Thứ Hai, 17 tháng 4, 2017

Nguyễn Nguyên Bảy/Tiểu thuyết TÌNH BIỂN / Sắp tái bản/



 
VANDANBNN : Tiểu thuyết TÌNH BIỂN tôi viết năm 1986-1987 tại Sài gòn,trong chuyến đi công việc tại Mỹ, tìm thấy trong Thư Viện  Seattle Wasington và trên các mạng thuvien.maivo.com, vnthuquan.net, và easycome.us/ liền post về lại trang nhà như món quà nhỏ trân trọng tặng bạn đọc.

 
 TÌNH BIỂN Tiểu thuyết/ Sắp tái bản
NGUYỄN NGUYÊN BẢY
Chương Kết: Quy Luật


Tư Lịch được mời đi dự tiệc liên miên. Không chổ nào có thể từ chối được. Tin tìm thấy dầu ngoài thềm lục địa đã làm cho cả thành phố náo nức. Ngoài khơi tổ chức lễ đốt dầu, trong đất liền: mít tinh khắp các hội trường, khiêu vũ khắp các sàn nhẩy khách sạn. Tiệc lớn khắp các cơ quan, còn tiệc nhỏ gia đình nào cũng tổ chức.
Từ sáng tới giờ, Tư Lịch đã phải dự tới bốn bữa tiệc. Một tiệc ở khách sạn Thanh Thúy, bà Thanh Thúy khẩn khoản mời anh, nhìn đôi mắt rưng rưng của bà, Tư Lịch không cách chi từ chối.
Ông giám đốc ạ, bà Thanh Thúy tâm sự, khi tôi bắt đầu xây cất khách sạn Thanh Thúy thì Mỹ cũng bắt đầu công việc tìm kiếm dầu. Những người dân miền Nam này, đều hiểu rằng, nếu Mỹ tìm thấy dầu ngoài khơi Vũng Tàu, thì thành phố biển này sẽ vượng phát. Tôi mơ mộng mình sẽ xây cất thật nhiều khách sạn. Nhưng họ đã chẳng tìm thấy dầu.
Bây giờ chúng ta lại tìm thấy dầu, Tư Lịch tươi cười hỏi lại:
- Chẳng lẽ thành phố biển này không vượng phát?
- Cũng chính vì lẽ đó, tôi xin được cụng ly cảm ơn ông. Ông hay cách mạng cũng chỉ là một. Cách mạng đã cứu những con người như tôi thoát khỏi chết chìm trong ao xoáy. Thanh Thúy lặp lại cách nói của Mạnh, hôm ngay ảnh trực cả ngày ngoài đội cứu nạn bờ biển. Tối nay, hai người sẽ cụng ly với nhau mừng cái mừng lớn lao, trọng đại này.
Métđôten Kỷ kéo Tư Lịch tới bằng được tới bàn tiệc mà ông gọi là “tiệc của những người lao động”. Quanh những dãy bàn dài là anh chị em làm bếp, làm bàn, làm buồng, những gương mặt trẻ măng. Tất cả đồng loạt mừng Tư Lịch. Giọng métđôten Kỷ lạc đi trong sung sướng:
- Tất cả chúng ta nâng ly mừng đồng chí giám đốc.
Những tiếng ly tách chạm vào nhau. Tiếng hò reo. Và metđôten Kỷ đã khóc.
- Kìa ông Kỷ, sao ông lại khóc.
Métđôten Kỷ nói trong nước mắt:
- Ông giám đốc biết hoàn cảnh của tôi đó, các con, các cháu rồi đây cũng biết hoàn cảnh của tôi… Sở dĩ tôi không đi theo các con tôi ra nước  ngoài,  vì nếu ra nước ngoài thì đời tôi làm gì có được cái sung sướng của ngày hôm nay. Tôi đã sống trọn đời chỉ mong được thấy thành phố chôn nhau, cắt rốn của mình có ngày hôm nay.
Tư Lịch thấy cay đuôi mắt. Mình cũng ao ước như ông ấy và mình đã tọai nguyện.
Tư Lịch tới được nhà bà Cẩm Vân thì đã quá trưa. Thanh và My My vừa trông thấy ông đã chạy ùa ra. Họ ôm chầm lấy ông mừng rỡ. Còn bà Cẩm Vân đang bận công việc gì đó trong nhà, cũng bỏ việc chạy ra tận thềm tam cấp.
- Ông Tư, cả gia đình chúng tôi chờ ông.
Tư Lịch hiểu người đàn bà này, bả không phải dạng người đầu môi, chót lưỡi, cái gì bà không thích, bà không làm, cái gì không muốn, bà không nói. Sau cái đêm My My bỏ trốn, bà Cẩm Vân đã muốn đoạn tuyệt với con, nhất là khi nghe tin Thanh và My My đã tổ chức lễ cưới. Tất nhiên đó là lễ cưới của hai đứa bà nói với mọi người như vậy, còn với chức phận làm cha mẹ, bà không chấp nhận. Bà đóng cửa không tiếp xúc với bên ngoài và cũng không nghe bất cứ tin gì của My My. Cho tới một ngày kia, bà nhận được thư của Hồng Hoa gửi về. Hai lá, một cho bà, và một cho My My như trước đây cô vẫn gửi vậy. Thư cho bà vẫn đầy những lời lẽ đẹp đẽ, sung sướng. Còn thư gửi cho My My bà không cầm được tính tò mò, và chưa bao giờ bà làm cái việc đọc trộm thư con gái, nhưng bà đã đọc.
“ My My ơi, thằng Tô Mát đã ném chị ra đường như ném trái cà chua thối,  khi nó phát hiện ra chị mắc bệnh… Em ơi, nếu như không vì má, vì em thì chị đã chẳng còn thiết sống làm gì nữa. Chị định đi Canada để đoạn tuyệt với cái thiên đường ma qủy mà qủy sứ ở đây cũng đã nhẵn mặt chị. Chúng chỉ chấp nhận cho chị một lối thoát duy nhất là làm đồ chơi cho chúng…”
Bà Cẩm Vân đã khóc tầm tã trên bức thư ấy. Và bà đã vào phòng My My lục tìm tất cả những thư của cô con gái lớn gửi về. Bà đã đọc tất cả. Sự  thật chua xót đã giáng xuống trái tim người mẹ một đòn quá nặng, khiến bà quỵ xuống. Bà nằm bệnh liệt giường ba ngày liền. Tới ngày thứ tư bà  mới cho chị Hai đi tìm My My.
- Con đã có tội rất lớn với má là con đã không cho má biết những gì con biết về chị con, bởi lòng má chỉ mong cho các con được nên người, sung sướng và hạnh phúc.
Hai má con ôm nhau khóc.
Bà Cẩm Vân giật mình vì cái bà gọi là “lòng thương con mù quáng”. Bà tự sửa sai, bằng cách cho gọi Thanh đến, chấp nhận cho hai người được tổ chức một đám cưới trước hai họ và bạn bè. Hai sự kiện tiếp sau đó đã khiến lòng tin của bà với cách mạng từ con số không, bổng trở thành một cái gì đó thật vững chắc. Thằng Thanh dù sao cũng là một tri thức dưới chế độ cũ vậy mà người ta tín nhiệm cho đi tham quan nước ngoài. Còn cách mạng, họ đã làm được cái việc mà bà không bao giờ tin là họ có thể làm được. Họ đã tìm thấy dầu ngoài khơi.
- Xin ông giám đốc đừng chấp tôi, vì dù sao tôi cũng chỉ là đàn bà.
Tư Lịch mỉm cười, tại sao bả lại giải thích sự chậm nhập cuộc của mình với cách mạng bằng một lý do như vậy. Đàn bà hay đàn ông gì cũng vậy, vấn đề là chúng tôi đã làm gì để những người như bà tin vào cách mạng.
Duy có bữa tiệc nhà Châu là hợp gu với Tư Lịch hơn cả. Cậu ta đã đi xuống tận chợ Bà Rịa mua về một con cầy gần mười ký. Tiệc với món đặc sản thịt cầy bao giờ cũng là một thú vị đáng ghi nhận.
Phải thừa nhận Châu làm món thịt cầu nào cũng ngon, nhưng do bị bão hoài về tiệc nên Tư Lịch không nhận hết cái ngon của hương vị. Anh đành tìm cảm giác ngon trên gương mặt của những người cùng dự tiệc.
Chỉ cần nghe Đại giải trình về cái “kỳ diệu” của các món ăn dân tộc cũng  đủ mê. Tư Lịch hiểu rằng, cái thằng Đại lém này chưa chắc đã biết làm một món ăn nào cho ra hồn, nhưng nói về món ăn thì có vẻ thạo. Nó đang thao thao về món thịt cầy Hàng Lược lại chuyển qua món cháo lòng tiết canh Trảng Bàng, nó đặc biệt ca ngợi loại bánh tráng ăn với món lòng heo, theo nó thì bánh tráng được nướng nhẹ, rồi phơi sương qua đêm, sương đêm đã làm cho tấm bánh tráng đang từ ròn tươi trở nên mềm mà không ỉu, loại bách tráng này gói với các thứ rau, gói với đồ  lòng thì cứ gọi là không thể có món nào ngon hơn. Tư Lịch bật cười về cách diễn tả của Đại. Nó ham mê du lịch, ham mê đến tận cùng, đến hết  mình. Nhớ món ăn ngon của mỗi vùng, mỗn miền thì cảnh vật và con người của vùng đất đó, miền đất đó làm sao có thể quên được.
Bài ít nói hơn, chỉ nhìn Đại tủm tỉm cười. Tin tìm thấy dầu đối với cụm khách sạn Hoa Phượng, đã được đánh mốc bằng đợt nghiệm thu phi lao  trồng trên bãi các đợt đầu. Anh chị em trồng cây gọi đùa đó là “hàng phi lao vỉa dầu”. Đại khoe với Bài là đã ghi vào nhật ký của mình sự kiện trọng đại đó, cam đoan là năm năm sau, khi dẫn khách du lịch đi dưới hàng phi lao này, anh sẽ kể tường tận cho mọi người nghe, những hàng cây này đã sinh ra như thế nào. Nụ cười của Bài như muốn nói: nếu chuyện này cậu cũng ghi vào nhật ký, thì cậu sẽ còn ghi rất nhiều chuyện khác nữa, bởi, nhất định cụm khách sạn Hoa Phượng thời gian tới còn nhiều cái khác lạ lắm. Đại ghi nhận nụ cười đó bằng cách tự thưởng cho mình một miếng dồi thơm phức.
Châu và Như ngồi kế bên nhau, họ đều ít nói. Có lẽ vì bên cạnh mỗi người đều hiện diện một người phụ nữ. Trầm rất tươi với tư thế của bà chủ nhà. Còn Lan, một cái gì đó bẽn lẽn, rụt rè. Họ đã đi một đoạn xa trong quan hệ, nhưng trước đám đông thì đóng vai trò đang tìm hiểu nhau.
Tư Lịch chợt nhớ tới Luận, cái thằng thợ hồ, mới được đề bạt đội trưởng. Châu kẽ khàng báo với anh: Vợ nó có bầu, nó suốt ngày lẫn quẩn bên vợ. Nó ao ước sinh gái, rồi sau đó sinh một đứa trai để hoàn thành nhiệm vụ “mỗi gia đình chỉ nên có hai con”. Tất cả cùng bật cười trước lời thông báo dí dỏm của Châu. Tư Lịch cũng cười. Anh định một ngày nào đó, sẽ tới thăm Luận và Na. Cần phải như vậy, chúng như cây non đang lớn.
Tư Lịch về tới nhà thì trời đã chạng vạng tối. Chị Tư vẫn đang ngồi chờ cơm anh. Mình đi, xấp nhỏ cũng vui bạn vui bè đi tứ tán, tội nghiệp ở nhà chỉ có mình bả. Anh Tư bước lại gần chị, anh muốn nói một câu gì đó để chia vui với chị, nhưng ngay cả câu nói đó anh cũng không thể nói,  anh hiểu rằng chẳng có câu nào xứng đáng với những gì chị dành cho anh trong suốt cuộc đời. Anh ngồi xuống bên chị.
- Ông gặp anh Năm Lê chưa?
- Anh Năm mới vô?
Chị gật đầu:
- Ảnh mới điện thoại lại, tôi nói ông đi chưa về.
- Bà có nói ảnh tới chơi không?
- Ảnh nhận lời ăn cơm với tôi.
- Bà định đãi ảnh món gì vậy? – Tư Lịch vừa nói vừa nhắc chiếc lồng bàn trước mặt. Món thịt gà luộc vàng ươm xếp vuông vắn trong hai chiếc đĩa, trên đó là những lá chanh thái nhỏ. – Bà cừ quá, đây là món ăn mà anh Năm rất thích, ảnh làm nghề du lịch suốt đời, ăn đủ thứ tiệc, nhưng hỏi món gì thích, vẫn chỉ liệt kê cháo cá lóc và thịt gà lá chanh.
- Những điều ông nói với tôi tối hôm qua anh cũng sẽ nói với anh Năm chứ?
- Phải vậy thôi bà ạ, lúc nãy khi trở về nhà, tôi thấy bà ngồi một mình, chồng đi đàng chồng, các con đi đàng các con, tôi thấy nhất định phải làm vậy.
- Tôi không phải là cái cớ để ông quyết định một việc lớn như thế của ông đâu.
- Tôi phải có bổn phận chăm sóc bà.
Chị tư cười:
- Cảm ơn ông. Tôi có cần nói gì với anh Năm không?
- Khỏi cần bà ạ. Ảnh là người từng trải, mình nói ít, để ảnh hiểu nhiều…  
Chị Tư gật đầu. Chị nhớ lại. Sau khi ở giàn khoan về, ảnh có chuyện gì đó, rất vui, bây giờ chị đã biết vì sao ảnh vui rồi. Ảnh hôn chị. Chị sững sờ rồi lườm yêu ảnh. Đêm đó ảnh thức rất khuya, ngồi bên bàn hí hoáy viết. Ngày hôm sau ảnh đi trọn ngày. Tối lại ngồi bên bàn, lại viết. Chị biết chắc là ảnh ghi nhật ký. Điều đó xác thực, vì trưa hôm sau chị đã đọc những dòng viết đó ngay trên bàn anh.
25-5. Như vậy là đã tìm thấy dầu bao công sức, mồ hôi, bao chờ đợi của đồng bào, đồng chí. Mình bây giờ, những ngày tuổi già của mình lại được chứng kiến sự kiện trọng đại này, thật đúng là một vinh quang quá sức, vinh quan của những người có những đóng góp trong việc thăm dò dầu khí Việt Nam. Cuộc đời mình như thế là toại nguyện. Hoàn toàn toại  nguyện. Mình cần dũng cảm trao lại sứ mệnh vinh quang này cho thế hệ  con em.
“27-5. Mình có đồng tình với hành động của mình không? Trước đây, khi cấp trên giao cho anh làm giám đốc, mình đã cản anh, vì mình lo sức khỏe của anh, khả năng của anh không đương nổi nhiệm vụ nặng nề. Nhưng sau một thời gian, chính mình lại bảo rằng không ai làm giám đốc  công ty giỏi hơn anh. Như vậy là thế nào hả mình? Có phải mình đã cảm thấy bằng lòng vì cái vinh quang làm vợ một “Ngài giám đốc”? Anh không tin điều đó. Vì tâm hồn mình trong suốt như pha lê, chẳng khi nào mình quan tâm tới danh lợi. Sự đời phải không mình. Không ai có thể cưỡng lại được quy luật của tạo hóa. Con người ta có sinh, có vượng, thì nhất định có lão, có bệnh, có tử. Nếu có phép thần tiên gì để cưỡng lại quy luật của tạo hóa thì các vua chúa ngày xưa đã làm rồi. Quy luật tre già măng mọc. Đời nào mình cứ là măng suốt đời phải không mình? Anh quyết định thế này mình ạ, anh xin nghỉ hưu chế độ để các em, các cháu đứng thay vào chổ của mình. Mình cứ làm giám đốc mãi mình sẽ thỏa mãn, sẽ bảo thủ, sẽ chây lười với suy nghĩ của chính mình, mọi người chán mình còn mình thì cứ phải rông dài mọi chuyện để tự che giấu sự chán của chính mình. Đến cái lúc chính mình tự chán mình thì… (trang viết bỏ lửng)”.
Tối hôm qua, chị đã đem chuyện này chủ động nói với ảnh.
- Ông đã viết đơn xin nghỉ chưa?
Anh quá sức ngạc nhiên, nhưng rồi anh hiểu tất cả, chính anh đã cố tình để cuốn nhật kí nơi bàn, cốt để chị đọc.
- Bà không giận tôi chứ?
- Tại sao lại giận, chính ông đã nói rồi, mọi cái đều có quy luật, có sinh, có tử, có trẻ phải có già, - Chị tủm tỉm cười, - Chỉ có một điều là ông không tôn trọng kỷ luật.
- Điều gì?
Chị lại cười. Anh hỏi lại lần thứ hai, chị mới thủng thẳng đáp:
- Quy luật của người thành đạt là bỏ vợ già để lấy gái trẻ…
Anh cười phá lên. Họ trao đổi nghĩa tình qua ánh mắt mà tuổi tác có làm cho sức nhìn bị yếu, nhưng sự lung linh vẫn cứ ngời ngời.
- Bà không phản đối quyết định của tôi chứ?
- Đã gọi bằng quy luật tôi có phản đối cũng chẳng được.
Năm Lê tới. Tư Lịch chạy vội ra. Họ ôm nhau không lời. Hai bờ vai đều rung lên như là họ đang cùng nén tiếng khóc ở trong lòng. Cái đó đối với họ cũng là quy luật, tận cùng của niềm vui chính là tiếng khóc.
Đôi bạn già ngồi nói lan man với nhau đủ mọi chuyện. Chị Tư tiếp thịt gà vào chén Năm Lê gần muốn đầy. Năm Lê nhón lấy một điếu thuốc trước mặt Tư Lịch, anh bật chiếc quẹt ga lóng ngóng. Anh khẽ rít hơi thuốc, lại ho sặc sụa. Tư Lịch phì cười. Năm Lê để điếu thuốc xuống gạt tàn, cười khà khà khoan khoái. Niềm vui làm họ thực sự trẻ lại. Nhưng về tuổi tác thì dù sao họ cũng đã già. Họ không nói thẳng với nhau điều đó, nhưng họ biết rất rõ về nhau.
- Ông bà sẽ hổ trợ tôi chứ?
- Chuyện gì anh Năm?
- Tôi sẽ xin về hưu ở thành phố biển này. Nhưng cơ ngơi chưa có gì, mà nghề nấu nước mắm và nuôi heo như hai ông bà tôi lại không rành.
- Ông khỏi lo, ông Tư kèm cặp anh chừng tháng là rành ngay à.
- Họ cùng cười. Ngoài kia biển vỗ sóng. Tiếng sóng còn nghe ngân tiếng hát mừng vui của những người vừa tìm thấy dầu. Sự lao động phải được trả lại bằng vinh quang, đó là quy luật. Những người cống hiến cả  một thời trẻ trung cho sự nghiệp, nay hưởng tuổi già mà lương tâm tự choàng hoa, lương tâm không một chút ân hận và xấu hổ, đó cũng là một quy luật.
Chị Tư chạnh nghĩ điều đó, lòng nghe rưng rưng nước mắt. Chị hiểu rằng mình đang hưởng một niềm vui trọn vẹn mà cuộc đời thật công bằng trao tặng cho chị. 

Vũng Tàu – Thành phố Hồ Chí Minh.
1986. 

HẾT/ 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét