Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Chém Gió Muôn Mầu 2/ QUẦN HÙNG CHÉM GIÓ TÔI, 15 NHỊP/ 11

QUẦN HÙNG CHÉM GIÓ TÔI, 15 NHỊP
Văn đò đưa
1. Hoàng Như Mai / 2.Tùng Bách/ 3. Hạt Cát/ 4. Phùng Thành Chủng/ 5. Đinh Ngọc Diệp/ 6. Trần Vân Hạc/ 7. Hoàng Việt Hằng/ 8. Nguyễn Văn Hòa/ 9. Hoàng Xuân Họa/ 10. Tô Hoàng/ 11. Nguyễn Minh Khiêm/ 12. Nguyễn Mộng Nhưng/ 13. Hồ Bá Thâm/ 14. Minh Thi / 15. Nguyễn Anh Tuấn

11.  N h à  v ă n   N  G  U  Y  Ễ  N  M  I  N  H  K H  I  Ê  M


Sự thăng hoa và bút pháp hiện đại trong

"99 KHÚC TẶNG LIÊN"(*)
 của nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy


Nguyễn Minh Khiêm, đò đưa.

Mới. Lạ. Mở. Gợi. Dạt dào cảm hứng. Ý tứ mênh mang. Chữ như mây vỡ. Rất thực mà ảo. Rất ảo mà thực. Tình chắp cánh cho trí bay lên. Trí làm cho tình găm lòng người ở lại. Ông viết như mê. Ông viết như say. Ông viết như không. Ông viết như chơi. Không khuôn mẫu. Không lập lại. Biến hóa. Sáng tạo. Sáng tạo mà không cứng. Nhuần nhuyễn. Đầy chất thơ. Đầy chất thi sĩ. Đó là cảm nhận bao trùm nhất khi đọc “ 99 khúc tặng Liên” của nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy.

“ 99 khúc tặng Liên”
mỗi khúc là một tâm trạng. Mỗi khúc là một gửi gắm. Mỗi khúc là một góc nhìn, trải nghiệm, suy ngẫm. Dù ông “Nam mô trời”, ông “Nam mô đất” hay “ Nam mô người”, dù ông “ Viết trên giường bệnh”, “ Bất ngờ Picasso”, “ Tụng trăm ngày bạn” hay ông viết “ Lục bát chiều”, “ Từ Thức bơ vơ”…Khúc nào cũng da diết nỗi đời, nỗi người, nỗi nhân tình thế thái. Phải trường cảm xúc, trường vốn sống, từng trải, giàu trí tuệ, hiểu thơ mới, sâu thơ cũ mới đọc được thơ ông. Ông có nhiều câu thơ đẹp. Hãy đọc những câu thơ này của ông: “ Tóc lau ngồi nín cời than,  “Xin mẹ hãy nghỉ tay dệt nắng/ …/ Xin mẹ về đầu cầu dải yêm” ; “ Xin cha cưỡi thuyền cỏ mật/ Về lại bến quê Sông Cái Mỉm Cười” ( Tụng trăm ngày bạn ). Đẹp đến sững sờ. Đọc một lần cứ muốn đọc lại. Dưới con chữ có cái gì đó ngời lên lấp lánh. Dư âm không hết. Hệt như uống chén trà ngon. Cạn chén rồi mà cổ họng cứ ngọt mãi.

Cùng mô típ ấy, trong bài “ Nam mô Tết”, ông viết: “ Thơ cứ thả lên trời cho Văn Miếu ấm/ Chữ ông đồ cứ đóng oản đồ xôi”. Thơ ông giàu có về hình ảnh. Hình ảnh này gọi hình ảnh kia. Hình ảnh chồng lợp lên nhau, giao thoa nhau. Một tầng. Hai tầng. Nhiều tầng. Câu chữ sống động. Sự biểu cảm phong phú. Đa thanh. Đa sắc. Nó như một bức tranh trừu tượng, ấn tượng, siêu thực. Cảm được cái hay. Cảm được cái đẹp. Nhưng chỉ ra từng cái hay cụ thể, chỉ ra từng đẹp cụ thể thì khó. Tách bóc ra từng lớp lang ý nghĩa, từng lớp lang nghệ thuật thì khó. Cách viết của ông không giống ai. Không gồng lên. Không cố tạo khác biệt. Ấy thế mà trộn vào đâu cũng không lẫn. Rất khác biệt. Có người cả đời muốn tạo được dấu ấn riêng, muốn được thấy cái thằng mình đứng riêng ra nhưng lại cứ nhập nhòa trong bóng người khác. Nhưng “99 khúc tặng Liên” của Nguyễn Nguyên Bảy có nhãn mác, có hương vị đặc trưng riêng biêt. Thơ ông bốn tiếng có. Năm tiếng có. Lục bát có. Vắt dòng, leo dòng có. Tự do có. Thơ văn xuôi có. Nó không tách bạch nhau. Nó lồng quện trong nhau. Hình như ông không định vị chữ, không định vị câu. Ông để cho con chữ tự do bung nở. Câu là chỗ tận cùng sung mãn của chữ. Nếu đọc không kỹ, ta rất dễ cho rằng ông dùng chữ dễ dãi, đôi chỗ nôm na, câu lỏng, ý không chặt, trục logic mờ. Nhưng nhìn lại tổng quát 99 khúc trong tập mới thấy khả năng làm chủ ngôn ngữ tuyệt vời của ông. Nó tung tẩy. Nó nhảy múa. Nó bay lượn. Nó lặn hụp. Nó làm chủ mọi góc độ, làm chủ mọi hoàn cảnh. Tất cả chuyển động mãnh liệt, chặt chẽ quanh một cái trục logic duy nhất là tâm hồn ông, xúc cảm của ông. Nó liên kết bởi logic tâm hồn ông. Tất cả ngôn ngữ, hình ảnh, giai điệu chuyển động quanh cải trục vĩnh cửu của thi ca ấy.

Không thấy ông tuyên ngôn gì về thơ. Chỉ có hai câu thơ văn xuôi đầu tập và thỉnh thoảng điểm lại ở một trang nào đó như một lời đề Từ “ Trả lại hết sướng vui nạn ách. Chuyền tay chữ hát xuống thuyền. Thung thăng ngược bến cỏ non../ Là khi anh nói về em. Bông hoa trước cửa tự nhiên nở bùng. Trên cành một giọt sương rung. Gió nhẹ vô cùng thổi mãi không rơi”…Cách hành văn này, kết cấu này, lập ngôn này chi phối toàn bộ “ 99 khúc tặng Liên”. Đậm nhất là bảy khúc “ Nhật ký Seattle”. Nói là lạ hẳn thì không lạ hẳn. Nói là quen thì không quen hẳn. Câu thơ vừa có phong vị đồng dao, vừa có phong vị ca dao tinh tế trong Quan Họ bắc Ninh, vừa có cái suồng sã mộc mạc duỗi dài thể thơ sáu tám của những điệu vọng cổ Nam Bộ. Từng chữ thì rất Việt. Nhưng thiết chế ngôn ngữ lại rất Tây. Nếu không thẩm thấu thơ văn xuôi của Hàn mặc tử, không thẩm thấu các trước tác của Franz KafKa, không thẩm thấu Thơ Dâng của Rabindranat Tagore tôi tin, Nguyễn Nguyên Bảy không viết được bảy khúc Nhật Ký Seattle thăng hoa với bút pháp hiện đại thế. Tôi cứ bị hút vào những câu thơ thế này : “ Đêm trắng, nghĩa bóng trắng như tờ giấy. Thổi chữ vào giấy. Thổi chay./ Không ra văn vần không ra văn xuôi. Chỉ thấy chữ múa chữ hát chữ hôn chữ làm tình chữ gục đầu chữ khóc/ Hello những chữ là chữ. Đầy một hồn. Nghĩa đen là đầy một óc/ Thế mà sáng hoe sáng hoe chỉ còn thấy duy nhất một tứ Hello em” ( Hello! )/…/ “ Trời Seattle trong như nước mắt. Nắng Seattle lịm như rượu vang. Gió Seattle thơm như hồn hoa. Giôn bật nói. Chúng ta không bao giờ (nevơ) hello chiến tranh. Nevơ. Nevơ…/…/ Bát canh cần từ Việt nam sang thưa với bố chồng, con là họa sĩ. Con muốn vẽ nước Mỹ của chồng con chỉ bằng một chữ hello”( Hello). Câu thơ như một nốt nhạc có dấu trường ngân. Nó không phải là thứ phù hợp với ca sĩ đoản giọng.

Đọc bảy khúc Nhật ký Seattle của ông chạm được vào nhiều thứ. Tình yêu có. Tình người có. Tình đời có. Nhân văn có. Văn hóa có. Niềm tự hào dân tộc có. Nước Mỹ có. Châu Phi có. Châu Âu có. Châu Á có. Người Việt Nam tha phương có. Đành rằng Nhật ký Seattle cái vỏ là ghi chép, là tốc ký cái những giác quan nhạy bén nhất của ông chớp được, nhưng nhiều câu nhói lắm. Nhói cho cả một dân tộc: “ Tôi nhặt từng hạt buồn còn vương trong mắt em. Xếp cẩn thận những hạt buồn vào bị cói. Đeo lên vai…”/…/ Lạc lõng chưa, chúng tôi đến chợ vai quảy bị cói hạt buồn”./…/ “ Than thở chỉ vừa lóe đã thấy cô gái da trắng, tóc vàng phủ bờ vai nõn, nhìn chằm chằm mắt vợ tôi nài nỉ xin đổi hạt buồn/ Để làm gì? Để đêm nay, sau một ngày hội hè vui đẫm, tôi có chốn nhớ về buổi chiều đen thẫm ấy, buổi chiều định mệnh tôi xuống tàu chạy trốn Vacxava tìm đến thiên đường Mỹ. Chỉ những hạt buồn mới giúp tôi trở về gặp lại tiếc buồn đánh mất hôm qua”. Và nẫu nuột khi trong lòng trống rỗng, ông buông một câu “ Buồn là đặc sản Việt cớ sao ông bà đem ra chợ trời rao bán?”/…/ “ Còn ngươi, ngươi đã sỉ nhục cây đàn cò vốn sinh ra cho người khiếm thị, lạy ông đi qua lạy bà đi lại, xót thương kẻ mù lòa, ngươi sáng mắt, ngươi còn tay còn chân, ngươi còn lưỡi, vậy mà ngươi lại mượn nỗi buồn đui mù hèn hạ đổi lấy chất dư thừa thương hại./ . Nhị xẩm cúi đầu câm lạnh”. ( Bán buồn ở Chợ Trời Seattle”. Đó là những câu thơ thức tỉnh không chỉ một con người. Nó động đến cả một dân tộc.

Ông không tuyên ngôn nhưng hình như với ông, niêm luật vần điệu chặt chẽ truyền thống cũ là tĩnh; thể thơ bốn, năm, bảy tiếng nghiêm túc , bất biến là tĩnh. Ông không chấp nhận cái tĩnh, không chấp nhận cái công thức, cái khuôn mẫu, khuôn mẫu đến mòn vẹt, đến nhàm chán, đến bảo thủ. Cuộc sống rất động. Tình yêu rất động. Tự nhiên rất động. Tâm trạng, nỗi niềm con người rất động. Thơ cũng phải rất động. Quan trọng hơn tất cả là, ông có cái nhìn rất động. Chính cái nhìn rất động ấy giúp thơ ông không lập lại, không bất biến, không xỉa vào vết xe người khác.

Ngay đọc tên tập thơ “ 99 khúc tặng Liên” ta cứ tưởng cái tên Lý Phương Liên, nhà thơ, người vợ yêu quý của ông sẽ tràn ngập câu chữ như cái tên Ensa tràn ngập trong thơ Aragon. Nhưng không. “99 khúc tặng Liên” là ông tặng trọn vẹn tâm hồn ông, trí tuệ ông, ký ức ông, sự chiêm nghiệm tinh túy, sự thăng hoa của ông. Đấy cũng là một độc đáo.

Thanh Hóa. Ngày 22.12.2012

(*) NXB Văn Học ấn hành 10.2012
VANDANBNN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét