Thứ Ba, 23 tháng 1, 2018

NGUYỄN NGUYÊN BẢY ĐÊM CHẲNG RIÊNG AI - TIỂU THUYẾT/ Chương 16

 

Tìm thấy ở Thư viện Mỹ
WASON PL 4389 .24 N578 D3

CORNELL UNIVERSITY

LIBRARIES

ITHACA, N.Y.14853

John M. Echols

Collection on Soucheast Asia

JOHN M OLIN LIBRARY


ĐÊM CHẲNG RIÊNG AI - TIỂU THUYẾT

Nhà xuất bản Thanh Niên - Hà Nội 1987

NGUYỄN NGUYÊN BẢY


MƯỜI SÁU

HÒA NGỒI XUỐNG GHẾ XA LÔNG MÀ NHƯ MUỐN NÓI: ĐÂY LÀ ĐÂU? MỘT CÂU HỎI KHÔNG ĐƯỢC GIẢI ĐÁP NGAY. NGƯỜI CHỦ NHÀ, ANH CHÀNG TO CON, RẤT NIỀM NỞ ĐÓN HÒA. CÒN DIỆU CẦM THÌ NHANH CHÓNG KÉO ANH TA VÀO PHÍA SAU VÀ NÓI MỘT CÁI GÌ ĐÓ.
Căn phòng lạ hoắc, chống chếnh những bức tranh sơn mài trên tường và bộ xa lông phô tơi khá lịch sự. Hòa dán mắt vào những bức tranh. Ba cô gái trong bộ tranh tam bình, tượng trưng cho ba miền Bắc-Trung-Nam. Cô gái Bắc chít khăn mỏ quạ, mình vận áo tứ thân. Cô gái Trung thon thả trong chiếc áo dài cao cổ và trên đầu nghiêng nghiêng chiếc nón bài thơ. Cô gái Nam yểu điệu trong chiếc dù và chiếc áo dài không cổ. Bức tranh khác vẽ một cánh đồng lúa chín. Buổi chiều, hoàng hôn đỏ lừ, đứng cạnh màu vàng rũ của lúa chín bay trong gió. Bức tranh khác: Một chiếc thuyền câu, đêm trăng. Hòa chạnh nghĩ, căn cứ vào những bức tranh này thì chủ nhân cũng là người chuộng phong cảnh dân dã, bình lặng của xóm làng Việt Nam. Ý nghĩ ấy khiến Hòa dễ chịu hơn trong phòng khách lạ.
Chủ nhà đẩy chiếc Honđa ra cổng sau câu chào đầy ý nghĩa với Hòa. Câu chào như muốn nói: Anh cứ tự nhiên. Chủ nhà đi rồi, Diệu Cầm quay lại, ngồi xuống sát cạnh Hòa ngả đầu vào vai Hòa giọng nói rất bâng quơ.
- Anh ta tên là Mã, bạn của con bạn em. Anh ta đi kêu bạn và tiện thể mua một ít đồ nhậu. Tối nay chúng ta sẽ làm một cái bai nhỏ.
Thấy Hòa vẫn im lặng, Diệu Cầm ngồi dậy, hai bàn tay cô ôm lấy mặt Hòa.
- Em đã nói đừng có nghĩ ngợi gì hết, trên đời này coi như không có chuyện công trường. Chỉ có chuyện hai đứa mình thôi, đúng không anh?
- Em đưa anh tới đâu thế này?
- Em đã nói nhà một người bạn.
- Em hay tới đây lắm phải  không?
- Đừng có nghĩ lung tung đó nghe. Mã là bồ con nhỏ Thu. Em phải thương lượng mãi, tụi nó mới dành cho chúng mình không gian này, chiều nay. Vậy mà…
- Anh cảm thấy xa lạ quá.
Diệu Cầm nhoẻn cười:
- Rồi sẽ quen ngay mà anh.
Hòa gượng cười. Hai người cứ ngồi như thế, câm lặng bên nhau, rất lâu. Hòa nghe rất rõ từng hơi thở mạnh gấp của mình.
Những điều mà có lúc mình thèm muốn nơi Thu Nga mình đã không đi được tới đích. Thu Nga có cái gì đấy  khác hẳn, cũng nụ hôn, nhưng nụ hôn có tư duy, chầm chậm và đọng lại vị thơm thoảng của ngây ngất, của thiêng liêng. Và chính Hòa, Hòa không dám đi xa hơn cái hôn ấy. Cái hôn mà Hòa nghĩ có dư âm, bởi sau đó, rất lâu, co 1the63 là một đêm, một ngày, hoặc cả tuần, còn thấy lâng lâng hương vị.
Diệu Cầm chừng như không chịu nổi sự im lặng, kéo vai Hòa lại và câu hỏi pha một chút hờn giận:
- Anh có yêu em không?
Hòa khép miệng Diệu Cầm bằng nụ hôn đầy. Lúc này anh chán ngắt tất cả những trò ngôn ngữ. Nói cái gì đây khi em đã trong vòng tay anh. Hai da thịt đã sáp kề nhau. Mà có nói thì cũng là những lời lẽ đã biết cả rồi. Tốt nhất là chúng ta yêu nhau.
Hòa khẽ lần ngón tay ra phía sau lưng Diệu Cầm. Móc cài chiếc áo lót bật ra. Hòa không còn làm chủ được hành động của mình nữa. Tất cả những gì thơ văn đã tả đều chưa dẫn Hòa tới gần hiện thực, khi trước mắt Hòa là vầng trăng, là nhụy hoa, là cung đàn. Hòa hôn rất lâu bộ ngực hơi khép lại trong e thẹn của Diệu Cầm.
- Thôi đừng anh…
Một câu phản đối yếu ớt. Gọi là phản đối cũng không đúng, đó là tiếng gọi mời, Hòa thấy vô lý nếu mình không chiếm đoạt tất cả. Chiếc ghế dài xa lông hình như còn rộng cho một đôi… Họ như quên tất cả, lặng đi trong hoan lạc.
Cả đến tiếng chuyển động rất nhỏ của tiếng đồng hồ đeo tay họ cũng nghe rõ. Và chính tiếng chuyển vận của thời gian ấy đã gọi họ trở về thực tại.
- Mặc quần áo vào cho em đi. Chúng ta cần nói chuyện nghiêm túc, còn nếu như chỉ cần trao cho  nhau như  một kỷ niệm, thì như thế đủ rồi…
Diệu Cầm lấy con dao nhỏ trên bàn, cắt ngang từng trái chôm chôm, lột nửa vỏ, còn nửa cầm tay đưa cho Hòa. Cô thản nhiên đến lạnh lùng. Hòa không hiểu nổi con người này là thế nào mà chỉ ít phút trước đây thôi làm anh mê mệt trong hoan lạc, bây giờ đã thản nhiên trước một cảm xúc rung người.
- Hôm mới rồi em đi Lái Thiêu với xấp bạn. Không hiểu sao, sắp đi xa, em chỉ thích ăn trái cây, như là ăn nhiều để rồi sau này nhớ. Cũng như với anh, chúng ta vui với nhau tận cùng để rồi nhớ nhau mãi mãi…
- Có nghĩa là em chỉ muốn đùa vui, chỉ muốn coi đây như một kỷ niệm.
- Biết làm sao khác được khi chính anh muốn vậy. Em như con chim sắp bay đi, còn anh, anh không muốn rời cái tổ của mình…
Diệu Cầm đột ngột bỏ trái chôm chôm đang gọt nơi tay, ôm lấy Hòa, xúc động:
- Nghe em đi anh, anh sẽ có tất cả. Chúng ta sẽ có tất cả, chỉ cần anh bằng lòng đi với em. Anh thử nghĩ coi, cái thành phố này có còn là của anh nữa không, cái công trường mà anh hằng yêu mến có phải dành cho anh không? Anh là một kỹ sư, anh có thể làm được nhiều điều khác, lớn lao hơn và cuộc sống của chúng ta…
Hòa cắt ngang câu nói của Diệu Cầm bằng một nụ hôn. Và sau đó lại là sự im lặng.
Diệu Cầm vẫn tiếp tục năn nỉ:
- Chỉ cần anh thực sự yêu em, thực sự muốn đi với em là mọi sự trở nên tốt đẹp. Chúng ta sẽ làm thủ tục đi chính thức. Trong thời gian chờ đợi, chúng ta sẽ sống bằng viện trợ, anh khỏi phải bận tâm về kinh tế, về cái công trường chết tiệt đó nữa… Trả lời em đi anh…
- Nếu anh muốn đi, anh đã nói chị gái anh bảo lãnh cho rồi…
Diệu Cầm bậm môi, cố nén dòng nước mắt.
- Em hiểu. Thì ra anh không yêu em.
Tiếng chuông cửa. Chủ nhà và một cô gái đẩy chiếc Honđa với hai giỏ nặng vào sân.
Diệu Cầm trở nên nhanh nhẹn một cách dễ thương.
- Các vị làm quen với nhau nghen. Đây là anh Hòa, bạn ruột của mình. Còn đây là anh Mã, và đây là Thu. Nói chung là bạn bè của nhau, yêu nhau.
Tất cả cùng cười vui vẻ.
Diệu Cầm và Thu xách hai giỏ nặng vào phía sau. Nghề của các nàng. Cần làm gấp cái gì đó để nhậu và để vui. Mã hơi nặng nề với cái bụng, ngồi một đống xuống chiếc ghế xa  lông.
- Các bạn vui vẻ chứ?
- Cảm ơn anh.
- Sợ nhất là nỗi buồn. Vì thế lúc nào chúng ta cũng phải vui vẻ. Vui vẻ sống lâu  mà. Tôi là một bác sĩ, tôi ngẫm điều đó hoàn toàn với ý nghĩa khoa học. Người anh em ạ, từ ngày giải phóng đến nay, tôi thường trực hai nỗi sợ. Thứ nhất là sợ buồn. Thứ hai là sợ thời gian trôi. Tôi đọc anh nghe một đoạn viết về thời gian trên một tờ báo, - Mã rút tờ báo đã hơi nhàu dưới gầm chiếc bàn nước, mở rộng, và đọc. – Trung bình cứ một phút, trên thế giới có 108 người chết và 114 công dân mới ra đời. Cũng trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, nhân loại đã tiêu thụ hết hai triệu chín trăm ngàn lít nước uống. Khi ta lơ đãng nhìn lên bầu trời mà mơ mộng thì mỗi phút đã có hơn sáu ngàn thiên thạch rơi vào khí quyển trái đất, và trái đất di chuyển được một đoạn đường theo quỹ đạo mặt trời là một ngàn bảy trăm năm mươi cây số. Trong một phút, ba mươi cơn giông bão hoành hành và mưa rơi xuống bề mặt lục địa một lượng nước bốn trăm mét khối, còn những con sông của hành tinh chúng ta mang vào biển và đại dương ba mươi lăm ngàn tấn nước ngọt và bùn. Cũng trong một phút, Liên Xô khai thác được hơn một trăm chín mươi tấn quặng sắt, hai trăm sáu nhăm tấn dầu. Giả sử mỗi công nhân Liên Xô mỗi người chỉ lãng phí một phút của thời gian làm việc trong một ngày, thì Nhà nước sẽ thiệt hại mỗi năm năm mươi triệu rúp. Số tiền đó có thể xây dựng được trên mười ngàn căn nhà ở. Chỉ cần lãng phí một phút thôi đã thiệt hại như thế, còn chúng ta, có bao giờ thấy tiếc đã lãng phí vài mươi phút trong ngày? Có khi còn lãng phí cả tiếng đồng hồ, cả ngày trời và thậm chí cả cuộc đời nữa… - Mã ngưng đọc, nhìn Hòa gương mặt méo xẹo, buông một tiếng thở dài nào ruột. – Vậy đó anh bạn. Chúng ta không chỉ lãng phí một phút, chúng ta đã lãng phí cả một đời.
Hòa nhìn rất lâu vào gương mặt Mã, một cái gì đấy vừa khó chịu, vừa khó hiểu dâng nghẹn trong lòng Hòa. Mãi sau, anh mới lên tiếng hỏi:

- Anh hối tiếc? Nhưng cái đó do anh hay do xã hội?
- Câu hỏi không trên bình diện chính trị đấy chứ? Nếu là chính trị thì tôi xin phép không trả lời, vì như vậy chúng ta dễ hiểu lầm nhau. Còn trên quan niệm bè bạn, thì tôi xin nói thẳng với bạn rằng, tôi là một người yêu nước, yêu nước không phải bằng cái miệng, mà bằng hành động, tôi đã từng du học ở Tây Đức, và đã nhất quyết xin về Việt Nam, tôi về nước được chừng năm tháng thì giải phóng. Giải phóng rồi, tôi vẫn không chịu đi di tản bởi với tôi, đã quá đủ kinh nghiệm để hiểu thế nào là con người sống không có Tổ quốc, nhưng Tổ quốc đã chờ đón tôi như thế nào? Người ta đưa tôi vào một bệnh viện làm việc, nơi tôi chỉ được cư xử như một thầy thuốc ngụy, ngụy từ đầu đến chân và với đồng lương mà nếu tôi chỉ sống cho bản thân mình với chế độ ăn gạo và nước mắm thì tôi cũng sẽ chết ngay sau năm ngày. Con người ta sinh ra ở đời có khối óc để nghĩ, có trái tim để yêu, nhưng còn có cái dạ dày để nghiền thức ăn. Tôi không thể chỉ sống bằng tim và óc. Sự phi lý có thể chấp nhận, nếu như phi lý ấy là một ngày hay một tuần, cùng lắm là một năm, đằng này sự phi lý kéo dài mãi, dường như không biết lúc nào chấm hết. Tôi không đủ ngay cả để ăn mà sống, thì sao tôi có thể làm việc và nghiên cứu khoa học. Tôi không có gì hiềm thù chế độ, tôi cũng chẳng thù oán với ai, nhưng tôi là một con người bình thường. Tôi cần phải sống. Vì thế tôi không thể làm ở bệnh viện, tôi phải làm một nghề khác, chẳng hạn như nghề ép vỏ xe Honđa, để sống, mà như thế có nghĩa là tôi đã chết, chết cả cuộc đời, chứ không phải một phút hay một ngày. Vì thế, tôi rất tiếc cho cuộc đời mình, tiếc mà phải rứt ruột ra đi, bần cùng phải làm một kẻ không có Tổ quốc. Tôi có nghe Diệu Cầm nói về anh bạn, tôi biết là anh bạn không phải loại người bi quan lạc hậu như tôi. Tôi m ừng là anh bạn có được điều đó. Tôi không dám đi sâu vào cuộc sống và suy nghĩ của anh bạn, bởi đó là quyền của mỗi người.
Hòa lặng người, anh cảm thấy mình chẳng có gì để nói nữa, với con người đầu óc đã đặc những ý nghĩ u tối, thì anh không có khả năng để tranh luận. Anh hỏi một câu thật ra rất bâng quơ.
- Anh sắp đi?
- Tôi cứ phân vân mãi, bao nhiêu lần muốn đi, rồi lại không đi, nhưng bây giờ thì chắc phải đi. Hai ba năm nữa. Vì tôi cũng mới nạp hồ sơ xin xuất xảnh. Cứ tình trạng này không biết đến khi nào đất nước này mới hết người xin đi xuất cảnh. Sáu, bảy năm rồi còn gì, thế mà người ta vẫn cứ sống bằng viện trợ nước ngoài và chờ xuất cảnh. Người này đi, bảo lãnh cho người khác đi, anh bạn có nghĩ như vậy không, một làn sóng người lan mãi, lan mãi… Lãng phí không biết bao nhiêu sức của, sức người.
- Tôi không rành về lĩnh vực này lắm, nhưng tôi nghĩ mỗi con người có một lựa chọn nhập cuộc. Chính anh vừa nói anh đã sống ở nước ngoài bao nhiêu năm để hiểu cái nghĩa đau đớn của cuộc sống không có Tổ quốc, thế mà anh lại chọn lại con đường đó.
- Tôi rất khổ tâm khi nói với anh bạn về con đường sắp tới của mình. Đó là một nhục nhã. Nhưng nếu tôi ở lại đất nước này, ngoài công việc chuyên môn ra, tôi không muốn làm một nghề gì khác, như vậy tôi có sống được không? Một tháng lương của tôi chỉ đủ mua một ký thịt. Tôi quên chưa nói với anh bạn, nghề ép vỏ Honđa sớm hay muộn cũng đưa tôi vào nhà đá. Vì muốn sống được bằng cái nghề đó, tôi phải bất lương, tôi phải phạm pháp. Tôi còn con đường nào khác?
- Nhưng anh không thấy bao nhiêu người đã sống được.
- Anh chỉ cho tôi một người chỉ sống đơn thuần bằng đồng lương, với mức lương một bác sĩ như tôi 200đ, tôi sẽ chỉ cho anh thấy những chỗ anh ta phạm pháp. Tôi cho anh một so sánh, lương một bác sĩ như tôi, nếu ở Mỹ là 2000 đô. Mà 100 đô giá noa (chợ đen, chui) hôm nay là mười bốn ngàn. Đấy là chưa kể với lương của mình, tôi còn phải nuôi mạ già và vợ con.
Diệu Cầm và Thư đã mang lên những đĩa lớn thức ăn, thịt vịt quay, chả lụa, bánh mỳ xăng uýt, trái cây. Sự có mặt của hai cô gái đã kết thúc câu chuyện mà xem chừng nếu có thể nói, người ta sẽ còn nói mãi được với nhau.
Hai chai rượu được mở ra. Mã bụng khệ nệ lên lầu, mang xuống chiếc đài cát xét Nhật, mô-đen mới. Một giai điệu nhạc nhè nhẹ nổi lên. Tất cả ngồi xuống xung quanh bàn. Nâng cốc.
- Chúng ta có cần phải nói lý do không? – Thư hỏi mọi người vui vẻ.
- Khỏi, - Diệu Cầm xua tay.
- Dù sao cũng mừng quen nhau.
Câu nói của Thư được tán thành. Hòa từ từ cụng ly của mình vào ba ly của người có mặt.
Cuộc sống ở thiên đàng mà họ sắp tới và đang khao khát tới là như thế này đây. Yêu nhau rồi ăn, rồi nhảy, rồi lại yêu nhau. Không có cuộc sống như thế này, cuộc đời của họ hoàn toàn vô nghĩa. Hòa chợt thấy trong óc mình hiện lên lộn xộn cảnh công trường, những giàn giáo ngổn ngang, những tiếng động của xe máy, những cốt bê tông, những hàng gạch đỏ, những giàn vì kèo sắt, những tiếng nói cười thợ thuyền. Hòa thấy mình hoàn toàn xa lạ với cảnh sống này. Nhưng Hòa vẫn ngồi im lặng. Giai điệu nhạc phát ra từ băng cát xét vẫn rủ tâm hồn bay lang thang như mây, như gió. Những cái miệng nhai nhồm nhoàm. Những tiếng cười từ đâu lạc về. Đầu Diệu Cầm tựa vào vai Hòa. Mái tóc cọ lên má mùi thơm nước hoa. Đôi trai gái trước mặt Hòa đã đứng dậy, họ không cân xứng với nhau, Mã bụng còn Thư nhỏ teo. Họ ôm nhau nhảy theo điệu nhạc.
- Sao anh cứ buồn buồn vậy?
- Đâu có.
- Bộ mặt anh tố cáo hết à.
- Chắc là bộ mặt anh đáng ghét lắm phải không? Nó đang mơ màng mà em.
- Mơ màng về gì?
- Về mộ xứ sở nơi chúng mình lạc lõng.
- Anh thật kỳ. Mình nhảy nghe anh.
- Trời ơi, anh đâu biết nhảy. Anh vẫn quê một cục mà em.
- Em dạy anh.
- Khi khác được không? Bây giờ anh muốn ngồi bên em như thế này.
Diệu Cầm với hai miếng xăng uýt kẹp chả lụa, quết bơ rồi đưa cho Hòa. Hòa đón một cách hờ hững.
- Ước gì chúng mình được bên nhau mãi mãi như thế này.
Hòa cắt ngang ý nghĩ mộng mơ của Diệu Cầm.
- Anh muốn ra ngoài một lát. Anh đi mua thuốc lá.
- Có thuốc lá đây mà anh.
Diệu Cầm vừa nói vừa với tay lấy gói thuốc lá Capstan. Lấy một điếu, châm lửa đốt rồi đưa cho Hòa.
- Anh thấy trong người khó chịu quá. Cảm giác ngột ngạt của người muốn ói.
- Hay ta ra hành lang đi dạo một chút được không anh?
Diệu Cầm kéo Hòa đứng dậy, cả hai đi ra hành lang.
- Anh với Mã vừa nói chuyện gì vậy? Không thông cảm được với nhau phải không?
- Cũng chẳng có chuyện gì. Nhưng anh cảm thấy xa lạ với không khí này.
- Tại anh chưa quen đấy thôi.
- Có lẽ không bao giờ anh quen được. Yêu, rồi ăn, rồi nhảy, rồi yêu. Tất cả chỉ có vậy.
- Anh bị đầu độc nặng quá rồi.
- Điều đó nói về em mới đúng.
- Thôi chúng mình đừng tranh cãi nữa. Ở bên kia, cuộc sống của chúng mình sẽ suốt đời như thế này, không phải bận tâm đi nhảy, như vậy chẳng sung sướng hơn sao anh?
- Sung sướng lắm.
- Chúng mình sẽ được hưởng tất cả những thành quả của văn minh nhân loại. Và điều quan trọng hơn hết là chúng mình mơ về cuộc sống ấy.
- Cầu cho giấc mơ của em đẹp mãi.
- Giấc mơ của hai chúng mình chứ anh.
- Không. Anh không mơ thấy những giấc mơ ấy.
- Vậy là sao anh?
- Anh không muốn lừa dối em…
Diệu Cầm sững lại trong một thoáng. Cô nhớ lại tất cả và hiểu tất cả.
- Có nghĩa là anh!!!
- Anh không muốn dối trá. Hình như giữa chúng mình không phải là tình yêu. Ý nghĩa cuộc sống mà chúng mình theo đuổi khác hẳn nhau. Vì thế, có lẽ sự chia tay là đúng nhất. Em cho anh xin lỗi về tất cả. Cho anh gửi lời chào các bạn của em.
Hòa đi nhanh về phía cổng. Diệu Cầm sững người. Cô ngẩng đầu định gọi với theo. Nhưng cô đã không làm thế, cô ngồi xuống bệ cửa hành lang. Hòa mở cổng ra rất nhanh. Tiếng nhạc vẫn đuổi theo anh, trong tâm trí. Anh cúi đầu cố xua đuổi và đi thẳng.

Diệu Cầm không chờ một kết thúc như thế. Cô quay vào phòng, uống liền một hơi hai ly rượu và ngồi xuống chiếc ghế xa lông. Mã và Thư vẫn đang nhảy. Lúc này hình như với họ chẳng còn gì quan trọng nữa. Họ như quên tất cả, quấn vào nhau như hai con rắn.

/ Mời đọc tiếp chương 17/  

Tìm thấy ở thư viện Mỹ
WASON PL 4389 .24 N578 D3
CORNELL UNIVERSITY
LIBRARIES
ITHACA, N.Y.14853
John M. Echols
Collection on Soucheast Asia
JOHN M OLIN LIBRARY

ĐÊM CHẲNG RIÊNG AI - TIỂU THUYẾT
Nhà xuất bản Thanh Niên - Hà Nội 1987
NGUYỄN NGUYÊN BẢY


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét