Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

Nguyễn Nguyên Bảy/Tiểu thuyết TÌNH BIỂN / Sắp tái bản/


VANDANBNN : TÌNH BIỂN Tiểu thuyết của Nguyễn Nguyên Bảy, in 29.150 cuốn, khổ 15x19 tại Xí nghiệp in số 2. Số XB 028/ GPNT-SP ngày 23/03/87 NXB Tổng Hợp Kiên Giang, In xong và nộp lưu chiểu tháng 6.1987. Đã làm phim video hai tập BIỂN GỌI, đạo diễn Đoàn Bá, diễn viên chính Mai Phương, Nguyễn Dương.., do Đài HTV9 TpHCM và Cty OSC Vũng Tàu phối hợp thực hiện. 
Sách được lưu trữ tại nhiều thư viện lớn trong và ngoài nước, được nhân bản tại Mỹ, đăng tải trên internet ( http://vnthuquan.org/truyen/truyen.aspxtid=2qtqv3m3237ntnmn4n4n31n343tq)
Văn bản đăng tải dưới đây dạng Tiểu thuyết rút gọn, sắp tái bản. Mời đọc.

TÌNH BIỂN
Tiểu thuyết / Sắp tái bản
NGUYỄN NGUYÊN BẢY
1. Người Đàn Bà Mặc Đồ Tang

Bà Cẩm Vân cảm thấy như mình đang bước trong nhà mồ. Biệt thự Thanh Thúy to rộng là thế mà không khí lạnh tanh, âm ẩm mùi nhang và tiếng rên chết chóc. Tất cả các rèm cửa màu thẫm rủ xuống. Ánh sáng lọt yếu ớt qua những viên gạch kính gắn mỹ thuật nơi bức tường trông ra biển. Chủ nhân, ngay từ sau ngày giải phóng, chỉ mặc trên người một màu đen. 
- Bà vào đi. 
Bà Cẩm Vân chạm tay vào bàn tay mềm xèo, nhơn nhớt của bà Thanh Thúy. Bà khẽ rùng mình, tâm hồn bỗng chốc chơi vơi như có ai đó dẫn nó ra ngoài nghĩa địa trò truyện với hồn ma. 
- Tôi đang nói chuyện với biển. 
Bà Cẩm Vân cố để cho những âm thanh đó lọt vào tận tim mình, vì dù sao đó cũng là âm thanh sự sống, để tim bà khỏi quặn lại và không bị ghê rợn cảm xúc đang nói chuyện với người chết. Bà lên tiếng đáp lời bạn bằng chính tiếng nói sâu lắng của lòng mình.
- Biển nói gì vậy? 
- Cũng than thở. 
Bà Cẩm Vân lặng đi, không dám để tiếp vào câu chuyện, vì bà hiểu rằng, ngay tức khắc bà sẽ lại bị tra tấn bằng lời than thở của bà Thanh Thúy về số phận cuộc đời bả, một số phận mà bả khăng khăng cho là hẩm hiu nhất trên thế gian này. 
Cũng lạ cho một con người, chỉ mới hôm qua, còn phơi phới thanh xuân, không ai đoán nổi là bà đã gần 40 tuổi, sắc còn long lanh trong khóe mắt, sự sống còn phây phây trên hai gò ngực căng tròn, và chủ nhân của hai gò ngực ấy, cố phơi bầy màu trắng hồng của làn da qua làn vải lót rất mỏng. Bà lấy chồng từ năm 18 tuổi. Người ta bảo, lấy chồng sớm, người phụ nữ tuân theo đúng quy luật làm vợ và làm mẹ của tạo hóa, nên được ban thưởng cho phong độ sức khỏe và vẻ trẻ đẹp chắc bền. Bà Thanh Thúy mỗi lần đi dạo biển với cô con gái đầu lòng, không ai bảo đó là hai mẹ con, người ta lầm là hai chị em. Bà Thanh Thúy tự hào về điều đó, cô con gái cũng tự hào về điều đó. Cô con gái có cái tên hơi Tây, My Lan, kêu theo âm Nam Bộ thành My Lăng. My Lan học ở Sài Gòn. Cha cô là trung tá sư đoàn bảo vệ thủ đô mà trước đây Nguyễn Văn Thiệu là đại tá chỉ huy trưởng. Chủ nhật nào hai cha con cũng xuống Cấp trên một chiếc xe nhà binh và bao giờ đi cùng với My Lan cũng là cô bạn gái Thanh Thảo. 
Lúc đó, bà Thanh Thúy đang xây dựng cơ nghiệp của mình với công việc xây cất nhà cho lính Mỹ và sĩ quan cộng hòa giầu tiền, lắm bạc chọn Cấp là nơi ăn chơi. Tiền vào như nước, nên mặc dù trung tá Quân, chồng bà, khẩn khoản mong bà trở lại Sài Gòn chung sống và làm giàu theo kiểu khác, bà vẫn không chịu. Trước mắt bà con đường làm giầu đã mở ra. Bà gần như với hai bàn tay trắng, đã xây nên một biệt thự và một khách sạn nổi tiếng ở Vũng Tàu. Nỗi say mê của bà làm cho bà đẹp hơn, vì thế bà cứ tin là chồng bà, sau thời gian mãn hạn phục vụ quân đội, sẽ trở về đây cùng bà làm giàu, để trở thành ông chủ, bà chủ các khách sạn thành phố biển này, mà bà nghĩ chỉ trong một thời gian ngắn nữa, nhất định sẽ thuộc về bà. Chồng bà nhìn thấy cung cách làm ăn của bà coi bộ được, nên cũng không có ý kêu bà về Sài Gòn nữa. My Lan ở với ba, còn Hùng, cậu con thứ hai ở với má, dưới Vũng Tàu. 
Những ngày chủ nhật của họ thật hạnh phúc. Hai vợ chồng, cậu con trai, cô con gái và cô bạn gái của cô, ngâm mình trong nước biển, nghe sóng biển ru vỗ những tình ca. Rồi sau đó, họ ngồi bên nhau, trong những ghế xích đu sát mép nước uống bia lon, uống Cô ca Cô la và ăn những con cua luộc đỏ au. Cả thành phố biển như ghen với hạnh phúc của họ 
Ngày 27 tháng Tư, trên chiếc xe nhà binh, trung tá Quân ập xuống Vũng Tàu, hối bà và cậu con trai về Sài Gòn để đi di tản. Bà không tin là Sài Gòn và Vũng Tàu lại có thể rơi vào tay quân giải phóng. Hơn nữa, nếu chuyện đó xẩy ra thì đất Vũng Tàu sẽ là nơi bà dọt lẹ nhất trên những chiến thuyền hải quân Mỹ. Bà cố bình tĩnh trong cái rối mù hỗn loạn của Vũng Tàu. Bà cố níu kéo trung tá Quân ở lại để lo liệu công chuyện với bà, bởi lẽ cả cơ ngơi, bao nhiêu tiền bạc bà vung ra ở đất này, lẽ nào để mất trắng. Bà nấn ná trong hối thúc của trung tá Quân. Nhưng sự hối thúc không kéo dài quá nửa giờ, sau khi Hùng đã thu xếp quần áo vào va ly và sẵn sàng đi với ba về Sài Gòn. Bà tiễn chồng và con ra xe, hứa sáng mai, sau khi đòi được một số tiền sẽ về. Sáng hôm sau, Vũng Tàu rối loạn, bà tự lái xe chạy thẳng Sài Gòn, nhưng đã muộn với đời bà. Trước đó hai giờ, chồng bà, hai đứa con và cô bạn gái của My Lan đã biến khỏi Sài Gòn. Dấu tích họ chỉ còn lại trong hai lá thư. Một của My Lan bỏ ngỏ, một của trung tá Quân dán kín. 
My Lan đã ghi vội lại cho má ít dòng, lời lẽ nhẹ tênh như là giữa cô và bà mẹ chẳng hề có một ràng buộc tình cảm nào: Má ơi, tụi con bay trước nghe má. Lẽ ra con bay từ hôm qua với thằng bồ của con, nhưng ba nói nán lại đợi má. Con không thể nán lại được nữa đâu. Ba cam đoan với con là má sẽ bay sau. Con nghĩ là với tài sắc của má, thể nào người Mỹ cũng rước má đi. Tụi con hy vọng sớm gặp lại má, gia đình ta nhất định sẽ mở party vào thứ bảy tới. Con vội quá. Hôn má. My Lăng (cô ký tên My Lăng, bởi từ giờ phút này cô đã tự coi mình là một người Mỹ). 
Thanh Thúy không giận con gái, vì bà đã biết từ lâu giữa bà với My Lan tình mẫu tử chẳng có bao nhiêu. Nhưng lá thư của trung tá Quân thì đúng là lưỡi búa của thiên lôi đánh cong queo thể xác và linh hồn bà: Tôi biết là mình chỉ thương có đồng tiền, mình không hề thương ba con tôi. Cũng đành vậy. Mình ở lại, tôi đi. Tình nghĩa của chúng ta coi như chấm dứt. Những ngày mình ở Vũng Tàu, tôi biết là mình muốn xóa dần hình bóng tôi, để chung sống với Nó (chữ Nó viết hoa và gạch đít tới hai gạch). Tôi tha lỗi cho mình. Và tôi cũng xin thú nhận với mình, là tôi không bị mình ruồng bỏ mà trở thành côi cút. Từ lâu Thanh Thảo đã thương tôi với tấm lòng người vợ…
Khốn nạn. Thanh Thúy chỉ kịp nghĩ đến hai từ đó. Bà muốn xỉu đi. Đất sụt dưới chân, cuộc đời thế là hết. 
Kể từ ngày đó, bà luôn mặc trên người bộ đồ đen. Ai khuyên can, bà chỉ lạnh lùng trả lời: Tôi để tang cuộc đời. Bà thu mình trong can phòng ngủ nơi biệt thự Thanh Thúy. Mới đầu bốn, sắc còn mặn, tài chưa phải cạn, vậy mà để tang cho cuộc đời thì hơi sớm. Đã nhiều lần bà Cẩm Vân trao đổi với Thanh Thúy điều đó. Nhưng bà chỉ lắc đầu và coi sự để tang cho cuộc đời mình là một tất yếu.
Bà đốt sạch hình ảnh người chồng, mà mới hôm nào cả thành phố biển phát ghen lên với hạnh phúc của bà. Đối với bà, không có tội nào đáng trừng phạt hơn là tội phản bội tình yêu. Nó đã phản bội mình mà còn gán cho mình tội phản bội nó. Nó nhắc tới Mạnh, người tình đầu tiên của mình. Lẽ ra mình phải lấy anh ấy, nhưng cái lộng lẫy của những bông mai trên ve áo Quân đã làm mình lóa mắt, mình đã khước từ Mạnh và chạy theo Quân. Mình đã dâng hiến cho Quân tất cả xuân xắc thời son trẻ, để bây giờ, khi đã chán chê, nó đi tìm kiếm một bông hoa khác. Xin Chúa mở lòng soi xét. Mỗi khi nghĩ tới điều này, Thanh Thúy lại trải lòng mình thành kính cầu nguyện Chúa…
Sau khi đã ngồi trước mặt bà Thanh Thúy tới mười phút, bà Cẩm Vân mới định được thần và mắt mới nhìn rõ nét mặt ủ rũ như đang khóc của bà Thanh Thúy. Cơ thể bà vẫn mập, nhưng phẳng lỳ, hình như bà không mặc áo lót nên bộ ngực chảy dài xuống biến mất trong đống tua của chiếc áo thụng đen, cài kín cổ. Hôm nay, tóc bà không buông xõa như mọi ngày, mà búi lại, gọn, chùm bên ngoài là một chiếc khăn đen. Vậy là trên người bà, từ đầu cho tới chân, một màu đen. Khăn đen và đôi dép lê cũng quạ. 
Chuyện gì vậy? Bà Cẩm Vân tự hỏi. Sự kiện mới? Chắc chắn phải vậy thì bả mới cho người mời mình tới để chia sẻ, để thở than. 
Bà Thanh Thúy không để ý tới sự ngạc nhiên của bạn, vẫn tiếp tục điệp khúc không nhàm chán của mình: 
- Chồng mất đàng chồng, con mất đàng con, gia sản sạch đường gia sản. Tôi cứ tưởng họ sẽ để lại cho tôi tòa khách sạn cuối cùng, nào ngờ… 
- Sao? - bà Cẩm Vân ngạc nhiên với một chút phẫn nộ, - họ tịch thu nốt khách sạn Thanh Thúy? 
- Bà đọc đi. 
Cẩm Vân đón tờ giấy từ tay Thanh Thúy. Giấy mời tới bàn giao khách sạn cho chính quyền cách mạng. Cẩm Vân thấy gai ốc nổi khắp người. Đúng là đường cùng thiệt. Hèn chi bà chẳng chít lên đầu vành khăn tang.
- Họ sẽ tàn phá nó, giết nó ngay trước mắt mình, - Bà Thanh Thúy nói giọng một, gần như nấc, - Tòa khách sạn là đứa con tinh thần cuối cùng của tôi, từ nó tôi đã gây dựng nên cơ nghiệp. 
- Tôi hiểu, - Bà Cẩm Vân nghiến răng, bà cảm thấy cần bình tâm trở lại, nhìn thẳng vào mộ huyệt của cái chết mà cười, - Tôi tính cho con My My qua với chị nó, bà có muốn đi cùng với cháu không? 
- Cảm ơn bà, - Bà Thanh Thúy trả lời lạnh lùng, rồi lắng một lát, để người nghe hiểu rằng bà nói điều đó thiệt tâm. – Tôi muốn được chết ở thành phố biển này, chết cùng với những kỷ niệm, những sung sướng và đau khổ, chết cùng với tòa khách sạn cuối cùng của tôi. 
- Lúc này tôi hiểu là bà không đủ bình tĩnh để nghe một lời khuyên chân thành bạn bè, - Cẩm Vân thở dài, - Khi nào bà cảm thấy tình bạn còn cần thiết cho nương tựa tinh thần của bà, xin bà đừng quên tôi. 
- Cảm ơn bà. Sự có mặt của bà lúc này cũng là thắp cho tôi nén nhang trên mộ, - Bà bỏ lửng câu nói, gương mặt xám ngoét, rũ xuống. 
Bà Cẩm vân lẳng lặng đi ra. Cái nắng chói chang của ban mai ùa chóa mắt bà. Đây mới là không khí để con người thở, đây mới là cái nắng để con người sưởi ấm tâm hồn và xua đi tà khí của u ám chết chóc. Bà khẽ nhích vai, hít đầy buồng phổi luồng không khí thơm sạch, ấm áp. Bà bước đi chầm chậm, vừa đi vừa tự trôi vào nỗi hoang mang mà những giây phút trò truyện với bà Thanh Thúy vừa qua gieo vào lòng bà, thổi bùng ngọn lửa chẳng biết có phải của uất hận hay của chán chường, chân bà cứ bước theo thói quen, còn tư duy thì vô định, chông chênh. 
Cũng với bước chân ấy, bà Thanh Thúy đang men dọc hành lang. Bà đi chia tay với từng viên gạch bông, từng ô cửa, từng núm khóa. Mặt bà vẫn lạnh lùng, chỉ có bà mới hiểu được lòng mình đang tan nát như thế nào, trong lòng đầy ấp nước mắt. Căn phòng này, nơi hai vợ chồng và hai đứa con cùng ngồi ăn cơm, thỉnh thoảng cả Thanh Thảo. Căn phòng này My Lan cứ nằng nặc đòi bà đặt cho được chiếc piano Yamaha M1A, My Lan ngồi với Thanh Thảo, đàn đôi. Còn căn phòng này, mỗi lần trung tá Quân xuống, hai người lại ngụp lặn trong ân ái. Và cũng từ căn phòng này, một lần bà chợt bắt gặp Thanh Thảo trong đó đi ra, má ửng hồng và nơi mắt long lanh hai ngấn lệ. Nó trông thấy bà, hốt hoảng, bối rối gật đầu chào, rồi chạy vụt đi. Lúc đó bà không hiểu chuyện gì đã xảy ra với nó, nhưng bây giờ bà đã hiểu, thật muộn màng, nó đã khóc vì nỗi sung sướng đột ngột mà chồng bà đã biến nó từ một cô cháu gái thành một người tình… 
Bà lặng điếng khi thấy trước mặt mình hiện ra cảnh tượng trung tá Quân và Thanh Thảo, đang ghì quấn lấy nhau, rồi họ thấy bà và cười sặc sụa như một trêu ngươi. 
Bà ôm đầu chạy trong tiếng cười vang rần của họ, lao vào phòng khách, bà ngồi sụp xuống chiếc ghế xa lông phô tơi, chiếc ghế bà vẫn thường ngồi trong tất cả mọi giao dịch, vì bà luôn cảm thấy chiếc ghế đó giúp bà thêm sức mạnh, khi bà ngẩng đầu lên, hai chiếc ngà voi từ bao lâu nay tượng trưng cho uy quyền của bà, kê ngay trước mặt, nay bỗng như hai chiếc gọng cua ngang đuổi thao bà, bà chạy ra hành lang, xuống cầu thang, lao về phía ga ra. Bà lạng chiếc ô tô Mazda rất nhanh ra khỏi cổng. Bà Thanh Thúy chống chếnh lái xe trên đường…


/ Mời đọc tiếp/
Tiểu thuyết rút gọn/ Tình Biển của Nguyễn Nguyên Bảy  
VANDANBNN




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét