Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017

TÌNH YÊU CÓ CÁNH / NGUYỄN NGUYÊN BẢY CHƯƠNG TÁM/ 8.3



Tranh Lê Công Thành


Sách tìm thấy ở Thư Viện Mỹ
WASON PL 4389 .24 N578 D3

CORNELL UNIVERSITY

LIBRARIES

ITHACA, N.Y.14853

John M. Echols

Collection on Soucheast Asia

JOHN M OLIN LIBRARY


TÌNH YÊU CÓ CÁNH - TIỂU THUYẾT

Nhà xuất bản Tổng hợp Tp HCM - 1987


NGUYỄN NGUYÊN BẢY

CHƯƠNG TÁM/ 8.3


Cần để cho người lãnh đạo có chỗ lùi. Anh giải thích với tôi như vậy. Anh thật lòng, anh nghĩ sao nói vậy, chớ không phải hạng bụng nghĩ một đàng, miệng nói một nẻo. Nhưng tôi hỏi anh. Mỗi người có vị trí lãnh đạo đều tự để cho mình một chỗ lùi. Người có chức nhỏ, bước lùi ngắn, người có chức bự, bước lùi càng xa. Như vậy rồi sẽ lùi đến đâu? Lùi xuống miệng vực à? Đồng chí Sáu Chiến là một cá nhân. Chị Năm là một cá nhân. Anh là một cá nhân. Tôi cũng chỉ là một cá nhân. Còn quần chúng, còn đồng bào, một cộng đồng con người đông đúc, bao nhiêu năm họ đã phải sống lam lũ trong những căn nhà lụp xụp. Họ đã chẳng tiếc cái gì họ có, kể cả xương máu của họ, con cháu của họ, họ đi theo cách mạng, chỉ bởi vì họ không còn chỗ để lùi nữa. Phía sau họ, sau những căn nhà lụp xụp ấy chỉ là nghĩa địa. Họ lùi đi đâu bây giờ? Thà rằng, các anh, cách chức tôi, vì lý do gì, tùy các anh đặt tên cho nó, nhưng những công việc đẹp đẽ, mà chúng ta định làm, thì phải làm ngay. Những căn nhà tình nghĩa, những trường học, nhà trẻ, bệnh viện, những khu vui chơi giải trí phải gấp rút xây dựng, đó là đòi hỏi của đồng bào.
Chẳng lẽ anh không nghe tiếng trái tim ra lệnh? Tôi và anh nhất thiết phải có mặt ở chỗ khó khăn ấy. Nhưng với anh… Anh Tám, em kính trọng và coi anh Tám như anh Tư Mai. Vì thế…
Dũng cảm thấy Tám Yên thực sự bối rối.
Anh đã tin tôi, dù người ta đã đặt nhiều câu hỏi về tôi. Tôi không bao giờ phản bội niềm tin ấy. Nhưng anh đừng đồngnghĩa niềm tin với sự che chở. Tôi không xin anh sự che chở đó. Tôi tự biết mình là con người như thế nào. Anh tin tôi, thì hãy mở lối cho tôi đi, tôi muốn nói cái lối ở phái trước, dù rất nhiều khó khăn, chứ không phải cái cửa sau, để cho tôi lùi.
Mọi việc đều phải nhìn nhận ở hiệu quả cuối cùng. Còn biện pháp để dẫn tới những hiệu quả đó như thế nào, thì mỗi người giám đốc có một cách riêng của mình. Tôi không muốn một bộ máy gián tiếp cồng kềnh, với đầy đủ các ban bệ. Lẽ ra tôi phải làm điều đó, bởi tâm lý thông thường của người lãnh đạo đều thích dưới tay mình có một bộ sậu đông đúc. Với bộ máy gián tiếp gọn nhẹ đó, tôi đã huy động được tiềm lực của các tổ hợp xây cất, của các nhà thầu tư nhân. Như vậy chẳng lẽ không phải chủ trương của nhà nước? Tôi cho rằng đã quá sức lỗi thời và cũ kỹ, khi chỉ coi những người trong biên chế nhà nước mới thực sự là người lao động, còn những người làm ăn cá thể, hoặc trong các hội hợp tác, không phải là người lao động. Anh là người có trình độ, tôi thực sự nghĩ về anh như thế, anh lại còn trẻ, chưa tới năm mươi tuổi với chức vụ Chủ tịch Quận, thì sao lại không phải là trẻ. Như vậy chẳng có lý do gì cách nghĩ của anh lại già cỗi, lại trì trệ. Anh luôn ủng hộ cái mới. Vậy mà… Hay là anh đã cảm thấy mệt mỏi. Nếu anh thực sự muốn một chỗ lùi, chỉ bởi vì anh lo là nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân khóa tới, anh không đắc cử và sẽ không còn là Chủ tịch Quận nữa. Xin lỗi anh, vì tôi đã nói thẳng những điều tôi đang nghĩ.
Dũng dừng lại, đo lường thái độ của Tám Yên, vầng trán hơi nheo, nhưng trên môi vẫn chưa khép nụ cười.
Kể cả việc, nếu xí nghiệp chúng tôi không được tín nhiệm, tôi không muốn nói trắng ra là sự tín nhiệm của Thường vụ với cá nhân tôi, mà giao cho một đơn vị khác dù không phải chức năng của họ, thì chúng tôi cũng xin chấp hành, và sẽ hỗ trợ tối đa cho họ.
Dũng chào anh Tám Yên, đứng dậy, ra khỏi phòng. Mãi tới khi đưa chân Dũng ra tới cửa, anh Tám mới vỗ vai Dũng, cười thật tươi, nhưng điều anh nói với Dũng lại không ăn nhập gì tới những thắc mắc mà Dũng vừa xổ một tràng cho anh nghe.
- Việc chú với cô Kim lại không xong phải không?
Dũng đáp lại bằng nụ cười.
- Anh chỉ muốn nói với chú thế này thôi, chú không chịu giật lùi, anh cũng không chịu giật lùi, chỉ có điều không phải chuyện gì cũng xông thẳng lên là được, có khi phải chịu khó đi vòng một chút, vẫn tới đích.
Cái bắt tay rất chặt. Dũng đi miên man trong câu nói của anh Tám. Bậy thật. Thì ra mình vẫn chưa đủ lịch lãm cuộc đời để hiểu rằng, có những cuộc đi, phải chịu khó đi vòng một chút…
Dũng về tới văn phòng xí nghiệp, sực nhớ là đã hết giờ làm việc. Chỉ còn Tú, ngồi nơi bàn, túi xách trước mặt, cổ đang chờ anh. Hôm nào cũng vậy, cô cũng về sau chót, cô chỉ ra về khi biết chắc chắn là anh ra về cùng cô, hoặc trước cô.
- Em vẫn chưa về sao?
- Dạ, sắp. – Một lát, - Em có ghi lại mấy chữ cho anh nơi bàn đó. – Cô đứng dậy, xách túi, đi ra.
- Chờ anh một chút.
Cô đứng lại, vì hình như cô cũng chỉ chờ câu nói ấy.
Dũng bước rất nhanh lại bàn làm việc của mình. Nét chữ quen thuộc. Chữ T (viết hoa) ở cuối tờ giấy đập vào mắt anh trước tiên. Một cánh chim bay. Một cánh hoa khiêm nhường hồng thắm. Tú ghi trên giấy Crôky, bằng bút mực đỏ. Dòng chữ: Chị Kim tìm anh. Em đâu biết anh đang ở đâu mà mách dùm. Chị xụ mặt, làm như em biết mà không nói. Em nói chị nhắn gì, viết lại cho anh, chị chỉ nhắn miệng. Chị nhắn thế này: Tối nay, anh tranh thủ lại chị Nguyệt, có chuyện cần lắm. Thế thôi. Chữ T (viết hoa) kết thúc những dòng nhắn.
- Anh vừa lên Văn phòng Ủy ban.
Hai người đi sóng hàng.
Tú: Tội nghiệp, chị Kim hơi ốm đi.
Dũng: Sao em không tội nghiệp anh?
Tú: Về chuyện gì?
Dũng: Hay là tối nay em đi cùng với anh tới nhà Nguyệt?
Tú: Không được. Tối nay em có cái hẹn.
Tú ngồi lên xe đạp đi thẳng. Dũng hoàn toàn không hiểu chuyện gì đột ngột làm cho Tú hờn giận như vậy? Anh cũng ngồi lên xe. Đạp về nhà. Câu hỏi cứ quấn theo anh mãi. Về gần tới nhà anh mới sực hiểu ra. Có thể do mình vô duyên.
Bản thân chữ “tối nay” ghi trong giấy nhắn của Tú đã có cái gì đó không cụ thể. Dũng không vội lắm. Giặt hết thau quần áo. Tắm gội sạch sẽ. Và khi tới nhà Nguyệt thì đã gần tám giờ. Hình như hơi  muộn. Kim và Nguyệt đang ngồi tán dóc. Dưới mắt anh, cứ hai người đàn bà xúm lại với nhau thì chắc chắn đó là “tán dóc”. Lần này anh đã lầm. Sự có mặt của anh đã khiến câu chuyện trở nên trang nghiêm hơn.
- Em đã nói với Nguyệt nhất định anh tới.
- Anh có rẽ qua nhà. Cửa khóa.
- Thằng cha trưởng phòng của Nguyệt mỗi ngày một tệ hại.
- Thôi Kim, ta không muốn mi nói với anh Dũng chuyện đó. Nó tệ hại với ta thiệt, nhưng không nên làm phiền lòng anh Dũng.
- Sao lại phiền lòng. Chẳng lẽ chuyện của mày không phải chuyện của tao?
- Cứ để Kim nói, Nguyệt ạ, chúng mình là bạn.
- Chuyện cũng chẳng có gì đáng nói. Cái bầu của em cứ ngày mỗi lớn ra và làm cho hắn tức tối. Hắn bắt đầu mở chiến dịch bêu riếu em.
Dũng lặng điếng người. Lời tiên đoán của Kim hôm nào, khi thủ thỉ vào tai anh cái gọi là điều bí mật đó. Con Nguyệt hỏng mất rồi anh ạ. Nó đã sống buông thả. Nó đã mang bầu. Với ai? Thì còn với ai nữa. Với anh chàng Minh, trung úy đó, chưa cưới xin gì mà họ đã coi nhau như vợ chồng. Bộ cứ phải có cưới xin mới coi nhau là vợ chồng sao? Dĩ nhiên phải vậy, đó là phong tục tập quán từ ngàn năm nay của dân tộc mình. Nhưng em quan niệm đám cưới là như thế nào? Đám cưới là đám cưới, có vậy mà anh cũng hỏi quan niệm của em. Hôm chúng mình tới chia tay Minh ra mặt trận. Minh và Nguyệt đã giới thiệu trước hai đứa mình họ là vợ chồng, anh nghĩ đó cũng là đám cưới. Một đám cưới đơn giản. Trời ơi, anh văn minh quá cỡ. Một lời nói chơi chơi vậy mà anh coi là đám cưới. Ăn nằm với nhau không có cưới xin để tới chỗ mang bầu thì đó là buông thả quá cỡ, dư luận không cho phép. Con Nguyệt sẽ phải chịu đủ mọi lời đàm tiếu, châm chọc. Anh không tin như thế. Cái nhìn của con người ta bây giờ mới hơn nhiều. Hơn nữa, mỗi người đều có một cái tâm. Anh cứ nói vậy, nó thử là đảng viên coi, đảng viên thì nhất định phải bị khai trừ. Nếu anh ở chi bộ ấy, anh sẽ là một trong số những người phản đối quyết định khắt khe ấy. Anh nói sao? Chẳng lẽ người ta có con với nhau lại là có tội. Mà tội ở gút nào mới đước chứ? Gút là không có đám cưới. Thật là hề. Trò hề. Anh không tin là kỷ luật Đảng lại khắt khe đến thế. Có nghĩa là anh tán đồng hành động buông thả của Nguyệt? Anh không tán đồng, nhưng anh cũng không phản đối, nếu như chót xảy ra. Anh táo tợn quá đấy. May mà em không mủi lòng trước những thứ lý luận cám dỗ của anh. Không phải là em không mủi lòng, mà là cả hai đứa mình đều chưa đi tới điểm đỉnh cần có của tình yêu. Thôi, em không nghe lý luận đó của anh. Em chỉ biết rằng, anh phải có bổn phận cùng với em gỡ rối cho con Nguyệt. Rối gì? Phải thuyết phục nó phá thai, như thế sẽ tốt đẹp hơn đối với nó. Sao? Phá thai à? Chẳng lẽ anh phản đối? Anh không tán thành cũng không phản đối, anh chỉ nghĩ rằng Nguyệt có đủ bản lĩnh để tự xem xét và quyết định những hành động của mình. Cảm ơn anh, anh tốt thiệt, thế mà cũng đòi là bạn bè…
- Nguyệt ạ, tao cũng đã nói với mày rồi đó, phá cái thai trong bụng, đó là biện pháp tốt nhất.
Nguyệt đang ngồi nơi ghế, lẳng lặng đứng dậy, cái lưng đã thẳng, bước đi nặng nề. Cô mở cửa bước vào toa lét.
- Anh nghĩ, em không nên nói giải pháp đó với Nguyệt.
- Nhưng nó làm sao có thể chịu đựng được những cái dè bỉu, những lời nói xóc óc. Khốn nạ, thằng cha trưởng phòng muốn trả thù nó…
- Ta điện cho Minh về.
- Làm sao về được, ảnh đang chiến đấu.
- Không, anh sẽ điện, cần thiết anh sẽ tới đơn vị của Minh. Sẽ tổ chức đám cưới.
Tại sao em không nghĩ ra giải pháp này từ trước nhỉ? Lú lẫn thiệt. Nhưng ngộ nhỡ, Minh không chấp nhận?
Tiếng của Nguyệt vang ra từ cửa phòng toa lét:
- Đừng bao giờ nghĩ xấu cho chồng tôi.
Lặng đắng. Nguyệt chậm chạp bước trở lại chiếc ghế của mình.
- Trên đời này, không có con người nào đẹp hơn anh ấy. Chỉ có điều, - Nguyệt nghẹn lời, - Anh ấy sẽ không trở về với tôi nữa.
Kim chạy bổ lại phái Nguyệt.
- Nguyệt, mi nói năng gì lạ vậy?
- Ta đã trông thấy chồng ta hy sinh như thế nào. Mi biết không, ảnh đã lọt vào tầm súng của quỷ dữ và ảnh đã ngã xuống. Ta thấy linh hồn ảnh bay lên trong ánh lửa đỏ rực.
Kim sờ tay lên trán Nguyệt:
- Trời ơi, mày sảng mất rồi. Anh Dũng, kêu xe đưa Nguyệt đi vô bịnh viện.
Dũng đứng dậy, dợm đi.
- Anh Dũng, ngồi xuống đó đi. Em sẽ kể cho anh Dũng nghe tất cả, em đã thấy nhà em ngã xuống như thế nào…
Dũng chếnh choáng. Có thể cô đã nhận được một tin tức gì đó của Minh.
Chiến tranh. Chuyện một con người ngã xuống trước lửa đạn của quân thù, tại sao lại không xảy ra? Dũng tự vấn. Ai cũng dự tính tới điều bất hạnh đó. Và ai cũng nguyện cầu cho bất hạnh đó đừng rơi vào số phận mình. Anh phải nghe em, phải cùng em khuyên giải nó phá thai thôi anh ạ. Một đám cưới rất cần thiết đối với cuộc sống vợ chồng. Đó là một lề thói ngàn đời rồi, không dễ gì dư luận chấp nhận, cả đến pháp luật cũng không chấp nhận. Có con trước đám cưới, nói cách khác trước khi lập hôn thú chính thức thì có đứa con đó, dù sau này là vợ chồng có hôn thú, nó vẫn là đứa con ngoài giá thú. Trời ơi, em nói cái gì cũng luật lệ. Chẳng phải luật lệ là do con người đặt ra sao. Em biết, luật lệ do con người đặt ra, nhưng con người không thể sống mà không có luật lệ. Luật lệ là cần thiết, nhưng cũng phải có những ngoại lệ. Đây là một ngoại lệ cần châm chước. Không. Ngộ nhỡ sau này anh Minh không nhận con ảnh. Không tin vào con người thì mọi luật lệ ràng trói đều vô nghĩa. Anh quá quắt lắm. Chẳng lẽ em đã nói đến thế mà anh vẫn chưa hiểu sao? Ngộ nhỡ cuộc chiến tranh này cướp mất anh Minh. Ôi, em nói ra một sự thật đau đớn quá…
- Mi bị ám ảnh bởi cái gọi là “Tình yêu có cánh” của mi.
- Linh tính không báo lầm, - Nguyệt lại nặng nề đứng dậy, cô bước lại bên bàn, lục cái gì đó trong chồng giấy lộn xộn, đưa cho Kim, - Mi đọc đi. Điện ta đánh cho ảnh đó.
Dũng chụm lại bên Kim, cả hai cùng đọc. Anh đang ở đâu, báo cho em biết tin ngay. Nguyệt. Địa chỉ hòm thư của Minh được khoanh tròn bằng một vòng bút bi. Và một hàng chữ, cũng của nét bút bi đó viết nguệch ngoạc: Không có người nhận. Trả lại. Vuốt vào đuôi chữ trả lại, vẫn nét vút đó, một cái vòng đánh mũi tên vào địa chỉ người đánh điện.
- Nguyệt, thế này là thế nào?
Nguyệt lặng lẽ:
- Sau cái đêm em bay đi gặp anh ấy, em tận mắt trông thấy anh ấy ngã xuống. Năm giờ sàng hôm sau em đã đánh bức điện này cho ảnh và…
- Đừng quá tin vào những điều này. Ảnh chiền đấu, có thể đơn vị hành quân…
- Em cũng hy vọng như thế.
Gương mặt Nguyệt không thay đổi, vẫn một vẻ trầm buồn, Dũng bỗng thấy mọi lời an ủi của mình trở nên trống rỗng, vô vị.
- Anh Dũng, em muốn anh giúp em.
- Nguyệt cứ nói.
- Em nhất định sẽ nuôi cái thai trong bụng. Đây là giọt máu của ảnh. Nếu ảnh có mệnh hệ gì, thì giọt máu vẫn còn vẫn sinh sôi. Một con người tốt như ảnh, không thể chỉ còn sống trong cõi nhớ của người sống, mà phải cùng tồn tại, cùng sống với những người đang sống. Những người tốt, những người đẹp không nên chết anh ạ.
- Anh cũng nghĩ như vậy.- Em không muốn, tai em phải nghe những lời cay độc, những lời xấu xa, để con em phải co thắt trong nỗi u ẩn, trong sự đau đớn dằn vặt. Bản thân em không sợ những điều đó. Bởi khi trao tặng tất cả những gì quý giá của đời con gái cho anh ấy, em có nghĩ tới hậu quả, nhưng không một hậu quả nào ngăn cản được em. Bây giờ cũng vậy. Em yêu anh ấy. Em đã có con với anh ấy. Anh ấy dặn em, nếu là trai thì đặt tên là Sơn. Nếu là gái thì đặt tên là Hải. Em muốn con em được chào đời trong hạnh phúc. Anh hãy giúp em.
- Anh vẫn nghe Nguyệt nói.
- Thằng cha trưởng phòng của em muốn làm tất cả những gì có thể làm được, để em ê chề, để em không thể tươi tắn như một bông hoa mà sinh nở ra một bông hoa.
- Có nghĩa là em không muốn làm việc trong môi trường đó?
- Dạ em định nghỉ việc. Nhưng như vậy thì hèn quá. Nếu anh thấy không có gì trở ngại, em muốn xin qua xí nghiệp anh, anh biết đó, em là một kế toán không tồi, bên anh cũng đang thiếu kế toán.
- Anh bằng lòng.Dũng chợt bắt gặp ánh mắt hơi chau lại của Kim, phải rất tinh mới thấy điều đó. Cũng may, Nguyệt đang vui, có thể nói như vậy, với quyết định của Dũng, không để ý tới cái chau mắt của Kim.
Kim diễn giải cái chau mắt của mình, liền ngay sau khi hai người bước ra khỏi nhà Nguyệt, đi sóng bên nhau.
- Tại sao anh lại quyết định một cách đơn giản và vội vã như vậy.
- Em thấy có gì phải suy nghĩ nữa đâu.
- Hoàn cảnh của anh còn có nhiều cài éo le lắm.
- Em khác trước nhiều quá.
- Sao? Em khác trước?
- Khác đến mức anh không nhận ra nữa đó.
- Em hiểu. Nhưng chính anh mới tự mình tách xa dần dần những gì thuộc về nguyên lý.
- Nguyên lý nào?
- Nguyên lý cần có của một người cộng sản.
-  Vậy hả? Em đã đề cập tới một vấn đề rất hóc búa. Cảm ơn em đã thật bụng. Em đã nói thẳng ra điều em lo. Vậy anh cũng xin nói thẳng với em thế này. Khi chúng mình xuống đường biểu tình, đốt xe Mỹ, chống quân sự học đường, chúng mình đều biết là có thể bị bắt, nhưng chúng mình vẫn làm. Khi chúng ta đặt chất nổ đánh cư xá Mỹ, khi chúng ta cầm súng khử bọn chiêu hồi, chúng ta biết là chúng ta đang đối đầu với cái chết. Vậy mà chúng ta vẫn làm. Vì sao vậy? Vì chúng ta chỉ nghĩ tới sự nghiệp cách mạng, mà không nghĩ tới bản thân mình. Còn bây giờ, trước bất cứ việc làm nào, chúng ta cũng nghĩ tới chúng ta trước, rồi sau đó mới là sự nghiệp cách mạng. Chúng ta giúp một người bạn trong hoạn nạn, mà lo lắng chúng ta sẽ gặp nhiều phiền muốn, gặp khiển trách thậm chí kỷ luật. Vậy nguyên lý, anh nhắc lại chữ em dùng, phải hiểu như thế nào? Chúng ta bỗng khác nhau, có phải ý em muốn nói điều đó?
- Không phải, anh suy diễn.
- Vậy anh phải hiểu thế nào?
- Trước một hành động buông thả, một việc làm trái với phong tục tập quán, vậy mà anh ủng hộ, anh kéo hỏa lực về phía mình.
- Hỏa lực nào? Em muốn nói tới những nghi vấn mà lúc nào người ta cũng treo lơ lửng trên đầu anh chứ gì? Anh không sợ bất cứ điều gì, không sợ bất cứ ai, mà chỉ sợ chính mình. – Một lát, - Sợ nhất mình chỉ còn là một tên gọi
- Cái gì
- Cái tên mọi người gọi chúng ta là cộng sản.
- Anh quá lắm.
- Anh nói thật đó. Một người cộng sản chân chính phải chứng minh mình bằng những việc làm cụ thể, bằng phẩm chất tư cách con người mình. Khi mình không còn điều đó, thì chính mình tự khai trừ mình, chứ không phải tổ đảng, hay chi bộ.
- Anh nói lan man quá đấy. Nhưng anh phải hiểu là nguyên tắc Đảng không chấp nhận những suy nghĩ và việc làm của anh.
- Có lẽ em đã hiểu lầm những gì mà em coi là nguyên tắc Đảng.
- Em không hiểu lầm.
- Anh mong là em không hiểu lầm. Đạo lý của người cộng sản theo anh, chính là nền đạo lý nhân bản, tinh túy nhất của nhân loại, của mỗi dân tộc. Đạo lý ấy trước hết vì con người. Anhn ói vì con người, chớ không phải vi sinh vật nào k hác. Trước khi trở thành người cộng sản, anh và em đều là mỗi một con người.
- Anh đã bị thứ chủ nghĩa nhân đạo chung chung , thứ chủ nghĩa nhân đạo tư sản cắm rễ vào mình từ khi nào không biết.
- Không, anh nói thật đó, người cộng sản không phải một siêu nhân. Người cộng sản không thương yêu cha mẹ mình, không thương yêu vợ con mình, anh em mình, bạn bè mình, thì đó không phải là người cộng sản.
- Anh khinh em quá.
- Kim, nghe anh nói đã này, Kim…
Chiếc xe lao về phía trước. Tiếng gọi của Dũng rơi vào khoảng trống. Lẽ ra Dũng có thể đảo chân đạp theo. Luật là vậy, nhưng không hiểu sao, anh không muốn. Và chỉ sau một vái chớp mắt, chiếc xe của Kim đã mất hút trên đường. Dũng vẫn lẳng lặng bước đi. Tâm trí vẫn đầy ắp những suy tư.
Sẽ phải thuyết phục thằng Lâm. Nó có thể nghe ra. Dù sao trong thời gian làm việc với nhau, nó cũng là người ủng hộ những việc làm của mình. Nó là một đảng viên trẻ. Cần thì sẽ nói thêm với Hòa Bình. Một chàng trai rất triển vọng. Khao khát cái đẹp thực sự, chứ không phải sự khao khát cái vỏ ngoài hão huyền. Nghĩ cho cùng tại sao lại không thể tiếp nhận cô gái ấy. Chuyện trai gái, không phạm trù tình yêu, thì mình còn buông thả hơn. Dù chỉ một lần, lâu rồi, hôm đó mình ở nông trường về, tới gặp Kim, cô làm cho mình mệt mỏi vì những cái hôn ký gởi trong thư. Mình đã đi tìm nơi thỏa mãn cơn đòi hỏi của một thằng đàn ông khỏe mạnh. Hai trăm đồng. Cô gái ấy chừng hai mươi hai. Không biết tên, nhưng biết hết thân xác, trong một căn phòng có mùi truốc trừ dệp. Mình đã buông thả như vậy đó. Còn Nguyệt. Tình yêu. Kim sai hay là Kim đúng? Mình chẳng muốn kết luận, chỉ cảm thấy cô lo lắng cho cô nhiều quá. Mọi lo lắng, mọi việc làm cô dành cho mình, suy cho cùng cũng vì cô ấy. Thôi. Đừng nghĩ ngợi nữa, nếu không mình sẽ chán ghét cô ấy nhất trong đám người chán ghét.
Dũng đạp một mạch về nhà. Bài sáo miệng lạc nhịp.

/ Mời đọc tiếp 9.1/
TÌNH YÊU CÓ CÁNH - TIỂU THUYẾT
NGUYỄN NGUYÊN BẢY


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét