Thứ Hai, 4 tháng 9, 2017

Vườn Năm Nhà 3/ Thơ Trần Nhương/ Các đò đưa thơ Trần Nhương.



VƯỜN NĂM NHÀ, 3
Thơ TRẦN NHƯƠNG

Các đò đưa Thơ TRẦN NHƯƠNG
Tác giả tự chọn 

Nguyễn Quang Lập
KHI TRẦN NHƯƠNG NHÚNG BÚT VÀO SỰ THẬT


Hơn ba mươi năm cầm bút Trần Nhương rất ít khi xuất hiện, mỗi lần xuất hiện cũng không gây ấn tượng gì cho bạn đọc, văn thơ của anh tuồng như không lưu lại trong trí nhớ người đời, nói một câu thế cho nó nhanh.
Bỗng nhiên chục năm gần đây, kể từ khi sang thế kỉ 21, Trần Nhương bỗng bừng ngộ, không chỉ trang website hút hồn hàng triệu người đọc mà những sáng tác của anh bỗng lấp lánh một vẻ đẹp lạ thường. Tập sách Cơm bụi chấm com và những trang thơ của anh đã làm tôi sửng sốt.  Hình như lúc này Trần Nhương không viết văn, anh đang vắt mồ hôi và máu để vẽ nên chân dung thực của đời mình, thứ chân dung mà hơn nữa thế kỉ anh đã  dấu diếm trong vỏ bọc một công chức quèn.
Nhà văn Nga Vasili Makarovich Shukshin (1929-1974) đã nói: “Nhân dân luôn biết rõ sự thật. Muốn trở thành một nhà văn lớn, hãy nhúng ngòi bút của mình vào Sự Thật!” Có lẽ Trần Nhương đã nghe lời bác V. Shukshin, đã cả gan nhúng bút vào sự thật. Chẳng biết Trần Nhương có trở thành nhà văn lớn hay không nhưng kể từ đây anh trở thành một trong những nhà văn đáng kể nhất thuộc thế hệ của anh, thế hệ đã lừng danh một thời, nay đa phần chỉ còn ngồi lo khâu vá bao bì, sơn quét chân dung chuẩn bị về cõi thiên thu.


Hoàng Thu Thủy
 theo www.
Trường Cao đẳng sư phạm Huế
EM VỪA ĐỦ ĐỂ ANH KHAO KHAT

Đang thấy mình mòn cũ đi mỗi ngày, khi lịch trình không có gì thay đổi, nếu đi làm cả ngày, tối về thấy thời gian ngắn lại, thế rồi lang thang trên mạng đọc báo, bất ngờ đọc được bài thơ “Vừa đủ” của nhà thơ Trần Nhương, cũng là lúc chợt nhớ ra Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3) đã đến bên thềm.
Mắt chợt sáng lên, tâm hồn đã ngân nga với những câu thơ thật đằm thắm, sâu sắc, mang giọng nữ, dù đối tượng trữ tình là em: “Em vừa đủ để anh khao khát, Vừa đủ làm cho anh thật là anh, Trời chớm thu vừa đủ nét xanh, Quả chua ấy cũng vừa đủ ngọt”. Tính triết lý nằm ngay ở tiêu đề và cũng là tứ của bài thơ: Em vừa đủ…, đạo vô vi của Lão tử cũng dựa trên nền tảng giản đơn: mọi vật thể theo tự nhiên, “tri túc chi túc hà thời túc, tri nhàn chi nhàn hà thời nhàn (nghĩa là: Biết đủ là đủ, tức là đủ, biết nhàn là nhàn tức là nhàn). Với câu thơ “Em vừa đủ để anh khao khát”, mới đọc qua thì thấy “em” vốn đã khiêm nhường, người phụ nữ Việt Nam là vậy, bao giờ cũng khiêm nhường, cũng nhận mình chỉ là bình thường, giản dị… nhưng để “anh khao khát” thì không phải như sự thừa nhận của em, mà em phải hoàn thiện đến mức nào, giỏi giang đến mức nào, đẹp đến mức nào thì “anh” mới “khao khát”… triết lý nhân sinh bắt đầu từ những câu chữ giản dị như thế đó.
Bởi vì, em biết mình là ai: “Em vừa đủ để qua thời non nớt, Nét thục hiền vừa đủ chút đành hanh, Trong vững bền vừa đủ sự mong manh, Trong đằm thắm vừa đủ lòng nghi kỵ”. Em vừa đủ bởi trong em có sự hoàn thiện của những nét tính cách đối lập tạo nên cái ngọt ngào, cái mê đắm nơi anh. Em giản dị thôi, nhưng không ngu dại, bởi cũng biết đành hanh, cũng biết nghi kị, cũng giữ cái mong manh để anh che chở, có cái non nớt để anh háo hức, cái đằm thắm để níu kéo lòng anh. Nghĩa là em hoàn thiện từ chính những nét tính cách tưởng chừng như trái ngược nhau, tìm đến em anh không thấy sự lẳng lơ, không thấy sự vô duyên, mà duyên thầm để níu kéo anh, thi sĩ:

Em đàn bà vừa đủ men thi sĩ, Em trang đài vừa đủ nét chân quê, Thích cộng vào vừa đủ biết đem chia, Lòng ngay thẳng vừa đủ mưu che đậy”.

Thừa nhận “em đàn bà” là nhân vật trữ tình, em đã tuyên chiến với những kẻ nào muốn đến bên anh, là em đủ sức khiến lòng anh tơ tưởng; em đàn bà nhưng em không luộm thuộm, mà trang đài, trang đài nhưng vẫn giữ chân quê, chừng bấy nhiêu đủ làm anh lo lắng, làm anh si mê và không thể xa em. Anh như nhìn thấy tâm can em, muốn dò hết tâm hồn em, và rồi anh bối rối bởi em vừa đủ bởi em hoàn thiện trong cái khiếm khuyết:

Em già dặn vừa đủ điều non bấy, Em tươi vui vừa đủ nét ưu phiền, Em lạnh lùng vừa đủ để thôi miên, Em gìn giữ vừa đủ lòng nổi loạn”.

Thực ra, ở đời biết “tri túc tri chỉ” thì không dễ, phải rèn luyện, luyện đến mức khi nhận ra “vừa đủ”, thì mới nhận ra chân giá trị của mình. Giá trị của người phụ nữ đẹp không chỉ ở hình thức, mà còn ở tâm hồn, không chỉ là tâm hồn mà còn là trí tuệ, không chỉ là trí tuệ mà còn cả sự tinh tế, nhạy cảm, sự khôn ngoan, khéo léo để “anh” thấy em là khao khát “Anh khao khát với trái tim lãng mạn, Mong suốt đời vừa đủ để yêu em...

Hai câu kết của bài thơ thật đẹp, đẹp như đối tượng trữ tình là em trong bài thơ. Em vừa đủ, thì anh cũng phải có trái tim lãng mạn, may ra mới yêu em được suốt đời. Cảm xúc trữ tình của bài thơ đã làm đẹp thêm hình ảnh người phụ nữ trong cuộc sống vốn đã quá nhiều bận rộn và cũng lắm đa đoan.
Thôi thì gạt đi những suy nghĩ, bực bội, âu lo… mỗi ngày, để nhận ra giá trị của người phụ nữ không phải là tiền tài, danh vọng, không phải là hư danh, hào nhoáng… mà “Em vừa đủ để anh khao khát”, bởi em vẫn là em hiền thục, đảm đang…


Trần Quỳnh Nga (Báo Hà Tĩnh)
KHI ‘VỪA ĐỦ’ KHÔNG DỪNG LẠI Ở VỪA ĐỦ

Ngạc nhiên lẫn xúc động là cảm giác rõ rệt nhất của tôi khi nghe được những câu thơ đầu tiên trong bài “Vừa đủ” của Trần Nhương như là một món quà để dành riêng cho tôi một dịp thật đặc biệt. Nếu như gặp “Vừa đủ” sớm hơn hẳn tôi sẽ không xúc động nhiều đến thế. Tuổi 32 và “vừa đủ” đã đem lại cho tôi, ngoài một sự vỡ lẽ ra và còn hơn thế nữa, đó là sự chiêm nghiệm “vừa đủ”

Quả thật rằng, để đạt được trạng thái “vừa đủ” không phải là điều dễ, nhất là trạng thái cảm xúc của con người chúng ta bao giờ cũng quá. Và cái điều “quá” đó sẽ đem lại những hiệu quả ngược lại, nó dằn vặt hành hạ con người đến khổ sở vì những “tác dụng phụ”. Sau khi trải qua những điều đã quá, “Vừa đủ” của Trần Nhương trong tôi trở nên nhiều ý nghĩa.

Em vừa đủ để anh khao khát/ Vừa đủ làm cho anh thật là anh/ Trời chớm thu vừa đủ nét xanh/ Quả chua ấy cũng vừa đủ ngọt

Ta có thể tưởng tượng trong một khung cảnh buổi chiều mùa thu nào đó, chàng trai ngồi một mình và nghĩ về người mình yêu. Một cảm giác yên ổn, thanh bình, một không gian thư giãn đưa chàng trai đến một cảm xúc viên mãn để nhận ra sự “vừa đủ” là điểm đến của một tình yêu dã đạt đến độ chín muồi đây khao khát. Sự so sánh đó xuất phát từ những biển đổi rất đời thường mà tác giả cảm nhận được ở người mình yêu:

Em vừa đủ để qua thời non nớt/ Nét thục hiền vừa đủ chút đành hanh/ Trong vững bền vừa đủ sự mong manh/ Trong đăm thắm vừa đủ lòng nghi kị/ Em đàn bà vừa đủ men thi sĩ/ Em trang đài vừa đủ nét chân quê/ Thích cộng vào vừa đủ biết đem chia/ Lòng ngay thẳng vừa đủ mưu che đậy/ Em già dặn vừa đủ điều non bấy/ Em tươi vui vừa đủ nét ưu phiền/ Em lạnh lùng vừa đủ để thôi miên/ Em gìn giữ vừa đủ lòng nổi loạn/

Phải nói rằng, chàng trai trong bài thơ đã rất đỗi già dặn khi nhận ra những trạng thái tình cảm trong lòng mình khi đem so sánh những trạng thái tâm lí đầy biến chuyển của người yêu mình. Từ nét "thục hiền", "đằm thắm","trang đài", "ngay thẳng", "tươi vui" cho tới chút "đành hanh", lòng "nghi kị", "ưu phiền" thậm chí đến cả lòng "nổi loạn"... Bị cuốn trong những điều đó, chàng trai cứ thế so sánh “em thế này vừa đủ để em thế kia”. Hai trạng thái cứ liên tục đối lập ban đầu đưa lại cảm giác hoài nghi nhưng càng so sánh ta lại cành nhận ra những điều "không đẹp" kia không làm cho nét đẹp hiện hữu của người con gái trở nên lu mờ mà chính những cảm xúc thật đó đã mang lại cho tình yêu đạt đến ngưỡng của sự dung dị.Bài thơ không lạ về cấu trúc, lời thơ giản dị và nhẹ nhàng. Nhưng chính sự giản dị và nhẹ nhàng trong từng câu chữ đó mang đến sự thăng hoa. Điệp từ “vừa đủ” đã làm cho những điều lẽ ra bị phủ định lại không hề bị phủ định, ngược lại chúng mang đến cho tình yêu sự đa sắc, đa diện. Và chính sự “vừa đủ” của nhân vật “em” ở những vế trên đã khiến người đọc vỡ lẽ ra rằng đó chỉ là cái cớ để cho cái ao ước “vừa đủ” của nhân vật “anh” không dừng lại ở vừa đủ.

Anh khao khát với trái tim lãng mạn/ Mong suốt đời vừa đủ để yêu em

Thực lòng rằng, cuộc sống luôn chứa đầy những điều bất trắc. Mọi sự đủ đầy đều không thể nào cân đo đong đếm được. Tình yêu càng hơn thế. Nỗi niềm của nó thì vô cùng mà không ai có thể lường trước được. Vì vậy, tác giả chỉ cần “vừa đủ” nhưng đó lại là sự “vừa đủ” cho suốt cả cuộc đời. Hình như đến đây, ta như thấy một sự gặp gỡ, không biết vô tình hay hữu ý của những tâm hồn thơ đồng vọng

Nhưng em ơi, đời anh là một trái tim/ Nào ai biết chiều sâu và bến bờ của nó,/ Em là nữ hoàng của vương quốc đó/ Ấy thế mà em có biết gì biên giới của nó đâu./ (R.Targo)

Và lẽ thế, tất cả chỉ là “vừa đủ” nhưng trong cái sự vừa đủ ấy lại là sự vô tận của khát khao mà con người hướng tới.


“GIO1 ĐANG XOAN’, CÁI ĐẸP TRONG THÂN PHẬN CON NGƯỜI
Đặng Văn Sinh.
(Đọc tập thơ "GIÓ ĐANG XOAN", NXB Hội Nhà văn, 2004, của Trần Nhương)

Những suy tư về thân phận con người dường như là nỗi ám ảnh trong quá trình sáng tác của  Trần Nhương. Nhưng thân phận con người không nằm ở chủ đề mà nó ẩn sâu trong mạch suy tư rồi bất chợt  hiển lộ bởi một kích thích nào đó trong quá trình tương tác với hoàn cảnh, môi trường xung quanh.Hãy cứ tạm thời để mười hai bức tranh khá ấn tượng ra một bên, chỉ tính riêng phần thơ, người đọc cũng có thể nhận diện được tác giả có vẻ như là một khách lãng du, xuôi ngược trên khắp dặm dài đất nước, đồng hành với những suy tư bất chợt, thích trò chơi ngôn từ trong khi vẫn một tay cầm cọ. Tôi mạo muội định danh chàng lãng tử một cách hàm hồ như thế bởi đã hơn một lần "ngộ" được qua mấy dòng tuyên ngôn của anh:

Ngược với chiều hạnh phúc/ Người đi trong mộng du/ Thơ buồn ngâm mấy khúc/ Tê tái suốt tràn thu/ Bão )

Nghĩ về thiên chức người nghệ sỹ khác đời như vậy nên mỗi dòng thơ của anh dường như đều có sự bứt phá để vượt lên tiếp cận đối tượng đôi khi rất khó nắm bắt sau khi đã "ký họa" được bản chất của nó bằng con mắt của một họa sỹ. Đối với nghệ thuật tạo hình, khoảnh khắc có khi lại là mãi mãi. Và chính nó, chứ không phải thời gian dài đằng đẵng đôi khi rất vô bổ của một kiếp người mới làm cho ta đáng sống. Bài Buổi chiều như thế là một dạng thức của lối suy tư về thân phận con người thông qua cảnh chiều nắng quái, thật ra là một khoảnh khắc bất chợt khi nhà thơ nhìn thấy người phụ nữ trẻ đứng đầu đường nhìn đời bằng con mắt vô hồn. Đến đây, sự nhạy cảm của người nghệ sỹ bắt anh phải đặt ra hàng chục tình huống. Một số phận phải chạy trốn chính mình sau cuộc tình sét đánh hay là kiếp hồng nhan bị gã Sở Khanh nào đó thời hiện đại cho "quả lừa" bằng "thiên tích việt" của hai trăm năm trước đến nỗi mất cả tuổi trẻ? Về một mặt nào đó, ta phải nhìn nhận đó là sự đồng điệu trong tâm hồn kẻ lãng du được trời phú cho nghiệp làm thơ chứ không phải động tác thương vay khóc mướn của những nghệ sỹ quan phương, sáng tác theo "định hướng". Cái cảnh người thiếu phụ ôm con, ngửa tay Xin đồng tiền giúp đỡ lúc sa cơ / Nàng đỏ mặt và bàn tay run rẩy / Gương mặt còn phảng phất nét ngây thơ làm người đọc nhói lòng, xót xa và thậm chí còn xấu hổ cho chính mình. Đến đây, người ta, dù là vô tình đến mấy, cũng phải lục lọi trong vô thức để tìm ra nguyên nhân đẩy người thiếu phụ khốn khổ kia vào bước đường  cùng.Tuy nhiên, Buổi chiều như thế chưa phải là tất cả. Không đề 3 mới được xem là thi phẩm điển hình về cuộc lên đồng tập thể mà trong đó, khái niệm thân phận ở đây bao hàm cả  nhà thơ của chúng ta rơi vào tình trạng khủng hoảng triền miên. Hầu như tất mọi cá thể đều bị thôi miên trong một  không gian mà từ trường đặc quánh chi phối đến mức mọi thứ đều bế tắc, thật giả lẫn lộn, trắng đen trộn lẫn với nhau thành một hòa sắc nhờ nhợ bôi bẩn mặt người. Những thanh âm hỗn độn, sặc mùi ô nhiễm cùng với những ý tưởng điên loạn tạo thành một trật tự phi lý với hàng loạt hình ảnh quái dị :

Gió hoang ngoài bãi cỏ/ Giật mình chuông chùa rơi/ Mặt trời như vết nhọ/ Quán cóc tiếng  ai cười./

Thân phận nhà thơ ở đây có vẻ như chẳng khác gì là  gái cave nhà hàng ngồi ngáp vặt vì vắng khách bởi Chữ nghĩa đang ngoại tình. Thi ca lúc này đâu còn đúng với danh xưng nguyên thủy của nó. Thơ nói riêng và nghệ thuật nói chung  đã bị tha hóa. Nó cũng là thân phân bọt bèo bị "xã hội hóa" đến mức phải dấn thân vào cõi phàm tục tuy vẫn "đượm màu son phấn". Tư cách người cầm bút lúc này có một cái gì đó bẽ bàng. Nhà thơ, thường nhân danh sự cao cả của chữ nghĩa, trải lòng ra thương cảm những kiếp "hồng nhan bạc mệnh" vậy thì lúc này đây, ai thương xót cho thân phận mình? Hiển nhiên đây là một nghịch lý, một vấn đề muôn thuở mà nhiều thế kỷ nữa qua đi vẫn không có câu trả lời, chỉ có điều, hình như từ xưa tới nay, thi nhân và kỹ nữ thường dễ đồng cảm với nhau.

Những bài thuộc dạng Không đề 3 trong Gió đang xoan có số lượng không nhiều nhưng thật sự ở đẳng cấp đáng nể. Nó minh chứng cho một sự khám phá cả về cách lập tứ, sử dụng từ loại qua việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ thi ca và ngôn ngữ hội họa. Tóm lại, nó là tiếng nói riêng không thể lẫn với ai khác ngoài Trần Nhương ngay cả khi nó đơn thuần chỉ là một cảm xúc bất chợt như bài Trước hang Sửng Sốt. Thật ra, về cấu tứ, bài này không có gì mới nếu so với Sở kiến hành viết về ba mẹ con người ăn mày của Nguyễn Du khi ông cùng đoàn sứ bộ An Nam bắt gặp trên đường sang Trung Quốc. Sự thành công của nó nằm ở cách xử lý tình huống nghệ thuật và khả năng biểu đạt ngôn từ để bài thơ hình thành như một bức ký họa với hai mảng màu tương phản. Thì ra, từ xưa đến nay, mối tương quan giàu nghèo, sang hèn, đẳng cấp...vẫn luôn là chuyện thời sự trong cõi nhân gian. Cái ác, cái bất lương dù được khoác bất cứ tấm áo mỹ miều nào cuối cùng vẫn bị lật tẩy bởi sự thật trần trụi. Thân phận cô gái chèo thuyền bán rong mấy mảnh san hô và xin ăn ở những năm đầu thế kỷ hai mươi mốt có khác gì mẹ con người hành khất trên đất Đại Thanh. Phải ở vào hoàn cảnh bần cùng lắm, con người ta (nhất là những cô gái trẻ chưa chồng), mới dám ngửa tay xin chút cơm thừa từ một người xa lạ. Vì thế, tôi cho rằng, nếu là người còn chút lương tri, chỉ cần đọc khổ thơ áp chót sau đây, sẽ chẳng còn phải băn khoăn  về cái chuyện "khất thực hành" của người con gái kém may mắn kia :

/Tuần Châu tôi ngước sang bên ấy/ Quan chức đang vào dự tiệc vui/ Lầu son mơn mởn xuân đang nụ/ Óng ả lưng ong tiếng gọi mời.../

Ngoài sự tương phản về cảnh ngộ, bài thơ còn gây được ấn tượng qua kiểu chơi chữ. "Sửng Sốt" vốn là một hang động có niên đại hàng trăm triệu năm với những nhũ đá trầm tích tuyệt đẹp trên vịnh Hạ Long, nhưng "Sửng sốt" còn là trạng thái tâm lý của nhà thơ khi anh buộc phải chứng kiến hai mảng hiện thực trái ngược nhau trên cùng một không gian hẹp. Phải, sửng sốt lắm chứ khi mà người ta ngang nhiên dùng tiền đóng thuế của dân chiêu đãi nhau bằng những bữa tiệc linh đình để mua quan, mua dự án hay đơn giản chỉ là chạy tội sau khi đã biển thủ công quỹ cả triệu dollar trong khi đồng bào vùng bão lụt phải chia nhau từng gói mỳ tôm...
Nói gì thì nói, sở trường của Trần Nhương vẫn là những phác thảo bất chợt, hoàn toàn mang phong cách ngẫu hứng khi anh tiếp cận phái đẹp qua những vần thơ khá là phóng túng. Trong số 43 bài của Gió đang xoan thì có đến 20 bài ít nhiều dính dáng đến đối tượng chiếm  một nửa nhân loại này. Có thể nói, tác giả khá nhạy cảm với cái đẹp hình thể. Những hình khối có bóng dáng thẩm mỹ, những đường nét hài hòa, sinh động  của tạo hóa ban cho con người, bỗng chốc như bất chợt đánh thức cảm xúc, vô tình gợi tứ thơ làm nảy sinh vô vàn những ý tưởng , đôi lúc như được thăng hoa. Chẳng thế mà, chỉ thoáng thấy một cô dâu trên đường về nhà chồng, anh lập tức liên tưởng đến ai đó vừa lẻ bóng sau cuộc tình dang dở bằng tâm trạng bâng khuâng, nuối tiếc :

/Đường vẫn con đường ấy/ Chân trời xa tắp xa/ Có một người lẻ bóng/ Đám cưới vừa đi qua!/ (Bão)

Ấy thế nhưng cảm xúc của nhà thơ - họa sỹ này không hiếm lúc dư thừa, xông xênh, ban phát một cách rất chi là hào phóng cho giới chị em. Chỉ cần nhìn thấy một cô gái  chờ xe bus bị lỡ chuyến mà thi sỹ đa tình của chúng ta đã có ngay cảm giác Em chờ héo cả hoàng hôn, rồi  Bến xe xào xạc vô hồn. Cái không gian của người con gái lỡ chuyến xe chiều hiện ra trong sự tưởng tượng của tác giả là vô vàn những giả định có tính tiên nghiệm vừa thực vừa ảo trong đó có Mùi thơm đậu rán ngon mềm của một bữa cơm gia đình đầm ấm. Nhưng thoắt một cái, thi sỹ của chúng ta bất chợt "đổi game", "vơ vào" bằng những vần thơ phảng phất "mùi gió trăng":

Xe anh đệm sau vẫn trống/ Tiện đường em có về cùng/ Mắt em nhìn đi chỗ khác/ Thế thì có khổ anh không?/ (Bến xe chiều)

Qua cái nhìn duy mỹ, những nhân vật nữ trong thơ Trần Nhương đều xinh đẹp, yêu kiều và có cá tính. Đặc điểm  này có tính phổ quát ngay cả với người thiếu phụ trẻ bế con ở bến xe ngơ ngác chờ ai đó hay cô gái chèo thuyền xin ăn trên vịnh Hạ Long, nhưng tiêu biểu phải kể đến Mở, Mưa Sa Pa, Thi hứng chiều... Thi hứng chiều có cách vận dụng ngôn ngữ thật tinh tế khi miêu tả vẻ đẹp phồn thực của nàng thiếu nữ tuổi teen :

/Quần bò trễ/ Bình nguyên phẳng phiu/ Giếng ngọc nũng nà nũng nịu/ Mơn mởn xanh thiên đường/ Lăn lẳn dài mê muội/

Thế nhưng cái bình yên, hài hòa , gợi cảm ấy lại được đặt trong một môi trường vô cùng nhốn nháo bởi Ngày như đang sám hối và Mặt trời phờ phạc chân mâyMùi xăng, mùi mồ hôi ô nhiễm phố. Cái thi hứng bất chợt nảy sinh trong một buổi chiều hỗn độn cả màu sắc lẫn thanh âm tạo nên sự mất cân bằng về định lượng nhưng lại khá tương thích về định tính. Hình ảnh thơ phá vỡ tính ước lệ truyền thống, cuối cùng chỉ còn lại dư âm của những con chữ tài hoa ./.

Mời đọc; Vườn Năm Nhà 3/ Phần thơ TRẦN NHƯƠNG
VANDANBNN 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét