Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2017

BÌNH THƠ TRONG… “THƠ VƯỜN NĂM NHÀ 2”* /CHUYỆN CHÚNG MÌNH/ Thơ Hà Thị Trực


BÌNH THƠ TRONG… “THƠ VƯỜN NĂM NHÀ 2”*
CHUYỆN CHÚNG MÌNH
Hà Thị Trực

Đón dâu chỉ có mình anh
Xe đạp cọc cạch mà thành xe hoa
Anh đèo em đường thì xa
Rơm rạ sỏi đá ổ gà ngại chi

Yêu anh em chẳng quản gì
Theo anh, em một mình đi lấy chồng
Họ nhà gái bên này sông
Nhà trai bên ấy đang trông đợi mình

Chuyến đò nên nghĩa nên tình
Chở mình năm ấy để mình thành đôi
Con sông bên lở bên bồi*
Khi trong khi đục vẫn đời của sông

Đừng vì nghèo khó nản lòng
Đã chung dòng chảy thề cùng chung lo
Chịu thương, chịu khó trời cho
Nắng mưa chẳng quản cơm no, áo lành

Mỉm cười em ngưỡng vọng anh
Đón dâu như thể chúng mình, mấy ai!

Ekaterinburg, 1.6.2011


Lời bình

Ngay khổ thơ đầu đã kích thích trí tò mò của người đọc:

Đón dâu chỉ có mình anh
Xe đạp cọc cạch mà thành xe hoa
Anh đèo em đường thì xa
Rơm rạ sỏi đá ổ gà ngại chi
Đón dâu là một nghi thức quan trọng của Lễ thành hôn, vậy sao lại “Đón dâu chỉ có mình anh”? Lạ đến khó tin! Rồi “Xe đạp cọc cạch mà thành xe hoa”? Việc này xem ra cũng chưa từng có tiền lệ? Nhưng đến câu “Anh đèo em đường thì xa” thì người đọc giật mình, nghĩ: “Không khéo đây là chuyện thật 100% cũng nên?!” - Bởi nếu hai câu trên có thể là thủ pháp ngoa dụ thì câu này là tả thực như… chụp ảnh! Và đến câu “Rơm rạ sỏi đá ổ gà ngại chi” thì người đọc gật gù: “Công nhận, vào một khoảnh khắc đẹp giời, những chi tiết tưởng như trần trụi của đời thường đã đi thẳng vào thơ như một phép lạ!” – Vẫn là tả thực, nhưng đồng thời “Rơm rạ sỏi đá ổ gà…” cũng là một ẩn dụ về những gian nan nhọc nhằn trên con đường kiếm tìm hạnh phúc! 
Khổ thơ thứ hai mới đọc có cảm giác như những lời “tự thuật”:
Yêu anh em chẳng quản gì
Theo anh, em một mình đi lấy chồng
Họ nhà gái bên này sông
Nhà trai bên ấy đang trông đợi mình
nhưng ngẫm kĩ thì thấy mỗi câu chữ đều rất nặng tình. Trước hết, người vợ trẻ khẳng định:
Yêu anh em chẳng quản gì
Theo anh, em một mình đi lấy chồng
Nếu cụm từ “chẳng quản gì” còn chung chung, nghe đã quen tai… thì cụm từ “một mình đi lấy chồng” đã gây xúc động cho người đọc vì cái tính “cụ thể, cá thể” và “độc bản” của nó! Đi lấy chồng mà chỉ có “một mình” trơ trọi, không phù dâu, không bạn bè, không họ hàng thân thích… Liệu trong cuộc đời này có một đám rước dâu nào như thế hay chăng?! Người con gái nào đi lấy chồng cũng mong có một đoàn người đưa dâu và đón dâu đông vui, đơn giản vì đó là ngày “song hỉ” kia mà! Đó là niềm kiêu hãnh mà đời người con gái chỉ có một lần! Vì một lí do nào đó mà đoàn người đưa dâu, đón dâu lèo tèo vài mống thì thật tủi thân tủi phận! Vậy mà, ở đây chỉ có “em một mình đi lấy chồng”!!! Thế nhưng cô dâu trong bài thơ này lại không chìm đắm trong thất vọng, buồn tủi mà ngược lại, cô dâu lại nghĩ đến sự “trông đợi” của hai họ:
Họ nhà gái bên này sông
Nhà trai bên ấy đang trông đợi mình
Quên những thua thiệt bản thân để nghĩ đến niềm vui của người khác là một trong những biểu hiện của lòng vị tha, đức hi sinh của hầu hết những người phụ nữ Việt Nam nói chung, cô dâu trong bài thơ này nói riêng. Và chính phẩm chất ấy đã làm nên hồn cốt cho tượng đài “phúc đức tại mẫu”! Người đọc có thể đồng cảm, chia sẻ với cô dâu và cả hai họ về một cuộc đón dâu chẳng giống ai! Tuy nhiên, nhân vật quan trọng nhất quyết định chấp nhận một cuộc đón dâu “chẳng giống ai” này phải chính là… cô dâu (tức nhân vật trữ tình “em” trong bài thơ)! Thế nên, cô dâu trong bài thơ này đáng phải gọi là một… kì nữ!
Khổ thơ tiếp theo là những hồi ức đẹp của nhân vật cô dâu:
Chuyến đò nên nghĩa nên tình
Chở mình năm ấy để mình thành đôi
Con sông bên lở bên bồi
Khi trong khi đục vẫn đời của sông
Sau một khoảng lùi xa của thời gian, nhân vật cô dâu nhớ lại “đám cưới” năm xưa của mình và rất tự hào:
Chuyến đò nên nghĩa nên tình
Chở mình năm ấy để mình thành đôi
Đó là niềm tự hào thấm đẫm chất ca dao, nghĩa là chân thành, thủy chung nhưng vẫn thấp thoáng một nỗi buồn man mác:
Con sông bên lở bên bồi
Khi trong khi đục vẫn đời của sông
(Ca dao: “Con sông bên lở bên bồi/Bên lở thì đục, bên bồi thì trong/Con sông nước chảy đôi dòng/Biết rằng bên đục, bên trong, bên nào?”)
Cuộc đời giống như một dòng sông chảy trôi về vô tận, dòng sông có “khi trong khi đục” nhưng “vẫn đời của sông”, nghĩa là hạnh phúc đích thực đôi khi không phụ thuộc vào sự giàu/nghèo, thuận lợi/khó khăn, may mắn/rủi ro… (trong, đục) - đó mới chính là vẻ đẹp của tình nghĩa vợ chồng thủy chung như nhất; mặc dù không ai muốn mình bị rơi vào những tình cảnh khốn khó gian nan.
Khổ thơ tiếp theo là lời tự an ủi động viên, đồng thời cũng là những lời kín đáo nhắc nhở con cháu:
Đừng vì nghèo khó nản lòng
Đã chung dòng chảy thề cùng chung lo
Chịu thương, chịu khó trời cho
Nắng mưa chẳng quản cơm no, áo lành
Vì bất cứ lí do gì thì “nghèo khó” vẫn là một bất hạnh, nhưng đôi khi “nghèo khó” cũng là một “trường đời” giúp con người tôi luyện bản lĩnh và phân biệt vàng – thau! (Danh ngôn: “Trong cảnh khốn cùng, ngẩng đầu lên thì cao thượng, gục ngã thì đáng thương, tha hóa thì đáng khinh!”). Một khi “đã chung dòng chảy” thì dòng sông chỉ có một con đường là tiến về phía trước, cho dù phía trước có bao nhiêu đá chìm đá nổi chăng nữa thì nó vẫn không thể… chảy ngược lại! Vợ chồng cũng vậy thôi, phải biết “cùng chung lo”, “chịu thương, chịu khó”… mà tạo dựng mái ấm gia đình cho mình! Lại có một câu nói cửa miệng: - Giàu cũng chẳng ai xin, nghèo cũng chẳng ai cho, khéo ăn thì no, khéo co thì ấm!
Nhưng đến câu lục bát kết thúc thì bài thơ chợt vụt sáng một thứ ánh sáng lung linh, hiếm có:
Mỉm cười em ngưỡng vọng anh
Đón dâu như thể chúng mình, mấy ai!
Cuộc đón dâu “lịch sử” ngày nào đã thành quá vãng! Với độ lùi thời gian đủ lâu đã “thử thách” đôi ta và quan trọng hơn, đã “kiểm chứng tư chất của anh”; để đến giờ phút này, em công khai tuyên bố: “Mỉm cười em ngưỡng vọng anh”! Thử ngẫm xem, trong cuộc đời này có bao nhiêu đức ông chồng được vợ nói ra thành lời rằng “em ngưỡng vọng anh”? Thế nên hai chữ “ngưỡng vọng” thốt ra từ miệng người vợ không chỉ là sự “ngưỡng vọng” mà là - tôi nhấn mạnh - mà là một cách “Phong Thánh” đấy! Và tuyệt vời thay, lời phong Thánh ấy lại được đơm hoa kết trái từ một vùng kí ức vui, hóm, hồn nhiên… như cỏ cây hoa lá muôn đời vẫn ngút ngát màu xanh:
Đón dâu như thể chúng mình, mấy ai!
Thạch Bàn, 8.2.2017

Theo Fb Hoàng Dân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét