Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

NGUYỄN NGUYÊN BẢY / Tiểu thuyết cười MÕ KHÓC/ 19/




NGUYỄN NGUYÊN BẢY

Tiểu thuyết cười
KHÓC
MƯỜI CHÍN

HÁT XỘC THẲNG VÀO PHÂN XƯỞNG. CẦN PHẢI ĐIỀU TRA MỘT CÁCH ĐỘC LẬP, SUY NGHĨ MỘT CÁCH ĐỘC LẬP, NHÌN SỰ THẬT BẰNG CẶP MẮT ĐỘC LẬP. CHÀ, KHÍ THẾ MỚI QUÁ HA. HÔM NỌ MÌNH TỚI ĐÂY, ĐÂU ĐÃ CÓ HAI CÁI BẢNG ĐEN VỚI NHỮNG KHẨU HIỆU NÀY. KHẨU HIỆU BẰNG THƠ HẲN HOI. CÂU THƠ CỦA ÔNG GIÀ VỢ, MÌNH ĐÃ ĐỌC RỒI, VIẾT Ở ĐÂY XEM RA CŨNG HỢP CẢNH, HỢP TÌNH. CÒN CÂU NÀY, CỦA AI TA. CHÀ. THƯ KÝ CÔNG ĐOÀN NGỌT THỊ MỨT. BẢ CŨNG BIẾT LÀM THƠ. XÍ NGHIỆP CON CUA NHIỀU TÀI NĂNG QUÁ CỠ. TIẾN LÊN HỠI ANH CHỊ EM. TIẾN LÊN TA QUYẾT TIẾN LÊN HÀNG ĐẦU. GỢI CẢM THẬT. MẠNH MẼ THẬT. THƠ THẾ MỚI LÀ THƠ. MÌNH PHẢI RÁNG NHẨM CHO THUỘC.

Hát đi lững thững giữa hai hàng máy dệt, lầm thầm cho tới thuộc lòng hai câu thơ tuyệt vời, tiếng máy chạy, tiếng thoi rí rách, mùi thơm của sợi, của vải, những bước chân đan qua đan lại của các cô thợ. Hết xẩy thật, không khí làm việc thực đáng ngợi khen. Quên mất, mình không đem theo cái máy ảnh, chụp vài kiểu vừa làm kỷ niệm, vừa tặng ông già. Biết đâu, những bức ảnh này lại chẳng được công đoàn xuất tiền ra mua để xây dựng phòng truyền thống. Phải ghi nhớ điều này trong óc, lần sau không được quên.
Đi tới cuối phân xưởng, Hát quyết định dừng lại bên một chiếc máy dệt và bắt chuyện với cô gái đang đứng máy, cô gái có bộ mặt bầu bĩnh, rất dễ thương.
-Chào chị, xin tự giới thiệu, tôi là nhà báo…
- Ấy chết, em không phải là quản đốc phân xưởng.
- Tôi biết, chị là một người thợ dệt có bàn tay vàng.
- Anh nhầm rồi, con Ly đứng góc kia mới có bàn tay vàng… Anh là nhà báo, xin anh vui lòng đi chỗ khác cho, anh đứng ở đây, em sợ lắm.
- Chị nói gì lạ vậy, tôi chỉ muốn hỏi tình hình sản xuất của phân xưởng.
- Tình hình sản xuất thì anh lên phòng quản đốc, tình hình bàn tay vàng thì anh đi tìm con Ly… Em sợ…
- Nhưng tôi muốn phỏng vấn chị, một nữ nhân công bình thường…
- Trời ơi, như vậy là anh giết em.
- Chị nói gì kỳ vậy?
- Bộ anh muốn em bị đuổi việc hay bị nghỉ việc hưởng bẩy mươi phần trăm lương?
- Chắc chị lầm tôi với ai…
- Dạ không,, em đâu có lầm. Anh là nhà báo. Giám đốc cấm chúng em không được tiếp xúc với nhà báo. Hôm nọ con Mưa dại mồm dại miệng, không biết nói chuyện gì với nhà báo, bị đuổi việc rồi. Em van anh, anh đi chỗ khác cho em nhờ…
Hát nhún vai, một vô duyên thường tình, lùi lũi theo cửa hông, ra khỏi phân xưởng.
Một đám thợ đang ngồi túm tụm, thấy Hát đi qua, nhiều cặp mắt ngước lên nhìn. Nhà báo đấy mà. Hát định bước rảo, chợt có tiếng gọi. Hát quay lại, nhận ra cô gái bán vé số Hát gặp hôm nào.
-Nhà báo không nhận ra em sao?
- A, chào cô bán vé số.
- Thế là anh chưa quên em. Em tên Vân. Sao, anh đã viết xong bài báo của mình chưa?
- Đang bắt đầu Vân ạ.
- Viết báo khó quá nhỉ. Nhưng anh đã thâu lượm được những gì rồi?
- Nhiều lắm.
- Cảm tưởng của anh thế nào?
- Bộ mặt của phân xưởng đã thay đổi, khí thế làm việc hăng say, nói chung là tôi sẽ viết một bài báo ca ngợi những thành tích đáng khích lệ bước đầu của các bạn.
- Chúng em xin đa tạ nhà báo.
- Cô nói nhĩu, môi dưới hơi trề xuống và chân định ngoắt đi.
- Cô Vân… Tôi…
- Anh định hỏi em gì nữa? Ca ngợi xí nghiệp, ca ngợi chúng em, tấm lòng nhà báo quý hóa thật. – Vân chợt nói như reo lên, - Xổ số đây, xổ số xổ nhà báo đây…
- Cô Vân, cô nghe tôi hỏi đã này. Cô vẫn đi bán vé số à?
- Không bán vé số thì lấy gì đổ vào miệng.
- Nhưng phân xưởng đã có sợi, xí nghiệp đang phải làm việc ba ca để hoàn thành kế hoạch nhà nước.
- Hoàn toàn đúng như vậy, nhưng những người như tụi em thì vẫn thất nghiệp, vẫn phải đi bán vé số. Anh không tin anh hỏi quản đốc phân xưởng.
- Lời cô nói có gì làm bằng chứng?
Vân xòa tập vé số trong tay.
-Bằng chứng này đã đủ sinh động chưa nhà báo? Nhưng mà thôi, lần nào nhà báo cũng bảo chúng tôi nói cho nhà báo nghe những bằng chứng sinh động, để nhà báo viết bài, nhưng đó chỉ là câu an ủi đám ngu dốt hèn hạ chúng tôi…
- Kìa, cô Vân, sao cô ăn nói lạ vậy, cô là thợ dệt, thợ dệt là nữ công nhân, công nhân là một giai cấp cao quý, là những chủ nhân ông hàng đầu của đất nước.
- Cảm ơn. Tôi đã có vinh dự gặp nhiều nhà báo, và cũng đã nghe nhiều nhà báo nói như anh. Nhà báo nào khi mới tới đây cũng hăm hở, nhưng rồi ra khỏi đây là quên sạch, người nào lương thiện lắm thì còn biết xin lỗi, biết cảm phiền… Các bạn hiểu cho, Tòa soạn không duyệt bài, Tổng biên tập đang cân nhắc bởi bài viết của tôi động tới uy tín của giai cấp công nhân, uy tín của ngành công nghiệp, phương hại tới uy tín của chủ nghĩa xã hội… Quản đốc tới rồi kìa, chết cha, anh đừng mét quản đốc là tôi đã nói gì với anh nhé, nếu không chả sẽ mét với giám đốc, tôi dám bị mất việc. Chào anh…
Quả nhiên, quản đốc Lợi đang xăm xăm đi tới.
Lại nói, quản đốc Lợi khi nhận được điện thoại của giám đốc, thì chắc mẩm phải nửa giờ sau nhà báo mới đi tới phân xưởng, nhưng vốn tính cẩn thận, mới mười lăm phút Lợi đã tới cửa phân xưởng đón lỏng. Nhiều công nhân đang bu quanh hai tấm bảng đen, đọc lớn cho nhau nghe những lời thơ hiệu triệu, họ cười cợt, đùa giỡn. Có người lớn tiếng chửi thơ gì mà thối như C… Không sao, tụi bay khen tao cũng không mừng, mà tụi bay chê tao cũng không ngán. Đâu phải thơ của tao. Thơ của giám đốc, của thư ký công đoàn chứ. Họ là tác giả họ phải chịu trách nhiệm về sự hay, sự dở. Còn ta, hay dở gì cũng được, miễn là cấp trên hài lòng, miễn là không khí của xưởng có chuyện để mà bàn tán. Nên dù sao cũng nên nghe xem đám công nhân này bàn tán ra sao.
Quản đốc Lợi bước lại gần tấm bảng đen có ghi hai câu thơ của giám đốc, đứng kín đáo sau đống sợi không để ai thấy mình.
Tụi mày có chịu là câu thơ này giám đốc viết thật lòng không. (Con nhỏ nào mà giọng chua thế).
Thật lòng nửa vời à.
Sao nửa vời?
Được có mỗi câu sáu. Một mét vải, một sợi vàng. Còn câu tám ổng hơi lên gân, ổng chưa dám thật với mình. Lẽ ra ổng phải viết: Một mét vải, một sợi vàng. Miệng ta ăn vải, bụng càng nhiều cây.
Bậy thật. Lợi nghĩ. Đám thợ xuyên tạc giám đốc thế này thì quá cỡ. Thử xem, những lời nhạo báng này đến tai giám đốc mình có bị vạ gì không? Vạ sao được. Mình chép y chang thơ của ông. Mà thơ của ông đề dưới tranh ông, tranh ông nghe đâu lại sắp bán cho nhà bảo tàng, như vậy là nó tồn tại vĩnh hằng. Những kẻ xuyên tạc lời vĩ nhân chỉ càng làm cho vĩ nhân cao giá hơn. Mình sẽ nói với ông như thế. Mà công nhân họ nói cũng chẳng sai. Cứ nhìn vào việc ông bóp chết phân xưởng ba của mình, đủ biết ông ăn vải, ăn sợi, ăn máy đẻ ra vàng như thế nào. Cứ để anh chị em công nhân tự do tư tưởng. Lợi nghĩ vậy, gật gù tâm đắc, đi vòng qua đống sợi bước lại phía sau tấm bảng đen đề thơ của thư ký công đoàn. Những tiếng cười bình thơ đang vang lên nhộn nhạo.
Mứt ngọt mà cũng làm thơ. Xưởng ta chắc sắp hóa rồ, em ơi. Nhiều tiếng vỗ tay ran ran.
Đến lượt quý vị nghe thơ của tôi. Sương Thu, thợ dệt bậc bốn đang thất nghiệp, xin ngâm hầu quý vị bốn câu, hai bài. Bài thứ nhất, họa thơ: Tiến lên, nào quyết tiến lên. Hỡi quân thất nghiệp nửa điên, nửa khùng. Nhiều tiếng vỗ tay, Xin quý vị, bài thứ hai, họa tác giả, mời nghe: Bay cứ tiến, ta cứ ngồi. Bởi ta là Mứt, ta mời ông xơi…
Chết thật, cứ đà này thì Nhân Văn Giai Phẩm mất. Ý nghĩ đến với Lợi rất nhanh, và khi Sương Thu vừa ngưng câu thơ, quản đốc đã bước thẳng tới cùng cái em hèm nghiêm khắc. Những cái cười nín giữa miệng.
Thật may, Tú đã tới đúng lúc để gỡ cho mọi người khỏi cảnh bối rối. Tú nói câu gì đó thầm thỉ vào tai Lợi, Lợi quýnh lên chỉ hỏi được hai tiếng: Đâu rồi. Tú chỉ tay vào trong xưởng, Lợi quýnh quáng chạy vào theo tay chỉ của Tú. Tiếng cười của đám thợ khi đó mới vỡ vang như đuổi theo sau lưng Lợi.
Và bây giờ, Lợi đang tiến đến rất gần nhà báo, rồi tay nắm tay, vai quàng vai, Lợi kéo nhà báo đi trong tiếng thuyết trình liền tu bất tận của mình, khi là lời thanh minh, khi là lời giải thích, khi là câu hỏi kèm theo lời đáp.
-Đồng chí đã nói chuyện với những ai rồi? Khổ quá, tính đồng chí giống hệt ông già vợ, giống hệt tính thủ trưởng Tư Kỳ, nói gì làm nấy, đi đâu cũng xăm xăm một mình, độc lập nhìn nhận, lăn lộn vào từng vụ việc, từng ngõ ngách. Này, là chỗ bạn bè, tớ hỏi thật, cậu đã gặp những ai trong xưởng rồi, đã nghe họ nói những gì. Mình chịu cho cái tài xông xáo của cậu. Trưa nay tụi mình đi uống bia nghe. Tửu lượng của cậu ngon lành đấy, mình có thua cũng chỉ thua chút đỉnh. Mà này, cậu có công nhận với mình là từ khi mình làm quản đốc phân xưởng, bộ mặt của phân xưởng khác hẳn. Quên mình không hỏi, trước khi vào phân xưởng, cậu có đọc thơ của ông già không đấy. Thơ như vậy mới là thơ chứ. Thiên tài đệ nhất là tôi. Vừa làm quản đốc, vừa ngồi làm thơ. Đấy là thơ của mình, mình cũng phải tập làm thơ, để lúc cần thiết còn xướng họa với các thủ trưởng. Cậu là nhà báo chắc làm thơ hay lắm nhỉ. Sao, cậu thấy mình trình bày vấn đề như vậy có mạch lạc không. Bài viết của cậu chỉ cần làm nổi ba điểm. Thứ nhất là xí nghiệp Con Cua, trong đó đặc biệt là xưởng bẩy hứa hẹn một triển vọng rực rỡ, sẽ hoàn thành xuất sắc, toàn diện mọi kế hoạch của Nhà nước. Điểm thứ hai, xí nghiệp Con Cua, trong đó có xưởng bẩy, đang tiến hành thí điểm một phong cách làm ăn mới, sáng tạo, năng động và có hiệu quả. Điểm thứ ba, xí nghiệp dệt Con Cua, đặc biệt là xưởng bẩy, tàng chứa nhiều khả năng văn nghệ xuất chúng. Bên cạnh một giám đốc kiêm họa sĩ tài ba, là thư ký công đoàn kiêm nhà thơ, quản đốc phân xưởng kiêm nhạc sĩ. Cậu chưa nghe mình hát bao giờ hả? Thiếu sót đó nghe. Mình hát dân ca ba miền, Hồng Vân còn phải ngán. Yêu nhau í a là cởi áo í a cho nhau… Bây giờ mình với cậu ta ra quán cà phê vỉa hè làm ly đá rồi bàn chuyện…
Hát chỉ còn biết líu ríu bước theo chân quản đốc.
Quản đốc kêu hai ly cà phê đá, gọi nửa gói ba số năm.
-Bây giờ chúng mình làm việc nghiêm chỉnh, nhà báo cứa việc đặt câu hỏi, mình xin trả lời.
- Năm nay xưởng có khả năng hoàn thành kế hoạch?
- Mình nói rồi. Xin cậu ghi lại câu nói của mình như một lời hứa quyết tâm: Nếu không hoàn thành kế hoạch Nhà nước, mình xin từ chức.
- Triển vọng năm tới.
- Đi lên là cái chắc. Tiến lên, hỡi anh chị em. Tiến lên ta quyết tiến lên hàng đầu.
- Mà này, tại sao trong giờ sản xuất mà anh chị em công nhân đứng túm tịm dông dài nhiều quá nhỉ.
- Họ đang thảo luận và trao đổi kinh nghiệm sản xuất.
- Vậy hả? Cho tôi tham dự được không?
- Chuyện kỹ thuật ấy mà.
- Khi nãy có cô bán vé số, tôi nhớ rồi, cổ tên Vân, cổ nói với tôi là cổ đang thất nghiệp.
- Nó dám nói với ông vậy hả? Nó làm ca hai, tranh thủ ca một đi bán vé số, tôi đã lơ cho, vậy mà… Được, tôi sẽ có cách… Mà nè, còn đứa nào thưa thớt gì với ông nữa không?
- Tôi nói thật nhé, xưởng của ông sao nhộn nhạo quá, mọi người không có việc làm, nơi nơi bất bình,ông phải có biện pháp tém dẹp đi, vì dù sao tôi với ông với ông già tôi cũng là chỗ người nhà…
- Mình cảm ơn ông, mình đang phải gánh vác hậu quả của thằng Thức. Nhưng mà ông cứ yên tâm, tất cả sẽ ngon lành.
- Này, những đứa ngang ngạnh như con bé bán vé số, ông phải thu xếp công việc cho nó… Ông đừng giấu tôi, chưa đủ sợi để sản xuất phải không?
- Ờ, ờ… Cậu hút thuốc đi. Mình còn mới quá, mọi sự cứ phải gỡ từ từ… Mà này, cậu nói vậy có nghĩa là cậu sẽ không ca ngợi xí nghiệp chúng tớ?
- Sao không?
- Vậy mới đúng rể Con Cua. Thôi, bây giờ đi nhậu.
- Không được, tôi phải lạng qua mấy xưởng xem họ làm ăn ra sao…
- Khỏi cần lạng, nơi nào cũng làm ăn như đây cả à. Toàn xí nghiệp bừng bừng luồng gió mới.
- Nhà báo phải sâu sát, anh thông cảm.
Họ chia tay nhay, mỗi người vội vã với công việc của mình.
Lợi vào tới cửa phân xưởng thì gặp Đức cầm cờ lê trong tay, từ trong xưởng đi ra.
-Cậu Đức, cô Vân đâu?
- Em cũng đang tính tìm cổ.
- Tìm cổ ngay cho tôi, rồi hai cô cậu đợi tôi ở văn phòng.
- Có chuyện gì vậy anh Lợi.
- Cô ấy phải thôi ngay cái trò bán vé số. Tôi sẽ thu xếp để cổ đứng máy.
- Trời, anh Lợi hết sẩy…
Lợi nhún vai như từ chối lời khen ngợi của cấp dưới. Lợi bước vào xưởng, tia mắt nhìn khắp lượt các dãy máy và các khuôn mặt thợ. Trông con nhỏ nào cũng ngầu cả. Chúng đang làm ngon lành thế kia, bây giờ mà bảo chúng nghỉ, dù là nghỉ tạm tuần lễ, nghe bộ cũng khó. Nhưng dù sao cũng phải bắt một đứa nghỉ, phải giải quyết ngay công việc cho con Vân vé số. Hoàn cảnh con nhỏ tội nghiệp, lại ăn nói bỗ bã, gặp ai cũng tố cáo, nhà báo cũng đã biết tên rồi, đó là một mầm mống nguy hiểm. Nhưng biết thế nó vào chỗ đứa nào bây giờ. Phải rồi. Lựu. Mắt Lợi tia về phía cuối phân xưởng. Cô gái có bộ mặt bầu bĩnh mà khi nãy nhà báo xin phỏng vấn cô vài phút, cô cứ giẫy nẩy lên. Thuyết phục con nhỏ này chắc ổn. Các cụ vẫn dạy, những người mặt bầu bĩnh, tâm tính gần với Phật, nói dễ mủi lòng.
Lợi tiến lại bên Lựu. Cô gái vừa thấy Lợi đã linh cảm thấy điều gì chẳng lành, mặt biến sắc.
-Cô Lựu, tôi muốn nói chuyện với cô vài phút.
- Trời ơi, em biết ngay mà, em xin thề với anh là chúng nó vu khống em, em oan ức.
- Cô cứ đóng máy lại, ra tôi bảo.
- Không, em không đi đâu hết.
- Cô trái lệnh tôi phải không?
- Em đã nói với anh là em oan ức, em thề là không thưa thớt một lời nào với cái thằng mắc dịch đó. Em đã đuổi nó đi, nhưng nó cứ đòi phỏng vấn, em bảo muốn phỏng vấn thì lên gặp quản đốc… Má ơi, tội nghiệp con, con đâu có muốn dây vào đám nhà báo nhà văn thế mà…
- Cô lảm nhảm cái gì vậy.
- Em…
- Cô ra ngoài này, tôi phải nói cho cô hiểu là, cũng giai cấp thợ thuyền với nhau phải biết thương yêu nhau…
- Nhưng thằng mắc dịch đó không phải giai cấp thợ thuyền, nó là giai cấp nhà báo.
- Cô nói cái gì nhà báo… Tôi muốn nói với cô rằng cô cần phải biết hy sinh, cô tạm thời nghỉ việc hưởng bẩy mươi phần trăm lương một tuần, để người khác đứng máy thay, sau đó cô lại đi làm…
- Không. Em sẽ kiện tên nhà báo mắc dịch ấy tới cùng. Nó muốn phỏng vấn em, nhưng em không chịu, nó đã xúi dục anh bắt em nghỉ việc phải không. Em sẽ cho nó biết tay, em sẽ kiện.
- Cô nói kiện, mà kiện ai.
- Kiện nhà báo.
- Nhà báo nào?
- Nhà báo lúc nãy vô đây đòi phỏng vấn em đó.
- Trời ơi, thế cô đã trả lời anh ta thế nào.
- Em đâu có trả lời gì, em bảo anh ta muốn xem bàn tay vàng thì qua tìm con Ly, còn bàn tay em chỉ là bàn tay thịt, muốn hỏi tình hình xí nghiệp thì tìm bà Mứt, ông Vang. Em thề là chỉ nói có vậy thôi… Nếu thằng mắc dịch đơm đặt điều gì thì em sẽ kiện.
- Kiện? Bộ cô tính làm hại xí nghiệp?
- Nhưng mà em oan.
- Oan cái gì, anh nhà báo khen cô, cô hiểu chưa. Người ta khen cô tinh thần kỷ luật cao, anh ấy đề nghị tôi biểu dương cô…
- Biểu dương em? Em lạy anh, lạy cả ông nhà báo. Ổng mà khen em, rồi các nơi lại rối rít đến học tập em, em chẳng dại, thời gian em để sản xuất, chớ công đâu ngồi đàm đạo phỏng vấn bốc thơm mình, để rồi đói sao.
- Cô này ăn nói mới lạ.
- Em chẳng biết lạ hay quen. Em chỉ biết mình là thợ thì có nổn phận phải làm việc, càng làm việc giỏi thì càng ấm thân mình, sợ nhất là không được làm việc, thế thôi…
- Nói chuyện với người lạc hậu như cô khó quá.
- Vậy thì em xin phép…
Lựu không cần biết quản đốc có cho phép hay không, đã quay ngoắt lại chỗ cỗ máy của mình, mắt đuổi theo chiếc thoi đang đan qua đan về đều nhịp.
Thua. Lợi chép miệng. Con nhỏ, tưởng hiền lành dễ bảo, ai dè. Lợi lững thững bước trở lại văn phòng.
Vân và Đức đang ngồi trong văn phòng. Nhìn nét mặt và nghe câu chuyện nhát gừng của họ, đủ biết họ chưa làm lành với nhau.
Đức: Làm thợ mà cứ tán số đề nhảm nhí.
Vân: Mỗi người một cửa vào đời.
Đức: Thế kỷ hăm mốt đã ở ngưỡng cửa mà còn mê tín dị đoan.
Vân: Bộ đói bụng mà bàn chuyện thiên đường thì mác xít.
Đức: Con người ta phải biết hy vọng.
Vân: Hy vọng thì đánh số đầu đi, 85, hôm qua mơ thấy tổ đề đi ăn cướp.
Đức: Chuyện ăn cướp thì hay ho gì mà nói.
Vân: Thà đánh hai số đuôi vậy. 77. Mặt trời chiếu sáng toàn nhân loại.
Đức: Thôi đi.
Vân: Ai bắt nói chuyện đâu.
Đức: Em tưởng anh sung sướng lắm hả?
Vân: Bộ anh tưởng tôi sung sướng.
Đức: Chẳng sung sướng mà lúc nào cũng nhơn nhơn.
Vân: Cứ phải khóc rống lên mới là khổ?
Đức: Trời ơi, còn ngồi đấy mà lý sự.
Vân: Chẳng phải anh bảo tôi lên đây ngồi chờ quản đốc sao? Suốt đời chờ với đợi…
Quản đốc bước vào, chào bằng cái vẫy tay. Một lát.
-Cô Vân ạ, tôi cần phải nói với cô là tôi đã cố gắng hết sức mình, nhưng không thể dàn xếp được một người tình nguyện tạm nghỉ, để cô thế vào chỗ đó. Hoàn cảnh xí nghiệp ta găng go quá, hoàn cảnh của phân xưởng ta càng găng go hơn, nhưng tôi hứa tôi sẽ cố gắng…
Vân cướp lời:
-Chẳng có gì phải cố gắng cả, xí nghiêp đã rót sợi về xưởng, máy móc đã hoạt động bình thường trở lại, công nhân chúng tôi có việc làm.
- Nhưng chúng ta chỉ mới có sợi để dệt cầm chừng.
- Sao lại dệt cầm chừng.
- Cô cũng biết đấy, điện lực chỉ cung cấp điện cho chúng ta làm ca một, còn ca hai, ca ba là giờ cao điểm, không có điện, mà chuyện điện thì vượt quá tầm với của giám đốc xí nghiệp.
- Tôi không tin chuyện đó. – Quay qua Đức, - Anh Đức, anh cần phải đi hỏi điện lực cho ra nhẽ.
- Không phải hỏi ai. Riêng về hoàn cảnh của cô tôi đã có cách… Từ sáng mai, cô lên văn phòng làm thư ký cho tôi, được không?
- Tôi? Tôi làm thư ký cho anh? Anh quên rằng tôi là thợ dệt.
- Phải uyển chuyển, phải giải quyết tạm thời.
- Không. Tôi không biết làm thư ký, tôi chỉ biết dệt.
- Nhưng nhiệm vụ cách mạng phân công…
- Cách mạng phân công tôi cũng xin từ chối. Lực lượng gián tiếp ở xí nghiệp ta đông tới mức chính những người gián tiếp đó chẳng biết mình làm gì, họ xấu hổ khi nhận đồng lương, tôi nghèo thật, nhưng tôi không thể nhận đồng lương ăn cắp.
- Em cũng chẳng nên căng như thế, - Đức góp chuyện, - Trong hoàn cảnh găng go như anh Lợi đã trình bầy, ta giải quyết công việc cho người nào là đỡ người đó…
- Có nghĩa là anh cũng khuyên tôi nên nhận chân thư ký cho anh Lợi? – Vân nheo mắt hỏi Đức.
- Nói chung đó là công việc văn phòng…
Cảm ơn anh. – Với Lợi, - Tôi thà đi bán vé số…
Lợi chép miệng, dáng điệu mệt mỏi.
-Thôi được, tôi sẽ cố gắng bố trí công việc theo nguyện vọng của cô.
Vân cười:
-Thưa anh Lợi, không chỉ nguyện vọng của tôi mà là nguyện vọng của tất cả chị em thợ. Thật chẳng có gì vô lý cho bằng, có sợi, có máy mà công nhân lại không được làm việc, trong khi các anh hô hào phải tiến lên phía trước hoàn thành kế hoạch nhà nước bằng mọi giá… Khó hiểu quá.
- Cô im đi. Châm biếm như thế đủ rồi, để từ từ tôi tính…
- Vâng, chúng tôi xin chờ đợi. Chào hai anh.
Vân chạy ra. Đức hơ hoảng trước cách xử lý cứng rắn của Vân, quýnh quáng chạy theo, vừa chạy vừa gọi: Vân ơi, chờ anh với, anh nói nè…
Tội nghiệp, họ yêu nhau. Lợi thấy đầu óc mình ung ung, chân rủn muốn té. Trời ơi, làm quản đốc như thế này nhục lắm.

/
Mời đọc tiếp Hai Mươi /
Tiểu thuyết cười
MÕ KHÓC/ Nguyễn Nguyên Bảy

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét