Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

NGUYỄN NGUYÊN BẢY / Tiểu thuyết cười MÕ KHÓC/ 3/



NGUYỄN NGUYÊN BẢY


Tiểu thuyết cười

KHÓC


BA
CHÀNG THỔI ĐIỆU SÁO MIỆNG. CHƯA BAO GIỜ CHÀNG VUI BẰNG LÚC NÀY, VUI NHƯ THỂ TRONG NGỰC CÓ CẢ MỘT ĐÀN ĐỒNG CA CHIM.

Chim đang chuyền cành và hót vang trong khuôn viên xí nghiệp dệt Con Cua.
Người ta dẫn chàng đi tham quan, kể cho chàng nghe đủ mọi chuyện, với nhỡn quang nhà báo (năm năm trong nghề bộ ít sao) chàng đã nhìn thấy nhiều điều, mà chỉ những tay tổ viết phóng sự điều tra mới đủ cơ so sánh với chàng. Chàng đã ghi đầy đặc một quyển sổ hai trăm trang, với đủ các ký hiệu móc đơn, móc kép, hoa, sao, mà chỉ riêng chàng mới hiểu nghĩa của các ký hiệu ấy.
Em ơi, bố em không nhận ra anh.
Để bù đắp cho giọng nói dữ dằn, lạnh như băng giá, lúc bố em đuổi anh ra khỏi cửa, ông cụ đã dành cho anh cái giọng êm ái làm sao, ngọt ngào làm sao (Anh không dám ví ngọt như mía nguyên chất, bởi như vậy làm lẫn với cái hôn của em). Ông cụ khi gọi anh bằng đồng chí nhà báo, khi gọi anh bằng chú em, tất nhiên ông cụ hết lời khen ngợi anh trẻ người, đẹp bụng, có tài, ông cụ còn khoe là có đọc những bài anh viết trên báo, ông cụ còn đoan chắc là cả nhà ta, trong đó có em, ai cũng mến mộ tài danh của anh và chỉ mong sao có một lần nào đó, ông cụ được tiếp đón anh tại tư gia. Con gái tôi cũng học văn khoa chú em ạ, mong sao chú em bớt chút thời gian để mắt qua một lượt những bài viết của em nó và chỉ bảo cho nó vài đường văn chương. Trời ơi, phải như ông cụ nói với anh những lời này trong buổi anh ra mắt, thì đôi ta sẽ vui sướng nhường nào. Nhưng dù sao ông cụ cũng đã nói, dù có muộn. Và anh đã nhận lời sẽ tới thăm ông cụ ngay chủ nhật này. Vui không em?
Xin em cứ làm như lần đầu tiên được ngưỡng mộ dung nhan và tài năng của anh nghe. Bởi như vậy khỏi làm cho ông cụ sốc. Đối với người già chúng ta có bổn phận phải kính trọng. Với cha mẹ chúng ta càng cần phải kính trọng hơn. Lỗi không phải ở cái tâm ông cụ, mà lỗi là ở em, tại sao em không giới thiệu  kỹ càng với ông cụ trước khi đưa anh tới ra mắt. Mà cũng không phải lỗi tại em. Tại anh. Lẽ ra anh phải làm cuộc tham quan xí nghiệp Con Cua trước khi tới với em. Mà cũng không phải lỗi tại anh. Lỗi tại đôi mắt kính. Nếu ông cụ chịu khó tròng lên mặt cặp kính lão hẳn cụ đã nhận ra anh, và điều đáng tiếc đã không xảy ra. Cái gì qua, cho qua luôn, phải không em?
Ông cụ kết anh lắm rồi. Không kết sao được. Cuốn sổ dầy đặc chữ nghĩa ngôn từ của anh sẽ là vũ khí tấn công ông cụ. Lợi hại đấy. Anh phải thành thật thú nhận với em, xí nghiệp Con Cua, đúng là Con Cua, mọi thứ đều đi ngang. Bố em hết giải tán phân xưởng lại sát nhập phân xưởng,  công nhân không có việc làm, nghỉ việc hưởng bẩy mươi phần trăm lương, nơi nơi vang dậy tiếng oán thán. Trong khi đó, bố em ung dung tin là mình lãnh đạo xí nghiệp rất có năng lực. Hai năm liền (năm nay sẽ là ba) hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch nhà nước. Em có chia vui với bố không? Vui nhỉ? Có ông bố làm giám đốc xí nghiệp năm nào cũng hoàn thành kế hoạch nhà nước thì sao không vui. Năm ngoái bố em đã gồng mình hoàn thành kế hoạch bằng cách đốt cháy một phân xưởng, biến máy móc thành sắt vụn đem bán ve chai, lấy tiền mua vải ngoài chợ về báo cáo hoàn thành kế hoạch. Chuyện như đùa phải không em, nhưng mà có thật. Năm nay, nghe đâu cũng vậy. Anh chỉ cần dấn thêm vài bước điều tra rõ ràng nội vụ thôi…
Chim đang hót. Chàng hoan hỷ với bài sáo miệng của mình.
Văn chương cũng như tiếng hót của chim. Hai mươi bốn chữ cái, với nghệ thuật ghép chữ là thành văn chương. Anh đã từng viết cho Lê: Anh là một con suối em là một con suối, chúng mình chảy vào dòng sông tình yêu. Anh thề yêu em trọn đời, dù suối khô, sông cạn, cũng nguyện chỉ yêu em. Nhưng anh đã bỏ rơi Lê. Và dành những lời lẽ nồng cháy đó cho em: Hạnh Phúc ơi, tên anh và tên em đã ghi trong sổ yêu của Trời, chúng mình sinh ra để tìm nhau, để gặp nhau và để yêu nhau, không một trở lực nào ngăn cản được tình ta. Tất cả lời lẽ cho Lê và cho em đều được gọi là văn chương. Những dòng ghi chép trong cuốn sổ dầy hai trăm trang của anh cũng là tài liệu để tuôn chảy văn chương. Sẽ ra đời một giọng văn gì đây? Đừng hỏi anh câu hỏi  ấy, mà hãy ra lệnh cho anh viết như thế nào. Anh xin hót theo mệnh lệnh của em, đó chính là cái tình trời đất chứng giám cho lòng anh yêu em.
Anh sẽ ca ngợi xí nghiệp Con Cua với giọng điệu trầm hùng. Một xí nghiệp đã bươn chải qua mọi ghềnh thác khó khăn, đã mở ra một cách làm ăn mới, đầy triển vọng. Bằng lòng chứ em? Người ta sẽ đọc những dòng viết của anh, và người ta tin như thế, hy vọng và chờ đợi như thế.
Không. Nhà báo cần phải có lương tâm.
Lần đầu tiên lương tâm chàng lên tiếng.
Một cô gái bán vé số đi qua mặt chàng, mời chàng mua vé số. Sao có chuyện lạ vậy? Trong khuôn viên xí nghiệp Con Cua người ta mở dịch vụ bán vé số? Anh lắc đầu. Cô gái nhoẻn cười, ngồi xuốn cạnh anh. Anh chưa kịp bàng hoàng vì sự làm thân có vẻ hiện đại ấy, thì cô gái đã lên tiếng:
-Anh là nhà báo?
- Vâng, chị cần gì?
- Anh về điều tra xí nghiệp?
- Vâng, chị cần gì?
- Anh có dám viết sự thật?
- Vâng, chị cần gì?
Chàng chỉ lặp lại một câu vừa là câu hỏi vừa là câu trả lời.
Cô gái kể cho chàng nghe, và chàng lập tức tốc ký vào sổ.
“Phân xưởng ba chúng em là phân xưởng lớn, có hai trăm công nhân làm việc với bẩy mươi tư máy dệt thoi. (Chàng gạch đít số công nhân và số máy). Trong đó, loại máy ZK hiện đại của Nhật có năm mươi bẩy chiếc, còn lại mười bẩy máy tay kéo. Tại đây có máy dệt tranh vải. Phân xưởng đang hoạt động nhịp nhàng, đột nhiên giám đốc chuyển công nhân về các phân xưởng khác một số, còn lại phần lớn nghỉ việc hưởng 70% lương. Còn xưởng dệt để đó, khóa cửa, ngưng sản xuất. (Cô gái sụt sịt khóc, những giọt nước mắt lăn xuống má, làm nước da nhợt nhạt thêm). Thời gian cứ qua đi và số máy móc cứ theo đó mà mất dần. Ít tháng sau, giám đốc bán máy giá sắt vụn, 5đ một ký. (Cô gái khóc dữ hơn. Chàng ngồi  lặng, cây bút trong tay đánh đủ mọi thứ ngoặc đơn, ngoặc kép, hoa, sao. Và cô gái lẳng lặng đứng dậy)”.
-Thưa cô, cô là công nhân phân xưởng ba?
- Vâng.
- Cô tên gì?
- Anh cứ hỏi con bé bán vé số xí nghiệp Con Cua là ai cũng biết. Anh muốn thử thời vận hên xui không? Mua dùm em vài vé…
Cô gái bay đi.
Anh chợt nhớ, đã có lần em kể cho anh nghe về ông cụ. Bố em tốt nghiệp trung cấp mỹ thuật, ham muốn tột bậc của người là trở thành một gọa sĩ (họa sĩ). Nhưng người ta đã phát hiện thấy khả năng kẻ chữ và cắt khẩu hiệu của người, vì thế sau khi ra trường người được điều về làm gọa sĩ tuyên truyền cổ động ở Bưu điện. Kẻ chữ và cắt khẩu hiệu cho ngành Bưu điện mãi cũng chán, người xin qua làm gọa sĩ cho sở chăn nuôi. Ít ra ở đây người cũng còn được minh họa dưới các khẩu hiệu của mình hình những con lợn lai kinh tế và gà giống Cu Ba. Nhưng vẽ gà, vẽ lợn mãi cũng chán, người chợt phát hiện thấy nét nghệ sĩ của những thao tác thợ dệt, vì vậy người cố công xin chuyển qua nhà máy dệt. Thú vị thật, những tấm pan nô quảng cáo lớn đặt nơi cổng nhà máy, người đã vẽ minh họa dưới đó hình các nữ công nhân dệt, những chiếc nón vải trắng, những chiếc thoi nhọn hai đầu và những bộ quần áo đồng phục. Trời ơi, đẹp biết bao những cô thợ dệt trong tranh của người, các cô gái cười giống nhau đầy một hàm răng, và đặc biệt bộ ngực bao giờ cũng phẳng lì. Nữ công nhân không được quyền có ngực, đó là một nguyên lý hội họa mang tính giai cấp. Thế rồi người được kết nạp Đảng, và chẳng biết vì sao, cấp trên cứ nhất quyết đề bạt người vào công tác quản lý kinh tế, lúc đầu là trưởng phòng hành chính, sau tới phó giám đốc kinh doanh và cuối cùng là giám đốc.
Giám đốc không phải một nghề, đó là chức vụ, là trách nhiệm cấp trên tin cậy giao phó. Ông cụ vẫn nói với em như vậy. Nàng thẽ thọt kể lại cho chàng nghe. Ông cụ nói đúng. Chàng công nhận. Trước hết hãy bằng mọi cách trở thành Đảng viên, thứ đến cấp trên nói sao, cứ ngoan ngoãn làm vậy. Đó là hai cơ may để trở thành giám đốc. Ai có đủ hai tiêu chuẩn đó, thử vận may của mình coi sao.
Em ơi, anh chẳng dám trách bố em là một giám đốc tồi. Bởi cứ như cảnh ngộ của bố em, thì người đâu có khát khao được làm giám đốc, người đâu phải hạng háo danh, cách mạng phân công đấy chứ. Bố em phải làm giám đốc và người đã thửa riêng cho mình chiếc ghế giám đốc bọc nhung đỏ để ngồi suốt đời, để tự nêu gương là một giám đốc gương mẫu, không bao giờ rời vị trí, dù muôn trùng khó khăn gian khổ cũng quyết tâm bám trụ tới cùng. Cần phải tuyên dương bố em.
Em nghĩ là anh chế nhạo bố sao? Không đâu. Anh nói thực lòng đó. Em thử tưởng tượng xem, nếu nước ta có cuộc thi tài giữa các giám đốc, chắc chắn bố em đã chịu thua ai. Xí nghiệp Con Cua quá nhỏ bé so với toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Chẳng lẽ kết tội đất nước nghèo là bởi xí nghiệp Con Cua? Một kết luận quá lãng. Phải có hàng ngàn, hàng vạn xí nghiệp tồi tàn hơn xí nghiệp Con Cua thì đất nước mới nghèo chứ. Muốn nói gì thì nói chứ xí nghiệp Con Cua cũng đã hai năm liền hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch. Hoan hô xí nghiệp Con Cua. Anh sẽ viết một bài phóng sự điều tra với đầu đề như thế.
Không được. Nhà báo cần phải có liêm sỉ.
Lần thứ hai lương tâm chàng lên tiếng.
Anh bỗng nghe thấy tiếng nói lương tâm mình, kỳ lạ sao lại rất giống với ngữ điệu của em. Hay là em nói với anh những lời chân tình ấy? Anh sẽ viết sự thật, thì anh sẽ mất em, đó là một chắc chắn, vì bố em chẳng thể chấp nhận một thằng rể phản thùng. Đúng vậy không em? Em nín lặng.
Con chim không hót nữa, nó hoang mang…

/
Mời đọc tiếp Bốn/
Tiểu thuyết cười
MÕ KHÓC/ Nguyễn Nguyên Bảy


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét