CHÀNG THẢ NGƯỜI NẰM XUỐNG
GHẾ SA LÔNG, NHÂM NHI VỊ NGỌT CỦA NỤ HÔN CÒN MÊ NƠI ĐẦU LƯỠI…
Lúc nàng chạy vào bếp để
lấy cái làn đi chợ theo lệnh của ông già, nàng nhấm nháy gọi chàng vào theo.
Khi chàng vừa bước khuất vào sau cánh cửa, nàng ôm nghiến lấy chàng và bịt miệng
chàng bằng cái hôn muốn ngạt thở. Cái hôn kéo dài tới một phút, nếu không có tiếng
gọi của cô Mứt, chưa chắc nàng đã chịu buông chàng ra. Bai, nàng cầm cái làn nhựa
đỏ, ton tót như con chim, bay ra nhà ngoài, choàng vai cô Mứt và xô cô đi.
Ông bố vợ, muốn khóa
chân chàng một cách chắc ăn, đã lấy xe của chàng phóng tới nhà Tư Kỳ.
Cuộc đời thật kỳ lạ thật,
cứ như giấc mơ. Chàng vừa liếm môi vừa ngẫm ngợi.
Chỉ mới hôm qua, thật
chính xác, thì chỉ vừa lúc nãy thôi, chín giờ ba mươi tám phút, trước khi bước
vào căn phòng này, mình còn là người xa lạ. Bây giờ mình đã thành con cháu
trong nhà, được hân hoan tiếp đón, được hoàn toàn tin cậy, được giao phó cho cả
tòa nhà này để trông nom.
Mình muốn hát lên quá.
Nhưng thôi. Hát lên, ai nghe thấy lại bảo mình lên mặt. Cần phải nén cảm xúc. Cần
phải bình tĩnh. Nỗi vui càng nén chặt trong lòng càng ngọt ngào, càng thú vị.
Phải cưới liền tay
thôi. Mình sẽ nói với ba má mình tới đây thưa chuyện. Ông già chắc sẽ khăn áo
đi ngay. Đêm ngày ông già chỉ ước ao mình được sa vào chĩnh gạo. Thưa ba, đây
không chỉ là chĩnh gạo và con trai ba hoàn toàn không phải là con chuột. Con
trai ba là một nhà báo, còn đây là một lâu đài, nói chính xác hơn thì con ba sẽ
là một thợ đào, còn đây là cái mỏ. Xin ba hãy châm chước cho sự bất hiếu của
con, bởi con sẽ phải ở rể. Ba tính căn nhà mấy lầu n hư thế này, mà chỉ có ông
già vợ,, và vợ con, thì e nó cô quạnh quá. Ba đừng lo con sẽ là một thứ chó
chui gầm trạn. Đừng bao g iờ ba tin những câu tục ngữ ca dao của ông bà để lại.
Chính thể ngày nay khác xưa rồi, con nào chẳng là con, chứ đâu phải dâu con, rể
khách. Thời gian sẽ ủng hộ vợ chồng con, ông già vợ con nhất định phải tới miền
cực lạc trước chúng con, thế là chúng con, hay nói thật chính xác, con của ba sẽ
là chủ nhân của toàn bộ dinh cơ này. Thời gian muôn năm. Tiếng hô bật vang lồng
ngực Hát.
Nếu dinh cơ này thuộc về
tay ta, thì trước hết, ta sẽ chụm lửa đốt sạch những bức tranh gớm ghiếc kia.
Hát phóng mắt nhìn khắp lượt những bức tranh treo trên tường. Thật đúng là gu
thẩm mỹ của lũ trưởng giả học làm sang. Chết một nỗi cái đầu của Hạnh Phúc còn
dốt nát quá. Chính nàng lại tỏ ra hâm mộ tài năng của ông bố. Hơn một lần nàng
đã hãnh diện khoe với chàng về những bức tranh này. Nàng bảo đó là những chân
dung trung thực nhất từng chặng đời hoạt động nghệ thuật của bố nàng. Nhỡ nàng
đúng thì sao? Bức tranh này chắc là dấu ấn bố nàng ở thời trại lợn. Bức chân
dung nửa mặt người, nửa mặt lợn. Phần mặt người choắt lại, muốn tỏ rằng, những
người chăn lợn lao lực suốt ngày đêm, vì sự nghiệp nuôi lợn mà phải mặt khô,
mình héo. Còn phần mặt lợn, những mỡ là mỡ, tác giả định nói điều gì thì chàng
chịu. Ở dưới góc bức tranh có hai câu thơ nắn nót, kín đáo: Người chăn nuôi giỏi
là tôi. Lợn lại kinh tế cho đời nở hoa. Các bức tranh khác cũng đại loại như vậy.
Lúc thì nửa mặt người nửa mặt chó, bức thì nửa mặt người nửa mặt lươn, bức nửa
mặt người nửa mặt ngọn lửa đang cháy phừng phực. Chàng bước lại gần bức tranh kỳ
lạ này, đọc thấy hai câu thơ ở dưới: Tấm lòng cách mạng kiên trung. Hỏi xem mấy
kẻ anh hùng như rôi. Trời ơi, nếu nàng có bảo tôi là thằng ngu xuẩn, có muốn ly
dị tôi đi nữa, thì tôi cũng cứ phải quẳng những bức tranh này vào sọt rác.
Chàng lắc đầu chua chát, uể oải bước trở lại chiếc ghế sa lông dài và buông
mình nằm xuống đó.
Chợt chàng thèm thuốc.
Vùng dậy. Chết cha, ông già vợ keo hết nói, có gói thuốc thơm chẳng chịu để lại
cho con rể. Chàng tiến lại phía bàn làm việc, mạnh bạo kéo các ô kéo, tất cả đã
được khóa cẩn thận. Chàng bước lại phía cầu thang lên lầu. Tò mò chút chăng? Dù
sao cũng phải biết nàng sống như thế nào. Những căn phòng đều khóa. Chàng nhòm
qua khe cửa sổ, đoán phòng này là phòng ngủ của nàng, sách la liệt dưới sàn.
Chàng tiu nghỉu đi xuống.
Mình giữ nhà như một
con chó.
Đừng vội nản, đừng vội
bỉ báng mình như thế, dù sao mình cũng đang là khách, người ta chưa thể tin cậy
mình hoàn toàn. Mình cần phải làm gì để chiếm lĩnh niềm tin cậy. Người quan trọng
nhất trong nhà này là ông già vợ, thứ đến có lẽ là cô Mứt, cứ nhìn ánh mắt họ
trao đi đổi lại cho nhau thì hiểu. Rồi mình sẽ phải chuyển cách xưng hô với con
mẹ, từ chị sang cô. Còn nàng, sao đi nữa, cũng chỉ là phận con. Phải chiếm được
lòng tin của ông già vợ, bằng mọi cách, phải thổi cái xí nghiệp Con Cua do ổng
làm giám đốc lên mây xanh, đó là mũi tên đầu tiên bắn tới đích…
Chàng bước lại bàn làm
việc, nơi đó, trước khi giao căn nhà cho chàng canh giữ, ông bố vợ đã khéo léo
đưa cho chàng những báo cáo tổng kết để chàng ngâm cứu cho đỡ buồn, và tiện thể
cũng bắt tay vào công việc luôn.
Chàng với tay cầm xấp
báo cáo tổng kết năm, đóng bìa cứng, lật bỏ qua mấy trang đầu.
“Kính thưa các vị khách
cấp trên,
Thưa các vị đại biểu cấp
dưới
Nếu xí nghiệp dệt Con
Cua chúng tôi làm các vị kinh hoàng về sự trưởng thành vượt bực của mình, thì
đó là sự tất yếu, bởi ngay chúng tôi, những người hàng ngày lăn lộn ở xí nghiệp
cũng không nhận ra chính mình, đó là sự vươn vai Phù Đổng, mỗi ngày một biến đổi
không ngừng, vân vân… Cứ theo đà lớn mạnh này, chỉ trong vòng vài năm nữa xí
nghiệp Con Cua chúng tôi sẽ bò vào hang và các vị sẽ không còn nhìn thấy nó hiện
diện như một sự tồn tại. Sự trưởng thành đó, nói theo ngôn ngữ khoa học, thì đó
là sự thăng hoa, sự bay bổng, đó là mô hình làm ăn mới, mắt thường không thể
nhìn thấy, mà phải nhìn nó dưới góc độ siêu hình, mà tôi, giám đốc xí nghiệp,
có thể thẳng thắn nói với tất cả quý vị đang hiện diện, mà không sợ quý vị buồn
rằng trong số quý vị, chắc chắn chỉ có một, hai người có được con mắt nhìn siêu
hình đó. Vì thế, chúng tôi mong quý vị hãy đánh giá đúng đắn sự lớn mạnh của
chúng tôi. Vân vân…”
Đây là luận văn triết học?
Khốn khổ, tại sao trình độ mình lại tăm tối đến mức này không biết. Mình chẳng
hiểu người ta đã viết gì…
Chàng ngáp. Bậy thật. Tại
sao chàng lại có thể buồn ngủ? Chàng bươn người về phía toa lét. Thật may, toa
lét không khóa.
MƯỜI BỐN
CỨ XEM BÀN TIỆC HẠNH PHÚC BẦY SAU KHI ĐI CHỢ VỀ CHỪNG MƯỜI PHÚT, ĐỦ TỎ HẠNH PHÚC LÀ MỘT TÀI NĂNG THỰC SỰ TRONG LĨNH VỰA NÀY.
Một bữa tiệc thịnh soạn
không cần nhóm bếp.
Bánh hỏi thịt quay. Thịt
nguội bánh mỳ. Gà xối mỡ bao ni lông nhãn hiệu nhà hàng Báccara. Phoma đầu bò
nguyên hộp.
Chết cha, quên không
mua bia.
Cô Mứt giật thót, hốt
hoảng. Đã nghe Lợi rỉ rả. Em vừa ôm một hộp Hen-nơ-ken. Thủ trưởng kêu em tới
nhậu. Em hỏi lý do, thủ trưởng cười và bảo em lo bia.
Mứt gật gù. Thủ trưởng
cáo thật. Bầy chuyện tiệc tùng. Con gái chả đi với mình không một xu dính túi,
vậy mà liệt kê đủ món. Thế là mình lo đồ ăn. Còn đồ nhắm, thằng Lợi. Nếu chả
kêu được Tư Kỳ tới thì coi như mọi sắp xếp nhân sự chắc ổn và chuyện bán sợi cũng
coi như xong. Chả hơn mình vài cái đầu ăn nằm với chả cũng không nhục.
Hạnh Phúc bầy bàn xong,
hãnh diện lắm, đã ngồi kè kè bên cạnh Hát.
Điện thoại.
Hạnh Phúc chạy bổ lại
nghe máy. Dạ. Dạ. Hết xẩy bố ơi, bố về lẹ đi. Dạ. Cúp máy. Nói to cho tất cả những
người có mặt trong phòng cũng nghe. Tính ông già cẩn thận dễ sợ. Ông già hỏi mọi
thứ xong cả chưa, mới chịu đưa chú Tư tới. Ông già không muốn xẩy ra bất kỳ
chuyện gì thất thố với cấp trên. Cô Mứt ơi, có phải chuẩn bị gì nữa không?
Mua thêm xô đá.
Tủ lạnh đầy nhóc. Anh
Hát, vô trong này rỡ đá dùm em. Một cái nháy mắt ra hiệu. Hát lững thững đi
theo. Nàng vô trước, chờ cho chàng bước hẳn vào, khẽ đưa chân đẩy cánh cửa, rồi
ôm cổ chàng, hôn chụp giật, vội vã.
Chàng gỡ những lon đá
trong tủ ra, xếp vào chiếc rổ nàng cầm trong tay, sau đó cả rổ đá đổ vào chậu mầu
đỏ đặt dưới vòi nước. Tay chàng lạnh cóng đột ngột lùa vào lườn nàng hớ hênh
trong chiếc áo sẩm mầu hồng, nàng rúm lại như con sâu, chàng sợ nàng kêu, bèn ấp
môi bịt miệng nàng lại. Những viên đá từ trong lon chui ra, nổi lềnh bềnh và
đang tan trong chậu nước. Đôi trẻ vẫn hôn nhau. Tiếng xe honda rồ ga. Họ buông
nhau, nhặt những viên đá trong chậu nước bỏ vào xô. Chàng ra trước. Nàng sửa lại
quần áo, trấn tĩnh nhịp tim, chải lại mái tóc, mà thực ra chỉ là cách trì hoãn
làm cho gương mặt bớt mầu say.
Tiếng giám đốc Vang
oang oang. Hát bắt tay Tư Kỳ, lúng túng trong cách xưng hô. Tư Kỳ nhắp nháy cặp
mắt. Phải gọi ta bằng chú, con ạ.
Con chào chú Tư. Giọng
Hạnh Phúc cất lên lảnh lót.
Chu choa, con gái ito6i
xinh đẹp chưa kìa. Ba kể cho chú nghe rồi đó nghe. Chú rất bằng lòng, rất bằng
lòng. Tư Kỳ vừa nói vừa choàng một tay qua vai Hát, một tay qua vai Hạnh Phúc
bước vào bàn tiệc.
Mọi người cùng ngồi vào
bàn.
Lợi lúng túng như lạc
ra ngoài cuộc. Nếu không vì thiếu những lon bia hộp, làm sao cậu có thể bước
chân tới đây được. Phải tiêu lậm vào sổ tiết kiệm, nhưng mà vinh dự, cơ hội thế
này, người cấp dưới nào chẳng mơ tưởng.
Chú Lợi đâu rồi, khui
bia ra đi. Giám đốc Vang ra lệnh như một ban ơn.
Thưa anh Tư, sở dĩ có bữa
tiệc đạm bạc đột ngột thế này, là vì hôm nay gia đình nhà tôi vui quá, gặp chuyện
khác thường quá, mà chuyện khác thường này lại liên quan tới xí nghiệp, tới sự
chăm chút của anh Tư dành cho gia đình chúng tôi. Xin phép anh Tư và mời tất cả
cùng nâng ly.
Những cái suýt soa khen
bia Hen-nơ-ken sao mát mà thơm đến vậy.
Tôi có hai nỗi vui và một
nỗi mừng trong một ngày, thưa anh Tư. Nỗi vui thứ nhất là gia đình chúng tôi có
thêm một thành viên mới, cháu Hát, nhà báo Hát, mà chính anh Tư đã mang tới cho
chúng tôi. Cháu thương Hạnh Phúc và cầm chắc sẽ mang lại hạnh phúc cho con gái
tôi.
Tôi xin nâng ly chúc mừng
niềm vui thứ nhất của ông.
Những tiếng thủy tinh
chạm vào nhau nghe như một giai điệu nhạc.
Nỗi vui thứ hai, tôi cứ
xin mạnh dạn trình bầy với anh Tư và tất cả quý vị, nếu có làm anh Tư phật
lòng, tôi cũng cứ nói.
Cứ nói đi. Ông là người
bạn tốt nhất của tôi.
Anh Tư cho phép thì tôi
mới dám nói. Thưa anh Tư, sắp tới tôi định xin từ chức giám đốc xí nghiệp.
Sao? Ông không giỡn đấy
chứ? Tôi xin trả lời ngay cho ông biết là không một người cấp trên nào chấp nhận
cho ông từ chức cả, bởi ông là nhà quản lý giỏi, thành thục công việc và đang
có rất nhiều triển vọng đi xa.
Cảm ơn anh Tư có lời khẳng
định. Nhưng tôi cũng cứ xin mạnh dạn trình bầy với anh Tư là tôi phải từ chức,
để ở nhà sáng tác.
Ông vẽ tranh?
Thưa anh Tư, xin long
trọng giới thiệu với anh Tư, có cô Mứt đây làm chứng, sáng nay, một thương gia
rất sành về hội họa đã tới đặt cọc mua toàn bộ phòng tranh này của tôi. Tất cả
mọi người đều buông đũa, buông ly, nhìn khắp lượt những bức tranh treo trên tường
như là không tin ở tai mình. Thưa anh Tư, đó là sự thật. Sự thật một trăm phần
trăm. Tôi đã phải kiên quyết từ chối. Vị thương gia nọ buộc lòng phải đặt cọc
tôi trước, một số vàng không nhỏ, với điều kiện khi nào tôi có ý định bán tranh
thì phải bán cho ông ta trước. Cô Mứt, có đúng vậy không?
Thưa anh Tư, vị thương
gia đó đã mở mắt cho em hiểu rằng, trong cả cõi Việt Nam ta duy nhất chỉ có một
họa sĩ đủ tầm cỡ sánh vai với các họa sĩ tên tuổi trên thế giới, đó là anh giám
đốc của chúng em.
Trời ơi, vậy mà tôi có
mắt như mù. Tư Kỳ xô ghế đứng dậy, bước sấn lại dưới bức tranh nửa mặt người nửa
mặt lợn đắm mắt nhìn vào đó, cái đầu gật gù.
Hạnh Phúc đưa mắt liếc
nhìn Hát. Anh thấy chưa, em đã nói với anh rồi mà bố tài lắm.
Có lẽ bố em tài thật.
Hát nghĩ. Thật đáng hổ thẹn cho những năm đèn sách của mình. Mình đã chẳng có
được chút xíu kiến thức để thụ cảm thẩm mỹ. Khốn khổ, khốn nạn cho cái đầu mình
chưa. Những họa phẩm kiệt tác như thế bầy sờ sờ ngay trước mắt mình, mà mình lại
dám nghi ngờ. Thử hỏi, nếu không phải những họa phẩm kiệt tác, tầm cỡ thế giới,
thì những người sành mỹ thuật làm sao dám đem vàng ra đặt cọc. Những tay buôn
tranh cáo lắm, họ đã công nhận thì đố có lầm. Họ sẽ cất giữ những bức tranh này
trong các két ngân hàng, đợi năm, mười năm nữa mới đem bán đấu giá. Biết đâu, bức
tranh nửa mặt người nửa mặt lợn kia lại chẳng cao giá hơn những tranh vẽ hoa của
Van Gốc. Trong óc Hát bỗng nhiên ngân lên những câu thơ ghi khiêm nhường dưới bức
tranh. Người chăn nuôi giỏi là tôi. Lợn lai kinh tế cho đời nở hoa. Lại nữa: Tấm
lòng cách mạng kiên trung. Hỏi xem mấy kẻ anh hùng như tôi. Những câu thơ này
đương nhiên ăn đứt thơ Bút Tre, vậy mà Bút Tre còn nổi tiếng, còn tạc vào văn học
sử trường phái thơ Bút Tre. Biết đâu, rồi đây ông bố vợ của mình lại chẳng là một
họa sĩ vĩ đại, một nhà thơ kiệt xuất. Chú Tư Kỳ ơi, con mới chính là kẻ có mắt
như mù.
Tư Kỳ đã trở lại bàn tiệc.
Đưa ly bia lên miệng, uống một hơi, gương mặt trở nên nghiêm trọng. Đồng chí
Vang, cho dù đồng chí có biệt tài, cho dù những bức tranh của đồng chí tới vị
trí của nhà triệu phú, nhưng đồng chí vẫn là người của cách mạng, nhiệm vụ cách
mạng vẫn trên vai đồng chí, đồng chí cần phải đoạn tuyệt ngay với ý nghĩ tư hữu,
phải biết hy sinh cá nhân cho sự nghiệp chung. Đồng chí không có quyền từ chối
nhiệm vụ, đồng chí phải làm giám đốc xí nghiệp.
Không khí bàn tiệc bỗng
lặng đi.
Hát đưa mắt nhìn Hạnh
Phúc. Hạnh Phúc đưa mắt nhìn ông già. Cặp mắt cô Mứt cũng nhìn ông già. Cặp mắt
của Lợi cũng nhìn ông già. Tất cả những cặp mắt đó đều như muốn van vỉ, cầu
mong sự hy sinh của ông già.
Giám đốc Vang nghiêm
trang đứng dậy.
Thưa anh Tư. Tôi xin nhận
trách nhiệm cách mạng giao phó làm giám đốc xí nghiệp Con Cua cho tới hơi thở
cuối cùng.
Hoan hô bố. Tiếng Hạnh
Phúc reo lên. Mọi người trong bàn tiệc đều đứng dậy, nâng ly với gương mặt hoan
hỉ, những nụ cười thắm tình và những lời chúc tụng.
Thưa anh Tư. Đó là hai
niềm vui của tôi. Bây giờ xin long trọng giới thiệu với anh Tư cái nỗi mừng.
Anh Tư ạ, từ lúc hứa với Liên hiệp năm nay xí nghiệp Con Cua sẽ hoàn thành vượt
mức, toàn diện kế hoạch nhà nước, tôi mất ăn mất ngủ. Sản lượng của xí nghiệp
chỉ trông vào phân xưởng bẩy, mà phân xưởng thì lại đang bết quá. Tôi quyết định
phải đổi mới tổ chức, phải chấn chỉnh lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ có như vậy
mới hy vọng đưa phân xưởng đi lên.
Mình chấp nhận phương
thức đổi mới cán bộ của ông.
Thưa anh Tư, tôi quyết
định chọn cậu Lợi đây, chỉ tay về phía Lợi đang lúm cúm với ly bia trong tay,
đây là một khả năng trẻ, có đầu óc tổ chức, đã từng lãnh đạo phân xưởng ba một
cách xuất sắc…
Phân xưởng ba mới giải
thể phải không?
Thưa đúng. Chỉ có con
người có đầu óc phục tùng kỷ luật như cậu ấy, mới chấp nhận sự giải thể phân xưởng
để củng cố xí nghiệp. Từ sau khi giải thể phân xưởng, cậu Lợi đã dốc tâm vào việc
nghiên cứu quản lý kinh tế và tỏ ra có tài. Vì thế, tôi muốn mạnh dạn đề bạt cậu
Lợi vào chức quản đốc phân xưởng bẩy, thực ra đây cũng không phải đề bạt, vì cậu
Lợi đã làm quản đốc phân xưởng ba, cần phải thay thế thằng Thức, thằng đó bướng
bỉnh quá. Và cũng xin thưa anh Tư, lúc đầu cậu Lợi nhất định không chịu nhận, bởi
bộ tứ xí nghiệp có ý cho cậu ấy đi học quản lý kinh tế để đào tạo cán bộ kế cận,
tôi đã phải mang trách nhiệm người cán bộ ra thuyết phục cậu ấy, ai cũng phải
biết hy sinh cá nhân mình cho lợi ích chung, và cuối cùng cậu Lợi đã vui vẻ nhận
trách nhiệm mới, cũng vì sự vui vẻ của cậu ấy, mà tôi rất mừng… Xin anh Tư và tất
cả nâng ly chúc mừng cái mừng của tôi.
Những tiếng thủy tinh lại
chạm nhau lanh canh.
Đổi mới cán bộ là cần
thiết, bấy lâu nay, ta trì trệ trong công tác này quá, mình xin ủng hộ những việc
làm mạnh dạn có bài bản của ông. Chỉ mong sao, xí nghiệp Con Cua hoàn thành kế
hoạch nhà nước một cách xuất sắc.
Xin hứa với anh Tư.
Giám đốc Vang cụng ly
bia của mình vào ly của Tư Kỳ. Hai người cùng uống trăm phần trăm.
Cô Mứt chờ cho hai thủ
trưởng ngồi xuống, mới rụt dè đứng dậy.
Thưa anh Tư, là thư ký
công đoàn, em xin hứa với anh Tư sẽ kề vai sát cánh với giám đốc để hoàn thành
nhiệm vụ do anh Tư giao phó.
Hoan hô công đoàn. Phó
tổng giám đốc Tư Kỳ rót đầy ly bia và long trọng cụng vào ly bia của Mứt. Mời
nhà báo, ý kiến cháu thế nào?
Thưa…
Tư Kỳ nói vui. Kêu tao
bằng chú chưa quen hả? Phải bắt tay ngay vào viết một bài báo thật đã về xí
nghiệp ông già vợ mày nghe chưa.
Dạ. Đỏ mặt không hiểu
vì bia hay vì mắc cỡ.
Cháu xin nhận lời chú
thay anh Hát. Hạnh Phúc với ly bia trong tay cũng đứng dậy. Chú Tư ạ, cháu cũng
sẽ thâm nhập xí nghiệp và sẽ cùng với anh Hát đồng tác giả bài viết đó.
Mỗi đứa viết một bài
đi, đồng tác giả làm gì, thiếu gì báo đăng, càng đăng nhiều càng tốt.
Vâng.
Còn cậu nữa, quản đốc.
Cậu có hứa với tôi là sả thân cho công việc.
Em xin hứa với thủ trưởng.
Tiếng ly của Lợi cụng vào ly của Tư Kỳ nghe chát một tiếng. Thế rồi những tiếng
dô, dô dậy vang căn phòng, những bức tranh trên tường cũng mở miệng tu bia ừng ực.
Thưa anh Tư…
Ông nói nhiều rồi. Tư Kỳ
cầm ly bia đứng dậy, cướp diễn đàn. Ông phải nhường cho tôi nói, Ông đừng cậy
đây là nhà ông, tiệc do ông tổ chức mà ông độc quyền nói. Ông ngồi xuống, tôi hạ
lệnh cho ông ngồi xuống. Chờ giám đốc Vang ngồi xuống hẳn, Tư Kỳ hắng giọng.
Thưa cháu nhà bác. Từ giờ phút này cháu đã thành người nhà của chúng tôi, cháu
có bổn phận phải lên tiếng chửi vỗ vào mặt mấy thằng nhà báo cà chớn chỉ chực
nhăm nhe dùng ngòi bút tấn công vào các cha, các chú của cháu. Đó là điều chú
tâm sự với cháu, chú gửi gắm cháu, và chú cũng ra lệnh cho cháu. Sau cuộc tấn
công chiến thắng này, chú sẽ ra lệnh cho bố cháu, tổ chức đám cưới cho hai đứa.
Bằng không thì coi như chẳng chú cháu gì hết, chẳng cưới xin gì ráo trọi…
Hoa hô. Dô, dô. Tiếng
ly lại cụng vào nhau dậy vang. Ông bố vợ đã đi vòng sau lưng mọi người, tới chỗ
cậu con rể tương lai và cô con gái xinh đẹp, đứng lọt vào giữa hai người ấp má
đôi trẻ vào cái mặt lồm nhồm râu chưa kịp cạo của mình.
Đẹp tuyệt vời. Hạnh
Phúc tuyệt vời. Nào, dô, dô. Đù mẹ, hết bia rồi. Lợi đâu. Bia. Hết rồi hả. Đi
ôm một thùng nữa, lẹ lên. Trời ơi, tiệc đang vui mà… đi lẹ lên em, lẹ lên…
Trong đám ồn ào vừa mệnh
lệnh vừa dỗ dành đó, hình như Lợi đã bổ nhào đi mua bia theo sự ân cần khích lệ
của cô Mứt. Lẹ lên nghe em. Thủ trưởng mình đang vào cầu…
/Mời đọc tiếp Mười Lăm /
Tiểu thuyết cười
MÕ KHÓC/ Nguyễn Nguyên Bảy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét