Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

Sách Chém Gió Muôn Màu 3/ Phần 4/ Tiểu thuyết TÌNH BIỂN/ 24. Gặp Gỡ Không Đinh Trước



NGUYỄN NGUYÊN BẢY

CHÉM GIÓ MUÔN MÀU, 3.

Phần IV, tiểu thuyết TÌNH BIỂN
In lần thứ nhất: NXB Tổng hợp Kiên Giang
20.150 uốn, khổ 13x19/ Số XB 028/ GPNT-SP Ngày 23.3.1987
Tái bản 1: NXB HNV 2017.

TÌNH BIỂN
tiểu thuyết NGUYỄN NGUYÊN BẢY

24. GẶP GỠ KHÔNG ĐỊNH TRƯỚC


Thực ra, nếu sớm hơn một chút thì Mạnh đã rẽ vào đền thờ Cá Ông, anh muốn thắp một nén nhang cảm tạ. Nhưng trời đã tối sệt, anh vội vã về nhà. Cô gái ấy chừng mười bảy, thân hình mới lớn, đầy đặn, rắn chắc. Anh vừa đi vừa nhớ lại tất cả. Mắt anh đăm đắm nhìn xa vời những con sóng, đột ngột mắt anh dừng lại vùng bãi nước lặng sóng. Trời ơi, tại sao lại bơi vào vùng ấy. Có ao xoáy. Ý nghĩ chỉ kịp đến với anh trong tích tắc, anh lao vút xuống khỏi chòi gác, mấy người đồng đội nghe tiếng anh cũng lao theo. Mắt anh không rời người con gái, anh tin như thế, vì anh thấy mảng tóc đen của cô nhô lên. Rồi hai bàn tay chới với. Rồi lặng trong làn sóng lặng của ao xoáy. Anh mở hết tốc lực, sải mạnh tay về phía cô gái. Cá Ông Voi bổn phận của ngươi là phải cứu trợ những người hoạn nạn trên biển. Tại sao ngươi lại bơi chậm chạp đến thế. Ngươi nên nhớ rằng, nếu ngươi không cứu được người bị nạn mà chính mắt ngươi đã trông thấy kia thì lưỡi đao của đôi cá trảm sẽ chẻ ngươi làm ba khúc. Ngươi chẳng xứng đáng sống ở cõi đời này nữa. Ngươi đừng quên rằng chính ngươi đã nguyện hứa là ngươi không bao giờ đầu hàng và chịu thua sóng biển. Bơi nhanh lên nữa đi. Ngươi không nghe tiếng kêu cứu sao? Sự biếng nhác của ngươi, sự tồi bại của ngươi chẳng bao giờ làm cho linh hồn ngươi thanh thản được đâu. Phải cứu được cô ta, ngươi hiểu chứ, đó là mệnh lệnh của chính trái tim ngươi. Và rút cuộc Cá Ông đã thổi vào anh sức mạnh thần linh và anh đã kịp nắm vào bàn tay cô gái, trong khi, tay cô gái đã xụi xuống và nhiều ngụm nước đã cuốn vào bụng cô. Anh ôm cô vào người, dơ cái đầu bất động của cô lên khỏi mặt nước, quật lộn với con sông và đưa cô vào bờ. Đi kèm anh là hai người bạn trong đội cứu nạn. Những người trên bãi tắm đổ xô lại phía anh. Anh bế cô gái trong tay chạy rất nhanh trên bãi cát về phía trạm cấp cứu.
Đây là người thứ ba anh cứu thoát, kể từ ngày anh được tuyển vào đội cứu nạn trên bãi tắm này.
Vì sao cô ta lại dại dột bơi vào vùng có ao xoáy? Chẳng lẽ cô không thấy những lá cờ đen đã chỉ dẫn vuùg nước nguy hiểm. Sự sa đà mơn trớn của sóng, hay vì nguyên do nào khác. Bao giờ Mạnh cũng cố lý giải điều đó. Chúa biết tất cả. Con người sống ở trên thế gian này, chẳng một ai muốn chết, cô gái kia suýt chết vì rủi, vì nạn, chớ lòng cô không bao giờ nghĩ tới cái chết và càng chẳng khi nào cô tự đi tìm cái chết.
Anh nhà báo, mấy lần trước đã hỏi mình, hôm nay cũng lập lại chính câu hỏi mà mình không thể trả lời: Anh cho biết động cơ nào đã thúc đẩy anh cứu người?
Trời ơi, chẳng lẽ cứu người mà cũng có động cơ? Trong thơ thứ nhất của Phao Lô gửi cho người Côrintô đã dạy:
 “Dầu tôi không nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nhưng không có tình thương yêu, thì tôi trở nên như đồng la kêu lên hay chập chỏa vang tiếng. Dầu tôi có ân tứ nói tiên tri, biết đủ các lẽ mầu nhiệm và mọi sự tri thức, dầu tôi có cả đức tin, đến nỗi dời núi được, nhưng tôi không có tình thương yêu, thì tôi chẳng ra gì. Dầu tôi có đem cả của cải của tôi mà chẩn tế, lại bỏ thân chịu đốt, song không có tình thương yêu, thì điều đó chẳng có ích chi cho tôi”.
“Tình thương yêu hay kiên nhẫn và nhân từ, tình thương yêu chẳng ganh ghét, tình thương yêu chẳng khoe mình, chẳng lên  mặt, chẳng ở phi lễ, chẳng tìm tư lợi, chẳng nhạy giận, chẳng niệm ác, chẳng vui về sự bất nghĩa, nhưng vui vì lẽ thật. Tình thương yêu bao dung mọi sự, tin mọi sự, hy vọng mọi sự, nhẫn nại mọi sự”.
“Tình thương yêu chẳng hề hết, dầu ơn trên nói tiên tri sẽ bãi, dầu các thứ tiếng sẽ dứt, dầu tri thức cũng sẽ thôi. Vì chúng ta hiểu biết có chừng, nói tiên tri cũng có chừng, song lúc sự trọn vẹn đến, thì sự chứng sẽ bị bỏ. Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tưởng như con trẻ, đoán như con trẻ, khi đã thành nhân, tôi bàn bỏ những việc trẻ con. Bây giờ chúng ta xem mập mờ như trông vào gương, nhưng bây giờ mặt đối mặt. Bây giờ tôi biết có chừng, nhưng bây giờ tôi sẽ thông biết cũng như Chúa đã biết tôi vậy. Bây giờ còn lại ba điều này: Đức tin, hy vọng, tình thương yêu mà điều lớn hơn là tình thương yêu” (Kinh Thánh Tân Ước – Trang 304).
Nếu tôi trả lời với anh nhà báo kia vậy, thì tôi có phải là người vì ngoan đạo mà đem những lời của Chúa răn dậy ra nói về trái tim mình không? – Mạnh tự hỏi mình, rồi anh lại tự trả lời, - Tôi đã sống với những người cách mạng trong những tháng ngày học tập trong trại cải tạo. Những người cách mạng đã nói những điều như Chúa nói và cái quan trọng là họ cũng đã làm như thế. Bây giờ, tôi đang làm việc với những người cách mạng, họ đã tin ở tấm lòng tôi.
Chúa sẽ không bắt lỗi con, vì con biếng đi lễ nhà thờ. Con hiểu là Chúa ở trong lòng con, chớ không phải Chúa chỉ có ở trong nhà thờ.
Mạnh vừa về tới cửa, thì đã thấy Đại đang ngồi nơi hàng hiên.
-Tôi chờ cậu cả giờ đồng hồ rồi, đi đâu về muộn vậy?
Mạnh không đáp lại câu hỏi của Đại. Bởi anh không muốn kể cho bạn nghe anh vừa đi đâu về. Sau khi đưa cô gái vào trạm cấp cứu ở bãi tắm, anh đã làm những động tác sơ cứu, nhưng cô gái vì uống nhiều nước và cả vì sợ hãi, cứ xỉu đi. Anh đã đề nghị đưa cô vào bệnh viện, và anh đích thân đưa cô tới đó, và chỉ ra về khi đã hoàn toàn yên tâm là cô gái đã được cứu sống.
-Cậu tắm rửa và thay bộ quần áo đẹp nhất rồi đi với tôi.
-Đi đâu vậy?
-Mình tạm thời bí mật với cậu, nhưng tất nhiên là mình sẽ đưa cậu tới chỗ cậu muốn tới.
-Anh không nói rõ thì tôi từ chối. Bởi tôi không muốn làm việc gì mà mình chưa biết rõ.
-Vậy thì cậu hãy nghe đây. Nàng mời tôi và cậu tới nhà.
Mạnh lặng người. Thì ra điều phải tới cuối cùng đã tới, nàng mời tôi tới nhà. Mạnh bàng hoàng trước tin đó, anh ngồi xuống ghế và không tin vào tai mình nữa, có phải anh vừa nghe bạn mình nói điều đó không?
-Chính mình cũng bất ngờ, cậu hiểu không, một người phụ nữ, tất nhiên không phải là nàng, đã lần theo địa chỉ ghi trên tấm danh thiếp mà tới tìm mình. Chị ta tự giới thiệu là người nhà của nàng. Chị ta đã kể lại những biến động cõi lòng nàng, từ khi mình đem tới cho nàng cái tin là cậu đã hiện diện ở Thành phố. Và cuối cùng chị ta yêu cầu mình đi tìm cậu, và khẩn khoản mời bằng được hai đứa mình sẽ tới thăm nàng vào tối nay. Câu chuyện chỉ có vậy thôi, cậu bằng lòng rồi chứ, thay quần áo đi ngay đi, cần phải gặp nàng, dù sao cũng phải gặp nàng…
-Tôi..
-Sao vậy…
-Bởi cuộc hẹn này tôi không định trước. Tôi nghĩ là nó sẽ khác hơn.
-Con khỉ, mình xin lỗi, cậu đồng bóng vừa vừa chứ, lòng cậu lúc nào cũng tha thiết được gặp nàng, vậy mà khi sắp được gặp thì lại đủng đỉnh, thôi lẹ lên mình chờ.
Mạnh vẫn ngồi bất động. Đại đã nói đúng, mình chờ đợi phút giây gặp gỡ này từ lâu rồi. Nhưng bây giờ rõ ràng là lòng mình đã nguội. Nàng ban ơn cho mình ư? Không thể như thế. Mình muốn giải thoát nàng ra khỏi mộ huyệt, vậy mà nàng thì cao đạo như thể cứu giỗi mình. Mình sẽ không đi đâu hết, như thế là đủ rồi, nàng đã gượng dậy được, cũng như cô gái mới thoát khỏi ao xoáy kia, nàng sẽ không chết.
-Cậu định không đi thật à? – Đại đột ngột đứng dậy, - Lúc nào cậu cũng xưng nơi miệng những lời răn dậy tốt đẹp của Chúa nhưng khi cần phải làm một việc tốt đẹp thì cậu lại suy nghĩ.
-Tôi xin lỗi, - Mạnh bối rối, anh chờ cho một lát, tôi sẽ đi. – Mạnh bước vào nhà trong, tới cửa phòng trong, anh quay lại, - Anh Đại à, anh là một người bạn tốt, nhưng anh cũng sẽ tha lỗi cho tôi, nếu như tới nhà nàng, mà như đi vào mộ huyệt thì khi đó tôi nhất định bỏ về.
-Mình không phản đối điều đó.
Người đàn bà tới cơ quan Đại hồi trưa đã đón hai người nơi cổng, với thái độ lịch sự và niềm nở. Và nàng, với bộ đồ xoa vàng rực, nụ cười thật sáng, hơi ngượng ngịu, đón họ ở bậc thềm.
Cô gái ấy, khi Mạnh vừa choàng được sải tay phải vào tay cô ấy, Mạnh kéo mạnh cổ lại phía mình trong khi những xoáy nước cứ muốn lôi cổ ra và cuốn cổ đi. Mạnh nhô đầu nâng cổ khỏi mặt nước. Mạnh không nghe cử động nhỏ toát ra từ người cô gái, cô mềm oặt, rũ như sợi bún. Thế rồi trong gian phòng cấp cứu, Mạnh đã xoa bóp thân thể cô đến nóng bỏng hai tay mà sự sống vẫn chưa nhú lên. Mãi rồi một luồng nước biển pha lẫn mùi thức ăn từ miệng cổ đổ thốc tháo ra, Mạnh mới linh cảm thấy tiếng động rất nhẹ của trái tim, và hơi thở đã lay động nơi lồng ngực. Cái lay động đó bất chợt Mạnh liên tưởng tới nụ cười nở gượng trên môi nàng. Nụ cười ấy năm nàng mười bảy tuổi nó sáng rực như một ban mai, nó làm rung động xúc cảm của Mạnh tới từng thớ thịt. Nụ cười ấy tưởng như đã chết, bấy giờ đột nhiên sống lại, nó cũng như hơi thở cô gái được cứu sống kia chỉ khẽ rung trên làn ngực, nhưng đó là sự sống, sự hồi sinh.
Đại trong một tâm trạng so sánh khác. Sự so sánh càng rõ nét, khi tất cả bước vào gian nhà khách. Mới hôm nào, Đại cũng đã tới đây, cảm giác của người đi vào nhà tang. Tất cả đều u ám, ảm đạm. Còn bây giờ, mặt người đàn bà và những bông hoa lay dơn hơi khó kiếm ở Vũng Tàu được trưng rất nghệ thuật trong chiếc bình pha lê trắng muốt.
-Tôi muốn được thưa với bà…
Nàng khích lệ sự ngập ngừng, lúng túng của Đại:
-Xin ông cứ dạy.
-Tôi xin phép được cáo lỗi bà vắng mặt chừng mười lăm phút.
-Vì sao vậy, thưa ông?
-Xin cho tôi được bí mật, sau mười lăm phút nhất định tôi sẽ trở lại.
Đại nói rồi, đứng dậy, bước nhanh ra khỏi phòng khách nhà Thanh Thúy.
Thanh Thúy hơi sững sờ, quay lại hỏi Mạnh:
-Có chuyện gì với ông ta vậy anh?
Mạnh cười:
-Tôi cũng chưa rõ. Nhưng ảnh là một người bạn tốt, rất tốt, vì vậy sau mười lăm phút nữa chúng ta sẽ biết.
-Có nghĩa là ảnh nhất định trở lại?
-Vâng.
Thanh Thúy ngồi trở lại, đối diện trước mặt Mạnh. Họ nhìn nhau, im lặng đến tận cùng.
Còn Đại, khép vội cánh cổng sắt nhà Thanh Thúy, rảo bước về khách sạn. Tâm hồn anh như có con chim ca hót. Chỉ có Như may ra mới hiểu được tâm trạng của mình lúc này. Nhưng tất nhiên là mình chẳng kể lại cho cậu ta nghe câu chuyện này đâu. Mình dành nó riêng cho mình. Cái ao xoáy hôm nào mình nói cho cậu ấy nghe. Thú thật lúc đó mình cảm thấy bi quan quá, sau chiến tranh giữa cuộc đời này có bao nhiêu là ao xoáy. Mình đã thấy hai cánh tay của Mạnh chới với trên biển. Cậu ta sinh ra để làm cái nghề bơi lặn, vậy mà chính cậu ta đã đang kêu cứu trong cái ao xoáy cuộc đời. Cả bà tư sản Thanh Thúy cũng vậy, hai bàn tay bà không với lên kêu cứu, mà bà tự buông xuôi, cho sóng xô đẩy, vật vã, để tới một lúc nào đó bà không tự chống đỡ được với sóng nước, thì chính sóng nước cuốn bả vào cõi chết. Con người phải cứu giúp con người. Mình không nhân danh cách mạng, dù mình sinh ra đã có cách mạng, mình đi theo cách mạng, mình lớn lên trong cách mạng, mình là một con người của cách mạng, là cộng sản, là Việt Cộng. Nhưng tiếc thay chữ thiêng ấy hiện đang là nỗi ám ảnh sợ hãi của hai con người xương thịt đang ngồi trước mặt, ngang một tầm với với mình đây..Quên mọi nhân danh chữ nghĩa đi, chúng ta là đồng bào, là anh em, là người với người, lẽ nào không thương yêu nhau, cứu giúp nhau lúc thân xác hoan nạn, khi đức tin ruồng rẫy bỏ đi. Sống ở đời này mà không quan tâm lẫn nhau, không cứu giúp lẫn nhau, thì cuộc sống sẽ cô đơn, độc ác biết chừng nào.
-Cô bán cho tôi chai rượu vang đỏ.
-Liên Xô hay Ba Lan?
-Gì cũng được, miễn là vang đỏ.
-Thứ này phụ nữ uống rất hạp.
-Vâng, tôi mừng sinh nhật một người bạn gái.
Đại cầm chai rượu trong tay, đi như bay trở lại nhà Thanh Thúy, tính ra cả đi và về không đến mười lăm phút.
Mạnh vừa trông thấy Đại nơi cửa, đã đứng bật dậy, nhào tới, ôm chầm, gục đầu vào vai, ngực run lên. Một làn nước lành lạnh thấm qua áo, đụng vào da thịt Đại. Thì ra Mạnh đã khóc. Đại không muốn kéo dài không khí xúc động này, bởi chỉ cần thêm vài giây nữa thì cả Thanh Thúy cũng sẽ khóc. Anh dơ chai rượu nói với Thanh Thúy.
-Xin bà cho phép. Vì cuộc gặp gỡ không định trước nên chuẩn bị chưa được chu đáo.
-Ông Đại..
Thanh Thúy chỉ thốt được tên anh, cổ đã nghẹn lại.

/ Mời đọc tiếp/ tt Tình Biển/ 25. Tư Lịch/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét