Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

Góc riêng tư/ Seattle, Một Chủ Nhật, Chiều.. Du khảo 4N

VANDANBNN
Seattle, Một Chủ Nhật, Chiều..
Du khảo 4N

+ Cái thú tung tăng thật chẳng ai giống ai, riêng tôi, tung tăng mà không đạt được chất lượng 4 chữ N, thì tung tăng đó kể như bỏ. Thế nên, tôi thích hai chữ Du Khảo thế chỗ cho các chữ du lịch, tham quan, tung tăng, du ngoạn gì đó..Dù hai chữ Du Khảo nghe có vẻ tàu tàu và cũng hơi công đoàn/đoàn thanh niên/ nghiêm chỉnh quá..Trong lúc chờ đợi t thay thế khác đẹp hơn, hay hơn, xin cho tôi tạm dùng chữ du khảo với chuẩn 4 chữ N. Bốn chữ N cũng là phịa của tôi: N1/ Ngắm (nhìn)/ N2 Nghía (quan sát, khảo sát, tọc mạch, kỹ lưỡng)/ N3 Ngẫm (suy nghĩ, minh họa, đối chứng/ N4 Ngợi (hưởng thụ). Đừng cố chấp bắt bẻ tôi nghĩa vựng theo tự điển 4 chữ N...

+ Mục đích của Du khảo hôm nay dành cho du nhân lần đầu tiên đến Seattle city, và muốn hội nhập ngay thành người Seattle bậc "xịn". Mời lên xe, ta bắt đầu hành trình với khúc N1.


Seattle có Park Ngắm. Park dịch như ở ta là Công Viên, thì nghe hơi oai, vì Ta quan niệm công viên là nơi vườn hoa to đùng đùng, khủng những hồ, những tượng, những cây cao bóng cả và chỉ hơi ít hoa, hoa ra được bông nào người du chơi vặt chơi nhanh bông đó..Còn chữ Park bên này nhiều khi chỉ là vườn tượng, vườn cỏ hoa, Vườn rừng Hàn, rừng Nhật..nơi nào cũng đẹp nhức mắt, sạch nhức chân..và quan trọng đó là nơi tụ hội cho vài chục người, hay vài trăm người, cả ngàn người..tùy cảnh trí môi trường thưởng ngoạn. Trở lại Park Ngắm, chỉ là vuông đất phẳng nm thoai thoai bên lộ cái từ dốc núi xe ô tô nối nhau von lên..Thế thôi..
Ảnh nhỏ minh họa ở trên chớp lúc xe vừa dừng trên đỉnh núi, xuống xe, lấy đồ ngắm (máy móc gì đó) và đi ra Park Ngắm. Ảnh to, Park Ngắm đấy, phía sau lưng Nàng (Liên) đang bồng cháu ngoại (Vava) là toàn cảnh Seattle có thể Ngắm..Nhấn mạnh: Đứng nơi đây, người Du Khảo có thể ngắm toàn cảnh Seattle tứ phía Đông Tây Nam Bắc, thấy biển, thấy sông, thấy hết khắp nhà cao cửa rộng, thấy Space Needle tháp, thấy Lake Washington, lake Union..và xa hơn thấy Everett, thấy Green Mount (Núi Xanh)..




+ Xong khúc N1 ( Ngắm toàn cảnh Seattle city), thì chọn lựa N2 (Nghía) nên là đi chợ Trời Seattle ( Public Market). Vì sao không biết, đã nói chỉ là ý riêng tôi. Đây là quần thể chợ nổi tiếng ở trung tâm thành phố Seattle, được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX..
Đổ xuống chợ là những con phố hoa, tôi chẳng nhớ tên và thực cũng chẳng muốn nhớ, muốn chớp ảnh ghi tên phố làm gì, vì chúng giống nhau quá, lộng lẫy quá, nhiệt tình chào đón quá, ngực nhà nào, tay nhà nào, ban công nhà nào, cửa sổ nhà nào cũng hoa là hoa, hoa đa phần dại, nhưng muôn mầu, chân đi mê mải dưới hoa mà không ngượng nghịu là mình đỏm dáng..



+ Trảy cùng dòng người thong thong, đông mà không chen, nói cười âm nhạc, tuyệt không một tiếng còi xe, một tiếng la to và kể cả những tiếng Alô trên tay mấy em chân dài nghe cũng như hoa nói, thơm dịu.. Vậy mà mệt. Đi chợ bên ta, từ chợ chồm hổm, đến chợ Bến Thành, đến siêu thị..quen như tắm, thuộc như ăn, cái không khí chợ bên Ta, nó khác lạ bên Này nhiều lắm, khác lạ ấy làm ta mệt..Nhìn ảnh hẳn thấy cái mệt đăm đăm hiện ra mầm Nghía..chẳng biết mấm Nghía sẽ nở buồn hay vui..


Ngồi nghỉ/ ghế gỗ công viên dành cho những người Vô Gia Cư, nằm phía cuối Chợ Trời.. 


Public Market (Chợ Trời), gồm hai chợ chính: Chợ Famers Market (chợ nông sản, tạm dịch) gồm phần trong lồng chợ (có mái che) và phần chợ ngoài trời đúng nghĩa Chợ Trời (như sau 30/4/1975 chợ trời Huỳnh Thúc Kháng Sài Gòn) bán mua chào mời hầm ba làng hàng hóa cũ mới, tự sản tự tiêu, dư dùng hoặc "hái lượm" được nơi đâu đó..Vui là mua bán thuận hòa trong thân ái níu nhớ tay nhau..
Trước mặt, đầu góc phố, là Corner Market..Hai ảnh trên minh họa đính kèm.


+ Vậy đã Nghía được gì N2? Ảnh nhỏ bên trái chớp cảnh người trảy hội vào chợ. Đã trảy hội hẳn là vui nhiều, sướng nhiều. Ảnh bên phải, to hơn, chớp đồng thời ngay vỉa hẻ góc phố phía trước, hình một ông già..như ảnh..đang ngồi với cây đàn gỗ cũng đã già như người và đánh những bản nhạc có lẽ cũng đã bạc như tóc, như đàn..Và chiếc âu xanh đã gọi chân tôi đến, tôi bước lại gần, tai thoang nghe nhạc và bỏ vào cái ấu xanh ấy $1..Nghía N2 với tôi chỉ có vậy..


+ N3 Ngẫm, như "phịa" ở trên là suy nghĩ, minh họa, đối chứng. Do vì mệt, lý do như đã nói, nên chúng tôi chọn N3 đối chứng là Hẻm Post Alley. Ôi mới giống những con hẻm Sài Gòn làm sao! Hẻm Post Alley, như ảnh chớp, đủ cho 3,7 người xuôi ngược tránh nhau, Hẻm có lẽ tuổi trăm năm, các vách tường cũ đã phơi phơ mầu gạch đỏ..Những cư dân Hẻm này hẳn phải là những người đầu tiên tới đây bắt đầu công việc kiến lập một Seattle nguy nga hoành tránh ngày nay? Thôi, chuyện đó rồi mai kia có dịp đối chứng, nói sau..Giờ hãy nói tới cái "đặc sản" hẻm Post Alley. Nói không quá lời, đã đến Seattle mà chưa biết "đặc sản" Hẻm Post Alley thì kể như chưa gọi là đến Seattle đấy nhé!


Hẻm Post Alley vào chớp nhìn đẹp nhỉ ? Đừng có mà mơ, nói đẹp là nói con Hẻm đẹp, người thì cũ rồi, ai khen cũng chỉ nên tủm tỉm thôi nhé, sắp bảy mươi, để con cháu nội ngoại chúng đẹp có sướng hơn không!


Hẻm Post Alley là tên gọi cũ. Nay được gọi bằng cái tên mới, ai nghe cũng ngơ ngác giật mình, đó là cái tên hàm chứa ý nghĩa thực toàn phần "Đặc sản" Hẻm. The Gum Wall! Hẻm kẹo gum, chính xác là Hẻm bã kẹo xanh gôm (chta) và The Gum Wall Pike Place Market ( chữ Mỹ). Trên tường, từ sàn đất lên đến mảng tường cao nhất của Hẻm, suốt dọc hai vách tường từ đầu Hẻm, cái mà ta thấy trong chớp toàn là bã kẹo gum xanh xanh đỏ đỏ.. Chẳng biết cớ gì, nguyên gì, mà người ta (tứ xứ) cứ đến con Hẻm này nhai kẹo cao su đã đời rồi nhả bã dính lên tường...Sự thật trăm phần trăm, bạn đã có nghe, có thấy chuyện nào ngộ hơn chuyện này chưa?.. Hẻm xanh gum..



Người Mỹ làm cái gì cũng tàng ẩn cái ý thực dụng. Vậy thì thực dụng gì khi sát kề một khu chợ búa sầm uất, hoành tráng, lại khư khư giữ lại nguyên trạng một con Hẻm từ thời nảo thời nao làm một đối chứng (sống) cho hai thời xưa và nay..Quá khứ dù hay ho đến mấy cũng là quá khứ, là qua rồi, xong rồi, là bã..dù quá khứ không thể vứt bỏ, còn lưu tiếc, còn nhai được, còn hương vị..Thì cũng cứ là bã, là quá khứ, cuối cùng cũng phải bỏ thôi, nên cho một chỗ bỏ lưu luyến là những bức tường Hẻm Alley này, đến mà gián lên đó, mà ngửi, mà nhớ, mà..không biết nữa. là do tự tôi Ngẫm lan man, rối rít, sai văn phạm như những câu văn chợ búa này..Chứ thực ra Hẻm xanh gum bây giời đã là điểm du lịch "đặc sản" đón du khách thập phương đến ngửi xanh gum ôi, rối chớp ảnh và N3, Ngẫm..Mời bạn cùng Ngẫm với tôi..
 

+ N4, Ngợi, nghĩa của tôi là thụ hưởng, là sướng khoảnh khắc du khảo. Chúng ta đang trên con đường trước mặt (tọa/ hướng) của hai chợ chính Famer và Coner. Ảnh nhỏ chớp hình quán cà phê cổ bậc nhất trên con đường này, mở dựng từ 1912. Tuy nhiên, đứng xếp hàng cả tiếng chưa mua được ly cà phê, nên..Bye..sang Tiệm Panier, cũng cổ không thua Starbucks 1912, chiếm một chiếc bàn, uống phê, ăn bánh ngọt và ngắm phổ phường đang chảy hội, vẻ như đang vãn dần..


Trong nhiều thú sướng của khúc 4 Ngợi, có lẽ âm thực nên được coi là thú sướng hàng đầu..dù rằng ẩm thực cũng chỉ là nước trắng, bánh ngọt.. từa tựa như trà đá, nước dừa, nơi quán Rùa, quán Cóc quê nhà..Khác chăng, chỉ là những chớp ẫm thực này ở Seattle, Mỹ nước..lúc xa quê
 

Du khảo 4N, tạm là xong, là bằng lòng, là khoái sướng, hai bà cháu cưỡi heo (tượng heo cửa chợ Public) cùng bầu đoàn tam đại đồng đường về  home..


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét