Thứ Năm, 1 tháng 11, 2018

Mai An NGUYỄN ANH TUẤN / NƯỚC NGA VỚI NHỮNG NGƯỜI BẠN THÂN YÊU CỦA TÔI



Ảnh, trái sang: Hoàng Dân, DiepHoang, BNN, Nguyễn Anh Tuấn  

Mai An NGUYỄN ANH TUẤN
NƯỚC NGA VỚI NHỮNG NGƯỜI BẠN THÂN YÊU CỦA TÔI


Tôi chưa từng đặt chân tới nước Nga.
Nhưng, như một định mệnh, trong những giai đoạn quan trọng nhất của đời tôi- và cũng là những giai đoạn đặc biệt của Đất Nước, nước Nga đã gắn bó với tôi một cách lạ lùng qua những người bạn thân yêu…

1. Sau khi vẫy chào chuyến tàu liên-vận đưa người bạn “nối khố” Lưu Trọng Văn đi Mạc-Tư-Khoa, tôi quay về nơi sơ tán ở một vùng quê. Và trong lán nứa mái tranh học đường, tôi đã nhận được những lá thư bạn gửi từ Ki-ép…Trước đó, trong tâm tưởng của một cậu học trò phổ thông mơ mộng, sau đó là sinh viên văn khoa năm thứ nhất như tôi, nước Nga mới chỉ là những trận bão tuyết, những cỗ xe tam mã, các nhân vật tiểu thuyết đầy tâm trạng qua những trang sách giấy đen xì. Kể từ lần đầu nhận thư bạn gửi từ nước Nga, tôi đã dần hiểu thêm ra những điều mới mẻ- ngoài sách vở…Trước hết, sự miêu tả của bạn về nước Nga đã đến với tôi bằng mối đồng cảm của người bạn ấu thơ từng trèo cây hái sấu bắt ve, lội nước trên hè phố Hà Nội…Có buổi, quên cả giáo sư đang giảng bài, tôi mơ màng nghĩ đến mùa đông ở một xứ sở xa xôi và cảm thông với tâm tư của bạn:
Bạn viết thư lúc đông về Ki ép
Những cánh hoa bay lặng lẽ ngẩn ngơ
Giọt sương băng như nước mắt người công chúa
Đọng trên Kinh thành xưa…
Bạn kể tôi nghe những gì xao xuyến
Buổi ban đầu xa nước, lúc đông về
Ai biết có người trên nước bạn
Nhớ mùa phượng đỏ, nhớ mùa me…
Lưu Trọng Văn còn kể cho tôi nghe mối tình đầu say đắm của anh với một cô sinh viên có cái tên “đặc thù tiểu thuyết” Nga: Natasa… Nhưng đó cũng là những ngày nóng bỏng. Tới năm 1972, hầu hết sinh viên nam lớp tôi đã lên đường nhập ngũ. Đó cũng là khi, tôi liên tục nhận được những lá thư nhòe lệ và cháy bỏng của bạn bộc lộ ý định bỏ học giữa chừng để về nước tham gia chiến trận. Lưu Trọng Văn còn viết cả một vở kịch dài diễn tả xung đột nội tâm của anh qua hai nhân vật chính có tên là Tuấn và Natasa. Mạ nuôi tôi - bà Tôn Lệ Minh đã khóc khi nhờ tôi khuyên can Văn hãy ráng học hết chương trình bên đó, và bỏ ngay cái ý định điên rồ kia! Nhưng tôi biết khuyên bạn thế nào, khi đó cũng chính là tâm trạng của tôi- đúng hơn, là của cả thế hệ tôi lúc ấy! Tuy vậy, tôi cũng viết một lá thư dài, gồng mình lên để truyền đạt lại cái ước nguyện của “phụ huynh”! Và sau đó, chính tôi  cũng đã viết đơn tham gia vào mặt trận, nhưng vì cận thị nên bị loại!...
Những năm sau đó, lên dạy học ở một vùng núi Tây Bắc, trong căn phòng tập thể giáo viên sơ sài, tôi luôn luôn đặt một bức ảnh trước mặt: ảnh Lưu Trọng Văn đứng bên một cây thông phủ tuyết. Và, rất có thể tôi đã nói hộ cả lòng bạn- qua mấy dòng ngậm ngùi đề ảnh: Tuyết trắng trong/ Như tuổi trẻ/ Tuyết đọng trên thông/ Như nước mắt/ Năm tháng bồn chồn…
Mấy năm sau, khi tốt nghiệp ngành tự động hoá xây dựng, Lưu Trọng Văn đã được toại nguyện: anh đã theo kịp được bước chân của người cha đáng kính - nhà thơ lưu Trọng Lư, hai cha con cùng vượt Trường Sơn…Trong những tháng ngày đầy ý nghĩa đó, khi bắt gặp nguồn cảm hứng Tiếng Thu 3*, chắc hẳn Lưu Trọng Văn phải hồi nhớ cái không gian vàng rực từng thấy trên nước bạn:
Anh nhớ lại câu thơ Cao Bá Quát
Khi đi sứ phương xa
Anh nghe, cả một trời dào dạt
Giữa mùa thu vàng lá nước Nga…
Còn tôi thì không có được may mắn đó của bạn…

2. Tôi trở về Hà Nội đúng vào thời kỳ nghiệt ngã của Giá - Lương - Tiền… Ở cơ quan mới, tôi đã có dịp làm quen được một người bạn trẻ tên là Quốc Dũng. Dũng chịu khó lắng nghe những nhận xét, bàn luận ở quán nước sau mỗi lần cơ quan chiếu phim học tập. Cậu ta chỉ là một phụ động, đang thử việc; và lẽ ra, sau vài ba phim đi phụ động sẽ được chính thức nhận vào làm thư ký trường quay - nếu cái suất đó không bị tổ chức giành lấy cho con cháu “sếp”! Uất hận, Dũng xin đi xuất khẩu lao động. Trước khi đi, Dũng và tôi đã có cả một đêm trò chuyện. Trong tâm hồn cậu thanh niên chất phác ấy ấp ủ biết bao khát vọng văn chương và điện ảnh! Dũng buồn bã nói với tôi: “Nhất định em sẽ quay trở lại cái nơi mà em đã bị gạt đi, bằng chính những tích luỹ kiến thức và lao động nghệ thuật của em”… Biết Dũng đi Nga, lại thích đọc sách, tôi đã lục tìm mấy cuốn tiểu thuyết dịch cũ đưa tặng cậu ta: Một tổ quý tộc, Rừng Nga, Những đốm lửa, Làm gì?, Những linh hồn chết... Dũng sung sướng ứa nước mắt. Tôi chợt hiểu đó là món quà lớn nhất đối với Dũng từ trước tới nay!... Thế rồi, tôi đã liên tục nhận được những bức thư của Dũng gửi từ Xibiri. Sự háo hức chờ đợi của tôi khi tìm thư mỗi lần đến cơ quan khiến nhiều người lầm tưởng rằng tôi có một người tình ở nước ngoài! (Thời bấy giờ, có người than đang ở Liên Xô, ở Đức, ở Tiệp… cũng có nghĩa là ít phải bận tâm đến việc phân phối hàng hoá của cơ quan!) Tôi đã chăm chú theo dõi bước đường tinh thần của chàng trai ham học hỏi, yêu nghệ thuật, và không khỏi có lúc chạnh lòng trước nỗi gian khổ mưu sinh của Dũng nơi tuyết trắng mênh mông rừng taiga. Tôi tìm đọc lại những cuốn sách Nga đã dịch có liên quan đến Xibiri để có thể cảm thông hơn với Dũng, và may ra có lời khuyên gì hữu ích- với tư cách một người anh tinh thần, một người thầy, như Dũng từng đề nghị… Sau hai năm như vậy, Dũng đột nhiên biệt tin. Rồi, cũng đột nhiên, Dũng liên hệ lại với tôi và thông báo rằng: cậu ta đã sang Cộng hoà liên bang Đức, và mở một cửa hàng ăn. Sẽ chẳng có gì đáng nói thêm, nếu như Dũng không yêu cầu tôi tìm giúp những cuốn sách về văn học, sân khấu, điện ảnh… mà Dũng cần. Và điều làm tôi ngạc nhiên cảm động là Dũng hỏi tôi về những cuốn sách dịch của Parternăc, Xôngiênitxưn, Bungacov…
Thư điện tử của Dũng mới đây có đoạn: “…Em cảm thấy có nhu cầu phải viết ra tất cả những gì mình đã trải qua… Giờ, em không vất vả kiếm sống như trước, em thấy biết ơn những năm tháng nhục nhằn ở Hà Nội, ở Xibiri… Và biết ơn văn học, nhất là văn học Nga…”

3. Và, trong những năm được gọi là “mở cửa” này, có một người bạn đang sinh sống ở CHLB Nga thường khiến tôi băn khoăn, nghĩ ngợi, thương cảm, lo lắng…- đó chính là nhà văn Châu Hồng Thuỷ ( tên “cúng cơm” của anh là Trần Quý Phúc)…Cách đây gần ba chục năm, khi còn là những anh “giáo khổ” miền rừng núi Tây Bắc, tôi và Phúc (khi đó anh chưa có biệt danh Châu Hồng Thuỷ) vào một dịp nghỉ hè đã rủ nhau lang thang xuống cao nguyên Mộc Châu, rồi lên vùng thượng nguồn sông Mã… để thâm nhập thực tế mấy tuần liền. Đói, thiếu, nợ nần, và đủ loại gian khổ dày vò không tước đi của chúng tôi lòng say mê văn học - nhất là với văn học Nga… Làm chủ nhiệm CLB văn học nhà trường, có lần Châu Hồng Thuỷ “đặt hàng” tôi viết bài giới thiệu tập thơ Lermôntov mới xuất bản, đọc trên loa phát thanh của trường cho giáo sinh nghe… Không thể quên được những ngày chúng tôi cùng dựng kịch dài “Sáng mãi sao Khuê” (kịch bản của Châu Hồng Thuỷ) cho trường Cao đẳng sư phạm Tây Bắc. Đêm hôm tất bật, húp vội bát súp sắn do “phu nhân” của Châu Hồng Thuỷ nấu ( chị cũng là một giáo viên văn của trường CĐSP), chúng tôi hào hứng chuẩn bị cho ngày công diễn, lòng bừng cháy nguồn cảm hứng của Stanilavski, Arbuzov, Kornêytruc, Vampilov, Ghenman, v.v. - những tác giả sân khấu Xô-viết mà chúng tôi đã say mê từ hồi sinh viên…
Mười năm sau, khi Châu Hồng Thuỷ về học cao học ở ĐHSP Hà Nội, chúng tôi mới gặp lại nhau. Việc Châu Hồng Thuỷ quyết tâm sang học tại Học viện Gorki- sau khi đã có một vài thu hoạch không nhỏ về văn chương, tôi nghĩ đó không phải là một ngẫu nhiên của số phận! Và, việc anh quyết tâm “trụ” lại bên đó, góp phần xây dựng đội ngũ và duy trì không khí sáng tác văn học nghệ thuật ở LB Nga- mặc sự khuyên can của gia đình, bè bạn… phải chăng, cũng là một cái gì đó nằm trong sâu thẳm định mệnh của anh? Châu Hồng Thuỷ từng viết khi mới sang Nga: Tuổi bốn mươi vẫn còn mải lãng du/ Vẫn háo hức dầm chân trong gió tuyết Và bè bạn sư phạm cũ vẫn thỉnh thoảng ngâm nga thơ anh: Tay úp mặt thầm thì trong gió tuyết/ Xin ngàn lần tạ lỗi Mẹ quê hương (Những bông tuyết mùa hè -Nxb Sáng tạo-Mátxcơva, 2004) Khi đọc tập truyện mới của anh: Vị mặn hoa tử huyền (Nxb Hội nhà văn-HN, 2009), tôi nhận thấy Châu Hồng Thuỷ đã đem cái vị mặn Hoa muối của một thời tuổi trẻ "trộn" cho tất cả những câu thơ, trang văn của mình trên khắp các chặng đường đời anh qua. Thấm nhuần giá trị nhân văn của văn học cổ điển Việt Nam, văn học thế giới, rồi văn hoá dân gian vùng Tây Bắc, anh giáo dạy văn khi tiếp xúc với cái hiện thực khắc nghiệt của một đất nước sau thời kỳ tan rã LBXV, trong thân phận của một trí thức “bất phùng thời”, đã có điều kiện để viết được những thiên truyện ngắn khá đặc sắc… Có nhiều truyện của Châu Hồng Thuỷ khiến người đọc chảy nước mắt vì sự bất lực của anh- một trái tim đa cảm, trong sạch, trước nỗi bất hạnh của người khác- nhất là người phụ nữ yếu đuối, nghèo khổ và có tâm hồn cao thượng trong cơn lũ thực dụng của đời. Điều này, ai là người cầm bút có lương tâm mà không từng trải qua? Nhưng để nói được một cách sống động, đến thắt ruột thắt gan như Châu Hồng Thuỷ thì không phải đã có nhiều trong văn học hôm nay- cả trong nước lẫn hải ngoại! Đã đọc một lần, khó thể quên hình ảnh: trong giá lạnh băng tuyết, nhân vật của Châu Hồng Thuỷ- cũng chính là tác giả ngậm ngùi cho người phụ nữ Nga nghèo, tự dày vò, vì anh và các bạn đã không làm được một nghĩa cử nhỏ nhoi lẽ ra cần phải làm dành cho chị trong ngày 8-3... Đằng sau những giọt nước mắt tủi cực nhục nhằn của những người đàn ông, đàn bà mà Châu Hồng Thuỷ trân trọng kể về họ, bao gìờ cũng là những giọt nước mắt xót xa của anh khóc cho cả chính bản thân mình- không phải chỉ vì sự đồng cảm, mà còn vì sự bất lực rất chi là "Nam Cao": Tôi là thằng suốt đời chỉ làm nghề cạo giấy, lớ ngớ giữa đường, miệng lúc nào cũng bàn đến tình thương nhân loại, nhưng yêu thương và chịu trách nhiệm trước một con người cụ thể lại làm không nổi. Sự ân hận và băn khoăn trí thức này, cộng với nỗi thương cảm thường trực trong Châu Hồng Thuỷ khiến những trang văn của anh mang một sắc thái đậm Châu Hồng Thuỷ, có thể nói là đã được nâng lên gần như một sự đa cảm mang màu sắc triết lý - mỹ học khá riêng biệt… Tôi mừng vì bạn mình đã là một cây bút có “giá” tại nước Nga, mừng hơn nữa là anh không chỉ nghĩ đến sự nghiệp văn chương bản thân mà còn lo toan gánh vác đến việc chung của cả cộng đồng nơi xa… Cứ thử chịu khó theo dõi hai trang mạng: Ngườibạnđường.net và Mêkôngnet.ru mà anh phụ trách thì có thể thấy nỗ lực của nhà văn “đa đoan” này! Tôi cũng là người gửi vài bài cho mạng của anh, và tự hào khi thấy tiếng nói nhỏ bé của mình đến được với những người Việt ở một Đất Nước mà tôi hằng chiêm ngưỡng!

Vậy đó, ba người bạn thân của tôi - mỗi người một số phận, nhưng đều gắn bó một cách kỳ lạ với tình yêu nước Nga và văn học Nga của tôi!
______________
* Thơ Lưu Trọng Lư
Bài Mai An Nguyễn Anh Tuấn/ Tác giả gửi bài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét