Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Sách Chém Gió Muôn Màu 3/ Phần 3/ Quần hùng chém gió chúng tôi/ Khúc 7,8,9.



NGUYỄN NGUYÊN BẢY
CHÉM GIÓ MUÔN MÀU.3


Phần I
II,
 QUẦN HÙNG CHÉM GIÓ 
CHÚNG TÔI, 12 KHÚC

7. Lê Thiếu Nhơn/ 059
8. Trần Thanh Phương/ 060
9. Hồ Bá Thâm/ 065

Khúc 7.
Nhà phê bình văn học 
L
Ê THIẾU NHƠN
MỘT TẤM LÒNG VĂN CHƯƠNG ĐÁNG KÍNH TRỌNG!

Cuối tuần, sẵn dịp cuối năm, đọc lại và nghĩ lại công trình "Thơ bạn thơ", mà càng thấy nể vợ chồng thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy- Lý Phương Liên! "Thơ bạn thơ" là ý tưởng của Nguyễn Nguyên Bảy - Lý Phương Liên, khởi động từ năm 2012, và có bốn người đánh trống ghi tên ủng hộ là Thanh Tùng, Lê Xuân Đố, Nguyễn Thái Sơn và... tôi! Ban đầu chỉ nghĩ làm một cuốn góp vui với đời, ai dè gần 5 năm qua, phu xướng Nguyễn Nguyên Bảy và phụ tùy Lý Phương Liên ra mắt liên tục 6 cuốn "Thơ bạn thơ", 2 cuốn "Văn bạn văn", 2 cuốn "Vườn thơ 5 nhà"....  5 năm qua, vợ chồng thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy - Lý Phương Liên cống hiến như một địa chỉ văn học uy tín, trong sáng và chuyên nghiệp!
Ở nước ta, người có tiền bạc thong thả, không ít. Ở nước ta, người có tình yêu văn chương, cũng không ít. Thế nhưng, người hội đủ cả hai thứ ấy lại quá hiếm hoi. Vợ chồng thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy- Lý Phương Liên là trường hợp đặc biệt. Họ bỏ của, bỏ công để biên soạn những hợp tuyển văn chương cho thiên hạ, một cách tâm huyết và vô tư. Sách in xong, chỉ phát hành theo hình thức quà tặng, chứ không bán một cuốn nào! 
Tôi suốt bao nhiêu năm trước khi lấy vợ, trưa nào chán cơm bụi cũng có thể tuỳ hứng ghé tạt vào tổ ấm của Nguyễn Nguyên Bảy - Lý Phương Liên ở Sài Gòn, để... ăn ké. Thế nhưng, tôi không hề ái ngại chuyện "người nhà khen nhau", mà nói rằng: 5 năm qua, vợ chồng thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy - Lý Phương Liên cống hiến như một địa chỉ văn học uy tín, trong sáng và chuyên nghiệp!
Thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy mùa xuân Đinh Dậu này, đã chạm mốc 77 tuổi, nhưng không chỉ trẻ trung về dung mạo, hai tập văn ngắn "Chém gió muôn màu" của ông rất sinh động. "Chém gió muôn màu 2" hay hơn "Chém gió muôn màu 1", vừa có sự nhạy bén của một người quan sát vừa có sự tinh tế của một người trải nghiệm! 

Khúc 8.
Nhà giáo, Tiến sĩ TRẦN THANH PHƯƠNG

THƠ 
CA BÌNH MINH CỦA LÝ PHƯƠNG LIÊN


B
ài thơ Ca bình minh của Lý Phương Liên ra đời vào tháng 8 năm 1970 giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Lúc đó, Lý Phương Liên là một tác giả nữ còn rất trẻ, mới xuất hiện lần đầu mà đã có ngay một chùm thơ đăng trên báo Nhân Dân là một hiện tượng hy hữu. Cả miền Bắc xôn xao. Nhà phê bình Hoài Thanh cũng có bài bình biểu dương kịp thời. Nhưng liền sau đó, Lý Phương Liên mắc phải “tai nạn nghề nghiệp” và đành phải “im hơi lặng tiếng” cho tới tận 41 năm sau bài thơ được lấy tên chung cho tập thơ Ca bình minh mới chính thức được xuất bản. Đó cũng là một kết thúc “có hậu” như những dự báo mang tính “tiên tri” của bài thơ này.
Để đi vào tìm hiểu bài thơ thấy được cái hay, cái mới lạ độc đáo của nó thiết nghĩ cũng cần nói rõ về sự phân ca làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Trong một ngày (24 tiếng đồng hồ) được chia làm ba ca, mỗi ca 8 tiếng (đều nhau), ca ba là ca đêm tính từ 22 giờ đêm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Đây là ca làm việc mệt mỏi nhất trong một ngày nên cần phân chia cho những người trẻ (khỏe) còn độc thân. Người lao động đi làm theo ca được nghỉ ít nhất12 giờ trước khi chuyển sang ca mới. Đấy là quy định bắt buộc. Lý Phương Liên lúc đó còn rất trẻ, chưa xây dựng gia đình nên hay phải đi làm ca ba là lẽ đương nhiên. Bài thơ có 3 phần rõ rệt. Ở phần đầu tác giả chủ yếu nghiêng về tả thực:
Em đi làm ca ba
Đêm buông đầy đường phố
Hà Nội vào giấc say trẻ nhỏ
Em đi giữa lòng đường
Hát khẽ…
(Con gái thường vẫn thế!)
Tuổi ca ba rất trẻ
Đêm ca ba lại dài
Mười tám, đôi mươi
Tuổi như em khỏe ăn khỏe ngủ
Một cô gái còn rất trẻ, tâm hồn luôn ắp đầy cảm xúc cho nên những câu thơ như tự nó cứ tuôn ra một cách tự nhiên. “Em đi làm ca ba” mới chỉ là một thông báo bình thường, sử dụng ngôn ngữ nói. Nhưng “Đêm buông đầy đường phố/ Hà Nội vào giấc say trẻ nhỏ” thì những chất liệu hiện thực đã trở thành cảm xúc máu thịt, tạo “hồn, vía” cho câu, chữ. “Đêm buông đầy đường phố” – chữ “buông” làm cho đêm cử động, lung linh. “Hà Nội vào giấcsay trẻ nhỏ” gợi cảm giác bình yên và tràn đầy thương yêu, mặc dù lúc đó đang còn chiến tranh nhưng không phải không có những khoảng thời gian yên bình như thế. Mà có ai không xúc động cho được khi nhìn ngắm trẻ thơ đang say ngủ? Hà Nội thời bao cấp thường người dân đi ngủ sớm, khoảng 9, 10 giờ đêm ngoài đường phố đã rất vắng lặng, trừ những người có công việc mới phải đi ra ngoài. Vì thế mà “em” cứ đi giữa lòng đường, vừa đi vừa khe khẽ hát không sợ bị va quệt xe cộ như bây giờ. Một tâm hồn vô tư trong sáng, phơi phới tin yêu, tràn trề nhựa sống nên đi làm ca đêm (ai cũng ngại vì nó vất vả) mới có thể vừa đi vừa hát lên như thế. Nhưng dù có yêu đời đến mấy thì cũng không ai thoát ra khỏi thực tế là do áp lực của thời gian tâm lý: “Tuổi ca ba rất trẻ/ Đêm ca ba lại dài” đúng như các cụ xưa đã đúc kết: “Thức lâu mới biết đêm dài”, mà “Tuổi như em khỏe ăn khỏe ngủ” – Nói không thèm ngủ thì đúng là cường điệu đến mức khó tin.
Trong phần thứ hai: Đầu tiên tác giả giải thích lý do bài thơ có tên như thế:
Bạn bè em có nhiều ý lạ
Khi nói tới ca ba
Của những đêm hè trời đầy sao hoa
Của những đêm đông bập bùng ánh lửa
Còn em với niềm vui bé n
hỏ
Em gọi ca ba là ca bình minh
Mỗi người có những cảm nhận và cách định nghĩa về ca ba khác nhau, nhưng đều giống nhau ở sự bay bổng lãng mạn, đầy mơ mộng và hết sức lạc quan của tuổi trẻ. Người thì ví đó là ca “của những đêm hè trời đầy sao hoa”; Người lại thấy đó là ca “của những đêm đông bập bùng ánh lửa”. Riêng tác giả với sự phát hiện tinh tế như một niềm vui bé nhỏ của mình mỗi sớm mai tan ca về đã thấy mặt trời mọc lên rực rỡ như đón chào, như ước hẹn, đã kết lại thành một hình tượng thơ tuyệt đẹp độc đáo có một không hai: “Em gọi ca ba là ca bìnhminh”.  Đến đây, cái tứ của bài thơ đã được định hình, nhưng tác giả còn muốn phát triển lên nữa với những liên tưởng thấm đượm tình quân dân, tình yêu nước:
Ý nghĩ ấy gặp em như một sự vô tình
Đêm ca ba đi dọc đường Nam Bộ
Tay vẫy chào những đoàn tàu rời ga Hàng Cỏ
Đưa bộ đội lên đường
Các anh đi suốt ca ba thẳng tới chiến trường
Đón bình minh đất nước
Từ nghĩa thực ban đầu hình tượng “bình minh” đã chuyển thành nghĩa bóng, và “ca ba” đã trở thành ẩn dụ cho quãng thời gian đầy gian khổ khó khăn các anh bộ đội đã trải qua để “đón bình minh đất nước” - tức là ngày đất nước sạch bóng quân thù, non sông về một mối, cả dân tộc bước vào một ngày mới tươi đẹp, yên bình – Một liên tưởng thấm đượm tính thời sự mà không phải lên gân, hô hào sáo rỗng. Đấy là ý tưởng “em” phát hiện ra một cách “ tình” trong những đêm đi làm ca ba vậy thôi chứ có cố ý gì đâu! Rồi lại thêm một phát hiện nữa cũng rất tình cờ, tự nhiên như cuộc sống:
Và một đêm ca ba hôm trước
Chị hàng xóm nhà em trở dạ đầu lòng
Nước mắt lưng tròng
Ôm bụng đau quằn quại
Miệng lẩm bẩm những lời sợ hãi
Em dìu chị đến nhà hộ sinh
Sáng hôm sau gió cao trời xanh
Chị hàng xóm đón em tiếng oa oa con khóc
Đến đây “bình minh” lại có thêm nét nghĩa nữa, đó là bình minh hạnh phúc của bà mẹ trẻ vừa đón một sinh linh ra đời. Tuy tác giả không nói ra nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh, có thể chị hàng xóm phải vượt cạn một mình với sự cưu mang của láng giềng cũng có chồng đang chiến đấu ở ngoài mặt trận? Tiếng “oa oa con khóc” ấy như thức tỉnh những bản năng làm mẹ ở chị, thức dậy những cảm xúc nhân văn cao cả ở mỗi con người. Đặt trong hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc lúc bấy giờ, cái âm thanh tiếng khóc của đứa trẻ mới chào đời cất lên trong “gió cao trời xanh” cực kỳ mới lạ và độc đáo, lay động tâm can mỗi người đọc.
Phần thứ ba: Khổ thơ cuối cùng kết lại bài thơ với những chiêm nghiệm mang tính phổ quát:
Ai cũng muốn mỗi ngày đời là một ngày sống đẹp
Đêm thao thức cho ngày
Ơi ca ba! Ca ba em đi vào hôm nay
Đã thấy bình minh trước mặt
Đọc bài thơ này rồi, ai đi làm ca ba cũng đều thấy bình minh trước mặt như tác giả. Vì nhà thơ nói đúng quá. Và từ đây tất cả những người đi làm ca ba (dù hiện nay đi làm ca đêm chủ yếu là làm tăng ca để kiếm thêm tiền) thì cũng đều có bình minh của riêng mình.
Tong suốt bài thơ tác giả luôn xưng “em”. Cả bài thơ có 11 từ “em”. Lý Phương Liên cứ hồn nhiên vô tư giãi bày, bộc bạch những cảm xúc, suy ngẫm của mình mà không cần để ý tới xung quanh xem họ làm thơ như thế nào. Lúc bấy giờ các nhà thơ thường giấu “cái tôi” của mình đi để hướng đến người khác, kể về người khác, hoặc nhân danh thế hệ mình, nhân danh cộng đồng để nói chứ không ai chỉ nói cái của mình. Trong các nhà thơ nữ cùng thế hệ có lẽ chỉ mỗi Lý Phương Liên là không bao giờ chịu nhập vai người khác để thể hiện. Có lẽ do “cái tạng” của nhà thơ không phù hợp với loại thơ ấy hay chăng? Lúc bấy giờ cứ đưa cái riêng của mình ra là không hợp thời, lại dám nêu chính kiến nữa không sớm thì muộn cũng mắc phải “tai nạn nghề nghiệp” - Nổi tiếng đến như Phạm Tiến Duật mà chỉ vì bài thơ Vòng trắng* cũng phải lao đao lận đận suốt đời nữa là - Thế nên, như một lẽ tất nhiên, đến bài thơ Nghĩ về Thúy Kiều Lý Phương Liên đã phải hứng chịu “đòn văn vạ bút” cũng là chuyện cái gì phải đến đã đến. Điều đáng quý là nhà thơ luôn luôn tỉnh táo để nhận thức đúng vấn đề một cách nghiêm túc và sòng phẳng: “Mọi hệ lụy xô đẩy chúng tôi đến bần hàn và cơ cực không liên quan đến bất kỳ cá nhân nào, quyền lực nào. Mọi ảo thực, tốt xấu tôi tự mình chịu trách nhiệm, không than oán bất kỳ ai, về bất cứ điều gì”.**
Cuối cùng, đúng như những gì bài thơ đã dự báo, sự chuyển hóa của âm dương đất trời là tuần hoàn, vĩnh cửu: qua đêm tất sẽ đến ngày; qua chiến tranh gian khổ hòa bình đã đến với đất nước vô vàn yêu quý được ẩn dụ bằng “Bình minh đất nước”. Với con người thì “khổ tận cam lai”, như ca ba “em” mới đi vào mà “Đã thấy bình minh trước mặt”. Cứ theo triết lý ấy để sống sẽ không bao giờ buồn, không bao giờ oán hận, không bao giờ tiếc nuối những cái mình không có hay là không có số được hưởng./.

Quy Nhơn, 25/ 04/ 2017

*Trong Tuyển tập thơ Phạm Tiến Duật bài thơ này có tên là “Số không”.
* Lời “Mở lòng” của tác giả ở đầu tập thơ Ca bình minh (2011).

Khúc 9.
Nhà thơ HỒ BÁ THÂM
NGẪU HỨNG TẤM LÒNG THƠ
Đề tặng VANDANBNN

Tiết kiệm năm năm tháng tháng mồ hôi nước mắt bỏ túi được ít tiền
Về già sao không bay nhảy du lịch đó đây ăn chơi thỏa thích
Lại bỏ công bỏ sức, cặm cặm cụi cụi thiện nguyện chủ biên chủ biếc
Văn đàn Thi đàn ngồn ngộn thơ văn tinh hoa gom nhặt người người gần xa
Dại dại khôn khôn chi rứa, thơ bạn thơ, văn bạn văn lại chém gió muôn màu xanh vàng tím đỏ
Thơ năm nhà, thơ trăm ngàn nhà tụ lại và say, múa và bay bằng đôi cánh chim sẻ,
 phượng hoàng, chim én, vàng anh, kim quyên
Chẳng nệ thấp cao nghèo giàu mà chọn… miễn là thơ là thơ, văn là văn to nhỏ
bình quyền ngồi chung một chiếu
Vô tư nhạy cảm trái tim mặt trời chiếu rạng nhân hậu hút mật tinh anh
 khối óc nam châm tinh luyện
Trí sáng tâm trong ngời ngời tình người lấp lánh lớp lớp ngọc ngà sao xa sao
 gần thi nhau lấp lánh long lanh
Gánh gánh gồng gồng trung nam bắc cùng cánh én mùa xuân vẫy gọi
 đồng xanh rừng xanh biển xanh
Nghĩa chị tình anh sá gì tiền bạc công danh vui thơ văn bạn bè gặp nhau
tay bắt mặt mừng cười vui tít mắt
Có thuốc vào bổ hơn, có tình nào hạnh phúc, khỏe đẹp hơn hơn cho là được…
Mạnh Thường quân đâu 99 khúc, 9.999 khúc… tặng nhau
tầng tầng tập tâp quyển quyển… ta gọi đó là giàu
Đọc đọc ngâm nga tiêu hóa tinh hoa bổ ngang bổ dọc phù sa sông Mẹ mỡ màu…
 trái hoa đồng nội rủ nhau
Cứ mỗi độ Tết đến cùng hoa đời hoa xuân đua nở thơ văn trên đôi cánh
bạn bè mọi miền quà xuân mến tặng...
Xao xuyến hồn ta mộng ảo chân tình đón nhận lâng lâng trân trọng: cảm ơn, cảm ơn!
Nào ta dựa vào câu thơ áng văn quây quần bè bạn lớp lớp dựng thi dàn
 xòe cánh ước mơ mơn mởn xanh non!

(Xuân Đinh Dậu, 2017)
Tác giả gửi bài

Thơ HỒ BÁ THÂM
CẶP ĐÔI HOÀN HẢO
(Thân tặng anh chị NNB-LPL)


Bông Sen vàng nở bên hồ lặng lẽ
Cớ sao chim đến phải lòng hoa
Nhị vàng thơm thoảng tim anh run rẩy
Cánh Hạc trời em nhớ lúc chia xa!

Đợi nhau cột đèn mong với nhớ
Một chút hờn ghen gió đã cuốn đi
Đi qua Ca bình mình, nàng Kiều tâm sự
Long đong bến bờ sóng vỗ chẳng sân si!

Mắt xanh đã đắm say trời đất
Bước bên nhau mưa nắng chẳng nhòa
Bông Sen vàng trên cánh chim bay mãi
Bến bờ hạnh phúc vẹn nguyên hoa!

Bắt phong trần phải phong trần vậy đó
“Chém gió muôn màu”. Quan họ quê ta
Sài Gòn nhớ sông Hồng phù sa tình thắm
Nhịp đều hai chân. Thuyền lái tránh phong ba!

Qua rồi mướn thuê, nhà của mình đây
Tổ ấm ta xây cây đời cháu con sum tụ
Đông Tây gần lại thoáng là bên nhau
Ta đã lăn lộn bôn ba hai phần ba thế kỷ…

Tỏ - mờ đất trời lòng người xây dựng
Số là đâu phận là đâu biến hóa nhiệm màu
Nền tảng bàn thạch xây vững chãi
Tung hứng đón đưa vay trả trên dưới trước sau

Ôi một - cặp - đôi -văn - nhân hoàn hảo
Đơn sơ vật dùng, giàu có tâm trí, quí văn thơ
Phong - Thủy hài hòa biết đâu là hoán đảo
Nâng bạn nâng đời neo nghệ thuật ngân nga!

6/1/2017

Hồ Bá Thâm/ Tác giả gửi bài

Trích TRƯỜNG CA
ĐỨNG TRƯỚC DÒNG SÔNG 

của HỒ BÁ THÂM


VANDANBNN :
 tập Trường Ca ĐỨNG TRƯỚC DÒNG SÔNG cùa Hồ Bá Thâm, NXB Thanh Niên ấn hành 2014. Sách dày 182 trang, gồm Khúc dạo đầu + 11 chương + Khúc Vĩ thanh. Đoạn trích dưới đây thuộc Chương Vĩ Thanh, tiểu đoạn 5. Tiểu đoạn này nhắc tới thơ Ca Bình Minh (Lý Phương Liên), thơ Quan Họ Không Ngoại Tình ( 99 Khúc Tặng Liên của Nguyễn Nguyên Bảy) và dự án sách Thơ Bạn Thơ, nhiều tập, đã xuất bản 6 tập,  do Lý Phương Liên và Nguyễn Nguyên Bảy chủ trương.


Đêm nay
Sông Sái Gòn lấp lánh ánh sao rất lạ
99 đôi mắt long lanh
Của em
Của anh..
Em đi từ “Ca Bình Minh”
Anh đi từ “ Quan Họ Không Ngoại Tình”
Ai đi từ hè Bảy Hai đỏ lửa
Ai đi từ Lam Giang rằng đục, rằng trong
Ai đi từ đất Cảng rực hoa lửa Phượng
Ai đi từ Chín khúc Cửu Long
Ai sông Hàn xanh, Huế tím
Ai đi từ cây Kơnia bóng xanh tỏa Tây Nguyên
Hội tụ về đây đều có nàng thơ yêu dấu
Nàng dịu dàng nhỏ nhẹ của câu ca tám sáu
Nàng tự do như cánh Hạc vỗ cánh đồng bằng
Những vũ điệu cùng ta nhảy sạp
Nàng tung váy cao ào ào nhạc Rốc..
Các nàng cùng ta múa nhảy hát hò
Rạo rực lửa tim nàng tim ta
Máu tình đỏ thắm
Rượu tình say say cỏ non da thịt quê nhà
Sữa tình ngọt ngào vú mẹ
Hương tình lâng hương sả
Áo tình ai mặc cho ai
Lửa tình ấm đêm gió bấc
Linh hồn tình – linh hồn thơ không mất
Vượt qua bến Lú, sông Mê
Tụ về đây..
Đêm nay
Muôn hạt nước trở về tụ thành sông Thơ - sóng hát
Lời ai dìu dặt
Lời ai sang sảng quảng trường thơ
Bàn tay nối bàn tay vỗ nhịp đàn hóa nhạc
Hóa dòng thơ quê da diết
Trong lành
Hồn ta tắm mát
Cánh cò bay trắng muốt đồng xa
Bên rừng bên biển mẹ cha
Bên đông bên tây Trường Sơn, từ đó..
Cây thơ hồn ta sóng vỗ địa cầu
Nghe con cháu xa kia hello nao nao hồn Việt
Câu lục bát nghìn đời mang sắc điệu sông Mơ
Dẫu mãnh đất nào
Cũng có dòng sông thơ Hồng Hà, Long Cửu
Sông Cái, sông Con cái vạc cái cò
Mang hồn ta về đây hôi tụ sông thơ
Tinh hoa sắc màu hương nhụy
Cùng anh cùng em
Một đời tâm huyết vì thơ
Vì Thơ Bạn Thơ
Ôi 99 khúc ca
99 dòng sông
99 bạn tình
99 ngọn núi
99 linh hồn..
99 câu thơ thắm đượm tình ta da diết nhớ
Đây giao hưởng thơ bốn mùa..
Thơ Bạn Thơ ơi!
Sông Sài Gòn đêm nay đã hóa sông Thơ
Lấp lóa mồ hôi trên từng con chữ
Nghiêng sông thơ Ngân hà..
Nâng cốc ánh sao Ngưu ta đọc
Nghe rì rầm biển Đông sóng vỗ rất gần..

2/2011-7/2013.

/ Mời đọc tiếp/
Khúc 10.
Nhà văn MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN

Họa chữ Chân dung Nhà văn VN đương đại

VANDANBNN st/gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét