Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

NGUYỄN NGUYÊN BẢY Tiểu thuyết GIỌT ĐẮNG/ Bốn.4


NGUYỄN NGUYÊN BẢY

Tiểu thuyết
GIỌT ĐẮNG
(In 20.000 cuốn, khổ 13x19 tại Xí nghiệp in tổng hợp (Liksin), 64 Tôn Thất Tùng, Quận 1, Tp HCM. Gp số 86/CV ngày 18.8.1987. Lưu chiểu 12.1087.)

Bốn.4

Người thường trực đã đưa vợ chồng giáo sư vào văn phòng của chỉ huy trưởng công trường. Phòng vắng. Người thường trực rót nước mời vợ chồng giáo sư, rồi chạy ra ngoài. Anh ta nói là đi tìm chị Ba, nhưng anh ta đi có lẽ tới mười phút rồi, mà vẫn chưa thầy quay trở lại. Giáo sư đứng tựa cửa sổ nhìn ra phía sau rừng, còn bà giáo sư, ngồi với những túi, những giỏ xách và ca cẩm với giáo sư, chẳng cần biết giáo sư có nghe những lời ca cẩm của mình. Giáo sư thỉnh thoảng quay người lại, nhìn vợ, hơi cau mặt, nhưng không nói một lời.
Má vẫn cầu xin ơn trên cho con thoát khỏi nanh vuốt của tình ái.
(Bà ấy lại bắt đầu đọc bi kịch Hy Lạp).
Đừng đi trong đêm tối một mình, má không sợ trộm cướp hay phường lưu manh gạt gẫm con, má sợ bóng đêm với những ảo huyền của nó ru đẩy chân con vào chỗ lập lòe sáng tối.
Đừng để mình rơi vào mắt nhìn của con gái. Đôi mắt con gái sẽ cuốn băng đi con thuyền tâm hồn trong trắng của con. Đôi mắt ấy có bùa mê.
(Mình đã rơi vào đôi mắt của bà ấy, và chính bà ấy đã đánh bùa mê cho mình. Mình không biết một người đàn bà nào khác ngoài bà ấy).
Đừng để mắt tới người đàn bà nào khi cuộc đời chưa dạy cho con những bài học ái tình. Đừng mặc quần áo màu sáng. Đàn bà con gái thường chọn lọc màu sắc để hướng mắt tới đó. Đừng tập viết những vần thơ tình, và nhất là đừng trả lời bất cứ bức thư nào của đàn bà gửi cho con. Không phải lỗi của từ ngữ, mà lỗi của sự dịu dàng sẽ đánh lừa tình cảm của con.
(Nếu bây giờ, mình cắt ngang câu nói bắt chước sách vở này, bả sẽ quay qua đối trọi với mình. Im lặng là hơn. Bả xót con bả lắm).
Nếu má biết trước rằng con đã sa vào mắt cô gái ấy. Thực lòng má thích những cô gái có cặp mắt to tròn, nó thông minh, đảm đang và quan trọng là thực thà, vượng phu, ích tử. Nhưng dù sao cũng là đôi mắt của đàn bà. Con đã bị ngã vào đó sớm quá. Và cô gái ấy đã cuốn con đi.
Đừng dễ dãi với cô gái ấy như thế. Lẽ ra con phải biết chối từ.
Đừng cho cổ mượn sách. Đó là dịp để cổ làm quen.
Đừngnhận lời uống nước với cổ, có thể chỉ một ly nước mía, nhưng thời gian ngồi uống nước với nhau sẽ nói bao nhiêu chuyện. Thật là lạ, tại sao chính quyền lại cho phép những xe nước mía bán ngay cửa trường đại học? Từ quán nước mía này, bao nhiêu con trai đã bị con gái cuốn đi.
(Bả là phụ nữ, mà sao bả không bênh vực những người cùng giới tính với mình. Nếu mình cũng bảo là bả đã chài mình, thì bả nghĩ thế nào? Nhưng chớ dại, đã ăn ở với nhau từ lúc bả mười bảy tuổi, bây giờ tóc bả đã bạc, bả vẫn đòi hỏi phải được cưng chiều. Nặng lời với bả sẽ là một sai lầm không thể tha thứ).
Đừng đi biểu tình với cô ấy.
(Điều này bả đúng. Chẳng nên dính dáng tới chính trị).
Đừng nhận hình lưu niệm của cô ấy. Trong tấm hình ấy có thể có bùa ngải. Nếu má biết cơ sự ngày hôm nay, thì má đã đốt tấm hình đó. Tại sao má lại không đốt tấm hình mới được chứ? Bây giờ thì muộn mất rồi.
(Bà không thể đốt tấm hình đó. Bao giờ bà cũng nói cứng sau mặt các con, nhưng trước mặt chúng, chỉ cần chúng sà vào lòng bà, lúc đó, chúng cầu xin bà điều gì, kể cả việc bán nhà, chu cấp tiền bạc cho chúng bà cũng làm. Cũng may là những đứa con của bà là những đứa trẻ có giáo dục).
Khi con đi du học bên Mỹ, lẽ ra con đừng đem theo bức hình bùa ngải đó.
(Không được đâu bà ơi).
Má chỉ mong con ngã vào vòng tay một cô gái khác, tại sao không là Thư Loan? Nó dễ thương quá trời phải không con? Con chê nó điểm gì? Sắc đẹp à? Không thể, má tin là nó đẹp hơn cô gái con đeo đuổi. Hơn nữa, nó lại là một kỹ sư, gia đình danh giá. Rồi còn bao nhiêu cô gái bạn của Thu Thủy, tại sao với ai con cũng hững hờ?
(Câu này chính bà đã hỏi tôi, khi tôi ngỏ lời với bà, chuyện tình yêu chớ bộ. Bà thật lẩm cẩm)
Má chỉ mong con yêu một cô gái khác, con sẽ có hạnh phúc.
(Lúc này quan niệm hôn nhân của bà bỗng dưng dễ dãi quá. Nhưng cứ thử vào cuộc mà xem, ba sẽ kén chọn một cô con dâu và một chàng rể chẳng dễ dàng đâu).
Má chỉ mong con dứt ra khỏi công việc rắc rối này.
(Bà lại đơn giản hóa một vấn đề không hề đơn giản).
Hay là má thu xếp cho con đi qua bển để con thi thố tài năng. (Giáo sư đặng hắng. Trán ông nheo lại. Ông phóng cái nhìn không khoan nhượng với vợ. Nhưng ông vẫn im lặng). Má đã không lay chuyển được ý muốn của con. Hơn nữa. (Bà ngước mắt nhìn giáo sư. Bà bỏ ngang câu nói. Bả hiểu là cứ mỗi lần nói tới dự định cho Lê Khôi đi vượt biên giáo sư lại nổi nóng với bà. Vợ chồng già, phải chiều nhau, nổi nóng với nhau chẳng có ích gì).
Má không muốn con khổ sở. Nếu cứ tiếp tục công việc như thế này, thì con trai của má khó lòng có hạnh phúc.
Giáo sư cảm thấy chói tai thực sự trước những lời ca cẩm của vợ, ông bỏ cửa sổ, đi ra phía cửa ra vào, thốt lên một câu vu vơ:
-Chẳng có ma nào để hỏi thăm…
Vợ giáo sư chừng như cũng cảm thấy điều đó.
-Hay là ông chịu khó đi tìm họ.
- Biết tìm ở đâu bây giờ. Đành phải chờ thôi.
- Tội nghiệp thằng bé.
- Tôi lại thấy chẳng có gì phải tôi nghiệp cả bà ạ.
- Ông nói sao?
- Con cái khi đã lớn khôn, chúng tự vượt ra ngoài làm lo lắng của cha mẹ.
- Có nghĩa là những điều tôi vừa nói ông chẳng thấy điều gì hay ho?
- Chỉ có một điều nghe được.
- Điều gì?
- Phải chi con chúng ta đừng tham gia biểu tình. Nó làm chính trị sớm quá. Mà chính trị là điều tôi và bà đều không quan tâm.
- Còn những điều khác?
- Bà đừng bắt tôi tranh luận. Để lúc khác.
- Không. Tôi cần phải niết ý kiến của ông, bởi tôi với ông sắp sửa phải đối đầu với vấn đề chính yếu.
- Vấn đề chính yếu đó lại không thuộc phạm vi quyền hạn của tôi và bà.
- Ông nói sao?
- Bà muốn nói tới vấn đề tình yêu của con trai bà chứ gì.
- Với cô gái ấy.
- Ngày trước không ai ngăn cản được tình yêu của tôi với bà. Gia đình bà đã không chấp nhận tôi.
- Tôi đã giải thích với ông bao nhiêu lần rồi, gia đình tôi không chê ông điều gì, chỉ ái ngại về chuyện ông là con trai Bắc, còn tôi là gái Nam.
- Nhưng bà vẫn cứ yêu tôi.
- Tại vì, tôi… Tôi tin vào số Trời đã định cuộc nhân duyên của chúng ta.
- Con trai Bắc, con gái Nam, trước những định kiến gai góc như thế mà bà vẫn vượt qua. Bà đã thành vợ của tôi, và chúng ta đã sống với nhau từ đó tới nay, hạnh phúc. Tình yêu con cái chúng ta cũng vậy, điều tôi lo là lo cô gái ấy không còn yêu con mình nữa.
- Cầu Trời, nếu điều lo của ông là sự thực thì thật là hạnh phúc.
- Bà lầm Lê Khôi tôn thờ mốt tình bất hủ của nó. Nếu mối tình đó đổ vỡ, sẽ chẳng có gì thay thế được trong tình cảm và tâm hồn của nó đâu.
- Tôi không tin. Sẽ có một cô gái khác bỏ bùa cho nó.
- Tám năm nay rồi, bao nhiêu cô gái đã quen biết nó, mà có ai bỏ bùa được nó đâu.
Vợ giáo sư thở dài. Về điều này, bà thấy chồng hoàn toàn đúng. Về đức tính này, Lê Khôi giống cha như đúc. Ổng đã thương mình, ngoài mình ra, ổng chẳng hề nghĩ tới một người đàn bà nào khác. Lần ấy mình nằm nhà thương. Viêm gan cấp. Ngày mình lên cơn sốt cao nhất, lúc tỉnh dậy, thấy ổng ngồi sát kề, mắt ổng đỏ hoe. Trời ơi, ổng khóc. Thật tội nghiệp. Sau này, khi lành bệnh, mình hỏi ổng điều đó. Ổng thú nhận với cả tấm chân tình. Tôi lo quá. Nếu có mệnh hệ gì thì tôi còn biết sống làm sao. Trong đời, ổng vẫn luôn kỵ ba điều. Ba điều ông cho là bất hạnh của những người bạc phước.. Thứ nhất, nổi tiếng ngay từ khi còn trẻ. Thứ hai, khi đứng tuổi vợ chết. Thứ ba, quá già mà chưa được chết. Hơn bốn chục năm sống với nhau, rõ ràng là mình đã được sống trong hạnh phúc. Ông hứa với mình, tới năm kỷ niệm lễ thành hôn lần thứ năm mươi, ông sẽ tổ chức đám cưới vàng thật linh đình. Chỉ vài năm nữa là tới ngày linh đình đó. Mình biết chờ và mình biết là nó đang tới.
-Ông có cách nào cứu con mình ra khỏi vướng mắc này không?
- Không. Hình như cô gái ấy cũng chưa lấy chồng.
- Thu Thủy đã nói với tôi điều đó.
- Cô ấy vẫn còn thương Lê Khôi.
- Nhưng những thành kiến xã hội không cho phép cô ấy lấy con mình.
- Thành kiến xã hội nào? Đâu phải như tôi với bà ngày xưa, người Bắc, kẻ Nam.
- Nhưng bây giờ cô ấy là cách mạng, con mình là ngụy.
- Đó là một ước lệ không quan trọng.
- Chính ông đã thừa nhận với tôi đó là mấu chốt quan trọng.
- Nhưng tôi nghĩ lại rồi. Cách mạng đã đối xử với vợ chồng mình và các con mình không đến nỗi nào.
- Nhưng cô ấy là một đảng viên cộng sản.
- Quả thực tôi có lo điều đó. Nhưng tôi nghĩ, nếu yêu nhau, họ có thể vượt qua được những điều đó.
- Không đơn giản như thời tôi và ông đâu. Ngày xưa ba má tôi cấm cản tôi, nhưng bây giờ tổ chức cấm cản cô ấy.
- Tôi vẫn cho rằng, nếu cô ấy thực sự yêu thì cô ấy sẽ có cách.
- Ông cho rằng tình yêu đối với cô ấy quan trọng hơn tất cả sao?
Tùy nhận thức mỗi người, nhưng tôi, tôi cho rằng tình yêu là điều hệ trọng nhất của con người ta. Không dám dấn thân cho một tình yêu cụ thể, thì khó có thể tin được người đó dám hiến dâng cả cuộc đời cho một tình yêu trừu tượng khác.
-Tôi chưa hiểu ý ông.
- Tất cả những cái người ta gọi là yêu quê hương, yêu làng xóm, yêu cách mạng, tôi nghĩ đều là những tình yêu trừu tượng, nhất thiết đều phải lấy căn bản từ một tình yêu cụ thể yêu quý một cái cầu, một bụi cây, một mái nhà, và một con người nào đó…
 Có lẽ ông ấy đúng. Ông ấy đã không nghĩ về chuyện này một cách máy móc, đơn điệu và khô cứng như nghĩ về những con số toán học của ông ấy.
-Ông có nghĩ là nếu chúng thành vợ thành chồng chúng sẽ có hạnh phúc?
- Tôi tin điều đó.
- Tôi cứ e chúng sẽ có muôn vàn những nghi kỵ, những bất đồng đó.
- Tình yêu sẽ làm cho chúng vượt qua những nghi kỵ và những bất đồng đó.
- Ôi, sao tôi vẫn cứ lo…
- Nếu chúng thành vợ thành chồng thì đó là hạnh phúc lớn nhất mà tôi và bà gặt hái được.
- Vì sao ông cứ tin như vậy?
Giáo sư cười.
-Cái thời tôi với bà lấy nhau, bao nhiêu kẻ dị nghị, lạ cho họ thật, họ cứ cho là con trai Bắc như tôi không thể ăn ở được với con gái Nam là bà. Vậy mà chúng ta hạnh phúc. Những người dị nghị nhất lại trở nên thương chúng ta nhất. Ông bà ngoại xấp nhỏ, chẳng ước có một chàng trai Bắc nào đó bỏ bùa cho em gái bà đó sao. Còn bây giờ, các con chúng ta, lại cũng sẽ có k ẻ đặt vấn đề cách mạng với ngụy. Tầm bậy. Rồi họ sẽ phải ghen với hạnh phúc của chúng.
- Ông nói vậy càng làm tôi rối ruột. Ông không có cách nào cho tôi gặp cô con dâu của tôi sớm hơn được sao?
- Thôi được, - Giáo sư đứng dậy, - Bà chịu khó ngồi đây để tôi đích thân đi tìm cổ.
Giáo sư bước vội. Nhìn dáng đi của ông mới thấy mái tóc bạc đã làm ông già trước tuổi.
Bà giáo sư mở xắc tay, lấy chiếc gương tròn. Bà soi mặt, vuốt lại mái tóc và tô nhẹ lớp son lên môi. Bà hồi hộp chưa biết phải nói gì khi gặp mặt cô gái ấy, mà bà linh cảm có lẽ cổ sẽ trở thành con dâu của bà.

Mời đọc tiếp Bốn.4/
Giọt Đắng/ tt của Nguyễn Nguyên Bày

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét