Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2018

NGUYỄN NGUYÊN BẢY / Tiểu thuyết cười MÕ KHÓC/ 8/



NGUYỄN NGUYÊN BẢY

Tiểu thuyết cười
MÕ KHÓC

TÁM

MỨT ĐANG BÀN CÔNG CHUYỆN VỚI NĂM THÊU TRONG QUÁN CÀ PHÊ DIỄM, CHỢT THẤY VÂN TỪ NGOÀI BƯỚC VÀO. HÌNH NHƯ CON BÉ NHÌN THẤY MÌNH, NÓ QUAY NGOẮT RA. CÁI THỨ THỢ NGHỈ VIỆC HƯỞNG 70% LƯƠNG, ĐI BÁN VÉ SỐ NHƯ NÓ DỄ UẤT ỨC MÀ THÀNH SOI MÓI, SẼ LẠI TUNG TIN TÙM LUM, CÓ ĐI GIẢI THÍCH CŨNG THÀNH TRÒ CƯƠI. MỨT ĐƯA MẮT CHO NĂM THÊU, DỤC ĐI, NĂM THÊU KÊU TÍNH TIỀN RỒI NỔ MÁY CHIẾC VESPA SUPER, MỨT NGỒI CHÀNG HẠNG PHÍA SAU, CHẠY VỀ XÍ NGHIỆP.
Mứt dẫn Năm Thêu vào thẳng phòng quản đốc. Phòng vắng hoe. Mứt lơ láo ngó trước, trông sau.
-Thật đúng cảnh chợ chiều, - Mứt đánh tiếng, - Đi đâu cả rồi? – Không ai đáp lại, Mứt ra hiệu cho Năm Thêu ngồi xuống chiếc ghế băng kê sát tường, - Anh ngồi xuống đi để em đi kêu quản đốc.
- Không, - Năm Thêu vừa ngồi xuống ghế vừa đưa mắt nhìn Mứt, - Em ngồi xuống đây với anh, ngồi một mình anh cảm thấy gây gây.
- Sao? Anh lạnh? Tay anh run vậy?
- Anh sợ.
Mứt cười toe toét:
-Anh thì có mà sợ ông Trời.
- Thông cảm cho anh, từ sau hồi đánh tư sản đến giờ, mỗi lần bước tới cơ quan xí nghiệp anh lại sờ sợ. Không có em, bố bảo anh cũng không dám tới đây một mình.
Mứt định buột miệng: Đồ xạo. Nhưng Mứt kịp giữ phép lịch sự. Bản mặt ông sợ ai, tôi vẫn thấy ông thậm thụt khắp các xí nghiệp dệt. Năm Thêu hình như hiểu cái đưa mắt nhí nháy của Mứt, ông muốn tỏ ra mình là con người chân thật, không xạo xược bao giờ.
-Của đáng tội lảng vảng bên ngoài xí nghiệp thì có, còn vô sâu trong xí nghiệp như thế này thì chưa. Muốn bàn chuyện gì cũng hẹn nhau nơi quán xá, - Năm Thêu đưa tay ngoắc Mứt lại phía mình, rồi thì thầm, - Vô sâu kiểu này dễ bị túm lắm…
Mứt cười. Và lần này Mứt không bập kịp môi giữ được câu nói thô lỗ của mình.
-Xạo hoài. Chẳng phải anh đã vô tận phân xưởng ba kiểm từng chiếc máy bán giá sắt vụn đó sao?
Năm Thêu đưa mắt trông trước trông sau, gương mặt nhún xuống vẻ nghiêm trọng đặc biệt, nói bằng khẩu hình, không ra tiếng: Nhỏ thôi em…
-Sao? – Mứt lớn giọng hỏi lại.
- Trời ơi, cái miệng em cứ quang quác vậy. Nói nhỏ dùm anh. Chuyện gì đã qua, cho qua luôn, đừng có nhắc lại. Ở đây tai vách mặt rừng. Em là cán bộ cách mạng được đoàn thể che chở, còn những người như anh…dân mánh mung…dễ bị bắn rụng lắm. Hay là em để anh về, mọi việc em cứ thống nhất, cho anh cái hẹn cụ thể để hành động.
- Bộ anh muốn bỏ con cá này phải không?
- Thấy tiền ai chẳng ham.
Mứt cười nhạt. Cần phải tỏ cho con người vờ khôn, vờ dại này hiểu rằng, những người như hắn đầy rẫy trong xã hội, đâu phải chỉ dân tư sản cũ, dân mánh mung mới biết buôn. Mấy năm nay đã trưởng thành một giai tầng tư sản mới, hùng hậu thua gì ai. Giai tầng tư sản này có mộc, có chữ ký, có ô, có dù, được công nhiên buôn bán. Ai bây giờ cũng làm thương nghiệp giỏi cả, chỉ sợ không có hàng, chứ có hàng ra đứng giữa ngã ba đường ới một tiếng là cả giây người bu lại đòi mua. Đừng có làm bộ, sở dĩ ta muốn bán hàng cho ngươi, vì là chỗ quen biết, ngươi có uy tín và cũng biết chơi đẹp. Hơn nữa, ta cũng không thích rùm beng.
-Tôi chỉ cần ới một tiếng là có cả chục người tới xí chỗ của ông liền. – Mứt đưa bàn tay ra phía trước, - Nếu ông không muốn cộng tác với nhau thì chúng ta chia tay.
- Ấy chết, sao em dễ nổi nóng vậy, - Năm Thêu uốn lưỡi thật dẻo, - Anh cứ nghĩ phụ nữa mát tính, ai dè em nóng quá. Anh thề có Trời đất chứng giám, từ ngày gặp em, được cộng tác với em, lúc nào anh cũng cầu xin thần phật phù hộ cho bổn mạng em. Anh mà không thích công tác với em thì cầu trời cho vợ anh phải chết, các con anh đi vượt biên, và anh phải sống tuổi già trong đơn chiếc. Bớt nóng đi em. Em là con người rất điệu nghệ, nên em cứ hú anh làm cái gì là anh làm liền. Nhưng cũng phải thành thật thưa với em là cái vụ mua bán sợi này không được ngon lành cho lắm.
- Không ngon lành?
- Đúng như vậy, thưa em.
- Bán sợi một lần ăn, mua vải một lần ăn, vị chi ăn cả hai đầu.
- Anh biết, nhưng dẫu sao cũng chưa ngon lành bằng cái vụ mua đống sắt vụn ở phân xưởng ba.
- Từ từ rồi cái phân xưởng bẩy này cũng thành sắt vụn.
- Lúc đó em không quên anh chứ?
- Anh thật đúng là Năm Thêu. Vòng vo chuyện gì rồi cũng tới khúc đó. Bộ anh muốn mua cả xí nghiệp Con Cua.
- Nếu em là người tối cao, đủ thẩm quyền bán cho anh, anh xin trả bằng tiền mặt và mời em về làm bà chủ, - Năm Thêu cười khà khà, gương mặt rạng rỡ, - Bây giờ anh hết sợ rồi, em có thể đi kêu quản đốc về đây, ta bàn việc cụ thể. Mau lên, để anh còn đưa em đi ăn nhà hàng.
Mứt nguýt yêu một cái, rồi ghé miệng gần Năm Thêu, nói như rót vào tai.
-Hy vọng anh sẽ nắm một vai kịch không tồi. – Đứng thẳng người dậy, kéo lại áo, - Em đi một lát nghe. – Mặt mày hơn hớn đi ra.
Năm Thêu nhìn theo. Mông bự dễ sợ. Một lúc nào đó cứ liều ôm đại xem sao. Năm Thêu khoái trá với ý định của mình. Cái tật của Năm Thêu đến kỳ, cứ khoái lên là thích đọc thơ, toàn một thứ thơ con cóc, chẳng biết của ai sáng tác, mà hễ Năm Thêu mở miệng là nó tuôn ra.
Hết mưa rồi lại nắng. Hết nắng rồi lại mưa. Đời ta rồi có lúc. Sẽ được lên làm vua.
Năm Thêu đánh nhịp bằng chân phải đang bắt chữ ngũ, đôi mắt lim dim mơ màng.
Thức từ ngoài vào, thấy trong phòng mình một người lạ hoắc đang ngồi rung đùi đọc thơ. Thức đứng tựa cửa lặng nghe, muốn phì cười, mặc dù ruột gan đang ứ đầy bực tức.
-Xin lỗi, ông ở đoàn văn nghệ nào mà tới đây ngâm thơ vậy.
Năm Thêu ngước mắt nhìn Thức, không một chút bối rối.
-Cảm ơn anh có lời hỏi, khả năng văn nghệ của tôi là khả năng cây nhà lá vườn, người ta kêu bằng “văn nghệ quần chúng”, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng đi biểu diễn giúp vui cho vài đám cưới và vài bữa liên hoan mừng công của các cơ quan xí nghiệp.
- Ông muốn tới xí nghiệp chúng tôi liên hệ biểu diễn?
Năm Thêu đứng dậy:
-Hoàn toàn đúng như vậy, một hợp đồng sẽ được ký kết và đôi bên đều có lợi. Nhưng xin lỗi, anh là ai vậy?
- Tôi là Thức, quản đốc phân xưởng.
- Trời, - Năm Thêu reo lên, và gương mặt trở nên hề vì khúm núm thái quá, - Kính chào đồng chí Thức, quản đốc phân xưởng, - Ngưng một lát để lấy hơi, - Người ta mời tôi đến đây để cứu đồng chí ra khỏi tình trạng ghế lung lay.
Câu nói của Năm Thêu đã chích vào cái nhọt tấy mủ tức giận mà từ nãy giờ Thức đang cố nén, nay bỗng vỡ tóe ra.
-Ông nói cái gì? Ai mời ông tới đây? Ai cho phép ông ăn nói, - Quay ra ngoài, - Bảo vệ đâu rồi.
Năm Thêu chẳng hề lúng túng trước sự hăm dọa ấy.
-Tôi xin phép được ngắt lời đồng chí quản đốc, sự ngắt lời có tác dụng hạ hỏa. Long trọng giới thiệu với đồng chí  cô Mứt, thư ký công đoàn xí nghiệp năn nỉ tôi, bởi cô Mứt rất thương đồng chí,và muốn gỡ cho đồng chí cái thế bối rối hiện nay. Đồng chí bớt nóng rồi chứ? Có phải giám đốc xí nghiệp đã ra lệnh cho đồng chí bằng mọi cách phải hoàn thành kế hoạch, nếu không hoàn thành kế hoạch thì cái ghế quản đốc của đồng chí dẹp cho người khác ngồi…
Người đàn ông lạ mặt này là ai mà biết tất cả mọi chuyện rắc rối đang xẩy ra ở xí nghiệp, biết tất cả mọi khó khăn mà mình đang phải vượt qua. Lạy Trời, cũng có thể ông ta sẽ cứu mình thoát khỏi tình trạng khó khăn này.
-Ông nói đi, ông là ai?
- Tôi? – Năm Thêu cưởi giả lả, ngồi lại xuống ghế mặt tỉnh bơ và lại ngâm mấy câu thơ con cóc của mình. Hết mưa rồi lại nắng. Hết nắng rồi lại mưa. Đời ta rồi có lúc. Sẽ được lên làm vua.
- Sao ông không nói?
- Nói hả? Nói thì nói. Tôi là Năm Thêu, chủ tổ hợp “Còng”, đồng chí có nghe tổ hợp “Còng” bao giờ chưa? Chưa hả. Tôi là chủ nè.
- Ông có thể giúp gì cho tôi?
- Đồng chí thực bụng muốn Năm Thêu giúp?
- Cách nào?
- Tôi sẽ giúp đồng chí tiêu thụ số sợi được cung cấp. Sau đó, tôi sẽ thu gom số vải các tổ hợp dệt bán sỉ, bán lẻ ở các chợ để đồng chí giao nộp cho nhà nước. Phân xưởng đồng chí sẽ hoàn thành toàn diện vượt mức kế hoạch một cách tuyệt vời.
- Cái gì, ông nói cái gì, - Vết đau nơi cái nhọt bị vỡ lại tấy lên, Thức không còn làm chủ được mình, nói gần như thét, - Tôi làm gì có sợi bán cho ông, và tôi làm sao có thể nhập thứ vải gia công kém chất lượng mà ông thu gom ở các chợ về xưởng để báo cáo hoàn thành kế hoạch.
- Đồng chí lại nóng rồi. Trong khi trao đổi công việc không nên nóng. – Năm Thêu điềm tĩnh và tự tin, - Đồng chí nghe tôi nói này, đồng chí tưởng là đồng chí có sợi để dệt chứ gì, đó chỉ là sợi trên giấy, sợi trên giấy có dệt được không? Hơn nữa máy móc của đồng chí đang hư hỏng, lấy đâu ra phụ tùng thay thế?  Còn chuyện nhập vải vào  kho, bên cạnh chữ ký của đồng chí còn có chữ ký của người cao hơn đồng chí, đó là chữ ký của giám đốc xí nghiệp.
- Ông im đi…
- Im hả?
Một tràng cười. Thức không thể nào chịu được tràng cười buốt nhức như kim đâm vào cái nhọt vừa vỡ của mình, Thức lao lại, vừa định đưa tay lên xoáy ngực áo Năm Thêu, thì một tiếng quát đã chặn đứng bàn tay Thức. Thức quay lại, người vừa quát là Mứt, mặt đang đỏ tía lên vì giận.
-Chị Mứt, thế này là thế nào?
Mứt đi vào, ngồi xuống chiếc ghế trước mặt Thức, gương mặt dịu lại.
-Các vị làm quen với nhau rồi, phải không?
- Câu chuyện đã được trao đổi sòng phẳng, nhưng đồng chí đây đang nổi nóng, vì đồng chí cảm thấy lương tâm, danh dự của mình bị xúc phạm. Mời em giải quyết giúp cho.
Mứt đưa mắt nhìn Thức như muốn hỏi: Sao, cậu biết bị cái nhìn trấn áp, cơn nóng giận lắng xuống, phân trần:
-Ông ta yêu cầu tôi bán sợi và nhập số vải công do ông thu gom, để báo cáo hoàn thành kế hoạch.
- Chú phản đối?
- Nếu đây là câu chuyện đùa thì tôi có thể tha thứ cho ông ta, còn nếu là câu chuyện thật, thì tôi…
Mứt cắt ngang:
-Nếu chuyện thật chú định sao?
- Tôi… - Máu Thức lại sôi lên.
- Này, chú em, tôi lúc nào cũng chỉ muốn cứu chú, mệnh lệnh của giám đốc là pháp lệnh, bằng mọi cách phân xưởng của chú phải hoàn thành kế hoạch nhà nước… Mà khả năng vật tư thiết bị của chú thì… điều này chú biết rõ hơn tôi… Phương án anh Năm đây đưa ra chỉ đòi hỏi ở chú hai chữ ký, còn bao nhiêu trách nhiệm giám đốc và công đoàn xin nhận hết.
- Trời ơi, - Thức bứt đầu bứt tai, - Chị muốn tôi vào tù hả?
Mứt cười nhạt:
-Có gì mà tù tội? Bộ chú tưởng các phân xưởng khác cũng hoàn thành kế hoạch một cách đứng đắn hả? Bộ chú tưởng chỉ một mình xí nghiệp Con Cua chúng ta mới chơi trò đổi trắng thay đen, báo cáo láo hả? Không đâu, chú em ơi, khắp nơi người ta đều báo cáo láo. Chú thử nghĩ xem, nếu tất cả các nhà máy xí nghiệp đều hoàn thành kế hoạch toàn diện và vượt mức như họ báo cáo, thì nền kinh tế của chúng ta có lý nào cứ mỗi năm mỗi giật lùi. Nơi nào cũng kịch cọt cả thôi. Kẻ nào không kịch cọt, chỉ có toi mạng.
- Nhưng đây là trò gian dối.
- Gian dối, - Lại cười, - Chú còn giữ được tấm lòng trung thực trong sáng như thế là tốt, nhưng hơi cổ, hơi bảo thủ, cần phải thức thời. Sợi nào chẳng là sợi, vải nào chẳng là vải, một khi ta kèm theo những chuyện đó tài giao dịch… Chú hiểu ý tôi nói chứ?
- Trời ơi, chị là thư ký công đoàn xí nghiệp mà chị nói vậy.
Mứt háy mắt:
-Tôi không hiểu giám đốc nghĩ sao mà để một người bảo thủ trì trệ như thế này làm quản đốc phân xưởng.
- Tôi sẽ tố cáo…
Mứt nói mà không thèm nhìn người đối thoại với mình:
-Vẫn còn kịp đấy chú Thức ạ. Chiều nay tôi đợi chú ở văn phòng giám đốc xí nghiệp, hoặc là một tờ đơn tố cáo, hoặc là một tờ đơn xin từ chức. Giám đốc bảo tôi truyền đạt lại với chú như vậy. – Với Năm Thêu, - Ta về thôi, anh Năm.
Mứt đứng dậy tong tả đi ra cửa.
Năm Thêu cũng đứng dậy, nói với Thức, đủ nghe:
-Lòng tôi là cái bánh mì tôi đã bóc để đồng chí coi, tôi thực lòng thương mến đồng chí, thực lòng muốn giúp đỡ đồng chí, còn nếu, đồng chí từ chối sự giúp đỡ đó thì…tôi rất lấy làm buồn… Thôi, kính chào đồng chí quản đốc.
Năm Thêu cúi gập người chào Thức, rồi thong thả đi ra.
Thức ôm đầu ngồi xuống. Chuyện này là chuyện đùa hay chuyện thật. Nơi nơi người ta đều báo cáo láo, nơi nơi người ta đều gian dối. Kế hoạch nhà nước năm sau bao giờ cũng phải cao hơn năm trước, mà năm nào, xí nghiệp, nhà máy nào cũng báo cáo hoàn thành toàn diện vượt mức kế hoạch, vậy thì tại sao, nền kinh tế của đất nước cứ mỗi ngày một giật lùi. Ôi, nếu vậy, bệnh gian dối, bệnh báo cáo láo đã trở thành một bệnh dịch mất rồi.
Cũng có thể là câu chuyện đùa.
Lợi từ ngoài vào, phì phèo điếu thuốc trên môi.
-Sao? Ngon lành rồi phải không?
Lợi lên tiếng, nhưng trong bụng biết thừa cái sự ôm đầu của Thức ngon lành đến cỡ nào. Vừa nãy, chỉ cần thoáng nhìn gương mặt hầm hầm của Mứt từ trong phòng quản đốc, đi ra sân, đứng cạnh chiếc vespa super là Lợi đã đoán được mọi chuyện. Bà ta tới bàn chuyện làm ăn với Thức và Thức đã không nghe. Sự nổi nóng này có thể là cơ hội của mình. Chính vì nghĩ thế, Lợi đã bỏ Đức với chiếc máy ZK đi về văn phòng xem xét và đối chiếu những suy xét của mình.
-Bà Mứt công đoàn ra tay cứu quản đốc đây mà,bả vậy mà làm kinh tế giỏi.
- Rất giỏi, - Thức ngẩng đầu nhìn Lợi, cái nhìn còn chưa nguội lửa, - Bả bảo mình bán sợi cho tư nhân rồi đi thu gom vải ngoài chợ về báo cáo hoàn thành kế hoạch.
Lợi cười khục khục:
-Bổn cũ soạn lại, để đốt cháy phân xưởng ba của mình bả cũng bắt đầu như vậy.
- Mình không chịu thua đâu.
- Đúng, mình xin được bắt tay cậu, phải đấu tranh nhổ hết thứ cỏ độc ấy, mình ủng hộ cậu, mình lúc nào cũng ở bên cậu.
- Cảm ơn.
Lợi cười như muốn bảo: Ơn huệ nỗi gì, chúng ta là bạn đồng nghiệp cùng cảnh ngộ, cậu cứ việc đấu tranh, họ sẽ dẹp cái ghế cậu ngồi và đặt mình ngồi vào chỗ đó cho coi. Mình chó má với cậu phải không? Đời mà, cậu không muốn bán linh hồn cho chúng nó, thì mình bán, thông cảm cho mình, sao đi nữa thì mình cũng phải sống…
-Phải đấu tranh quyết liệt Thức ạ, mọi người sát cánh với cậu.
- Mình chẳng còn con đường nào khác…
Phải biết tin vào sức mạnh quần chúng, chúng ta nhất định thắng, địch nhất định thua, quân nhạc đâu, tấu lên đi, tấu lên, - Lợi như thằng điên, đi kiểu chân cổ ngỗng, miệng ngêu ngao, - Nào anh em ta, cùng nhau xông pha, lên đàng…

/
Mời đọc tiếp Chín/
Tiểu thuyết cười
MÕ KHÓC/ Nguyễn Nguyên Bảy 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét