vượt thác ít phải đổ máu, ít phải gian nan, mà tới được đích, mà thành tựu.
Chim bằng ngoan của em ơi
Đêm nay ngon ngủ sáng mai lên đường
Em ngồi nhìn ngắm yêu thương
Cho no mắt nhớ ngày thường chim bay
Em muốn anh như bàn tay
Xòe ra là gặp
Chim bằng trời biếc
Chim bằng con trai
Ngủ ngoan anh nhé sáng mai lên đường…
(Lý Phương Liên)
Anh không là chim bằng, dù em ví von thế, anh chỉ là một người đàn ông, một người đàn ông cầm bút. Anh nuôi bằng máu những dòng viết của mình, chẳng mưu đồ, chẳng tham vọng những dòng viết ấy lưu nơi thiên cổ, mà đơn thuần chỉ muốn thưa gửi, trước là với em, sau là lời răn dạy con cháu tu thân đức tin và hãy tin ở trong sạch của lương tâm con người. Anh sẽ chẳng đáng mặt đàn ông, càng chẳng đáng mặt người đàn ông cầm bút, nếu như anh bán rẻ mình lấy tấm áo đẹp, lấy miếng ăn ngon, lấy danh vọng hão huyền…Anh không đợi đến sáng bừng con mắt mới lên đường, anh đã khởi hành cùng với tiếng ru êm ái của em, anh chẳng để hổ thẹn những lời ru tin yêu ấy.
Bầu trời của chim, trái đất của chim, đồng loại của chim, tất cả mọi buồn vui sướng khổ, tất cả mọi hoan nạn…mời đi cùng anh. Anh đã đang và sẽ sống hết sức mạnh của trái tim mình, đã viết đang và sẽ còn viết mãi. Viết cho đến khi thân xác anh gục xuống, mời ngọn lửa đốt thiêu, trái tim cháy mà không bao giờ tắt, cháy và không bao giờ ngừng đập, cháy mà vẫn đỏ nguyên một khối – Tình…
(*) Cô H. là bạn của thầy tôi, Đỗ Đức Vượng, đã cho tôi qua thư những dòng bàn về Chân và Giả, đầu năm 1975, lúc tôi viết loạt bài này. Từ đó đến nay đã ngoài 36 năm, tôi mất liên lạc với cô, không biết hiện cô còn hay mất? Em cúi lạy xin chữ cô.
Thủng Thẳng Với Thơ/ Khúc 7
Mời đọc tiếp khúc 8.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét