Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

TÌNH YÊU CÓ CÁNH - TIỂU THUYẾT/ NGUYỄN NGUYÊN BẢY CHƯƠNG MỘT/ 3.1



Tranh Lê Công Thành


Sách tìm thấy ở Thư Viện Mỹ
WASON PL 4389 .24 N578 D3

CORNELL UNIVERSITY

LIBRARIES

ITHACA, N.Y.14853

John M. Echols

Collection on Soucheast Asia

JOHN M OLIN LIBRARY


TÌNH YÊU CÓ CÁNH - TIỂU THUYẾT

Nhà xuất bản Tổng hợp Tp HCM - 1987


NGUYỄN NGUYÊN BẢY

CHƯƠNG BA/ 3.1


Dũng trải rộng tờ vẽ ra bàn. Đó là sản phẩm kỹ thuật của kỹ sư thủy lợi Tây Vườn Lài. Dũng bật cười với ý nghĩ của mình. Tây Vườn Lài đâu kỹ sư kỹ xiếc gì, vậy mà cứ nhất định đòi thiết kế hệ thống kinh tưới kinh tiêu cho nông trường. Trước khẩn khoản đó, Dũng bằng lòng, chắc mẩm trong bụng đây là nguyện vọng mơ mộng của Tây, nào dè Tây nằm bò ra giường mấy đêm liền vẽ vời thật. Tây Vườn Lài đưa tờ vẽ cho Dũng với vẻ tự tin thường thấy qua nụ cười:
-Em tự thấy hết xẩy, nếu anh Dũng duyệt, đội bốn chúng em xin nhận thi công ngay.
Chà, nói năng như một nhà kỹ thuật thiệt thụ. Dũng nháy mắt nhìn Tây gật gù. Khi tờ vẽ được trải rộng ra bàn, Dũng chặn bốn góc cho gió khỏi bay. Tây Vườn Lài sực nhớ.
- Chết cha, còn mấy tờ trình bày em viết xong hồi đêm, để đầu giường không hiểu con Nhon có lấy gấp chim, gấp thuyền… Anh chờ em chút xíu…
Không đợi Dũng trả lời. Tây chạy ào ra cửa. Dũng định gọi lại. Chẳng lẽ cu cậu không nghe thấy tiếng con Nhon và thằng Choai đang lô bô bên kia vách đó sao. (Dãy nhà năm gian của Ban giám đốc nông trường thưng bằng gỗ, nhà bên này nói bên kia nghe rõ mồn một). Dũng nhìn tờ vẽ, chằng chịt những đường kẻ thẳng, kẻ xéo, đường vòng. Dù sao, đây cũng là tấm lòng yêu mến nông trường. Dũng nghĩ. Cợt mắt anh bắt gặp hàng chữ nhỏ dưới một góc tờ vẽ. Thơ lục bát. Dũng tia mắt đọc nhanh rồi phá lên cười. “Ai về Duyên Hải mà xem. Đất phèn cũng nở rộ hoa lúa vàng…”
Thơ với thẩn.
Đúng cái hôm Dũng xuống xe ngoài phố huyện đang tính lội bộ vào nông trường thì bắt gặp Tây Vườn Lài. Phải dùng chữ bắt gặp, bởi lúc đó, cu cậu mới trốn nông trường, và đang tìm đường về lại SàiGòn. Hai anh em đưa nhau vào một quán nước bên đường. Hàn huyên vài câu, Tây Vườn Lài mới hay Dũng được phân về nông trường làm giám đốc. Tây Vườn Lài chữa chữ giám đốc thành chữ trại trưởng, bởi theo Tây, chữ nông trường là chữ để gọi cho đẹp, chứ thực ra đây là trại cải tạo lao động cho những người như Tây.
- Em định trốn anh ạ.
- Nhớ nghề dao búa phải không?
- Nhục lắm.
- Chú chưa quen lao động, bây giờ vất vả không chịu được chứ gì?
- Em không ngán lao động, nhưng nhục thì em ngán. Nếu bây giờ anh về nông trường làm trại trưởng, thì em sẽ quay lại. Em tự nguyện quay lại chớ em đã quyết trốn thì không ai săn nổi đâu.
Hai anh em lội bộ trở lại nông trường. Đang mùa mưa, đường vào nông trường sình lầy. Tây Vườn Lài đeo ba lô cho Dũng, vậy mà Dũng phải ráng lắm mới không té ngã và theo cho kịp Tây, tất nhiên, thỉnh thoảng Tây phải đứng lại, hoặc đi thiệt chậm để chờ. Mồ hôi trên trán Dũng táu ra. Không biết Tây Vườn Lài có nghe thấy tiếng thở mệt nhọc của Dũng? Cu cậu tự nhiên ngâm nga hai câu lục bát: “Duyên Hải ở chẳng muốn đi. Đi rồi chẳng muốn quay về nữa đâu…”.
- Chú hát vậy là sao?
- Thì đó, nguyên cái khoản đường sá như thế này lội ra, lội về cũng đủ ngán.
Lúc đó, Dũng cũng nghĩ: Thơ với thẩn, lăng nhăng. Nhưng âm hưởng của câu thơ cứ quyện với chân anh, và đi một đoạn hết khúc sình lầy, vào tới gần nông trường, Dũng mới bất chợt cảm thấy câu lục bát có lý.
Nhà bên, tiếng Choai và Nhon lại vang lên. Dũng khẽ ưỡn chiếc ghế, để cái đầu gần với bức vách hơn, nghe câu chuyện của đôi trẻ.
Nhon: Bên nhà em có hình mấy con ngựa đó anh Choai.
Choai: Ai mà thèm ngựa.
Nhon: Em không chọc quê anh Choai đâu, em nói thiệt đó, mấy con ngựa đẹp hết xẩy, con màu đỏ, con màu xanh.
Choai: Hết xẩy thì cắt ra tường mà dán.
Nhon: Nhưng em không thích ngựa.
Choai: Bộ tao thích ngựa của mày hả?
Nhon: Má ơi, anh Choai nạt con.
Choai: Thơi nín đi, tao sợ trông thấy nước mắt lắm.
Nhon: Em không nín, em cứ khóc.
Choai: Đã bảo đừng có khóc. Mày khóc hoài, mày sẽ là đàn bà hoài, không khi nào thành anh hùng được đâu.
Nhon: Anh Choai nạt em, em mới khóc chớ bộ. Ở nhà, mỗi khi má bị ba nạt cũng còn khóc nữa nè.
Choai: Nên má mới là đàn bà.
Nhon: Thấy má khóc, ba lại dỗ, ba dỗ thế này nè… Ba còn hôn má nữa. Tại sao anh Choai không dỗ Nhon?
Choai: Vừa dỗ đấy thôi.
Nhon: Khi nào anh Choai thấy em khóc, anh Choai chỉ cần vuốt tay lên tóc em là em nín liền à.
Choai: Nhưng Nhonphai3 nhớ là không bao giờ được đem chuyện ngựa ra nói nữa nhà.
Nhon: Sao vậy?
Choai: Đó là một quá khứ đau buồn, một dĩ vãng không bao giờ nên nhắc lại.
Dũng suýt bật cười. Thằng bé thành cụ non mất rồi, nó lập lại câu nói của mình.
Nhon: Anh nói vậy là sao anh Choai?
Choai: Người ta kêu anh là Choai Ngựa, bởi suốt ngày anh lang thang như con ngựa hoang ở khu Trường đua, bụng lúc nào cũng đói meo, đến cả cỏ cũng không có mà ăn. Anh đứng chầu mồm mấy người ăn phở, ăn hủ tiếu mì, để rồi sau đó họ đứng lên thì anh húp chút nước thừa của họ.
Nhon: Như vậy gọi là quá khứ đau buồn hở anh Choai?
Choai: Ba anh nói vậy.
Dũng thấy cay sè nơi mắt. Những đau đớn này sẽ khắc sâu mãi mãi trong trí óc non trẻ của thằng bé. Phải có con suối đời gột rửa trái tim non ấy, sưởi ấm nó và dạy cho nó hiểu rằng cuộc đời này dù sao cũng còn đẹp lắm. Lần ấy, anh từ nông trường về thành phố nhận vật tư. Nhận hàng xong, trời sập tối, anh quyết định cho xe về nông trường ngay, tất nhiên là phải nhét vào bụng cái gì đó. Anh ghé vào quán hủ tiếu mì bên đường. Anh vừa ngồi xuống chiếc ghế sắt và kêu tô mì, thì đã thấy thằng bé đứng cạnh, nó nhom nhem như một que tăm, đầu tóc bù xù, bẩn thỉu. Nó đứng phía sau anh chừng hai bước, tay cầm cái lon sữa bò. Tô mì bốc khỏi trước mặt mà anh nuốt không được. Một cảm giác gì đó cứ nghèn nghẹn nơi cổ. Mấy lần anh ngước mắt nhìn thằng bé, cả mấy lần anh đều thấy mắt nó đang nhìn chằm chặp vào chén mì trước mặt anh. Nó nuốt nước miếng. Cổ họng nó đưa đẩy và cái lưỡi của nó đang như lùa trong miệng.
- Cháu đói lắm phải không?
- Dạ.
- Ngồi xuống đây.
Anh kéo chiếc ghế cho nó ngồi xuống cạnh anh, anh kêu thêm tô mì.
- Ba má con đâu?
- Chết cả rồi.
- Con ở với ai?
- Con ở với đại ca.
Khi tô mì đặt trước mặt nó, nó chẳng tha thiết gì nữa, ăn nấy ăn để như từ thuở sinh ra làm người tới giờ nó chưa được ăn như thế bao giờ.
Nó sẽ trở thành một công dân như thế nào với tuổi ấu thơ như thế này. Thằng bé chỉ chừng mười tuổi. Chẳng hiểu nó đã mồ côi từ khi nào. Mình phải đưa nó về nông trường. Dù sao ở đó thân phận nó cũng sẽ khá hơn đi ăn xin.
Thằng nhỏ ăn hết tô mì, nó vẫn thòm thèm. Dũng kêu cho nó thêm tô nữa. Thằng bé lại vục đầu ăn. Nhưng nó không ăn hết tô thứ hai. Nó đứng dậy, định lủi, nó chưa biết phải cảm ơn là thế nào. Dũng đặt tay lên vai ép nó ngồi xuống.
- Con tên gì?
- Dạ Choai Ngựa.
- Choai Ngựa? – Dũng đau đắng vì cái tên kẻ nào đó đã đặt cho thằng bé. Ý nghĩ muốn nuôi đứa bé đột ngột hình thành trong anh. – Choai Ngựa, con không nhận ra chú hay sao? Chú là em của ba con, chú đã đi tìm con bao lâu nay.
- Chú Năm. Có đúng là chú Năm không? – Nó tình cờ gọi đúng tên thứ của anh, anh gật đầu, nó bỗng òa khóc, - Trước khi má chết, má bảo con thể nào chú Năm cũng đi tìm con… Chú ơi, con khổ lắm, chú hãy thương con…
- Con, từ nay trở đi, con là con của ta.
Dũng bồng thằng bé lên tay, hai cha con về thẳng nông trường ngay trong đêm đó.
Tiếng của hai đứa nhỏ từ nhà bên vẫn vẳng sang.
Nhon: Nếu vậy, em cũng có một quá khứ đau buồn, má em bắt em đi chôm cá ngoài chợ, để về phơi làm khô. Ngày nào em cũng bị mấy người mất cá cho ăn bạt tai… Cho nên, bây giờ mỗi khi anh Choai nạt em, em lại nhớ tới lúc đó, em khóc.
Choai: Anh Choai xin lỗi. Nhưng em đừng có bắt chước mấy người quen cũ của anh, mới vô nông trường, chưa tiến bộ,mà kêu anh bằng Choai Ngựa.
Nhon: Vậy chớ kêu anh bằng?
Choai: Mã. Mã cũng là ngựa. Nhưng cái tên đó nghe hay hơn. Ba anh đặt cho anh đó. Ba không muốn đặt tên khác, bởi ba bảo phải luôn nhớ cái nhục, cái khổ…
Nhon: Em sẽ kêu anh là Mã, nhưng anh Mã cũng đừng kêu em bằng Nhon nữa nghe.
Choai: Vậy kêu bằng gì?
Nhon: Mỹ.
Choai: Cái gì?
Nhon: Dạ, Mỹ, em tên là Mỹ.
Choai: Trời ơi, tại sao lại đặt cái tên kỳ cục như thế. Em có biết Mỹ là gì không? Mỹ là đế quốc Mỹ, là kẻ thù, là phản động, chính vì đế quốc Mỹ mà ba má anh mới chết, anh mới mồ côi. Vậy mà em lại đặt tên là Mỹ. Thôi đi đi, anh không chơi với đế quốc Mỹ đâu.
Nhon: Cái tên Mỹ xấu đến thế sao anh Choai?
Choai: Xấu, vô cùng xấu, vô cùng nhơ bẩn, rác rưởi, tao căm thù.
Nhon: Má ơi, anh Choai nói con là đồ rác rưởi, là nhơ bẩn là căm thù…
Choai: Đã bảo nín đi mà… Nín… Nín đi em.
Nhon: Em nín rồi. Anh Choai đừng đuổi em, lát nữa em gặp ba anh Choai, em sẽ bắt thường bác vì sao lại đặt cho em cái tên để anh Choai phải căm thù đến như vậy.
Choai: Em nói sao? Ba anh đặt tên choe m? Xạo…
Nhon: Thiệt đó, em thề…
Choai: Được rồi, anh sẽ có cách kiểm tra lời thề của em. Nhưng tại sao ba anh lại đặt choe m tên Mỹ mới được chứ? À, anh hiểu rồi… Em cũng là nạn nhân của đế quốc Mỹ, nên ba anh mới kêu em bằng Mỹ, để không bao giờ em quên quá khứ. Anh xin lấy danh dự của một người đàn ông, kể từ giờ phút này, anh sẽ gọi em là Mỹ.
Dũng muốn phì cười, thằng nhỏ da dáng quá.
Nhon: Em cũng sẽ kêu anh Choai là Mã. Anh Mã nè, đã có tên là Mã thì lẽ nào anh lại sợ ngựa?
Choai: Dĩ nhiên.
Nhon: Vậy thì… Em muốn tặng anh Mã bức tranh những con ngựa của em để anh Mã dán lên tường cho đẹp. Em tin là ba anh cũng sẽ thích bức tranh đó.
Choai: Sao biết ba anh thích?
Nhon: Bởi vì khi ba anh nhìn thấy những con ngựa phi trên tường, ba anh sẽ nghĩ là anh treo những con ngựa đó để không bao giờ quên quá khứ.
Choai: Hay, mày rất thông minh.
Nhon: Anh Mã đừng kêu em bằng mày. Ba em trước đây cũng hay kêu má em bằng mày, nhưng từ khi đưa ba má lên nông trường, ba gọi má bằng em…
Thế đó. Dũng đứng dậy, đi đi lại lại. Anh không muốn nghe tiếp câu chuyện của hai đứa nhỏ.
Hôm ấy, có lẽ phải chín giờ tối. Tây Vườn Lài, không hiểu kiếm đâu được mấy con chuột đồng, tới kiếm Dũng.
Anh cho phép em chứ? Hôm nay em muốn lai rai với anh một chút. Và em cũng có câu chuyện quan trọng muốn xin ý kiến của anh.
Thằng Mã thưởng thức mấy miếng thịt chuột rồi quay ra ngủ. Dũng bồng nó vô trong màn, và tiếp tục chuyện vãn với Tây Vườn Lài. Ánh trăng mười tư đã lên cao, sáng rực rỡ như nụ cười cô gái có hàm răng trắng, đều tăm tắp.
- Em nghĩ thế này, không biết có phải không… Em tính xin phép anh Năm cho em đem vợ và con em lên đây?
Dũng tròn mắt ngạc nhiên, đây là lần đầu tiên anh nghe thấy Tây Vườn Lài nói tới chuyện vợ con, anh cứ ngỡ Tây đã bắt đầu nhường rượu nói.
- Xỉn rồi hở?
- Thưa anh Năm, tửu lượng em ba lít đế chưa chắc đã xỉn. Em nói chuyện nghiêm chỉnh đấy. Chắc anh Tư không nghĩ là em đã có vợ. Những ba đứa lận. Đứa lớn nhất chết bịnh, có lẽ cũng tại em, nó ngăn em bỏ nghề dao búa, em không nghe, cứ tiếp diễn, lại còn hành nó, cuối cùng nó ngã bịnh, hình như bịnh buồn, rồi chết. Đứa thứ hai, đúng ra nó là con vợ nhỏ nhất, mới có hai mươi mốt tuổi, em chết vì cái sắc của nó, em cho tụi đàn em lượn lờ đe dọa ông bà già nó, nếu không gả cho em thì tụi em sẽ đốt nhà. Con nhỏ lúc đầu sợ em. Nhưng rồi nó chấp nhận. Ai dè nó cũng chẳng phải thứ vừa. Nó đòi em mua cho nó căn nhà riêng. Em ở nhà với nó thì thôi, chớ em đi hành nghề là nó lại “dù”. Em đã đánh nó bao nhiêu trận, nhưng chứng nào vẫn tật ấy. Mấy ngày náo loạn trước Ba Mươi Tháng Tư nó cuỗm hết tiền của em đi theo một thằng Mỹ. Con chó đẻ. Còn đứa thứ ba, thực ra nó là đứa thứ hai, nó ở dưới quê lên, chẳng hiểu sao rơi vào tay đám đàn em của em. Một thằng trong bọn đanh định hành sự thì em vào. Em lôi thằng oắt con ra một góc nhà choang cho mấy bạt tai. Mình là dân dao búa thiệt, nhưng không được ức hiếp những kẻ thất cơ lỡ vận. Con nhỏ vì cái ơn đó mà cảm em. Nó đi kiếm em hoài, thế rồi chịu lấy em. Tội nghiệp, nó bị cả hai con mụ vợ kia ghen lên ghen xuống. Nhưng nó ngoan, chịu thương, chịu khó. Em đã có với nó một đứa con gái.
- Chú gọi vợ bằng nó như vậy là không tốt.
Tây Vườn Lài vừa nốc cạn ly rượu và khề khề:
- Em quen miệng… Anh Năm, bỏ qua cho.
Hiện giờ cổ ở đâu?
- Nó cũng mới gửi quà lên thăm nuôi em đó. Tội nghiệp, em đâu có cho nó biết mình bị tội tù… Con bé cháu cũng vậy, nó thương em lắm, đêm nào cũng đòi bố bồng đi ngủ. Hai mẹ con vẫn bán cá ngoài chợ. Mà cũng có mua bán gì đâu, dạo em ở đó, mấy mụ đầu nậu nể sợ, cũng sớt chia cá cho nó, bây giờ, chắc hai mẹ con đi nhặt cá rớt về phơi làm khô.
- Tôi hiểu…
Dũng gật gù. Đi nhặt cá rớt, đó là cách nói, thật ra là đi ăn cắp vặt của những chủ vựa.
- Em muốn đưa hai má con nó lên đây. Trước là vợ chồng đoàn tụ, sau là để hai má con nó khỏi hư hỏng.
- Bộ tính lập nghiệp lâu dài ở đây?
- Dạ. – Tây Vườn Lài cười hề hề, - Đất này, - Cu cậu ngẫu hứng ngâm nga, - Đã ở thì chẳng muốn đi. Mà đã đi, thề chẳng quay về nữa đâu…
- Cổ và cháu không muốn đi thì sao?
- Trời ơi, - Tây vỗ thiệt mạnh hai bàn tay vào đùi mình, - Đi làm lại cuộc đời mà không muốn đi bộ muốn đi xuống địa ngục sao anh?
- Nếu cổ và cháu chịu lên với chú, thì tôi sẽ đề nghị Ban giám đốc cấp cho chú thím một căn nhà.
- Em nói thiệt với anh Năm, kỳ rồi anh Năm cho em đi Sài Gòn, em đã ghé vô thăm nó và nó đòi đi theo em. Nhưng chưa xin phép anh Năm, nên em chưa dám…
Tây Vườn Lài nhắc lại chuyện đi nhận vật tư ở Sài Gòn, thực ra lần ấy, Dũng có hơi băn khoăn, thả cọp về rừng, nhưng Tây đã trở về nông trường với đầy đủ vật tư cần thiết. Sau lần ấy, niềm tin của anh nơi con người Tây Vườn Lài hầu như chẳng còn gợn nào.
Ngay chuyến đi nhận vật tư liền sau đó, Tây Vườn Lài đã đem vợ và con gái lên nông trường. Đứa con gái có tên là Nhon, mà Dũng đặt lại là Mỹ. Còn cô vợ, chỉ có nước da hơi xanh, chớ người không gầy lắm. Con người sởi lởi, chăm chỉ, sau một ngày thu xếp nhà cửa, ngay hôm sau cổ đã đòi nhận việc làm. Con gái nông thôn có khác, thấy công việc đồng ruộng là ham. Thấy vợ như vậy, Tây Vườn Lài bằng lòng lắm. Cũng từ đó cu cậu thương và chiều vợ ra mặt. Một điều anh, một điều em. Còn với Nhon cu cậu cưng hết biết.
Tây Vườn Lài từ ngoài hơ hải chạy vào.
- Em xin lỗi để anh Năm phải chờ lâu. Em phải ra tận chỗ nhà em làm việc, thì ra cổ cất những tờ giấy này của em, - Tây vừa nói vừa đưa cho Dũng ba tờ giấy khổ học sinh, - Cổ sợ con nhỏ lấy giấy gấp thuyền, nên cất vào tận va li, anh bảo thế có tội không?
Dũng đưa mắt đọc những hàng chữ to thô, hàng chưa thẳng của Tây, lòng lâng lâng một cảm xúc sung sướng.
- Chú chưa qua một lớp thiết kế nào mà vẽ được hệ thống thủy lợi như vầy là khá. Nhưng còn thiếu…
- Nhưng có giúp anh được chút gì không?
- Chú đã hoàn thành được một nửa công việc.
- Thiệt sao anh?
Đôi mắt Tây mở sáng. Lời khen của Dũng làm Tây háo hức hẳn. Cậu cúi đầunhìn xuống những đường vẽ của mình. Dũng đưa cây bút chì theo các đường vẽ đó.
- Có thể nói đây là một sơ đồ khá hoàn chỉnh về hệ thống kinh tưới. Nhưng chú quên chưa thiết kế hệ thống kinh tiêu. Tưới và tiêu phải đi với nhau. Mùa khô thì dùng hệ thống tưới, nhưng mùa mưa phải có hệ thống tiêu nước, nếu không đồng ruộng sẽ úng.
- Có vậy mà em không nghĩ ra.
- Không sao, để tối nay, tôi hoàn chỉnh nốt cho chú.
- Vậy thì hay quá. Còn chuyện lò gạch của mình anh tính sao?
Còn tính sao nữa. Đó là ước mơ của tôi. Dũng không muốn dùng chữ của mọi người. Bởi trong chuyện này, anh thực sự không muốn bắt mọi người phải cùng suy nghĩ với mình. Ở nông trường, có hai loại người khác nhau. Loại thứ nhất là những cán bộ công nhân viên chủ chốt của nông trường, loại này chủ yếu do tổ chức điều động tới đây, và cũng có một số do tự nguyện. Còn loại khác, chủ yếu là số thanh niên nam nữ, có tiền án, hoặc sản phẩm của nền văn hóa thực dân mới, và tệ nạn xã hội. Đối với cả hai thành phần đó, sự tạm bợ là tâm lý thường trực của họ. Ngày Dũng mới lên nhận công tác anh đã đấu tranh mạnh mẽ với tâm lý tạm bợ đó. Quan niệm của anh rành mạch rõ ràng: Đã sống ở đâu, dù một ngày thì nơi đó cũng là mảnh đất thân thiết của mình. Mà sự thân thiết chỉ có ý nghĩa khi mình đổ mồ hôi tạo dựng cho mảnh đất ấy một cuộc sống mới. Việc đầu tiên anh nghĩ, là phải làm sao, thay thế những gian nhà thưng tạm bợ bằng tre, bằng gỗ, phải xây dựng những căn nhà bằng gạch để mọi người được ở, để tự thân sự vững chắc ấy nói lên một ý nghĩa chắc bền. Anh lập đề án mở lò gạch. Nhưng không phải mọi đề xuất có thể thực hiện được ngay. Cũng phải mất vài tháng, đề án đó mới được chấp nhận. Một lò gạch đã hoạt động có hiệu quả. Lò gạch mà Tây Vườn Lài vừa nhắc tới là lò gạch thứ hai.
- Chú có đảm bảo quản lý anh em đội bốn làm gạch ngói được không?
- Dạ, được. – Tây Vườn Lài lắng một lát. Dạo này cu cậu đã có thói quen trước khi nói điều gì mà cậu cho là quan trọng, cậu dừng lại suy nghĩ, - Trong đội bốn chỉ có hai thằng dao búa, lúc nào cũng rình rập trốn nông trường. Nhưng tất nhiên là em không cho phép nó bỏ nông trường quay lại nghề dao búa.
Dũng nghiêm mặt:
- Tôi cấm chú không được dùng các biện pháp của một tay anh chị.
Tây Vườn Lài cười ngượng ngập:
- Anh có đánh em cái bạt tai nào đâu, vậy mà em vẫn tự nguyện bỏ hẳn nghề dao búa. Hai đứa đó cũng như em hồi mới lên nông trường, đang sống tự do quen, bây giờ gò bó. Nhưng, em đã có cách làm cho chúng hiểu…
- Lạt mềm buộc chặt chú ạ. Phải lấy cái tình cái nghĩa mà xử với anh em. Cực chẳng đã họ mới phải là những tay anh chị, những tay dao búa. Còn bản chất của họ vẫn là con người. Đã là con người, thì sớm muộn gì cũng nhận biết được cái đúng, cái sai… - Dũng chợt khựng lại, bên nhà tiếng của Choai và Nhon lại vọng sang, chúng đang cười như nắc nẻ, chừng như chuyện gì đó đang làm chúng thích thú, - Chú có nghe thấy gì không?
Tây Vườn Lài dỏng tai.
-  Lại hai đứa nhỏ…
Choai: Hết xẩy, những con ngựa này cứ làm cho anh nhớ những con ngựa ở Trường đua và những thằng nài ngựa nom bảnh như anh em…
Nhon: Anh xạo.
Choai: Em không tin phải không, để anh phi ngựa cho em coi…
Chừng như thằng nhỏ phi ngựa, con nhỏ cười phá lên. Âm thanh hạnh phúc tràn ngập cả căn nhà.
- Thôi, ta ra lò gạch đi chú.
- Dạ…
Hai người đi rất nhanh, họ cố ý không qua trước cửa căn nhà mà hai đứa bé đang phi ngựa. Nhưng tiếng cười của hai đứa nhỏ vẫn ngân mãi sau lưng họ. Họ không nói với nhau một lời, nhưng chắc chắn cả hai đang cùng một suy nghĩ: Chẳng mấy chốc, chúng sẽ là những chủ nhân tài giỏi của nông trường này…

/ Mời đọc tiếp 3.2/
TÌNH YÊU CÓ CÁNH - TIỂU THUYẾT
NGUYỄN NGUYÊN BẢY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét