Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2017

TÌNH YÊU CÓ CÁNH / NGUYỄN NGUYÊN BẢY CHƯƠNG MƯỜI/ 10.2


Tranh Lê Công Thành


Sách tìm thấy ở Thư Viện Mỹ
WASON PL 4389 .24 N578 D3

CORNELL UNIVERSITY

LIBRARIES

ITHACA, N.Y.14853

John M. Echols

Collection on Soucheast Asia

JOHN M OLIN LIBRARY


TÌNH YÊU CÓ CÁNH - TIỂU THUYẾT

Nhà xuất bản Tổng hợp Tp HCM - 1987


NGUYỄN NGUYÊN BẢY

CHƯƠNG MƯỜI/ 10.2

Không khí cuộc họp trở nên căng thẳng hơn, sau những trình bày ngắn gọn và dứt khoát của Dũng.
Thứ nhất, tôi xin lưu ý các đồng chí, những gì thuộc về chức năng nhiệm vụ, mà Thường vụ Quận ủy và Thường trực Ủy ban đã cho phép đối với xí nghiệp xây dựng, tôi đề nghị, cứ như vậy mà chấp hành. Xí nghiệp chúng tôi xin được nhận nhiệm vụ quản lý và thi công các khu nhà tình nghĩa và các công trình phúc lợi công cộng. Thứ hai, những gì chúng tôi sai về chủ trương đường lối quản lý xí nghiệp, xin các đồng chí cứ đóng góp, còn những công việc cụ thể của xí nghiệp, xin các đồng chí cho chúng tôi cái quyền được chịu trách nhiệm. Chúng ta có bàn gì trên hai căn bản đó, không nên lan man.
Sáu Chiến cướp lời:
- Đồng chí nói cái gì lan man? Thử hỏi, Thường vụ có quyền chất vấn đồng chí về cung cách quản lý con người và quản lý kinh tế của xí nghiệp xây dựng không?
- Đồng chí cứ việc chất vấn, chúng tôi xin giải đáp.
- Thử hỏi việc tổ chức bộ máy xí nghiệp của đồng chí như hiện thời là đúng hay sai
- Tôi nghĩ là đúng.
- Đồng chí tự tin quá đấy. Mỗi xí nghiệp của nhà nước đều nhất thiết phải có một bộ máy cán bộ công nhân viên biên chế chính thức. Thử hỏi xí nghiệp đồng chí đang làm ăn theo kiểu gì? Một nhóm nhỏ quản lý hành chính, còn bao nhiêu công nhân trực tiếp sản xuất đều là hợp đồng, tạm tuyển.
- Thưa, tôi không quá quan tâm đến vấn đề biên chế hay hợp đồng, tạm tuyển. Tôi quan tâm người công nhân là làm việc, làm việc với năng suất cao và hiệu quả tốt.
- Có nghĩa là đồng chí cho rằng cách tổ chức bộ máy xí nghiệp như hiện thời của xí nghiệp xây dựng là đúng?
- Vâng. Trong khi chúng ta chưa có đủ khả năng quản lý trên nghiều mặt, công việc cho công nhân làm, vật tư, thiết bị, đời sống… Thì cách tổ chức tốt nhất là một bộ máy gián tiếp gọn nhẹ. Còn thành phần lao động chủ yếu là các tổ hợp xây cất. Hiện thời họ là những vệ tinh của xí nghiệp. Sau này, nếu chúng tôi tổ chức công việc tốt, bản thân những người thợ cũng cảm thấy thích thú với vai trò một công nhân trong biên chế chính thức, chúng tôi sẽ đưa họ vào biên chế cũng chưa muộn.
- Nếu vậy, đồng chí giải thích thế nào về các trường hợp tiếp nhận vô nguyên tắc.
- Xin đồng chí nói cụ thể.
- Trường hợp cô kế toán Nguyệt và trường hợp kiến trúc sư Châu.
- Cả hai người đó, với nghiệp vụ của họ, xí nghiệp đang rất cần.
- Chứ không phải đồng chí định xây dựng một bộ máy quản lý gồm toàn những tay chân của mình.
- Tôi cho đó là sự ngộ nhận. Mà đã là ngộ nhận thì tốt hơn hết chúng ta không nên bàn trong hội nghị này.
Sáu Chiến vươn tay, một cử chỉ bực dọc:
- Đồng chí bí thư và đồng chí chủ tịch nghe thấy cả rồi chứ? Chỉ có những kẻ kiêu ngạo mới ăn nói với đồng chí mình như thế.
Dì Năm:
- Tôi thấy cả hai đồng chí không nên đi quá đà.
Sáu Chiến cười gằn:
- Đồng chí bí thư thấy tôi như vậy là quá đà.
- Đồng chí nên bình tĩnh. Chúng ta đang cùng nhau trao đổi mọi việc, chứ không phải truy bức, gán ghép.
- Tôi hiểu, - Cười chua chát.
Tám Yên thấy đã tới lúc cần phải xoa dịu tình hình. Giọng anh trầm ấm, nhưng vấn đề anh nêu ra lại rất nghiêm.
- Về cung cách tổ chức bộ máy quản lý xí nghiệp xây dựng, chưa phải đã định hình, tuy nhiên có cái mới. Tôi ủng hộ cái mới. – Một lát, - Cứ mỗi buổi chiều, đứng nhìn số công nhân viên chức văn phòng Quận ta ra về, tôi lại giật mình. Người ở đâu mà nhiều thế không biết. Bộ máy gián tiếp của chúng ta cồng kềnh quá. Hết phòng nọ, tới ban kia, phòng ban nào cũng phải có trưởng, có phó, có nhân viên. Tâm lý ai cũng thích dưới tay có nhiều quân. Đã có người nói đùa với tôi, tổng số cán bộ công nhân viên của khối văn phòng Ủy ban Quận nhiều gần bằng số nhân viên trong bộ máy chính phủ ngụy. Cho nên, việc tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy gọn nhẹ là cần thiết. Tôi xin trở lại xí nghiệp xây dựng, việc tổ chức bộ máy như hiện nay, tôi thấy tốt. Tuy nhiên cần xem xét một cách thận trọng, để không có những kẽ hở. Giảm được một công nhân viên chức trong biên chế nhà nước bây giờ rất khó, vì vậy cần thận trọng trong việc tuyển biên chế. Về hai trường hợp cô kế toán và anh kiến trúc sư, tôi thấy không có vấn đề gì lớn, vì chính anh Sáu cũng công nhận cần phải tổ chức bộ máy cho xí nghiệp không nên kiêm nhiệm. Chỉ có điều, trước khi tuyển họ, xí nghiệp cần bàn bạc kỹ với Ủy ban.
Sáu Chiến đế vào:
- Vấn đề là ở chỗ đó đó. Xí nghiệp tự tung tự tác, tuyển dụng tùy ý.
Dũng dịu giọng:
- Nếu các đồng chí coi đó là một khuyết điểm, thì tôi xin nhận. Nhưng vấn đề là ở chỗ, tôi quan niệm, các đồng chí đã giao cho tôi là giám đốc xí nghiệp, có nghĩa là các đồng chí cho phép tôi được giải quyết những công việc cụ thể. Chẳng lẽ làm việc gì cũng phải xin ý kiến các đồng chí.
Dì Năm nghiêm mặt:
- Nhưng tại sao những người Ủy ban gửi xuống xí nghiệp, lại không được tiếp nhận
- Báo cáo chị Năm, xí nghiệp chúng tôi rất cần những người làm việc. Nếu chúng tôi tiếp nhận tất cả những người do Ủy ban chuyển xuống, hoặc do một số cán bộ đầu ngành của Quận ta gửi gắm, thì… Sẽ chẳng còn là một xí nghiệp nữa ạ.
- Nhưng tôi nghe báo cáo. – Dì Năm nhấn mạnh, - Trường hợp cô kế toán là bạn đồng chí, trường hợp kiến trúc sư Châu cũng là bạn đồng chí?
- Thưa đúng. Tôi hiểu biết họ, về con người và về nghiệp vụ.
Sáu Chiến đế vào:
- Vây cánh thì đúng hơn. Kiến trúc sư sẽ phụ trách phòng kỹ thuật, kế toán sẽ phụ trách phòng tài vụ.
- Thư không, nếu có phân cho họ làm công việc lãnh đạo đó, họ cũng từ chối. Tôi chỉ muốn nói thêm với các đồng chí như thế này, trường hợp kiến trúc sư Châu, tôi đã phải tìm mọi cách để vận động anh ta. Đấy là một con người có tài, cần trọng dụng. Còn trường hợp cô Nguyệt, kế toán, cổ có nghiệp vụ kế toán, xí nghiệp đang cần, nhưng trong đó, tôi cũng lụy tình riêng. Cổ là vợ một đồng chí bộ đội, đang chiến đấu ở chiến trường.
Sáu Chiến hơi nhón người dậy:
- Đồng chí không định qua mặt tôi đấy chứ?
- Thưa không.
- Đồng chí biết là cổ có bầu với ai không?
- Với chồng cổ.
- Tại sao trong lý lịch khai chưa có chồng.
- Họ chưa kịp làm đám cưới với nhau.
- Thật đúng là vô nguyên tắc.
- Tôi xin lấy danh dự đảm bảo điều đó. Hơn nữa, việc cổ có bầu có thật sự quan trọng đến thế không? Điều quan trọng là làm việc…
Sáu Chiến cười nhạt:
- Hết nói.
Tám Yên nghiêm lạnh:
- Dù sao, trong các trường hợp khác, cậu cũng phải thận trọng.
- Không được, tôi đề nghị phải làm sáng tỏ chuyện này. – Sáu Chiến hậm hực.
Dì Năm có vẻ tán đồng ý kiến của Sáu Chiến:
- Đồng chí tập hợp cả hai hồ sơ của hai đương sự đó lại, chuyển cho tổ chức nghiên cứu.
- Dạ. – Dũng đáp khẽ. Một lát, - Còn vấn đề quản lý và thi công các khu nhà tình nghĩa, đề nghị các đồng chí cho xí nghiệp chúng tôi triển khai vào đầu tuần tới.
Sáu Chiến nói nhỏ với dì Năm:
- Tôi đã đề nghị với chị giao công trình này cho Phòng nhà đất.
Tám Yên chen vào.
- Không giao cho Phòng nhà đất được, họ lấy quân ở đâu, rồi ai thiết kế, quản lý… Nhiều chuyện khó khăn lắm. Theo đúng chức năng tổ chức xí nghiệp xây dựng, nhất thiết phải giao công trình này cho xí nghiệp xây dựng.
Dũng nói rõ hơn các công việc đã chuẩn bị của mình:
- Chúng tôi đã thiết kế xong, đã tổ chức lực lượng thi công.
- Ai chủ trì thiết kế?
- Thưa đồng chí bí thư, trước đây cô Tú, bây giờ kiến trúc sư Châu hỗ trợ thêm.
- Đơn vị nào trực tiếp thi công?
- Nếu tổ hợp Lộc Thọ chấp nhận sự quản lý của xí nghiệp xây dựng, thì sẽ giao cho tổ hợp đó. Trước đây, khi tôi còn là Chủ tịch Phường, tôi đã có ý định nhờ tổ hợp Lộc Thọ làm việc này.
- Cả hai điều đó tôi đều phản đối. Không thể giao một công trình tình nghĩa có tính chất chính trị như thế cho những người lý lịch hoàn toàn chưa rõ ràng.
Dũng không chịu lép.
- Ai lý lịch chưa rõ ràng đã có luật pháp. Vấn đề là những căn nhà này chẳng có tội gì, và cũng chẳng liên quan gì tới vấn đề lý lịch. Những đồng bào nghèo khổ đang chờ đợi những việc làm cụ thể của chúng ta.
Phòng họp im lặng.
Một lát.
- Chị Năm thấy thế nào?
Dì Năm nhìn Tám Yên cười.
- Về chủ trương, chúng ta đều đã thống nhất. Còn phần thực hiện xin giao cho Ủy ban.
Tám Yên gật đầu:
- Ý kiến đồng chí bí thư thế là đã rõ. – Với Dũng – Cậu đem thiết kế cho Ủy ban duyệt, và chuẩn bị phương án khởi công.
- Dạ.
Tiếng đáp của Dũng đủ nghe. Dì Năm cúi xuống bàn như đang xem cái gì đó trong cuốn sổ ghi chép, còn Sáu Chiến lẳng lặng đứng dậy, bước ra khỏi phòng họp.
- Ta vào đây ăn kem nha?
- Đừng ba ạ.
- Sao?
- Tiệm kem này sang quá.
Người cha cười. Con sợ ba không có tiền à? Người cha không đợi con trả lời, kéo con vào. Hai cha con ngồi trên hai chiếc ghế bọc da. Cô chủ quán có lẽ vậy, đặt trước mặt người cha tờ giá biểu bìa cứng, bọc ni lông, vẽ một cô gái rất đẹp đang cầm trên tay ly kem. Người cha đưa tờ gái biểu cho con. Con chọn đi, thích ăn loại gì nói cô đấy lấy cho. Cô chủ quán nhìn hai cha con nụ cười rất thoáng. Thằng bé đánh vần từng chữ. Người cha cười, nhìn cô chủ quán. Cô cho hai ly kem đắt nhất. Cô chủ quán chưa hiểu ý. Người cha giải thích. Đắt nhất chắc là ngon nhất. Cô chủ quán cười. Kem ở đây loại nào cũng ngon cả. Hai cha con ăn kem dừa nghe. Cũng được.
Hai phần kem trái dừa đặt trước mặt hai cha con.
- Ăn đi con.
Thằng bé múc từng muỗng nhỏ, cho vào miệng, nhấm nháp. Cái lạnh tê người của kem, của vị ngọt, của mùi dừa ùa vào tận bụng nó. Người cha nhìn con ăn. Có lẽ lâu lắm rồi. Và cũng có thể chưa bao giờ nó được ăn thứ kem tuyệt hảo như thế này. Người cha nghĩ. Nó chỉ biết vị ngọt của các thứ nước súp thừa nơi các quán hủ tiếu, bún bò giò heo.
Ba ăn đi. – Thằng bé giục cha, khi nó ngước mắt lên thấy ba nó chỉ nhìn nó, xuất kem dừa vẫn nguyên, đang chảy nước. Người cha gật đầu, múc kem ăn.
- Con ăn nữa nha?
- Thôi, ba ạ. Con no lắm rồi.
Người cha biết thằng bé nói dối. Nhìn cặp mắt của nó, nhìn cái miệng nó đủ biết nó đang còn thèm lắm.
- Cho xin ly kem trái cây.
Cô chủ quán dạ một tiếng nghe rất đã, và thoáng sau, trước mặt thằng bé đã là ly kem trái cây. Chiếc ly  cao. Chừng hai muôi kem nữa, cắm trên đó là vài trái nho, vài miếng thơm, một phần tư miếng mãng cầu, cả sa-bô-chê nữa. Ăn đi con. Người cha giục.
- Ăn thế này mất nhiều tiền lắm phải không ba.
- Tại sao lại mất. – Người cha cười. - Mình được ăn cơ mà. Rồi đây, mỗi tuần ba sẽ cho con đi ăn kem như thế này.
- Con không đi đâu.
- Sao vậy?
- Em Mỹ biết con được ba cưng vầy, nó sẽ khóc. Tội nó, nó nhắc bà hoài. Nó bảo khi nào con gặp bà, con nói với bà là nó cũng nhớ bà lắm. Nó chỉ sợ bà quên nó.
- Nó nói với con vậy à?
- Dạ, hôm rồi, chú Tây đánh nó, con chẳng hiểu nó mắc lỗi gì mà chú đánh nó, nó khóc, nó gọi ba.
- Chú Tây có đánh con không?
- Không. Chú khen con ngoan.
- Bây giờ con được về ở với ba, với nội con có thích không?
- Dạ, thích. Nhưng mà con nhớ cô chú, nhớ em Mỹ.
Người cha im lặng. Bữa cơm trưa nay. Vui thì có vui, nhưng Tây Vườn Lài nói rất ít. Một cái gì đó u uất trong lòng nó. Tội nghiệp, nó là em kết nghĩa với mình. Chưa nuôi nhau ngày nào, nhưng cái nghĩa với nhau thì nặng lắm. Trươc đây, nó đã một lần cứu mình. Bây giờ mình giúp vực nó dậy. Nó đã lột xác. Nhưng mây đen còn mù mịt tâm hồn nó. Trùm tối cả gương mặt. Thế rồi bữa chiều, nó hẹn về, cả nhà đợi mãi. Mãi bảy giờ mới ăn tối. Rồi hai cha con đi dạo một chút. Trong con người ta, ranh giới giữa thiện và ác nhiều khi chỉ là một mành tóc. Vượt qua cái mành đó, con người nên thiện và cũng vượt qua cái mành đó, con người nên ác. Giờ này em ở đâu hở Phước? Cái tên cúng cơm cha mẹ đặt cho, tự nhiên xóa nhòa cái tên Tây Vườn Lài trong đầu anh.
- Ba sẽ nói chú Phước đưa em Mỹ và cô về thành phố chơi ít ngày.
- Chú Tây tên là Phước sao ba?
- Từ nay con đừng bao giờ gọi chú là Tây Vườn Lài nữa. Cũng như cái tên Choai Ngựa của con đó.
- Con nhớ rồi ạ. Nếu em Mỹ về thành phố con sẽ đưa em Mỹ đi ăn kem được không ba?
- Được.
- Trời ơi, vậy thì nó sẽ thích lắm.
- Sáng mai ba nói cô Tú dẫn con đi chợ Bến Thành nghe.
- Làm gì ạ.
- Ba muốn mua cho con bộ quần áo mới.
- Quần áo còn chưa rách mà ba
- Nói cô mua cả cho em Mỹ một bộ.
- Ba giàu quá.
Người cha cười. Bộ nó cứ tưởng mình có tiền mua cho mỗi đứa bộ quần áo, là mình giầu lắm. Thật trẻ con. Từ giờ còn phải lo việc nhà cho nội, nội già rồi, bà con mình phải lo sức khỏe cho nội, con hiểu ý bà nói chứ.
- Ba khỏi lo. Con sẽ làm mọi việc để nội được nghỉ ngơi. Nội ốm quá, người xương không à.
- Lúc rỗi, phải ôn bài vở nghe.
- Dạ.
- Ba bận nhiều công việc cơ quan, mỗi tối ba sẽ dành thời gian kèm con học.
- Dạ. – Thằng bé ngước cặp mắt ngây thơ, nhìn người cha. Đã mấy lần nó ngước cặp mắt như thế này mà chưa dám hỏi điều nó định hỏi. Nhưng rồi nó mạnh dạn, và nó hiểu là ba nó rất thương nó, - Ba ơi, cô Phước dặn con về hỏi ba.
- Chuyện gì vậy?
- Khi nào thì con có má?
- Sắp rồi.
- Cô Kim vẫn thương ba chứ?
- Ừa.
- Con thích cô Tú hơn.
- Ừa. Người cha cũng chẳng biết vì sao mình cứ ừa hoài với con như vậy. Đột nhiên lòng anh chống chếnh nỗi buồn. Sẽ chẳng có cô nào muốn nhận anh làm chồng cả. Vì sao, chính anh cũng không biết. Và anh, tới phút này, anh cũng không hiểu là mình đang yêu ai. Có lẽ không yêu ai đúng với cái nghĩa yêu. Vì mọi sự cứ lộn nhào từ phạm trù này nhảy qua phạm trù khác. Một bà mẹ nuôi. Một thằng em nuôi. Một đứa con nuôi. Hình như đủ một gia đình rồi. Anh chợt nhớ tới ba má anh hiện đang ở dưới quê. Các cụ vẫn dõi trông anh. Thỉnh thoảng anh có viết thư về thăm hỏi. Anh ỷ lại vào ba đứa em trai và hai người chị gái. Dù sao họ cũng ở gần ba má hơn anh. Ba má anh cũng có con, có cháu bên cạnh. Còn má Hai, chẳng ai hết, ngoài anh. Suy nghĩ của anh rối lên. Hình ảnh Kim không hiện lên rõ nét nữa. Còn Tú, cặp mắt sáng xanh. Chưa khi nào anh nói với cặp mắt ấy những lời cần phải nói. Có lẽ hoàn cảnh này, mãi mãi không cho anh nói điều định nói với Tú.
- Chú Phước có nói với con chú đi đâu không?
- Con tưởng chú nói với ba? Sáng nay, sau khi rẽ qua xí nghiệp của ba tự nhiên con thấy chú ấy buồn.
- Sao vậy?
- Con không biết. Hình như ai trong cơ quan ba nói cái gì với chú.
- Thôi, ta đi về, có thể chú ấy đang chờ ba con mình.
Hai cha con uống vội ly nước trắng tráng miệng. Người cha kêu tính tiền. Cô chủ quán cười tiễn khách. Mời mọc nhớ ghé lại luôn. Quán của cổ bán đủ mọi loại kem và loại nào cũng ngon cả. Hai cha con đi khuất. Cô chủ quán nói với cô gái phục vụ khác một nhận xét gì đó. Cô phục vụ đáp lại. Em cam đoan với chị không phải hai cha con đâu. Người cha trẻ thấy mồ, còn thằng bé đen nhẻm. Cô chủ quán gật gù, nửa như đồng ý, nửa như không.

/ Mời đọc tiếp 10.3/

TÌNH YÊU CÓ CÁNH - TIỂU THUYẾT

NGUYỄN NGUYÊN BẢY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét