Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

MA TRẬN TÌNH / tiểu thuyết nguyễn nguyên bảy / Đoạn 12, 13

Tiểu thuyết Ma Trận Tình NXB Văn Học ấn hành.
Một tập sách bảo là truyện tình thì nó là truyện tình, bảo là truyện đời thì nó là truyện đời. Người viết chỉ muốn gửi một thông điệp, cội rễ của tình đời là đức tin, không có đức tin thì đừng mong có tình yêu. Tuy nhiên, sức viết có hạn, không biết có chuyển tải được thông điệp mong muốn ấy đến bạn đọc? Câu trả lời tùy thuộc bạn đọc.

MA TRẬN TÌNH
tiểu thuyết nguyễn nguyên bảy
Đoạn 12,13


12.
Tôi có việc phải lên tổng công ty.
Nếu về kịp tôi sẽ dự cuộc họp của đoàn thanh niên chiều nay,nếu không,
cô cáo lỗi dùm tôi.
Câu nói của anh chưa kịp tan trong không gian, bóng anh đã lướt dọc hành lang,xuống cầu thang rất nhanh. Tôi cố đoán xem chuyện gì khiến anh hối hả đến thế. Anh mới chủ trì cuộc họp sắp xếp lại tổ chức. Lại cuộc đụng lớn giữa anh và phó giám đốc Vĩnh. Tôi quyết định phải tìm ra sự thật. Tôi cầm tờ công văn trả lời khách hàng, làm cái cớ, bước vào phòng phó giám đốc Vĩnh.
- Thưa ông, có công văn cần gửi gấp, giám đốc đi vắng, xin ông ký...
Phó giám đốc Vĩnh ngước mắt nhìn tôi. Tôi cảm giác đang bị lột truồng trong ánh nhìn ấy. Chắc chắn không phải ông thèm muốn thân xác tôi mà ông nghi ngờ tôi dấu dao hoặc súng trong người, nơi cạp quần hoặc trong su, sịp.
- Giám đốc của cô đâu ?
- Thưa,anh Bảy lên Tổng công ty.
- Về việc gì ?
- Thưa,tôi tự thấy không được phép tò mò.
- Vẻ mặt thế nào?
- Thưa, bình thường.
- Bình thường sao được. Cô nói dối. Ông ấy đang hốt hoảng.
- Tôi nghĩ ông ấy là con người điềm tĩnh.
- Tôi đã bảo là ông ấy hốt hoảng. Ông ấy lên Tổng công ty để gỡ đòn. Đừng mơ hão. Tổng giám đốc sẽ cho ông ấy toa thuốc đắng về công việc của một giám đốc. Quản lý lung tung, tùy tiện, đụng đến cái gì cũng sai nguyên tắc...Tôi nói vậy cô hiểu chứ?
- Thưa...
- Rồi cô sẽ hiểu thôi. Nào, đưa công văn tôi coi. Trả lời khách hàng hả ? Chẳng có gì gấp, cô nên đợi ông Bảy về để ông ấy ký. Tất cả những trò giao dịch của giám đốc, nói chung là tôi không muốn dính.

Phó giám đốc vừa nói vừa cười khoái. Tôi bước ra rất nhanh. Sự nhanh là tôi học được nơi anh ấy. Tôi ghê sợ. Người ta là đồng chí với nhau mà người ta hể hả mong cho nhau gặp nạn. Những ngày tôi làm việc bên Cha, mọi khó khăn của Cha luôn được mọi người quan tâm chia sớt. Và trước những cái khó ấy, Cha đã nương vào vai người bên cạnh mà đứng dậy, mà vượt qua. Còn bây giờ, anh ấy cũng là giám đốc, nhưng hoàn cảnh của anh ấy găng go hơn nhiều. Anh ấy phải đương đầu với tất cả. Tôi ao ước muốn làm một cái gì đó để anh ấy nương vai. Nhưng tôi biết phải làm gì bây giờ ?

Tôi ngồi lặng trước xấp công văn giấy tờ, tài liệu mà đầu óc chỉ nghĩ về anh ấy. Mở ra, đặt vào, lộn lạo, lung tung. Chỗ nào cũng hiện ra mờ chồng bóng hình anh ấy.
Còn ít phút nữa là hết giờ làm. Tôi đã thu xếp mọi thứ, chuẩn bị ra về. Tôi bồn chồn. Lòng như có lửa. Tôi mong anh ấy. Và anh ấy đã về đúng lúc tan tầm. Gương mặt xám như trời sắp giông bão. Tôi hiểu là anh ấy vừa trải qua nhưng găng go, đấu trí quá sức. Tôi pha cho anh ấy ly đá chanh. Anh uống một hơi chẳng hề ban cho tôi một âm thanh. Một lúc lâu sau đó, anh mới lên tiếng, câu nói lại quá chừng lạnh.
- Cô còn chưa về sao ?
Tôi không cố chấp câu hỏi của anh, lòng dâng tràn một thương cảm mơ hồ.
- Công việc có rối lắm không anh?
Tôi buột miệng gọi anh như tôi đang nghĩ về anh.
- Tôi nghĩ là không.
- Em có thể làm gì giúp được anh?
- Cảm ơn cô, mọi chuyện trước sau gì cũng sẽ ổn cả.
Anh trở lại sự trầm tĩnh vốn có. Về đức tính này anh giống hệt Cha, không hé lộ ra ngoài những khó khăn bức bối của mình. Sự bình tĩnh đáng mặt đàn ông.
- Em chỉ muốn nói với anh là nếu trước đây em có làm điều gì để anh phải phiền lòng, mong anh bỏ qua.
- Tại sao hôm nay bỗng dưng em lại nói  với tôi như thế ?
- Em không muốn anh phải bận tâm về những chuyện không đáng. Cùng làm giám đốc, nhưng anh vất vả hơn Cha nhiều quá.
- Em nói sao?
- Cha làm giám đốc với sự toàn quyền, còn anh, bao nhiêu là ràng buộc.
Anh cười : Cha Minh Đức là một giám đốc có kiến thức quản lý và có kinh nghiệm.
Tôi cũng cười đáp lại : Em làm thư ký cho Cha em biết Cha như thế nào, và với anh, tuy làm việc bên anh chưa lâu, nhưng em cũng cảm nhận được đôi điều.
Tôi nhín cười, nụ cười tối nghĩa. Tôi biết là anh chưa thật tin những lời tôi  nói. Bởi có thể đường đột quá, anh chưa thể nghĩ là tôi lại hiểu và thông cảm sâu sắc với công việc của anh. Không sao. Chúng ta còn nhiều thời gian để hiểu nhau.
- Mọi người đều nghĩ tốt về anh, đều kỳ vọng ở anh, vì thế, những lúc khó khăn như lúc này, em chỉ mong anh giữ gìn sức khỏe.
Tôi sợ anh hiểu lầm về những diễn giải quá chân thật của mình. Mắt anh nhìn tôi như hỏi. Lẽ ra tôi nên giải thích thêm, thì tôi lại chợt hốt hoảng, lúng túng vì cái nhìn của anh. Tôi bước vội ra cửa, cầm theo cái túi, như ma đuổi chạy xuống cầu thang. Mong là anh hiểu cho, lòng tôi nghĩ về anh gần gũi và thương mến hơn những lời tôi nói. Mãi sau này, tôi  vẫn còn trách mình, vì sao tôi lại xử lý không bình thường như thế ? Và rồi tôi lại tự biện minh, nếu lúc ấy, tôi tiếp tục trò truyện với anh thêm vài câu,thì chưa chừng...cũng chẳng biết nữa. Tôi đi như say trên đường.

13.
Mi ơi, hoàng đế của tau đã trở về. Anh Phán đã trở về. Sau tau anh Phán nhắc tới mi và Cha. Tau đưa ảnh lại trình diện mi, rủ mi đi Đêm Màu Hồng, nhưng chờ mi mãi. Tau biết mi bị Jiđi hớp hồn. Mừng cho mi. Tối thứ bảy nhớ lại tau, đi nhảy đầm mừng Hoàng Đế. Nhất định phải tới đó nghe. Trinh.

Tờ thư viết vội, ném qua khe cửa dưới sàn. Tôi đọc lại lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Thế là Phán, già ngãi non chồng của Trinh,trung úy Pilot đi cải tạo,đã được về.Chắc chắn lần này sẽ đám cưới.Trinh hết phải giăng bẫy chàng này,đuổi theo chàng khác.Colect váy áo của nó sẽ vứt ra sọt rác.Mừng cho mi lắm lắm Trinh ơi.

Tôi chợt ghen với hạnh phúc của Trinh. Mấy năm trong trại cải tạo, liệu Phán có thành con người khác ? Còn không bộ ria ông Kỳ ? Còn không làn môi ẩm lúc nào cũng son như môi con gái, đưa đẩy nụ cười. Con người thay đổi do môi trường. Kỹ sư Nguyên đã nói thế. Nếu đúng, chắc chắn những dấu ấn bên ngoài của Phán nhiều thay đổi. Cầu Chúa tâm hồn Phán sáng lại, đừng như ngày xưa, Phán làm khổ Trinh nhiều quá.

Cha tới. Tôi chất vấn vì sao mấy bữa nay cha có ý tránh tôi ? Cha cười.
- Cha không thể rời mấy bản vẽ.
Thế là rõ. Cha có nghe thấy tiếng chuông gọi cửa. Và Cha đã nhận ra tiếng chuông quen thuộc, hai dài một ngắn, rộn ràng như điệu nhảy, Cha vẫn chờ âm thanh ấy, Cha bảo thế. Nhưng Cha kị đàn bà con gái len lỏi vào công việc, Cha sợ hôi. Cha muốn mình hoàn thiện, hoàn mỹ lời nguyền với Chúa. Nghĩ thật tội nghiệp tấm thân tôi.
- Nhiều chuyện mới lạ phải không con?
Tôi thuật lại cho Cha nghe những khó khăn mà Jiđi đang vấp phải. Nếu chỉ đoán định trên nét mặt thì không thể biết Cha đang nghĩ gì. Vui hay buồn ? Theo logic hình thức thì Cha phải vui. Cha không thể không vui khi  thấy địch thủ của mình gặp sự khó. Nhưng nếu theo giáo lý của Chúa thì Cha đang gánh chịu sự khó cùng đồng loại. Chỉ có điều gương mặt Cha tươi lỳ, một vẻ đẹp của núi, lặng phắc, chon von.

Kèm theo câu chuyện, tôi thưa với Cha về những nhận xét của mình, theo  thói quen như hồi làm việc với Cha, bao giờ Cha cũng hỏi tôi ý kiến riêng về bất kỳ về vấn đề gì tôi biết,btôi đề xuất,bthậm chí ngay cả những việc không liên quan tới bổn phận của tôi. Tôi dễ dàng nhận thấy nơi gương mặt Cha sự tán đồng hay phản đối. Nhưng từ ngày xa Cha, nói cách khác từ ngày Cha thôi không làm giám đốc, nhiều điều tôi diễn giải rất tỉ mỉ với  đầy đủ chi tiết, vẫn không làm Cha bộc lộ quan điểm riêng. Lần này cũng vậy, Cha nhìn tôi trân trân, đôi mắt sâu hút gần như không chớp. Mãi khi tôi né tránh cái nhìn ấy, Cha mới lên tiếng.
- Con học nói dối từ khi nào vậy ?
- Thưa Cha, con...
Tôi giật thót vội vã thanh minh.
- Những sự khó của Bảy Trọng có thật, nhưng những nhận xét của con là dối.
- Con chưa hiểu ý Cha?
- Con muốn Cha vui bằng những nhận xét của mình, nhưng lòng con rối tung, ngổn ngang lo lắng cho Bảy Trọng. Lặng một lát. Những lời dối này  không cần thiết, dù vậy, con cũng không có lỗi.

Tôi như kẻ cắp bị bắt quả tang. Với đôi mắt cú, lần đầu tiên tôi cay độc ví mắt Cha với mắt cú, nhìn thấu gan ruột tôi. Cha là cưu mang tôi mà nỗi lo của tôi lại dành cho tân đối thủ. Tôi đang cố chứng minh cho Cha hiểu là đức tin của tôi chỉ thuộc về Cha, không thuộc về bất cứ ai. Nhưng Cha đã vạch huỵch toẹt tôi dối trá và Cha không cần sự thương hại Juđa. Tôi quyết định không thể kém cạnh, không để Cha tiếp tục đè bẹp tình cảm của mình. Tôi thưa với Cha những lời thật thà, rắn rỏi.
- Quả là con có lo lắng cho anh Bảy và nhà máy.
Cha cười:
- Nếu Cha rơi vào hoàn cảnh ấy, con cũng sẽ lo lắng cho Cha như thế.
Tôi gậm nhấm câu nói của Cha, ẩn nghĩa khó lường. Lòng Cha đang bộn bề nghi hoặc, Cha đang ghen, mở lòng cho Cha là điều không dễ. Cha đã từng rơi vào sự khó, lần nào cũng vậy, tôi sà vào Cha như một tấm khăn lạnh lau mát mồ hôi đời. Tôi hiểu lúc này Cha đang tưởng tượng hình ảnh tôi ve vuốt lau khô những giọt cay đắng trên gương mặt Bảy Trọng. Và Bảy Trọng đời hơn Cha, Bảy Trọng ôm tôi, còn Cha thân xác cứng đơ, tuần hoàn run rẩy, ngồi thờ nghe tim tôi đập. Cha là Thánh hay chỉ là người mặc áo mầu Thánh ? Tôi thầm cười, lái ngôn ngữ chảy sang hướng khác. Thời Cha làm giám đốc, mọi chuyện không xảy ra ngang ngược thế này.
Ngang ngược ?
- Là giám đốc nhà máy nhưng anh Bảy không có quyền. Thực thi việc gì cấp trên cũng có quyền ngăn và cấp dưới có quyền phá. Vừa rồi giám đốc tổng mới gọi lên đe nẹt.
- Trong nền kinh tế mà người ta kêu là tư bản chủ nghĩa, người giám đốc phải chịu mọi trách nhiệm. Còn trong nền kinh tế mà người ta bảo là xã hội chủ nghĩa, giám đốc chỉ là người điều hành các mối quan hệ,gọi dạ,bảo vâng, không cần tài năng, còn trách nhiệm thì được đảng cầm quyền bảo hiểm.
- Thưa Cha, con nghĩ giám đốc Trọng có thể là ngoại lệ.
- Giám đốc của con đã làm được số việc không tồi. Các biện pháp cứu máy, cứu người của ông ta không phải là không có ý nghĩa. Và giờ đây, theo cách trình bày của  con, thì ông ta đang thi hành chính sách thu phục nhân tâm và gạt ra rìa các đấu thủ của mình, bằng cái mà ông ta gọi là chiến lược con người. Việc này ông ta sẽ không làm được. Rồi con sẽ thấy, ông ta sẽ phải bó tay, sẽ phải đầu hàng. Làm sao ông ta có thể thu phục được nhân tâm, làm sao ông ta có thể gạt được những người chống đối mình, trong khi những đồng chí của ông ta co cụm lại cản phá. Trước đây Cha có thể làm được, vì Cha toàn quyền, còn bây giờ ông ta chỉ là chức danh cho tổ chức cầm quyền.
Nội bộ đánh nhau vạn sự bất thành. Nhân tâm tan rã thì đừng hòng mưu cầu sự nghiệp.

Tôi thầm khâm phục những lý lẽ của Cha. Trước mắt tôi hiện lên hình ảnh Vĩnh. Một gương mặt cau có, khó chịu và kiêu ngạo. Nhưng Cha đã kịp thời gạt phăng hình bóng Vĩnh.
- Sẽ không chỉ một phó giám đốc, mà tất cả sẽ vùng dậy chống trả. Bởi trên lộ trình đi tới, ông ta sẽ đào thải các cộng sự không thích hợp với định hướng và hoàn cảnh. Sự gạt bỏ đó tuyệt nhiên không dễ.Bảy Trọng sẽ bị trói buộc trong lưới cơ chế nơi ông ta được sinh ra.
Tôi lái chuyện để tránh cho Cha những kích động không nên có.
- Anh Bảy Trọng rất kỳ vọng vào khả năng phục hồi máy móc của Cha.

Cha cười. Đứng dậy, đưa cái túi nilông màu xanh mạ cho tôi.Tôi lưỡng lự trong một thoáng. Thực tình, từ sau ngày Cha không còn làm giám đốc, tôi không muốn nhận nơi Cha bất kỳ gift nào. Tôi cầm gói quà. Những tia nhìn cú tan đi, mắt Cha trở lại đằm thắm, ấm áp. Cha định nói gì với tôi, lại thôi, tay chân lúng túng. Nhưng Cha tự nhủ rất nhanh, bước ra cửa. Tôi tựa   cửa nhìn theo Cha.




 
/ Mời đọc tiếp đoạn 14/
 
Ma Trận Tình/ Tiểu thuyết Nguyễn Nguyên Bảy
 
VANDANBNN gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét