Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Chém Gió Muôn Mầu 2/ QUẦN HÙNG CHÉM GIÓ TÔI, 15 NHỊP/ 4



QUẦN HÙNG CHÉM GIÓ TÔI, 15 NHỊP

Văn đò đưa

1. Hoàng Như Mai
/ 2. Tùng Bách/ 3. Hạt Cát/ 4. Phùng Thành Chủng/ 5. Đinh Ngọc Diệp/ 6. Trần Vân Hạc/ 7. Hoàng Việt Hằng/ 8. Nguyễn Văn Hòa/ 9. Hoàng Xuân Họa/ 10. Tô Hoàng/ 11. Nguyễn Minh Khiêm/ 12. Nguyễn Mộng Nhưng/ 13. Hồ Bá Thâm
/ 14. Minh Thi / 15. Nguyễn Anh Tuấn

4.  N h à  v ă n    P H Ù N G    T H À N H   C H Ủ N G


 
ĐỌC THƠ NGUYỄN NGUYÊN BẢY
PHẢI CÓ NHIỀU KIẾN VĂN

Tình cờ qua mạng, hưởng ứng bộ sách “Thơ bạn thơ” và “Văn bạn văn” do Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên chủ trương, tôi được nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy tặng tập thơ “99 khúc tặng Liên” của anh (tập thơ được nhà thơ Lý Phương Liên biên tập tuyển chọn – NXB Văn học ấn hành tháng 9/2012).

Đọc chậm vài bài và đọc nhanh vài lần cả tập, cảm tưởng của tôi là muốn giải mã được “99 khúc tặng Liên” của Nguyễn Nguyên Bảy đòi hỏi người đọc phải có rất nhiều kiến văn. Bởi “99 khúc tặng Liên” cũng là 99 bức tranh đẹp không phải chỉ dành cho riêng Liên: “Tuy thế tôi không chỉ lan man về vợ…”

Đó là những tri thức về lịch sử, địa lý, về văn hoá xã hội (tín ngưỡng phồn thực, tâm linh…) và văn học dân gian. Và nữa, phải có sự hiểu biết về triết học phương Đông nói chung và Đạo học nói riêng. Cho nên “99 khúc tặng Liên” cũng là những trắc nghiệm với những ai có hứng thú rà soát và kiểm tra 99 cánh cửa kiến văn của mình. Đấy là chưa kể khi “đọc” Nguyễn Nguyên Bảy là lúc đòi hỏi người “đọc” tâm phải tĩnh và thần phải định. Vậy xin được “nhái” lời tiên sinh Thánh Thán: “Chẳng cũng sướng sao” để minh chứng cho nhận định trên (chứ không dám nhận là đã giải mã được) khi viết về “99 khúc tặng Liên” của Nguyễn Nguyên Bảy.


Không phải vậy sao khi chạm tới “…nỗi buồn vô vi”? Nhưng sao lại “…nỗi buồn vô vi”? Bởi vô vi là đã tìm về với nhất nguyên, là đã đạt đến Đạo – Đạo Một, mà buồn (nhị nguyên) thì chưa vô vi! Liệu có gì mâu thuẫn chăng(?). Không, đó chỉ là cách nói của Nguyễn Nguyên Bảy. Bởi thiền cũng có thiền tĩnh, thiền động, thì vô vi cũng có vô vi mà chưa vô vi, không vô vi mà vô vi.


Không phải vậy sao khi người đọc bắt buộc cứ phải am  tưởng đến những: “Mẹ tròn con vuông”, “Trời tròn đất vuông” và: “Đời cha cho chí đời con đẽo vuông rồi lại đẽo tròn mới nên” trong kho  dân ca, ca dao, tục ngữ…


Không phải vậy sao với “Những mắt gai sầu riêng làm cháu tôi đau”, “Lúc chính Tý trời sơ sinh đỏ hỏn” (Bản chính thức in là hòn), ”Cảm ơn trời bữa kia chính Ngọ”; rồi nhờ chiếc laptop anh có thể lập trình và làm xong 50 việc cần làm trước khi về với cát bụi nhưng đã phải “Cắn cười tôi cầu xin tôi” nếu không muốn là người lỗi hứa, vì có những việc máy móc (dù có hiện đại tới đâu) cũng không thể thay thế được con người. Đó là lời hứa với cháu con, với những trang viết riêng tặng bạn bè và với người bạn đời”…cùng em bơi qua bể con về đến vườn người”


Không phải vậy sao khi đó là ”Tam tài”, là Thiên, Địa, Nhân, là tình mẹ, là cõi nhân sinh, là “Dịch”, là lẽ biến: Thiên địa bĩ và Địa thiên thái – 2 trong số 64 quẻ của Dịch.


Không phải vậy sao: Ban mai đã không tự tử hay nhờ “thoi đưa thời gian’ và “tạ ơn trời kịp thức thiện lương” mà đó là một ban mai khác đựơc gói ghém trong một chữ “thời”.


Không phải vậy sao bởi có những câu cứ ngỡ như ú ớ, ngỡ như đựơc viết trong cơn mê sảng nhưng lại là bức thông điệp gửi người bạn đời (mà không chỉ riêng cho người bạn đời) và với:”Nhện buồn sao chửa giăng vui/ Chấu chưa cắn hết những lời tro than” người đọc không thể không liên tưởng đến câu: “Buồn như chấu cắn” (Tục ngữ). Rồi, nếu nói “thi trung hữu hoạ” (trong thơ có họa) thì đây: “Em rạng ngời gương nguyệt”. Một câu thơ hay, đẹp và sang trọng mà không phải ai cũng viết được khi muốn ca ngợi gương mặt của người bạn đời của mình


Không phải vậy sao khi tín ngưỡng phồn thực cũng không ngoài thuyết âm dương với những câu thơ khó… viết về những điều khó viết: “Sướng đỉnh phóng lúc trăng buông”. Nhưng trên hết vẫn là sự thủy chung với những câu thơ tưởng như ngô nghê, tưởng như dễ dãi nhưng chẳng ngô nghê, dễ dãi chút nào: “Thi nhân cười gạo sôi vung/ Đũa cả em ghế một vùng tám sen/ Này giò này chả này nem” (Bản chính thức in là men!)

Không phải vậy sao với một căn nhà được thiết kế: “Chu tước thoải bờ sông/ Vườn rừng xanh Huyền vũ” (Bản chính thức là huyền vũ: chữ huyền không viết hoa)

Không phải vậy sao khi trong “Tiếng gù bồ câu trống – 1”, “Tiếng gù bồ câu mái – 2”, “Bất ngờ Picasso – 3” là âm dương, ngũ hành; là tương sinh, tương khắc; là đạo Càn Khôn, là Dịch:
“Chim vợ gù giọng thủy
 Chim chồng gù giọng thổ
… Thủy thổ âm dương tương khắc
… Khắc này là khắc tương sinh
… Chim trống gù đàn ba dây.
Chim mái gù đàn sáu khúc
Đàn ba dây là Càn tam liên
Đàn sáu khúc là Khôn lục đoạn
… Khắc này là khắc tương sinh
… Cầu cho tình tu thân đắc trung đắc chính
Đắc câu văn người vợ mình”


Không phải vậy sao khi tác giả đã “dụng” đến quẻ “Khổn” để luận về những nhân vật văn học và nhân vật lịch sử:


“Khổn chị Dậu, khổn Thúy Kiều
Đâu phải khổn nào cũng khóc
Đầm kiệt làm gì có nước
Khổn Thị Nở, khổn Chí Phèo
Rạch mặt chửi cả làng Vũ Đại
Cháo hành lò gạch trăng mơ
Khổn Cao Bá Quát thánh thơ
Gươm đàn kháng khổn
Tru di tam đại về trời
Vận khổn chẳng dám lộng lời
Cười qua khổn vói gọi trời mưa bay
Trạch kiệt rồi trạch lại đầy

Không phải vậy sao, nếu không có sự hiểu biết về Phật pháp và thiền:

“Hoa đã tàn và hoa sắp nở
Trong bờ giác hoa đốm hư không
… Gió ở quanh ta nhưng gió vô hình
Không nhìn thấy mà thịt da cảm được
Phước cho đời.
Phật ở trong tâm nên Phật vô lượng Phật”

(077. Ngưỡng Phật)
Và nữa:
“Yếm thắm không bỏ bùa sư
Mà sư cứ đòi xoa yếm thắm
Mẹ bảo này trọc đầu
Trong ngực tôi có Phật
Trọc đầu có sợ ố cà sa?
… Tôi ấp môi son vú mẹ
Lè phè nằm nghe Phật hát
… Ngày tôi phải rời xa yếm thắm
Mẹ bảo từ nay trong ngực con có Phật
Con thưa trong ngực con có mẹ”
(070. Ba khúc dâng mẹ: 1. Phật hát.)
“Con biết ở cõi trời
Mẹ muốn khóc cũng không thể khóc
Vì thế ở cõi người
Ngày ngày con đem tiếng khóc mẹ ra phơi
Lạy trời đừng phạt mẹ tôi
Tội đón nước mắt con bay ngược về mắt mẹ
Để mẹ lại được khóc
Âm dương cũng đạo làm người”
(070. Ba khúc dâng mẹ: 2. Mẹ khóc)
“Lạy Càn Khôn, tôi nguyện sống tu thân  theo mẹ
  Sau trăm tuổi xin cho tôi về làm mùa tứ qúy
 Để tôi hầu hạ mẹ tôi…”
(070. Ba khúc dâng mẹ: 3. Mùa tứ quý)
Rồi ngay cả trong những trang nhật ký được viết thời gian ở Mỹ:

“Phật thủ ngâu hoa nhắc nhở lời tịch diệt
… bền gan ngộ huệ không sân si
… Từ bể khổ được lên thuyền Bát Nhã
… Ăn mày Phật, ăn mày Bồ Tát, ăn mày chúng tăng tam đại đồng đường trong ngôi chùa Việt nhỏ mà nội lực sinh tồn vạn đại, toàn năng cứu độ chúng sinh.
… Đấng toàn năng đang hỉ xả tươi cười
… Tháng bảy quê nhà đang mùa báo hiếu…”

(064. Nhật ký Seattle, 3: Chùa Việt ở Seattle)

Và:
“Tàn nhang em lại thắp nhang. Thắp cùng Nam Mô. Xin Nam Mô cho được thành đàn bà. Thành đàn bà chết mới được siêu…
… Giải cứu chúng ta khỏi sân si danh vọng khỏi tham nhũng kiếp khỏi truỵ lạc phận.
… Trước lối vào khoang trăng mật bầy hai vạc than. Vạc tay phải đốt mã chiến tranh. Vạc tay trái hoá vàng sân si kiếp gửi.
… Trăng cười phơi phơi. Gió cười phơi phới. Âm dương phơi phơi tít mắt

(063. Nhật ký Seattle, 4: Tuần trăng mật kỳ lạ)

Không phải vậy sao, nếu không có sự hiểu biết về tín ngưỡng dân gian cùng các lễ tiết trong năm và những nghi thức trong đạo thờ cúng tổ tiên ông bà:
“Năm nay dương gian cầu xin nhiều quá
Cá vàng thả đỏ sông quê,
Lửa hoá vàng cháy sôi bến nước
… Hạ thủy thêm thuyền Bát Nhã độ chúng sinh
…. Độ chúng sinh là việc Trời việc Phật.
Cát hung cứu giải hà sa
… Phật mở ngực bắc những cầu dải yếm
Vẩy nước phúc tiễn hồn cập bến
… Bể đời mang mang thả ngư cầu long
… Tràng hạt lần tay mò mẫm
Thăng hồn gõ mõ tụng chuông….

(067. Nam mô Tết)
Rồi với “Sông Cái mỉm cười”:
“Anh thả tro bụi cha vào sông
Xin mát mẻ hồn
… áp thấp gió mây cờ xí
Quân hồn ngợp trời nước lửa
Chiến thuyền phủ kín sông trăng
Cha thiêm thiếp nằm nghe bão nổi
… Củ khoai thờ ngoài đình làng
Cha thắp nhang tạ củ khoai thần
Trước một lễ hội rước dâu
áo đỏ áo xanh trăm sắc ngàn mầu
…. Sông hồn hắt đầu sôi
Khí hồn bắt đầu thăng
… Cửa mả mở
Với anh ba ngày như mới hôm qua
Một đời như mới hôm qua
Cha anh còn sống hôm qua
Mà hôm nay đã âm dương hai cõi…,
… Đón gạo thơm và muối trắng
Con trai anh rắc xuống như hoa”

(041. Sông Cái mỉm cười)

Và với “Mười Rằm Mồng Một”:

 Cha không biết mình thuộc chi trứng nào ngày xưa xuống biển
Nhưng đều đặn suốt đời mồng một lịch trăng
Cha thắp ba nén nhang lạy về hướng biển
Mẹ không biết mình thuộc chi trứng nào ngày xưa lên rừng
Nhưng đều đặn suốt đời mười rằm lịch trăng
Mẹ thắp ba nén nhang khấn về hướng núi
…Môn tiền trông về hướng biển
Sáng mồng một cha thắp hương
Môn hậu trông về hướng núi
Đêm rằm mẹ vọng nhang…
Và tôi sợ đêm rằm nhất
Sợ lời giải cầu của mẹ linh thiêng
… Mẹ ơi lạy mẹ đừng khóc
Đừng bán khoán con cho đền phủ làm gì
… Những tích đời mười rằm thắp hương
… Những tích đời mồng một vọng nhang”

Không phải vậy sao khi thơ còn bị (được) quy chụp là mất lập trường là mơ hồ giai cấp, mơ hồ trong quan hệ địch ta, là diễn biến hoà bình, là chủ nghĩa nhân đạo chung chung, thì những câu thơ đáng lẽ phải nhận đựơc sự đồng thuận (từ lâu rồi) nhưng liệu đã có được sự đồng thuận:

“Hai chục năm sau chiến tranh. Con trai tôi đến Mỹ. Học người thua trận. An ủi người thua trận.
… Nhân loại là cả nhà. Việt Nam là cả nhà. Mỹ là cả nhà. Nhà ta là cả nhà. Nhà người là cả nhà. Hello! CẢ NHÀ TA CÙNG THƯƠNG YÊU NHAU, XA LÀ NHỚ, GẶP NHAU LÀ CƯỜI…”

Không phải vậy sao nếu không có tâm chánh niệm để ngộ được lẽ huyền không mà thuận với tự nhiên và đạt đến cảnh giới thiền:
“Hai mình mà xưng một mình. Bởi nghĩ, tình tới bến Bồ Đề nở một giọt hoa…Một mình. Mặt trời không cho mình quyền đi nhanh hay bước chậm, mặt trời tôn trọng quy luật, không nản lòng , không nhàm chán lập đi lập lại quy trình trường sinh bất lão.

…Cúi lạy đức tin. Đức tin tên là Giác, tên là Phật, tên là Jêsu Cơrít, tên là Thánh A la. Người Seattle tu tại gia mà đắc Đức tin. Còn chúng ta, hình như chúng ta hỗn tạp đức tin, thờ mọi loại thánh thần mà lòng  chẳng biết thiêng ai.

… Một mình. Hai mình mà sống với nhau cả đời chưa thành một thì cộng đồng nhiều mình, xã hội triệu mình, nhân loại tỷ mình, âm dương làm sao đồng nhất mình, ganh ghét, oán thù, chiến tranh tự nhiên như giông bão.

… Bỗng nhiên. Lòng bảo nín không lạm chuyện sân si. Gật đầu nín. Mặt trời đã là là mép nước. Nước sóng sánh như bạc trắng. Như mặt người cười xán lạn. Chỉ mình tôi, có lẽ thế, ngồi ngắm mặt trời lặn, ngược sáng , tối thui.

… Mặt trời đang lặn. Tôi tin mặt trời không buồn vì biết mình sắp lặn. Tôi tin tôi.

… Cỏ lau nơi này thật tội nghiệp cỏ lau, vô ảnh vô ngôn không sắc không hương.

… Thưa mặt trời có phải Người đã đắc bồ đề tâm chói lói?...

… Tôi tu thân chân đã tới cổng bồ đề, tham ganh chưa hẳn đã tuần triệt hết, nhưng mắt đã sáng vào trong bồ đề…

… Hơn bốn chục năm hoan phối âm dương….

…. Trời đất cách xa nhau là thế mà nào có than thở xa xăm, cớ chi ngồi bên nhau em hát khúc Đôi Bờ…

… Mặt trời xuống hết, như một nhát lửa phóng thẳng, cấn vào huyệt thủy mà sinh ra Thiếu Dương. Ngày mai từ đó bắt đầu lớn dậy Thái Dương. Tôi ngộ trọn lẽ điều lặn mọc, dù ở Seattle hay ở quê tôi. Một mình: Tôi tin mặt trời không buồn vì biết mình sắp lặn. Tôi tin tôi.”
Không phải vậy sao khi phận số mỗi người đã đựơc lập trình và được các ngôi sao trong khoa Tử Vi định vị:
“… Gặp Lục Sát nói lời giông bão
Chơi đao sao thoát họa hình đao
Gặp Lục Bại nói lời ngọt ngào
Vỗ về nỗi đau phận số
Gặp Đào Hồng mắt cười mắc cỡ
Đưa đò khăn gối yếm thêu.
Gặp lưỡng Lộc 
(nguyên bản là lưỡng lộc – chữ lộc không viết hoa) kể đời Kiều.
Khuyên tiền bạc làm điều nhân đức”

(057. Tự thuật bốn đoạn: 4. Đoạn pháp)
Rồi với “Tinh tú ngộ duyên”:
Các chòm sao Tử Vi sáng tối lập loè
Mười hai cung giấy bản
… Mệnh người an tại Hợi
Chính tinh Thái Dương, Thiếu Âm
Cách Nhật trầm thủy đế
… Quan Lộc ngủ chìm trong nước
… Khôn sinh con sao Càn lại an bài
… Trí huệ phi tinh tối sáng
… Ngửa mặt hỏi Càn trong đục

… Võng Khôn tay mẹ xoa đầu
… Bằng lòng nhận mặt trời đêm
Thủy nặng lắng bùn nhập thế
… Khỏa nước đón ảnh trời
Nước nổi Kình Dương trống mõ
… Tử Phủ đồng cung nhấp giọng…”

(012. Tinh tú ngộ duyên)

Không phải vậy sao với những bài thuốc dân gian được truyền khẩu có tác dụng như một thứ bùa ngải để giữ gìn tình yêu:

“Anh tin những giọt sữa sừng tê
Em mài trong đĩa nước mắt
Anh tin thứ mộc nhĩ
Xắt chỉ bằng lưỡi dao tình
Táo tầu tháng xuân gừng già tháng hạ
Sắc liu diu trong lửa trăng xanh
Anh tin thứ nghệ vàng
Trộn với đương quy trắng,
Với tam thất bột pha mật ong rừng
Nêm tám  giọt sữa trinh uống sống…”

Không phải vậy sao khi trở lại với tín ngưỡng dân gian, với âm dương ngũ hành, với bát quái, với Dịch:

“Mẹ gieo quẻ tiền chinh
Hai chinh úp sấp
Công sinh thành con chưa báo đáp
… Lôi phùng Phong quấn quýt Quẻ Hằng
… Mẹ khấn thầm gieo quẻ tiền chinh
Hai chinh ngửa cười
Mã quẻ chinh thần thánh không lời
… Mẹ gieo quẻ tiền chinh
Một chinh cười
Một chinh khóc
Mẹ tạ âm dương…”

(010. Thuyền tình)

Và với “Kinh thành cổ tích”:

“Nơi ấy
Tôi là đứa trẻ đẻ rơi
Mẹ trẩy hội trên cầu dải yếm
Các bà tiên chuyền tay nhau bú mớm
Chuyền tay nhau hát hò
Chày Yên Thái tôi nghe
Trái bàng rơi tôi nhặt
Gạo làng Gióng tôi ăn
Sông Cái lắm thuỷ thần
Rằm Mồng Một dâng hoa chùa Bộc
Nơi ấy
Các bà tiên dạy tôi biết khóc
Các bà tiên dạy tôi biết cười
Các bà tiên cho tôi giấy bút
Dạy tôi vẽ lên trời hình Rồng thăng
Dạy tôi chép chữ thành vần
Dạy tôi làm chồng, làm vợ
Năm ấy sấm Trạng Trình ran nổ
Trời thật nhiều đạn bom
Nơi ấy lẽ Càn Khôn
Các bà tiên lần lượt về mây trắng
Con đưa mẹ đến đầu cầu dải yếm
Mẹ trắng vào mây
Mẹ thăng vào gió
Mẹ đi trẩy hội Tiên Rồng …”

Không phải vậy sao với những khúc nghe như đồng dao nhưng không phải cho trẻ con mà cho người lớn (“Đồng dao cho người lớn” – chữ của Nguyễn Trọng Tạo) mà đâu có phải ai cũng “ngộ” được

“… Đùa nước thả đàn vịt cỏ
Vịt giấy tom tom qua thác
Gió cho vịt cánh
Chát chát  qua ghềnh
Quần mưa áo nắng
Bắt con cá chao đào con cua trốn
Cứ thế thuyền trôi
Sông đời ơi có về xuôi?
Ơi! Ơi! Ơi!
Thuyền đời người xuôi được
Sông đời làm sao xuôi?
Về xuôi bỏ nguồn cho ai
Bỏ thác bỏ ghềnh cho ai
Không giông không gió
Không thác không ghềnh
Làm gì còn sông đời
Cho người yêu sông xuôi xuôi xuôi
Thế nhé chào thuyền xuôi …
Ừ xuôi ừ xuôi ừ xuôi …”

Đến đây xin được khép lại bài viết này với liên tưởng “ 99 khúc tặng Liên” của Nguyễn Nguyên Bảy như một tấm kính chiếu yêu. Cũng: Hưu, Sinh, Thương, Đỗ, Cảnh, Tử, Kinh, Khai 8 cửa mà kẻ liều này cứ xông bừa vào! Chỉ mong không lầm nơi cửa Đỗ, cửa Tử, cửa Thương, cửa Kinh, cửa Hưu và kịp còn khi ngoảnh lại:“Soi mình vui cả mặt gương” (026. Ngã bảy) thì…Ôi! Nếu mà được như vậy thì… thì kẻ liều này xin lại được nối điêu Thánh Thán: “Chẳng cũng sướng sao!”

Phùng Thành Chủng(Xin xem thêm bài: Đặc sản Nguyễn Nguyễn Bảy – Những câu thơ hay, đẹp và sang trọng trong “99 khúc tặng Liên” coi như phụ lục cho bài viết này.



  N h à  v ă n    P H Ù N G    T H À N H   C H Ủ N G 
PHỤ LỤC
ĐẶC SẢN NGUYỄN NGUYÊN BẢY,
NHỮNG CÂU THƠ HAY, ĐẸP VÀ SANG TRỌNG
TRONG “ 99 KHÚC TẶNG LIÊN"
Phùng Thành Chủng
(đọc chọn)

Đọc tập thơ “99 khúc tặng Liên” của nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy (NXB Văn học – Hà Nội, 2012), tôi cảm nhận được một người thơ khác, một giọng thơ khác bằng vào những câu thơ hay, đẹp và sang trọng. Bạn có thể đồng ý hoặc không đồng ý với tôi, bởi điều đó còn tùy thuộc vào “gu” thẩm mỹ và “kênh” văn hóa mỗi người và đó là quyền của bạn, song tôi có thể đoan chắc một điều: Những câu thơ trong “99 khúc tặng Liên” mà tôi dẫn ra dưới đây đúng là đặc sản Nguyễn Nguyên Bảy (vì chất giọng riêng chỉ có thể có ở Nguyễn Nguyên Bảy và chỉ có Nguyễn Nguyên Bảy mới viết như thế) là điều mà bạn không thể phủ nhận:
Gió no thơ phưỡn bụng buồm
(098. Tôi vuông)
Tình già hoan lúc trăng non
(097. Tôi cầu xin tôi)

Em rạng ngời gương nguyệt

(094. Viết trên giường bệnh)

Sướng đỉnh phóng lúc trăng buông
 
Tròn treo thoang nụ nghiêng nằm thoảng hoa
(093. Tiệc tình)

Tóc lau ngồi nín cời than

(092. Ký ức còn lại)

Ngoài thềm vàng trăng xanh gió
Chuyền tay chữ hát xuống thuyền

(090. Tự họa sau cùng)

Phì nhiêu khoan nhặt gù tình…

(089. Lời chim câu; 3. Bất ngờ Picasso)
  

Liền anh cùng thời cười sún răng ô
Liền chị cùng thời cười vàng ngực lụa
(088. Quan họ không ngoại tìn

Củi rừng bó đợi lưng ai

(082. Vãng lai thơ)

Giận ai chạm lại con nghê cũ
Mái ngói vô duyên đỏ lợi cười

(079. Trùng tu chùa)

Mặt sông cười đục
Đàn thơ vọng sóng hư không

(076. Thánh thơ)

Triền sông nắng cười nghiêng ngả
(075. Thu xa quê)

Em nghiêng cỏ lụa
Cho anh ngắm tuổi mơ non

Nước thẹn gió sóng dướn von

(074. Một chiều)

Cội thương nhớ chẳng nhạt phai
Phận đời Tô Thị khóc mài vào mưa
Tình yêu quầy quả ra về
Hợp tan lại hẹn ngâu kỳ năm mai
Sông quên vong nức nở cười
Bến quê thơ lại nằm ngồi hát ru

(073. Lội về thu ngâu)

Hơ hớ thoang thoang lê táo

(072. Miền yêu)

Anh lao như gió về em
Gặp lúc thuyền trăng đang neo trước thềm
...
Âm dương giã gạo

(063. Nhật ký Seattle, 4. Tuần trăng mật kỳ lạ)

Lửa cười cá nướng thơm quê

(056. Ru ba khúc)

Em gật đầu ủ cười vào khóc
Nối chỉ gió diều hồn anh bay...

(052. Diều hồn)

Thoang thoang gió xõa tóc đèo

(048. Hải Vân)

Thả mình phơi trong đỏ biển chiều
Anh theo sóng cắn mềm bờ cát

(047. Biển đổ chiều)

Những cuộc tình chín mọng môi trăng

(042. Cổ tích con cháu; 1. Ru hư vô)

Bến sông cháu sang ngũ sắc cầu vồng
Sông ông cười vàng mật

(042. Cổ tích con cháu; 2. Gửi cháu mang theo)

Con lẫy tròn trong lòng mẹ rưng rưng
Môi ngọt phun mưa
Tay đùa nở nắng

Thâm quầng nhớ mắt nghèo ơi

Thèm tiếng con chào nũng

(042. Cổ tích con cháu; 3. Bé bé bằng bông…)

Hồn ngồi lên thuyền
Mắt níu bờ da diết
Đê kè thổ đất

Thương nhớ lòa tròng
Thương nhớ không bật khóc
Làm sao nước mắt xuống thuyền
Để khẳm những khoang cỏ mật.
...
Mặt cha mưa cười
...
Cong mềm lưng nhớ
...
Cha nhấp môi mặt lửa
Ho ra tiếng cười.
...
Triền cỏ bờ đê say nắng
...
Đôi bạn tình không tuổi
Uống trà thoại yêu
...
Tay cha run chén đợi lời
Chén tình mẹ đón nâng môi

Hoa chanh mình tắm thơm chiều

Ngực ấm không lời
Cháu nội ôm ông vỡ khóc

(041. Sông cái mỉm cười)

Sao lòng chẳng thức bước chân

Tiền mới ngủ vùi phong bao đỏ

(040. Hoa đỗ quyên)

Mở lòng mà đón ban mai
Yếm trăng buộc lại thiên thai hẹn chiều

Mõ lòng gõ nhịp hư vô
Ai cho làm tượng ngồi tu trong chùa

(038. Ban mai)

Ngực hồng che yếm nâu non
Quần gai quấn ấm mưa phùn
...
Đò khẳm tình sam quấn quýt

(036. Cầu hôn)

Đá vàng hoạn nạn hoan ca

(035. Đám cưới bạc)

Gái làng Nhân nhóm lửa vú trinh
Rượu cất
Sàng rơm hương trăng giọt giọt

(035. Đám cưới bạc: Rượu làng Nhân)

Tình ươn úp mặt vào vách
...
Em thu mình trong bóng tối ướt diêm

Em khóc suối lúc anh ngủ bệnh

Anh lùa tóc rối run tay

(033. Lưu trữ yêu)

Đêm tôi chỉ có một mình
Một mình đêm
Với một mình trằn trọc tôi

(032. Bài ru trằn trọc)


Hanh heo phố cổ
Hưu ngồi quạnh hiu
Đèn vàng hắt bóng xiêu xiêu
Sáng mờ mờ gọi
Tay khêu bấc buồn

(029. Cuối ru)

Leng keng chuông gọi đỗ
Khách mơ hồ xuống ga

(028. Tầu điện đêm)

Bây giờ ngã bảy giữa đêm
Có ai mà hỏi lời huyên thuyên đường
...
Soi mình vui cả mặt gương
Tình yêu nhón một cánh chuồn chuồn bay
...
Lối nào anh nên đi qua
Giữa đêm ngã bảy đứng la cà đời

(026. Ngã bảy)

Quỳnh hoa nở ngát một hằng
Đã thành rũ rượi về nằm hoang vu

(025. Lời hoa quỳnh)

Ngã vào trong say xõa tóc

Phù thủy những ve vuốt lửa

(023. Sông Mê bến Lú)


Tình yêu hổn hển thở thơ
Gieo cò trứng nở trắng bờ âm dương…

(020. Câu sáu câu tám)

Cò ngoại chân trần chang thóc
Nắng quấn váy cò

Một đời gánh nắng không chao
Nay lưng mới võng nỡ nào nắng nghiêng?

Ca dao gà
Ngoại ngả lá chanh
Ca dao cau
Bổ cỗ
Lá chanh ngoại hát canh cần

(017. Ký ức ca dao)

Lưng ngày nắng quật
Đêm ngồi bỏng vú môi con

(016. Hai ngôi sao không lặn bao giờ)

Gái tầm tang da bóc trứng gà
Lưng ong cong mềm khung cửi

(013. Mười rằm mồng một)

... Mắt bà heo may
Lưng còng ngồi se sợi gió

(012. Tinh tú ngộ duyên)


Mưa phùn chuốt liễu mưa xanh

(011. Liễu Tây Hồ)

Chít trắng đầu tang
...
Tay cò mắt vạc kiếm ăn
...
Con nép khóc gục đầu ngực mẹ

(010. Thuyền tình)

Xóm Hạ Hồi thoang hương sữa lạnh
Hoa từ vú lụa thơm ra

Những mái phố ca trù
Cửa chợ Hôm trễ yếm
...
Lời mềm nặn sữa nuôi con
Lời thèm mắt ngủ
...
Gió kinh thành ngũ sắc hoan ca

(008. Ca trù mùa thu)

Thương tôi mắt khóc?

Rồng rắn lên mây trẻ hát đồng dao
Trẻ hát đồng dao lên mây rồng rắn
Thà là đừng nhiều nắng
Thà là đừng nhiều bể
Câu đồng dao trẻ hát rối mù

Ngón tay thơm khép bờ môi chín

Bà tôi đi gánh lưng còng
Giã trầu câu ru Tô Thị

(007. Vườn chiều)

Bóng đè sông mê thuyền neo bến lú
Gió như dao cùn thái ruột
Tre già khiêng nắng chôn măng

Tình vẫn say ong ngọt mật
Bạc đầu hư bạc đầu hát
Đêm mai trăng lại non vào...
Giật mình thấy dạ nôn nao
Giật mình thấy gió thổi vào ngực trăng
Giật mình thấy một vung văng
Ứ ừ đầy, ứ ừ cầm chân môi

Giật mình thấy khúc khích cười
Thấy non nõn cỏ ngậm bồi hồi sương
Giật mình thấy đạo âm dương
Quấn vào nhau một lạ thường thiên thai...

        (005. Bài thơ tên là em)

Anh là con trống của tình em
(004. Phụng Hoàng)

Chuối đổ màu trứng cuốc

heo may thu vào từ năm cửa ô
...
Quốc ca hát đỏ sông Hồng
Nơi ấy là kinh thành cổ tích
(001. Kinh thành cổ tích)

Trở lên là những câu thơ được chọn. Bảo nhiều thì đúng là nhiều; bảo chưa phải là nhiều thì cũng đúng chưa phải là nhiều vì kẻ viết những dòng này đã luôn tâm niệm phải nhớ đến quẻ “tổn” trong khi đọc chọn. Mà thôi, hẵng khoan quan tâm đến chuyện nhiều ít, điều mà kẻ đọc chọn này quan tâm là những câu thơ được chọn có đúng là hay, đẹp và sang trọng – là đặc sản Nguyễn Nguyên Bảy như tiêu đề của bài viết hay không (?) Bởi đó cũng là trách nhiệm (của kẻ viết bài này) với chính mình, với tác giả của nó và với bạn đọc.
Đọc thơ NNB/ Nhà văn Phùng Thành Chủng
VANDANBNN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét