Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

MA TRẬN TÌNH/ tiểu thuyết nguyễn nguyên bảy / Đoạn 31,32.


Tiểu thuyết Ma Trận Tình NXB Văn Học ấn hành.
Một tập sách bảo là truyện tình thì nó là truyện tình, bảo là truyện đời thì nó là truyện đời. Người viết chỉ muốn gửi một thông điệp, cội rễ của tình đời là đức tin, không có đức tin thì đừng mong có tình yêu. Tuy nhiên, sức viết có hạn, không biết có chuyển tải được thông điệp mong muốn ấy đến bạn đọc? Câu trả lời tùy thuộc bạn đọc.

MA TRẬN TÌNH
tiểu thuyết nguyễn nguyên bảy
Đoạn 31,32.

31.
Điện thoại. Tôi nhấc máy.
Tiếng vợ anh hốt hoảng.
- Cô Long hả? Báo cho anh Bẩy về ngay, cháu Vũ bệnh nặng, rất nặng. Tôi đưa cháu vào Nhi Đồng 2.
Tôi không kịp đưa máy cho Jiđi. Anh tự mình gọi lại. Chị không bắt máy. Anh lắc đầu khó hiểu. Tôi chột dạ lo lắng. Anh bảo tôi gọi tài xế đưa anh về nhà.
Lại chuyện gì nữa đây? Con anh bệnh thiệt hay là chị nổi cơn ghen? Tôi nhìn theo bóng anh nặng nhọc bước xuống cấu thang, vừa lúc kỹ sư Nguyên đi ngang. Mấy hôm nay tôi không thấy Nguyên. Muốn được nói chuyện với anh ấy mà anh ấy chẳng thèm ghé lại. Sao vậy? Hình như đàn ông nào cũng đồng bóng. Hay là nỗi nơi tôi? Tôi đã chối khéo những cuộc hẹn? Nguyên đứng lại, nói chuyện với ai đó ngoài hành lang. Tôi bước lại phía anh như một cử chỉ làm lành. Tôi xin lỗi người đang trò truyện, mời Nguyên lại chỗ tôi trao đổi công việc. Nguyên gật đầu lạnh nhạt. Tôi hơi bực, quay lại bàn làm việc của mình. Và khi Nguyên kéo ghế ngồi trước mặt, tôi đã xả ngay bực dọc vào ngôn từ.
- Anh dở trò gì với tôi thế?
- Trò hả? Trò có cao siêu bằng thuật? Cười khẩy, môi dưới trễ xuống đầy miệt thị. Thuật mèo vờn chuột của cô như thế quá đủ rồi. Tôi không phải chuột.
Tôi hoàn toàn bất ngờ vì câu đáp hằn học, báng bổ của anh.
- Anh bảo ai mèo vờn chuột?
- Bộ cô coi tôi là nít?
- Đúng.Anh là trẻ nít. Có chuyện gì anh phải thẳng thắn hỏi tôi chứ?
- Cần gì phải hỏi. Cô đem tôi ra làm trò cười như thế quá đủ rồi. Tôi đâu phải thằng ngu đi làm bình phong che đỡ cho lố lăng, nhơ bẩn của các người.
- Anh nói cái gì lố lăng, nhơ bẩn?
- Cô đừng bộ tịch. Cả nhà máy này ai cũng biết, cũng thấy, bộ cô nghĩ tôi mù?
Tôi ứ khóc đến cổ.
- Anh...anh...
- Tôi không mù đâu cáo ạ, nho chẳng còn xanh nữa, nho đã nẫu rồi. Lại cười khẩy. Tôi đã đến nhà cô trong chính cái đêm mưa gió ấy. Tôi chẳng bao giờ hồ đồ tin dư luận, nhưng khi chính mắt tôi nhìn thấy. Cô còn chối? Sếp của cô cũng vậy, miệng nói những lời tốt đẹp mà bụng dạ nham hiểm, xấu xa. Phúc đức cho tôi đã không lú lẫn. Chào cô.
Nguyên đứng dậy, tôi muốn òa khóc. Khóc không phải vì tiếc nuối, mà khóc vì bẽ bàng xấu hổ. Anh ta đã yêu tôi thực lòng và tôi đã dối gạt, xúc phạm tình yêu ấy. Giữa tôi và anh thế là xong cái gọi là một cuộc tình, dù tôi biết là mình có thể thanh minh thanh nga để chinh phục lại, nhưng tôi không thể, bởi tôi không là điếm. Thôi cũng mừng là anh ấy sẽ không còn khổ sở vì tôi. Tôi không quá khó khăn để dìm chuyện bẩn này xuống bể. Tôi nối điện thoại đến nhà Jiđi, chỉ nghe nhưng hồi chuông đổ dài đáp lại. Lòng tôi tràn ngập hoang mang. 


32.
Tan sở. Tôi vừa ra khỏi cổng nhà máy đã thấy chàng Honda ôm quen mặt đứng như chờ. Tự nhiên tôi cười chào và bảo chàng chở tôi đến bệnh viện. Chàng phóng xe thật ngoan. Lúc xuống xe tôi nói chàng đợi. Chàng gật đầu, mặt hoan hoan.
Đang loay hoay tìm hỏi phòng bệnh thì gặp y tá Hiền, cô bạn thời đàn đúm nhảy múa, ngay nơi cửa phòng cấp cứu. Hỏi thăm về Vũ. Hiền hỏi quan hệ thế nào. Sau khi biết chắc tôi là nhân viên của bố cháu, Hiền mới cho hay, Vũ bị sốt xuất huyết,mẹ cháu không biết cho uống kháng sinh, nên bệnh tiến triển xấu, mức độ đông máu khá cao, đang vào nước biển và plasma, các bác sĩ đang hội chẩn. Tôi ù tai. Xin vào thăm cháu. Hiền bảo, một mình cha thằng bé khóc cũng đủ thảm. Nói thêm hình như mẹ cháu cũng đang ngồi chờ ngoài ghế đá. Thở dài. Nếu tiếp thêm năm chai plasma nữa mà huyết áp không ổn định thì coi như...
- Sao? Tôi đế vào như người chết đuối. Truyền thêm máu được không?
- Bộ máu là nước lã? Mười lăm chai rồi chứ ít sao? Plasma phải qua ngân hàng máu mua về.
- Tiền?
- Đúng. Nhưng cũng còn tùy thuộc vào cơ địa của thằng bé và chỉ định của bác sĩ. Tỷ lệ đông máu của nó cao quá, 62%. Bác sĩ trưởng khoa không tin con số đó, ông hỏi máy xét nghiệm có trục trặc gì không. Còn cha thằng bé thì khóc.
Tôi không hỏi gì thâm, vội chân ra cổng bệnh viện kêu chàng xe ôm chạy thẳng đến nhà Cha. Sự bình lặng đến vô cảm trong chiếc áo thụng đen và giọng nói chậm chạp của Cha thực không tương thích với tâm trạng tôi lúc này.
- Thưa Cha...con có thể cầu xin Cha một ít tiền?
Tôi trình bày, lời lẽ ngắc ngứ, nhưng khẩn thiết. Từ khi biết Cha tới giờ chưa khi nào tôi thưa chuyện tiền bạc với Cha. Cha nghe màa không bận tâm hỏi lại tôi cần tiền để làm gì. Không một nhíu mày hay một gợn nghĩ. Cha đứng dậy, bước lại phía tủ, lấy từ trong ô kéo nhỏ một xấp bạc dầy.
- Đây là tất cả số tiền mặt Cha hiện có trong nhà, nếu thiếu Cha sẽ ra nhà băng rút thêm.
Cả tôi và Cha đều không biết số tiền đó bao nhiêu. Nhưng tôi vẫn đáp để Cha yên lòng.
- Cảm ơn Cha, con nghĩ chắc đủ, con sẽ thưa lại chuyện với Cha sau.
Cha giật cười. Và như đọc thấy sự vội rối trong mắt tôi, Cha mở cửa thay lời hối tôi đi.
Tôi trở lại bệnh viện với tất cả tâm trạng háo hức của mình. Dù sao với số tiền này anh có thể mua plasma chạy chữa cho Vũ. Chợt nghe tiếng gọi nhỏ. Tôi sợ lét. Chị Trang, vợ Jiđi đang ngồi với người đàn ông nào đó trên ghế đá vườn chờ cất tiếng gọi tôi. Tôi cố giữ vẻ bình tĩnh tiến lại, cúi đầu chào và lí nhí.
- Em vào thăm cháu và tiện thể đưa anh chị tiền của nhà máy, tôi nòi thác, để lo thuốc tốt nhất cho cháu.
Chị Trang đáp giọng chát:
- Chúng tôi là bố mẹ cháu đây mà bác sĩ còn bắt ngồi ngoài này. Cháu đang hồi nguy kịch, bác sĩ yêu cầu thuốc gì chúng tôi cũng mua, cần bao nhiêu máu chúng tôi cũng lo đủ, không dám phiền cô.
Tôi thấy ánh mắt người đàn ông lừ nhìn chị, chị biết mình lỡ lời nên vuốt lại.
- Bác sĩ chỉ cho một người chăm nuôi người bệnh. Anh ấy chẳng chịu rời con một bước. Thằng bé là tất cả của vợ chồng chúng tôi.
Chị nói nhấn bốn chữ vợ chồng chúng tôi đủ nghe cho tôi và cho người đàn ông đang ngồi với chị, mà tôi mơ hồ như đã gặp ông ta đâu đó. Cặp mắt sáng lanh. Cằm hàm nhẵn thín. Đầu tóc chải chuốt. Hình ảnh người đàn ông này cứ luẩn quẩn hiện ra trong lời thao thao hạnh phúc vợ chồng của chị Trang.
- Mười hai năm rồi anh nhỉ? Người đàn ông gật đầu. Thằng Vũ đã đi cùng vợ chồng chúng tôi suốt chiều dài đất nước. Cháu sinh ra ở Hànội. Nhà hộ sinh Câ Đa Nhà Bò. Anh ấy đã tới bệnh viện đón con với một bó hoa. Ba ký tư. Tóc đen mun. Năm 1972, Mỹ rải thảm B52 Hànội, tôi đưa cháu về Sấu Gía sơ tán. Năm 1975 anh ấy về Nam trước. Điện tín gửi ra lá nào cũng vẻn vẹn một dòng: Hai mẹ con vào ngay, nhớ lắm.
Người đàn ông vẻ khó chịu chen ngang.
- Có mỗi chuyện đó mà em kể đi kể lại cả ngàn lần.
Chị Trang cười nhạt:
- Thì tại cô Long chưa biết. Với người đàn ông. Quên chưa giới thiệu với anh, cô Long đây là thư ký riêng của anh Bẩy.
Người đàn ông xởi lởi.
- Đã nghe tiếng từ lâu, nay mời biết mặt.
Tôi lờ mờ nhận ra người đàn ông. Nhưng lúc này, thật lòng tôi không thể nghĩ thêm gì về ông ta. Tôi hiểu là mình nên biến ngay khỏi chỗ này, vì chỉ  cần đôi ba câu giao tiếp nữa là chị Trang sẽ lột mặt tôi là kẻ đang đep đuổi chồng chị. Tôi ngỏ lời xin về, hẹn mai nếu bác sĩ cho phép sẽ vào thăm cháu. Chị Trang bằng lòng ngay. Tôi đi như lá rơi, gió cuốn sau lưng anh chàng Honda, chỉ bực nỗi anh chàng miệng cóc chẳng chịu mở lấy một lời?
Tôi trở lại nhà Cha. Cha đang cầu kinh. Tôi đưa trả lại Cha xấp tiền.
- Con cứ giữ lấy mà xài...
- Không, thưa Cha. Con xin tiền Cha để cứu người bệnh, nhưng họ không cần.
- Con ông ta đỡ chưa? Ôi, vì sao Cha cũng biết chuyện con anh ấy nằm bệnh viện? Hỏi mà không dám thốt. Hoài nghi anh chàng Honda ôm là gián điệp của Cha.
- Nếu khi nãy Cha ngăn con thì chắc con sẽ hiểu lầm Cha là Cha tiếc. Nhưng Cha biết là thể nào gia đình ônh ta cũng không chào đón sự giúp đỡ của con. Gia cảnh họ không bần hàn.
- Cảm ơn Cha, Cha tốt với con quá.
Tôi muốn chạy lại ôm lấy Cha, quì dưới chân Cha. Nhưng tôi đã không thể.
- Con xin phép Cha, chắc buổi cầu kinh của Cha vừa bắt đầu.
Tôi đi lan man trên đường. Sự cô độc tròn và bí hiểm như trứng. Ước gì tôi có thể ấp nở trái cô đơn ấy. Anh chàng gián điệp của Cha vẫn im lặng, lẽo đẽo theo sau. Tự nhiên tôi thấy tội nghiệp chàng quá. Vất vả với tôi suốt từ lúc tan sở đến giờ.
- Anh có biết chỗ ăn tối? Tôi đãi anh.
- Vâng, thưa cô Ba.
Chúng tôi tìm được chiếc bàn trống trông ra đường trong một quán ăn,với tôi thì lạ hoắc,nhưng với chàng Honda thì có vẻ như rất quen.
- Quán này có món rau bí sào tỏi rất đặc sản.
Trời ơi là trời, tôi định thốt lên như thế, nhưng sợ chàng phật lòng, đành cười bảo chàng muốn gọi món ăn nào cũng tuyệt, bởi tôi đang quá đói.
- Ẩm thực là một tuyệt thích, không nên tùy tiện, thưa cô Ba.
- Tôi thích theo anh được không?
- Thật nhé?
Chàng Honda không đợi tôi đáp thuận, dơ hai ngón tay nói với người bồi bàn. Tôi nghe hỏi lại: Thực đơn đầu tuần? Chàng đáp OK. Tôi nhìn chàng, ngắm thì đúng  hơn, thấy chàng lạ lắm. Lạ như thể chàng vừa lột xác từ chàng Honda ôm thành một công tử ăn chơi sành sỏi nào đó.
- Tôi vẫn chưa biết tên anh?
- Xin cô Ba cứ gọi tôi là Hai hay là Út cũng được.
- Là sao?
- Tôi lớn hơn tuổi cô Ba nên tôi là Hai, còn Út là cách gọi của má tôi.
Câu chuyện của chúng tôi phải gián đoạn trước tíu tít thức ăn bầy ngập một bàn. Hai chai bia con cọp kèm tẩy đá. Rau gia vị với khế chua, chuối chát bên đĩa thịt ba rọi và hai ly mắm tép. Một tay cầm cá rô kho tộ đang ngát khói. Một tô canh măng nấu với chân giò. Một đĩa rau bí sào tỏi. Hai thố cơm trắng. Một đĩa khăn lạnh và một đĩa xếp dài hai trái chuối tiêu trứng cuốc.
- Mời cô Ba.
Chàng Honda ôm rót tràn hai ly bia và nâng ly mời tôi. Tôi không dám nói với chàng là tôi không biết uống bia. Đành cố vậy. Nhấp môi.
Cô Ba cứ uốn rồi sẽ thích. Không thích tôi uống đỡ.
Tôi đặt ly bia xuống, giọng năn nỉ.
- Từ giờ trở đi anh Út đừng gọi tôi là cô Ba nữa. Tôi tên Long.
Chàng Honda ôm cười.
- Tôi tên Sĩ.
Chàng tiếp thức ăn cho tôi chân tình, không chút khách sáo. Chàng ngắm tôi. Tôi đỏ mặt nhưng cố giữ khoảng cách. Chàng luôn cười. Lạ thật,từ lúc biết chàng tới giờ có thấy chàng cười khi nào đâu. Miệng chẳng mở nữa là cười.
- Chắc hẳn nhiều người khen Long đẹp.
- Anh chỉ giỏi miệng. Tôi định nói miệng cóc, nhưng kịp nín.
- Đã nữ nhân ai cũng đẹp. Chỉ có điều đẹp theo bộ nào thôi.
- Là sao?
- Nữ nhân có ba bộ đẹp. Đẹp Đào Hồng là đẹp toát ra ngoài, quyến rũ, cạm bẫy. Đẹp Long Phượng là đẹp thầm, sang trọng, trấu ủ, nam nhân ngập trong đó không cháy cũng chìm. Đẹp Thiân Nguyệt Đức là đẹp mộc, khuôn trăng, phúc hậu. Đột ngột. Long cho mình thuộc bộ đẹp nào? Tôi lắc. Anh cười, tự trả lời. Long thuộc bộ đẹp Long Phượng. Lại đột ngột.Long vừa ăn, vừa nghe tôi ba hoa mới thích. Các món ăn của quán này ưng ý khẩu vị tôi. Tôi mong là cũng hợp khẩu vị Long.
- Anh ăn thường?
- Mỗi ngày. Cười. Có ai nấu cơm cho mình ăn đâu và mình cũng chưa đụơc hầu ai bằng tài bếp núc.
- Ba má?
- Ba mất rồi. Má ở dưới quê, thỉnh thoảng phóng xe về thăm.
- Anh chạy xe suốt ngày thế này có vất vả quá không?
- Ồ không. Tôi chỉ chạy xe lúc thích.
- Thích?
- Chập sáng, chập chiều chẳng hạn.
- Là sao?
- Là để có cơ hội gặp cô Ba, được cô Ba nhờ vả.
Trời ơi. Thật quá đáng. Tôi chưa gặp ai tán tỉnh bạo miệng như thế này. Tôi e là mình đã sập bẫy anh chàng Honda ôm tay sai của Cha. Tôi nghiêm mặt hỏi lời nặng trịch.
- Anh làm việc cho Cha phải không?
- Cha nào? Cha Minh Đức? Cười. Ngay đến Chúa có dụ tôi làm việc cho Ngài tôi cũng khước từ nữa là Cha. Cô Ba nên biết, tôi chỉ làm việc tôi thích. Thích là tự do. Tự do là lẽ sống của tôi. Cười. Ta nên dừng câu chuyện ở đây kẻo ăn uống mất thích.
Anh mím lặng nhai cơm. Tôi chan bia phần tôi vào ly anh nói lời anh uống đỡ. Anh cảm ơn một cách tự nhiên. Khuôn mặt cũng dễ thương. Hình như lòng tôi đã nói thế. Đôi mắt khá đẹp, to lanh, đen trắng nhuyễn.
- Bia có thể uống đỡ thì cơm cũng có thể ăn đỡ. Miệng nói, tay làm, anh xúc thêm mấy thìa cơm trắng vào chén tôi. Người Tây có thói quen ăn nhà hàng rất đẹp, họ ăn hết, không sành điệu dở hơi như bên ta, mỗi thứ bỏ lại một ít. Anh chia đều từng đĩa thức ăn còn trên bàn vào chén tôi và chén anh. Nào, mời em.
Tôi không choáng trước hành vi của anh, mà choáng trước từ em vang ra như mệnh lệnh. Tôi bưng chén cơm đưa lên miệng. Cảm giác đã no biến mất, tôi nhai cơm ngon lành trong đôi mắt cười ấm áp của anh.



/ Mời đọc tiếp 33/
Ma Trận Tình/ Tiểu thuyết Nguyễn Nguyên Bảy
VANDANBNN gt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét