Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Chém Gió Muôn Mầu 2/ QUẦN HÙNG CHÉM GIÓ TÔI, 15 NHỊP/ 15.2

QUẦN HÙNG CHÉM GIÓ TÔI, 15 NHỊP
Văn đò đưa
1. Hoàng Như Mai / 2. Tùng Bách/ 3.Hạt Cát/ 4. Phùng Thành Chủng/ 5. Đinh Ngọc Diệp/ 6. Trần Vân Hạc/ 7. Hoàng Việt Hằng/ 8. Nguyễn Văn Hòa/ 9. Hoàng Xuân Họa/ 10. Tô Hoàng/ 11. Nguyễn Minh Khiêm/ 12 Nguyễn Mộng Nhưng/ 13. Hồ Bá Thâm/ 14. Minh Thi / 15. Nguyễn Anh Tuấn/
 15.2.  N h à v ă n  MAI AN  N G U Y Ễ N  A N H  T U Ấ N




Khi nhà thơ buộc phải “ngoại tình” với thơ
Đọc bài QUAN HỌ­­ KHÔNG NGOẠI TÌNH của NNB


Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy gửi bài thơ này cho tôi với một lời chú thích: “Đây là bài hóa giải mọi oan ức hận thù của anh, bài này anh mơ viết bao năm nay bây giờ mới viết được.” (Thư điện tử).
Nguyễn Nguyên Bảy khiêm nhường tự nhận là “người thơ nghiệp dư”, nhưng thực ra đó là một tác giả rất có ý thức về sự nghiệp thơ ca của mình, và rất chuyên nghiệp. Nhà nghiên cứu văn học Đỗ Quyên (Canada) có lần viết cho tôi: “Nguyễn Nguyên Bảy là tác giả thật kì khôi; tôi chưa hình dung hết, có lẽ vì chưa đạt được “cảnh giới”. Hình như cánh “chuyên nghiệp” kính nhi viễn chi loại tác giả như vậy. Có điều này tôi chưa hiểu rõ: dường như ở Thơ và Người Thơ Nguyễn Nguyên Bảy có sự chen lấn nhau, khiến cho Thơ (văn bản) bị Người Thơ cưỡng bức. Tác giả tự nhận là “nghiệp dư” có lẽ là vậy chăng? Hay tác giả coi đời sống thơ như một thứ đạo, mà tác phẩm chỉ là phó sản của Sống Đạo? Thiển ý, đây là nút để mở thơ Nguyễn Nguyên Bảy ra đọc.”( Thư điện tử). Tôi buộc phải viện dẫn lời chuyên nghiệp của bạn để mong có một bàn đạp khả dĩ góp phần lý giải một bài thơ chứa những nội dung hình tượng quá phong phú và quá phức tạp như bài thơ này. Tôi còn cho rằng: đây là bài thơ đau xót nhất và đồng thời cũng nồng ấm bậc nhất của Nguyễn Nguyên Bảy!

Trong thơ Nguyễn Nguyên Bảy, hình ảnh Quan họ, những cụm từ liên quan đến Quan họ xuất hiện khá nhiều lần, tạo nên một thi liệu quen thuộc chứa đựng suy tư, thái độ sống, quan niệm thẩm mỹ của anh – “Quan họ”, “Quan họ giao duyên”, “quan họ tứ thời trăng”, “tạ lời quan họ”, “nụ cười quan họ”, “Vàng của tấm lòng quan họ”, “luật người quan họ”, v.v.

Theo những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian có uy tín, nét độc đáo nhất làm nên đặc điểm chủ yếu của Quan họ chính là Kết Chạ. Hội Kết chạ là hội của hai làng kết nghĩa anh em – nghĩa là trai gái hai làng không được lấy nhau, họ cùng thờ chung một thần hoàng làng. Trong hội hè Kết chạ Quan họ, Thơ được đánh giá rất cao, “ngôn ngữ được xem là một thứ ma lực“; và qua sự phê duyệt của “Đôi dân”( đại diện cho Chạ chủ hai làng) mỗi thành viên chỉ phụng sự thần thánh thông qua việc trau dồi ngôn ngữ thơ ca đượm tình cùng phong cách biểu diễn đặc trưng của Quan họ.(1)

Phải chăng, chính vì thế mà đối với nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy, Quan họ là biểu tượng không chỉ là văn hóa Kinh Bắc, mà còn là biểu tượng cho toàn bộ văn hóa – văn học nước nhà, cho Duyên tình chân thật, cho Nghĩa cả, cùng biết bao vẻ đẹp khác của Thơ ca, của đời sống, của tâm hồn người… Và anh có lý. Từ đây, anh có cơ sở để thực hiện một thao tác hoán dụ tuyệt vời trong thơ ca làm nên nét riêng đậm chất Nguyễn Nguyên Bảy!

Tôi chỉ là người trai bắc quàng quan họ
/ Hát quan họ mà thành liền anh…

Khi anh khẳng định, anh đã yêu Quan họ như một mối tình có trời xanh chứng giám, “không ngoại tình”, với một nỗi xót xa diễn tả qua bao hình ảnh “tá khách hình chủ- mượn mây tả trăng”, anh đã hé lộ một điều: “Dù biết luật quan họ” nhưng lại “phạm luật chơi” nên bị “tẩy chay”, anh đã buộc phải “ngoại tình”, và cuối cùng đành “gạt lệ” rời khỏi “cộng đồng quan họ”… Chúng ta tự hỏi: vậy anh đã “ngoại tình” với điều gì? Thực xót xa, vì không muốn và không thể “ngoại tình” với những gì mình tin yêu trong cộng đồng Thơ ca tức cộng đồng Quan họ, anh đã phải “ngoại tình” với chính thơ của mình!

Để có thể hiểu rõ bài thơ “Quan họ không ngoại tình” mà không rơi vào bình tán vô bổ, hoặc xa với thâm ý đích thực của nhà thơ, tốt hơn cả là chúng ta hãy lắng vào một chặng đời thơ quan trọng của chính Nguyễn Nguyên Bảy – trước khi theo anh “cõng cánh bèo quan họ” đi khắp mọi miền…( Chặng đời thơ đó chủ yếu được diễn tả qua 4 phần của tập thơ đầu tay “Thơ Nguyễn Nguyên Bảy I”- xuất bản cuối năm 2010)

Trong những năm tháng mà âm thanh cao vút của những bài hát cùng tính chất sử thi và giao hưởng hùng tráng của những “Sư đoàn”, “Đường tới thành phố”, “Tình yêu và Báo động”, “Lửa đèn”, “Mặt đường khát vọng”, “Mặt trời trong lòng đất”(2)… là âm hưởng chủ đạo cho tinh thần xã hội (và đặc biệt cần thiết) thì cái bè trầm “âm âm lời Chinh Phụ lời Kiều” chắc chắn không thể được coi trọng nếu không muốn nói là bị hắt hủi, bị truy bức ra khỏi đời sống cộng đồng! Lại còn “Tình yêu mượn cánh thánh thần chở che” nữa,  rõ là “ngạo mạn” và “xấc xược”! Mặc dù anh tự nhận đứng trong hàng ngũ: “Chúng tôi đang viết những tráng ca/ Những tráng ca bằng gươm bằng súng”- nhưng riêng anh thì lại không viết tráng ca mà lại viết thơ của đời thường, viết tình ca thủ thỉ: “Thơ run rẩy những lời có cánh/ Khúc yêu mình trộn khúc thương con”- “Lời ru không vui không buồn/ Thơ hạ cánh đậu nghe lạnh ngắt” khi bếp lạnh và “bụng trống không”, khi “Khúc yêu trong màn khóc mớ/ Khúc yêu lạc giọng ru con”(Tam tấu).

Giữa những ngày sắt thép máu lửa đó, anh lại dám “Mơ sen”: “Ao thu bỗng hóa biển cồn/ Cánh cò bỗng hóa cánh buồm trắng phau”- ” Bỗng cò nghiêng cánh/ Gánh tôi về/ Thuyền sen”, và dũng cảm “Ngẫm về thơ”: “Thuyền thơ chở đầy trăng thơ/ Đầy trà đầy rượu đầy hoa/ Và đầy nhân tình”. Chiến tranh không cướp đi của người thơ nguồn cảm hứng vô tận về “Mùa yêu”: “Trong thương nhớ cất thành lời hát ru/ Âm dương tình ngỡ trong mơ/ Mùa yêu chẳng có bến bờ thời gian”. Trong “Mùa yêu” đó, dường như anh cố gạt đi những âm thanh chát chúa để lắng nghe rõ hơn bao giờ hết “Dân ca buồn con sáo sang sông” hay “Rêu cổ tích rù rì kể chuyện” và ngẩn ngơ trước số phận do các bà tiên xếp đặt: “Phải định mệnh nhân duyên/ Bỏ bùa anh lạc lối/ Ai rủ chân sen tới/ Cửa rừng nơi hẹn hò?”.

Trong khi những lứa đôi chia tay nhau để ra trận, người thơ lại “Hát tặng biệt ly”: “Nghe sông chảy lững lờ đôi buồm trắng/ Nghe phố xá nằm dài trong mật nắng/Nghe nôn nao cánh bướm đậu hoa vàng”.

Cái thời cần kêu gọi lòng căm thù và ý chí chiến đấu thì anh lại đưa ra những lời đạo lý cổ xưa của ông cha tưởng chừng lạc lõng”: “Này cò này vạc này nông/ Không sống tử tế đừng mong thành người” (Ký ức ca dao) – “Chợt đôi lúc anh lạc mê lạc lú/ Em hãy là Bồ Tát khoan dung”(Lời tỏ tình).

Một “Vườn chiều có thực” của thời chiến tranh có khói hun muỗi từ giẻ mà anh lại hình dung như một vùng đất cát mềm của Tiên Dung – Chử Đồng tử, của Giếng ngọc Cổ Loa, có tiếng hát Trương Chi, ở đó “Tôi đang độc ẩm cuồng say/ Những ly rượu thơ cồn cào bụng đói/ Bao nhiêu người đang đói/ Có thơ uống như tôi đâu/ Sao em lại cúi đầu/ Thương tôi mắt khóc?”(Vườn chiều)

Trong những năm đáng lẽ chỉ được hát ca, anh đã ngậm ngùi kể về người mẹ vẫn “Thương thằng mộng mị thơ ca/ Chọn yêu cuộc tình kiếp nạn”, và về người vợ ”Chít trắng đầu tang/ Nuôi đàn em thay mẹ/ Mom sông cô gái nhỏ/ Tay cò mắt vạc kiếm ăn”( Thuyền tình)

Cánh bèo rằng quan họ bén duyên tôi
/ Suốt mưa tháng sáu hát đậu hát cà/ Suốt nắng tháng tám hát bưởi hát na/ Suốt trăng tháng mười hát cơm gạo mới/ Suốt rét tháng chạp hát nướng ngô khoai/ Duyên tình ấy lỗi gì mà quan họ phạt tôi?

Những điều “xa lạ” và “lạc lõng” nói trên-  xét cho cùng là vô hại, thậm chí chúng cần thiết giúp cho con người  giữ được cái gốc nhân bản trước những thảm cảnh khốc liệt, song đã vô tình góp phần tuyên một cái án “không có án” để gia đình thi sĩ phải ôm hận “ly hương” suốt mấy chục năm trời sau đó!
Thực ra, trong những năm tháng đạn bom ấy, người thơ có phần lập dị này cũng sống như tất cả cư dân Hà Nội. Mặc dù “Nhà em nóng rực như lò/ Đun chảy mọi điều mơ mộng/ Em là cô thợ ca ba/ Tôi lặng mình và chợt hiểu ra/ Có một Hà Nội khác/ Một Hà Nội của tôi”… Anh đã sững sờ trước “Những kỳ ngộ đẹp như thơ/ Tình mình làm sao sánh được/ Ấy là lẽ vì sao em không khóc/ Trước gian nan tem gạo phiếu tiền/… Biết là mình đáng sống/ “Dép lốp bè trầm áo xanh bè bổng”. Anh đã khóc như tất cả những người dân lúc đó trước câu chuyện về người bác sĩ trẻ chết bởi bom Mỹ trong ngày cưới, đã xúc động run người trước hành động bất chấp hiểm nguy của những con người lao động bình dị: “Cô bác sĩ Cửa Đông nuốt khóc/ Thiệp hoa phủ xác nửa mình/ Anh thợ điện người Ô quan Chưởng/ Bới nhặt nửa mình trong đổ nát Khâm Thiên…” (Ca trù mùa thu). Anh cũng trở về đài để “thay ca trực chiến” như mọi phóng viên khác của Đài tiếng nói VN, cũng “đồng loạt cánh tay giơ” để “lên Tháp Bút viết hùng ca”… Nhưng, cái “tạng” của anh không phải là “hùng ca”; và điều đặc biệt đáng quý là, người thơ hiểu rõ hạn chế của mình, anh đã không ít lần tự dày vò: “Ánh gằm gằm giấu sau đít chai/ Cháy thành lửa cũng chỉ là lửa mắt/ Mắt trông theo nắng vượt thác/ Mắt trông theo trăng qua đèo/ Mặt trận cờ reo quân reo/ Trào lửa mà đành nuốt khóc/ Đứng tựa lưng trăng/ Bút thay gươm súng/ Chuốt câu thề ( Tự họa tuổi trai).

Người thơ có khát vọng lý giải sức mạnh chiến thắng của hiện tại bằng mạch nguồn từ xa xưa, nên cũng dễ hiểu anh thường để “Hồn quanh quất nơi cửa rừng nguyên thủy”- “Tôi lang thang tìm tôi xưa cũ”(Về cội). Và với trí tưởng tượng phong phú tràn ngập cảm hứng lịch sử, Nguyễn Nguyên Bảy hình dung: “Sử sách thắp trưng bạch lạp/ Chữ hiện mù sương”- “Trăng nhớ những đêm Lạc Việt/ Gươm kiếm mài ngời trăng lu” (Chứng tích chiến tranh). Anh say sưa với “dòng sông chảy qua làng Việt cổ”, với những nơi nào từng có “Sá cầy lật mở binh thư/ Người cấy lửa vào lúa/ Người chép lửa vào thơ” (Huyệt lửa). Anh là nhà thơ đầu tiên của thời mới tìm thấy sự đồng cảm  lạ lùng với Thánh thơ Cao Bá Quát và có cả một tráng ca về cụ: “Đời Quát có hai vua/ Thơ Quát chỉ có quyền chọn một”- và Cao Bá Quát đã chọn”Một ông vua là con dân mẹ nước”; thế nhưng “Đói khát vẫn hoàn đói khát/ Xã tắc khốc hư/ Ngậm miệng vái xin trời Phật”, và anh nguyện sống với “Thác đoàn quân Cao Bá Quát/ Vào tử tìm sinh.”(Thánh Thơ).
Từ cảm hứng lịch sử , Nguyễn Nguyên Bảy nhìn lại cuộc chiến tranh hiện tại và có cách cảm nghĩ riêng. Trong bài “Quả Mặt trời”, trước tội ác hủy diệt của giặc Mỹ, anh băn khoăn: “Chảy đi đâu hỡi máu”- “Máu đã chảy lên thành Quả Mặt trời”- nhưng ấn tượng hơn cả vẫn là “Giấc mơ thơ nát bấy như bùn” và “Tọa tòa sen Phật bà khóc” (Chùa Một cột)
Tôi chưa rõ “Thơ NNB II” có những gì, song với “Thơ NNB I” mà tôi đang có trên tay, tôi chợt liên tưởng người thơ có phần “kỳ dị” này với nhân vật bác sĩ – nhà thơ Zhivago của nhà văn Nga Boris Pasternak. Trong biết bao sóng gió kinh hoàng của số phận, cắn răng chịu đựng những tàn bạo phi lý của chiến tranh, Zhivago vẫn băn khoăn trăn trở với sự nghiệp văn chương của mình; anh đã viết bản trường ca “Xao xuyến” với ý tưởng sáng tác như sau: “Bao lâu nay chàng vẫn muốn miêu tả cái cảnh trong ba ngày một cơn bão đất đen tối, lúc nhúc dòi bọ, bao vây và tấn công ra sao cái hiện thân bất diệt của tình yêu, ném đất đá rào rào vào nó, vào cái hiện thân ấy, hệt như những lớp sóng biển dồn dập đập vào bờ và chôn vùi bãi biển…”(“Bác sĩ  Zhivago” – Lê Khánh Trường dịch)
Nguyễn Nguyên Bảy muốn “Tượng hình làng quê sông núi” theo cách riêng của anh: “Tinh tú tôi ơi, sao thốt lời buồn/ Lập nghiệp gì đâu đời thi sĩ/… /Em gái quê cần lời thay nước mắt/ Ủ vào khăn tặng bạn trước chia ly/ Và với tôi điệu vần ấy đôi khi/ Cứu tuyệt vọng xô đời xuống vực/ Chỉ thế thôi tôi đêm ngày đèn sách/ Điệu vần dâng tạ ơn sinh!”( Tinh tú ngộ duyên). Nhà thơ biết phận mình: “Đời cha nghèo xác/ Chỉ những bài ru là giàu có hơn người”(Ru con)
.
Mặc dù Nguyễn Nguyên Bảy từng viết ca ngợi nụ cười: “Nụ cười là đặc sản của dân tộc tôi”( Đề dưới nụ cười), song ở thơ anh phần lắng đọng rung cảm nhất lại là nước mắt- nhất là của những người phụ nữ mà “Giọt khóc rơi xuống thì thầm”(Cầu thương). Bởi chính người thơ tuyên bố: “Mà tôi/ nghĩ lạ lùng chưa/ Học khóc/ Bởi sợ đời dư hát cười”(Học khóc). Nhà thơ không chỉ nhìn thấy những quả bom rơi xuống đe dọa cuộc sống bình yên, mà còn nhìn thấy cả chặng đường lam lũ đói khổ của các làng quê Việt từ ngàn xưa và chưa biết đến bao giờ chấm dứt: “Sông cái chia nhánh còng số tám/ Nước khóa làng tôi”- “Thương đất trắng chìm trong lũ”( Làng nước)- “Những câu ru nhang cháy/ Dưới trời bâng khuâng hương”(Lời ru dưới mỗi mái nhà). Nhà thơ tự nhận: “Anh có lỗi đã thăng hoa bi kịch”. Nhưng anh không thể làm khác, bởi một lẽ giản đơn: “Anh hằng kể con nghe kiếp sống ông bà/ Trải bao nhiêu cực khổ/ Vẫn trước sau làm người tử tế/ Ngẩng đầu đi khắp thế gian”- “Hãy uống cạn ly thương đắng/ Vươn vai mà đứng làm người”. Điều khiến anh băn khoăn giữa lúc phải trốn chạy cái chết từ trên trời rơi xuống cũng là: “Con anh sao chẳng nên người/ Cháu anh sao chẳng nên người/ Không nên người/ Thì sao còn sông Cái sông Con/ Sao còn tiếng hát Mỵ nương/ Chèo đò lên non Tản/ Bỗng cháu nội hươ hươ thức sáng/ Hỏi sao ông khóc ông ơi?”

Thái độ nhún nhường này của anh chắc cũng gây ra sự nghi kỵ, soi mói, bởi xu thế thời đại là phải vươn tới đỉnh cao, phải “ra ngõ gặp anh hùng”, vậy mà anh dám chỉ nhận mình là “tre nứa”: “Thông tùng cao ngạo phong ba/ Chẳng lẽ tre nứa không là đời cây ?/ Mặc ai chò chỉ lim mây/ Ta vẫn kiêu hãnh một cây giang thường/ Măng giang nấu cá ngạnh nguồn/ Sao ta chẳng biết đổi buồn thành vui”…

Trực giác và kinh nghiệm sống cho nhà thơ nhìn thấy giữa thời “hùng ca” đó đã  manh nha những vấn đề đáng quan ngại của đạo lý truyền thống – đó là chủ nghĩa xu thời, chủ nghĩa thực dụng, thói ích kỷ xuất hiện, cùng những thứ không thể tồn tại bên cạnh sự “tử tế”; nhiều lần anh đã phải thốt lên cay đắng: “Quanh ta hỏi có bao người/ Gian manh mà vẫn sống đời tụng ca”- ” Mặc ai dài mặc ai tròn/ Người khác với vật bởi còn cội tâm”(Bài ru trằn trọc)- “Những hồn ma nợ tình người sống/ Dẫu chết muôn đời vẫn chẳng thể yêu”(Âm dương).

Những khi chán nản,”Tôi lang thang ngơ ngẩn/ Giữa Âm Dương mông lung”, buộc phải “Hát rong tôi trộn kinh hoàng vào đêm”, nhà thơ chỉ biết “Tôi tụng tôi/ Nhân quả”( Cửu tụng). Thất vọng bởi những lời hứa hẹn xuông, những diễn văn lắm lời với những viễn cảnh to tát chỉ có ở thiên đường, anh “thắp nén nhang thơ”( Chép thơ công nghiệp đất) và khao khát “Ra với biển đi tất cả những ai/ Hoang tưởng như tôi biển mời ra biển”(Biển mời), hay cư xử một cách khá nghênh ngang làm tức mắt chẳng ít người: “Tôi bay trên bể đời giông tố hát nghêu ngao”. Anh tìm đến “Thiên nhiên” như cội nguồn sinh lực và lòng tin yêu cho mình: “Tâm hồn anh bay lượn giữa thiên nhiên/ nghe ríu rít tiếng thơ trong lá cỏ”- “Không đố kỵ chẳng xỏ xiên/ Không xúc xiểm chẳng bon chen lọc lừa”- “Công danh thế là quá đủ/ Phận mình thuyền thúng qua sông”… Tất cả cốt chỉ để mong vượt qua những nghiệt ngã của đời mà anh kể lại trong “Tự thuật sinh tồn”- thế nhưng anh đã vô tình “Phạm luật người quan họ” và phải trả giá:

Khốn khổ thân tôi đa tình
/ Phạm luật người quan họ/ Cõng một cánh bèo giạt trôi/ …Cõng cánh bèo trên lưng tôi hát thầm hát oán/ Lời giã bạn

Nhưng nhà thơ luôn tự khẳng định, mối tình với Thơ, với Quan Họ, với những gì xứng đáng dành cho Tình yêu thương và lòng kính trọng của anh là chính đáng, có thể tự hào trước thanh thiên bạch nhật:

Quan họ không ngoại tình !

Tuy nhiên, những cái đó chưa phải là “tội” lớn nhất của Nguyễn Nguyên Bảy và người bạn đời của anh- Lý Phương Liên! Cái “án không tuyên” đã treo từ lâu, giờ có chứng cứ cụ thể để biến thành án “văn tự” rành rành khiến họ lao đao khốn khổ, khi cả đôi vợ chồng thi sĩ đều mắc cái tội “Luận Kiều thời chinh chiến”! Lý Phương Liên sau những bài thơ được dư luận ca ngợi, thì trình trên báo chính thống bài “Nghĩ về Thúy Kiều” (sau đổi thành “Trò chuyện với Thúy Kiều”) làm giọt nước đầy tràn cốc nước! Những bài thơ “luận Kiều” của Nguyễn Nguyên Bảy vẫn còn nằm trong bóng tối (gần 40 năm sau anh mới cho vào cả phần: “Một vài trống canh” -Thơ NNB I”)- song anh phải gánh cùng vợ biết bao tai họa xung quanh “Nghĩ về Thúy Kiều”! ( Nhà văn Triệu Xuân đã có viết bài rất đầy đủ và lý thú về chuyện này: “Trò chuyện với Thúy Kiều- bài thơ hay nhất của Lý Phương Liên” ). Ta hãy thử lục lại “hồ sơ vụ án” xem nhà thơ NNB đã “luận Kiều” và “vận Kiều” ra sao: “Hai trăm năm tưởng gieo vần hôm qua”-“Vận người thành cuộc đỏ đen/ Thiêng liêng đất nước bao phen nổi chìm” (Lược Kiều)- “Muốn thay tình mới cho thơ/ Bỗng nhiên sao quá mơ hồ đời anh/…Anh lại đi tìm tình/ Tìm tình anh thấy chính mình thảm thương”-“Hão huyền lại mượn đời Kiều/ Dỗ em/ Dối trá bao nhiêu vơi đầy”- “Chữ tình lại buộc dây tình thanh cao”- “Không ham tiếng hót chim mồi/ Lồng son là hết một đời chim bay”(Tự tình). Và cả đời nhà thơ phải “hơ hoảng” khi đã quá dại dột, dám liều mạng làm một chuyện tày đình vào những năm 70 thế kỷ trước là tuyên bố thẳng thừng: “Thơ là Thơ. Thơ không phải là địa vị xã hội của người làm thơ./ Tôi phạm tội trẻ con/ Luận Kiều thời chinh chiến/ Biết phận mình ong kiến/ Chẳng dám trách miệng quan/ Cố lùa và nỗi nhục/ Gối tình ôm sát ngực/ Cố đừng mòn sống ơi” (Tự thuật tội lỗi). Nhà thơ cũng Tự thuật lại chuyện đó bằng văn xuôi như sau: “15 chữ ấy đủ cho một bản án không tuyên… Đã có những năm khổ sở quá – như 1972 chẳng hạn, bị vu cáo khốn nạn, 8 tháng không được làm việc, tôi chuyển sang làm thợ may. Đồng tiền kiếm được không ít, nhưng lạ lùng sao cứ thiếp vào giấc ngủ là y như nàng thơ đến (như Đạm Tiên ấy!) và bảo: Nghiệp còn nặng chưa thể bỏ được đâu! Thế là lại gạt nước mắt, lại trút tất cả những khó khăn lên vai vợ và lại làm thơ. Nhiều người tỏ vẻ xót xa thương cảm, nhưng gánh nặng đời ai dễ sẻ cho ai.” ( Thủng thẳng với Thơ, NNB)

Hậu quả nặng nề đến độ đôi vợ chồng thi sĩ phải làm theo lời nguyền Số phận: “Muốn hoán đêm làm ngày/ Chỉ còn một cách ly hương.” ( Tinh tú ngộ duyên)

Chúng tôi ngược Lim
/ Lên rừng cọ đồi chè giao duyên xoan ghẹo/ Chùng tôi xuôi đồng bằng/ Quan họ chèo trúc thẳng trăng nghiêng/ Chúng tôi lên Tây Nguyên/ Quan họ nhẹ mềm hòa cùng rock nặng/ Chúng tôi vào Quảng/ Quan họ hô bài chòi/ Chúng tôi cõng nhau vào Chăm/ Quan họ hở vai múa bụng/ Chúng tôi chống xuồng ngồi ghe/ Quan họ hát vọng cổ thâu đêm suốt sang/ Khúc bèo giạt mây trôi hát hoài không chán/ Đến đâu cũng bảo ở đừng về..

Những chặng đường của “gánh hát rong” này (kiểu “Nhà lăn Mê Ly” xuyên Việt của họa sĩ công tử Hoàng Lập Ngôn hồi trước Cách Mạng) kể ra cũng “hào hùng”, cũng nhiều sự kiện đáng nhớ đáng yêu lắm chứ, song trong thân phận chui lủi, không chính danh, là “ngoại tình” nên cũng thực đắng đót làm sao! Mấy chục năm sau, kể cho con và ngẫm lại đời mình, nhà thơ viết: “Cha đã xa kinh thành cổ tích/ Hăm nhăm năm ăn tết Sài gòn/ Tha hương trên đất nước mình/ Lòng nhủ không nơi nào quê cha đất khách/ Vậy mà mỗi năm những ngày cận chạp/ Vẫn nao lòng bóng nhạn trời quê/ Tha thẩn tìm lối hồn về…”

Sau nhiều năm tháng lang thang, sống cảnh “Bạn bè lều quán chợ chiều/ Tìm được chỗ tựa lưng là ngủ”, vào một buổi xế chiều, người thơ tổng kết đời mình trong lệ lạnh: “Sáu mươi tuổi bây giờ mới hiểu/ Đêm đông ai hát Tết buồn “- “Thương con cháu chảy nhòe giấy viết/ Xứ tuyết ấy làm gì có Tết/ Quê người đất khách con tôi/ Áo cơm đời nặng thế áo cơm ơi/ Cánh cò trắng lội mò tuyết trắng” (bài thơ Hoa Đỗ Quyên của NNB)

Quan họ còn đó chúng tôi phải về
/ Người nào chẳng có bến quê

Mẹ cha ơi, làng xóm đây rồi!

Một câu thơ làm thành cả khổ thơ là tiếng nói ấp iu của người thơ suốt những năm tha hương lúc nào cũng chỉ chực thốt lên trong nỗi nghẹn ngào: “Mẹ cha ơi, làng xóm đây rồi!”

Thực não lòng khi nhà thơ phải “Thưa Lời: Lời hỉ xả lạy tặng bốn phương tám hướng những người từng nộ dọa, thị phi, roi ngữ, ganh khinh hẳn chỉ muốn dậy tôi sống làm người tử tế, xin tha cho tôi mọi tội đời (nếu có)” (Thơ NNB I)

Âm hưởng của điều “Thưa lời” ấy bàng bạc suốt tập thơ đầu tiên của Nguyễn Nguyên Bảy gói gọn cả đời thơ anh và trong bài mới nhất “Quan họ không ngoại tình”. Ở bài thơ này, cái chủ đề “Quan họ” đã ngân nga trong “Ô cửa vuông trăng” viết từ nhiều năm trước, khi mà “Người tương tư thơ ấy vẫn chưa về”: “Trầm bổng dàn đồng ca thiếu nữ/ Hát lời quan họ giao duyên/…/ Xác thân anh chết chìm/ Nếu nàng không vớt anh khỏi bể/ Chén cơm anh ăn vì thế/ nặng bao nhiêu nghĩa buồn/ Ô cửa em ngồi ru con/ Sao em hát lời nàng kiếp trước/ Quan họ trao duyên/ Em nhìn theo bóng chim xuôi/ Giục anh tạ lời quan họ/ Quan họ đi rồi anh tạ tình em…”

Thời thế đổi thay, rồi cũng bởi sự trả giá quá nhiều, và bởi sự chân thành đến cảm động dù phải chịu bao hắt hủi ghẻ lạnh mà gia đình thi sĩ “phạm luật” năm xưa đã được “đền bù danh dự”:

Án phạt năm xưa xóa trắng
/Quan họ không ngoại tình

Trong đoàn “Quan họ” hôm nay “chiêu tuyết “cho danh dự bị tổn thương của gia đình nhà thơ dường như có cả người mẹ kính yêu “quệt mép trầu/ Răng đen nụ cười quan họ”(Hỏi về bánh trôi nước), có “Quan họ” đã cứu vớt nhà thơ khỏi chết chìm trong tủi nhục, cứu cho cả lời nguyền từ kiếp trước là nhà thơ phải tiếp tục “Hát lời Quan họ” cho nhân quần – sau nhiều năm tháng bị sự tầm thường ngu muội xua đuổi:

Chuyện tôi cõng cánh bèo bỏ làng quan họ
/ Xa lắm xa lơ hơn bốn chục năm rồi/ Còn lại mấy ai quan họ cùng thời/ Liền chị liền anh bây giờ cười câu chuyện cổ  / Chúng tôi khiêng về Lim một cỗ thuyền tình/ Bốn mươi năm bèo nở thành thuyền đấy/ Nan nào nan cũng trúc xinh/ Mạn thuyền nào cũng lưng tình quan họ / Chúng tôi thả thuyền tình xuống hồ bán nguyệt/ Cánh bèo không chịu xuống thuyền / Cánh bèo trèo lên quán dốc/ Tôi vội mây trôi

Bài thơ hư – thực lẫn lộn, biến ảo mộng – đời,  xen kẽ nghĩa bóng – nghĩa đen, người đọc chỉ có thể bằng sự nhập thân, bằng mối giao hòa cao độ để cảm xúc- chứ không thể dùng luận lý tỉnh táo để nhận ra vẻ đẹp của câu chữ hồn thơ cùng ý tứ thâm trầm của tác giả… Và nếu không chìm đắm trong thơ của một thời phải “ngoại tình” với thơ đó thì làm sao cắt nghĩa nổi những giọt lệ thơ mừng tủi ngày “Cánh bèo trèo lên quán dốc”, “ngồi gốc cây đa” để hát đoàn viên mà lại “nặng bao nhiêu nghĩa buồn”? Giữa một chiều u ám của ngày đã xa, nhà thơ lang thang nơi “Cửa rừng” và hình dung:
“Trong màn mưa rất ảo/ Chớp hiện một bông sen”
Nỗi khát khao trong lành làm sao, và cũng tội nghiệp làm sao khi đường đường chính chính “yêu” mà phải lén lút “ngoại tình”, bị gạt ra ngoài chính thống. Nhưng cũng như  sự sống, Thơ không thể tàn lụi, vẫn giống “Sen ngoài hồ nhựa dâng lên nụ/ Anh lan man vẽ tương lai” (Hoa tình).

Và cuộc đời thật công bằng- nhất là đối với Thơ của một tình yêu dám bất chấp mọi thế lực dù cao siêu hay tầm thường ngăn trở. Bản chất của “Quan Họ” là công bằng- thời nào cũng thế, tuy cũng có khi bị sai khiến, bị méo mó dung nhan, hoặc vô tình làm tay sai của “đao phủ”… Người thơ hôm nay không còn phải mơ tưởng ra một “Nàng tiên Cá” của “Dàn đồng ca Quan Họ” tới cứu vớt mình khỏi chết chìm dưới đáy biển của nỗi ô nhục dai dẳng là “phản bội” lại cộng đồng; gia đình thi sĩ từng chịu nhiều long đong oan ức giờ đây được “Dàn đồng ca chật một thuyền tình” quây quần chăm sóc- như bản chất của sự việc là phải như thế, và mãi mãi cần như thế:

Mọi người nhường cánh bèo hát
/ Tôi thầm đừng bèo giạt mây trôi/Cánh bèo cười/ Vừa cười bèo đã nở thành sen/ Sen hát bài quan họ chung tinh/ Khoan thai thuyền đưa nôi/ Sen ngào ngạt khắp đất trời quan họ…

Và bây giờ, xin hãy đọc lại bài thơ, nhâm nhi từng câu một để cảm thông với mối tình Thơ “Quan họ không ngoại tình” suốt gần nửa thế kỷ…


QUAN HỌ KHÔNG NGOẠI TÌNH


Tôi chỉ là người trai bắc quàng quan họ

Hát quan họ mà thành liền anh


Dù biết luật quan họ
Hát tình tình gửi mây bay
Hát tình tình vương theo gió
Thăng hoa tình chỉ được lúng liếng chữ
Cấm ngặt gửi tình vào môi
Gửi tình vào tay
Gửi tình vào da thịt
Sex phải trong veo
Không trong veo thì không thành liền anh liền chị
Đến hẹn lại lên tình

Khốn khổ thân tôi đa tình
Phạm luật người quan họ
Cõng một cánh bèo giạt trôi

Cánh bèo tôi vốn liền chị con côi
Cha mẹ bay về trời
Bỏ lại một chuồng gà vịt

Cánh bèo rằng quan họ bén duyên tôi
Suốt mưa tháng sáu hát đậu hát cà
Suốt nắng tháng tám hát bưởi hát na
Suốt trăng tháng mười hát cơm gạo mới
Suốt rét tháng chạp hát nướng ngô khoai

Duyên tình ấy lỗi gì mà quan họ phạt tôi?

Cõng cánh bèo trên lưng tôi hát thầm hát oán
Lời giã bạn
Quan họ không ngoại tình


Chúng tôi ngược Lim
Lên rừng cọ đồi chè giao duyên xoan ghẹo
Chùng tôi xuôi đồng bằng
Quan họ chèo trúc thẳng trăng nghiêng
Chúng tôi lên Tây Nguyên
Quan họ nhẹ mềm hòa cùng rock nặng
Chúng tôi vào Quảng
Quan họ hô bài chòi
Chúng tôi cõng nhau vào Chăm
Quan họ hở vai múa bụng
Chúng tôi chống xuồng ngồi ghe
Quan họ hát vọng cổ thâu đêm suốt sang

Khúc bèo giạt mây trôi hát hoài không chán

Đến đâu cũng bảo ở đừng về

Quan họ còn đó chúng tôi phải về
Người nào chẳng có bến quê


Chuyện tôi cõng cánh bèo bỏ làng quan họ
Xa lắm xa lơ hơn bốn chục năm rồi
Còn lại mấy ai quan họ cùng thời
Liền chị liền anh bây giờ cười câu chuyện cổ

Chúng tôi khiêng về Lim một cỗ thuyền tình

Bốn mươi năm bèo nở thành thuyền đấy
Nan nào nan cũng trúc xinh
Mạn thuyên nào cũng lưng tình quan họ

Chúng tôi thả thuyên tình xuống hồ bán nguyệt
Cánh bèo không chịu xuống thuyền
Cánh bèo trèo lên quán dốc
Tôi vội mây trôi


Mẹ cha ơi, làng xóm đây rồi!

Liền anh cùng thời cười sún răng ô
Liền chị cùng thời cười vàng ngực lụa
Gọi cánh bèo là liền em
Án phạt năm xưa xóa trắng
Quan họ không ngoại tình

Liền anh mới chạy xô nhà tầng
Mặc cho tôi khăn áo the xanh
Liền chị mới thẹn thùng xiêm váy
Mặc cho cánh bèo hoa cỏ tứ thân
Rước quan họ ra hồ bán nguyệt
Chúng tôi lên chật một thuyền tình


Mọi người nhường cánh bèo hát
Tôi thầm đừng bèo giạt mây trôi
Cánh bèo cười
Vừa cười bèo đã nở thành sen
Sen hát bài quan họ chung tinh
Khoan thai thuyền đưa nôi
Sen ngào ngạt khắp đất trời quan họ…

Sài Gòn, tháng 5/2011


1/ Theo ĐặngVăn Lung: ” Lễ  hội và nhân sinh”- NXB ĐHQG TpHCM, 2005
2/ Tên những tác phẩm trường ca & thơ dài nổi tiếng của Phạm Ngọc Cảnh, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm


Hà Nội 6-2011

Đạo diễn điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn

VANDANBNN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét