Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

NGUYỄN NGUYÊN BẢY Tiểu thuyết GIỌT ĐẮNG/ Bốn.5


NGUYỄN NGUYÊN BẢY

Tiểu thuyết
GIỌT ĐẮNG
(In 20.000 cuốn, khổ 13x19 tại Xí nghiệp in tổng hợp (Liksin), 64 Tôn Thất Tùng, Quận 1, Tp HCM. Gp số 86/CV ngày 18.8.1987. Lưu chiểu 12.1087.)

Bốn.5

Đô cứ đi chống chếnh, chống chếnh ngay trên đôi chân của mình, đất dưới chân cứ bở tơi như những cục đá vôi gặp nước. Một cái gì đó như là một bi kịch không lời xô đẩy lúc lắc trái tim. Đô muốn quên tất cả mọi chuyện. Đô đã chán lắm rồi, những nhân vật mà Đô yêu mến, Đô theo dõi số phận của họ từ nhiều năm nay, bỗng như chim bay mất, người không bay được thì như bị hụt hơi, phồng phềnh, méo mó cả gương mặt và tâm hồn. Cái gì đã xảy ra với họ? Những trái tim bị nhồi máu. Chứng bệnh tim nay tuyệt nhiên không dễ gì chữa khỏi. Đô là một nhà văn, nhưng Đô không chữa được những chứng bệnh thuộc phạm vi tâm hồn. Đô không thể bắt họ tuân theo những ý nghĩ chủ quan của mình. Đô bất lực.
Phải chi, bây giờ ở Sài gòn,ít nhất Đô cũng có hai nơi để chạy trốn nỗi bất lực của mình. Đô sẽ chạy tới nhà Thu Thủy và khẩn khoản Thu Thủy ngồi vào đàn. Vừa nghe tiếng đàn của cổ, vừa ngắm cổ, có lẽ mọi rối rắm trong lòng sẽ tự hủy diệt. Tiếng đàn Thu Thủy chưa phải tuyệt, nhưng điệu bộ của cổ, và nhất là cái dáng vẻ tự mình chiêm ngưỡng mình của cổ thì ngay đến nghệ sĩ thứ thiệt cũng hiếm có. Chỉ có điều, sau khi nghe đàn của Thu Thủy, thì nhất thiết câu chuyện phải được đề cập đến sẽ là tiếng đàn. Cổ có hai cái thú. Một là nghe bình luận về âm nhạc, tất nhiên với những lời khen ngợi cổ. Hai là bình luận về sự mát tay trong y học. Cổ vẫn tự cảm thấy mình có một bàn tay rất mát. Dù có phải bình luận về hai điều đó, thì cũng thú vị. Đô chấp nhận. Nếu Thu Thủy không có nhà, hoặc đang phải trực ở bệnh viện, thì Đô sẽ rẽ qua nhà Thương Thương, đưa cổ ra quán cà-phê Vườn, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ngồi bên cổ nghe cổ nói. Sẽ rất thích khi cổ trộn chuyện đời vào chuyện đạo, trộn chuyện tình bạn vào chuyện tình yêu và một phát hiện mới nhất Đô gặt hái được trước khi đi công trường là Thương Thương rất sành văn học nghệ thuật. Tranh luận những điều này với cổ sẽ có nhiều mới lạ. Nhưng Đô hiện không ở Sài gòn, trước mặt Đô vẫn là con suối, bên cạnh Đô về phía tay phải là vùng đất người ta đang sắp mở công trường. Và bây giờ, dù thế nào chăng nữa, thì Đô vẫn cứ phải đi tìm anh chàng tiến sĩ Lê Khôi.
Đô sẽ phải nói với anh ấy như thế nào, khi chính lòng Đô đầy những điều bất ổn. Không cần nói gì cả, chỉ cần ngồi bên anh ấy, chia xớt nỗi cô đơn của anh ấy, và nghe anh ấy. Anh ấy ngồi bên bờ suối, thật xa khu lán chỉ huy, im lặng như một tảng đá, thỉnh thoảng anh ấy lại ném một hòn sỏi nhỏ xuống suối. Tiếng động do anh ấy gây ra chìm nghỉm trong một nháy mắt. Gió rừng và lá rừng không hề chia sẻ với anh ấy nỗi trống trải u buồn, chúng vẫn vô tư trong tiếng hò reo của mình. Đô ngồi xuống bên anh ấy, bắt chước anh ấy cũng ném viên sỏi nhỏ xuống suối. Một lúc lâu sau đó, anh ấy thốt lời, tưởng như là nói với Đô, mà thực ra là nói với chính mình.
-Dã tâm của bọn ngoại bang là dã tâm lang sói.
Đô chỉ nghe mà không đáp lời. Anh ấy cũng chẳng để ý tới điều đó. Sau khi ném một viên sỏi xuống nước, anh quay về phía Đô, cái nhìn mệt mỏi.
-Nhà văn quê ở đâu?
Đô bứng mình ra khỏi dòng tư duy nặng trịch. Đô không còn là Đô trong thế giới nội tâm của mình. Đô trở lại với con người hiện tại của mình. Anh trả lời khô khốc:
-Hà nội.
Lê Khôi lập lại câu nói khi nãy.
-Nhà văn ạ, dã tâm của bọn ngoại bang là dã tâm lang sói.
- Tôi chưa hiểu ý anh.
- Sau khi xâm chiếm nước mình, giặc Pháp đã dùng ngay đối sách để chia chính trị. Chúng chia nước mình ra làm ba Kỳ, khai thác triệt để những ưu, nhược của đồng bào mỗi kỳ, dèm pha, bôi nhọ, kích động Đồng bào mình, nhiều năm sống dưới ách cai trị của chúng, đã bị nhiễm chính cái sự hiểm độc đó. Nhân dân mình cùng một giống Lạc Hồng, cùng một bọc sinh ra, vậy mà trở nên hiềm thù nhau, chỉ bởi người ở Bắc Kỳ, người ở Trung Kỳ và người ở Nam Kỳ. – Anh thở dài. – Gia đình tôi của khởi đầu với bi kịch đó. Ông bà ngoại tôi đã không chấp nhận ba tôi, chỉ bởi ba tôi là con trai Bắc.
Lê Khôi lại ném một hòn sỏi xuống suối. Đô đang cố hình dung cảnh ngộ gia đình giáo sư, khi đó, bi kịch tới mức nào, nhưng anh không hình dung nổi.
-Ba tôi kể lại, - Lê Khôi tiếp tục câu chuyện của mình, - Hồi nhỏ ổng rất ham coi đá banh. Nhưng rồi ông đã từ bỏ hẳn ý thích đó, chỉ bởi, sự phân biệt Bắc Nam thật bỉ ổi diễn ra ngay trên sân banh. Trận đấu hôm ấy ông xem là trận đấu giữa đội tuyển Bắc Kỳ và đội tuyển Nam Kỳ. Trên sân, do một vô ý nào đó, một cầu thủ bị chèn ngã là cầu thử người Nam, bèn la ó: “Bọn Bắc Kỳ đá láo. Đánh bỏ cha bọn Bắc Kỳ đá láo”. Nhưng người cầu thủ bị chèn ngã trên sân đã lồm cồm bò dậy, thì ra không phải cầu thủ Nam Kỳ bị ngã, mà người ngã chính là một cầu thủ Bắc Kỳ. Nhiều tiếng la ó lại nổi lên trên khán đài. “Đá chết cha thằng Bắc Kỳ. Đ.M. đá chết cha thằng Bắc Kỳ”…
Lê Khôi lại ném hòn sỏi xuống suối.
-Sau này, thằng Mỹ cũng đục khoét vào những mâu thuẫn vô hình đó. Chính mắt tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu trận ẩu đả giữa thanh niên Nam và thanh niên Bắc sau ngày năm tư, người Bắc di cư vào Nam. Khắp nơi, nổi lên những câu đồng dao cửa miệng của trẻ nhỏ: Bắc Kỳ ăn cá rô ty. Ăn nhằm lựu đạn chết cha Bắc Kỳ…
Đô cắt ngang lời Lê Khôi.
-Anh muốn nói là bây giờ nạn phân biệt Nam Bắc vẫn làm đau lòng mỗi người chúng ta?
Lê Khôi cười gượng.
-Bây giờ chẳng những còn những phân biệt Bắc Nam, lại cộng thêm những phân biệt cách mạng với ngụy. Nếu mỗi người chúng ta không ý thức được điều này, thì chính chúng ta đã bị mắc vào dã tâm hầm chông cạm bẫy của ngoại bang. Chúng nó chẳng bao giờ muốn dân tộc ta kết thành một khối đồng bào.
Đô muốn giải thích cho Lê Khôi hiểu những điều anh học được qua sách báo, qua các lớp học chính trị, về chủ trương đường lối đoàn kết dân tộc của Đảng và nhà nước. Nhưng anh đã không nói được, bởi chính anh cảm thấy mình giáo điều, chỉ nói ra những lời sách vở, còn thực tế bên ngoài bao nhiêu điều chua chát đập vào mắt anh.
Một hiện thực đau lòng. Một tồn tại khách quan. Lịch sử. Chính kiến. Đô cười thầm, nếu mình nói ra những điều này có thể Lê Khôi sẽ không thể nào hiểu nổi mình là nhà văn kiểu gì, chủng loại nào. Chẳng có gì dơ dáy cho bằng, nhà văn chẳng có chính kiến riêng, chỉ biết sao chép cuộc sống một cách vụng về, rồi tô lên đó những nước sơn chính trị, những đường lối, chính sách được coi như một nguyên lý bất di bất dịch. Nhưng mình chẳng thể nói khác, cũng chẳng thể viết khác, bởi, hai bữa ăn là mối đe dọa vật chất hàng ngày, và còn bởi, những chiếc mũ, những thành kiến, những cuộc ém quân sẵn sàng phản kích ngòi viết của mình. Chưa biết chừng, họ còn choàng cả lên đầu chiếc nón chính trị, tư tưởng thì sự hiểm chưa biết đâu mà lường. Vậy thì tốt hơn hết đừng viết văn nữa. Đi bơm xe có lẽ đời sống bảo đảm hơn và công an khu vực cũng chẳng có lý do gì để hạch hỏi anh cả. Không thể. Lương tâm mình đáp lời. Mình đã chọn nghề viết văn và muốn hiến dâng tất cả cuộc đời cho công việc đó. Vậy thì, trái tim anh hãy đập với nhịp đập đời sống của các nhân vật của anh. Vâng, có lẽ phải vậy, tôi đang lắng nghe tiếng đập của những trái tim ấy.
-Anh có định viết một cuốn sách về đề tài này không?
Đô gật đầu.
-Tôi định viết về anh và chị Hoàng Yến.
Lê Khôi cười rũ. Đô hơi choáng, anh chẳng hiểu vì sao Lê Khôi lại cười. Mặt Lê Khôi đỏ tía dần như con gà sau khi dứt hồi gáy.
-Nếu được phép góp ý với anh, thì tôi muốn anh đừng viết về tôi. Tôi nói thật đấy. Mọi thứ chủ nghĩa, mọi thứ tập tục, thói quen cũng đều do con người định ra. Duy có một thứ là con người không thể đặt ra được, đó là số phận và tình yêu. Tôi yêu đất đai xứ sở mình, tôi yêu Hoàng Yến. Không một mảnh đất giàu sang nào, không có một cô gái xinh đẹp nào trên cõi đời này có thể thay thế cho quê hương tôi, thay thế được Hoàng Yến của tôi. Nhưng quê hương đã chối bỏ tôi và Hoàng Yến cũng đã chối bỏ tôi…
- Chẳng lẽ anh bi quan đến thế sao?
Lê Khôi ném một viên sỏi xuống. Cười.
-Tôi không phải hạng người sống bi quan yếm thế, nhưng bây giờ rõ ràng tôi đã thật sự bi quan, - Lê Khôi đưa mắt nhìn Đô, lái sang chuyện khác, - Tôi hỏi thiệt nhé, quan hệ giữa anh và em gái tôi thế nào?
- Tại sao anh lại hỏi tôi như vậy?
- Vì Thu Thủy là em gái tôi.
- Chúng tôi chỉ mới quen biết nhau, chưa coi nhau là bạn, càng chưa thể gọi là thương nhau.
- Thiệt sao?
- Vâng.
- Cảm ơn anh. Tối hôm chuẩn bị lên công trường, hình như nó có ý chờ điện thoại anh.
- Tôi không hẹn gì với cổ. (Đô cúi đầu xuống. Điều này anh nói dối. Chính anh đã hứa sẽ gọi điện thoại lại báo tin cho Thu Thủy biết những bí mật xung quanh mối tình Lê Khôi, Hoàng Yến mà anh sưu tra được).
- Em gái tôi là một cô gái lãng mạn. Nó không thể hợp được với anh, hơn nữa, tôi nghĩ, anh là nhà văn, thì nên thương một người nào đó thông cảm với nghề nghiệp của mình, giúp đỡ mình trên  mọi phương diện. Em gái tôi không làm được điều đó.
Lê Khôi lại ném một viên sỏi xuống nước. Đô thực sự muốn né tránh câu chuyện này. Dù sao anh cũng đã có lỗi đã làm cho người khác ngộ nhận. Một câu nói, một ánh mắt đưa tình, một hò hẹn. Tất cả đều không nên có đối với một cô gái đang chờ tình yêu. Làm cho người khác ngộ nhận cũng là sự khốn nạn. Nhưng Lê Khôi chưa hề muốn buông câu chuyện.
-Nhà văn các anh dễ yêu lắm phải không?
- Tại sao anh nghĩ vậy?
- Các anh tưởng tượng ra đủ mọi nhân vật yêu nhau, tất nhiên những tưởng tượng đó đều được rút ra từ một thực tế sinh động nào đó.
- Đô cười ruồi.
- Vậy mà không phải vậy đâu anh.
- Tôi rất mừng là giữa anh và em gái tôi không có chuyện tình yêu. Ba má tôi không thích người viết văn, cũng chưa thông cảm được với người bên phía cách mạng. Nếu anh yêu em gái tôi thì lại xảy ra những bi  kịch không cần thiết.
- Tôi không nghĩ như vậy.
- Lê Khôi không hề để ý tới câu nói của Đô.
- Ba má tôi phải gánh chịu một bi kịch tình yêu của tôi cũng đã quá nặng nề rồi…
Tiếng mìn vang động. Câu nói của Lê Khôi bị tiêu diệt hoàn toàn. Đô không nhận ra Lê Khôi nữa. Anh đứng vụt dậy. Mặt lặng đi, hai tai nghển lên như tai thỏ, đôimắt chớp chớp, vầng trán dãn ra, và từng lỗ chân lông nếu soi trên kính hiển vi sẽ giống hệt như những nụ hoa nở đồng loạt, tưng bừng. Lê Khôi đập mạnh tay vào vai Đô. Rồi. Rồi. Và chạy vụt đi.
-Anh Khôi, anh Khôi…
Đô chạy đuổi theo, nhưng anh không sao bám sát được bước chân Lê Khôi. Lê Khôi chạy luồn lách qua các thân cây, nhẹ nhàng như con cheo, và chân cứ nhằm hướng có tiếng mìn nổ mà lao tới…
Nếu có Thư Loan, chắc chắn cô ấy đã giúp mình vượt qua những bối rối trước mặt hai vợ chồng giáo sư. Về mặt xã giao Hoàng Yến không phải người sành sỏi. Hơn nữa, lúc này trong lòng cô đong đưa, rối rít bao nhiêu trạng huống tình cảm khác nhau. Cô vừa chào hai vợ chồng giáo sư, đã liền bị bà vợ giáo sư chất vấn?
-Xin cô cho biết, hiện thời con trai tôi đang ở đâu?
Bà bình tĩnh,
- Giáo sư đưa tay ngăn vợ, mặc dù giáo sư cũng đang sốt ruột, sau khi biết tin Lê Khôi không có mặt ngoại hiện trường. – Bình tĩnh bà ạ, câu chuyện dù sao cũng phải có đầu có cuối.
Vợ giáo sư ngắt lời chồng.
-Con trai là người biết trọng danh dự, một người có nhân cách. Nó không thể xử sự như một kẻ vô học.
- Tôi cũng nghĩ như má nó.
Hoàng Yến rót hai ly nước, cố kéo dài thời gian để nghĩ xem nên trả lời như thế nào trước lời chất vấn của vợ chồng giáo sư về việc con trai họ hiện ở đâu. Câu hỏi này chính Hoàng Yến cũng chưa thể trả lời đích xác.
-Xin thầy cô cho con được thưa chuyện. Có thể anh Khôi đang ở ngoài suối. Lỗi là do nơi con, con đã không hiểu anh ấy. Con đã nghi ngờ…
Vợ giáo sư vẫn chưa cân bằng được sự tỉnh táo và đúng mực vốn sẵn có trong người mình.
-Cô nói đi, cô nghi ngờ con trai tôi điều gì? Cô làm cho con tôi khổ như thế đủ rồi.
Giáo sư đưa tay ngăn vợ. Ông im lặng chờ nghe lời giải thích của Hoàng Yến.
-Thưa thầy cô, con đã thiếu lòng tin vào bản đề án của anh ấy. Mặc dù bản đề án rất xác thực và rất kinh tế…
- Vì sao? – Giáo sư hỏi nhỏ.
Hoàng Yến chưa kịp đáp lời, thì tiếng mìn nổ vang dội như muốn rung chuyển cả đất dưới chân cô. Cô cuống quýt xúc động bỏ mặc hai vợ chồng giáo sư, chạy lại phái cửa sổ, trông về phía công trường đang bắn mìn. Trời ơi, anh có nghe tiếng mìn nổ? Tiếng em gọi anh đấy. Hãy trở về với em. Cô rối rít quay lại. Cô nói với vợ chồng giáo sư, lạc cả giọng.
-Chỉ vì chưa nghe thấy tiếng mìn nổ, mà anh ấy giận con. – Cô nói gần như khóc, - Tiếng mìn đã nổ, anh ấy chắc sắp trở về. Chúng con đang bắn vỉa theo đề án khai thác của anh ấy, chúng con đang mở công trường…
Thư Loan từ ngoài chạy vào, ôm chầm lấy Hoàng Yến.
-Chị Ba, em sung sướng quá, tiếng mìn. – Cô kịp trấn tĩnh và nhận ra vợ chồng giáo sư, cô quay lại, gục đầu mình vào lòng vợ giáo sư, nước mắt trào ra.
Giáo sư: Bác tưởng sẽ gặp cháu cùng với Lê Khôi.
Vợ giáo sư: Thế là rõ rồi. Rõ cả rồi. Họ cùng vào một phe, còn mình phe khác. – Ta về thôi ông ạ.
Thư Loan vẫn nói trong tiếng khóc: Hai bác ơi, tiếng mìn, tiếng mìn…
Vợ giáo sư: (Thấy những giọt nước mắt thấm vào da thịt mình). Thư Loan, sao cháu khóc? (Bà cũng nhìn thấy những giọt nước mắt trên má Hoàng Yến). Cả cô nữa, cô là chỉ huy trưởng công trường, sao cô cũng khóc?
Hoàng Yến: Chúng con sung sướng quá, thầy cô ơi.
Vợ giáo sư: Mọi người sung sướng, còn con trai tôi thì.
Thư Loan: (Nói tiếng nói thật nhất của lòng mình) Má ơi, nghe tiếng mìn nổ thế này anh Khôi con sung sướng biết chừng nào.
Giáo sư: Vậy là sao con?
Thư Loan: Là hai con suối nhỏ gặp nhau. Hai con suối nhỏ gặp nhau.
Từ ngoài Đô hơ hải chạy cào.
Hoàng Yến: Anh Đô, anh có biết anh Khôi hiện đâu?
Thư Loan: Anh nói ngay đi. Anh Khôi đâu?
Nhà văn: Anh ấy… Hai bác ơi, Hoàng Yến ơi… Thư Loan ơi… Con suối nhỏ…
Vợ giáo sư: Lại suối, các anh các chị không thể nói dễ hiểu hơn được sao?
Nhà văn: Chúng tôi đã ngồi với nhau nơi đầu nguồn con suối, kể cho nhau hết mọi chuyện đời, nhưng tiếng mìn vẫn câm lặng. Anh ấy tuyệt vọng. Và cả tôi nữa. Tôi cũng tuyệt vọng. Đúng lúc chúng tôi định đứng dậy ra về… Mà thực ra chẳng biết về đâu, thì tiếng mìn đã nổ… Nghe tiếng mìn nổ, anh ấy chạy lao về  phía công trường…
Hoàng Yến: Có nghĩa là anh ấy sắp về đây. (Cuống quýt xếp lại bình hoa).
Thư Loan: Ba má có mang quà gì cho tụi con?
Vợ giáo sư: Trong giỏ của má có rượu và trái cây.
Giáo sư: (Với Hoàng Yến) Và có cả bức chân dung của cô nữa, cô học trò của tôi ạ.
Thư Loan: Bức chân dung chị Ba. (Cô chạy lại bên chiếc cặp của giáo sư, lấy bức hình) Chị Ba, bức chân dung này đã theo anh Khôi tám năm rồi.
Hoàng Yến: (Đón bức chân dung nơi tay Thư Loan, giật lùi lại phía cửa sổ. Cô nói trong nước mắt) Con suối nhỏ của em, con suối nhỏ của em…
Chẳng ai để ý tới nhà văn, anh đã chạy ra ngoài và cùng Hùng dìu Lê Khôi vào. Hùng và chú Năm đã băng vội những chiếc khăn tay lên mặt, lên hai cánh tay Lê Khôi. Thư Loan trông thấy họ đầu tiên.
-Anh Khôi, anh tôi sao thế này?
Tất cả bàng hoàng, mỗi ngường thảng thốt kêu lên tiếng của riêng trái tim mình. Họ xúm quanh Khôi. Tiếng chú Năm sẹt một mệnh lệnh cho Hùng:
Đi kêu xe, lẹ lên.
Hùng lao ra cùng với tiếng dạ.
Bao nhiêu câu hỏi cùng lúc dồn xuống đầu chú Năm. Chú đặt Khôi ngồi xuống ghế, hai tay vẫn giữ chặt hai bờ vai Khôi. Khôi đang thiếp đi. Tiếng chú Năm cũng đứt quãng.
-Mìn đang nổ, vỉa đá đang bị bắn tung ra, giữa lúc đó tôi thấy hai bóng người lao lại, tôi thét lên, mìn đang nổ, nằm xuống, nhưng người chạy trước hình như không nghe thấy tiếng tôi. Anh ấy vừa chạy về phía mìn đang nổ, vừa giơ hai tay lên trời reo như trẻ nít: Mìn nổ, mìn nổ… Tôi và thằng Hùng vùng dậy, chạy lao về phía anh ấy, nhưng…
Vợ giáo sư khóc nấc lên: Trời ơi, con tôi…
Tiếng kèn xe ô-tô. Nhà văn và chú Năm nhẹ tay đỡ Lê Khôi dậy, cùng khiêng ra xe. Vợ giáo sư khóc như thể con trai mình đã chết. Giáo sư đưa khăn chấm nước mắt. Thư Loan khóc không ra tiếng. Còn Hoàng Yến, cô thu xấp rất nhanh những giấy tờ trên bàn, cùng ra theo xe, cô muốn đích thân mình đưa Lê Khôi tới bệnh viện. Mặt cô xám ngoét, chẳng nói được một lời.

Mời đọc tiếp Bốn.5/
Giọt Đắng/ tt của Nguyễn Nguyên Bày

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét