Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

Góc riêng tư/ Con cháu ơi, Chào Năm mới/ CHÚNG TÔI SẼ LÊN BỜ VÀO MỘT NGÀY NẮNG ĐẸP


CHÚNG TÔI SẼ LÊN BỜ VÀO MỘT NGÀY NẮNG ĐẸP
Thơ Lý Phương Liên, bài Kiều, viết năm 1970

Mời đọc trích đoạn xuất xứ tựa bài:

 
..Đường ra biển có thể dài năm tháng
  Mất mát nhiều hơn, gian khổ cũng nhiều hơn
  Nhưng một điều chắc chắn phi thường
Chúng tôi sẽ lên bờ vào một ngày nắng đẹp…
.


Chúng tôi sẽ lên bờ vào một ngày nắng đẹp../ Với Lý Phương Liên - Nguyễn Nguyên Bảy chúng tôi, hôm nay, 18.6.16 là một trong không nhiều ngày nắng đẹp của cuộc đời. Kid Donnoven, cháu đích tôn của chúng tôi, 18 tuổi, tốt nghiệp trung học tại Mỹ và trúng tuyển thẳng vào Đại học
UW (University of Washington Seattle USA).


Ảnh, Toàn cảnh Lễ Tốt nghiệp Trung học

      

Chúng tôi sẽ lên bờ vào một ngày nắng đẹp../ Năm 1970, Lý Phương Liên tôi viết bài thơ Kiều này, là chị cả của 4 người em mồ côi toàn phần lam lũ nuôi nhau, nhưng đức tin mơ mộng của tôi về một tương lai chiến tranh sẽ kết thúc, Ta và Mỹ sẽ quên hận thù mà thành bầu bạn, các con cháu tôi sẽ tới nước Mỹ học tập người thua trận mà sống con người.. Tu thân đức tin, chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể bằng xác và hồn để hiện thực ước mơ tưởng như mơ hồ và viển vông ấy..



Chúng tôi sẽ lên bờ vào một ngày nắng đẹp../ Sài gòn, 1988, con trai chúng tôi tốt nghiệp trung học, những năm đầu thập niên 90 việc đi du học Mỹ là chuyện mơ..hồ. Nhưng chúng tôi không từ bỏ đức tin, kiên trì tu thân. Và năm 1994, sự thần kỳ ấy hiện thực, Thi (đã 25 tuổi) mới vào được Mỹ..và học cho đến tận bây giờ, hai cha con cùng UW..
.



Chúng tôi sẽ lên bờ vào một ngày nắng đẹp..
/ Năm 1998, Kid Donnoven chào đời ở Hawaii, tự nhiên đã là người Mỹ. Hợp chủng quốc Hoa Kỳ không có khái niệm người dân tộc thiểu số, mọi người sống ở Mỹ đều là người Mỹ, Kid là người Mỹ gốc Việt. Vì hai chữ gốc Việt, mà chúng tôi yêu cầu các con phải đưa Kid Donnoven về Việt Nam, ăn cơm lúa nước, uống lời ca dao, học tiếng Việt..mà lớn thành người Mỹ. Lý Phương Liên tôi, xưa thay cha mẹ nuôi 4 em nhỏ, nay lại làm Mẹ của Kid (sau này thêm Cat) nuôi Kid-đích tôn từ ba tháng tuổi đến học hết tiểu học tại Sài Gòn..
 
 

Chúng tôi sẽ lên bờ vào một ngày nắng đẹp../ Hôm nay, với bà nội, Kid ơi, nước mắt từ mặn chát tứa chảy ngọt ngào..Bay vào trời lộng nhé con..


Chúng tôi sẽ lên bờ vào một ngày nắng đẹp../ Bay..
.



Chúng tôi sẽ lên bờ vào một ngày nắng đẹp../ Kid Donnoven đã trúng tuyển thẳng vào UW, trường Đại học bậc nhất Seattle Washington, danh gia hàng đầu nước Mỹ..


     
Chúng tôi sẽ lên bờ vào một ngày nắng đẹp../ Tiếp sức cho con chinh phục những định cao rừng núi UW, ông bà tặng Kid con Subaru..Và..một học bổng toàn phần cho 5 năm học tại UW..
.
 

Nhớ mãi, bữa ăn tối gia đình hôm nay tại nhà hàng La Mã..Cảm ơn Chúa đã cho chúng con bữa ăn làm người..
.
..Đường ra biển có thể dài năm tháng
  Mất mát nhiều hơn, gian khổ cũng nhiều hơn
  Nhưng một điều chắc chắn phi thường
Chúng tôi sẽ lên bờ vào một ngày nắng đẹp…




CHÚNG TÔI SẼ LÊN BỜ VÀO MỘT NGÀY NẮNG ĐẸP
Thơ Lý Phương Liên, bài Kiều, viết năm 1970


&

Thơ NNB, GỬI CHÁU MANG THEO

Cho Kid Donnoven ngày 18 tuổi (*)

/Ba tháng tuổi/ Từ Mỹ về với ông bà nội/ Bao người chê cười ông/ Không biết dạy cha cháu/ Bao nhiêu người thương bà/ Nuông chiều con dâu/ Họ có biết đâu/ Mẹ cha cháu phải vâng lời ông/ Phải mang cháu về cho ông bà tắm tưới/ Thằng cháu đích tôn ba tháng tuổi/ Từ Mỹ về Việt Nam./

/ Cháu ở với ông bốn năm/ Coi như học xong một đại học/ Thi tốt nghiệp/ Hẹn mười tám năm sau./ Bà cười: Mười tám năm sau. Liệu còn sống trao bằng cho cháu?./ Cho dẫu là giun hay là dế/ Sống vẫn là ước mơ/ Là không ngã lòng nản chí/ Sách số phận dừng ở dòng kỳ bí/ Tuyệt vời viết tiếp trang sau/ Hôm nay cháu bắt đầu/ Mở trang đời đẹp nhất./



/ Núi là núi Thái Sơn cao ngất/ Bể trữ nước đầu nguồn/ Sông rộng có cầu thương/ Ao hồ cò sen lặn lội/ Cơm thổi trên bè nước nổi/ Trấu vùi om bống kho tương/ Thu sang biết mắt bà buồn/ Đông tới thương ông ho cạn/ Nhà hẹp rộng lòng đón bạn/ Những là dê là ngựa là rùa/ Cổ tích từng khúc đò đưa/ Suốt ngày hội hè thân ái/ Cháu sẽ là ai chợt lòng ông hỏi/ Khi cháu nghe không hiểu tiếng ông bà/ Không hiểu lời mẹ cha/ Thì nói gì tới làng quê xứ sở/ Cháu chẳng bằng chim nhớ mùa di trú. Không cội nguồn. Không cội nguồn cháu sẽ là ai?. Bốn năm không là dài/ Nhưng bốn năm đủ một đời gieo gặt/ Cháu từ biết bi bô tập hát/ Đã thuộc bài cây khế quê hương/ Đã biết thèm cắp sách đến trường/ Đã biết hỏi những lời nước mắt/ Sao lưng bà còng thế bà ơi?/ Nếu không miệng tiếng chê cười/ Máu thịt mình thiên vị/ Ông đã trao cho cháu bằng đỏ/ Tiếng Việt Nam./


/Sinh đẻ ở HaWaii./ Cháu là một công dân Mỹ/ Nhưng trước khi là công dân Mỹ/ Cháu là người Việt Nam/ Cháu là máu thịt của ông/ Tổ tiên của chúng ta là các Vua Hùng/ Dù cây mọc ở đâu trên đất/ Lá cũng rụng về cội / Tiếng Việt Nam mỗi khi cháu nói/ Cội dưới chân mách lá cháu về/ Quà tiễn cháu đi ông chẳng có gì/ Ngoài những bài ru chép hứng/ Ai bảo trong trời lộng/ Chẳng có lúc đất buồn/ Ai bảo lạc rừng thương/ Chẳng có lúc nhớ cây ông nội/ Biết đâu trong đêm tối/ Cây ru thắp đuốc dẫn đường/ Biết đâu trong hoan lạc mê cung/ Thuyền ru đưa cháu về bến sống/ Ông nâng niu những bài ru chép hứng/ Cũng vì yêu cháu lắm con ơi./



/ Phía sau những câu ru là cuộc đời/ Phải sống rồi mới hiểu/ Cha mẹ cháu là thầy cô giáo/ Giảng giải dần dà cho cháu nghe/ Và sẽ chẳng thừa/ Cha mẹ cháu thêm một lần học lại/ Để rồi nhớ mãi/ Bến sông quê có một con đò/ Ông bà chèo đò đưa các con sang sông/ Rồi hai ông bà về với nước/ Đến phiên cha mẹ cháu chèo đò/ Lại đưa các con sang sông/ Rồi lại về với nước/ Mái chèo trao lại cho con/ Bến sông sau luôn luôn là bến ước/ Người chèo đò nào chẳng cầu mong/ Bến sông cháu sang ngũ sắc cầu vồng/ Sông ông cười vàng mật./




/ Cháu đi ông chẳng tiễn đâu/ Cay mắt/ Một mình bà khóc đủ rồi/ Nhà vắng/ Cô ngồi vùi một góc/ Bạn dê bạn thỏ  buồn hiu/ Không có Kid thỏ dê chỉ là đồ chơi nhựa/ Dù đã hứa/ Ông cũng không thể cùng chơi với dê/ Với thỏ/ Hồn nhiên như cháu được đâu/ Ông chẳng thể xây nhà/ Bắc cầu/ Cho bạn cháu suốt ngày hò hát/ Nhớ cháu nhiều đầy một ngực/ Những lời ru/ Mà biết ru ai/ Thôi đành ru bà vậy/ Những lời ru cá quẫy/ Bắn bi/ Những lời ru chim giấy/ Bay đi/ Những lời ru ngẫu hứng nhớ cháu/ Cô Út thuộc/ Cô Út chép giấu/ Cô Út email/ Cô Út sợ thằng đích tôn thi rớt.../

/ Kid của ông ơi/ Gắng sức được bằng tốt nghiệp/ Tấm bằng người Việt/ Tấm bằng nòi giống cha ông../

Sài Gòn 2000



(*) Kid sinh năm 1998, ba tháng tuổi từ Mỹ về VN, được ông bà nuôi ăn học xong tiểu học mới về lại Mỹ và 2016, cháu 18 tuổi, tốt nghiệp trung học và được tuyển thằng vào Đại học UW thành phố Seattle, tiểu bang Whasington, USA.

VANDANBNN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét