Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2017

Sách Chém Gió Muôn Màu 3/ Phần 4/ Tiểu thuyết TÌNH BIỂN/ 19. Sam Trống, Sam Mái



NGUYỄN NGUYÊN BẢY

CHÉM GIÓ MUÔN MÀU, 3.

Phần IV, tiểu thuyết TÌNH BIỂN
In lần thứ nhất: NXB Tổng hợp Kiên Giang
20.150 uốn, khổ 13x19/ Số XB 028/ GPNT-SP Ngày 23.3.1987
Tái bản 1: NXB HNV 2017.

TÌNH BIỂN
tiểu thuyết NGUYỄN NGUYÊN BẢY
19. Sam Trống, Sam Mái


Chỉ còn việc ốp đá vào các cột bê tông nơi tiền sảnh, và quét nước vôi cuối cùng lên tường, là việc tu bổ nâng cấp khách sạn “Biển ấm” hoàn tất. Mới có mấy tháng mà đã không nhận ra hình dáng của tòa khách sạn xập xệ trước đây. Miếng đất khá rộng trước mặt khách sạn sẽ là vườn hoa, hiện thời gỗ đá còn ngổn ngang, nhưng dọn dẹp mấy hồi, những cây hoa sẽ trồng xuống đó, và nó sẽ đem lại màu sắc tưng bừng cho một khách sạn vừa sống lại. 
Na ngồi lặng nơi ghế đá kê dưới gốc cây bằng lăng, mắt đăm đắm nhìn vào khu khách sạn. Phải nói là tâm trạng cô lúc này rắc rối. Cô vừa mong muốn công trình mau hoàn tất, vừa muốn nó cứ kéo dài thêm. Bởi lẽ, khi công trình hoàn tất, cô sẽ được nhận vào làm tiếp viên trong khách sạn, tổ chức đã nhận đơn và hợp đồng với cô như vậy. Nhưng khi ấy, cô sẽ không được làm cái việc lý thú là mỗi ngày mang cơm hai bữa tới công trường cho chồng. Cô tham lam, muốn đạt được cả hai điều đó cùng một lúc, nhưng rõ ràng là không thể. 
Cũng vào giờ này, người đàn bà ăn mặc quý phái đó lại từ bên đường băng qua. Na và bà không biết nhau, nhưng cùng như hẹn nhau tới đây. Nỗi băn khoăn dai dẳng cứ đăm đăm trên gương mặt bà. Mọi khi, bà chỉ ngước cặp mắt nhìn vào khu khách sạn, rồi bà vội đi. Bà cố che đậy chính mình, như sợ một ai đó bất chợt bắt gặp bà ở đây. Na thấy hơi lạ về bả. Nhưng cô không phải người tò mò. Hôm nay, thái độ của bà khác lắm. vừa băng qua đường, bà đã tiến lại phía cô, bà gật đầu chào. Na nhường nửa chiếc ghế đá cho bà, bà thu tà áo dài và khẽ ngồi xuống đó.  
-Mấy hôm nay tôi đều thấy cô ngồi ở đây, hình như cô có người thân làm trong này? 
Na cởi mở tâm sự: 
-Cháu mang cơm cho chồng cháu. Chồng cháu làm thợ hồ. Bác biết không, khách sạn này tu sửa xong là cháu được nhận vào làm tiếp viên. Cháu đang chưa biết tính cách nào để bữa cơm nào vợ chồng cháu cũng được ăn với nhau. 
-Cô hạnh phúc thật, -Bà lén nhìn cặp lồng cơm đặt bên cạnh cô gái. 
-Chúng cháu vất vả lắm bác ơi, một mình nhà cháu đi làm…Tuy nghèo thật, nhưng chúng cháu thương nhau, -Na đôt ngột xoáy cái nhìn dò hỏi vào người đàn bà, -Mấy bữa nay cháu thấy bác hay đi qua đây. 
Người đàn bà đáp lại rất nhỏ: 
-Con gái tôi cũng làm trong này 
-Có phải chị My My không bác? 
-Sao cô biết? 
-Chỉ giống bác quá trời, nhất là nụ cười. Cháu nghe chồng cháu nói, con gái bác giỏi lắm, chỉ vẽ thiết kế các đồ gỗ cho khách sạn. 
Mắt bà Cẩm Vân thóang sáng lên vẻ kiêu hãnh: 
-Ngày trước ba nó cũng làm nghề đó 
-Bác hạnh phúc thật. 
Bà Cẩm Vân chép miệng, thở dài: 
-Vậy mà không vậy đâu cô 
-Cháu nghe chồng cháu nói, bác không muốn cho chỉ đi làm, sao vậy bác? 
-Mỗi người một hòan cảnh cô ạ. Chưa khi nào tôi nhượng bộ nó điều gì, vậy mà lần này tôi đành phải nhượng bộ nó. 
Bà Cẩm Vân bỗng nhớ lại vẻ mặt quyết liệt của My My khi nói với bà về nguyện vọng muốn đi làm. Bà trừng mắt, không trả lời. Mọi khi, chỉ cần cặp mắt của bà ngước lên là mọi trật tự trong gia đình đã được sắp xếp lại quy củ. Nhưng lần này bà đã thất bại. My My đã không khóc, cũng không nài nỷ. Bà có cảm tưởng như, nếu giam cô thêm một ngày nữa trong căn phòng thì cô sẽ lao đầu xuống đường. Điệu bộ và lời nói của cô gần như thế. Thực ra bà Cẩm Vân không quá quan tâm tới việc My My ở nhà hay đi làm. Mà vấn đề là My My còn nuôi ý định vượt biên nữa không? Bà hỏi thẳng My My điều đó, cô trả lời làm vừa lòng bà: Má tổ chức cho con đi ngày nào, con sẽ nghỉ việc ngay ngày đó. Bà buộc phải thả cô gái yêu ra khỏi chiếc lồng son. Cô bay ra đường, và bà cũng buộc phải bay ra theo cô, để quan sát và theo giõi. 
-Nếu cháu không nhầm thì con gái bác và kiến trúc sư Thanh thương nhau. 
-Cháu đã không lầm, -Bà thở dài, -Nhưng về chuyện này thì nó hòan tòan mù quáng. 
-Sao vậy bác? 
-Thằng đó đã dùng bùa ngải cuốn nó khỏi tay bác. 
Na định hỏi người đàn bà vừa nói tới chuyện bùa ngải. Hai người thương nhau, quấn lấy nhau, thì sao lại gọi đó là bùa ngải. Nếu nói bùa ngải thì ảnh bùa ngải mình hay là mình bùa ngải ảnh? Chợt mắt cô thấy từ phía tiền sảnh khách sạn Luận bước ra. Anh đi như chạy, nét mặt sáng chưng, hầu như chẳng còn thấy chút mệt nhọc nào vương trên mặt. Na hiểu là anh rất vui vì đã nhìn thấy Na. Na đứng dậy, dợm chạy lại phía anh, nỗi mừng rỡ cũng ấp đầy gương mặt cô. 
Bà Cẩm Vân nhìn đôi trai gái, ứa nước mắt, một cái gì đó trào lên lòng bà. Đối với họ, bà nghĩ, hạnh phúc thật đơn sơ. Họ chờ đợi nhau ở nơi làm việc. Bữa cơm như chẳng có gì, nhưng đối với họ lại là quá đầy đủ, quá ngon lành. Ngày nào họ cũng chờ đợi nhau như thế này mà không hề nhàm chán. Họ thiệt đúng là đôi sam, người này sống không thể thiếu người kia, quấn quýt bên nhau như ở giữa lâu đài hạnh phúc. 
Bà Cẩm Vân cố tránh không nhìn họ, nhưng câu chuyện mà họ đang nói với nhau, ngay sau lưng bà cứ làm cho lòng bà dâng lên từng đợt cảm xúc, buồn vui lẫn lộn. 
Sam mái: Anh, sao trễ vậy? 
Sam trống: Đang làm dở cối hồ, chẳng lẽ bỏ lại. 
Sam Mái: Khăn đây, anh lau mặt đi. Đói lắm phải không? 
Sam trống: Lúc đang làm không thấy đói, nhưng bây giờ bủn rủn cả chân tay. 
Sam mái: Có Tôm dim đó. 
Sam Trống: Tuyệt, bao giờ em cũng rất tuyệt. 
Đột ngột bà Cẩm Vân nghe tiếng người con trai mời mình, bà quay lại, thấy người con trai đã bưng chén cơm trên tay. 
-Mời bác dùng cơm với chúng cháu,-Bà Cẩm Vân còn đang ngỡ ngàng chưa kịp trả lời,- Bác có cần gọi anh Thanh và chị My My ra không ạ.? 
-Cảm ơn cháu. 
Người thanh niên lùa từng đũa cơm rất ngon lành vào miệng. Cô gái đã bưng chén cơm lên. Một câu mời tự nhiên. Cô gắp hai con tôm to nhất trong chén tôm dim vào chén chồng. Tôm dim nước dừa đỏ màu mật được cắn lép chép giữa hai hàm răng. 
Sam trống: Tôm tươi ngọt thịt thật 
Sam Mái: Em ra bến mua đó. Con nào con ấy còn nhẩy chí chách. 
Sam Trống: Cái ăn cũng cần thiết nhưng bận tâm quá với nó không nên. 
Sam Mái: Anh nói gì vậy? 
Sam trống: Em hơi quá bận tâm tới bữa ăn. 
Sam mái: Anh, không bằng lòng sao? 
Sam trống: Bằng lòng, nhưng cứ tiếp tục thế này anh sẽ hư người 
Sam mái: Sao vậy? 
Sam trống: Mai mốt em đi làm, anh ăn cơm tập thể, có cách chi ngon miệng được. 
Sam mái: Em đi làm, em cũng vẫn lo được hai bữa ăn cho anh mà. 
Sam trống: Cũng không thể ngon miệng được. 
Sam mái: Vì sao? 
Sam trống: Vì…vì anh ngồi ăn cơm một mình, có mà cơm gà, gỏi cuốn cũng chẳng thể ngon… 
Sam mái: (cười) anh… Thôi ăn đi, nhìn hoài… 
Bà Cẩm Vân nhìn đôi trẻ ăn, bà thực sự không thể nào hiểu nổi, họ ăn uống chỉ có vậy mà sao ngon lành và hạnh phúc đến thế. Bà nghi ngờ ngay cả sự ngon lành và hạnh phúc của họ. Bà cho rằng, họ đang tự lừa dối chính cái nghèo khổ vất vả của mình. Dù sao họ cũng là những người thợ, còn con gái mình với thằng Thanh, chúng không thể ăn uống thế này được, bà nghĩ, chúng sẽ không chịu nổi. My My của bà khảnh ăn như thế nào bà đâu có lạ 
Bà thăm dò hỏi Luận: 
-Thằng Thanh và con My My nhà tôi ăn cơm trong khách sạn phải không cháu? 
- Cơm khách sạn gì đâu bác,-Luận vui vẻ hồn nhiên, -Anh chị ấy ăn cơm tập thể, mà cơm tập thể thì không thể ngon bằng cơm vợ cháu nấu đâu. 
- Có nghĩa là còn phải ăn khổ hơn thế này 
- Cháu nói là không ngon hơn, chứ không phải khổ hơn 
Bà Cẩm Vân lo lắng: 
-Ăn uống kiểu này thì làm sao chúng nó chịu được. 
Luận vừa nhai cơm vừa lúng búng hỏi? 
- Ở nhà chỉ nhõng nhẽo bác lắm phải không? 
- Mỗi bữa nó chỉ ăn chừng một chén. 
- Bác khỏi lo, ở công trường chỉ ăn hai suất cũng hết. 
Bà Cẩm Vân lắc đầu: 
- Nó tự đầy đọa nó như thế đủ rồi 
- Bác nói sao? 
- Nó từ chối một tương lai sáng lạn để chọn hiện tại cay đắng như thế này sao? 
Bà Cẩm Vân không để cho Luận và Na hỏi gì thêm trong sự ngỡ ngàng của mình. Bà băng qua đường đi rất vội. Luận và Na đều chống mắt nhìn theo. Đúng là họ không thể hiểu nổi người đàn bà này nói gì và câu chuyện của bà ta nhằm vào ai. 
Sam trống: Vậy là sao em? 
Sam Mái: Bả không muốn con bả đi làm? 
Sam Trống: Bả muốn con bả có một tương lai sán lạn 
Sam Mái: Tương lai nào? 
Sam Trống: Thì bả nói đó. Tương lai theo cái kiểu nằm cho chó liếm mà em… 
Sam mái: Cũng may, anh Thanh và chị My My không theo bả chọn cái tương lai đó… 
Bà Cẩm Vân không nghe thấy gì hết, kể cả tiếng kèn ô tô, tiếng sóng biển và tiếng của đôi sam trò chuyện với nhau. Đầu óc bà bỗng xưng lên cái nhọt quái gở làm buốt nhức, khiến bà vừa đi vừa lảm nhảm nơi miệng nỗi buốt nhức ấy. Phải cưú nó, phải cứu nó. Gương mặt bà đen kịt như than, còn hai hốc mắt thì như hai cục lửa. Đám trẻ bên đường hoảng sợ khi nhìn thấy gương mặt đó, chúng bỏ chạy vô nhà, đóng cửa lại vì tưởng rằng bà điên này sẳn sàng sinh sự với chúng.

/ Mời đọc tiếp/ tt Tình Biển/ 20. Biển Gọi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét