Tranh Lê Công Thành
Sách tìm thấy ở Thư Viện Mỹ
WASON PL 4389 .24 N578 D3
CORNELL UNIVERSITY
LIBRARIES
ITHACA, N.Y.14853
John M. Echols
Collection on Soucheast Asia
JOHN M OLIN LIBRARY
TÌNH YÊU CÓ CÁNH - TIỂU THUYẾT
Nhà xuất bản Tổng hợp Tp HCM - 1987
NGUYỄN NGUYÊN BẢY
CHƯƠNG HAI/ 2.3
Nguyệt vẫn ngồi ngả người trên ghế xích đu, hai tay gối lên mái tóc xõa. Nếu là bữa khác, chắc chắn Kim đã kéo Nguyệt ngồi dậy, nó nằm kiểu gì mà khêu gợi quá cỡ. Ở trong nhà, không mặc “su” đã là quá khích, lại còn nằm ưỡn ra, phơi ngược hai gò ngực nây nẩy. Nhưng hôm nay, Kim không còn bận tâm tới chuyện đó.
Kim kể mọi điều cho Nguyệt nghe, điều mà cô cho là một sụp đổ oan nghiệt vừa giáng xuống đầu cô. Nguyệt vẫn nằm im nghe, mãi khi cảm thấy câu chuyện đang được lâp lại những tình tiết mà Nguyệt đã thuộc lòng, cô bèn ngắt lời bạn.
Kim kể mọi điều cho Nguyệt nghe, điều mà cô cho là một sụp đổ oan nghiệt vừa giáng xuống đầu cô. Nguyệt vẫn nằm im nghe, mãi khi cảm thấy câu chuyện đang được lâp lại những tình tiết mà Nguyệt đã thuộc lòng, cô bèn ngắt lời bạn.
- Ta thử gút lại câu chuyện của mi thế này nghe. Mi rất tin con người anh Dũng, chấm. Anh Dũng hiện đang bị nghi oan, chấm. Mở ngoặc: Một kẻ xấu xa nào đó (nói theo mi) đã tố giác ảnh, chấm. Mi nhất quyết cho rằng đó là sự vu khống, chấm. Cấp trên của anh Dũng cũng vẫn tin anh Dũng, nhưng mà về cái mà mi kêu bằng nguyên tắc Đảng, là cấp trên vẫn cứ buộc phải ngưng chức Chủ tịch Phường của anh Dũng và điều anh Dũng ra nông trường, chấm. Và bây giờ mi tới đây để hỏi ý kiến ta, với danh nghĩa tình bạn, chấm hết. – Nguyệt cười, - Không hiểu ta tóm tắt như vậy có thiếu điều gì nữa không?
Nguyệt đứng dậy. Kim hiểu rằng đó là một thói quen của con nhỏ, khi phải tính toán hay giải quyết một vấn đề gì đó mà có vẻ hóc búa là nó hay đi đi lại lại. Quả nhiên Nguyệt đang đi đi lại lại.
- Bây giờ ta muốn hỏi mi vài điều, nhưng mi phải trả lời ta thành thật, ta muốn nói sự thành thật 100% không được chen vào một phần trăm dối trá nào. Có vậy thì chúng ta mới có thể bàn chuyện này theo dạng nghiêm túc được.
- Bộ mi nghĩ tao hay nói dối?
- Ta không nghĩ mi nói dối. Nhưng trước đây, có những nói dối không có hại, hơn nữa những vấn đề ấy không thực sự quan trọng như vấn đề này.
- Mi cứ hỏi.
- Mi thực sự muốn làm vợ anh Dũng chứ?
- Điều đó mi biết rồi.
- Anh Dũng có gặp tai nạn gì, ví như gãy chân, gãy tay, thậm chí mắc chứng bệnh không có con chẳng hạn, mi cũng vẫn không bỏ ý định làm vợ ảnh?
- Tại sao mi hỏi tao như vậy?
- Có nghĩa là mi cần phải tính toán, phải cân nhắc, phải… Mà thôi, sự tính toán này của mi cũng thường tình. Nhưng ta hỏi, nếu như chuyện nghi vấn anh Dũng là có thiệt, thì mi có lấy anh Dũng không?
- Nhưng chuyện này là vu khống, là nhầm lẫn.
Mi lảng tránh câu hỏi. Thôi cũng được. Bây giờ mi định làm gì trước tai họa này?
- Tao sẽ bằng mọi cách chứng minh là ảnh bị oan.
- Đó là một việc làm cần thiết và rất xứng đáng của một người vợ. Nhưng ngộ nhỡ mi không chứng minh được là ảnh bị oan và tổ chức người ta chưa có bằng cớ gì minh oan cho ảnh thì sao?
- Tao sẽ làm tới cùng.
- Tốt. Câu cuối cùng. Đám cưới của mi với anh Dũng vẫn sẽ tổ chức vào rằm này chứ?
- Chưa thể.
- Vì sao? – Kim thừ người không trả lời. Nguyệt ngồi lại xuống ghế xích đu, - Mi coi như ta đã hiểu tất cả mọi chuyện.
Kim không biết Nguyệt nói hiểu đây là hiểu cái gì. Con nhỏ thiệt kỳ cục. Nó lại ngồi im lặng. Lại ưỡn ngực ra và hai cánh tay trần lại gối lên mái tóc xõa.
Kim công tác ở Thành đoàn. Còn Nguyệt làm kế toán cho một xí nghiệp. Nó vẫn thường bảo: Nó thích làm một công việc thật khiệm tốn, không có gì phải ồn ào. Ưóc mơ của nó là kiếm cho được một ông chồng theo cách của nó, thế rồi hạnh phúc sẽ tóm gọn lại trong bốn chữ: Chồng, con, công tác. Kim cứ muốn Nguyệt diễn giải rõ hơn cái ý công tác. Công tác là công tác thế nào? Không thể chung chung. Phải phấn đấu trong công tác, phấn đấu không ngừng, và điều quan trọng đánh giá sự phấn đấu là phải được kết nạp Đảng. Nguyệt chỉ cười, không mếch lòng về sự hối thúc phấn đấu của Kim. Nhưng sự hối thúc khi được lập đi lập lại dù với thiện chí tốt, Nguyệt cũng phải lên tiếng trình bày quan điểm của mình. Bộ mi nghĩ rằng cứ phải là đảng viện thì mới được coi là người tốt? Còn không là đồ bỏ. Ta hỏi mi, Đảng mới thành lập từ năm Ba Mươi. Vậy chớ trước năm Ba Mươi cả bốn ngàn năm dân tộc mình là đồ bỏ? Ta tán thành lý tưởng cộng sản, ta làm việc theo lý tưởng đó. Còn chuyện ta vào Đảng, mi hỏi, ta không giấu, ta cũng muốn trở thành đảng viên, ta cũng muốn được gánh vác các công việc nặng nhọc của Đảng, nhưng cái típ như ta, chẳng ai kết nạp đâu.
Kim nhớ lại, khi nói tới đoạnnày, Nguyệt nghẹn lời. Con nhỏ không phải hạng người yếu đuối. Thằng đó, nó chỉ là ủy viên, là trưởng cái phòng ta đang làm đó, nó biết là ta cũng mong được gánh vác công việc của Đảng như nó, một hôm, nó rủ ta đi, kêu bằng giáo dục đạo đức cộng sản cho ta. Nó đưa ta vào vườn hoa trước cửa dinh Độc Lập. Mi biết nó giáo dục ta gì không? Nó giáo dục ta rằng muốn vào Đảng thì phải cởi áo ra cho nó nóp vú, và nằm ườn ra cho nó súc vật… Nghe tới đây, Kim muốn thét lên: Nhưng nó chỉ là một người. Nguyệt cười: Đương nhiên nó chỉ là một người. Nhưng hoàn cảnh của ta biết làm thế nào. Nó vô họp tổ Đảng, họp cấp ủy, nó lại tố ngược rằng ta chài mồi nó, ta đĩ thõa, ta dâm loạn. Hai dòng nước mắt trên má Nguyệt cứ chảy dài xuống mãi, chảy thành con suối, chảy thành con sông. Không cách gì làm cho nó ngưng chảy được.
- Mi không thể cho tao một lời khuyên gì sao?
- Không.
- Mi ác lắm.
- Ta đành phải chịu tiếng ác.
Câu trả lời tỉnh khô, nhưng Kim có biết đâu lòng Nguyệt đang rối mù bao nhiêu điều suy nghĩ. Nó bảo nó thực sự muốn làm vợ anh Dũng, vậy mà nếu anh Dũng gãy chân, gãy tay, thì chưa chắc nó đã dám ở với anh ấy suốt đời. Vậy mà lúc nào nó cũng khoe là nó yêu anh Dũng đã gần chục năm. Nó chưa hề biết một người đàn ông nào khác ngoài anh Dũng. Như vậy mình có quyền nghi ngờ tình yêu của nó không? Nếu nó mới yêu thì sự tính toán của nó là cần thiết, đàng này, bao nhiêu năm tháng rồi, chẳng lẽ nó không tính tới cái giá nó đã trả cho tình yêu. Vậy mà nó vẫn cứ phải tính toán.
Nó bảo rằng, nó hoàn toàn tin tưởng ở con người anh Dũng. Chuyện mà anh Dũng đang vướng chỉ là chuyện người ta vu khống, chuyện người ta đơm đặt hoặc một nhầm lẫn nào đó. Vậy thì nó có gì phải quá lo lắng đến như thế? Nó phải trọng cái ở trong nó. Mà ở trong nó đã là niềm tin có thử thách. Còn những cái ngoài nó, những cái thuộc về thị phi, thuộc về sự không đáng phải quá quan trọng và quá chú ý. Hơn nữa những cái ngoài nó, chính nó đã tự phủ nhận, mà sao nó vẫn coi trọng đến thế?
Tự nó đã nói rồi, nó chưa thể làm đám cưới với anh Dũng thế thì mình biết phải khuyên nó như thế nào? Chẳng lẽ khuyên nó cứ tiếp tục yêu…
- Ta nghĩ là mi cứ tiếp tục yêu rồi tính.
Nguyệt đã khuyên Kim điều mà tính cách Nguyệt chưa bao giờ chấp nhận sự lấp lửng như thế. Có thể coi đây như là một lời khuyên vui.
- Tao cũng nghĩ vậy.
Nguyệt không thể ngờ là từ miệng Kim có thể thốt ra lời nói hư hỏng đến thế. Một cảm giác khinh thường nhen dậy trong lòng Nguyệt, cô không thể nhìn bạn bằng cái nhìn ưu ái mà cô vẫn nhìn, cô khẽ quay mặt đi chỗ khác.
Sao, còn mi với anh Minh tới đâu rồi?
Nguyệt gượng cười:
- Hiện thời thì rất tuyệt.
- Tao thèm được như mi quá.
- Mi thèm như ta là phải, bởi vì khi yêu ta chỉ nghĩ tới chuyện yêu, không nghĩ chuyện gì khác – Sợ Kim hiểu lầm cách diễn giải của mình, Nguyệt lái chuyện – Chỉ tội ảnh hơi cù lần.
- Cù lần?
- Ờ, cù lần dễ thương. – Nguyệt cười, - Mỗi lần ảnh tới tăm ta, ảnh bẽn lẽn dễ sợ. Ta nắm tay ảnh, ta muốn nắm thiệt lâu, nhưng ảnh thì không, bắt tay ta rất vội. Được cái ảnh nói chuyện hay hết biết. Ảnh là con mọt sách, mi hiểu không. Tây, Tầu, Nga, Mỹ, cuốn nào ảnh cũng đọc. Sách của các nhà văn Việt Nam, ảnh cũng ngấu nghiến. Mi thấy ta cũng là người nói nhiều, vậy mà ngồi trước ảnh, ta cứ như người say, ta muốn uống từng câu ảnh nói, cái miệng ảnh mới đẹp làm sao, những âm sắc, trầm ấm của ảnh cứ như vang ra từ ngực. Phải chi ta được đặt bàn tay lên lồng ngực ấy. Ta nói ảnh cù lần là cù lần vậy đó. Hôm qua ảnh tới, lúc ra về, ta nói nhỏ với ảnh: Hôn em đi. Ta phải liều vậy đó. Mi biết ảnh hôn thế nào không, rất nhẹ trên má, độc nhất có một cái, trong khi môi ta cứ đợi môi ảnh đậu xuống. Trời ơi, tại sao lại có con người cù lần đến thế không biết. Nhưng khi ảnh về rồi, ta mới thấy má ta nóng ran, thế rồi nó bốc cháy. Cái hôn của người đàn ông trinh nguyên nó dữ dội vậy đó mi ạ. Ta nói thiệt với mi, đây chính là người đàn ông ta chờ đợi. Đây chính là người đàn ông ta nhất quyết chọn làm chồng. Ta mà thiếu ảnh chắc là… Ta không nói như tiểu thuyết nói đâu, không có ảnh đời ta sẽ vô vị lắm.
Kim bị cuốn vào sự say sưa của Nguyệt. Cô vui cho bạn, nhưng cái tính thận trọng vẫn cứ nhắc nhủ cô:
- Nhưng mày đã dò xét nguồn lạch của ảnh kỹ lưỡng chưa?
- Mày nói nguồn lạch cái gì? Có phải ý mi muốn ta phải biết chuyện gia đình cha mẹ ảnh, chuyện ảnh cấp bậc gì, đảng viên hay chưa chứ gì? Ta nói thiệt mi đừng giận, chuyện đó dần dà ta sẽ biết. Nhưng chuyện đầu tiên tao phải biết và đã đã biết đó là chuyện ta yêu ảnh và ảnh yêu ta.
- Đề phòng lãng mạn quá đó nghe.
- Bản thân tình yêu đã là sự lãng mạn rồi mi ạ.
Nguyệt kết thúc câu chuyện đột ngột, cô không nói gì thêm, lẳng lặng bước vào toa lét.
Con bé thiệt lạ. Tính cách xốc nổi kiểu này thì rồi khổ về đường chồng con. Kim chạnh nghĩ và ái ngại cho bạn. Trong chuyện này không thể khuyên can nó được. Cũng hy vọng, anh Minh là một quân nhân, cuộc đời lính đã dạy cho ảnh một kỷ luật, một đạo đức. Và quan trọng (bởi Kim tin như thế) và chắc chắn anh là một đảng viên. Trung úy mà không đảng viên sao được.
Nguyệt đã thay bộ quần áo khác. Chiếc quần ống loe thời trang và chiếc sơ mi ca rô với những ô kẻ màu vàng xanh rất nhã.
- Mày tính đi đâu?
- Ta với mi tới nhà anh Dũng. Ta chắc rằng những lúc như lúc này ảnh đang hoang mang lắm.
Kim sững sờ trước lời đề nghị của Nguyệt, lời đề nghị rõ ràng là Kim không tính trước.
- Có lẽ phải tối tao mới lại ảnh được.
- Bận hả?
- Tao đã xin gặp chú Sáu trong ban kiểm tra Đảng để hỏi về việc của ảnh, chú ấy hẹn tao sau giờ làm việc.
- Tiếc quá, - Nguyệt nhún vai. Hình như cô cảm thấy mình hơi vô duyên, nhưng rồi cô kịp trấn tĩnh lại, - Vậy thì mi cho phép ta chứ?
- Anh Dũng cũng biết mày…
Nguyệt cười:
Đương nhiên… Chỉ có điều mi lọt vào mắt ảnh trước ta thôi… - Cô cười khanh khách rồi vỗ vai bạn.
Kim uể oải đứng dậy. Họ chia tay nhau ở cửa, bởi họ đi ngược đường nhau. Chỉ có một điều chung là cả hai đều hối hả.
Mấy hôm nay, từ khi nghe Dũng kể hết mọi chuyện, má Hai chỉ khóc và thắp hết nén nhang này đến nén nhang khác trên bàn thờ Tư Mai. Con sống khôn, chết thiêng, nói cho má biết đi, má phải làm gì bây giờ? Lẽ nào, thằng Dũng lại là đứa chỉ điểm cho giặc bắt con? Nào, nói cho má biết đi, Tư Mai… Tội nghiệp nó, nó thương má như là chính con thương má. Hay là nó thương má vậy để nó chuộc cái tội của nó đối với con? Từ sau ngày con hy sinh má chỉ có mình nó. Nó hết lòng với đoàn thể, với mọi người. Nhưng Đảng nghi vấn nó, chẳng lẽ má không tin? Con hãy nói cho má biết đi, Tư Mai. Má cứ ngồi sụp trước bàn thờ Tư Mai như thế mà khóc. Nhưng khi Dũng có mặt ở nhà, thì má lại lui cui trong bếp, má không một lời than thở, oán trách. Má cứ đinh ninh đây là một sự lầm lẫn nào đó. Cái thằng hiền thảo như nó, nhất định không phải là thằng phản bội con trai má. Má bào chữa cho Dũng. Nhưng cứ ngước nhìn thấy bức ảnh Tư Mai đang cười, lòng má lại dâng đầy một nỗi xót xa. Má tự mâu thuẫn với chính mình.
Dũng không biết phải làm gì để đỡ nỗi đau đang đè trĩu trên vai má. Ôi, nếu có thể đâm đầu vào đá mà chết, để anh Tư Mai sống lại, để anh nói trước mọi người một lời: Thằng Dũng em tôi không phản bội tôi, thì Dũng cũng sẽ chết ngay. Nhưng Dũng không thể đem theo xuống mồ cả nỗi oan khuất nhuốc nhơ không gì biện minh được. Thôi cũng đành chờ sự xác minh của Đảng. Mà ngay đến điều đó, nếu không được, thì lại phải bằng chính cuộc đời còn lại tự chứng minh cho phẩm giá con người mình.
Sáng mai Dũng đi nông trường nhận công tác.
Dũng chạy ra chợ, mua một bó hoa thật tươi và một chục xoài cát. (Hồi còn sống, tới mùa xoài, anh Tư Mai thích ăn xoài cho đã miệng, nhiều buổi anh ăn xoài trừ cơm, ăn đến nỗi mụn nhọt nổi khắp người). Dũng đặt hoa và xoài lên bàn thờ. Thắp ba nén nhang, rồi anh chắp tay trước ngực, khấn. Lòng em như thế nào, xin anh Tư chứng giám cho em. Nếu thác đi mà còn linh hồn, còn quyền lực để phù hộ độ trì cho người sống, thì xin anh Tư hãy phù hộ cho má luôn mạnh khỏe, anh phù hộ cho em chân cứng, đá mềm để vượt qua thử thách cay đắng này.
Khi anh đầm đìa nước mắt quay lại, thì phía sau, má Hai cũng đang đưa khăn lên chấm mắt.
Má.
Anh khụy xuống, ngã vào lòng má. Tiếng nói của anh tràn ra cũng nước mắt:
- Má, má… Liệu con có còn được là con của má nữa không?
Má Hai đặt bàn tay gầy gò, nhăn nheo lên mái tóc cứng của anh.
- Dũng, đừng khóc nữa con. Từ ngày thằng Tư hy sinh má chỉ còn có con. Dù thế nào đi nữa, thì con vẫn là con của má.
Má Hai ngước mắt nhìn lên tấm ảnh Tư Mai: Má nói vậy có đúng không Tư?
Hai má con cùng ngồi xuống chiếc phản gỗ.
- Sáng mai con đi nông trường rồi, thưa má. Ở nhà má phải ráng giữ gìn sức khỏe. Má có đau yếu gì thì đánh tiếng cho các bạn con.
Dũng né, không muốn nói đánh tiếng cho Kim, phần vì anh không nhắc tên cô lúc này, sợ má lại vặn hỏi chuyện cưới xin, phần vì anh nghĩ, nếu Kim coi anh là người thân yêu nhất như cô nói, thì việc cô chăm lo má là bổn phận. Anh dùng chữ các bạn, bởi mấy hôm nay, nhiều bạn bè, thân có sơ có, tới thăm anh, ai cũng ái ngại cho anh và sẵn lòng đưa vai gánh những khó khăn của anh. Anh tự thấy bản thân mình không có khó khăn gì phải nhờ tới bạn bè, chỉ có nỗi lo về sức khỏe và tuổi tác của má Hai.
- Con chỉ tiếc là chưa sửa lại được căn nhà cho má.
- Con tưởng má cần sửa chữa căn nhà này lắm sao? Một mình má ở thế nào chẳng được. Trước đây, cũng để ý tới chuyện đó là vì còn có con, con sẽ lấy vợ.
Chết thật. Thế là từ chuyện sửa nhà, má lại lan sang chuyện anh lấy vợ. Anh không muốn má khơi chuyện ấy ra vào lúc này. Từ khi Kim biết chuyện mắc mớ của anh, chính Kim cũng chưa một lần nào nhắc tới chuyện đám cưới vào ngày rằm nữa. Kim chỉ khóc. Cũng may chưa lấy nhau. Chớ thành vợ thành chồng rồi, thì không biết cổ sẽ đau đớn đến thế nào.
- Chuyện đám cưới, tụi bây định thế nào?
- Thưa má…
Dũng chết lặng. Ngay sau khi Sài Gòn giải phóng, không ngày nào má không nhắc tới chuyện đám cưới. Má chỉ mong Dũng lấy vợ. Má biểu má chẳng thèm gì, chỉ thèm bồng cháu. Những tháng đầu, Dũng còn có lý do để khất má, đúng là lúc đó công việc của chính quyền cách mạng nhiều ngập đầu, nhưng rồi công việc cũng vào nền nếp dần, Dũng chỉ còn biết cười trừ mỗi khi má nói tới chuyện đó.
- Má nghe con Kim nói đã viết thư về quê mời má nó lên rồi.
- Chắc phải hoãn lại thôi má ạ.
- Tội nghiệp. Má thương nó, phải chi đừng có trục trặc này…
Dũng hiểu tấm lòng má. Chưa có người con gái nào má ưng hơn Kim. Chính má đã nói thẳng điều đó với Dũng. Tính tình nó hiền hậu, lại chịu thương, chịu khó, cái tâm nó lành, một người vợ như vậy thật là hoàn hảo. Dũng có phản đối nhận xét của má đâu. Vậy mà lần nào nhắc tới Kim má cũng xác định điều đó với Dũng. Dũng đâu phải loại đàn ông ham sắc đẹp, ham cái mới lạ.Vậy mà hễ có bất kỳ cô gái nào, tới tìm Dũng có chuyện gì là má lại đưa mắt nhìn Dũng như muốn hỏi: Cô ấy là thế nào với con? Nhiều khi Dũng cười giỡn lại má: Cổ là bồ con. Dũng thấy má xụ mặt, dù Dũng có thanh minnh với má là Dũng nói chơi, má cũng giận. Cái sự giận của má cũng khác lắm, má lẳng lặng không nói gì, chầm chậm đi vào bếp và ngồi một mình. Dũng đã nghiệm thấy lần nói chơi nào cũng như vậy. Dũng không dám nói chơi nữa. Với má, chuyện vợ chồng thiêng liêng, hệ trọng lắm. Mới hôm qua, Nguyệt tới chơi, lối ăn nói của cổ, má nghe hơi lạ tai, má không nói ra miệng, nhưng má không bằng lòng. Dũng cố nói cho má hiểu cô là người rất tốt. Má bảo: Tốt gì đi nữa cũng cứ phải lấy cái thước của các cụ mà đo, con gái cứ phải công dung ngôn hạnh. Còn cô Tú, nghe nói anh không làm Chủ tịch nữa, tìm tới đây hai lần, cả hai lần đều không gặp Dũng. Không hiểu cô cuốn hút được má thế nào không biết, khi Dũng về, má khen cô hết lời. Má còn lấy cả giấy bút ra cho cô ghi lại mấy chữ cho anh. Cô viết: Anh Năm đừng buồn, dù rằng chuyện đó thật đáng buồn. Bữa nói chuyện với thanh niên tụi em, anh chẳng bảo chúng em hãy là chim bằng chứ đừng thèm làm thứ chim cu đất. Em nghĩ chính anh là chim bằng. Chúc anh bay. Em. Tú.
Nhớ lại bức thư vài dòng của Tú, Dũng đột ngột hỏi má Hai:
- Cổ có hẹn sẽ tới thăm má luôn không?
Má Hai gật đầu:
- Có. – Rồi má chậm rãi nói thêm, - Con bé đó là con nhà gia giáo, nói năng lễ phép, nó hứa sẽ tới chơi với má, đọc truyện cho má nghe.
- Thiệt vậy sao má?
- Chắc nó sẽ tới, nó có nói nó ở ngoài hẻm Bẩy ngoài Trần Quốc Toản.
- Đúng vậy đó má.
Dũng không hiểu vì sao mình lại chợt nhiên vui như vậy. Giữa anh với Tú chưa có kỷ niệm gì sâu sắc với nhau. Có chăng là anh bị cặp mắt sáng xanh của cô điêu khắc vào tâm hồn.
- Cổ phụ trách thiếu nhi cũng được gần năm đó má.
- Ra vậy.
- Bây giờ cổ xin đi học trở lại. Cổ học đại học…
Kim tới với một giỏ xách tay lớn, cắt ngang câu chuyện chẳng biết là vui hay buồn của hai má con.
Chỉ mới mấy ngày mà nom Kim sọp hẳn, những vết tàn nhang trên mặt cũng xạm lại.
- Thưa má.
Má Hai đứng dậy nhường chỗ cho Kim ngồi, nhưng cô không ngồi, cô đi thẳng vào trong bếp, lấy cái đĩa lớn, cô xếp vào đó được chục xoài (Lại xoài. Chuyện anh Tư rất thú ăn xoài, chính má Hai và anh Dũng vẫn thường kể cho cô nghe mỗi khi nhắc tới anh). Cô đặt đĩa xoài lên bàn thờ Tư Mai, thắp ba nén nhang, chắp tay cầu nguyện điều gì đó.
Má Hai lẳng lặng vào trong bếp. Má vẫn vậy, mỗi khi Kim đến, nếu không có Dũng ở nhà má trò chuyện thả giàn với Kim, nhưng nếu có Dũng, thì bao giờ má cũng nhường cho hai đứa. Tụi nó đâu nhiều thời gian và cũng chẳng mấy khi được gặp nhau.
- Em mới ở nhà dì Năm…
Dũng nghe rất rõ tiếng Kim thở dài. Tội nghiệp. Từ hôm đó đến giờ, hết gõ cửa nhà này tới gõ cửa nhà khác. Hôm qua thì tới chú Sáu. Hôm nay tới dì Năm. Làm như chỉ cần nghe cô nói là mọi người tin ngay rằng thằng Dũng của cô bị oan. Đâu dễ dàng. Chuyện trong tù, phải có chi bộ nhà tù, có hồ sơ tù, hoặc ít ra cũng phải có các đồng chí cũng ở tù lúc đó. Mọi quan hệ dằng dịt như thế đâu phải một sáng một chiều tháo cởi được. Dù sao Kim cũng rất lo lắng cho mình trong chuyện này. Lòng Dũng dâng đầy một nỗi thương cảm. Nhưng anh muốn lái Kim qua chuyện khác.
- Em ở nhà phải ráng giữ gìn sức khỏe, anh tới nông trường, có chuyện gì hay anh sẽ viết thư về kể cho nghe.
Cô bụng dạ nào mà nghe chuyện nông trường của anh. Cô định nói với anh như thế, nhưng lại thôi. Cô lấy trong chiếc giỏ xách: Mấy cuốn tiểu thuyết, hai lọ thuốc: Một cảm cúm và một tiêu chảy. Với cô, ở nông trường hai thứ bệnh đó là loại bệnh thường trực, một gói bột ngọt và hai lon sữa.
- Sao nhiều thế em?
Cô không trả lời. Cô bỗng dưng ít nói hẳn. Trước đây cả hai người vốn đều ít nói. Bây giờ càng ít nói hơn. Hầu như họ chẳng biết nói chuyện gì với nhau. Cứ ngồi nhìn nhau trong im lặng. Hương thơm của khói nhang lan tỏa dầy đặc khắp căn phòng, gương mặt họ cũng ảm đạm trong làn khói nhang thơm huyền bí đó.
Sáng hôm sau, cô tới tiễn anh đi, họ cũng im lặng như thế cho tới khi anh bước lên xe ô tô, cô mới vội vàng đưa tay cho anh nắm, cô cứ để bàn tay gầy guộc của mình trong tay anh cho tới khi ô tô chạy. Anh cũng chẳng nói được lời nào với cô. Hai cánh tay vẫy. Cô khóc. Còn anh, cũng thấy cay cay nơi mắt.
/ Mời đọc tiếp 3.1/
TÌNH YÊU CÓ CÁNH - TIỂU THUYẾT
NGUYỄN NGUYÊN BẢY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét