Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

TÌNH YÊU CÓ CÁNH / NGUYỄN NGUYÊN BẢY CHƯƠNG MƯỜI/ 12.2/ Hết.


Tranh Lê Công Thành

Sách tìm thấy ở Thư Viện Mỹ
WASON PL 4389 .24 N578 D3
CORNELL UNIVERSITY
LIBRARIES
ITHACA, N.Y.14853
John M. Echols
Collection on Soucheast Asia
JOHN M OLIN LIBRARY

TÌNH YÊU CÓ CÁNH - TIỂU THUYẾT
Nhà xuất bản Tổng hợp Tp HCM - 1987

NGUYỄN NGUYÊN BẢY
CHƯƠNG MƯỜI/ 12.2/ Hết

Sáu Chiến chống chếnh thực sự. Mấy chục năm đi theo cách mạng chưa khi nào anh cảm thấy trong lương tâm mình cộm lên nhiều sạn đá đến thế. Ai đã nói thẳng vào mặt mình: Nguyên tắc là điều cần thiết, nhưng đề phòng tính nguyên tắc ở anh làm hại việc. Lại ai nữa đã nói: Cậu cầm Mao tuyển giữ cửa cho cách mạng đó. Cách mạng sẽ bị những người như cậu kéo giật lùi. Dũng có nghĩ mình như thế không? Mình định gặp Kim, thăm dò. Nếu mọi điều tốt đẹp, thì sự chia vui với cô là cần thiết. Nhưng mình chẳng muốn gặp. Sao? Trong ánh mắt cô có cái gì đó của sự thù hằn, nhẹ hơn cũng là sự oán trách. Mình phải gỡ lại điều đó. Tìm gặp Dũng. Cậu ấy là con người thẳng thắn, dám nhìn vào sự thật và quan trọng là cái tâm của cậu ấy thiện.
Dũng không có nhà. Bà má báo cho anh một cái tin chẳng lành. Có người nào đó phải đi cấp cứu. Và Dũng đã tới bệnh viện. Thật lạ. Con người cậu ấy, hết việc này, tới việc khác, việc gì cũng có cái oái oăm của nó, và cậu ấy một mình vượt qua. Ai cấp cứu? Rất có thể là cô Nguyệt. Cũng có thể là một công nhân nào đó. Với ai, cậu ấy cũng quan tâm như là người thân của mình. Tại sao mình không nghĩ những điều tốt đẹp về cậu ấy sớm hơn. Phải chăng đầu óc mình nặng những thành kiến. Tư cách đảng viên. Tất nhiên đó là nguyên tắc bất di bất dịch của Đảng. Lý lịch và tư cách phải trong sạch. Nguyễn Văn Dũng. Người ta đã tố cáo như thế và trong thực tế đúng là có một Nguyễn Văn Dũng phản bội. Vậy thì nghi vấn sao lại không là cần thiết. Người ta lại chất vấn mình về lòng tin. Đúng. Lòng tin đó là khởi thủy, là cốt lõi của mọi vấn đề. Nhưng không thể có niềm tin theo cảm giác. Cuộc đời đã dạy cho mình những mất cảnh giác để dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, nhiều khi phải hy sinh cả tính mạng của đồng chí mình. Nhưng tôi đã nói với anh, tôi không phải hạng người như thế. Dũng nhiều lần nói với anh. Nhưng nguyên tắc của người làm công tác tổ chức, thì tất cả mọi lời nói đều cần phải chứng minh. Bắt buộc phải chứng minh.
Cậu ấy tới bệnh viện. Bệnh viện nào giữa một thành phố mênh mông như thế này? Khỉ thật. Tại sao mình không tới sớm hơn. Nếu vậy thì, mọi ý nghĩ cũng có thể tìm ra sớm hơn. Mình chẳng thể tin vào cung cách làm ăn của cậu ta. Dù mắt mình nhìn thấy nó có cái gì đó, mới, lấp lánh. Trí tuệ cảnh giác lại canh chừng mình: Nó làm để chuộc tội hay là sự dấn thêm tội lỗi? Biết đâu đây chẳng là sự phá hoại. Nhà thầu tư nhân. Mình lạ gì mặt mũi những thằng tư sản này. Với chừng chỉ có đồng tiền. Vậy mà cậu ấy cấu kết với tư sản. Cũng may, mình chưa đủ quyền lực, nếu không, chính mình, mình đã cách chức cậu ấy. Cậu ấy nói nhiều tới kết quả của công việc. Mình không phủ nhận. Nhưng nguyên tắc của Đảng và Nhà nước có cho phép tạo thế cho tư sản ngóc đầu dậy không? Tất nhiên là không. Nếu vậy cái mà cậu gọi là kết quả có đáng cho mình phải bận tâm không? Con bé gì nhỉ? Mình nhớ rồi. Thủy. Mình đã đặt phương án, rất có thể tổ hợp Lộc Thọ tung con Thủy vào xí nghiệp, để nó mồi chài cậu ấy. Dù sao, cậu ấy cũng là một thằng đàn ông. Một lon bia, vài điếu thuốc thơm, thân thể khêu gợi khối kẻ chức quyền cao hơn cậu ấy mà còn đổ. Cứ nhìn mấy ngón tay sơn đỏ, cái mông ẹo ẹo nhún nhảy, và mùi nước hoa nhức mũi là mình lại thấy hiện ngay trước mắt sự sụp đổ của cậu ấy. Khốn nạn, mình đạo nhiều quá, mà quên đời. Cậu ấy lôi kéo các tổ hợp vào xí nghiệp để làm gì? Tới bây giờ mình vần chưa thể đồng tình. Hồi dưới nông trường cải tạo lao động cho các phạm nhân, cậu ấy cũng làm ăn theo kiểu ấy. Lúc nào cũng mở trái tim mình ra, còn cái đầu thì… Vô nguyên tắc. Ai cho phép cậu ấy dám nhận một thằng dao búa anh chị làm em nuôi. Chà, cậu ấy định dấn thân vào con đường anh chị. Tây Vườn Lài. Cái tên nổi tiếng như thế mà lại được cậu ấy coi trọng, một điều anh em. Chưa hết. Lại còn thằng bụi đời. Vô nguyên tắc thật. Nuôi bụi đời làm con. Này anh, anh cứ bắt mọi người cộng sản phải sống theo nếp nghĩ cố định của anh là không ổn đâu. Tôi không làm điều gì hại tới Đảng, trái lại, mọi việc có lợi cho Đảng, rất nhỏ, tôi cũng làm. Cậu ấy đã đốp thẳng vào những lời góp ý của mình. Tất nhiên mình chấp nhận việc làm thiện của cậu ấy với má Hai. Nhưng mà anh nghĩ về điều đó theo cách nghĩ của anh đấy. Cậu ấy nói đúng. Mình không dối lòng. Quả là mình có ý: Cậu ấy chăm nom săn sóc má Hai, bởi vì lương tâm cậu ấy day dứt, dằng xé về tội phản bội của cậu ấy đối với Tư Mai. Khốn nạn. Mình không ngờ mình lại nghĩ xấu cho cậu ấy tới mức đó.
Cậu ấy trình bày cung cách làm ăn mới. Có phải nỗi nghi vấn như quả bóng được bơm hơi, lan phồng và chiếm lĩnh toàn bộ đầu óc mình? Mình thấy cậu ấy to sụ, mập ú như một thằng tư sản. Cái đầu cậu ấy mập trước, rồi tới quả tim. Không biết vì sao mình lại thành kiến với mấy thằng mập thế không biết. Phương pháp tư tưởng của mình bậy mất rồi. Bậy thực sự rồi. Lòng mình không ác, mình chỉ muốn là một thủ môn vững chắc cho khung thành của Đảng, chỉ có vậy thôi. Đang lúc tình hình quản lý chính trị, quản lý kinh tế có nững cái rối, vậy mà cậu ấy lại đề xuất những cái chưa hề có trong văn bản, nghị quyết của Đảng. Vậy thì cơ sở nào để tin những việc làm của cậu ấy là đúng đắn? Không thể mất một đồng chí, chính vì điều đó, mà ban kiểm tra Đảng mới chưa vội kết luận về cậu ấy. Không thể để cho công việc xô đẩy cậu ấy vào sai lầm. Nhưng quả thật, việc mình phản đối giao cho xí nghiệp cậu ấy thi công những khu nhà tình nghĩa là mình bậy. Phòng nhà đất làm sao có thể quản  lý và thi công nhanh chóng như xí nghiệp của cậu ấy. Thời gian đã trôi rất nhanh và hiệu quả đã thấy nhãn tiền. Một hiệu quả có ý nghĩa chính trị thiết thực, hơn tất cả những lời hứa suông. Tại sao khi đó mình cứ nằng nặc phản đối giao việc cho cậu ấy? Phải rồi. Nếu không có việc tiếp nhận người táo bạo của cậu ấy. Liều thật, dám nhận một kiến trúc sư thời ngụy vào thẳng xí nghiệp, lại nhận cả người mang bầu chưa lập hôn thú. Nhưng cả hai trường hợp mà mình kêu bằng liều đó, cậu ấy đều đúng. Cậu ấy có phải là một người cộng sản ngoại lệ? Không phải. Chị Năm, anh Tám Yên cũng ủng hộ những việc làm của cậu ấy. Thằng Lâm, đệ tử của mình, cũng chống mình, ủng hộ cậu ấy. Những người thợ bình thường ủng hộ cậu ấy. Má Hai tin cậu ấy. Trong hai người, mình và cậu ấy, cậu ấy đúng là mình sai. Mình phải đi tìm cậu ấy.
Một người cộng sản. Một con người. Nói chung, là con người về căn bản ai cũng tốt cả. Người tốt thật là nhiều. Ở đâu cũng có người tốt. Nhưng người hợp quy luật, người biết điều, người biết kết hợp hài hòa giữa đạo và đời xem ra không phải nhiều. Cậu ấy vẫn sống bình dị, cậu ấy vẫn là người dân, cậu ấy không quá cường điệu vai trò một người cộng sản khi ở giữa quần chúng. Cậu ấy vẫn nhận lãnh những công việc gay go, khó khăn nhất trước tất cả mọi người. Cậu ấy vẫn là bạn của những người cùng khổ. Cậu ấy tin ở mình, một tự tin vững chắc, không một biện minh, không một giải thích, không một chạy chọt van nài, kể cả khi những người đồng chí của cậu ấy chưa hiểu cậu ấy. Cậu ấy bằng  những suy nghĩ và việc làm chứng minh cho bản chất con người mình. Mình tốt, nhưng hình như cái tốt đã không cần thiết và không phù hợp với cuộc sống mới. Có lẽ vậy. Mình không thoát rời cuộc sống vất vả, khó khăn của người dân, nhưng mình thoát rời cuộc sống vốn rất phong phú và phức tạp. Mình chưa hiểu nỗi nhọc nhằn của vợ. Mình chất chứa trong đầu quá nhiều những điều tốt đẹp chỉ thuộc về sách vở và ngôn ngữ. Không phải khi sống trên nhung lụa, người cộng sản mới xa rời đồng bào của mình, mà ngay cả việc không hiểu đời sống của đồng bào mình, người cộng sản cũng trở nên cô đơn. Tự coi mình là người cộng sản, là cao hơn quần chúng đồng bào mình, chính là tự mình lạc lõng.
Mình phải đi tìm cậu ấy. Sáu Chiến cứ đi trên đường cùng với ý nghĩ của mình, nhưng anh không biết phải tìm Dũng ở đâu dù anh được má Hai thông báo Dũng vào bệnh viện cấp cứu cho một người thân thuộc nào đó. Đêm tối se se lạnh, chỉ có ánh đèn đường, đèn ô tô vụt qua và tiếng lào xào cây lá.
- Phải chăng em đã viết thư kể cho chị nghe mối tình của em với Dũng?
- Chị Hằng ạ, chúng em yêu nhau có thời gian chứng giám. Em chưa hề thân thiết với người đàn ông nào như anh ấy. Và anh ấy cũng chưa bao giờ biết người con gái nào ngoài em. Nhưng bây giờ, chính lúc em tưởng rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp nhất, lại là lúc chấm hết.
- Chị sẽ hỏi Dũng chuyện này.
- Đừng, chị ạ.
- Sao vậy?
- Chính em đã xúc phạm tình yêu của anh ấy.
- Em nói gì, chị không hiểu?
- Anh ấy tin em hoàn toàn. Còn em, lúc nào em cũng day dứt bởi sự nghi ngờ. Hai lần, đi tới hôn nhân, cả hai lần chính em đã kiên quyết hoãn lại. Anh ấy là người đàn ông tự trọng, ảnh không thể tha thứ cho em.
- Nhưng đó là do hoàn cảnh…
- Đúng, hoàn cảnh, thậm chí nhiều người còn ở trong hoàn cảnh phức tạp hơn nữa, nhưng người ta không xử trí như em.
- Chị không tin điều đó. Mọi việc làm của em, cũng chỉ vì mong muốn Dũng tốt đẹp hơn, Dũng là người chồng xứng đáng của em.
- Đó là cái lý chị ạ. Còn cái tình. Em yêu bản thân em, chứ không phải em yêu và hy sinh tất cả vì anh ấy.
- Dũng kết án em như vậy sao?
- Không. Ảnh chẳng nói gì cả, nhưng trái tim em biết hết. Em không còn trong ảnh hình bóng người vợ nữa. Tấm thiệp cưới ảnh in hôm nào chính em đã biến nó thành tờ cáo phó của tình yêu.
- Kìa, Kim, đừng khóc.
- Không, em đâu có khóc.
- Em có cần chị nói gì với Dũng không?
- Không chị ạ. Chuyện gì còn có thể nói được, chứ chuyện tình yêu thì không thể nói ra là thành. Trước đây, khi chị chưa là nhân chứng cho con người anh ấy, đã có bao nhiêu người khuyên em làm đám cưới. Những lời khuyên đó, không căn cứ vào những điều nghi vấn, mà họ căn cứ vào bản chất con người ảnh, nhưng em đâu có chịu nghe theo.
- Dù sao chị cũng nói tất cả với Dũng. Bởi nó là em chị. Còn việc hai em quyết định như thế nào là quyền của hai em.
Tùy chị. Dù sao em cũng rất mừng cho anh ấy. Chị ạ, cho dù anh Dũng còn thương hại mối tình của em, thì em cũng không thể đón nhận sự thương hại ấy. Ảnh vẫn nói với em, ảnh là người cộng sản, nhưng trước khi thành người cộng sản, ảnh là một con người. Trước đây, em chưa hiểu hết điều ảnh nói. Nhưng bây giờ em hiểu. Chúng ta đều là những con người… Vì thế cuộc sống bao giờ cũng rất công bằng.
- Đúng, cuộc sống công bằng cho mỗi một con người.


Tú và Dũng ngồi trên chiếc ghế băng kê dọc hành lang. Họ không nói gì với nhau, hai cặp mắt đều ngước vào phòng cấp cứu, nơi đó thấp thoáng những tà áo trắng đi vào đi ra. Chuông điện thoại. Không ai nghe. Chuông đổ hồi thứ hai. Hồi thứ ba. Bóng một cô gái. Bác sĩ Hoàng đang trong phòng cấp cứu. Chị vui lòng lát nữa gọi lại. Sao? Đã nói bác sĩ Hoàng đang trong phòng cấp cứu. Cô gái gác điện thoại. Dũng nhỏm người dậy, bước lại cửa.
Thưa cô…
Tiếng trả lời khô khốc:
- Xin anh cứ ngồi ngoài đó. Tôi chưa thể nói gì với anh được cả.
Cô gái mở cửa phòng cấp cứu, bước vào nhanh. Dũng trở vào chỗ ngồi. Lấy gói thuốc lá. Anh nói như có ý trách Tú.
- Lẽ ra phải đưa cổ vào bệnh viện từ hôm qua.
Tú đáp mà không nhìn anh.
- Hôm qua chỉ vẫn đi làm. Cũng may là em có linh tính nên mới rẽ qua chỉ.
- Phải chi tôi là phụ nữ, thì những ngày này, tôi đã ở với cổ. Nghĩ coi, cổ còn ai thân thiết hơn chúng ta? Mà những ngày này, cổ rất cần có những người thân.
Tú tức muốn bật khóc, nhưng không dám cãi lại anh. Cũng may, là cô kịp đưa Nguyệt vào bệnh viện, và cũng kịp nhờ thằng bé lối xóm đưa tin lại cho anh hay, nếu không, một mình cô, cô sẽ chẳng biết phải xoay xở như thế nào.
- Khi đưa cổ tới, cổ đã hôn mê chưa?
- Chưa, chỉ gọi tên anh Minh.
- Như vậy tức là hôn mê. Bác sĩ nói sao?
- Lúc đó chưa có bác sĩ, chỉ có y tá trưởng.
- Họ nói sao?
- Họ đưa chỉ vào phòng cấp cứu ngay. Em hỏi họ, họ chỉ nói, nặng lắm, đang làm dịch truyền.
- Lẽ ra phải đưa cổ vào bệnh viện từ hôm qua. Mấy hôm nay tôi đã thấy cổ khang khác, sắc mặt thì tái xám, đi đứng không vững.
- Tại sao anh không nói?
- Thế mới giận mình không phải là phụ nữ.
- Bộ anh làm như em rành chuyện này lắm?
- Nhưng cô là kiến trúc sư, lại là phụ nữ, chuyện gì cô cũng phải biết.
Tú rút khăn lau mắt. Dũng biết mình quá lời. Im lặng. Kể ra anh giận Tú cũng vô lý. Cổ với Nguyệt dù sao cũng chỉ là những người bạn mới. Cổ đâu phải là Kim? Mà Kim giờ này ở đâu? Lúc bạn cần cố nhất, thì cổ lại không có mặt.
Cô y tá xuất hiện ở cửa.
- Anh là anh Minh, chồng sản phụ Nguyệt? – Cô y tá hỏi Dũng.
Dũng không trả lời thẳng vào câu hỏi của cô y tá.
- Có chuyện gì không, thưa cô.
- Bác sĩ muốn gặp anh.
Dũng bước vào phòng y tá trực. Người bác sĩ cũng vừa ở trong phòng cấp cứu đi ra.
- Thưa bác sĩ, - Dũng nghiêng đầu chào bác sĩ.
- Anh là chồng sản phụ.
- Thưa…
Người bác sĩ quay qua cô y tá:
- Tôi đã nói với cô là cho tôi gặp chồng sản phụ.
Cô y tá lúng túng. Dũng đỡ lời.
- Thưa bác sĩ, tôi là giám đốc xí nghiệp nơi cô Nguyệt công tác, còn chồng cổ, là quân nhân.
- Có nghĩa là chồng cổ không có mặt ở đây.
Tú cũng đã bước vào đứng bên Dũng.
- Chồng chị ấy mới hy sinh.
- Sao? Cô nói sao? Cô là thế nào với sản phụ?
- Thưa, em là bạn của Nguyệt, cùng cơ quan. Còn anh đây. – Chỉ Dũng. – Là giám đốc xí nghiệp. Chỉ không có người thân nào khác ngoài chúng em. Chồng chỉ là bộ đội mới hy sinh.
- Tôi hiểu. – Người bác sĩ đáp lạnh lùng. – Cổ bị băng huyết.
- Thưa bác sĩ, có sao không ạ.
- Khó lòng cứu sống cả hai mẹ con. Chúng tôi đang hết sức cố gắng.
Người bác sĩ không nói gì thêm, lẳng lặng bỏ vào phòng cấp cứu. Cô y tá lại chỉ chiếc ghế băng ra hiệu cho Dũng và Tú vui lòng ra ngoài đó chờ. Cô ngồi xuống bàn, viết cái gì đó. Tiếng đồng hồ chạy tích tắc. Tiếng mối đợp muỗi trên trần nhà.
- Em lo quá.
- Cũng đáng lo thật.
- Anh giận em lắm phải không?
- Về chuyện gì?
- Lẽ ra em phải đưa chỉ đi bệnh viện từ hôm qua. Thôi, cũng đành, con người ta ai cũng có số phận.
- Em nói cái gì?
- Em cứ cố tin là không có số phận, nhưng không tin không được. Số phận thử thách mỗi con người.
- Đừng nói như vậy. Tú. Em là một kiến trúc sư.
- Khoa học về số phận con người huyền bí lắm, trình độ kiến trúc sư của em chưa lý giải được.
- Thôi , đừng nói nữa, Tú. – Bàn tay thô ráp của Dũng đặt ngập ngừng xuống bàn tay mềm mại, thon nhỏ của Tú.
- Anh, sao em thương chị Nguyệt quá.
- Anh cũng vậy. – Dũng đáp lí nhí.
- Cầu cho chỉ tai qua nạn khỏi…
Tiếng oe oe con trẻ bật vang. Dũng và Tú cùng đứng dậy chạy lao về phía cửa phòng y tá trực. Chỉ nghe tiếng trẻ khóc chào đời. Cửa phòng cấp cứu vẫn đóng lặng. Dũng đưa mắt cho Tú. Gương mặt Tú tự nhiên rạng rỡ. Một lát. Người y tá đi ra. Mồ hôi rịn trên má. Dũng và Tú không dám hỏi, chỉ lặng lẽ chờ câu phán truyền của người y tá. Cô ta ngồi xuống ghế mới đưa mắt nhìn Dũng và Tú.
- Sản phụ đã sinh con trai.
- Thế còn mẹ cháu? – Dũng sốt ruột.
- Chưa hết hy vọng.
- Sao không thấy cháu nó khóc nữa, thưa chị? – Tú dỏng tai trong im lặng của bệnh viện.
Cô y tá cười. Có lẽ đây là nụ cười đầu tiên cô dành cho Tú, kể từ lúc Tú đưa Nguyệt vào viện. Khuôn mặt dễ thương, nhưng có lẽ sự căng thẳng của công việc đã cướp đi nụ cười của cô.
- Chị đừng lo, chúng tôi đã chuyển cháu qua dưỡng nhi, thằng bé rất kháu, ba ký tư. Anh chị có biết má cháu định đặt tên cho cháu là gì?
Dũng đáp nhanh như trả bài:
- Nguyện vọng của ba cháu, nếu là con trai thì đặt tên là Sơn. Trần Thanh Sơn.
Cô y tá ghi cái tên đó vào sổ. Trần Thanh Sơn. Trần là họ ba cháu. Sơn là tên ba cháu đặt khi còn sống, chỉ có chữ Thanh là do Dũng bỗng dưng nghĩ ra. Núi xanh, núi có ánh trăng khi đêm xuống.
Cửa phòng cấp cứu hé mở, người bác sĩ bước ra, dáng vả mệt mỏi.
- Một người phụ nữ kỳ lạ, chị ta tự giành giật với cái chết. Thể tạng chỉ không yếu, nhưng mất máu nhiều. Tôi phải chích hai liều thuốc kích dục. Chỉ ấy tỉnh được giây nào là thều thào gọi tên chồng, khi thằng bé chui ra khỏi bụng mẹ, cất tiếng khóc, tiếng khóc như làm cho chị ấy khỏe hơn. Chị ấy la gọi tên chồng. Hình như chị ấy muốn đặt tên con là Sơn.
- Dạ, đúng như thế ạ, Trần Thanh Sơn. – Tú trả lời người bác sĩ.
- Phút nguy kịch nhất đối với chị ấy đã qua rồi.
- Như thế có nghĩa là mẹ tròn con vuông? – Tú nắm tay người bác sĩ.
Người bác sĩ nhếch mép cười.
Chúng ta có quyền hy vọng.
Dũng đưa thuốc mời bác sĩ.
- Chúng tôi vô cùng cảm ơn bác sĩ.
Bác sĩ nhón tay lấy điếu thuốc, đặt lên môi, châm lửa. Lặng lẽ.
- Thôi, hai anh chị có thể về, tôi phải xuống phòng trực.
Bác sĩ chào Tú, bắt tay Dũng, rồi sải chân rất nhanh theo hành lang.
Dũng và Tú bước ra ngoài. Họ lại ngồi xuống chiếc ghế băng.
- Em chúa ghét lối nói mập mờ.
- Họ phải vậy.
Tại sao không thể nói khác được, - Cô nhại lại giọng người bác sĩ, - Chúng ta có quyền hy vọng.
Khi nói về con người thì phải nói theo cách thận trọng đó.
- Có nghĩa là chị ấy sẽ sống.
- Chúng ta có quyền hy vọng.
Anh vừa nói dứt, không để cho Tú kịp phản ứng, anh xốc tay Tú đứng dậy, họ đi sát nhau, theo hành lang bệnh viện. Anh định nói một câu gì đó, Tú cũng chờ nghe một điều gì đó. Nhưng cả hai vẫn im lặng. Họ tựa lan can. Trời đầy sao đầy trăng và đầy gió. Họ nhìn trời và nhìn vào mắt nhau. Tình yêu có cánh. Hai trái tim họ đã giao hòa vào nhau và đã nói với nhau những điều cần nói. Trăng và sao và gió quyện lấy họ. Vũ trụ là của họ, trái đất là của họ, trái tim là của họ, họ yêu nhau. Bầu trời bỗng rơi xẹt vì sao. Sao hạnh phúc của họ đấy. Họ nhìn sao và thấy nhau trong mắt. Ôi, cặp mắt sáng xanh. Có phải vì anh mà mắt sáng xanh đến thế? Ngay giây phút gặp em đầu tiên anh đã nghe lòng xao xuyến, và bây giờ, cặp mắt ấy thuộc về anh, vì anh đã thấy hình anh trong đôi  mắt ấy rồi. Có phải vậy không em. Chị gật đầu. Và em, em cũng thấy mình trong mắt anh.

Hết.
Tiểu thuyết TÌNH YÊU CÓ CÁNH
NGUYỄN NGUYÊN BẢY. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét