Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Nguyễn Nguyên Bảy/Tiểu thuyết TÌNH BIỂN / Sắp tái bản/


VANDANBNN : TÌNH BIỂN Tiểu thuyết của Nguyễn Nguyên Bảy, in 29.150 cuốn, khổ 15x19 tại Xí nghiệp in số 2. Số XB 028/ GPNT-SP ngày 23/03/87 NXB Tổng Hợp Kiên Giang, In xong và nộp lưu chiểu tháng 6.1987. Đã làm phim video hai tập BIỂN GỌI, đạo diễn Đoàn Bá, diễn viên chính Mai Phương, Nguyễn Dương.., do Đài HTV9 TpHCM và Cty OSC Vũng Tàu phối hợp thực hiện. 
Sách được lưu trữ tại nhiều thư viện lớn trong và ngoài nước, được nhân bản tại Mỹ, đăng tải trên internet ( http://vnthuquan.org/truyen/truyen.aspxtid=2qtqv3m3237ntnmn4n4n31n343tq)
Văn bản đăng tải dưới đây dạng Tiểu thuyết rút gọn, sắp tái bản. Mời đọc.

TÌNH BIỂN
Tiểu thuyết / Sắp tái bản
NGUYỄN NGUYÊN BẢY
2. Đôi Bạn Già

Năm Lê cố đè giấc ngủ xuống, nhưng nó cứ như con sóng ngoài kia, êm từng đợt lại rào lên từng đợt. Tiếng sóng thật trầm, vỗ vào bờ từng nhịp giống hệt nhau. Nghe tiếng sóng không quen dễ cảm nhận nỗi buồn u hoài, nỗi buồn không tên. Lúc này đây, Năm Lê không thấy buồn, chỉ thấy bâng khuâng vu vơ. Anh sinh ra ở miệt biển Phan Thiết, ở đó tiếng sóng biển như mặn hơn và nồng hơn, thoảng trong gió mùi cá và mùi mắm chượp. Còn ở đây, tiếng sóng nghe có mầu, có vị khác lắm. Năm Lê dốc hết tinh thần để nghe sóng. Sóng ở đây trầm hơn, lãng mạn hơn, có một sắc thái gì đấy e ấp như của cô gái tuổi 17 chợt thẹn vì bộ ngực trần trong quần áo tắm. Đúng rồi, Năm Lê chợt thích thú vì bỗng nhận ra điều đó. Dưới lòng sâu của vùng biển này cô gái đang ngủ, và bây giờ những người như anh tới đây để đánh thức cô nàng dậy. Cô gái được các nhà thơ ví von là nàng tiên dầu khí. Năm Lê thoảng cười vì sự ví von xem ra hơi lãng mạn này. Anh nhẹ mình trở dậy, xỏ chân vào đôi dép nhựa. Mắt chợt thấy một bóng người đang tựa vai đứng bên cửa sổ. Thì ra Tư Lịch cũng không ngủ được. 
- Lạ nhà hả? 
Năm Lê không trả lời câu hỏi của Tư Lịch, anh áp mặt vào trấn song cửa sổ cho gió thổi đẫm khắp người. 
- Cho mình xin điếu thuốc. 
Tư Lịch đưa thuốc cho Năm Lê, anh cảm thấy hơi lạ, Năm Lê không hút thuốc, vậy mà bây giờ anh lại dùng thuốc để làm vơi đi cảm giác trống trải trong đêm. 
- Đang nghĩ gì vậy? 
Tư Lịch cười. 
- Đang nghe sóng phải không? 
- Lạ sóng ngủ không được. - Tư Lịch lắng cảm xúc của mình, - Sóng biển ở đây rất khác với sóng biển ở Hải Phòng. 
Năm Lê cười. Thì ra đối với những con người của biển âm thanh của tiếng sóng thân thuộc như là không khí để thở vậy. Sóng biển không chỉ là tiếng rì rầm êm đềm của âm nhạc, mà còn là tiếng của hoan lạc của nức nở, của phẫn nộ. Với con người của biển cả, điều đầu tiên khi họ đặt chân tới một vùng biển lạ là phân tích xem biển ở đây có hương vị gì khác với biển của quê họ. Về điều này không phải ai cũng phân biệt nỗi sự khác nhau mà chỉ có những người sinh ra ở biển, lớn lên ở biển và trong máu có hương vị biển quê mình. 
- Sóng biển Hải Phòng không buồn như sóng biển ở đây. 
- Mình cho rằng đó là nỗi buồn của lòng mình, nỗi buồn của hoàn cảnh. 
Tư Lịch gật đầu. Năm Lê đã nói đúng. Mọi nỗi buồn đều phát nguồn từ trái tim mình trước tiên. Anh đang công tác ở Hải Phòng thì cấp trên có lệnh điều anh vào Vũng Tàu. Một thành phố vừa giải phóng. Còn Năm Lê từ Đà Lạt xuống. Mới chiều nay, họ trải chiếu xuống đất để bàn công việc phục vụ thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi. Nhiệm vụ mới có làm cho họ choáng trong vui, nhưng không khỏi bàng hoàng vì chưa biết công việc như thế nào, hơn nữa lại phải đảo lộn tấ cả những trật tự gia đình vốn đã có từ mấy chục năm nay. 
Rồi anh sẽ đưa mình vào trong đó. Tư Lịch nói với vợ trước lúc chia tay. Ngay từ khi nhận quyết định điều động, anh đã nhảy vào thư viện đọc ngấu nghiến tất cả những tài liệu viết về Vũng Tàu. Tài liệu chẳng có bao nhiêu, vì vậy anh thuộc lòng. Và khi anh thuật lại cho người khác nghe, thì ai cũng hiểu là anh đang tới một thành phố du lịch. Miệt đất ở đây gồm ba làng xã với tên gọi bắt đầu bằng chữ Thắng: Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam. Tam Thắng ba mặt giáp biển bình thành một cái vũng mà thời trước tàu buồm ngoại quốc vẫn ghé lại đây để tránh gió đông, vì vậy người ta còn gọi nơi đây là Vũng Tàu. Và khi người ngoại quốc tìm đến Vũng Tàu, lại tưởng đã phát hiện ra một vùng đất mới đem tên Thánh ra để đặt cho miền đất này, họ gọi Vũng Tàu là Cap Saint Jacques. 
- Nếu chỉ để làm công tác du lịch, thì thành phố này tuyệt hảo. Không ở đâu gió nắng và bãi tắm đẹp như ở đây. - Năm Lê đột ngột len vào dòng suy tư của Tư Lịch. 
Tư Lịch gật đầu. Anh hiểu là Năm Lê hoàn toàn đúng. Thành phố sát kề miền biển, mà chỉ cách Sài Gòn, một trung tâm đô hội có hơn 100 cây số. Biển án ngữ bằng hai quả núi. Núi lớn còn gọi là núi Tương Kỳ, núi nhỏ còn gọi là núi Tao Phùng. Bãi tắm nhiều đến nỗi xòe một bàn tay không đủ đếm. Nào Bãi Trước, Bãi Dâu, Bãi Sau, Bãi Dứa, lại bãi Ô Quắn, bãi Lãng Du. Di tích thắng cảnh nhiều. Gió nắng quanh năm. Đứng về địa thế du lịch thật không đâu bằng. Nhưng điều quan trọng là họ tới đây không phải để du lịch và làm những công việc của người phục vụ du lịch. Nhiệm vụ đặt ra cho họ là phải mau chóng đóng góp công sức và tiền của vào việc thăm dò và khai thác dầu khí. Lo lắng đầy ấp trong lòng họ. Thành phố mới giải phóng, các cơ sở kinh tế, các công trình khách sạn, nhà cửa đã trở nên tiêu điều và hoang vắng, vì chiến tranh phá hoại và còn vì sự vô chủ một thời gian dài. Thành phố chỉ chừng vài chục ngàn dân, sống chủ yếu bằng nghề chài lưới và phục vụ du lịch. Trước đây, những cao ốc, khách sạn biệt thự phục vụ cho quân đội Mỹ, cho những kẻ lắm bạc nhiều tiền từ Sài Gòn mỗi tuần ra nghỉ mát. Bây giờ lực lượng đó gần như đã cuốn gói khỏi đất này. Xây bao giờ cũng khó, còn phá diễn ra nhanh như cơn lốc xoáy, chỉ cần vài ba tháng những căn nhà vắng chủ, lập tức đã trở thành hoang phế. Phải từ cơ ngơi này mà xây dựng sự nghệp. Không thể nói cái khó, mà phải bắt tay vào hành động. Thật khó tin, nếu như miêu tả lại cuộc họp của Ban giám đốc với các cán bộ chủ chốt của công ty mà lại phải trải chiếu ngối xuống đất, giữa một thành phố trong khái niệm của mọi người là tràn ngập khách sạn và các biệt thự. Vậy mà vẫn cứ phải trải chiếu xuống đất để họp. Không thể khó khăn bằng những ngày ở Hải Phòng, Mỹ thả thủy lôi phong tỏa biển. Tư Lịch nghĩ. Lúc đó, đêm đêm mình nghe thấy tiếng biển khóc như một đứa trẻ kêu cứu. Và những chiến sĩ cảm tử của ta đã nghe hiểu tiếng đau thương hối giục đó của biển, và không tiếc bản thân mình, bơi trong lòng biển, nhẹ tay gỡ từng trái thủy lôi gai. Cái chết sát kề, chỉ có cái chết là quan trọng và đáng nói nhất của con người. Nhưng chẳng một ai khiếp sợ cái chết đó. 
- Nhiều vất vả đấy, nhưng nhất định công ty mình lên được. 
Tư Lịch thể hiện những suy nghĩ trong lời đối thoại mộc mạc và chân thành của mình.
Năm Lê mỉm cười. Anh nháy mắt đồng cảm với người bạn già. Cái nháy mắt như ngụ ý tất cả. Cậu đã nói đúng. Hơn mười năm mình lăn lộn trong rừng Trường Sơn, bao nhiêu lần đụng đầu với cái chết, bao nhiêu lần vật lộn với cơn đói, cơn khát. Bao nhiêu lần đơn vị lạc trong vòng vây. Vậy mà vẫn sống, vẫn tạo bồi cho con người nghị lực
, đức tin để vượt qua tất cả. 
- Cái khó nhất theo cậu, chúng ta phải vượt qua là cái gì? 
- Quyền hạn và trách nhiệm của một công ty. 
- Mình đồng ý. Năm Lê lắng nghe một lát, - chúng ta đang từ cơ chế quản lý kinh tế thời chiến chuyển sang quản lý kinh tế thời bình, bao nhiêu thể chế cũ phải áp dụng trong hoàn cảnh mới. 
- Vấn đề bây giờ là phải tự tháo gỡ lấy. 
- Đúng, tự tháo gỡ trên một tinh thần trách nhiệm. Mình nói thật đó, khi nhận được quyết định về làm giám đốc công ty, mình thăm dò cấp trên xem ai sẽ làm phó cho mình các anh nói cậu, mình mừng lắm. 
-Tôi cũng vậy, tôi rất tin nơi anh. 
- Còn cậu, cậu phó ở Hải Phòng cả chục năm rồi chứ ít gì. 
- Vấn đề không phải là trưởng hay phó, mà vấn đề là trong cơ quan người nói phải có người nghe. Trưởng phải ra trưởng mà phó phải ra phó. Cái chung trên hết thì chẳng có khó khăn nào không bươn chải được. 
Năm Lê hít một hơi thuốc lá, đã lâu không hút thuốc nên anh ho sặc lên. Tư Lịch cười, anh hiểu là Năm Lê đang phải tự điều chỉnh những suy nghĩ ngổn ngang trong đầu mình. Vai ảnh phải gánh khó khăn trước hết, rồi mới tới mình. Dù sao thì mình cũng là một người bạn thủy chung của ảnh. 
- Phải xây dựng công ty ta thành một mô hình, anh Năm ạ. 
- Linh hồn của mô hình phải là sự nhất trí tuyệt đối của chúng ta.
- Anh khỏi cần băn khoăn về điều này. - Tư Lịch sựng lại, anh vốn là người ít nói, những điều anh nói ra bao giờ cũng là những suy nghĩ đã chín chắn trong đầu.
- Cậu không sợ ngồi tù đấy chứ? 
- Tại sao lại ngồi tù, đó là cách nghĩ yếm thế, tôi tin vào những việc làm đúng của mình và tự nó có sức thuyết phục.
Năm Lê choàng tay qua vai bạn. 
- Từ nay tới khi tụi mình về hưu, mà biển này khai thác được dầu, đã là toại nguyện lắm rồi. 
Tư Lịch nghĩ trong bụng, ảnh còn gần chục năm nữa mới về hưu, mình cũng vậy, chịu đựng một thời gian như vậy thì quá dài, nhất thiết phải sớm hơn, cả nước đang trông đợi, thì tại sao lại không là vài ba năm nữa. Tư Lịch không nói thẳng ra ý nghĩ đầy tin tưởng của mình. Anh đột ngột kéo ngang hông Năm Lê, xoay người lại. 
- Bao giờ chị và sắp nhỏ vào? 
- Tôi cũng chưa biết. 
- Việc đó mới là việc phải bàn đầu tiên. Bà nhà tôi ở Sài Gòn, tôi còn chạy ra chạy về được, đàng này ch ở tận Hải Hưng, phương tiện xe cộ đâu có dễ dàng, anh mà chưa thật yên tâm thì... 
Tư Lịch cười, cắt ngang câu nói của Năm Lê: 
- Tôi cũng muốn đưa nhà tôi vào, nhưng không biết bả có chịu. - Nụ cười của anh trở nên hóm hơn, nhưng tấm chân tình của anh mở cửa cả cõi lòng, - Bà răng đen thương tôi lắm, hiểu tôi lắm, nhưng bản thân bà còn mặc cảm cuộc sống của một thành phố mới giải phóng. 
- Tôi sẽ viết thư cho chị. 
- Khỏi anh ạ. Bả nhớ tôi, rồi cách chi cũng vào thôi. Tôi muốn bả và sắp nhỏ coi đất này là quê hương, bởi sự nghiệp thăm dò, khai thác dầu khí không phải một sớm, một chiều là xong.
Năm Lê vừa cười, vừa gật gật mái đầu, tóc anh còn đen nhức. Ngoài kia sóng biển vẫn vỗ trầm trầm một nhịp cô đơn. Những ai nghe hiểu được tiếng biển, hẳn thấy trong nhịp trầm trầm đó có sức quằn quại của sinh nở. Đêm đang dần qua, một ban mai đang từ từ nhô lên từ lòng biển.
Đôi bạn già ngồi thức bên nhau cho tới sáng, họ thảo luận và quyết định thực hiện ngay những công việc trước mắt. Một mô hình công ty hình thành trên những trang giấy của họ và bây giờ, điều quan trọng là những việc làm của họ tạc hình cho những hoạch định ấy. 


/ Mời đọc tiếp/
Tiểu thuyết rút gọn/ Tình Biển của Nguyễn Nguyên Bảy 
VANDANBNN 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét