Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017

Sách Thơ VƯỜN NĂM NHÀ, 2/ Phần văn bản Hà Thị Trực,1/ NNB đò đưa/ TẶNG THƠ NGƯỜI CÙNG CẢNH THA HƯƠNG



Sách Thơ VƯỜN NĂM NHÀ, 2
Phần văn bản Hà Thị Trực, 1.
Nguyễn Nguyên Bảy
TẶNG THƠ NGƯỜI CÙNG CẢNH THA HƯƠNG

Dự án sách Thơ Bạn Thơ ôm hoài bão sưu tầm, đọc chọn Thơ của khắp hết các bạn thơ thời kỳ từ 1940 đến nay (2016), không phân biệt giới tính, tuổi tác, đẳng cấp xã hội, địa dư vùng miền, trong nước hay ngoài nước..miễn đấy là thơ, thơ hay, đẹp, do người Việt Nam sáng tác và truyền bá.
Bạn thơ Hà Thị Trực, người Việt, sống và viết tại Liên Bang Nga, gửi tới chúng tôi tập mỏng thơ 20 bài do nhà thơ Hoàng Xuân Họa đọc chọn và nhà thơ Trần Vân Hạc đò đưa. Chúng tôi biên tập và in trọn trong sách Vườn Năm Nhà 2 này, vì thơ Hà Thị Trực đáng tôn vinh, thêm vào đó, mảng đề tài này cần có trong Dự án sách Thơ Bạn Thơ, nhưng chưa sưu tầm thu thập được.
Riêng tư, chúng tôi Nguyễn Nguyên Bảy/ Lý Phương Liên thường trực sống trong tình cảnh tha hương cùng con cháu, ở Mỹ, nên cảm thông, đồng điệu và ước muốn chia sẻ tâm tư với người cùng cảnh ngộ. Bạn Hà Thị Trực, tha hương ở Nga. Chúng tôi đọc thơ Hà Thị Trực với tâm thức nhận quà tặng, đặc biệt với bài  Đón Dâu Chỉ Có Mình Anh, chúng tôi coi đây là cái cớ phải tha hương của Hà Thị Trực../ Đáp lễ, chúng tôi xin chép tặng Hà Thị Trực bài tuyệt đỉnh nỗi lòng người tha hương của Thánh nữ thơ, Bà Huyện Thanh Quan, bài Đèo Ngang mà hầu như nhiều người Việt đều thuộc nằm lòng, và chép tặng thêm bài văn vần của Nguyễn Nguyên Bảy Bán Buồn Ở Chợ Trời Seattle để bạn Trực đọc tham khảo nỗi tha hương..


Thơ HÀ THỊ TRỰC
CHUYỆN CHÚNG MÌNH


Đón dâu chỉ có mình anh
Xe đạp cọc cạch mà thành xe hoa
Anh đèo em đường thì xa
Rơm rạ sỏi đá ổ gà ngại chi

Yêu anh em chẳng quản gì
Theo anh em một mình đi lấy chồng
Họ nhà gái bên này sông
Nhà trai bên ấy đang trông đợi mình

Chuyến đò nên nghĩa nên tình
Chở mình năm ấy để mình thành đôi
Con sông bên lở bên bồi
Khi trong khi đục vẫn đời của sông

Đừng vì nghèo khó nản lòng
Đã chung dòng chảy thề cùng chung lo
Chịu thương, chịu khó trời cho
Nắng mưa chẳng quản cơm no, áo lành

Mỉm cười em ngưỡng vọng anh
Đón dâu như thể chúng mình, mấy ai!

Ekaterinburg 01/06/2011

Trần Vân Hạc, đò đưa
THƠ HÀ THỊ TRỰC “ ĐÓN DÂU CHỈ CÓ MÌNH ANH..”

Bài thơ đưa người đọc đến một tình huống bất ngờ: “Đón dâu chỉ có mình anh”
Đón dâu, sao lại chỉ “có mình anh” trong khi đây là một ngày vô cùng hệ trọng của cuộc đời người con gái và thường là có đại diện của hai họ đưa đón, còn cô dâu bao giờ cũng mơ ước được đón bằng “xe hoa” để bước chân về nhà chồng, khởi đầu cho cuộc sống gia đình. Cái cách đặt vấn đề tạo ra một sự tò mò cho người đọc với bao câu hỏi: Tại sao… và tại sao?  
Rồi thật ngỡ ngàng khi “chứng kiến” cái cảnh: “Xe đạp cọc cạch mà thành xe hoa”.  Chắc chắn cô dâu và chú rể đang trong một hoàn cảnh đặc biệt nên đón dâu chỉ có một mình chú rể và nhà gái cũng chỉ có mình cô dâu. Thật thú vị và thật đáng khâm phục khi cô dâu theo tiếng gọi của con tim nên: “Theo anh, em một mình đi lấy chồng!”, bởi cả hai đều hiểu rằng cái quan trọng hơn chuyến xe hoa sang trọng kia là hai tâm hồn đồng điệu, gắn kết với nhau và cũng chính vì thế mà hai gia đình cũng cảm thông với hai vợ chồng trẻ, bỏ qua những nghi lễ thông thường. Con đường cụ thể xa xôi kia cùng những: “Rơm rạ sỏi đá ổ gà” vừa rất thực vừa như một ẩn dụ về những gập ghềnh trên con  đường tình. Bởi vậy “con sông” đời kia đâu có thể ngăn cách đôi trái tim yêu, chuyến đò tình nghĩa đã xe duyên cho đôi người yêu nhau: “Chuyến đò nên nghĩa nên tình/ Chở mình năm ấy để mình thành đôi”, dẫu: “Con sông bên lở bên bồi”, “khi trong khi đục” trong qui luật của tạo hóa nhưng đôi người yêu nhau đã hiểu những khó khăn trên đường đời nên luôn nhủ lòng: “Đừng vì nghèo khó nản lòng/ Đã chung dòng chảy thề cùng chung lo”, cái đức của người Việt tự bao đời được diễn đạt một cách rất tự nhiên. Đọc đến đây, ta chợt liên tưởng tới câu ca của dân gian đúc kết tự bao đời: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.
Bài thơ khép lại bằng lời biết ơn chân thành của người vợ yêu quí sau mấy chục năm chung tay vượt mọi khó khăn, nguy hiểm, xây dựng một ngôi nhà mơ ước: “Mỉm cười em ngưỡng vọng anh”. Chàng trai trong bài thơ thật là hạnh phúc khi được người mình yêu “ngưỡng vọng”, sự “ngưỡng vọng” ấy không phải chỉ là cuộc đón dâu có một không hai, mà hơn thế chàng trai thực sự là một đấng nam nhi chân chính, rất mực yêu thương vợ, chung lưng đấu cật vượt mọi khó khăn chèo lái con thuyền tình vượt thác ghềnh cập bến bờ hạnh phúc! Bài thơ giản dị, chân thực nhưng mở ra một không gian không giới hạn của tình yêu chân chính. Thế mới biết, không phải cứ xe hoa sang trọng, lễ bê năm quả hay bảy quả hoành tráng, tiệc cưới đắt tiền trong nhà hàng, khách sạn mới làm nên hạnh phúc lứa đôi mà cái chính là ở trái tim yêu thương chân thành thủy chung biết sẻ chia, biết chịu đựng hy sinh vì một đại cục… Bài thơ được viết theo thể lục bát khá nhuần nhuyễn, đặc biệt  lại tự bạch về chính cuộc đời mình nên tự nhiên như hơi thở, chuyển tải được những ý tưởng sâu sắc. Câu chuyện tình như trong cổ tích thực sự hiện hữu trên đời làm cho ta tin: khi đã có tình yêu sắt son chung thủy, sẽ có tất cả. Chuyến xe tình yêu đơn sơ hôm nào đã đưa anh chị cùng các con cập bến bờ hạnh phúc!
Bài thơ được viết  năm 2011, sau 23 năm chung sống người vợ đã viết bài thơ này khi  mà những thử thách khốc liệt của số phận và nghị lực phi thường giúp anh chị đứng vững trên đường đời là thước đo của phẩm hạnh, người vợ đã thốt lên tự đáy lòng lời tri ân người chồng yêu kính của mình: “Mỉm cười em ngưỡng vọng anh”. Câu thơ tưởng giản đơn này là món quà tình yêu  vô giá mà người chồng được tặng nhưng cũng đồng thời người vợ được nhận nên niềm vui, niềm hạnh phúc nhân đôi, báu vật tình yêu này không phải đôi vợ chồng nào cũng có được trên hành trình nhân thế đầy gian khó thử thách. Chính tình yêu và nghị lực vô bờ của anh chị đã vun trồng cho hạnh phúc đơm hoa kết trái, bởi một gia đình hạnh phúc chính là nền tảng quan trọng để những đứa con lớn lên trong yêu thương và thành đạt trong cuộc đời. 

VĨ THANH
Bạn đọc có thể tò mò hỏi: câu chuyện trong bài thơ là thực hay hư cấu. Xin thưa đó là chuyện thực 100% của đôi vợ chồng Chu Thế Vinh và Hà Thị Trực – (bút danh Chu Hà) đang định cư tại Ekaterinburg, Cộng hòa liên bang Nga.  Đây là một đám cưới cuối thời kì bao cấp, cuộc sống còn vô cùng khó khăn. Anh chị lấy nhau năm 1988, anh là người Hưng Hà, Thái Bình, còn chị quê Ý Yên, Nam Định, từ quê "cô dâu" đến quê "chú rể" chỉ có cách duy nhất gần là qua sông Hồng tại bến đò Phú Hậu. Hai quê cách nhau khoảng gần 70 km đường bộ. Bố mẹ hai bên đã già yếu, đều là nhà nông thuần phác, quanh năm chỉ làm bạn với cây lúa nên rất nghèo. Nhà trai mổ lợn chờ đón dâu về, nhà gái vì xa xôi không tiễn được dâu nên một mình chú rể đón cô dâu trên chiếc xe đạp “cọc cạch”, mà lúc đó ngay cả xe đạp không phải nhà nào cũng có để đi đón dâu cùng.Anh chị được coi là: “Niềm tự hào của cộng đồng người Việt” tại Ekaterinburg (quehuongonline). Anh chị đã từng lao động nhọc nhằn,  tích cóp được chút vốn liếng, tưởng chừng số phận đã mỉm cười nhưng lại bị cướp sạch. Những tưởng cảnh khốn quẫn ấy sẽ dìm đắm con thuyền đời của gia đình bé nhỏ, nhưng không, anh chị không chỉ vượt lên tất cả mà còn tổ chức được một cuộc sống hạnh phúc, hơn thế hai con của anh chị đều đươc nuôi dạy chu đáo thành tài. Cháu Chu Ngọc Minh, con lớn của anh chị  đã tốt nghiệp thạc sĩ ở Anh quốc. Còn con gái út của anh chị: Chu Dạ Thảo sinh 1995, hiện là học sinh của Trường PTTH (Gimnazia) số 2 - thành phố Ekaterinbur. Thảo không chỉ học giỏi các môn mà còn là một tài năng hội họa đã đạt nhiều giải thưởng cao. Thành tích học tập của hai cháu Minh – Thảo không phải ngẫu nhiên. Bố mẹ hai cháu – anh Vinh và chị Trực  đều là những trí thức, từng là sinh viên giỏi của hai khoa Sử và Văn tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, được chọn sang Nga học tiếp Đại học tại Kadan, về nước anh đã từng công tác ở Viện Mác - Lê Hà Nội, chị từng giảng dạy ở Đại học Pháp Lý Hà Nội - (nay là Đại học Luật Hà Nội). 
Trần Vân Hạc
http://vannghenamdinh.com.vn/index.php/vi/news/Nghien-cuu-Phe-binh/Chuyen-xe-tinh-yeu-Tran-Van-Hac-2366


Thơ BÀ HUYỆN THANH QUAN
ĐÈO NGANG

Bước đến Đèo Ngang bóng xế ta
Cỏ cây chen đá lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác ven sông chợ mấy nhà
Nhó nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta  


Văn vần NGUYỄN NGUYÊN BẢY
BÁN BUỒN Ở CHỢ TRỚI SEATTLE


Tôi nhặt từng hạt buồn còn vương trong mắt em. Xếp cẩn thận những hạt buồn vào bị cói. Đeo lên vai. Hai vợ chồng thong thả đi chợ trời Seattle
Tôi Việt ngữ cổng chào tên chợ  Public Market là Chợ Trời. Bởi không gian, cảnh trí bán mua, người đến người đi kẻ lượn y trang một mảnh chợ trời Sài Gòn 1975, sau ngày giải phóng
Khác chăng chợ trời ở đây quá lịch sự, quá an ninh, hoa giăng mắc đầy ban công lộ chính dẫn vào cổng chợ, dòng dòng nhân văn đầy ắp những nói cười tíu tit gọi chào hoan hỉ niềm vui trảy hội.
Hai dãy sạp hàng vong veo lượn theo hình bờ vịnh, dòng người nối đuôi nhau, trôi như dòng suối nhỏ, đủ sắc mầu đầm, đủ mập ốm tây, đủ tiếng xì xồ cười nói, đủ hoa bông con trẻ ngồi trên cổ mẹ cha vừa hò reo vửa mút kem thong thả

Nông sản các farmers từ bắp rang, khoai nướng, táo vườn, đến mật ong rừng nguyên đõ. Cá ướp muối xếp như đùi con trẻ trò chơi xỉa cá mè đè cá chép,người lớn ở đây chơi trò tung hứng cá
Người Mỹ gốc, da đỏ, thổ dân, bầy những viên đá cảnh, những pho tượng gỗ đẽo gọt kỳ khu. Người Hàn bầy từng vại, từng vại kim chi. Người Spanish khoe những chiếc váy thổ cẩm, những hình lưu niệm đỏ khé như khăn các dũng nhân bò tót. Mấy chú nhóc da mầu ( thực ra là da đen, nhưng chữ đen bị coi là phân biệt chủng tộc) nhảy hip hop, người vây quanh vỗ tay vinh danh. Và đôi ba chàng Hoa, nàng Hoa, mượn dịp nhịp vỗ tay ồn ã, liến thoắng tháo chuồng ngôn ngữ tượng hình bán vịt.
Thôi thì, thượng vàng hạ cám, chẳng thiếu thức gì, kể cả thức bán mua trong Phiên Chợ Ba Tư (tên một bản nhạc) hay chợ Vòm Nga, hay chợ phiên hàng tổng, hàng tỉnh miền xuôi, chợ tình Sapa miền ngược bên ta, miễn là mọi thức bán mua gợi nhớ khởi thủy làng quê sinh tồn, phần hội nhiều hơn phần chợ.

+ 

Lạc lõng chưa, chúng tôi đến chợ vai quẩy bị cói hạt buồn.  Than thở chỉ vừa lóe, đã thấy cô gái da trắng, tóc vàng phủ bờ vai nõn, nhìn chằm chằm mắt  vợ tôi nài nỉ xin đôi hạt buồn.
Để làm gì? Để đêm nay, sau một ngày hội hè vui đẫm, tôi có chốn nhớ về buổi chiều đen thẫm ấy, buổi chiều định mệnh tôi xuống tầu chạy trốn Vacxava tìm đến thiên đường Mỹ. Chỉ những hạt buồn mới giúp tôi trở về gặp lại tiếc buồn đánh mất hôm qua.
Nhận những hạt buồn vợ tôi trao tặng, cô gái Ba Lan bật khóc, chân cô dẫm nát những giọt khóc trong điệu dân vũ Vacxava kể về đắng ngọt tha hương 
Một chàng da nâu râu nham, bụi đời như tất cả bụi đời trên hoàn vũ, đưa vợ tôi hai tờ hai đô la (tờ tiền mệnh giá 2$ được coi là tờ tiền may mắn) sòng phẳng xin đổi hai hạt buồn.
Để làm gì? Để một hạt tôi gieo mắt tôi, một hạt tôi gieo đè khi nó ngủ. Nó là ai? Tôi khẽ hỏi. Chàng nâu cao giọng, nó là con vợ tôi, mắt nó u buồn cho tôi thương hại, và mắt tôi trĩu buồn cho đời thương tôi, tình lưới phải con vợ nứng, sướng quá hóa rồ, đêm ngày chỉ thích vui hoang 
Vợ tôi thở dài, nhét trả túi chàng nâu hai tờ 2$ lucky với lời cầu may mắn
Sau anh chàng da nâu là next, next, người tiếp theo, người tiếp theo, trai gái  trẻ  già, đông lắm, nhiều lắm, nối đuôi nhau chờ đến lượt mua buồn.
Vợ tôi từ bàng hoàng kinh ngạc đến bối rối lúng túng. Người mua sau cầm đô la nhiều hơn người mua trước, từng xấp từng xấp, đang lúc ù tai hoa mắt, bỗng nghe Việt ngữ thất thanh Bớ Vợ Chồng Kia, tưởng police, khoác vội bị cói buồn, chưa kịp chạy đã một tay người nắm chặt, lôi đi
Chúng tôi lếch thếch vón theo người thanh niên Việt, kéo nhị xẩm, không mù lòa như ông xẩm bến đò Dốc Lã, chạy ra khỏi chợ, cả ba ngồi lăn đùng giữa vườn hoa thác nước 

+ 

Buồn là đặc sản Việt cớ sao You đem ra chợ trời rao bán ?

Đặc sản buồn? Mới nghe lần đầu, nghe lần đầu, bực mình quá, bực mình quá, luật phân biệt chủng tộc đâu rồi?
Người thanh niên chầm chậm nhị: Người Mỹ nhận xét người Việt không biết cười. Lý là, người Việt vừa cười xong đã ưu tư hiu hiu, lo lắng hiu hiu, ngậm ngùi hiu hiu, giận dữ hiu hiu, hiu hiu duyên cớ gì chẳng biết. Cộng đồng Việt đông dần, người Mỹ thông cảm, chia sẻ với nỗi đau chiến tranh, ngục tù, nghèo đói mà người Việt phải gánh chịu, đã không xét nét nụ cười mà vinh danh người Việt có nụ cười buồn, đặc sản buồn.
Và ngươi, vợ tôi lớn giọng, đã lấy đặc sản của đặc sản là cây nhị xẩm, cây đờn cò, để bỏ quê, để đến đây ăn mày ăn nhặt thế này sao?
Thì ông bà chẳng cũng đến đây rao bán hạt buồn?

Ta không đến đây rao bán nỗi buồn, vợ tôi chua chát, mà ta đến đây chia sẻ hạt buồn, đổi buồn trác vui, nơi đây quá nhiều vui, ai cũng vui, vui đầy tràn nên cần hạt buồn gia vị cho ly nước đời cân bằng âm dương cười khóc, mà thuận lý, mà hướng thiện, mà bền vững cõi tin chân lý.
Còn ngươi, ngươi đã xỉ nhục cây đàn cò vốn sinh ra cho người khiếm thị, lạy ông đi qua lạy bà đi lại, xót thương kẻ mù lòa, ngươi sáng mắt, ngươi còn tay còn chân, ngươi còn lưỡi, vậy mà ngươi lại mượn nỗi buồn đui mù hèn hạ đổi lấy chút dư thừa thương hại
Nhị xẩm cúi đầu câm lạnh. Rồi bỏ đi. Chúng tôi chưa kịp bỏ đi đã thấy niềm vui vây kín, hồn nhiên, tự nhiên như sóng bể vỗ về 

+ 

Sáu giờ chiều chợ trời Seattle đóng cửa. 
Năm ngoái thế, năm nay vẫn thế. Năm ngoái, ngày đông, mới ba giờ đã chạng vạng chiều. Năm nay, ngày hè, sáu giờ chiều còn chang chang nắng.
Năm ngoái đến đây bán buồn. Không ai mua. Không dám đổ xuống biển sợ cảnh sát môi trường phạt vạ. Đành gánh về nhà, con cháu nhìn ông bà sưng xỉa.
Năm nay, chỉ dám đem theo một bị cói buồn, ngờ đâu bán sạch. Mắt vợ tràn vui, trẻ gì mà trẻ thế, đong đưa gì mà đong đưa thế.
Mới hay lòng người diệu vợi hơn thời gian không gian.
Hèn chi, vợ bảo, em đang trẩy hội chợ quê mình. Váy áo tứ thân nhún đu cùng ai thế? Cười cười. Đu tình nhún bổng trời xanh… 

Seattle, 29/8/2011
Nguyễn Nguyên Bảy
Phần văn bản này đăng nguyên văn theo bản thảo gốc.
Khi in có lược gọn.
VANDANBNN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét