Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

NHÂN CUỘC GẶP MẶT VĂN NHÂN, THI NHÂN ĐẦU XUÂN ĐINH DẬU…



NHÂN CUỘC GẶP MẶT VĂN NHÂN, THI NHÂN ĐẦU XUÂN ĐINH DẬU…

1. CHÂN HƯƠNG
Nguyễn Nguyên Bảy*


Cháy rồi, cháy hết phần thơm
Chân hương đứng lặng nỗi buồn vô vi
Rồi màu phẩm nhuộm phai đi
Dẫu chẳng còn gì vẫn đứng chân hương…


Lời bình của Hoàng Dân:
 Dòng thơ đầu tiên “Cháy rồi, cháy hết phần thơm” giống như một câu trần thuật trung tính, thấy sao viết vậy; chưa có vấn đề gì, nhưng đến dòng thơ thứ hai “Chân hương đứng lặng nỗi buồn vô vi” thì bằng phép nhân hoá, tác giả đã biến cái chân hương vô tri thành một con người từng trải những bầm dập trong cuộc đời để “đứng lặng” với “nỗi buồn vô vi”. Hai chữ “vô vi” của Lão Tử trong câu nói nổi tiếng “Vô vi nhi trị” xưa nay thường bị không ít người hiểu lầm (cho rằng “vô vi” tức là “không làm gì cả”), do hiểu lầm nên không thể lĩnh hội được tầm tư tưởng của một triết gia phương Đông, mà đến ngay cả Khổng Tử cũng phải bái phục. Vậy “vô vi” nghĩa là gì? Đơn giản là không được có hành động can thiệp vào tự nhiên, xúc phạm tự nhiên bởi sự vận hành của tự nhiên chính là đạo trời. Nói theo ngôn ngữ thời @ thì “đạo trời” chính là các qui luật tự nhiên. Cả câu “Vô vi nhi trị” có nghĩa là “người cai trị giỏi là người luôn biết tôn trọng các qui luật tự nhiên, không áp đặt ý chí cá nhân của mình vào tự nhiên”. Đương nhiên, muốn hiểu các qui luật tự nhiên thì phải học và đọc sách suốt đời. Còn nếu dốt thì nói như Nhiệm Mạt: “Bất học giả hành thi tẩu nhục nhĩ!” (Kẻ không học chỉ là hạng thây đi thịt chạy mà thôi!).
Trở lại cái “vô vi” trong dòng thơ thứ hai của Nguyên Bảy: sau gần hết đời người xuôi ngược, làm được nhiều việc có ích và phạm cũng không ít sai lầm, thậm chí là còn có thể vô tình hoặc cố ý gây ra những khổ đau cho người khác; giờ đây, khi đã “ngũ thập tri thiên mệnh” hoặc “lục thập thuận nhĩ” mới ngộ ra một chân lí vô cùng giản dị: “Trăm năm trước thì ta chưa có/Trăm năm sau có cũng như không/Cuộc đời có có không không/Trăm năm còn lại tấm lòng mà thôi!”. Thực ra, tất cả những gì ta từng phải gồng mình lên để làm cho kì được, cuối cùng hình như đều vô nghĩa? Giờ đây, khi đã “lực bất tòng tâm”, ta chỉ còn biết “đứng lặng” với “nỗi buồn” không thể làm được trò trống gì nữa, vì có lẽ ta càng hùng hổ thì càng xúc phạm đạo trời, điều mà trong thâm tâm ta đâu có muốn?! Phải chăng ta đã có những hành động mù quáng, ngộ nhận?
Đến hai dòng thơ tiếp theo thì những tự vấn trên càng day dứt hơn:
Rồi màu phẩm nhuộm phai đi/ Dẫu chẳng còn gì vẫn đứng chân hương…
Sự vô nghĩa và luẩn quẩn của kiếp người bắt đầu từ có (màu phẩm nhuộm), để rồi sau đó thành không (màu phẩm nhuộm phai đi), và cuối cùng là “chẳng còn gì” (xem thêm lời bình bài Đò ngang của Nguyễn Bảo Sinh) tưởng như tất cả đã thành cát bụi; nhưng không, “vẫn đứng chân hương”, tức là vẫn còn những cái chân hương (đã phai màu) trơ ra những cái lõi tre nhỏ như những cái tăm. Hoá ra bên trong màu sắc (của phẩm) và mùi thơm (của nguyên liệu tẩm hương liệu) chỉ là cái cốt tre tầm thường. Người ta chỉ thắp hương cho những việc có liên quan đến tâm linh hoặc một đức tin cao cả nào đó. Và chính mùi thơm của nén hương làm nên không khí huyền hoặc linh thiêng; còn khi nén hương đã “cháy hết phần thơm” thì nó thật tầm thường. Tóm lại, cái cao cả và sự tầm thường luôn hoán đổi vị trí cho nhau, chẳng có cái cao cả vĩnh cửu và cũng không có sự tầm thường vĩnh cửu – Đó là qui luật, là lẽ đời, chớ nên nuôi ảo tưởng. Ngộ ra điều đó thì đã muộn, thế cho nên mới “đứng lặng” với “nỗi buồn vô vi”. Nếu biết thế này thì ta đã chẳng một đời ham hố, múa may bắng nhắng làm trò cười cho thiên hạ!
Nhưng, có lẽ bình như trên chắc gì đã đủ, bởi theo cái lí “ý ở ngoài lời” thì bài thơ này còn có thể có một tầng ý nghĩa khác, khuất lấp mà sâu sắc hơn chăng? Chuyện là, đầu những năm 70 của thế kỉ trước, Nguyễn Nguyên Bảy có công bố một bài thơ chỉ có 14 chữ, nguyên văn: “Thơ là thơ. Thơ không phải địa vị xã hội của người làm thơ” và vì 14 chữ này mà ông vướng vào một “tai nạn” thơ, bởi thời đó 14 chữ kia bị coi là phạm huý, là trọng tội. Vì 14 chữ đó ông chẳng những bị cấm cửa vườn thơ, mà cuộc sống gia đình cũng lên bờ xuống ruộng. Còn nói như nhà thơ Việt Phương thì: “Làm thơ là một nghề nguy hiểm!”. Như vậy, bài thơ CHÂN HƯƠNG là một cách nói khác, kín đáo hơn, về cái chân lí THƠ KHÔNG PHẢI LÀ ĐỊA VỊ XÃ HỘI CỦA NGƯỜI LÀM THƠ – Và điều quan trọng hơn, đây là tiêu chí duy nhất để ông và người bạn đời Lý Phương Liên cùng nhiều nhà thơ, nhà văn khác tuyển chọn tác phẩm cho một dự án đồ sộ, đầy tính nhân văn: THƠ BẠN THƠ và VĂN BẠN VĂN…
Thạch Bàn, 28.1.2014

* Nguyễn Nguyên Bảy là một người thơ lạ. Lạ vì ông có một cái tâm thơ biệt nhỡn liên tài. Lạ nữa vì ông có một cái tầm thơ cũng đáng nể. Ông cùng người bạn đời (nhà thơ Lý Phương Liên) bỏ ra một khoản tiền lớn để làm một bộ tuyển thơ văn cũng chẳng giống ai. Bộ tuyển gồm 8 cuốn tuyển thơ với cái tên THƠ BẠN THƠ và 8 cuốn tuyển văn với cái tên VĂN BẠN VĂN, 8 cuốn CHÉM GIÓ MUÔN MÀU (phê bình, tiểu luận), 8 cuốn VƯỜN NĂM NHÀ (mỗi cuốn chọn in tác phẩm của 5 nhà thơ)... Các tác phẩm được tuyển chọn chỉ có một tiêu chí duy nhất là HAY, còn các tác giả có thể thành danh hay vô danh, có địa vị xã hội hay chỉ là thường dân, lớn tuổi hay mười tám đôi mươi… Nghĩa là một sân chơi DÂN CHỦ, BÌNH ĐẲNG tuyệt đối. Tất cả các cuốn sách tuyển thơ văn đều đóng bìa cứng, giấy trắng, trình bày trang nhã, khổ 20x20 cm. Sách in tại NXB Văn học & NXB Hội Nhà văn, từ tháng 8 năm 2012 đến nay (4.2.2017) đã ra được 6 cuốn THƠ BẠN THƠ, 2 cuốn VĂN BẠN VĂN, 2 cuốn CHÉM GIÓ MUÔN MÀU, 2 cuốn VƯỜN NĂM NHÀ... Mỗi khi sách ra, ông lại mời các bạn văn bạn thơ đến một nhà hàng hoặc câu lạc bộ nào đó để gặp mặt, trò chuyện và tặng sách. Cuộc gặp mặt mới nhất là sáng nay tại nhà hàng Hale (hồ Thiền Quang, Hà Nội). Hơn năm chục nhà văn nhà thơ đã cùng ông vui vẻ đàm đạo văn chương thơ phú từ 11h đến 14h rồi mới lưu luyến chia tay nhau. Đối với các bạn thơ, bạn văn ở những vùng xa xôi như cực tây, cực bắc thì ông gửi sách tặng qua đường bưu điện. Trong bộ tuyển của ông, chúng ta sẽ gặp lại nhiều nhà thơ nhà văn được đông đảo bạn đọc yêu thích, mến mộ như Trần Hoà Bình, Hoàng Cát, Tạ Duy Anh, Bùi Ngọc Tấn… và cũng được hạnh ngộ với hàng chục gương mặt nhà thơ nhà văn mới mẻ trẻ trung ở mọi vùng miền của đất nước…
Tôi và nhiều nhà văn nhà thơ khác đều ước sao nước ta có được một vài Mạnh Thường Quân nghệ thuật như ông…

* Đã có nhiều bài viết ca ngợi cặp “Song bích kì nhân” Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên, các bạn có thể đọc trên báo chí, sau đây tôi chỉ xin trích ngắn “Lời giới thiệu” của Đường Văn (Nguyễn Văn Đường) đọc trong buổi gặp mặt sáng nay (4.2.2017):


SONG BÍCH KỲ NHÂN: NGỜI SÁNG TUỆ -TÂM! ĂM ẮP NGHĨA-TÌNH!
(Đọc bộ sách: Thơ Bạn thơ 6, Vườn 5 nhà 2, Chém gió muôn màu 2.  Đồng Chủ biên: Nguyễn Nguyên Bảy – Lý Phương Liên; NXB Hội Nhà văn, 2016…)
ĐƯỜNG VĂN

Dù đã được anh Nguyễn Nguyên Bảy thông báo trước 2 hôm, nhưng tôi vẫn rất ngạc nhiên, cảm động khi được chú bưu tá mời ra cổng nhận gói bưu kiện sách gửi từ Thành phố Hồ Chí Minh (?) vào đúng buổi trưa ngày 23 tháng chạp năm Bính Thân, lúc đang chuẩn bị cúng tiễn ngài Táo phủ Thần Quân – Đại vương Hành khiển lên chầu Thượng Đế. Gói sách được chủ nhân bọc, dán rất kỹ càng, cẩn thận, vuông vắn, nặng chình chịch như cặp gạch Bát Tràng xưa, trĩu trong tay tôi… 
Và trong làn khói trầm hương thoang thoảng, dưới ánh đèn nến lung linh, trước ban thờ trang nghiêm, trịnh trọng đọc Cáo văn khấn lễ năm nay, tôi đã hoan hỉ bổ sung thêm một câu bẩm báo với Tổ Tiên và Ba Ông Táo về món quà Tết Xuân Đinh Dậu đặc biệt ý nghĩa, một ấn phẩm tinh thần sang trọng, sáng giá và trân quý, thể hiện mối tình bạn, tình thơ, tình đời, tình người chân thành, sâu sắc, vượt qua không gian, thời gian của anh chị nhà thơ Lý Phương Liên – nhà thơ - nhà văn - nhà báo Nguyễn Nguyên Bảy, cặp uyên ương mà theo chúng tôi, rất xứng đáng với 12 chữ xưng tụng: SONG BÍCH KỲ NHÂN: NGỜI SÁNG TUỆ -TÂM! ĂM ẮP NGHĨA - TÌNH! 12 mỹ tự ấy, tôi đã mạnh dạn tiêu lên làm nhan đề cho bài viết nhỏ này mà trong lòng người viết không hề cảm thấy băn khoăn vì một thoáng PR, lăngxê gượng gạo nào cả!
Không đúng ư? Bởi trong thời buổi kinh tế thị trường sôi động, quyết liệt như hiện nay, hầu như gần cả thế giới phát chán ngán thơ, thì ở nước ta - Quốc Thi Việt Nam, vẫn diễn ra cảnh tượng nhà nhà làm thơ, người người làm thơ, chơi thơ,… may thay đã có, từ hơn 5 năm năm lại đây, một cặp vợ chồng, một cặp tình nhân tình nguyện dồn hết tâm sức vì sự nghiệp thơ văn: làm thơ, viết văn, quảng bá văn thơ của mình, của bạn trên các phương tiện thông tin hiện đại nhất (Fb, trang web, blog… một cách thường xuyên, cập nhật hằng ngày. Trang web mang tên nguyennguyenbay. com là một trong những trang mạng rất phong phú về nội dung, linh hoạt về hình thức, đậm chất văn chương, mang tính xã hội và nghệ thuật cao, đã và đang ngang ngửa thu hút cộng đồng cư dân mạng cùng với những trannhuong, quechoa, basam.com…)
Không đúng ư? Bởi ở xứ Việt Nam mình, xưa nay đã có ai tự nguyện làm một Mạnh Thường Quân kiêm Chủ biên – Chủ chi – Phát hành sách văn học cho bạn và cho mình, cho người và cho ta một cách vô tư, liên tục, bởi những dự án xuất bản sách, có thể nói là cực kỳ hoành tráng, quy mô: Bộ sách Thơ Bạn Thơ (dự kiến 10 tập, hơn 3000 trang), Văn Bạn Văn (nhiều tập, mỗi tập dày trong ngoài 300 trang), Vườn Thơ 5 nhà (nhiều tập), Chém gió muôn màu (nhiều tập, mỗi tập trên dưới 300 trang), 99 tình khúc tặng Liên... 
Quả thật, đây là “Bộ Hợp tuyển văn chương Việt Nam hiện đại” tập hợp và tinh tuyển hàng ngàn nhà thơ chuyên nghiệp và không chuyên, hàng vạn bài thơ văn “hay” khắp cả nước và của những người thơ Việt ở nước ngoài. Một bộ Hợp tuyển văn chương hiện đại đặc biệt có giá trị, đáng được ghi danh vào Lịch sử văn học Việt Nam, kể từ bộ Hợp tuyển tài hoa độc đáo đầu tiên: Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh – Hoài Chân, (1941).
Xét về quy mô, phạm vi và số lượng, có lẽ đó là bộ hợp tuyển, cho đến nay, đạt mức phong phú, quy mô bậc nhất. Càng đáng quý hơn bởi chủ Dự án lại một cặp vợ chồng U80 – U 70 người Thủ đô Hà Nội, mấy chục năm qua vào định cư tại Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 5 năm nay (2012 – 2017) và những năm tới đã, đang và sẽ phát Tâm nguyện Bồ đề, quyết tâm dâng hiến phần đời còn lại, tiền bạc và công sức, tài hoa, trí tuệ và tâm hồn cho Thơ, vì Thơ, cùng bạn bè hoạch định, kiến tạo và hoàn thành bộ sách Thơ Văn Việt Nam để toàn tâm toàn ý hỷ xả dâng hiến quê hương, đất nước, cho – tặng - biếu bầu bạn, người yêu thơ gần xa, “hoàn toàn không nhằm mục đích kinh doanh thương mại”! 
Đáng quý vậy thay! Tấm lòng của những con người hiếm hoi, kết tinh hài hòa cả 3 thành tố Tài – Tâm – Tiền, suốt đời coi tình yêu Thơ Văn, tình yêu Con người và Đất nước là lẽ sống của cuộc đời mình. Và tôi gọi đó là đôi “Kỳ Nhân Việt Nam hiện đại”, cặp vợ chồng “Song kiếm hợp bích” (mượn chữ của Kim Dung Đại hiệp viết về cặp vợ chồng Dương Quá – Tiểu Long Nữ) của Việt Nam ta, thập kỷ thứ 2, thế kỷ 21. 
Đường Văn tôi, qua bạn văn Nguyễn Hiếu, được biết và quen với vợ chồng anh Bảy - chị Liên từ buổi ra mắt, giới thiệu sách Thơ Bạn Thơ 1 tại Trung tâm Văn hóa Đông Tây, quận Cầu Giấy, Hà Nội, mà Hiếu làm MC,… đến nay cũng đã 5 năm rồi. Tôi đã được anh chị quý tặng gần đủ bộ sách quý, từ Thơ Bạn Thơ 1- 6, Văn Bạn Văn 1, 2 (mà tôi và anh bạn Hoàng Dân có vinh dự được chọn một bài khảo luận nhỏ về “Rượu trong Truyện Kiều”), 99 khúc tình tặng Liên, Vườn Thơ 5 nhà 1, 2, Chém gió muôn màu 1, 2… 
Thật là đồ sộ! Thật là phong phú! Thật là đáng kính ngưỡng, quý hóa tấm lòng bầu bạn say thơ, yêu đời, quý bạn của anh chị!... 
Thế là suốt mấy ngày cận Tết và Tết, trừ những lúc lo việc tế lễ, tiếp khách, tôi cứ mải mê đọc – ngẫm 3 cuốn sách quý, món quà Tết Xuân Đinh Dậu còn thơm mùi mực in vừa nhận được từ phương Nam phập phồng nắng gió. Càng đọc càng lấy bâng lâng như đang được nhắm nhót thứ “bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi” và thụ hưởng bàn đào thiên tiên. Đọc xong hơn một lần đầu cả ngàn trang sách chữ nhỏ thì cũng vừa chớm giao thừa. Cảm xúc dâng trào, nhớ anh chị, gõ vội mấy câu ngũ ngôn văn vần mộc mạc, mail vội cái mail đầu năm thay lời cảm ơn, rồi mới lần lần viết kỹ hơn trong bài gọi là giới thiệu mang tính tản văn tiếp theo này.
Trước khi gõ phím, tôi lại lướt qua mấy tập sách đã ra các năm trước để củng cố cái ấn tượng đầu tiên của tôi về bộ sách trường giang của anh chị Liên - Bảy. Đó là: Càng đọc càng hay! Càng ngắm càng đẹp! Tập sau phong phú, sáng tạo hơn tập trước. Song hành cả thơ, cả văn “đò đưa”, phê bình… 
Hình thức in ấn có thể đạt tiêu chuẩn sách đẹp quốc tế: Sang trọng, trang nhã, dày dặn, tinh tế và bắt mắt!… Điều đó chứng tỏ không chỉ quá trình và kết quả làm việc công phu, chỉn chu, cẩn trọng mà còn bộc lộ năng lực thẩm mỹ tinh tường, một phong cách làm sách hiện đại mang tính chuyên nghiệp cao.
Nội dung thì ngồn ngộn, ngồn ngộn! 
Đúng là một kỳ công nghệ thuật! đủ vẻ, muôn màu… chứng minh tâm sức, công phu và năng lực sưu tập, thâu góp tinh hoa văn chương nghệ thuật phi thường của các chủ biên và nhóm Biên tập… Nhưng vì điều kiện thời gian và năng lực đọc có hạn của riêng mình, dưới đây, chúng tôi cũng chỉ xin được trình bày một vài cảm nhận bước đầu mang nặng tính chủ quan về 3 cuốn ấn phẩm nghệ thuật mới của các tác giả, đặng chào mừng mùa xuân Đinh Dậu mà thôi! 

Theo Fb Hoàng Dân/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét