Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Chém Gió Muôn Mầu 2/ QUẦN HÙNG CHÉM GIÓ TÔI, 15 NHỊP/ 10

QUẦN HÙNG CHÉM GIÓ TÔI, 15 NHỊP
Văn đò đưa
1. Hoàng Như Mai / 2. Túng Bách/ 3.Hạt Cát/ 4. Phùng Thành Chủng/ 5. Đinh Ngọc Diệp/ 6. Trần Vân Hạc/ 7. Hoàng Việt Hằng/ 8. Nguyễn Văn Hòa/ 9. Hoàng Xuân Họa
/ 10. Tô Hoàng/ 11. Nguyễn Minh Khiêm/ 12. Nguyễn Mộng Nhưng/ 13. Hồ Bá Thâm/ 14. Minh Thi / 15. Nguyễn Anh Tuấn
10 .  N   h   à    v   ă   n     T   Ô     H   O   À   N   G


 
MỘT NGHĨA CỬ TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HỌC HÔM NAY
Tùy văn của Tô Hoàng



Hãy ghi nhận cho, vào những ngày mùa thu cuối tháng Tám năm Nhâm Thìn, sự ra mắt các nhà thơ và bạn đọc yêu thơ của “Thơ Bạn thơ” (tập 1) hệt như một thứ bột phèn được thả kịp thời xuống cái giếng thơ đang bị khuấy đục, nhất định sẽ góp phần làm cho cái giếng thơ, thứ nước thơ trở lại trong sạch, tươi mát. Như xưa nay vẫn nối với mạch đầu nguồn…
Vào một buổi sáng cách nay chưa lâu, ông bạn nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy gọi điện thoại cho tôi: - Vợ chồng mình có ý định ra một tập thơ dành cho bạn hữu. Chọn cho bọn này mấy bài và gửi gấp! Tôi chống chế:- Hoan nghênh một sáng kiến hay! Nhưng thơ thẩn gì mình…/ Chưa kịp nói hết câu, bên tai đã vang tiếng nói như lệnh lạp: - Chả lẽ cả một đời không vui, không buồn hay sao? Và những lúc ấy không ghi ra giấy à? Gửi ngay không lôi thôi!
Thế là tôi có 2 bài trong “Thơ Bạn Thơ (tập 1). Chủ biên (ghi rõ ngoài bìa 1) và chủ chi (không ghi rõ ở bất cứ trang bìa nào): LÝ PHƯƠNG LIÊN - NGUYỄN NGUYÊN BẢY.
Trong số 55 tác giả góp thơ trong “Thơ Bạn Thơ” trường hợp “nộp quyển” như tôi cũng có tới 5,6 người: Nhật Tuấn, Triệu Xuân, Văn Chinh, Nguyễn Đình Chính, Lê Hoài Nguyên… Mở sách và thử đọc thơ của các “nhà thơ chân đất” này xem sao:

… Mẹ biền biệt xa vườn xưa giờ hoang lại
Hàng cau Nguyễn Bính sót một cây mồ côi
Lâu rồi không còn sức rụng lá
Rũ từ lưng chừng lên ngọn
Sống nhờ bố thí nước giời
Có thì thẳng đốt
Chăng sài đẹn
Cong  queo nín nhịn thở dài
Rồi  rụng xuống không phải tầu cau cũ
Không, không phải con cái ở đâu cha mẹ ở đó
Mẹ nói thế vì sợ chúng con buồn khi bỏ mẹ mà đi…

(Cây cau vườn mẹ - Văn Chinh)

Về đâu đêm nay khi không còn em

Người gác đường nhìn tôi và sờ tay vào súng

Thôi đừng bắn nữa, trái tim tôi vừa có một lỗ thủng..”

Đã rơi vào đó thiên đường tôi mới có

Ngọn gió nào luồn lọt kẽ tay

Mộng tưởng trắng, về đâu đêm nay?

Phố xá ngủ rồi, cả con chuột cũng thôi không thập thò miệng cống

Chỉ còn tôi vẫn phải đi với lỗ thủng này…

(Lỗ thủng - Nhật Tuấn)

Có phải là thơ không đây, bạn ơi? Có lẽ không nên tranh cãi, phân bua làm gì! Bạn cảm nhận ra sự thổn thức, vật vã của những nỗi đau riêng, đau chung, nỗi đau của nhân tình thế thái- đấy là tấm giấy thông hành xác thực cho những vần vèo, ví von kia rụt rè đặt bước vào sân chơi chung. Cám ơn Lý Phương Liên - Nguyễn Nguyên Bẩy, trước hết vì một cách nghĩ, một quan niệm, để cho cái chiếu thơ này thêm đông đúc, thêm mới mẻ những gương mặt bạn hữu.
Hầu như xếp hàng ngay đầu “Thơ Bạn Thơ “ (tập 1) là hàng bia mộ trong khu nghĩa trang Vĩnh hằng của các nhà thơ đã bước qua thế giới bên kia: Hoài Anh, Trần Hòa Bình, Nguyễn Trọng Định, Bùi Giáng, Hải Kỳ, Nguyễn Lâm, Lưu Trọng Lư, Dương Kiều Minh, Tường Vân, Lê Trí Viễn.

Dĩ nhiên còn vắng rất nhiều tên tuổi. Biết đâu người chủ biên còn dành những hạt vàng ấy để góp phần lấp lánh cho những tập 2, tập 3, tập 4 sẽ ra mắt? Nhưng với 10 nhà thơ đã chia tay chúng ta trong vài thập niên vừa qua, tên tuổi, những vần thơ đưa vào tập gợi nên nỗi nhớ của người đang sống với người đã ra đi; gợi nên sự hiện hữu của anh em trong tâm tưởng bạn bè và người hâm mộ. Và kỳ lạ quá, đọc thơ của các anh như thấy dòng cuốn thời gian như ngừng trôi, những nhà thơ bạn hữu ấy chưa đi đâu xa; các anh cũng đang thở dài, đang nhăn nhúm mặt mày, đang nuốt tiếng nấc nghẹn trước một điều băn khoăn chung với chúng ta: Cái lương thiện, cái nhân bản, điều tốt đẹp đến với cuộc đời này sao trầy trật, gian truân, nhiều lao lụy đến như thế?

Một ngày-một tháng-một năm
Một đời viên đất sủi tăm mặt hồ
Nắng soi cái tổ tò vò
Dọc ngang cũng một con đò ấy thôi.

(Không đề -Tường Vân)

...Tôi đi cuối đất cùng trời
Lòng riêng đã chết những lời thương yêu
Triệu năm sau, những sớm chiều
Cô đơn vẫn xót trăm điều trong tôi

(Triệu năm – Hải Kỳ)

Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con

(Mắt buồn – Bùi Giáng)
Xấp xỉ năm chục nhà thơ còn lại góp bài trong “Thơ Bạn Thơ” (tập 1)  là những thi sỹ đã thành danh, đã có những tập thơ riêng hoặc thơ in trong tuyển tập, đã gặt hái nhiều giải thưởng trong các cuộc thi thơ có uy tín- nói gọn, họ đã là những cây bút thơ chuyên nghiệp: Thanh Thảo (Vườn nhà cô đặc, Chợ quê chiều cuối năm, A Lưới, Bay đi đâu, Bức tường và cánh cửa), Lâm Thị Mỹ Dạ (Tự bạch, Đề tặng một giấc mơ, Truyện cổ nước mình, Hoa quỳnh, Không đề), Vũ Quần Phương (Bài thơ không thành, Bức tranh thư pháp, Nó đấy, trái tim tôi, Mưa, Bất chợt với Thăng Long), Nguyễn Việt Chiến (Chiều xuống rồi, Về nhà đi con, Để nhớ về em, Trăng Nguyễn Du), Lê Xuân Đố (Người nói chuyện một mình, Đêm, Cây cổ thụ làng), Y Phương (Mùa hoa, Chiếc ba lô), Trần Ninh Hồ (Lữ thứ với con người, Cha tôi trăm tuổi, Giá sách và Dòng sông, Nhặt quanh Lý Bạch) Thanh Tùng (Hà Nội, Hè ở Hòn Gai, Em và thu, Gặp bạn cũ, Chiều), Nguyễn Quang Thiều (Bốn khúc hồi tưởng), Phạm Đình Ân (Đầu năm mua muối), Hoàng Việt Hằng (Bên hành lang bệnh viện, Bài thơ tình bỏ sót), Lê Huy Quang (Chân dung, Bói Kiều, Khoảnh trời xa), Lê Thiếu Nhơn (Phía sau hoa, Thơ an ủi mẹ, Trôi trên phố không đèn, Viết cho ngày chưa tới, Ba đoản khúc cho một người)… Sang đến phần này, chắc sẽ nẩy sinh nhiều câu hỏi: Những bài thơ ấy có tiêu biểu hoặc là những bài hay nhất của tác giả đó chưa? Sao người này được đưa vào tập mà người khác thơ còn hay hơn vẫn chưa được chọn lựa? Những bài thơ đưa vào tập có nhắm minh chứng cho một quan niệm thơ, một khuynh hướng thơ nào không?..v..v... “Thơ Bạn thơ” xuất hiện lần này mới là tập 1. Vợ chồng hai nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy-Lý Phương Liên đã sắp sẵn trên bàn  bản thảo của các tập tiếp theo. Là bạn bè của Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên tôi được chứng kiến ở hai anh chị sự nẩy sinh và thực hiện ý tưởng: Tất cả vun vút, vèo vèo! Hệt như tằm ăn lá dâu! Kêu gọi mọi người gom bài, đủ bài đưa ngay xuống nhà in. Cho kịp ra mắt tập đầu vào dịp Quốc khánh năm 2012 này. Các tác giả tự chọn bài, tự gửi bài nên bài nào vào tập là “ tùy tâm” người chọn-một thứ khách quan được bảo lãnh. Và đã dành cho tác giả tự chọn bài chắc người chủ biên không hề muốn bộc lộ một quan niệm thơ nào!
Đã và đang xuất hiện chuyện lẹ làng tuốt một khâu nhẫn ra in được một tập thơ và thành nhà thơ. Bỏ vài chục triệu để biến thơ của người khác thành thơ của mình. Bỏ thêm nữa, thêm khoản tiền lớn hơn còn có thể biến thơ nhăng nhố, thơ không ra thơ thành thứ thơ “thiền”, thơ “thánh”… Đồng tiền đang khuynh đảo giá trị cả ở một lĩnh vực thiêng liêng, trong sạch, thánh thiện nhất- thi ca!
Ấy vậy nhưng vẫn có những đồng tiền tứ túi cá nhân được chi ra không phải nhắm tới những mục đích tầm thường hoặc bẩn thỉu kể trên!
Người bỏ tiền ra lần này công tâm, vô tư, không vụ lợi. Chỉ với một ước mong:  khắc vào thời gian, không gian những bài thơ hay, những tên tuổi các bạn thơ, bạn văn của mình!
Hãy ghi nhận cho, vào những ngày mùa thu cuối tháng Tám năm Nhâm Thìn, sự ra mắt các nhà thơ và bạn đọc yêu thơ của “Thơ Bạn thơ” (tập 1)  hệt như một thứ bột phèn được thả kịp thời xuống cái giếng thơ đang bị khuấy đục, nhất định sẽ góp phần làm cho cái giếng thơ, thứ nước thơ trở lại trong sạch, tươi mát. Như xưa nay vẫn nối với mạch đầu nguồn…


Tô Hoàng.

VANDANBNN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét