Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2017

Sách Chém Gió Muôn Màu 3/ Phần 4/ Tiểu thuyết TÌNH BIỂN/ 16. Kiến Trúc Sư Thanh



NGUYỄN NGUYÊN BẢY

CHÉM GIÓ MUÔN MÀU, 3.

Phần IV, tiểu thuyết TÌNH BIỂN
In lần thứ nhất: NXB Tổng hợp Kiên Giang
20.150 uốn, khổ 13x19/ Số XB 028/ GPNT-SP Ngày 23.3.1987
Tái bản 1: NXB HNV 2017.

TÌNH BIỂN
tiểu thuyết NGUYỄN NGUYÊN BẢY

16. Kiến Trúc Sư Thanh


Thanh vừa ngước lên trần nhà, đã bị những cánh quạt đang quay tít cuốn chặt lấy đầu óc, làm mắt anh hoa lên và nếu như, anh không kịp đưa hai tay ôm mặt, rồi gục xuống, thì chắc chắn anh đã ói ra mật xanh, mật vàng. Cả cơ thể anh chống chếnh như con thuyền giữa biển bão, sóng hết va đập bên này, lại va đập bên kia và đang có nguy cơ một con sóng nào đó sẽ nuốt ực thuyền vào bụng biển. Thanh với tay, lấy ly rượu vừa rót uống cạn một hơi. Men rượu khi tới độ ngấm của nó con người ta cảm thấy mình không là mình nữa mà mình là chim, một đôi cánh bất chợt của Thượng đế ban cho trong phút chốc khiến tâm hồn bay tới nơi mà tư duy của họ hằng khao khát.
Thanh bắt gặp My My phơi mình trên bãi tắm. Bãi tắm ở đâu mà lạ lắm, hàng dương xanh rờn mọc lan tới gần mép biển. Thanh nhớ rồi, bãi tắm Xuyên Mộc, nơi anh đã khao khát một lần đưa My My tới đó. Hai người chưa đi được, mà sao hôm nay My My đã phới tấm thân trinh trắng của cha mẹ giữa thiên nhiên. Thanh liện một vòng rồi chao mình rất nhẹ xuống cạnh My My. Trong tiếng sóng biển, Thanh nghe rất rõ tiếng khóc của cổ. Thanh khẽ đưa bàn tay lật người My My dậy. 
- Tại sao anh uống rượu, anh đã hứa với em rồi cơ mà? – My My nói trong ánh mắt. 
- Nếu không uống rượu thì làm sao anh có thể bay tới được bên em. 
Thanh nói vậy, mà chiếc ly đang cầm trên tay bỗng rơi xuống, vỡ tan thành những hạt thủy tinh nhỏ xíu hòa trong cát. My My vục tay xuống, cả Thanh cũng vậy, nhưng bốn bàn tay của họ chỉ nhặt lên được những hạt cát. Rồi bốn bàn tay họ đan vào nhau. Hai gương mặt từ từ như tuân theo một sức hút kỳ lạ của nam châm, họ sáp lại gần nhau. Và khi chỉ còn cách nhau một sợi tóc, họ bỗng choàng ôm lấy nhau. 
Trời đất quay tròn. Mây trên trời cứ trôi, xanh như ngọc bích. Biển cứ rào rạt sóng, và cát cứ hổn hển run lên theo từng nhịp sóng. Hai thân hình quyện chặt lấy nhau. Một tiếng sét giữa ánh nắng đánh lên chói chang cũng không thể gỡ được vòng tay của họ. Sức thanh xuân dồn lên mười đầu ngón tay và hơi thở thổi ra từ hai lỗ tai. Lúc đầu ào ạt, dồn gấp. Rồi những cái rùng mình và từ từ họ lặng đi trong âm thanh của mây trôi, của sóng biển và của bồng bềnh cát … 
Họ vùng trời dậy khi cái nắng đốt làn da của họ rộp lên. Thanh từ từ bồng My My đi theo cát trôi dần về phía hàng dương. My My mắt vẫn nhắm nghiền trong cảm xúc, Thanh muốn hát cho My My nghe. Nhưng anh cảm thấy dư thừa vì thiên nhiên đang hát cho cả hai người cùng nghe., lắng trong tiếng gió, tiếng rì rào hàng dương và thoảng vút lên những tiếng chim biển hót. 
My My tỉnh dậy trong hơi nước nóng của con suối nước nóng, họ đuổi bắt nhau. Những hạt nước ly ti ngọt lịm khác hẳn nước biển lăn trên thân thể họ. Họ lại quấn lấy nhau, hôn nhau, yêu nhau. Rồi My My lại vuột khỏi tay Thanh, chạy ra giữa suối. Thanh đuổi theo. My My, My My … Anh gọi theo dồn gấp, mà bóng My My cứ mất dần, chìm trong con suối. 
Thanh bừng tỉnh. Đầu nặng như búa bổ. Một phản ứng tự nhiên, Thanh lại với tay cầm chai rượu, rót vào chiếc ly đã cạn vẫn đang nằm trên tay mình. 
Cửa mở, My My hiện ra trong chiếc áo đầm trắng muốt. 
- Anh. 
Thanh mừng rỡ, ngước cặp mắt đục ngầu nhìn My My. My My chạy lại, dằng ly rượu nơi tay Thanh. Thanh cố giữ. Nhưng rồi sức giữ của Thanh cũng yếu mà sức dằng của My My cũng có cái gì đó ngập ngừng chiếc ly vuột khỏi tay cả hai, rơi xuống sàn đá hoa vỡ tan tành. 
My My sững sờ. 
- Tại sao anh cứ làm khổ mình như vậy? 
Thanh không trả lời, hai tay ôm giữ thái dương, cố dập tắt ngọn lửa đang bốc rất cao trong đâu anh. 
My My trải chiếc khăn mùi xoa của mình xuống sàn nhà, nhặt từng mãnh ly vỡ vào đó. Cổ cô nghẹn lại, cô muốn khóc. Cô hiểu là Thanh đang hoang mang chống đỡ với những mất thăng bằng trong tinh thần của mình. 
- Má sẽ giải thoát được cho anh. 
Đúng, Thanh nghĩ, má em sẽ giải thoát được nỗi bế tắc của anh. Má sẽ thu xếp vàng cho cả hai đứa mình chạy trốn. Dù sao anh cũng cảm ơn thiện chí ấy của má. Nhưng chúng mình trốn đi đâu mới được chứ? Sang Mỹ? Đến thiên đường? 
- Sao anh không nói gì với em? 
Anh đang nói với em đấy chứ. Chúng mình sẽ ra đi. Nếu vượt qua được cái chết trên biển, thì anh được ở bên em mãi mãi. Có em, anh có tất cả, anh sẽ không phải cô độc như hiện thời. Khoảng cách của chúng mình không còn là dòng sống ngăn ở giữa mà em và anh mỗi người đứng một   bên bờ. Sóng gió gầm gào và chỉ có một con đò ngang. Khổ nỗi con đò ngang đó lại do mẹ em chèo lái. 
- Anh có nghe em nói không?- My My nhắc lại, tay cô vẫn còn run run nhặt từng mãnh thủy tinh vỡ trên sàn, - Đến với má ngay bây giờ nghe anh? 
- Má kêu em tới gọi anh phải không? 
- Em trốn má. 
Thanh thoáng cười. Anh là một kẻ ích kỷ lắm em ạ,- Thanh định nói với My My như thế, nhưng anh lại không nói được thành lời, - Đến với má, ủ   đầu vào ngực má, cầm những cây vàng của má rồi hai đứa ra đi. Em chẳng đã bao nhiều lần bị ép ăn ngon liên tục vài ngày đó sao, thịt cá ê hề mà sao không thể nhấc đũa lên được. Còn quần áo, có thể mặc cùng  một lúc hai bộ đồ đẹp được không em. Còn tự do. Em thích nhảy đầm, anh biết, qua bển em sẽ tha hồ đi nhảy đầm. Nhưng anh, anh không muốn vợ anh lại ôm eo một người đàn ông nào khác, còn chuyện nhảy nhót anh lại chẳng thích thú gì. Vậy thì anh, anh được cái gì ở Thiên đường đó. Một gia đình yên ấm. Qua bên đó, chưa biết chúng ta có trở thành một gia đình yên ấm hay không? Chị Hồng Hoa của em đi cùng với  chồng ngày di tản 30-4 cũng đã mang theo cái ước mong đó. Nhưng bây giờ chị đã sống với đời chồng thứ ba. Và thư mới rồi, chính em đọc cho anh nghe, chị đang muốn chia tay với người chồng đó. Anh nói vậy không muốn quy kết cho ai, vì anh không biết hoàn cảnh cụ thể của họ. Nhưng rõ ràng sống với ba người chồng mà không có một gia đình hạnh  phúc thì anh không thể. Điều thứ hai, phải có một quần thể bạn bè yêu thương nhau, hiểu nhau. Anh làm sao có được điều đó với cái tuổi đã gần ba chục, lại lạ đất, lạ người, lại bị cái mặc cảm da vàng mũi tẹt, lại bị cái ấn tượng của một kẻ ngụ cư. Những người Mỹ liệu có thể coi anh là bạn được không? Sống không bạn bè thì anh sẽ là sinh vật gì? Điều thứ ba, em cũng đã biết rồi đó, anh chỉ có một sở thích làm nghề kiến trúc, anh thề sống với sở thích đó suốt đời. Nhưng qua bên đó, khả năng của anh có đáng gì để nước Mỹ trọng dụng, và dĩ nhiên anh phải từ bỏ nó để đi làm nghề khác, ví như rửa chén. Rửa chén không phải một nghề xấu, nhưng không phải sở nguyện của anh. Điều thứ tư là môi trường để con người ta sống và làm việc. Anh xa lạ lắm, lạc lõng lắm với cái môi trường đó. Lỗi không phải vì nước Mỹ mà lỗi là anh sinh ra ở một xứ sở khác, sứ mệnh mà cuộc đời trao cho anh ở chỗ khác, chứ không phải… Thanh với tay định lấy chai rượu, nhưng My My đã ngăn lại. 
Ở đây, cách mạng chưa tin anh, nhưng anh phải tìm một cách nào đó để    chứng minh cho họ tin anh. Anh chưa làm được, đó là một bi kịch. Nhưng dù phải chịu đựng bi kịch đó thế nào đi nữa thì anh vẫn chịu được. Còn hơn là bi kịch của một kẻ sống không có quê hương. 
Cửa mở, bà mẹ Thanh nói vọng vào: 
- Thanh à, có ông Tư Lịch nào đó muốn gặp con. 
Thanh vụt đứng dậy. Tiếng bà mẹ vẫn vọng vào nhỏ nhẹ: 
- Ổng đang chờ con dưới phòng khác. 
Cửa khép lại. Tiếng bước chân người mẹ đi xuống lầu rất nhẹ. Thanh chạy ào vào toa lét, soi gương, rửa mặt, và sửa lại bồ quần áo đang mặc. My My vứt những mãnh thủy tinh vào sọt rác. Họ gặp nhau trong chiếc gương. 
- Có chuyện gì vậy anh? 
- Cách mạng tới gặp anh. 
Thanh chỉ kịp nói với My My như vậy, rồi anh hôn rất vội lên tóc người yêu và chạy ào ra ngoài.
My My đứng sững nhìn theo. Lúc nào ảnh cũng chờ đợi chuyện này xảy ra. Ảnh có thể mất mình, có thể từ chối tất cả nhưng ảnh không thể từ bỏ công việc. Ảnh yêu mình, nhưng ảnh muốn cuốn mình vào sở thích của ảnh. Một sở thích mà mình chưa nhận ra là nó thiêng liêng như thế nào với ảnh. Nhưng rõ ràng là nỗi nhớ ảnh, nỗi thiếu ảnh đã làm cho mình chơi vơi, mình chẳng biết phải sống như thế nào. 
My My xuống nhà, đứng nép vào bên bà mẹ Thanh cùng tò mò, lắng nghe những lời trao đổi của Thanh và ông Tư Lịch mà Thanh đã có lần giới thiệu với My My ổng là phó giám đốc Công ty. 
Tư Lịch: Tôi nghe nói cậu và vợ sắp cưới định đi Mỹ, bao giờ cô cậu đi? 
Thanh: Chú cũng biết chuyện đó? 
Tư Lịch: Tôi nghe anh em nói lại. 
Thanh: Nếu chú còn đủ lòng tin cháu, thì cháu xin nói với chú thế này, cháu chẳng đi đâu cả, đi thì cháu đã đi rồi. 
Tư Lịch: Tôi tin cậu. 
Thanh: Nhưng ở lại đất nước, cách mạng lại không tin cháu. 
Tư Lịch: Cậu quan niệm thế nào là cách mạng? Cách mạng không phải một người, có thể có người nào đó chưa tin cậu, nhưng cách mạng tin cậu. 
Thanh: Có nghĩa là chú tin cháu? 
Tư Lịch: Tôi đã tiếp xúc với cậu trong quá trình khôi phục biệt thự Chim Xanh. Cậu còn có ý muốn cộng tác với chúng tôi nữa không? 
Thanh: Thưa chú nhưng cháu không thể cộng tác với xí nghiệp do anh Tấn làm giám đốc. 
Tư Lịch: Tấn bây giờ không còn làm giám đốc xí nghiệp. Cậu Châu sẽ làm giám đốc xí nghiệp.
Cậu làm việc với Châu được chứ? 
Thanh: (Mừng rỡ) Thưa chú, anh Châu là một người tốt, cháu rất tin ảnh và ảnh cũng tin cháu. 
Tư Lịch: Như vậy có nghĩa là chúng ta đã thỏa thuận. Cậu có thể cho tôi mượn bản thiết kế tổng thể của cậu được không? 
Thanh: Chú chờ cháu một lát. 
Thanh mừng quýnh chạy vội lên lầu. 
Bà mẹ và My My bước lại gần bên Tư Lịch: 
- Thưa ông giám đốc, như thế có nghĩa là ông giám đốc tới gọi con tôi đi làm? 
- Bà không phản đối chứ? 
- Thưa ông, nếu cháu nó không được làm việc, chắc sẽ thành người hư hỏng. Gia đình chúng tôi xin giao cháu cho các ông, nhờ các ông…. 
Bà mẹ xúc động, không nói hết câu. Tư Lịch cười. Anh hiểu lòng bà mẹ muốn gởi gấm nơi anh tất cả sự lo lắng và lòng tin cậy của người mẹ. Anh không muốn để bà mẹ phải bối rối lâu, anh quay lại My My. 
- Cháu là My My phải không? 
- Dạ. 
- Chú nghe nói cháu vẽ rất giỏi? 
- Thưa chú, ba cháu trước đây là họa sĩ trang trí nội thất, hồi nhỏ cháu hay đi theo ba cháu. 
- Ở chổ chú cũng đang rất cần những người họa sĩ trang trí nội thất. Cháu biết đấy ta đang tu bổ lại hàng loạt biệt thự, khách sạn. Những công trình này không chỉ cần cái bên ngoài, mà những tiện nghi bên trong  chúng cũng phải xem xét, tu sửa và làm mới cho phù hợp. Nếu cháu sẵng lòng, thì cháu có thể tới làm việc ở chổ các chú. 
Thanh vừa chạy xuống nghe thấy lời mời đó của Tư Lịch dành cho My My, anh chen vào: 
- Thưa chú, có nghĩa là cả My My của cháu cũng có thể tới xí nghiệp xây dựng làm việc. 
- Nếu cổ muốn vậy. 
- Má, My My, - Thanh không dáu nỗi sự ngạc nhiên sung sướng, anh nắm tay cả hai người thân của mình, - Má cho phép chứ má? Em bằng lòng phải không em? – Thanh không chờ bà mẹ và My My trả lời, quay lại phía Tư Lịch. 
- Thưa chú đây là bản thiết kế. Bao giờ chúng cháu có thể tới xí nghiệp làm việc ạ? 
- Ngay sáng mai. 
Tư Lịch về còn để lại nỗi hân hoan cho cả gia đình. Hai má con Thanh vui, đó là điều tự nhiên, dễ hiểu. Còn My My, cô cũng có nhiềm vui riêng của mình. Niềm vui mà cô cho là quan trọng, là Thanh của cô không còn chông chênh, chán nản nữa. Còn với cô chuyện Tư Lịch nhận cô vào làm, sẽ là vấn đề rất khó khăn nan giải đối với má cô. Chẳng khi nào má cô chịu cho cô đi làm. Nhưng dù sao, mọi chuyện cũng đã lóe ra nơi cô một nhánh đường mới. 
- Em nhận lời chứ My My? 
- Em chưa biết ý má, nhưng dù sao, em cũng muốn đi làm với anh. 
- My My, - Thanh gọi tên cô với tất cả sự sung sướng. Nếu không có mặt má, chắc chắn Thanh đã ôm ríu My My..

/ Mời đọc tiếp/ tt Tình Biển/ 17. Ao Xoáy/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét