Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Chém Gió Muôn Mầu 2/ QUẦN HÙNG CHÉM GIÓ TÔI, 15 NHỊP/ 15.3

QUẦN HÙNG CHÉM GIÓ TÔI, 15 NHỊP
Văn đò đưa
1. Hoàng Như Mai / 2.Tùng Bách/ 3. Hạt Cát/ 4. Phùng Thành Chủng/ 5. Đinh Ngọc Diệp/ 6. Trần Vân Hạc/ 7. Hoàng Việt Hằng/ 8. Nguyễn Văn Hòa/ 9. Hoàng Xuân Họa/ 10. Tô Hoàng/ 11. Nguyễn Minh Khiêm/ 12 Nguyễn Mộng Nhưng/ 13. Hồ Bá Thâm/ 14. Minh Thi / 15. Nguyễn Anh Tuấn/
 15.3.  N h à v ă n  MAI AN  N G U Y Ễ N  A N H  T U Ấ N


NGƯỜI MẸ TRONG HOÀI NIỆM

VÀ TÂM THỨC DÂN GIAN CỦA NGƯỜI CON

Mai An Nguyễn Anh Tuấn, đò đưa


Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy có ba bài thơ liên hoàn viết về người Mẹ đã khuất của anh. Nếu như trong “Thơ NNB I”, nhà thơ đã dựng được tượng đài tinh thần kỳ vĩ về người cha của mình qua trường ca “Sông Cái mỉm cười”, thì trong “Thơ NNB II” này, với ba bài thơ ngắn về mẹ, anh làm thế nào để hình tượng mẹ tương xứng với hoài niệm của chính anh?
Ta hãy đi vào từng bài.


1.PHẬT HÁT


Yếm thắm không bỏ bùa sư

Mà sư cứ đòi xoa yếm thắm

Mẹ bảo này trọc đầu

Trong ngực tôi có Phật

Trọc đầu có sợ ố cà sa?


Giữa chợ lực điền yếm thắm gặp cha

Cha thẳng đường cày cầu xin yếm thắm

Mẹ bảo trong ngực tôi có Phật

Nếu ngực Phật anh thuận lòng

Thì yếm thắm này thuyền xin theo sông


Tôi ấp môi son vú mẹ

Lè phè nằm nghe Phật hát

Phật hát lời cò trắng muốt

Trắng muốt vì cò không phải là công

Phật hát lời cua đi ngang

Dẫu đi ngang cua vẫn chẳng lạc đường…


Suốt tuổi thơ tôi bú lời Phật hát

Quay sa mẹ hát lụa tơ

Ra đồng mẹ hát nắng mưa thuận hòa

Lời trăng thủ thỉ vai cha

Cỏ hoa mẹ hái bao la dành riêng con

Mẹ nhấn véo von

Lòng buồn cũng chớ nhuộm buồn có hoa


Ngày tôi phải rời xa yếm thắm

Mẹ bảo từ nay trong ngực con có Phật

Con thưa trong ngực con có mẹ

Mẹ khóc nhòe và ngực tôi bỗng hát

Lời mẹ hát cò lời mẹ hát cua

Ngực con đầy tiếng mẹ ru…


Chúng ta chưa thấy ai nói “Phật hát” bao giờ cả, và từ cái đầu đề khiến không ít người lạ lẫm này, diễn đạt của nhà thơ suốt toàn bài lại là cách nghĩ cách cảm dân gian khiến người đọc dễ dàng đồng cảm với triết lý thâm trầm (được lạ hóa) mà tác giả gửi gắm.
Vào bài, những câu thơ gợi nhớ đến ca dao cổ (Mấy cô yếm thắm bỏ bùa cho sư/ Sư về sư ốm tương tư) và cái không khí đậm cổ tích thế sự (Những chàng trai lực điền của Cây tre trăm đốt, Lang Liêu, Thạch Sanh…) Trong thế giới đó, Phật không phải là một khái niệm triết lý cao xa, hoặc một hình ảnh xa lạ, mà gắn với, hòa quyện với đời thường dân dã. Người mẹ của đồng quê Việt ngàn đời đã coi Phật ở tâm mình (trong ngực tôi có Phật); họ là những Phật tử (vãi) thành tâm với những tín điều đẹp đẽ do Phật đường dưới lũy tre đem lại- đó là sự mong mỏi yên bình, mối từ tâm, lòng bác ái, tính ngay thẳng… Và “Sông Cái mỉm cười” trước lời hò hẹn tình tứ nơi bến sông của những Phật tử thuần thành:

Nếu ngực Phật anh thuận long
/ Thì yếm thắm này thuyền xin theo sông

Cuộc đời bình dị và ấm cúng nơi thôn dã diễn ra trong những lời mẹ ru mà người thơ đã hình tượng hóa (và lạ hóa) thành lời “Phật hát”; và thêm một lần nữa NNB trở lại với “Cánh cò trắng muốt” từng che rợp đắm đuối hồn thơ anh; có điều ở đây là “Phật hát lời cò”, cũng nao lòng, cũng tồi tội đáng yêu, không khoe mẽ làm duyên làm dáng mà nhập với phận người lam lũ, và được cảm nhận qua tâm hồn trẻ thơ: “Trắng muốt vì cò không phải là công”– hơn thế, qua sự đánh giá của đạo lý người lao động cả ngàn đời: “Phật hát lời cua đi ngang/ Dẫu đi ngang cua vẫn chẳng lạc đường…”

Dường như sau khi đã giải thích cho người đọc hiểu lời Phật hát là gì và cội nguồn sâu xa của lời Phật hát, người thơ đã cho chính Phật hát bằng một đoạn thơ lục bát ngọt ngào nói về cuộc đời gian lao song kiêu hãnh của mẹ, về tâm hồn tinh tế dịu hiền mà bao la thánh thiện của mẹ:

Quay sa mẹ hát lụa tơ
/ Ra đồng mẹ hát nắng mưa thuận hòa/ Lời trăng thủ thỉ vai cha/ Cỏ hoa mẹ hái bao la dành riêng con/ Mẹ nhấn véo von/ Lòng buồn cũng chớ nhuộm buồn cỏ hoa

Rồi sau cùng, có lẽ chính nhà thơ cũng không ngờ bản thân mình sẽ là người thay Phật để hát về sự “ngộ” ra của một đời người – kể từ khi rời xa lồng ngực Phật của mẹ và cố gắng giữ gìn những gì mà mẹ trao gửi qua lời Phật hát:

Ngày tôi phải rời xa yếm thắm
/ Mẹ bảo từ nay trong ngực con có Phật/ Con thưa trong ngực con có mẹ/ Mẹ khóc nhòe và ngực tôi bỗng hát/ Lời mẹ hát cò lời mẹ hát cua/ Ngực con đầy tiếng mẹ ru…

Câu thơ cuối cô đọng lại mối quan hệ nhân quả Phật giáo của số phận quấn quýt tình nghĩa Mẹ – Con thiêng liêng, trong một hình thức ngôn từ biểu tượng nhưng lại đầy trực cảm, và tựa một tiếng khóc nghẹn ngào cố nén lại: “Ngực con đầy tiếng mẹ ru”. Và nếu đọc liền ngay bài thơ sau, chúng ta chợt nhận thấy: Phật hát, hay Mẹ khóc thực ra cũng chỉ là một mà thôi.


2. MẸ KHÓC

 
Mỗi khi con thấy mẹ ngồi bệt xuống hè
Tay cầm cây quạt nan
Là con biết mẹ đang đè buồn nuốt giận
Khóc ở trong lòng
Khóc trong lòng nước mắt chảy đi đâu?
Cầu cho nước mắt chảy vào gan vào ruột
Để nước mắt trôi ra ngoài
Nhưng nước mắt không chảy vào gan ruột
Mà chảy vào tim rồi hòa vào máu
Chẳng bao giờ con có thể lau
Những lúc ấy con qùy trước mẹ
Hai tay dụi gọi Mẹ ơi!
Trên trời tất nhiên có Giời
Nhưng sao Giời nỡ bất công
Để con càng lớn càng cao mẹ càng già càng thấp
Ôm con mặt mẹ úp ngang vai
Mẹ bảo mẹ khóc mừng khóc phúc
Mừng phúc mẹ khóc như mưa
Phùn xuân rào hạ
Mầu khóc hồng son
Con tắm trong khóc mẹ ngập hồn
Tinh chất khóc ngấm vào da vào thịt
Con không chùi không lau
Con không trả khóc về mắt mẹ…

Con biết ở cõi trời
Mẹ muốn khóc cũng không thể khóc
Vì thế ở cõi người
Ngày ngày con đem tiếng khóc mẹ ra phơi
Lạy trời đừng phạt mẹ tôi
Tội đón nước mắt con bay ngược về mắt mẹ
Để mẹ lại được khóc
Âm dương cũng đạo làm người

Trong bài thơ này, khi hồi tưởng, người thơ bung ra tất cả những cảm xúc trực tiếp về mẹ. Đầu tiên là sự thấu hiểu đến tận cùng những nỗi đau “chảy vào tim rồi hòa vào máu” của mẹ mà “Chẳng bao giờ con có thể lau”. Những nỗi bất công mẹ phải chịu trong cõi đời này đâu phải chỉ là “Giời nỡ bất công/ Để con càng lớn càng cao mẹ càng già càng thấp”! Và trái tim người thơ tưởng rạn vỡ mỗi khi mẹ khóc- kể cả việc “mẹ khóc mừng khóc phúc”. Nhớ lại mỗi khi mẹ khóc, sự nhập thân của người thơ vào nỗi đau của mẹ đến độ khiến người đọc phải bàng hoàng:
Con tắm trong khóc mẹ ngập hồn
/ Tinh chất khóc ngấm vào da vào thịt

Nhưng trong nỗi đau đã hóa thành “Tinh chất khóc ngấm vào da vào thịt” đó, người thơ vẫn gắng tách ra khỏi tâm trạng riêng trĩu nặng để lý giải một cách nghệ thuật nhất, thơ nhất về nước mắt của mẹ cũng như đạo lý ứng xử của một người con chí hiếu:

Con biết ở cõi trời
/ Mẹ muốn khóc cũng không thể khóc/ Vì thế ở cõi người/ Ngày ngày con đem tiếng khóc mẹ ra phơi/ Lạy trời đừng phạt mẹ tôi/ Tội đón nước mắt con bay ngược về mắt mẹ

“Đem tiếng khóc mẹ ra phơi”
! Một hành động thực chẳng bình thường, một cách diễn đạt thật kỳ lạ, nhưng bởi có “Tinh chất khóc ngấm vào da vào thịt” kia làm nền, câu thơ càng cắm sâu trong tâm trí người đọc, và hành động lạy trời tha cho mẹ cái “Tội đón nước mắt con bay ngược về mắt mẹ” khiến chúng ta vừa thán phục một câu thơ độc đáo đậm siêu thực vừa chảy nước mắt vì thương cảm! Và cuối cùng người thơ trở lại “cõi người” trong thực tại, rút ra kết luận giản dị nhưng lại mang sức nặng chiêm nghiệm của triết lý Á Đông – Việt:

“Để mẹ lại được khóc
/Âm dương cũng đạo làm người.”

Cũng trong mạch Âm Dương Ngũ Hành đó của vạn vật và của thân phận Mẹ, nhà thơ lại đưa chúng ta vào mùa Tứ Quí (tức là 18 ngày cuối của các tháng Ba, Sáu, Chín, Chạp là 72 ngày, thuộc hành thổ- theo giải thích của chính tác giả vốn là một nhà phong thủy học)- góp phần hoàn chỉnh thêm chân dung Mẹ hằng sống động trong tâm tưởng và lòng biết ơn sâu nặng của anh:


3. MÙA TỨ QUÍ


Mười tám ngày tháng Ba

Mẹ cãi dân văn không chịu trông vào

Mẹ gọi rét Bân về cho cha mặc áo

Áo Bân dệt với mưa phùn

Cha mặc vừa in bảo ấm


Mười tám ngày tháng Sáu

Mẹ tần đồng xa mẹ tảo đồng gần

Tép cà gia bản

Cơm ngô khoai độn với sum vầy

No cười như mưa bóng mây


Mười tám ngày tháng Chín

Mẹ theo hịch dân văn trông ra

Váy phùng đòn gánh yếm tơ

Cùng dân làng mẹ đi đón mùa thu

Hớn hở mùa thu chào mẹ


Mười tám ngày tháng Chạp

Mẹ đồ xôi đóng oản

Mẹ nấu chè kho

Mẹ bảo khổ thế nào cũng phải vui ba ngày tết

Rước tổ tông về

Vì thế, và thế

Càn Khôn đón mẹ tôi về mùa tứ quí


Mùa tứ quí có suốt quanh năm

Chả thế tôi làm sao thành một lực điền

Cầy cuốc quanh năm không mỏi mệt

Chả thế làm sao tôi yêu em

Yêu lâu thế mà sông tình vẫn đẹp

Chả thế tôi làm sao nuôi dậy các con

Nếp tẻ đều thành người tử tế


Lạy Càn Khôn, tôi nguyện sống tu thân theo mẹ

Sau trăm tuổi xin cho tôi về làm mùa phú quí

Để tôi hầu hạ mẹ tôi…

Từ một câu nói của dân gian: “Đói tháng Tám trông ra, đói tháng Ba trông vào”, nhà thơ dẫn người đọc qua các mùa của Tứ quý trong Xuân, Hạ, Thu , Đông- cũng là khái quát cả một vòng tuần hoàn của thân phận Mẹ giữa số phận dân tộc.
Những hình ảnh gần gũi thân quen biết bao đối với người dân Việt trong nhiều thế kỷ được kể lại bằng lời lẽ của dân dã đời thường song lại có sức gợi rất lớn, bởi đặt trong tâm thế hồi ức ngập tràn ánh hào quang và âm hưởng dịu dàng về mẹ:

… Áo Bân dệt với mưa phùn
/… Mẹ tần đồng xa mẹ tảo đồng gần/… Tép cà gia bản/ Cơm ngô khoai độn với sum vầy/ … Váy phùng đòn gánh yếm tơ/ … Mẹ đồ xôi đóng oản/ Mẹ nấu chè kho…

Người Việt hôm nay ở bất cứ phương trời nào trên trái đất, ai mà chẳng lặng người xúc động trước lời căn dặn của người mẹ bên hương khói nhớ tổ tiên chiều cuối năm:

Mẹ bảo khổ thế nào cũng phải vui ba ngày tết

Rước tổ tông về

Hành động tâm linh thân thuộc này sẽ là nguyên nhân, đồng thời là sự tiếp nối của một hiện thực lớn lao khi người mẹ về với tổ tiên, với thăm thẳm Đất Trời- nơi mà khi còn ở dương gian, mẹ hằng mơ ước:

Vì thế, và thế
/ Càn Khôn đón mẹ tôi về mùa tứ quí

Tôi nghĩ, nhà thơ mượn Mùa tứ quý để nói về cái khát khao của người Việt ta ngàn đời nay về “trời yên bể lặng”, về “chân cứng đá mềm” để được sống trong “hớn hở mùa thu”, và “hớn hở” suốt tháng ngày dù còn lam lũ, khổ ải, rình rập bao hiểm họa từ thiên tai và từ chính con người… Khi mơ ước chưa thành hiện thực, thì nhà thơ, nương nhờ trong thế giới tình thương vô tận của mẹ đã hình dung ra:“Mùa tứ quí có suốt quanh năm”

Người con lực điền ở Mùa tứ quý này nối tiếp người cha trai cày trong Phật hát, cùng các hình ảnh của một hệ thống thi liệu thống nhất ở cả ba bài thơ về Mẹ, được đặt trong trường cảm xúc mạnh mẽ của nhà thơ khi viết về quá khứ cho ta cảm tưởng: nhà thơ dù có đi suốt đời cũng không qua hết vòm trời của Kinh thành cổ tích… Nhưng đó lại là điều may mắn của nhà thơ, và cũng là điều may mắn của người đọc hôm nay- nhất là những người đọc trẻ tuổi, được tiếp nhận một bài học về đạo lý ông cha về nghĩa tình, về nuôi dạy con cái… một cách mộc mạc giản dị mà cũng đầy sức lay động:

Mùa tứ quí có suốt quanh năm
/ Chả thế tôi làm sao thành một lực điền/ Cầy cuốc quanh năm không mỏi mệt/ Chả thế làm sao tôi yêu em/ Yêu lâu thế mà sông tình vẫn đẹp/ Chả thế tôi làm sao nuôi dậy các con/ Nếp tẻ đều thành người tử tế

Nếu ở bài thơ trên, nhà thơ lạy trời đừng phạt người mẹ vì đã quá yêu con mà phá đi cái quy luật đời thường “nước mắt chảy xuôi”, thì đến đoạn kết bài thơ này, anh lấy cả Trời – Đất (Càn Khôn) làm chứng giám cho mình khi nguyện ước- và có lời nguyện ước nào thiêng liêng hơn, giàu ý nghĩa hơn, và cảm động hơn thế này:

Lạy Càn Khôn, tôi nguyện sống tu thân theo mẹ
/ Sau trăm tuổi xin cho tôi về làm mùa phú quí/ Để tôi hầu hạ mẹ tôi…

Mùa tứ quý vừa là sản phẩm của tâm hồn mẹ, vừa là phần thưởng xứng đáng cho mẹ trong cõi đời này, vừa là cái đích mà người con vươn tới và mong hóa thân vào nó- trước hết là dành cho mẹ nơi vĩnh cửu- cũng có nghĩa là cho cả thế gian… Sự chuyển hóa của những phạm trù đời sống, của những quy luật phong thủy biến ảo được soi rọi bằng tầng cảm xúc sâu đằm và trí tưởng tượng đột phá của một thi sĩ trong bài thơ này đã vô tình liên kết tận trong chiều sâu với hàng loạt bài thơ khác của NNB – mà trước hết, gần nhất là với hai bài Phật hát và Mẹ khóc. Thử hỏi, trong tất cả những người đang đọc thơ NNB đây, ai không từng mơ một Mùa Tứ quý trong mình? Tuy mỗi người có một cách khác nhau để đến với Mùa Tứ quý đó, nhưng có một điểm chung là sự gắn bó với Mẹ- rộng hơn là với Đất Mẹ, Hoàng Thổ. Vấn đề là, nếu ai biết cách, hơn thế- chân thành thủy chung với Đất Mẹ, như thần Ăng- tê của thần thoại Phương Tây gắn với Đất Mẹ, thì sẽ có cơ đạt tới mục tiêu sớm nhất, và chắc chắn nhất… Tới bài thơ Mùa Tứ quý, Mẹ đã hoàn toàn trở thành Phật, và tiếp tục hát những bài ca cổ vũ sự sống cùng những vẻ đẹp cần nâng niu gìn giữ ở thế gian…

Trong thơ ca xưa nay, thật hiếm có những bài thơ nào viết về Mẹ một cách vừa biến ảo khôn lường vừa chân cảm đến ứa lệ như ba bài thơ trên!


Nguyễn Anh Tuấn (Đạo diễn điện ảnh)
VANDANBNN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét