Thứ Tư, 17 tháng 4, 2019

GIẾNG THƠ NGUYỄN NGUYÊN BẢY / Đò đưa, MINH THI


GIẾNG THƠ NGUYỄN NGUYÊN BẢY
 
Đò đưa, MINH THI


Có người gọi ông - nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy là thầy phong thủy trong việc sắp đặt ngôn từ, vậy mà chỉ khi vào vận tuổi 60, ông mới ngộ ra một điều: Khi đảo quẻ phong thủy hoán thì mới có quẻ thủy phong tỉnh. Quẻ đó là cái giếng. Đã là giếng, thì nước cứ trong mãi, hễ cạn rồi lại đầy, đầy mà không tràn. Giếng trong thơ Nguyễn Nguyên Bảy luôn sóng sánh chữ tình, chữ hát, chữ trăng, nhiều quá thành ra có khi vơi, mà hễ vơi thì lại đầy.
“99 khúc tặng Liên” - thơ Nguyễn Nguyên Bảy (NXB Văn học, do Lý Phương Liên tuyển chọn) - có thể xem là thơ tình tặng một người, mà cũng có thể là thơ tình tặng cả một đời, một kiếp thơ. Ở cái kiếp ấy, thơ không có đầu không có cuối, không ngược, không xuôi, đọc lúc nào, ở trang nào cũng được. Thơ già mà cứ như trẻ, trẻ mà cứ như ngẫm thấy trước nhiều điều.  Thơ lúc nén chảy rỉ rả, lúc tuôn từ nguồn mạch ào ào. Và cái giếng tình với cuộc đời, với người yêu cứ thế mà trong veo qua năm tháng.
Không phải ngẫu nhiên mà chính tác giả sắp bài thơ “Kinh thành cổ tích” của mình vào cuối tập thơ. Bài thơ đã gói ghém đời ông trong đó. Kinh thành cổ tích sinh ra một con người, với những sấm Trạng Trình, lẽ Càn Khôn,  hội Tiên Rồng, với /“Đào Nhật Tân nở chấn cửa Đông/ Áo trấn thủ phủ rêu cửa Bắc, Kèn tàu hừng hực cửa Nam/Quốc ca hát đỏ sông Hồng”, và đó cũng  chính là  chất liệu để sinh ra một  nhà thơ.
Con người đó, suốt cuộc đời, không thể rời mắt khỏi  sông, nước. 
/“Sông Tương ở đâu/Mà ai cũng đi qua sông Tương nhỉ/Ai đi qua cũng rớt mái chèo?”/ , /“Trả lại hết sướng vui nạn ách/Chuyền tay chữ hát xuống thuyền/Thung thăng ngược bến cỏ non”/. /”Sông Cái mỉm cười/ Trôi đi những thuyền cỏ mật/ Cha đứng trên thuyền/ Thuyền cười trên sóng nhấp nhô/ Cha chầm chậm hóa thân vào sông Cái”/. Sông lại trải thành cuộc đời hay gói  gọn hơn, trở thành góc giếng tu thân. Trên hồ Washington,  ông nhìn thấy /“Mặt trời xuống hết, như một nhát  lửa phóng thẳng, cấn vào huyệt thủy mà sinh ra Thiếu dương…/Một mình: Tôi tin mặt trời không buồn vì biết mình sắp lặn. Tôi tin tôi”/. Chỉ khi con người  “Mỗi ngày vắt  đức tin thành sữa”, “Đổ bát ký ức chắt được vào than hồng/Uống cũng chẳng thể lành miền quá khứ”, “Cúi lạy đức tin/Đức tin tên là Giác, tên là Phật, tên là Jesu Cơ rít, tên là Thánh Ala/Người Seatle tu tại gia mà đắc đức tin/ Còn chúng ta, hình như chúng ta  hỗn tạp đức tin, thờ  mọi loại thánh thần mà lòng chẳng biết thiêng ai” (Nhật ký Seatle 7), chỉ khi ai như người đó đi bán buồn ở chợ trời như một “đặc sản Việt”, mới có thể thấy được: “Có một thời luật pháp/Chép ra từ miệng quan/ Có một thứ luật pháp/Không xử không cần giam/Có một thứ luật pháp/Tra tấn bằng tem cơm/Có một thứ luật pháp/ Sống là tự chết mòn”.
Người đó mới nhìn thấy hình ảnh  liễu Tây Hồ đẹp hơn cả con người: /“Mẹ dắt em đi chôn cha/ Liễu bồng em đi chôn mẹ/ Bơ vơ em muốn quên mình/ Liễu gọi tên em/ Tóc quấn tay em/ Tây Hồ chỉ thấy gió/ Tây Hồ chỉ  thấy sóng/ Bên hồ thân liễu mảnh mai/Mảnh mai liễu vớt em lên/ Hà hơi về sống làm người”. Mới nhìn thấy hồn Thánh thơ (Cao Bá Quát): /“Quát nghiêng hồn xin dòng sông Cái/ Cho thân xác Quát trở về sông/ Mặt trời cười đục/ Đàn thơ vọng sóng hư không/Lời chém ngang trời gió/ Sao cam chịu mệnh âm u/ Chẳng thà về ở ẩn với thơ/ Cắt tóc tu tấm lòng thương nước/ Phận người hung cát mặc ai/ Mặc xã tắc khảm, ly nhăng nhít” (Thánh thơ). Nhìn thấy /“Vận khổn chẳng dám lộng lời/ Cười qua khổn vói gọi trời mây bay/ Trạch kiệt rồi trạch lại đầy”/. Hay /“Giời ơi có mắt không giời/Cớ chi để ban mai tự tử/ Tự tử ư?/Thoi đưa thời gian/ Mai thay ban mai khác/Ban mai nay chôn xuống lạc loài/ Không sống không thác/ Mắt nhìn thèm thoi đưa”…
Những vần thơ đầy báo ứng, đầy tiên cảm, kết tinh từ một cái giếng khơi trong lòng người không bao giờ vơi cạn. Thơ vì thế trở thành long mạch, để chàng Trương Chi (như Nguyễn Nguyên Bảy tự nhận là mình) tỉnh thức: “Sống tự nhiên đã là nhập thế/ Có ai sống xuất bao giờ/ Hoa cỏ nào hoa cỏ chẳng nên thơ/ Âm dương nào không cười khóc”/. Một kiếp thơ, một đời ve, cũng chưa đủ. Có lẽ thế nên họ - Nguyễn Nguyên Bảy - Lý Phương Liên là cặp vợ chồng sống cùng nhau qua một kiếp thơ, và cho đến tận bây giờ, vẫn chăm chỉ làm vườn ươm Thơ bạn thơ/ Văn bạn văn. Và thật lạ, là họ ít khi in thơ mình, còn lại chỉ lo cho thơ/văn người. Bản thân người làm thơ cũng coi mình chỉ là /“thuyền thúng qua sông”/, “Ngêu ngao hát gió/ Thăng một cánh diều/ Yêu một tình yêu/ Sen đỏ”. Còn gì hơn thế chăng?

Minh Thi
Theo Lao Động Cuối Tuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét