Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Đọc tiểu thuyết TÌNH BIỂN(1) của nhà văn Nguyễn Nguyên Bảy



Đạo diễn, Nhà văn Mai An Nguyễn Anh Tuấn,  
SUY NGHĨ NHỎ TRƯỚC MỘT VÙNG BIỂN LỚN

Đọc tiểu thuyết TÌNH BIỂN(1) của nhà văn Nguyễn Nguyên Bảy


“Suy nghĩ nhỏ trước một vùng biển lớn”- Đó là một câu văn trích nhật ký trong “Tình Biển”(1), cuốn tiểu thuyết hơn 300 trang trên giấy đen xì mà sau khi đọc xong tôi cứ phải ngẫm nghĩ mãi, và chợt thấy nó có thể gói gọn được nội dung cuốn tiểu thuyết, cũng như cái lý do chủ yếu để tác giả viết ra nó... Giữa bao bộn bề của cuộc sống vùng biển mang tên thánh Cap Xanh Giắc sau những năm thống nhất Đất nước, nhà văn NNB, vốn là một phóng viên của Đài tiếng nói VN, đã cố gắng bằng văn chương để góp một tiếng nói hữu ích cho chặng đời mới mẻ của nhiều số phận người... Cái “suy nghĩ nhỏ” ấy thực ra hàm chứa biết bao suy nghĩ, trăn trở, dằn vặt, đấu tranh tư tưởng, sự đổ vỡ tín điều cũ, sự hình thành niềm tin mới... của các kiểu/ loại/ thế hệ nhân vật trước một vùng biển lớn đang kêu gọi mỗi con người- bất kể xuất thân từ đâu- cần dâng hiến sức lực, tài năng, trí tuệ cho hạnh phúc của Nhân Dân mình- và đó cũng chính là nguồn cảm hứng lớn của cả cuốn tiểu thuyết.  
Tác giả tỏ ra hiểu biết khá sâu rộng về địa lý, lịch sử, văn hoá thành phố biển này với những ngổn ngang “Tâm sự trước biển”, ngổn ngang “Cảnh ngộ...” với  những “Cơn choáng của tính cách”, ngổn ngang “Những băn khoăn...”  (tên các chương sách); ông mạnh dạn đi vào khám phá những cung cách làm ăn cũ & mới đang chen lấn tranh giành nhau trong lĩnh vực kinh tế biển mà mũi nhọn là khai thác dầu khí, và đồng thời lặn sâu vào “thế giới đại dương” của tâm hồn những con người khi đứng trước biển lớn và trước đổi thay chóng mặt của thời cuộc... Nhà văn NNB dường như đặc biệt hứng thú và có duyên với công việc miêu tả những mối tình, những bí mật của nội tâm, đi tìm tận cội nguồn của những đau khổ & hạnh phúc, đi tìm các nút gỡ cho những băn khoăn về ý nghĩa cuộc sống... Các nhân vật của ông, hầu hết đều là những “con người hiểu cái giá của máu, cái giá của tình bạn và cái nghĩa tao khang vợ chồng” (tr. 213). Và điểm xuất phát của tâm hồn con người trong bối cảnh ấy, theo tác giả- qua tâm tư của các nhân vật chính mà tác giả yêu mến trân trọng, là cần yêu biển- như một thứ thuốc thử ban đầu. “Tâm huyết của mỗi con người đều nằm trong hai tiếng biển gọi ấy” (tr. 185)
Sau 30 năm tròn được in ra, chúng ta thấy ngỡ ngàng khi cuốn tiểu thuyết vẫn giữ nguyên tính thời sự nóng hổi, và dường như còn lấp lánh thêm những ý nghĩa mới mẻ, những đòi hỏi cấp bách từ đáy sâu cuộc sống mà con người thực tại đang vươn tới. Tác giả dành nhiều trang sách miêu tả những suy nghĩ, trăn trở, những cuộc đấu tranh tư tưởng của những Đảng viên thời ấy, chúng chân thực, cảm động, và không hiếm chỗ não lòng; đó là những tâm hồn trong sáng chưa nhuốm tha hoá bởi quyền lực và tiền bạc... Đặt vào bối cảnh hôm nay, trước thực trạng suy thoái trầm trọng của hàng ngũ Đảng viên các cấp - như lời than vãn của không ít nhà lãnh đạo Quốc gia, cái quá khứ chưa xa tím bầm bao dằn vặt song cũng rất đáng tự hào ấy quả là một sự tham chiếu, so sánh đáng kể! Câu chuyện làm ăn, những quan điểm kinh tế- chính trị, v.v. được tác giả khái quát hoá lên thành hai đối cực khá gay gắt: Sự hợp Pháp và Hợp Lý, đặt những cố gắng tìm tòi cùng bao mồ hôi nước mắt lao động trước nguy cơ đổ xuống sông xuống biển! Thái độ dũng cảm xé rào chống lại những quy định giáo điều cứng nhắc, tầm quan trọng của các lực lượng sản xuất tư nhân, hình mẫu của người lãnh đạo, tư tưởng hoà hợp dân tộc, v.v, là những điều mà ngày hôm nay cả xã hội quan tâm, bàn bạc, thì mấy chục năm trước, nhà văn NNB đã nêu ra một cách sắc bén đồng thời giương cao ngọn cờ ủng hộ trào lưu phù hợp quy luật lịch sử. Tác giả, không hiểu vô tình hay hữu ý, qua các tình tiết và số phận đan cài, còn vạch ra giữa muôn vàn quan hệ xã hội đó một mối quan hệ nhân đạo cực kỳ hệ trọng đối với nền sản xuất lớn: đó là quan hệ giưã giám đốc và công nhân theo phong cách người Nhật Bản: “Gốc của cái đạo làm giám đốc là phải xây dựng cho được một tập thể tuyệt đối tin cậy nhau, nhất trí với nhau, cùng thực hiện nhiệm vụ và cùng chịu trách nhiệm. Tin vào cấp dưới của mình. Cấp dưới của mình sai thì cũng chính là mình sai, mình gánh cái sai đó cho họ, đừng bỏ rơi họ trong hoạn nạn.” (tr. 184). Và từ hoạt động của một xí nghiệp xây dựng Dầu khí, nhà văn đã cho nhân vật đúc rút ra cái điều vượt khỏi một cơ sở sản xuất cụ thể: “Bí quyết của người lãnh đạo là tấm lòng đối với người cấp dưới của mình” ( tr. 211).
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, cấu tứ cuốn tiểu thuyết cùng xu hướng phát triển của các số phận đã dẫn đến cái triết lý tối hậu và ẩn sâu trong tác phẩm: “Cái gốc của sự thanh bình là sự hiểu nhau, tin nhau” (tr. 169). Và tác giả muợn lời  thánh Phao Lô, qua tâm trạng nhân vật nữ Thanh Thuý để tô đậm cái triết lý đó: “Dầu tôi có ân tứ nói lời tiên tri, biết đủ các lẽ mầu nhiệm và mọi tri thức, dầu tôi có cả đức tin đến nỗi rời núi được, nhưng tôi không có tình thương yêu thì tôi chẳng ra gì... Bây giờ còn lại ba điều này: Đức tin, Hy vọng, Tình thương yêu mà điều lớn hơn cả là Tình thương yêu”- phải chăng, đó cũng chính là lý do để cuốn tiểu thuyết này ra đời,  cần được đọc và đọc lại, đặc biệt trong những ngày tháng này, khi mà tình thương yêu đang bị truy đuổi tàn sát khắp thế giới, khi tình yêu thương vốn là căn cốt của một dân tộc đang bị lụi tàn đằng sau những luỹ tre cũng đã lụi tàn...
Mặc dù cuốn sách mang cái tên ăn khách, và tác giả đã say sưa mô tả nhiều mối tình như một nhà văn lãng mạn phương Tây thế kỷ XIX khiến người đọc phải mê mẩn, nhưng “Tình biển” lại không hề mang chút bóng dáng của một tiểu thuyết diễm tình, ngôn tình, bởi cái hàm lượng tư tưởng và sức nặng của chúng được dồn nén trong đó. Một khát vọng cháy lòng của nhà văn là “Những tư duy lớn gặp nhau” (tên một chương sách)- gặp nhau trong cung cách làm ăn kinh tế đứng đắn hợp quy luật, và trong cách ứng xử của người lãnh đạo đối với những người giàu tâm huyết, có tài năng, có như vậy mới mong vượt khỏi vũng lầy để dám vươn ra biển lớn. Nhân vật thanh tra Tấn bị rạn nứt tín điều cũ kỹ, rồi bắt đầu tỉnh ngộ đau đớn trước thực tế cuộc sống ngồn ngộn và đầy tình người, khiến chúng ta không thể không liên tưởng tới nhân vật thanh tra Giave của Victor Hugo trong tác phẩm vĩ đại “Những người khốn khổ”... Những ý nghĩ của tác giả, những cuộc đấu tranh tư tưởng của nhân vật được miêu tả trong các mối quan hệ con người sinh động đã giúp cho “Tình biển“ không biến thành cuốn tiểu thuyết luận đề. Mọi lời thoại của nhân vật lẫn lời độc thoại nội tâm lẫn vào những suy tư của tác giả, chúng trĩu nặng những chiêm nghiệm, khắc khoải, âu lo, trăn trở, và đặc biệt là, dường như đều “có tính chất tự thú”, và tạo nên”sự thống nhất một giọng điệu của tác phẩm” (các khái niệm thi pháp học của M.Bakhtin)(2) Nhà nghiên cứu văn học này đã viết như sau: “Ý nghĩ của con người chỉ trở thành ý nghĩ đích thực, tức là trở thành tư tưởng trong điều kiện tiếp xúc sinh động với ý nghĩ của người khác, được thể hiện thành tiếng nói khác... Tư tưởng đã được sinh ra và sống chính ở điểm tiếp xúc của tiếng nói-ý thức này”(3) Tiểu thuyết “Tình biển” có thể nói là một trong những dẫn chứng khá tiêu biểu cho văn học ta thời Đổi mới để góp phần khẳng định những luận điểm trên của nhà bác học Nga lỗi lạc, và chính giá trị tư tưởng của tác phẩm khiến nó có sức sống lâu bền trong lòng người.

1.NXB Tổng hợp Kiên Giang, 1987
2. M.Bakhtin, Những vấn đề thi pháp  Đôxtôiepxki (Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Tí
Nhàn dịch)- NXB Giáo dục HN-1998- tr.226, tr.88
3. Sđd, tr. 92.

Đạo diễn, nhà văn Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Tác giả gửi bài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét