Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

TÌNH YÊU CÓ CÁNH - TIỂU THUYẾT/ NGUYỄN NGUYÊN BẢY CHƯƠNG MỘT/ 1.2


Tranh Lê Công Thành


Sách tìm thấy ở Thư Viện Mỹ
WASON PL 4389 .24 N578 D3

CORNELL UNIVERSITY

LIBRARIES

ITHACA, N.Y.14853

John M. Echols

Collection on Soucheast Asia

JOHN M OLIN LIBRARY


TÌNH YÊU CÓ CÁNH - TIỂU THUYẾT

Nhà xuất bản Tổng hợp Tp HCM - 1987


NGUYỄN NGUYÊN BẢY

CHƯƠNG MỘT/ 1.2


Dũng mở khóa, bước vào văn phòng. Bao giờ anh cũng là người có mặt ở Ủy ban phường sớm nhất. Anh bộ đội trực đêm, hớn hở trên gương mặt ngái ngủ, đã liền cảm thấy mình có quyền biến ra sau nhà rửa mặt rồi chạy ra phố với ly cà phê đen.
Dũng vào phòng, việc đầu tiên của anh là trả đúng chỗ cho những bàn ghế mà cuộc họp muộn về đêm bao giờ cũng làm cho chúng lộn xộn. Rồi anh quét dọn rất nhanh và ngồi vào bàn làm việc của mình. Công việc của ngày hôm nay đã được anh ghi rất rõ trên tờ lịch bàn. Tất nhiên đó chỉ là những công việc biết trước, còn những công việc  như từ trời rớt xuống, từ cửa gió thổi vào thì nhiều vô số kể. Không sao, cứ giải quyết tuần tự, khắc phải hết. Đó là lời tự an ủi đầu tiên trong ngày đầu tiên Dũng được phân công về làm Chủ tịch Phường. Thành phố mới giải phóng, đồng bào chưa quen cung cách làm việc của cách mạng, chưa quen với các thể chế hành chính mới. Vì vậy, chuyện gì cũng kêu lên Phường để hỏi, để chất vấn, để yêu cầu. Từ việc xin gạo cứu đói, đến việc nạp đơn cho con em đi học trở lại, đến việc xin phép đi thăm nuôi người học tập cải tạo. Không chuyện gì đồng bào không gõ cửa phòng ông Chủ tịch và tất nhiên ông Chủ tịch không có quyền từ chối tiếp đồng bào. Ngày nào cũng vậy, Dũng về được tới nhà thì người đã tã ra, nhưng mà vui, hình như cái vui làm cho anh quên hết mọi mệt nhọc. Chỉ cần được ngủ vài giờ là sáng hôm sau lại lẹ như sáo, lại bắt đầu điệp khúc của công việc.
Còn mười lăm phút nữa. Dũng chỉ vừa kịp nghĩ như thế và định pha ấm trà, thì người khách đầu tiên trong ngày đã bước vào cửa. Anh nhận ra Tú, cô gái có gò mũi thẳng, cao và cặp mắt đặc biệt linh lợi. Cô là một trong số những người tự nguyện nhập cuộc với cách mạng sớm nhất, kể từ sau ngày giải phóng. Công việc của cô là cùng các bạn đồng tuổi với mình đeo băng đỏ thay mặt cảnh sát công lộ giải quyết sự đi lại có lề lối (đó là chữ do cô nói) của xe cộ có động cơ và giải quyết các núi rác xuất hiện chất ngất nơi các ngã ba, ngã tư đường phố. Công việc của cách mạng vào nền nếp dần, cô được giao việc dạy hát cho thiếu nhi trong Phường, bởi hát các bài hát cách mạng lúc này thật sự cần thiết. Đó là con đường tuyên truyền ngắn nhất để đồng bào hiểu biết về cách mạng. Dũng đã trò chuyện với cô vài lần. Lần nào anhc ũng phải mất hàng giờ để giải đáp các câu hỏi tìm hiểu cách mạng của Tú. Anh có cảm tình với Tú. Tất nhiên ánh nhìn sắc sảo của cặp mắt Tú có quyết định phần nào trong sự cảm tình ấy.
- Tôi nghe cô nói đây, nhưng phải thật ngắn gọn, sáng nay tôi còn phải giải quyết nhiều công việc lắm.
Cô gái hình như không chờ một câu nói như thế. Câu nói có vẻ quan cách và lạnh nhạt. Cặp mắt của cô như không bằng lòng nhưng nụ cười vẫn không rời đôi môi đỏ mọng (Có nhờ nước son đánh rất nhẹ và kín đáo).
- Nếu anh bận thì để khi khác vậy.
- Sao lại khi khác? – Dũng đã hiểu cái ánh lanh lợi của mắt cô gái nói điều gì, - Dù sao thì cô cũng đã tới đây. Nào, ta vào việc đi. Có phải cô tới vì cái trụ sở tôi giao cho cô làm nơi tập hợp thiếu nhi học hát, đúng không?
- Việc đó em đã bàn giao cho Hồng, con bà Sáu Thanh, nó có giọng hát hay hơn em.
Dũng tròn mắt, ngạc nhiên nhiều hơn là bực tức.
- Tại sao cô lại giao công việc đó cho cô Hồng? Lẽ ra trước khi làm việc đó cô phải báo cáo với tôi chứ.
- Em có lên tìm anh ba lần, nhưng cả ba lần đều không thể nào gặp được, - Cô cười hóm hỉnh, - Mọi người xếp lượt để được gặp anh, em không có can đảm chen ngang.
Dũng gục gặc đầu. Cái sự tham gia công việc cách mạng cho vui, không phải anh mới gặp lần đầu. Anh định nói toẹt ra ý nghĩ đó trước mặt cô gái, nhưng anh nén được.
- Phải chăng tôi có chuyện gì làm cô không vui?
- Đâu có, - Cô gái nói rất nhanh, - Trường đại học đã mở cửa trở lại, vì vậy em phải đi học, hôm nay em tới để chào anh.
- Sao? Cô đi học trở lại? Một sự kiện trọng đại như vậy mà cô không cho tôi hay sớm.
Cô gái cười, cặp mắt cũng cười:
- Bây giờ cũng chưa muộn, sáng mai em mới nhập học.
Dũng cảm thấy vui thực sự. Hàng me. Những tà áo dài trắng. Bục giảng. Bài quốc văn “Nam Quốc sơn hà, Nam đế cư…”. Ôi tuổi học trò mới đẹp, mới sạch làm sao. Mình cũng đã qua tuổi học trò ấy, nhưng không trọn. Vẫn thèm, tới ngày đất nước thanh bình, xin đi học trở lại. Tất nhiên nguyện vọng đó chưa thể thực hiện, bởi lúc này công việc ngổn ngang. Vì thế, sự kiện một cô gái, có cặp mắt rất thông minh, được đi học trở lại, thì lý gì mình không vui.
- Em học trường nào?
- Dạ, kiến trúc, xong năm thứ tư.
- Không dè chúng ta là đồng môn của nhau.
Dũng xòe bàn tay trước mặt cô gái. Cô gái rụt rè đặt bàn tay thon nhỏ của mình lọt trong bàn tay thô ráp to bè của anh.
- Anh mới học xong năm thứ ba, thế rồi thoát ly. – Dũng thoáng nhớ lại tất cả. Tất nhiên là chỉ một thoáng. – Vài năm nữa, công việc ổn định, anh cũng sẽ xin đi học trở lại. Nếu không, anh cũng xin qua làm việc ở một viện thiết kế hay một công trường nào đó. – Tú đã rút bàn tay bé nhỏ hôi hổi của mình khỏi bàn tay to bè, thô ráp của Dũng. Dũng gật gù đằm thắm. – Anh em mình rồi sẽ có dịp gặp nhau.
- Bao giờ?
Dũng cười, chưa kịp trả lời.
- Em nói thiệt nhé, từ khi em biết anh tới giờ, em có làm gì để anh Dũng phiền không?
- Ồ, không. Anh rất vui là khác.
- Thiệt chớ?
- Thiệt.
- Nếu vậy, em sẽ còn tiếp tục phá anh Dũng hoài. – Cô gái vụt đứng dậy, cô đưa bàn tay bé nhỏ của mình ra trước mặt anh Dũng, hai người nắm tay nhau rất chặt. – Thôi, em phải đi đây.
Không để Dũng kịp đưa cô ra cửa, cô đã vút đi như chim bay. Chúc em nhiều may mắn. Dũng đành nói trong lòng và bâng khuâng nhìn theo bóng cô đã ra tới sân Ủy ban. Cô gái này, ai tiếp xúc một lần, sẽ phải nhớ mãi. Cặp mắt của cô, có nét gì đấy, lạ lắm, đặc biệt lắm, sáng xanh.
Dũng ngồi xuống bàn, mở tập hồ sơ đang giải quyết, một xấp những đơn từ.
Từ ngoài cửa, tiếng đối đáp của những ai đó, lanh lảnh vọng vào.
- Phải cho tôi gặp ông Dũng. Chủ tịch Phường.
- Ông Chủ tịch đang bận việc.
- Tôi sẽ đợi. Không cho tôi gặp ổng, tôi sẽ không đi đâu hết.
- Anh muốn chống lại chính quyền cách mạng phải không?
- Tôi không chống lại chính quyền, tôi chỉ muốn gặp ông Chủ tịch.
- Anh đã biết vậy, còn đòi gặp ổng làm gì.
- Dù sao tôi cũng phải gặp…
Dũng cố phán đoán giọng nói của cả hai người, nhưng chỉ mang máng nhận ra giọng của một người là bộ đội, còn người kia chịu, không nhận ra. Anh đứng dậy, bước lại phía cửa. Nơi hành lang anh đã nhận ra Tây Vườn Lài đang bị trói quặt tay sau lưng, đồng chí bộ đội đứng bên, khẩu AK kè tay. Vừa thấy anh, đồng chí bộ đội đã lên tiếng trước:
- Báo cáo đồng chí Chủ tịch, anh này, nhất định đòi gặp đồng chí.
- Chúng tôi có quen nhau.
Tây Vườn Lài quay nhìn người bộ đội:
Anh không còn cho là tôi nói xạo nữa chứ? – Với Dũng – Thưa ông Chủ tịch, tôi hoàn toàn bất ngờ vì ông còn nhận có quen tôi.
Người bộ đội vẫn chưa hết ngạc nhiên:
- Đồng chí Chủ tịch, lẽ nào… Đồng chí biết người này/ 
          Anh Tây, nổi tiếng cả vùng Vườn Lài này – Dũng cười, - Còn với riêng tôi, anh Tây đã có cái ơn cứu tôi thoát khỏi tay tên mật vụ, khi hắn rượt theo tôi.
- Nó là thằng Tư Chó, - Tây Vườn Lài thong thả - Mật vụ khét tiếng vùng Chợ Cá – Vườn Lài. Nó luôn rình rập những người cách mạng nằm vùng như các anh và… Rình rập cả những tay anh chị như chúng tôi. Trường hợp tôi đánh nó giải vây cho anh cũng là cách dằn mặt nó đừng có đụng tới đám em út của Tây Vườn Lài.
- Mời anh vào trong này.
Cả ba cùng vào trong phòng.
- Đồng chí bộ đội, đồng chí có thể cởi trói cho ảnh.
- Tôi… - Anh bộ đội lúng túng. - Tôi chịu trách nhiệm.
Tây Vườn Lài được cởi trói, nhưng đồng chí bộ đội vẫn đứng kè bên và khẩu súng AK cầm nơi tay phải.
Thấy Tây chỉ im lặng, Dũng giục:
- Tôi nghe anh nói đây.
- Tôi chỉ muốn nói chuyện với một mình anh.
- Đồng chí bộ đội, đồng chí cho tôi được nói chuyện với anh Tây chừng mười phút.
- Nhưng…
Tây Vườn Lài nhìn người bộ đội trẻ măng, chỉ đáng tuổi em út, bỗng dưng bật cười:
- Tôi mà muốn bỏ chạy, thì dù anh có đứng bên cạnh cũng không ngăn được tôi đâu.
- Đồng chí Chủ tịch, mười phút sau tôi sẽ trở lại.
Chờ cho anh bộ đội ra hẳn, Tây Vườn Lài mới chậm chạp ngồi xuống ghế. Anh nói với Dũng mà đầu cúi xuống, một cái gì đó nghèn nghẹn trong cổ.
- Gặp lại trong hoàn cảnh này, chắc anh không thích thú gì?
Dũng rót nước mời Tây:
- Vì sao anh bị bắt?
Tây vẫn không ngẩng mặt lên:
- Đập nhà Chín Khô.
Ra vậy. Khuya hôm qua, Dũng có nghe các đồng chí phường đội báo cáo, có vài tay anh chị tới đập nhà Chín Khô, thân chủ bị đánh tưng bừng.
- Thì ra anh chính là người đập phá nhà Chín Khô. Nội vụ này tôi có nghe các đồng chí bên phường đội nói lại. Tại sao anh lại đập phá nhà người ta?
Tây Vườn Lài trả lời tỉnh queo:
- Đập cho bõ ghét.
Dũng hơi khó chịu về câu trả lời kiểu anh chị này. Phải chi người bị Tây Vườn Lài đập là một người khác, một ông giáo hay một bác xích lô, thì Dũng đã không thể tha thứ cho câu trả lời ngạo mạn này. Nhưng đây lại là Chín Khô, một tên đầu cơ khét tiếng mà bản thân anh cũng không ưa gì hắn, mặc dù với cương vị Chủ tịch Phường, bao giờ anh cũng nhắc nhở mình tính công bằng, vô tư. Anh chưa kịp hạch hỏi câu nói anh chị của Tây Vườn Lài, đã thấy anh ta từ từ ngẩng mặt nhìn anh, cặp mắt khác lắm, bối rối ngượng ngập. Nhưng giọng nói của anh ta nặng nề, chát chúa:
Giải phóng mới về, công việc còn nhiều, đời sống bà con chưa yên ổn, vậy mà thằng chó ấy còn tiếp tục hút máu đồng loại. Hàng hóa nó trữ khắp cùng, rồi thừa cơ giải phóng thiếu hàng, tung ra cắt cổ đồng bào. Lẽ ra, chuyện đó để các anh lo, nhưng… Tôi không thể đành lòng nhìn sự ngang ngược bất công đó. – Tây Vườn Lài dừng một lát như suy nghĩ điều gì lung lắm. Giọng anh trầm hơn, - Anh có tin là tôi muốn làm một cái gì đó để bị bắt không?
- Vì sao?
- Tôi muốn đi cải tạo, muốn đoạn tuyệt với quá khứ, muốn làm lại cuộc đời. Nhưng tôi hỏi thiệt anh, liệu một con người như tôi còn có thể…
Tây Vườn Lài không nói hết câu, mặt cúi xuống.
Lần ấy, sau khi đánh thằng Tư Chó, giải thoát cho Dũng, Tây Vườn Lài đưa Dũng vào tửu lâu Lệ Hằng. Trong bữa tiệc huynh đệ ấy, Tây Vườn Lài đã thuật cho Dũng nghe cuộc đời anh ta, đau đắng, tức tưởi: Ba tôi chết bịnh lao. Má tôi lần hồi nuôi hai chị em tôi. Tôi lên mười thì má tôi cũng lăn ra chết. Kham khổ, vất vả đó là tai họa của người chết yểu. Chị Hai tôi mười ba tuổi,phải thay má nuôi tôi. Chị đi gánh nước mướn và bươi rác. Tôi lẽo đẽo theo chị Hai tìm sự sống quanh các đống rác đó. Và xã hội cặn bã đã tạc cho tôi cái vóc làm anh chị. Cũng vì cái mái tóc rối bù xoắn tít quanh năm của tôi mà xấp nhỏ trong băng kêu tôi bằng “Tây”. Nghĩ cái tên cũng hay, nên tôi xưng luôn là Tây Vườn Lài, tất nhiên là Tây con. Còn tên thật tôi là Phước. Ba tôi mong phước trời phù hộ cho tôi nên người. Năm tôi mười bốn, đời tôi qua một bước ngoặt. Chị Hai tôi khi đó đẹp lắm, đẹp dễ sợ, vì thế lọt vào mắt đại úy Khang. Khang Cọp đó, khét tiếng Chợ Cá – Trường đua. Nhưng chị Hai tôi chỉ làm bé cho đại úy. Đại úy mua cho chị em tôi một căn nhà và cho tôi đi học. Nhưng… Sự sung sướng đó chỉ kéo dài chín tháng. Vợ lớn của đại úy Khang đã tặng chị Hai tôi một lon axít và cái sự an bài của ông Trời, mình muốn thay đổi cũng không được. Chúng tôi lại trở về với xã hội rác của mình. Thế rồi, một ngày kia, chị Hai tôi đột nhiên biến mất. Thằng Út Chột em út của tôi cho tôi hay là đêm trước hôm chị tôi biến, nó bắt gặp chị tôi đi lên cầu chữ Y, và đêm hôm đó, chị đã nhảy cầu. Từ đó, cuộc đời đối với tôi thật chó má. Tôi quyết định phá đạp nó, trả thù nó. Anh là Việt cộng. Anh có thể che giấu điều đó trước bọn cớm nổi, cớm chìm, chứ không thể qua mắt những tay anh chị chúng tôi. Anh có thể cho tôi theo anh đi làm cách mạng được không?
Câu hỏi của Tây Vườn Lài hôm ấy thức dậy trong lòng Dũng và anh hiểu rằng, hôm nay, chính Tây cũng muốn gặp anh để đòi trả lời câu hỏi đó.
- Bây giờ cách mạng thành công rồi, anh vẫn còn muốn làm anh chị yêng hùng nữa sao?
- Bây giờ đi theo cách mạng có muộn không anh?
- Anh đã từng đi biểu tình với sinh viên, đã từng chặt đứt ngón tay để không đi lính… Đó là những thiện chí tốt, nhưng anh tự buông thả nhiều quá. Tôi nghĩ, bây giờ anh cần làm lại cuộc đời.
Tây Vườn Lài ngước cặp mắt tha thiết nhìn Dũng:
- Cảnh ngộ của em, anh đã biết rồi đó. Vì là Tây Vườn Lài, nên đám em út của em đông lắm. Em muốn tất cả chúng nó quay trở về con đường sáng. Muốn vậy, em cần đi học tập… Em nghe nói Quận đưa em ra Duyên Hải, trước khi đi, em muốn gặp anh, bởi em… - Tây Vườn Lài nghẹn lại, cố nuốt nước mắt – Em chẳng còn ai thân thích. Em sẽ làm lại cuộc đời như lời anh dạy, anh có tin em, tin thằng Tây Vườn Lài này không anh?
Dũng xúc động thực sự. Cách mạng mới thành công, một thành phố như thành phố Sài Gòn, có biết bao nhiêu nghịch cảnh oan trái, biết bao nhiêu con người từ lương thiện bị xô đẩy xuống bùn đen, những con người đó, hôm nay đây, đang đứng dậy.
- Xuống trường học tập, anh sẽ viết thư cho tôi chứ?
- Liệu như vậy có liên lụy gì cho anh không?
Dũng cười:
- Tại sao lại liên lụy? Chúng ta là những người bạn của nhau mà.
Tây Vườn Lài bật khóc:
- Anh Dũng… Em không phải là bạn của anh, em là đứa em hư hỏng của anh.
- Tây… - Dũng đứng dậy, anh bước lại bên chiếc tủ, nơi đó, vừa để công văn giấy tờ, vừa dành một ô nhỏ để mấy bộ quần áo của anh, anh lục trong đống quần áo đó, một chiếc áo mới nhất, anh cầm áo, bước lại phái Tây Vườn Lài, khoác chiếc áo lên vai Tây, - Ráng nghe em. Lúc nào anh cũng ở bên em.
Tây Vườn Lài ôm choàng  lấy Dũng, ngả đầu vào vai anh và khóc nấc lên.
Một cô gái chừng hai mươi bước vào. Sững lại nơi cửa, bối rối định quay ra.
- Có chuyện gì vậy?
Cô gái nhìn Dũng, lễ phép:
- Thưa chú Năm có điện thoại Quận gọi cho chú.
Tây Vườn Lài buông tay ra. Dũng sửa lại quần áo.
- Cô mời dùm tôi đồng chí bộ đội.
Anh bộ đội từ nãy đến giờ vẫn đứng nơi hành lang gần cửa. Anh đã nghe hết câu chuyện của người Chủ tịch Phường với Tây Vườn Lài, đã bước vào rất đúng lúc:
- Tôi có mặt.
- Cảm ơn đồng chí. Bây giờ đồng chí có thể dẫn em tôi đi.
Tây Vườn Lài bước theo anh bộ đội. Nước mắt nhạt nhòa, ra tới cửa, còn ngoái lại. Một tiếng anh vang lên cùng tiếng khóc. Dũng phải cúi mặt xuống, cố nén mình, nếu không chính anh cũng khóc.
- Cô có biết Quận gọi tôi có chuyện gì không?
- Thưa chú, Quận mời chú lên nhận gạo cứu đói.
- Vậy hả. Tôi sẽ đi ngay.
Dũng quay vào trong, khoác chiếc xắc cốt lên vai, chụp lên đầu chiếc nón vải mềm, bước vội ra cửa.

/ Mời đọc tiếp 1.3/


TÌNH YÊU CÓ CÁNH - TIỂU THUYẾT
Nhà xuất bản Tổng hợp Tp HCM - 1987
NGUYỄN NGUYÊN BẢY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét