Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2017

TÌNH YÊU CÓ CÁNH / NGUYỄN NGUYÊN BẢY CHƯƠNG MƯỜI/ 10.1


Tranh Lê Công Thành


Sách tìm thấy ở Thư Viện Mỹ
WASON PL 4389 .24 N578 D3

CORNELL UNIVERSITY

LIBRARIES

ITHACA, N.Y.14853

John M. Echols

Collection on Soucheast Asia

JOHN M OLIN LIBRARY


TÌNH YÊU CÓ CÁNH - TIỂU THUYẾT

Nhà xuất bản Tổng hợp Tp HCM - 1987


NGUYỄN NGUYÊN BẢY

CHƯƠNG MƯỜI/ 10.1

Tây Vườn Lài nói xích lô dừng lại trước cửa văn phòng xí nghiệp xây dựng. Mã vẫn ngồi trên xe. Anh nói nhỏ với Mã canh chừng những gói, bọc dưới chân. Quần áo của Mã. Chục ký gạo. Vài con gà. Và một ít cá khô. Rồi anh tót vào văn phòng xí nghiệp.

- Chị Tú.
Nhiều cái ngẩng đầu lên nhìn anh. Kể ra vào văn phòng một cơ quan mà lớn tiếng quá cũng không nên. Nhưng điệu bộ của anh, vừa như thân vừa như mới từ xa về, nên cũng không ai nhìn anh với cặp mắt khó chịu. Tú đã đáp lại tiếng gọi của anh, “vô luy”  mở lớn không kém.
- Anh Tây, về khi nào vậy?
Tây Vườn Lài bước lại gần Tú. Giọng nói của anh nhỏ trở lại, thân mật
- Hai chú cháu mới về, quá giang xe, nên tới bến phải xuống. Thằng Mã đang ngồi ngoài xích lô. Tôi ghé vô đây, báo cho anh Dũng với chị.
- Anh Dũng đi họp rồi. Hôm nay họp bên Quận ủy. – Tú nói nhỏ vào tai Tây Vườn Lài. – Tình hình của anh lại căng. Hôm nay Quận ủy với Ủy ban tổ chức kiểm điểm ảnh.
- Kiểm điểm? Chuyện gì vậy?
- Tôi nói, anh biết phải để bụng. Cũng tại cái tính của ảnh cả nể, vừa rồi tiếp nhận những người vô cơ quan, Quận ủy và Ủy ban không chấp nhận.
- Vậy hả? Buồn thiệt, cái số ảnh sao không biết, hết chuyện này đến chuyện khác. Thôi được, lát nữa sẽ có kết quả chứ gì? – Tây Vườn Lài lại nói nhỏ với Tú, - Trưa nay chị về nhà má Hai ăn cơm nghe. Tôi sẽ kể chuyện nông trường cho chị nghe.
- Tôi sẽ tới.
Tây Vườn Lài lững thững bước ra cửa. Nhìn bước đi của anh cũng đủ biết tâm trạng có cái gì đấy khựng lại, không giữ được sự hồ hởi khi bước vào.
Anh bước lên xe, ngồi hơi nép vào Mã. Vẻ mặt anh nặng hẳn, Mã hỏi anh về ba nó. Anh chỉ khẽ lắc đầu. Người thanh niên đạp xe rướn người, xe lăn về phía trước. Phố xá trôi trước mặt anh. Chỉ mới lúc nãy thôi. Anh thấy phố xá tưng bừng. Phố xá như kể chuyện cùng anh. Những kỷ niệm, những đổi thay. Bây giờ, càng về gần nhà, những hình ảnh quen thuộc lẽ ra phải gợi trong anh nhiều cảm xúc, nhiều thích thú. Nhưng anh thấy lòng lạnh, và ý nghĩ miên man những điều khác hẳn.
Trở lại Thành phố lần này, anh có hai mục đích. Thứ nhất là đưa Mã trở về với ba nó. Đã mãn học. Nó được lên lớp. Và theo nguyện vọng của Dũng, đưa nó trở về Thành phố. Cuộc chia tay của nó với con Mỹ nghĩ cũng tội, cả hai anh em cùng khóc. Nó dỗ dành con Mỹ là nhất định nó sẽ trở lên, hoặc ở hẳn nông trường, hoặc sẽ đón Mỹ về thành phố. Nhìn nước mắt của con nhỏ, anh không cầm lòng. Tội nghiệp con nhỏ. Từ ngày nó và má nó nghe anh lên nông trường, nó ao ước được trở về Thành phố, vậy mà chưa lần nào anh cho hai má con cùng về. Mục đích thứ hai, thực ra cũng không phải bắt nguồn từ những giọt nước mắt của Mỹ, nhưng cũng là những giọt nước mắt ấy hối thúc anh quyết định. Anh muốn nói với anh Dũng nhận anh trở về làm việc ở xí nghiệp. Nếu được, thì kiếm việc gì đó cho má con Mỹ, còn không thì lại để má nó chạy chợ nhì nhằng. Tại sao phải vậy? Chẳng phải khi anh quyết định đưa vợ con anh lên nông trường là ý anh đã quyết mãi mãi sinh cơ lập nghiệp ở đó. Bây giờ anh đã chán rồi sao? Có lẽ vậy. Một cái gì đó nặng nề đeo bám anh trở lại kể từ khi anh Dũng không còn ở nông trường nữa. Anh đã được ra trường. Nhưng do nguyện vọng, nên anh được giữ lại làm nhân viên nhà trường. Nhưng… Nhân viên là danh từ người ta gọi anh cho đẹp đẽ. Trong lòng, người ta vẫn cảnh giác anh như cảnh giác một thằng dao búa. Lần ấy, vì có chút trục trặc ở lò gạch, anh lên gặp Ban giám đốc nông trường. Họ đang họp. Anh ngồi nơi chiếc ghế băng ngoài cửa có ý chờ. Cuộc họp đang bàn chuyện gì đó. Anh không biết. Chỉ thấy giọng ông giám đốc sang sảng. Đây là nông trường. Đúng. Nông trường. Nhưng thực chất chúng ta đang phải chịu gánh nặng cải tạo những cặn bã của xã hội. Vì thế không lúc nào chúng ta được lơ là cảnh giác cách mạng. Chúng ta không được quyền đặt niềm tin vào bất cứ tên lưu manh, trộm cướp, dao búa nào. Vì chúng, tôi nhấn mạnh với các đồng chí, chúng không thể tin được. Chúng đã từ những con người lương thiện mà trở thành hư hỏng, thì rất khó từ hư hỏng trở lại làm người lương thiện. Khả năng giáo dục của chúng ta được chừng mức nào, tốt chừng đó, nhưng đừng có ảo tưởng. Ngay cả một số học viên được giữ lại làm bộ khung cho nông trường, tôi cũng sẽ thay hết. Đó là một cần thiết, chuyên chính vô sản luôn dạy chúng ta bài học cảnh giác cách mạng. Tây Vườn Lài lạnh lưng, anh từ từ đứng dậy, đi trong hoang mang trở lại lò gạch. Rồi nhiều đêm sau đó, anh đã mất ngủ. Chẳng lẽ mình không thể làm lại cuộc đời. Anh Dũng cam đoan với mình là nhất định mình còn có ích cho xã hội. Vậy mà… Không phải chỉ những câu nói ấy ám ảnh anh. Mà những việc làm thực tế của Ban giám đốc nông trường đã khiến anh thất vọng hoàn toàn và anh hiểu rằng, mình chỉ mãi mãi là một cặn bã. Mình sẽ xin với anh Dũng vào làm trong xí nghiệp, công việc gì cũng được, mình có sức, có nghề và có cái tâm muốn làm người tốt. Nếu anh Dũng không giúp được mình, thì mình tự lo liệu lấy. Điều quan trọng là rời bỏ cái nông trường này. Bởi mình không thể để vợ và con mình cũng mãi mãi bị ám ảnh. Thằng dao búa. Vợ của thằng dao búa. Ba mày là thằng dao búa. Nhưng mình đã lại không gặp may. Mình về đúng lúc ảnh đang gặp sự khó. Mình sẽ không làm phiền ảnh, bởi ảnh đối với mình quá tốt, không lẽ lạm dụng mãi lòng tốt của ảnh. Cũng là người cộng sản, nhưng mỗi người một lòng dạ. Phải chi, mọi người đều tốt đẹp như anh ấy, thì đất nước này…
- Phải quẹo vô hẻm sao chú Hai?
Tây Vườn Lài sựng người, anh cười hề hề:
- Còn chừng trăm thước nữa. Nhưng thôi, chú em cho anh xuống đây cũng được.
- Chú cứ ngồi trên xe đi. Em đưa chú Hai tới tận nhà. Chú Hai tới nhà ai vậy
- Nhà má Hai chợ cá.
- Bà má đó, em biết. Có phải chú Hai là chú Tây Vườn Lài không ha?
- Sao biết hay vậy?
- Em nhớ mài mại. Hồi đó em đang đi học, em được chứng kiến cảnh chú Hai đánh hai thằng Mỹ…
- Vậy hả? – Tây Vườn Lài gượng cười.
Má Hai mừng hết nói. Má ôm Mã vào lòng, xoa đầu, nắn vai, nắn tay thằng bé. Tội nghiệp. Sao mày ốm vậy con? Đâu có, con mập hơn tháng trước đó nội. Nội ốm thì có. Chỉ thấy toàn xương. Nội già rồi, con ạ.
Tây Vườn Lài nhìn hai bà cháu, lòng anh se lại. Hai cảnh ngộ mồ côi. Bà má, ba người con đều hy sinh cho cách mạng. Thằng bé bố mẹ chết vì nỗi ngặt nghèo cay đắng của chiến tranh. Số phận run đẩy họ gặp nhau. Mình cũng vậy. Một người cha chết vì lao lực. Một người mẹ không cưỡng nổi căn bệnh nghèo khó. Một người chị nhảy cầu, làm con sóng nhỏ, suốt đời đi tìm bóng của đờimình. Hỡi Phật Bà trăm tay ngàn mắt, xin nói cho con hay, lẽ công bằng của cuộc đời ở chỗ nào, mà số phận chúng con oan nghiệt thế? Con sinh ra không phải để làm nghề dao búa. Con sinh ra không phải để ước ao được gọi hai tiếng: Má ơi. Vậy mà số phận đã bắt con cam chịu. Giờ đây, con chỉ mong được làm người lương thiện. Con đã từ bỏ tất cả. Cuộc đời con, con biết chẳng ích lợi bao nhiêu cho cuộc đời, nhưng con còn vợ con. Chẳng lẽ con thằng dao búa cũng sẽ là dao búa? Chỉ còn anh ấy. Anh ấy là sợi dây nối con giữa sự sống và cái chết, giữa sự làm người và làm thú. Kính lạy Phật Bà trăm tay ngàn mắt, nếu quả thật số phận chúng con cứ mãi mãi cay đắng như thế, thì xin Người hãy xót thương đến số phận của ảnh. Bởi, còn má Hai, còn thằng Mã. Họ đang nương vào anh ấy để sống phận con người.
- Hai chú cháu tính về ở với má mấy ngày.
- Thằng Mã về ở hẳn với má. Còn con, con tính về lần này, bàn với anh Năm sửa lại căn nhà cho má.
- Vậy hả. Má cũng nói với thằng Năm như thế, phải đưa thằng Mã về đây. Dù sao cũng có bà, có cháu. Ba nó công kia việc nọ đi tối ngày. Còn căn nhà phải bàn kỹ với anh con. Má nghe đâu xí nghiệp nó cũng sắp sửa chữa hàng loạt nhà cho đồng bào.
- Phải sửa chữa nhà thôi má ạ. Trống hoang trống hoác thế này…
Tây Vườn Lài đưa mắt nhìn căn nhà, cay cay nơi mắt. Anh đứng dậy, mang các thứ gói xách lỉnh kỉnh vào trong bếp. Mấy con gà kêu quạc quạc. Một con, không biết vì sợ hãi hay sung sướng cất tiếng cục tác ran lên và đẻ rơi ngay ra sàn một trứng.
- Gà đẻ, nội ơi.
- Con nhốt riêng con đó ra nuôi cơm cho nó đẻ lấy trứng bồi dưỡng cho bà mày.
- Dạ.
Thằng bé đưa cái trứng còn nóng cho nội. Cầm con gà mái đẻ, đi xuống bếp theo chú Tây. Nó vừa đi vừa nhảy chân sáo. Má Hai nhìn theo nó, rưng rưng nước mắt.

/ Mời đọc tiếp 10.2/
TÌNH YÊU CÓ CÁNH - TIỂU THUYẾT
NGUYỄN NGUYÊN BẢY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét