Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

NGUYỄN NGUYÊN BẢY Tiểu thuyết GIỌT ĐẮNG/ Năm/ hết


NGUYỄN NGUYÊN BẢY

Tiểu thuyết
GIỌT ĐẮNG 
(In 20.000 cuốn, khổ 13x19 tại Xí nghiệp in tổng hợp (Liksin), 64 Tôn Thất Tùng, Quận 1, Tp HCM. Gp số 86/CV ngày 18.8.1987. Lưu chiểu 12.1087.)

Năm/ hết/


Có lẽ số phận đã buộc anh phải như vậy. Mặc dù lý trí anh cố dụ anh rẽ qua con đường khác. Anh lao xe về phía nhà Thương Thương. Hồi hộp thực sự. 
Lúc này, anh thèm được kể cho ai đó nghe, bất kể là ai cũng được. Anh đi tìm Viện trưởng. Ông đang chủ trì cuộc họp quan trọng. Anh phôn lại nhà giáo sư. Cầu trời. Đừng bắt anh phải nghe giọng nói của giáo sư hoặc bà vợ ông ấy. Anh muốn nói chuyện với Thu Thủy. Nhưng giáo sư đã nghiêm giọng thông báo cho anh biết, cổ không có nhà. Rồi ổng gác máy. Cổ đi đâu? Lúc nãy anh mới ghé bệnh viện. Hôm nay cô không có ca trực. Anh đã nhìn thấy (qua cửa kính) Hoàng Yến ngồi bên giường Lê Khôi. Hình như anh ấy đã tỉnh, họ đang nói gì với nhau. Chẳng nên quấy rầy những giây phút đẹp đẽ này của họ. Anh phôn cho Thư Loan. Cô cười và thông báo một chuyện riêng xanh lè: Cô đang chuẩn bị tắm, sau đó sẽ tới nhà một người bạn dự tiệc, hẹn sẽ có dịp gặp lại anh…
Má của Thương Thương mở cửa cho anh.
- Cháu vào đi. Nó đang tập kịch.
- Thương Thương đang tập kịch?
- Ừa.
- Đông không bác?
- Một mình. Nó nói với bác, cháu có tới, vui lòng chờ nó ít phút.
Đô vào phòng khách, anh ngồi kín đáo vào chiếc ghế sa-lông, phía sau lưng cái bàn viết nhỏ, Thương Thương đang ngồi đó đọc kịch. Cô có nhận ra sự có mặt của anh, chỉ khẽ gật đầu và vẫn tiếp tục đọc lớn lớp kịch đang đọc dở của mình. Đô có nghe nói về cái thú này của cô, nhưng Đô chưa được chứng kiến. Nói cách khác, Đô không tin. Nhưng giờ đây, anh đang bắt gặp một sự thật. Những đối thoại kịch Thương Thương đang đọc cuốn hút anh và lôi anh vào cuộc. Nếu anh không nhầm, thì Thương Thương đang đọc kịch của Ơripít, khúc kịch Iphigiêni ở Tôrít. Quả là anh không nhầm, đang tới đoạn Iphigiêni và Orex, hai chị em ruột nhận ra nhau…

(Bi kịch Hy Lạp, Iphigiêni và Orex là con của vua Agamenông và Clytemnex. Do lời tiên tri của vị chiêm bốc Cancax, Agamenông phải đem người con gái yêu của mỉnh là Iphigiêni lên bàn thờ nữ thần Actêmix, trước khi quân Hy Lạp vượt biên đi chinh phạt gã Pêri xứ Phrygi về tội cướp đoạt vợ người khác. Trước hành động đó của Agamenông, vợ ông, Clytemnex đã kịch liệt phản đối, nhưng nàng Iphigiêni vẫn phải lên bàn thờ nữ thần Actêmix. May thay, nàng Iphigiêni đã được chính nữ thần Actêmix cứu và đưa nàng đến Tôrít, làm tư tế cho thần.
Từ hành động giết con này, Agamenông đã nhận lãnh hậu quả bị chính vợ mình, Clytemnex giết chết. Báo thù cho cha, con trai của họ Orex giết chết mẹ. Hành động này của Orex đã bị các nữ thần điên trừng phạt. Thần Apôlông hứa sẽ giải thoát cho Orex khỏi tai họa ấy nếu như anh ta lấy được tượng thần Actêmix đem về Hy Lạp.
Orex đã vượt biển đi tìm bức tượng đó. Và đã gặp lại người chị ruột của mình, là nàng Iphigiêni, đang là tư tế cho nữ thần Actêmix. Cuộc hội ngộ của họ diễn ra trong cảnh éo le, lúc này Orex do vượt biển, đã bị bắt, vua xứ này đã quyết định giao anh cho Iphigiêni làm lễ tế thần Actêmix. Họ nhận ra nhau sau nhiều thử thách đắng cay. Iphigiêni đã quyết định cứu Orex khỏi hiểm họa mà trước đây chính mình đã gánh chịu. Hai chị em vượt biển trở về quê hương, đem theo cả bức tượng nữ thần Actêmix.

Đoạn trích dưới đây kể lại cuộc gặp gỡ giữa hai chị em.
Ơripít. (480-406 trước công nguyên) Nhà viết bi kịch lớn thời cổ đại Hy Lạp.
Kịch Ơripít. Nhà xuất bản Văn học).

Orex: Ôi, chị của em ơi, con gái của vua Agamenông chúng ta, chị đừng tránh xa em, chính em trai chị trước mặt chị đây, thằng em trai chị ngỡ không bao giờ còn trông thấy.
Iphigiêni: Ngươi mà là em trai ta? Ngươi không được phép nói như vậy. Em trai ta thì sao lại rời khỏi xứ Acgôx với thành Nôpli mà đi đâu làm gì?
Orex: Không đâu, thương hại cho chị, em trai của chị không còn ở lại đấy nữa đâu.
Iphigiêni: Vậy người bảo rằng chính người phụ nữ xứ Lacôni, chính người con gái của Tanhđarơ đã sinh đẻ ra người?
Orex: Đúng thế, sinh đẻ ra tôi cho người con của Pêlốp là cha tôi.
Iphigiêni: Ngươi dám nói vậy? Có thể cho ta bằng chứng gì không?
Orex: Em có bằng chứng, chị hãy thử hỏi em về nhà của cha chúng ta đi.
Iphigiêni: Thì ngươi thử nói, ta nghe đây.
Orex: Trước tiên, em có thể nói với chị điều này mà chị Êlectrơ đã kể cho em biết: Chị cũng biết rằng xưa kia có sự bất hòa tranh chấp giữa Atrê và Tiextơ.
Iphigiêni: Ta cũng có nghe nói: Tranh chấp nhau một con cừu có túm lông vàng.
Orex: Thế chị còn nhớ rằng chị đã thêu câu chuyện này lên trên một tấm thảm lộng lẫy?
Iphigiêni: Ôi, thân mến, ý nghĩ ngươi uốn theo ý nghĩ ta đúng tăm tắp.
Orex: Và trên hàng chỉ ngang, chị cũng hình dung cả thần  Hêliox lái ngoặt cỗ xe của thần cho chạy theo đường khác.
Iphigiêni: Đúng thế, ta cũng có hình dung chuyện ấy trên tấm thêu.
Orex: Và khi chị lên xe đi Ôlix chị cũng nhận được của mẹ trao cho bình nước để tẩy thân trước khi cưới, chị còn nhớ chứ?
Iphigiêni: Ta còn nhớ. (Chua chát, tủi thân) Đâu phải là đám cưới rực rỡ huy hoàng đã làm ta quên được việc đó.
Orex: Lại còn chuyện này: Hẳn chị còn nhớ đã gửi tóc cho mẹ chứ?
Iphigiêni: Đúng thế, để đặt vào mộ thay cho thi thể ta.
Orex: Giờ em xin nói đến những gì chính mắt em đã nhìn thấy, có chứng cứ rõ ràng: Trong lâu đài cha, em đã trông thấy cây dáo cổ của Pôlốp, cây dáo mà ông khoa trên tay khi ông giết Ônômaôx để chinh phục nàng tân nữ thành Piđơ là Hipôđami. Cây dáo này dấu kín trong phòng con gái của chị.
Iphigiêni: Em thân yêu ơi, thôi đúng rồi, chị không nghi ngờ gì nữa, chính em là em thân mến của chị. Em Orex ơi, chị đã thấy em đây rồi. Từ quê hương Acgôx chúng ta, em tìm đến với chị, bạn thân yêu của chị.
Orex: Và em cũng ôm trong cánh tay em người chị mà ai cũng tưởng đã chết rồi. Từ hai mắt chị cũng như từ hai mắt em tuôn ra những giọt lệ không cay đắng xót xa và trong cái hồi hộp vui mừng của chúng ta có trộn lẫn những tiếng khóc nức nở.
Iphigiêni: Hỡi em trai, chị đã từ biệt từ thuở em còn quấn tã, thơ dại, bé xíu, gửi em trên tay người vú trong lâu đài cha. Ôi nỗi sung sướng không thể diễn tả ra lời. Linh hồn của chị ơi, em thấy thế nào? Thật là một việc phi thường,kỳ lạ vượt xa hết mọi cái phi thường, mà lời nói không có sức diễn tả.
Orex: Mong rằng từ nay chị em ta có thể tím thấy hạnh phúc ở bên nhau.
Iphigiêni: Các bạn ơi, đây chỉ là cái vui bấp bênh đầy lo sợ. Ta lo rằng em ta, nay ôm trong tay mà rồi bỗng có thể vuột đi mất, tan vào không khí mất. Hỡi thành Mixen, tổ quốc thân yêu, xin cảm ơn mi đã gìn gữ em ta, đã nuôi sống nó, đã bồi dưỡng cho người thanh niên của nòi giống này để do nó mà nhà ta có thể rực rỡ trở lại.
Orex: Chị ơi, đúng thế. Nếu nghĩ đến tương lai gia đình ta, thì chúng ta phải tự cho mình là may mắn, nhưng mà, chị của em ơi, đời của hai ta, cuộc đời thảm hại của chúng ta thì không bao giờ hết khổ.
Iphigiêni: Đen đủi thay là số phận chị. Chị còn nhớ cái ngày hôm mà một người cha điên rồ nỡ cầm dao đâmvào cổ chị.
Orex: Than ôi, em tưởng tượng như đang ở đó mà chứng kiến cảnh gớm ghê thay.
Iphigiêni: Cái ngày hôm sau, em trai của chị ơi, mà người ta đã đánh lừa đưa chị đi, nói là đưa dân về lều tướng Asin, một cô dâu hão. Xung quanh bàn thờ, khi đó chỉ có kêu rên và nước mắt. A, đáng nguyền rủa là ngần nào các lỗ đổ nước tẩy thiêng ở bến Olít.
Orex: Em cũng khóc cho cái can đảm thảm hại của cha chúng ta.
Iphigiêni: Về nhân đạo, vô nhân đạo thay, người cha đã giết con mình. Do cái khổ não ấy mới lại nẩy ra cái khổ não khác.
Orex: Thương hại cho chị, đúng thế, nếu chị lại còn không biết mà giết chết em chị nữa.
Iphigiêni: Tất cả do sự tác hại ráo riết của một vị thần nào đó. Ôi, điên rồ thay. Sao có sự điên rồ nhẫn tâm kỳ lạ. Chị đã dám làm gì? Chị đã dám làm gì? Ôi, em của chị ơi, thật là sự phi thường kỳ lạ mà em thoát khỏi một cái chết quái gở do chính tay chị suýt gây ra. Nhưng vì độc ác thế nên câu chuyện này rồi sẽ kết thúc ra sao? Biết làm cách gì mà cứu được bây giờ? Đưa em ra khỏi nước này, đưa em ra khỏi chỗ chết, trả em về với Tổ quốc Acgôx, không đợi đến khi mũi gươm đã vấy đỏ máu em? Ôi, hỡi trái tim đáng thương của ta, mi hãy cố tìm cho ra những phương tiện thích hợp. Liệu có đi trên cạn, đi bộ, không cần đến thuyền được không? Nhưng mà như thế thì khác nào gửi em vào chỗ chết: Phải đi qua bao nhiêu bộ lạc Mandi, bao nhiêu đường tắt hiểm trở. Mà đi thuyền thì qua được cái eo hẹp giữa các Mỏm đá đen cũng dài dằng dặc, nguy hiểm là ngần nào. Ôi khổ sở cho ta. Em xấu số của chị ơi, chẳng biết có vị thần nào, hay người trần nào, hay ông thánh nào trên bước đường bế tắc này, có thể san bằng mọi chướng ngại, mà dẫn dắt hai kẻ sống sót độc nhất của dòng họ Atrít tiền về nơi mà kẻ đó rũ sạch được các tai họa của mình…

Đô không chịu nổi những đối thoại dằng dặc mà Thương Thương cứ đọc liên chi hồ điệp, như rót vào tai anh. Anh từ từ bước lại phía sau lưng. Thương Thương. Chờ nhịp nghỉ trong diễn xuất của cô mà xen vào.
- Em đã chọn được một đoạn bi kịch tuyệt vời để kết thúc câu chuyện của chúng ta.
Thương Thương quay lại, mặt đẫm nước mắt.
Đó chính là khúc kết cuốn tiểu thuyết đang viết của anh.
- Sao?
Thương Thương nhắc lại:
- Khúc kết cuốn tiểu thuyết của anh. – Giọng cô bỗng lạc đi trong cảm xúc, - Em theo dõi công việc của anh như là công việc của chính mình. Mỗi cuộc đời là một cuốn tiểu thuyết, phải không anh và mỗi người tự viết cuốn tiểu thuyết đó. Tất nhiên cuộc đời quá đẹp và quá ngắn, vì thế chẳng có lý gì ta viết nó bằng những trang bi kịch.
Đô nắm chặt bàn tay Thương Thương, không nói một lời. Cái nắm tay hơi chậm, nếu không muốn nói là quá chậm, nhưng còn kịp trước khi vàng lọt vào tay người khác. Anh muốn nói với Thương Thương một lời thật trang trọng: Anh yêu em. Nhưng anh không nói được, anh hiểu rằng mọi lời nói đều trở nên thừa khi hai bàn tay đã nắm chặt vào nhau và nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ riêng đằm thắm.
Mỗi cuộc đời là một cuốn tiểu thuyết. Mỗi người phải tự viết lấy. Chỉ có điều cuộc đời đẹp quá mà cũng ngắn ngủi quá, vì thế ít trang bi kịch chừng nào tốt chừng ấy. Tâm hồn anh nhắc lại suy nghĩ của Thương Thương. Đô muốn kéo Thương Thương vào mình, nhưng anh đã thấy má Thương Thương hiện ra nơi cửa. Anh vẫn không vì thế mà buông tay Thương Thương khỏi tay mình. Hai bàn tay ấy vẫn nắm chặt nhau, họ cùng bước về phía bà má.

Thành phố Hồ Chí Minh 1983

Tiểu thuyết Giọt Đắng
Đã dựng phim truyền hình “ Câu truyện những con suối nhỏ”/ HTV9 sản xuất.
Sách và kịch bản phim: Nguyễn Nguyên Bảy.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét