SÁCH THƠ VƯỜN NĂM NHÀ,2
Phần văn bản Phùng Thành Chủng (1)
Phần văn bản Phùng Thành Chủng (1)
Nguyễn Nguyên Bảy, tự bút
THƯ VĂN CHƯƠNG GỬI PHÙNG THÀNH CHỦNG
Thân yêu bạn tôi, Phùng Thành Chủng,
Thưa Chủng, bây giờ hai từ Tự Sướng đã
mang một nghĩa khác, ý khác trong thời tại máy gì cũng gắn thêm chớp ảnh,
để tha hồ chớp, mình chớp cho mình, không cần mượn ai, kêu là Tự Sướng.
Còn thời Tự sướng của anh em mình là sướng viết được câu thơ tự cho là hay,
hoặc là, như Chủng, ngồi tủm tỉm một mình hoặc là như mình, nhẩy cẫng lên và
đọc vênh vang dưới mặt trời, kiểu gì, hai đứa cũng giống hai thằng khùng..Dông
dài thế, là bởi, đang đọc hai bài thơ mới của Chủng. Mình khoái bài Tự Trào
quá, khoái đến nỗi Tự Sướng minh họa bằng thơ của mình, mà mình Xẩm Chợ tự cho
là hay: / Soi mình vui cả mặt gương/ Tình yêu nhón một cánh chuồn chuồn
bay../ Soi gương mà vui cả mặt gương thì thật là chỉ có mình viết được
thôi, Chủng ơi. Mình tự trào tớ thế, còn Chủng Tự trào xán lạn bội phần, mình
thích lắm:
/Nghĩ mình còn trẻ/ Soi gương thấy già/
Lưỡng diện nhất thể/ Đó tớ, đây ta /Nghĩ
trẻ là trẻ/ Thấy già là già./ Hai thằng đồng tuế/ Nhìn nhau cười xòa./ Quá đã thưa Chủng. Thơ gồm tám câu,
nhưng thực ra chỉ là hai câu. Thơ gồm ba mươi hai chữ , thấy cả tiếng khóc
tiếng cười, trong khóc cười ấy thấy niềm tin yêu cuộc đời. / Đó Tớ, Đây
Ta / Nhìn nhau cười xòa/. 32 chữ rút lại chỉ còn 8 chữ, đầy một ma
trận đời lạc quan..Thơ thế không chuẩn còn thơ nào mới chuẩn? Tự sướng nói thêm
ngay, bài thứ hai của Chủng, bài Ngày Không Nhập Mộ, mình
đọc 5 lần, lập đi lập lại tù tì, gần như thuộc lòng, đến lần thứ năm mới vỡ ra,
mới hiểu được cái sâu thẳm, cái bi thương, cái ai oán, cái hy vọng trong từng
chữ ngắt thơ, không đều nhịp, như tiếng mõ tụng của người mới xuống tóc, tiếng
mõ gõ chưa chuyên..
/Một thiên di/ Ba trùng tang/ Không nhập
mộ!
/ Gà trắng/ Chó đen/ Kim/ Chỉ ngũ sắc/ Lá
đào.
/ Đàn ông bảy vía/ Đàn bà chín vía/ Phương
bùa trừ tà/ Vỏ ốc bò xuôi/....
/ Không trùng tang/ Chưa nhập mộ/ Đất nước
nhiều chục năm sau ngày thống nhất/ Máu chảy ruột mềm/ Nhức nhối thiên di./
Lòng gửi bi thương vào ba câu thơ huyền ảo
này đây: Đất nước nhiều chục năm sau ngày thống nhất/ Máu chảy ruột
mềm/ Nhức nhối thiên di./
Chủng thân mến, chẳng biết bạn có đồng ý
khi mình cho rằng: Hai bài thơ mình ví dẫn ở trên là đặc trưng, là hồn cốt, là
hương sắc của thương hiệu thơ Phùng Thành Chủng?
Phùng Thành Chủng bạn tôi.
Mình đã xưng hô với Chủng như thế từ khi
nào nhỉ? Có phải từ sau ngày Chủng nhờ mình khán (xem) Tử vi cho Chủng, cái lá
số mà Chủng bảo nó “ cứ mang mang sao ấy, cỏ không ra cỏ, hoa không ra hoa”,
thế là mình nhận lời khán..Khán rồi, chúng ta thành đôi bạn, thành đôi anh em.
Nhưng khán đó là khán cuộc đời, nay mình muốn dụng kinh dịch khán thơ của
Chủng. Chủng sinh 1950, tuổi Canh dần, hành mệnh Tùng bách mộc dương (Nhấn
mạnh: Khác tùng bách mộc âm, 1951), mộc cây tùng (thông) cao vút, thẳng tăm.
Thẳng tăm đến mức quên cả lời cha mẹ dặn có thẳng thì cũng thẳng như
lưỡi liềm, Chủng không muốn thế, cứ thẳng tăm, thẳng không chút vong veo,
không chút uốn mềm lụa là. Thơ vì thế cũng thẳng tăm. Thẳng là thẳng thắn, là
trung thực, là dương quang, là lòng nghĩ sao viết ra thế, không xuôi ngược mầu
mè, không giả trá..Thưa rằng, thẳng đó chính là bản chất của thơ hay gọi là lý
thuận, lý tử tế của thơ. Thơ hay dở thế nào khoan tính, nhưng thơ chân tình
tiếng lòng là tiêu chuẩn đầu tiên đáng để nghe, để đọc, để chia sẻ, để yêu
mến..
Viết được thứ thơ thẳng tăm là rất khó và
chỉ dành cho người có đức tin (sự tự tin bền chắc) mới viết được. Hành Tùng
bách mộc chứng rằng Trời Đất (hay cha mẹ) đã ban cho Phùng Thành Chủng đức tự
tin bền vững của tùng bách. Với Tùng bách mộc, nhân định là giữ cho đất tốt, đủ
nước, không cần dư thừa, vì sức rễ của tùng bách đủ mọc đến tận thẳm sâu nguồn
nước, để phát triển cao lớn, tuy nhiên cành lá xum xuê không dành cho hái lượm,
vì tùng bách không là cây có hoa thơm, trái ngọt. Nói vậy là nói bản chất của
hành Tùng bách mộc tàng ẩn ý nghĩa tính tình tính cách cao cả, bác ái, cao
thượng chữ nhân, chữ tín, chữ phúc. Cũng tàng ẩn ý nghĩ gia phong cốt cách cha
mẹ và nguồn cội của quê hương, của phúc phận mà đương số được thụ hưởng. (Dừng
lại chút..) Hình như có tiếng gọi đò của thơ Chủng.
GỌI ĐÒ
Đang dưng trời bỗng đổ mưa
Đò vừa tới bến,
tôi vừa tới nơi
Một mình chỉ một
mình thôi
Đò không quay lại,
một..tôi lỡ đò
..Trách mình rồi
trách cơn mưa
Trách người sang
chỗ đứng chờ vội quên!
Tùng bách mộc Phùng Thành Chủng đã viết
thứ thơ thẳng tăm trong cục diện hỏa (môi trường) là thế tương sinh, nhưng là
sinh xuất, nên vất vả cực nhọc, sinh xuất phải vậy thôi, nên cần bằng lòng,
nhẫn chịu mà chinh phục cục diện, mà vượt lên cục diện, thì mới mong thành tựu.
Nội lực bản thân có dư đủ để khuất phục cục diện không? Đủ và dư thừa nội lực,
là bởi mộc Tùng bách cao lớn, chỉ phải nuôi dưỡng hỏa Lư ( hỏa lò nấu ăn, hỏa
lư thờ cúng), nên việc sinh xuất này nhiều cơ may phản sinh, ít cũng tương sinh,
nhiều thành sinh nhập mà thụ hưởng cát lợi chung cuộc..Tuy nhiên, để tới lúc
hưởng cát lợi chung cuộc Tùng bách mộc không khỏi cảnh cô đơn, một “cây thông
đứng giữa trời mà reo” (Nguyễn Công Trứ). Cô đơn là vậy, bổng lộc chức tước cơm
áo ru đưa cám dỗ là vậy, nhưng Tùng bách vẫn thẳng tăm, thơ lòng vẫn thẳng tăm
hát dưới trời xanh, vui cười cùng nắng gió bão giông. / Một mình chỉ
một mình thôi/ Đò không quay lại, một..tôi lỡ đò/. Phùng Thành Chủng không
than oán số phận, không dụng thơ khỏa lấp nỗi một mình (tự nguyện lựa chọn) của
mình. Vì thế, thơ Phùng Thành Chủng đang dần đạt tới một giọng điệu riêng, đáng
trân quí.
(Xin lỗi Chủng..) Mình nhắm mắt và như
nghe thấy những câu thơ như nói của Chủng thì thầm..
/ Tôi ăn sương
em/ thui giờ hoàng đạo/
/ Tôi sang đoạt em/ mù đêm hợp cẩn/
/ Tôi hành khất em/ tình mình thiên thu../
/ Tôi sang đoạt em/ mù đêm hợp cẩn/
/ Tôi hành khất em/ tình mình thiên thu../
(Tình thiên
thu)
Và Hương Ổi
/Chợt lòng đã thu/ mùa xa heo may../
/Về với ngày xưa/ tuổi chưa rụng rốn/
/Chín trong mong đợi/ trái ương đầu mùa/
/Thèm lại còn xanh/ thoáng như vô tình/
/ Tiếng chào mào gọi/ ổi thắp sáng cành/
/Trong hương thu chín/ tình vương vấn hồn/
/ Một thời xuân sắc/ hoa dành trái thơm../
/Chợt lòng đã thu/ mùa xa heo may../
/Về với ngày xưa/ tuổi chưa rụng rốn/
/Chín trong mong đợi/ trái ương đầu mùa/
/Thèm lại còn xanh/ thoáng như vô tình/
/ Tiếng chào mào gọi/ ổi thắp sáng cành/
/Trong hương thu chín/ tình vương vấn hồn/
/ Một thời xuân sắc/ hoa dành trái thơm../
Phùng Thành Chủng bạn tôi.
Tuổi Canh Dần (can, chi đều dương), là
thuận cách nam nhân, hiềm nỗi, cung mệnh cư Sửu, cung Thân cư Dậu, đều
âm, nên sức mạnh của dương nam triết giảm phần đáng kể. Vì thế nội lực dương
nam nếu tiết chế (che giấu) trong nhu thuận tâm thành của ứng xử, của giao
tiếp, của trang phục đời sống và ngôn ngữ, thì sự thành tựu mau mắn và vững
chắc hơn. Thật nhiều năng lực để trở thành văn nhân, thi sĩ hay nhà nghiên cứu
danh giá. Câu chiêm bốc cuối cùng có vẻ “không chuyên nghiệp” Chủng nhỉ? Ai
nhìn vào những thành tựu đạt được của Chủng trong lĩnh vực văn chương mà chẳng
nói được lời hoa cỏ ấy. Chín đầu sách, đúng nghĩa văn chương, cả văn xuôi lẫn
văn vần, từ sáng tác đến khảo cứu, phê bình..Mình gần như đã được đọc hết, đã
giới thiệu hẳn một file Thư Viện Phùng Thành Chủng trên Văn Đàn BNN, và mình
tin, bạn đọc nào đã đọc văn chương Phùng Thành Chủng hẳn sẽ đều tâm phục, khẩu
phục bút lực và sức lao động phi thường, chinh phục hoàn cảnh (đời sống riêng
tư), hướng thiện không ngừng của thơ và người thơ Phùng Thành Chủng.
Phùng Thành Chủng bạn tôi.
Tác phẩm văn chương đã xuất bản: Hai đầu
thương nhớ (thơ)/ Truyện ngụ ngôn./ Vọng núi (tập truyện ngắn)/ Truyện ở làng
(tập truyện ngắn)/ Gọi hồn (tập truyện ngắn)./ Ngụ ngôn mới (tục bổ)/ Sử học
với giáo dục (tạp bút, phê bình, biên khảo)/ Thành ngữ, tục ngữ, đồng dao, ca
dao và truyện tiếu lâm Việt Nam hiện đại (sưu tầm, biên soạn)/ Những cuốn sách,
những con mọt và... tôi (thơ)
Ngộ thật cho cái thời nay thế giới phẳng
lỳ, anh em gặp nhau hàng ngày trên mạng, thế mà chưa đã khúc tay nắm tay nhau,
ngồi chung mâm ẩm tửu và thăm hỏi nhau khúc gia đình cha mẹ vợ con..Đành cứ
khất lại hẹn. Mình kết thư văn chương này gửi Phùng Thành Chủng bằng thơ của
Chủng, thơ nói về cha và con, thay lời chúc khỏe cô ấy và giỏi ngoan các cháu.
CHA CON
Con ngồi nhổ tóc sâu cho bố
Chiều nghiêng dần
về phía hoàng hôn
Thời gian muối
tiêu theo số đếm
lại đang xanh từ
búp tay con..
BNN/ Sài Gòn,
tháng Sáu/2014
Thơ VƯỜN NĂM NHÀ, 2
Phần văn bản Phùng Thành Chủng, 1.
Phần văn bản Phùng Thành Chủng, 1.
VANDANBNN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét