Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

NGUYỄN NGUYÊN BẢY / Tiểu thuyết cười MÕ KHÓC/ 12/




NGUYỄN NGUYÊN BẢY

Tiểu thuyết cười
KHÓC
MƯỜI HAI
GIÁM ĐỐC VANG ĐI ĐI LẠI LẠI TRONG PHÒNG, THỈNH THOẢNG LẠI NGƯỚC MẮT NHÌN NHỮNG BỨC TRANH TREO ĐẶC TRÊN TƯỜNG. ĐÂY LÀ NHỮNG HỌA PHẨM ƯNG Ý NHẤT CỦA GIÁM ĐỐC.

Hạnh Phúc ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế sa lông. Giữa nàng và bố đang có chuyện tranh cãi. Bố nàng đang thắng thế, nàng đang sụ mặt,nũng nịu, may chăng cứu vãn được chút tình thương rơi vãi của bố nàng. Nhưng nàng chưa biết phải tiếp tục câu chuyện như thế nào.
Giám đốc Vang đột ngột dừng lại, ngồi phịch xuống chiếc sa lông đối diện với nàng. Nàng hiểu là cơ hội đã tới, nàng ngước cặp mắt sắp mưa nhìn bố, giọng van nài.
Con xin ba, ba chỉ cần bình tĩnh nói với ảnh vài câu cũng được, ba đừng đuổi ảnh như lần trước.
Để làm gì, con người ta cần thành thật. Đừng bao giờ quên rằng ba đặt tên cho con là Hạnh Phúc.
Ba chấp nhận ảnh, con sẽ sung sướng vô cùng.
Giám đốc Vang cười gằn:
Điều đó không nằm trong suy nghĩ của ba. Ba đã từ chối bao nhiêu đám không phải để nhận lời cho con giao du với một thằng chỉ sống bằng đồng lương.
- Nhưng, thưa ba, con yêu ảnh.
- Yêu hả? Không sao, đó là trạng thái tình cảm thường tình của con người, ba nghĩ con sẽ có cách để quên.
Hạnh Phúc vẫn năn nỉ:
Thưa ba, ảnh là người tốt nhất, hợp nhất trong số những người bạn trai con đã gặp…
Ông bố gần như không để ý tới dòng tư duy của con gái.
Năm nay con mới hai mươi tuổi, con còn ít nhất ba mươi năm tính theo tuổi hưu của nữ giới để làm quen với ít nhất là mười ngàn đàn ông khác, ba tin là con sẽ chọn được trong số đó vài chục người theo tiêu chuẩn lý tưởng đương đại.
- Thưa ba, con chẳng thể chấp nhận những người đàn ông mà ba cho là lý tưởng, nào là ông giám đốc xói đầu, nào là ông ngân hàng đi đã muốn chống gậy…
- Nín. – Ông bố cao giọng, ông hiểu là tới lúc cần phải lưu ý con gái về sự không nghe lời, - Xói đầu hay bạc tóc điều đó không quan trọng, đồng tiền là hạt nhân hạnh phúc của xã hội và của mỗi con người. Sống ở đời này, không thể thiếu tiền… Đừng bao giờ quên rằng ba đặt tên cho con là Hạnh Phúc.
Cô gái cố ghìm nước mắt trong ngực.
Thưa ba, nếu hạnh phúc hiểu theo nghĩa đó thì tên con chính là bất hạnh.
- Má con mớm cho con thứ lý luận ngu xuẩn đó phải không? Ba không thể tha thứ cho người đàn bà đã dám lên án những đồng tiền ba kiếm ra là những đồng tiền bất chính…
- Thưa ba, đó có phải là lý do để ba ruồng rẫy má con?
Ông bố cười nhạt:
Má con bỏ ba thì đúng hơn, bả cảm thấy không chịu nổi cái mà bả gọi là những việc làm nhơ bẩn. Mà thôi, đó là việc của ba má. Còn con, con là niềm an ủi duy nhất của ba, con phải được sống hạnh phúc…
- Thưa ba, nhưng ba có hiểu cho rằng, con sống theo quan niệm hạnh phúc đó của ba, thì thà… - Chạy vụt ra cầu thang, lên lầu.
- Vậy hả? Đi tu… Chuyện đó không dễ đâu…
Ông bố nói đuổi theo với tràng cười ha hả.
Hồi  mình bằng tuổi nó, mình cũng mắc cái bệnh đam mê lý tưởng, nghe ai nói điều gì cũng thấy cao đẹp, cũng muốn xả thân, nhưng than ôi, sự thật luôn chua chát phũ phàng. Người ta bảo, đấu tranh để dành công bằng xã hội, để không còn kẻ giầu, người nghèo. Mình đã lao vào cuộc đấu tranh đó. Đã bao nhiêu lần đập đầu bọn tư sản bóc lột. Nhưng chẳng hiểu từ đâu, lũ tư sản mới lại ngóc đầu dậy, xung quanh mình, trên đầu mình, xe hơi nhà lầu, vợ đẹp con khôn, suốt năm đi Tây về ta… Thôi. Giám đốc tự ra lệnh cho mình. Nghĩ nữa, đau lòng lắm.
Đốt thuốc.
Mình đã kịp nhanh chân, chậm một chút coi như bây giờ bỏ lý tưởng vào nồi, nấu lên mà sơi. Mình đi chuyến tầu vét kịp vồ được chức giám đốc, dù giám đốc loại nhỏ, nhưng vẫn có chữ ký, có mộc, có lính tráng để tựa vào đó mà sống. Lẽ ra mình sung sướng hơn, nếu như con vợ mình cũng kịp nhân chân ra hiện thực cuộc sống, đàng  này, nó cứ nổi máu lý tưởng, không chịu cho mình dấn thân. Nó bảo, nó ghê tởm sự thoái hóa của mình. Khốn nạn, nhận chân ra thực tế, thì nó bảo là thoái hóa. Mặc xác nó, nó ghê tởm mình thì nó bước.     Thử coi không cơm ăn, áo mặc lý tưởng có còn đẹp được chăng?
Tiếng chuông cửa.
Hạnh Phúc từ trên lầu ào xuống, ngỡ Hát tới. Nhưng tiếng suỵt chó oang oang của Mứt đã làm cô cụt hứng, cô uể oải quay lên.
Mứt cười chào giám đốc, rồi mở bung cánh cửa mời Năm Thêu vào.
Ồ, quý vị, xin mời vào cả đây, tôi cũng đang có ý chờ…
- Hèn chi mà em máy mắt. – Tiếng cười của Mứt khùng khục trong ngực như bị ai cù vào nách. Cặp mắt đong đưa nhìn xéo từ Vang qua Năm Thêu, - Ông thấy em nói thiêng chưa, lúc máy mắt, em cam đoan với ông là anh Vang đangnhắc tới chúng ta…
Năm Thêu cười đáp lại:
Tôi đâu dè ông giám đốc đây lại là người tham công tiếc việc, hết lòng, hết dạ với sự nghiệp chung đến vậy. Thực đúng là một người cách mạng chân chính.
Ông còn phải khen, giám đốc tôi là một tấm gương cho mọi người cùng lau…
Dạ, tôi biết, ít lâu nay, được làm ăn với xí nghiệp Con Cua tôi cũng có vinh hạnh được soi tấm gương đó. – Năm Thêu chuyển đề tài một cách đột ngột, - Thưa quý ông giám đốc, hôm nay là lần thứ hai tôi bước chân tới phòng khách này, vậy mà tôi vẫn chưa hết bàng hoàng.
Giám đốc Vang màng màng hiểu sự bàng hoàng của Năm Thêu, vì từ nãy tới giờ mắt Năm Thêu cứ như phó nháy, chụp từng kiểu ảnh những bức tranh treo trên tường, nhưng giám đốc vẫn cứ muốn tự miệng ông khách thốt ra sự bàng hoàng ấy.
Tôi thực chưa hiểu ý ông.
- Thưa ông giám đốc, tôi cũng đã năm mươi nhăm tuổi. Quá cái tuổi chi thiên mệnh, nên tôi không còn biết nói nịnh, và ông chắc cũng trên dưới năm mươi, cũng không còn là cái tuổi thích nghe nịnh hót. Tôi buộc phải thưa với ông, ông là con người tôi hết sức hâm mộ.
Giám đốc bủm bỉm cười:
Tôi tài cán bao nhiêu…
- Quý ông giám đốc khỏi cần khiêm nhường. Nếu nói về tài quản lý kinh tế thì tôi biết ông chưa nhiều, chưa dám đi tới kết luận, nhưng về tài chơi tranh của ông thật quả đáng để mọi người phải hâm mộ. – Năm Thêu đứng dậy, đi xấn xổ lại gần mấy bức tranh, dán mắt vào xem, nhưng thực ra để đè những cọng bún bò giò heo vừa ăn khi nãy, chẳng hiểu vì sao cứ muốn dâng lên cổ đòi ói. Thật lợm giọng cho thứ tranh nhảm nhí, toàn những gương mặt chó, gà, ma quỷ. Thấy người ta chơi tranh cũng học đòi chơi tranh. Chỉ mới nhìn thấy đã muốn xỉu. Năm Thêu dành đến bốn nhăm giây cho những bức tranh, rồi quay lại, giọng vẫn cố giữ vẻ tha thiết, chân tình, - Thưa ông, trong đời, tôi chỉ hâm mộ có hai người, một là ngài Minh lớn, không phải vì cái tài chỉ huy quân sự, mà là cái tài chơi phong lan. Người thứ hai tôi hâm mộ cũng là tướng, ông Nguyễn Cao Kỳ đó, cũng không phải vì cái tài lái máy bay, mà vì cái tài để ria mép thời trang và chơi đá gà. – Năm Thêu cười trịnh trọng, - Người thư ba tôi khâm phục, ngưỡng mộ chính là ông. Tự cổ chí kim, chưa ai sành chơi tranh như ông. Nếu những bức tranh này mà đem bán đấu giá ở Paris hay Luân Đôn thì ông thành tỷ phủ chứ chẳng bỡn. – Đột ngột chìa bàn tay trước mặt giám đốc Vang, - Xin ông cho tôi cái vinh hạnh được bắt tay ông. Chà, thật tuyệt, những bức tranh rất tuyệt và người chơi tranh rất tuyệt…
- Ông quá khen.
Năm Thêu khẽ nhíu mắt.
Chẳng lẽ tôi lại rạch ngực tôi cho ông giám đốc thấy quả tim tôi rung động đến mức nào trước những họa phẩm bất hủ. Một co-rếch-si-ông hoàn chỉnh, - Quay qua Mứt, thấy đang bôi cây son vào làn môi nhợt, - Có phải vậy không bà Mứt?
Mứt nhím hai môi cho son ăn đều hai làn môi, rồi đủng đỉnh trả lời:
Tôi không sành về tranh lắm, nhưng tôi cảm thấy rất đẹp.
Năm Thêu cười:
Bà nói chí lý quá. Cái đẹp không cứ ở sự sành, cái đẹp là sự cảm thụ tự nhiên, cũng ví như giây phút đầu tiên khi gặp bà, tôi cảm động trước vẻ đẹp hài hòa và nhuyễn của một người đẹp…
Mứt đỏ mặt vì lời khen của Năm Thêu, bụng như nở ra, những lớp mỡ trên má, trên cổ, trên bụng đều cùng rung lên, nhưng câu ngịu thốt ra mới tôi nghiệp.
Tôi già rồi…
- Thưa bà, - Năm Thêu chộp thời cơ, - Cái đẹp của tuổi sồn sồn như bà bây giờ lại là thời trang. Xin phép quý ông giám đốc, - Năm Thêu vừa nói vừa nắm xấn lấy tay Mứt lôi lại phía tường treo bức tranh vẽ nửa mặt người, nửa mặt heo mà giám đốc Vang rất tự hào đó là bức chân dung đích thực nhất, trung thành nhất ngài họa mình trong phút xuất thần. – Thưa ông giám đốc, nếu bà Mứt đứng dưới bức tranh này, theo ý tôi là hoàn hảo một bố cục tuyệt vời. – Năm Thêu cười, - Tôi chỉ xin mạnh dạn phê bình ông giám đốc, với một phòng tranh hiếm quý như thế này mà không có sẵn một người đẹp để tôn phòng tranh thì đó là sự khiếm khuyết…
Giám đốc Vang cười hề hề:
Tôi chỉ thích chơi tranh, không thích chơi đàn…
Thưa ông giám đốc, vậy là ông lầm, nghề chơi cũng lắm công phu, các cụ ta đã dậy câu ấy. Cứ phải có người đẹp ông giám đốc ạ. Nếu bà Mứt cho phép, tôi xin hoàn tất sự khiếm khuyết đó cho ông giám đốc. – Năm Thêu lùi lại phía giám đốc nói vào tai giám đốc, - Ông giám đốc không thấy bà Mứt đẹp lên nhờ bức tranh của ông sao? – Giọng trở lại sang sảng, khoái hoạt, - Tôi xi n đặt cọc trước với ông giám đốc về cả phòng tranh này, khi nào ông giám đốc muốn bán đấu giá xin cứ gọi tôi, tôi xin gửi trước ông giám đốc một cây, - Năm Thêu vừa nói vừa rút trong túi áo ngực một cây vàng Kim Thành bọc trong giấy đỏ, đưa tận tay Vang.
Ấy chết…
- Nếu ông giám đốc coi sự đặt cọc này là nhỏ thì tôi xin đặt thêm…
- Tôi, tôi… - Lưỡi giám đốc Vang ríu lại.
- Xin ông giám đốc vui lòng, đó là tấm chân tình của tôi. Bây giờ tôi xin phép ông giám đốc, xin phép bà Mứt, còn mọi chuyện làm ăn, khi nào ông ới một tiếng là tôi xinco1 mặt để hầu ông bà.
Năm Thêu bắt tay giám đốc, quay ngoắt ra cửa. Mứt bước ra theo, tiễn chân tận cổng chưa hết ngỡ ngàng.
Anh thích những bức tranh ấy thật à?
- Còn cách lót tay nào hợp pháp hơn nữa. – Năm Thêu cười, - Bây giờ em trở vào tấn công chả tiếp đi, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, một cây lót tay chả vụ này không bắt đâu. – Năm Thêu vỗ nhẹ tay vào vai Mứt, rồi đi thẳng.
Mứt đang tần ngần nhìn theo, thì chiếc Honda từ ngoài đường trờ tới, thắng két trước mặt Mứt.
Thưa, tôi muốn gặp cô Hạnh Phúc.
Hạnh Phúc hả? Chờ đó.
Mứt nói xong, đóng sập cửa lại, tong tong quay vào. Trong phòng khách, giám đốc Vang vẫn chưa hết ngỡ ngàng với cây vàng đặt cọc. Nếu những bức tranh này là những họa phẩm bất hủ, thì mình đúng là thiên tài, mình có thể vẽ được mười bức mỗi ngày. Hay là mình thiên tài thật. Nếu vậy, mình bỏ quách chức giám đốc về nhà vẽ tranh lại mau giầu.
Anh Vang, Hạnh Phúc ở trên lầu phải không?
Giám đốc Vang chỉ đáp bằng cái gật đầu. Mứt bước lại phía cầu thang, gọi với lên. Hạnh Phúc chạy lao xuống, vụt ra cửa.
Có lẽ anh từ chức giám đốc em ạ.
- Sao?
- Ở nhà vẽ tranh chẳng ngon hơn sao?
- Tranh của anh có mà đi triển lãm thế giới… Đừng có mơ hão, cha nội, nó lót tay cha nội để hối cha nội chuyện bán sợi, bán máy đấy…
Mứt ngồi xuống chiếc ghế trước mặt Vang, mắt nhìn gói giấy đỏ chằm chặp. Giám đốc Vang hiểu cái nhìn thòm thèm ấy, vội mở ngăn kéo bàn, cất phong giấy đỏ bọc cây vàng Kim Thành vào đó.
Ngoài cửa, Hạnh Phúc đang van vỉ với Hát những lời đau đắng.
Anh về đi, đừng mạo hiểm gặp bố em lúc này, bố em sẽ lại đuổi anh như lần trước. Em yêu anh, em sẽ hiến dâng cho anh tất  cả, rồi em khăn gói theo anh, nhưng không phải lúc này, bố em từ chối gặp anh…
Không, nhất định anh phải vào, anh phải ra mắt bố em…
- Em van anh… Hư bột hư đường…
- Đừng sợ hãi gì cả. Nếu em không muốn vào cùng anh, vì em sợ mắc cỡ, thì anh vào một mình.
- Bố sẽ đuổi anh mất.
- Không có chuyện đó, đứng ngoài này trông xe dùm anh.
Nhà báo Hát dũng cảm như người chiến binh sắp sửa lao thân mình bịt lỗ châu mai. Anh dựng xe ngay trước mặt nàng, rồi xăm xăm bước vào phòng khách.
Giám đốc Vang đang phóng tầm mắt nhìn ra. Hát vừa định cất tiếng chào, thì đã nghe giọng giám đốc Vang cất lên đầy sảng khoái:
Ủa, đồng chí nhà báo. Vào đây, vào đây, tôi đang mong đồng chí…
Hát bước hẳn vào phòng, khép hờ cửa lại, vòng tay lễ phép:
Thưa bác, thưa chị…
Giám đốc Vang bước lại phía Hát, đưa bàn tay thân mật bắt tay Hát, rồi bá vai Hát cùng đi lại phía bàn nước.
Mời đồng chí ngồi. – Chờ cho Hát ngồi xuống, giám đốc mới trịnh trọng quay về phía Mứt, cao giọng, - Giới thiệu với đồng chí nhà báo, đây là cô Mứt, thư ký công đoàn xí nghiệp, - Với Mứt, - Còn đây, giới thiệu với cô Mứt, đồng chí nhà báo cao cấp, hôm nọ tới xí nghiệp chúng ta cùng với anh Tư Kỳ.
Mứt reo lên:
Trời ơi, hân hạnh quá, đồng chí nhà báo vừa trẻ vừa đẹp trai…
Giám đốc Vang rút gói thuốc ba số năm trong túi áo ngực, có lẽ đây là sự phá luật đầu tiên, bởi có đàn bà mà giám đốc vẫn hút thuốc.
Đồng chí làm chúng tôi bất ngờ quá. Mà sao đồng chí không gọi điện thoại báo trước để chúng tôi mang xe tới đón. À, tôi hiểu, đồng chí muốn vi hành bất ngờ, nhà báo các đồng chí bây giờ sâu sát quần chúng lắm… Anh Tư Kỳ, thủ trưởng của chúng tôi cũng hay bất ngờ như đồng chí… Cô Mứt, cô pha dùm tôi mấy ly cà phê sữa đá…
Hát đoán định trước sự đón tiếp không lạnh nhạt của ông bố vợ tương lai, nhưng sự đón tiếp nồng hậu, đon đả như thế này vẫn cứ ngoài dự kiến của Hát. Hát hơi lúng túng.
-Cháu cảm ơn bác, hôm nay cháu tới…
Giám đốc Vang cướp lời:
Tôi hiểu mục đích cuộc vi hành của đồng chí. Anh Tư Kỳ giới thiệu đồng chí với chúng tôi là có ý muốn đồng chí thâm nhập thực tế, viết cho vài ba bài biểu dương tinh thần lao động hăng say, lao động quên mình của cá nhân tôi và của toàn thể anh chị em công nhân xí nghiệp Con Cua…
- Thưa bác, cháu…
- Đồng chí cứ kêu tôi bằng anh Hai cho bình dân. Chú em tên chi?
- Thưa bác cháu tên Hát.
- Hát? Chà cái tên mới đẹp làm sao, gợi cảm làm sao. Bút danh luôn phải không?
- Dạ.
- Tôi đã đọc nhiều bài viết của chú em, hết xẩy lắm, rất sâu sắc, rất chính trị, tôi có lời khen chú em… Chú em đừng giận, lâu nay có dư luận có những suy nghĩ không đúng về công việc của nhà báo, người ta bảo nhà báo nói láo. Tôi cho đây là cách nghĩ đại bố láo. Người ta không hiểu cái cao đẹp của người làm báo, cái cao đẹp của văn chương. Mà nghĩ cũng đáng giận, có một vài nhà báo cứ ngồi nhà, ít chịu đi đây, đi đó, ít chịu la8ng1nghe, ít chịu thâm nhập đời sống, nên… Nhưng với chú em, tôi nghĩ… Chú em là một nhà báo thứ thiệt, một nhà báo hết mình với sự nghiệp. Nhìn chú em, tôi nhận thấy chú em là người hiền hậu, chất phác, trung thực, cứ phải có những đức tính ấy thì mới làm báo được. Tôi xin được bắt tay chú em.
Hát bị bàn tay giám đốc Vang xiết thêm một cái muốn vãi nước mắt, mà vẫn phải cười.
Thư ký công đoàn Mứt đã đem cà phê ra.
Mời đồng chí nhà báo.
- Cảm ơn chị.
- Cô Mứt ngồi xuống đây, ta làm việc luôn. – Giám đốc Vang kéo Mứt ngồi xuống cạnh mình, - Cô Mứt kể cho chú em đây nghe đi, xí nghiệp Con Cua chúng ta đã phấn đấu vươn lên không ngừng như thế nào, đã gặt hái được những thành tích bước đầu đáng khích lệ như thế nào…
Mứt đứng phắt dậy.
Đồng chí nhà báo chờ cho một phút, để tôi lấy sổ, mình nói về thành tích nó phải có chứng cớ, số liệu làm bằng…
- Dạ khỏi… Tôi… Thưa bác, quả thật là cháu có ý định viết một bài về xí nghiệp Con Cua…
Mứt ngồi xuống, liến láu đỡ lời.
Đồng chí mà không viết về xí nghiệp chúng tôi thì đó là sự thiệt thòi lớn cho cả nền kinh tế của chúng ta. Xí nghiệp Con Cua chúng tôi đang đổi mới toàn diện, đang vươn lên như một người khổng lồ…
- Thưa…
- Chúng tôi đang xây dựng Con Cua thành một mô hình quản lý kinh tế khắp nơi nơi cùng học tập… Nếu đồng chí quyết tâm viết bài báo khẳng định cung cách làm ăn của chúng tôi, thì xí nghiệp chúng tôi xin chịu mọi phí tổn, kể cả việc in tờ báo…
- Thưa…
- Chú em đừng ngại, cô Mứt thư ký công đoàn sẽ thay mặt tôi lo lắng cho chú em mọi chi phí vật chất lẫn tinh thần…
- Nhưng, thưa bác, hôm nay cháu tới đây không phải vì chuyện đó, cháu tới thăm Hạnh Phúc…
- Đồng chí là bạn Hạnh Phúc, trời ơi, sao không nói ngay… Thế này thì thật là hân hạnh cho bác quá, để bác kêu Hạnh Phúc… - Gọi to, - Hạnh Phúc, xuống bố biểu… - Giám đốc vươn bàn tay ra nắm nắm lấy tay Hát, - Bác phải bắt tay cháu cái nữa, cháu là bạn Hạnh Phúc thì tức là con cháu trong nhà, bác vui lắm, bác hân hạnh lắm… - Hạnh Phúc đi từ ngoài cửa vào. Tới lúc này giám đốc mới hay là con mình không ở trên lầu, - Hạnh Phúc, lại đây bố biểu, có phải bạn con là chàng trai tuyệt vời này không?
Hạnh Phúc không tin ở tai mình, cô tần ngần bước lại gần bố:
Thưa bố, anh Hát là bạn con,…
Cô định nói thêm với bố rằng: Anh Hát chính là người bữa trước con giới thiệu với bố, bố đã đuổi cổ ảnh ra khỏi nhà. Nhưng cô chưa kịp nói, thì ông bố đã chen vào:
-Lẽ ra con phải giới thiệu với bố tỷ mỉ mọi điều. Nếu biết trước là con chơi với Hát, thì bố đã… - Ông bố nghiêm mặt và nghiêm giọng, - Chính bố cũng định giới thiệu Hát với con.
Hạnh Phúc nói như reo:
Thiệt vậy sao bố?
Ông bố quay mặt say sưa nhìn ngắm cậu con rể tương lai.
Cháu Hát, nghe bác nói đây, bác đặt tên cho em nó là Hạnh Phúc, kể từ giờ phút này, không chỉ có bác mà cả cháu, phải làm tất cả mọi điều có thể làm vì hạnh phúc của Hạnh Phúc.
- Thưa bác…
Hát nghe có tiếng cô Mứt nhắc khéo vào tai:
Phải thưa bố chứ…
Ông bố vợ đế vào:
Sự thân mật là tiên quyết của mọi thắng lợi. Bác cho phép cháu xưng hô…
Hạnh Phúc không dấu được nỗi vui sướng trẻ con, cô ôm lấy cổ ông bố:
Bố làm con bất ngờ quá… Bố thật tuyệt vời…
Ông bố cười ha hả:
Một bất ngờ lý thú phải không con? Ngay từ giây phút đầu tiên gặp chàng trai này, bố đã linh cảm chàng trai sẽ là con rể của bố…
- Kìa anh, - Hạnh Phúc ngước mắt nhìn Hát, - Sao đờ người ra thế? Anh không cảm ơn bố đi. Anh với bố quen nhau từ trước, vậy mà không cho em biết.
Hát lúng túng trong miệng:
Hôm nọ chú Tư Kỳ dẫn anh tới xí nghiệp của bố… Chú Tư nói anh hết sức hỗ trợ cho xí nghiệp…
- Anh Tư cũng đã nói với bố như thế. Nhưng chuyện đó ta để sau. Bây giờ thế này, nhân ngày hội ngộ vui vẻ bố muốn chiêu đãi các con… Cô Mứt, cô với cháu Hạnh Phúc đi chợ, tôi tranh thủ chạy tới nhà anh Tư, mời anh lại đây nhậu luôn, còn Hát ở nhà… Bố đưa con mấy cái báo cáo tổng kết, con đọc để nắm tình hình luôn… Đồng ý cả chứ?
Chẳng một ai chống lại quyết định hợp tình, hợp lý đó.

/
Mời đọc tiếp Mười Ba /
Tiểu thuyết cười
MÕ KHÓC/ Nguyễn Nguyên Bảy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét