Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

VƯỜN NĂM NHÀ,3 / Thơ BÙI KIM ANH/ nguyễn nguyên bảy, đò đưa..



Tủ sách THƠ BẠN THƠ
Lý Phương Liên-Nguyễn Nguyên Bảy
(Chủ biên)


VƯỜN NĂM NHÀ,3

Thơ 
BÙI KIM ANH  

nguyễn nguyên bảy, đò đưa
TRẦU CAY RỒI CÓ THỂ CŨ
NHƯNG LỤC BÁT THÌ KHÔNG..

Bị ám ảnh với bài thơ Ngày Đêm của Bùi Kim Anh, tôi mới lục lọi mọi ngõ ngách tìm đến thơ của chị, giật mình nghe thơ mách chị là một nửa của bạn tôi, dân Phát Thanh đã trải nghiệm xong nạn ách. Hai chữ nạn ách đập vào tâm trí, thúc bức tôi go on foot đến bạn, cầm tay chị nói lời lòng: Tôi cũng đã đứng dậy từ nạn ách đất Phát Thanh mà tiến lên cuộc đời hôm nay đấy! Chúng tôi cùng cười, tiếng cười thơ ngân ngấn nước mắt. Tôi thầm bảo Bùi Kim Anh: Cho mình đọc lại, chị nghe thêm lần nữa, bài thơ Ngày Đêm, để đủ chuyện, không nói thêm gì nữa trong khúc đò đưa thơ Bùi Kim Anh, bài in sách thơ Vườn Năm Nhà 3, này.

Thơ Bùi Kim Anh. Ngày Đêm
một đám mây loãng toẹt mai táng ánh sáng/ chân trời kết dải tang trắng đục/ hết một ngày/ đêm mở mắt nhìn người đi dưói ánh đèn ánh cây/ xe rồ máy/ cái bóng nhảy tít lên ngọn trô trố ngó/ ta quàng vai hồn nhập nhoạng/ ngày của ta đêm của hồn/ ngày của hồn đêm của ta/ hồn ôm cổ ta lảo đảo / đứa nào uống/ đứa nào say/ ta đi ra bãi/ tha ma/ hồn đi về nhà/ hồn ngồi sau xe/ ta đi bộ về nhà/
Ta đi bộ về nhà..Go back home on foot..
+
Nói ngay, Người Nữ Thơ Bùi Kim Anh, gửi cho Dự án sách Thơ Bạn Thơ tập 40 bài chất, trên cả hai phương diện đức thơ và thuật thơ, xứng với danh nghề một nhà giáo khả kính, một nhà thơ chuyên nghiệp đáng tôn trọng. Khu vực thẩm mỹ thơ Bùi Kim Anh rộng thể tài và sâu bút lực. Vì thế, chúng tôi đã sao in thơ chị, trân trọng gửi các bạn thơ, các nhà phê bình văn học, để nghị thẩm thơ chị và có lời chia sẻ. Phần mình, khúc đò đưa thơ Bùi Kim Anh này, chỉ là một lát cắt, lát cắt thơ Lục bát và tôi hát ngay đây..

Trầu cay rồi có thể cũ/ Nhưng lục bát thì không..
Trầu cau là món ăn đầu câu chuyện của thời bà ngoại tôi, mẹ tôi, trở về trước, có thể về tận thời Hùng Vương, là cứ nói vậy, cũng như tấm áo tứ thân, tấm yếm lụa sồi.. xưa từ thời xa xưa ấy.. Đến nay, áo yếm sắc mầu kiểu ấy có thể  cũ, miếng trầu đầu câu chuyện cũng có thể cũ, cũ theo lẽ tự nhiên tiến hóa.. Trầu cay có thể cũ/ Thưa vâng, nhưng lục bát thì không, vì lục bát là phi vật thể, ở miền ngôn ngữ, khu vực thi ca, chỉ khi nào ngôn ngữ già cỗi, chết, miền lòng ung bướu tuyệt, thì lục bát mới cũ, mới hết nảy mầm xanh mới.. Giả thuyết đó là không thể.
Lục bát Bùi Kim Anh:
sợ cũ như miếng trầu cay/ sợ mòn như thể lối ngày đi qua/ sợ người bảo ta đã già/ như câu lục bát ngâm nga chuyện đời../
Bốn câu thơ như nói, nói bằng vần điệu, giản dị chân thành như thường gặp ở miền thôn giã các bà, các mẹ tự nhiên ví von, tự nhiên điệu vần, và biết bao nhiêu những nói vần, những ví von ngẫu hứng ấy đã hóa thành ca dao, dân ca, không tác giả không bản quyền..
Đọc thêm Bùi Kim Anh:
này câu lục bát hư hao/ tìm dùm ta chữ khát khao đã gày/
Đò đưa thốt: Hay! Đế thêm: Đẹp. Hay chưa hẳn đã đẹp, lục bát tương đối dễ viết đẹp, đa phần đèm đẹp, hoặc đẹp, nhưng hay không nhiều. Là bởi đẹp thuộc khu vực hình ảnh, vần điệu, chữ nghĩa, còn hay thuộc khu vực ý, tứ, sâu nông, dài rộng, thuộc miền phiêu bồng, mênh mang, thuộc tiếng lòng, vống lên một chút bảo là miền minh triết, miền học cao, biết rộng. Cái hay đẹp của đôi câu lục bát Bùi Kim Anh dẫn trích là cái hay đẹp của tiếng lòng, không chỉ là tiếng lòng đơn lẻ, mà là tiếng lòng bầy đàn, của những người thơ, tuổi lứa đang chiều, cuống quýt với nỗi /sợ người bảo ta đã già/  mà lục bát dù tuổi đã vài trăm vẫn cứ trẻ, trẻ mãi, người gìa mà thơ trẻ cuộc tình chênh chao, lực bất tòng tâm, thương thay! Thương thay là một lời tầm thường,
không thuộc phẩm chất người thơ chuyên nghiệp Bùi Kim Anh, luôn vươn mình lên ngang cùng sức trẻ của thơ: /này câu lục bát hư hao/ tìm dùm ta chữ khát khao đã gày../
Tôi xin lỗi phải dừng nhịp đò đưa này tại dòng này, vì hình như đò đưa tôi sắp xâm lược khu vực lý luận phê bình, phần quan tâm tôi nông cạn, phần tôi không thích đề cập, do bởi tôi thường trực nghĩ Thơ Là Thơ, cần gì nhiều lời thêm, cần gì tranh luận, nâng lên thành lý thuyết Thơ Học như vật lý toán học. Sao vậy? là bởi vật lý toán học thuộc tư duy lý, còn thơ thuộc trựu tượng, đã trừu tượng, mỗi người trừu tượng mỗi khác nhau, không công thức được. Vì thế, cho phép tôi chép lại dưới đây nhiều mầu thơ lục bát khác nhau, để rồi, tùy mỗi người ấn tượng một men mặt lục bát, không có sự khen/chê hay hoặc dở, không có sự bình phẩm khó viết hoặc dễ viết, không có sự mượn cớ tôn vinh hay bài xích...Xin tùy tiếng lòng người đọc đồng cảm, chia sẻ, ngẫm nghĩ..

Lục bát Cụ Hồ:
Tiến lên chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn/

Lục bát Tố Hữu:
/ Mình đi, có nhớ những ngàyMưa nguồn suối lũ, những mây cùng mùMình về, có nhớ chiến khuMiếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?Mình về, rừng núi nhớ aiTrám bùi để rụng măng mai để giàMình đi, có nhớ những nhàHắt hiu lau xám, đậm đà lòng sonMinh về, có nhớ núi nonNhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt MinhMình đi, mình có nhớ mìnhTân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa./
Lục bát Trần Đăng Khoa:
/ Nhà em treo ảnh Bác Hổ/ Bên trên là một lá cờ đỏ tươi/ Ngày ngày Bác mỉm miệng cười/ Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà/ Ngoài sân có mấy con gà/ Ngoài sân có mấy quả na chín rồi/ Em nghe như Bác dạy lời/ / Cháu ơi đừng có chơi bời đâu xa/

Lục bát Nguyễn Bính:
/ Hôm qua em di tỉnh về/ Đợi em ỡ mãi con đê đầu làng/ Khăn nhung quần lĩnh rộng ràng/ Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!/
/ Nào đâu cái yếm lụa sồi?/ Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?/ Nào đâu cái áo tứ thân?/
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?/

Lục bát Huy Cận :
/ Chào em buổi sáng hôm nay/ Có hoa sen nở Hồ Tây trắng ngần/

Lục bát Bút Tre:
/ Chị em nô nức đặt vòng/ Hoa mộ liệt sĩ tỏ lòng biết ơn/
/Anh đi công tác Cam Pu/ Chia chiến lợi phẩm ở tù ba năm/

Lục bát hò Huế:
/Chuối chi đã chuối lại cau,
Đã mía sao lại mía lau, hỡi chàng?/

Lục bát hát đối đáp Quảng Ninh:
/Thuyền nào mà véo, mà von/ Trời còn chưa tối, đầu non trăng mờ/ Có lòng thì đợi, thì chờ
lòng nhớ bến, thương bờ thì neo./

Lục bát học tiếng Pháp:
/ Mu-soa (muochoir) là cái khăn tay/ Buya-rô (bureau) bàn giấy, để ngay văn phòng/ Savon là cục xà-bông/ Ban-công (balcon) là chỗ đứng trông trước nhà/ Xót-ti (sortir) có nghĩa: đi ra/ Ve (vert): màu xanh lá, màu là cu-lơ (couler)/ Beurre: thi có nghĩa là bơ/ Ăn với ba-gét (baguette): bánh mì đũa que/

Lục bát học tiếng Anh:
/ Angry – giận dữ, trên là Above/ Asleep – ngủ suốt đêm thâu/ Active – chủ động, Adult trưởng thành/ Automatic – tự hành/ Trơn tru, chính xác viết thành Accurate/ Atractive – hấp dẫn là đây/ Awere – ý thức, có sẵn Available / Quên đâu cứ hỏi anh Gồ (google)/ Able – có thể, Actual – thực ra../

Trên, dẫn chỉ một vài cỏ hoa, theo trí nhớ, trong vườn rừng lục bát bạt ngàn. Cứ câu trên sáu, câu dưới tám tuôn chữ ra là thành thơ lục bát. Cứ theo nhịp lục-lục-bát-lục-bát mà kể, mà hò, mà hát mà dân ca, ca dao, mà khẩu hiệu, mà tuyên ngôn, mà tả cảnh, tả tinh, sự gì cũng được, việc gì cũng được, ngắn cũng được dài cũng được, vi cũng được, vĩ cũng được, đơn nghĩa cũng được, đa nghĩa cũng được, thậm chí vô nghĩa cũng được, mục đích gì cũng được, dỗ nín khóc cũng được, pha trò cười cũng được, chữ thời là bây giờ, là hiện tại, là quá vãng, là tương lai, đều gom được..và tất những nói trên đều là Thơ Lục Bát, thưa bạn đọc.
Vì thế, để tránh những ngộ nhận và nhầm lẫn nên cần phân biệt rõ mặt lục bát mình đang chiêm đọc thuộc men gì, lục bát hát hò, lục bát hô hào, lục bát khẩu hiệu, lục bát tuyên ngôn, lục bát nịnh, lục bát chửi, lục bát tục, lục bát thanh.. hay lục bát tiếng lòng. Tôi học ngắn, ít chữ, không định nghĩa dài rộng được chữ Thơ, mà chỉ nôm na Thơ Là Thơ, tàng ẩn nghĩa Thơ Là Tiếng Lòng, từ định nghĩa đó, tự suy ra Lục Bát Tiếng Lòng là Lục Bát Thơ.
Thơ lục bát của chị thơ Bùi Kim Anh thuộc vùng miền Lục Bát Thơ..
Mời đọc:
/ buồn thì ta lại yêu nhau/ tội gì ủ rũ cho mau cái già/
Đọc tiếp:
/ giăng ra hai tiếng than ôi/ ta đi vẫy gió cưỡi chơi bồng bềnh/
Đọc ngân nga:
có người đàn bà lãng quên/ nét duyên bỏ lại bên thềm chẳng mang/ bỏ yêu quên hết dở dang/ câu thơ viết để lang thang cõi đời../
Đọc thêm:
/ ngỡ cầm vàng phải giữ vàng/ cái giàu dễ tuột cái sang dễ hèn/
Gặp câu thơ hay, người viết (động) viết trôi gió mát, người đọc (tĩnh) sướng toát mồ hôi. Tôi cầm phôn bấm số Bùi Kim Anh, máy bận, bận kéo dài. Mồ hôi sướng hình như chảy vào lòng, nóng hổi. Tôi thèm chia sẻ với người thơ viết câu tám: cái giàu dễ tuột, cái sang dễ hèn..biết bao, câu thơ giản dị phúc hậu lời cô giáo. Tôi mở fb, Kim-Anh Bùi, mắt gặp nử sĩ Bùi Kim Anh (đang cười nín) cùng nhà văn Trần Huy Quang (trầm ngâm) ngồi bên nhau, trang trọng trong buổi lễ trao giải thường Văn Chương viết về Thương binh liệt sĩ nhân mùa 27.7, và nữ sĩ Bùi Kim Anh đậu bằng khen thưởng giải ba. Tôi nở cười và chầm chầm thiền cái sướng từ trong lòng ra mắt đọc bài viết minh họa dưới chân dung Bùi Kim Anh.
Đọc chép lại theo link http://www.tamnhin.net.vn
Tại buổi lễ, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: “Có thể nói 41 tác phẩm được giải là một bức tranh thu nhỏ của Cách mạng Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Chúng tôi hy vọng rằng các tác phẩm được tôn vinh và trao giải sẽ đến tay của bạn đọc trên cả nước, nhắc nhở chúng ta sống và làm việc xứng đáng với quá khứ”
Và nhà thơ đoạt giải, Bùi Kim Anh bộc lộ: “Tôi gửi bài không chỉ đơn thuần là để dự thi. Một chùm thơ, một bài kí của tôi đều viết từ những cảm xúc chân thành từ đáy lòng mình, sự trân trọng đối với các anh hùng liệt sĩ. Khi đã nhận giải thưởng, tôi mới phát hiện ra vẫn còn những bài thơ khác đã được đăng tải trên mạng xã hội. Sắp tới, tôi sẽ in lại và đặt tên tập thơ là Bia vẫn trắng”.
Cỏ chẳng mọc nơi/ Cọc sắt đã nện chặt vào đất/ Đinh sắt đã găm chặt vào cẳng xương đen  đúa/ Gai lồng gai tứa thịt da người/ Nắng bốn bề tạt gió biển ra khơi /Hơi biển ướp những bóng hồn phảng phất... (Nhà lao cây dừa- Bùi Kim Anh) là  những vần thơ phần nào khắc họa nỗi đau, sự hi sinh của anh hùng liệt sĩ trong 70 năm đấu tranh.
"Ngày nay, chúng ta đang sống trong hòa bình, thế hệ sau cần hiểu được giá trị thực sự của hòa bình một cách đúng đắn để có những hành động suy nghĩ xứng đáng với sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ" bà Kim Anh chia sẻ.
(Hết trích)
Mồ hôi sướng tứa ra mắt, nhạt nhòe..Chúc mừng Bùi Kim Anh, người thơ xứng đáng được giải thưởng.
Mải dự Lễ trao thưởng chia vui cùng bầu bạn thơ đậu giải, đò cập bến, đò đưa thêm là không thể, bài viết đành xong.
Thưa chị thơ Bùi Kim Anh, sách thơ Vườn Năm Nhà 3 này, phần thơ của chị, bài số 22 tựa đề là Bia vẫn trắng chị vửa nhắc tới sẽ thành tên tập thơ mới của Bùi Kim Anh. Khi nào sách thơ Bia vẫn trắng xuất bản, nếu chị cho phép, mình lại tình Thơ Bạn Thơ đò đưa tiếp..

Nguyễn Nguyên Bảy, viết mùa 27.7.2017.
VANDANBNN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét