Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

Thơ NGUYỄN NGUYÊN BẢY / MÕ HÁT/ Phần KÝ ỨC DÀI MÃI / 8. BÀI RỘNG KHỔ CHÉP Ở GA HÀNG CỎ


Thơ NGUYỄN NGUYÊN BẢY

MÕ HÁT

NNB: Tập văn vần Mõ Hát là tập ghi chép, thể nhật ký, lối văn vần, viết từ sau ngày
30.4.1975, riêng tư cho mình, viết xong, đọc lại rồi cất trên bàn thờ, tự tin là: 40 năm sau, nếu Trời cho còn sống, sẽ in thành sách để lại cho con cháu. Nay, 2019, còn sống, bèn rũ bụi thời gian, đưa Mõ Hát chào bạn đọc. Đăng toàn tập, gồm ba phần: (một) Gặp Mừng, (hai) Ký Ức Dài Mãi, (ba) Sài Gòn Miền Tôi, mỗi ngày đăng một đôi bài, cho tới hết, bắt đầu từ dịp 30 tháng Tư năm 2019.

Phần KÝ ỨC DÀI MÃI
8. BÀI RỘNG KHỔ CHÉP Ở GA HÀNG CỎ
(Chép 1972, theo chân Nguyễn Khắc Phục đi miền khói lửa, 40 năm sau, Phục gửi bản thảo về, lời lính một câu xanh: In đi, hay suốt bốn mươi năm..)

1.
Trên đầu tôi lộng một khoảng trời xanh..Hình như tất cả chim đã bay về đậu dưới sân ga, nào vẹt cườm xanh, nào gi mỏ đá, nào sáo mỏ vàng và cả vàng anh tiểu thư chỉ quen ăn kê và lòng đỏ trứng. Sắp có chuyến tầu chở các chàng trai ra trận gọi các cô gái về đây đưa tiễn..

Đã qua rồi cái thời hủ lậu mẹ cha đặt cho ta những cái tên xấu xí, nô lệ của quỷ thần. Các cô gái bây giờ tên đẹp như chim, nào thiên nga, nào họa my, nào sơn ca, nào yến..Chim trên sân ga Hàng Cỏ áo mầu trong nắng nhấp nhô..

Làm bạn nhớ rừng ư ? Hay là nhớ biển ? Các bàn đại lý tem thư bầy những con tôm hùm và những con bươm bướm đan bằng dây cước tài hoa, thủ công thả sức phơi bầy. Chị kẹo bông, ông lão nặn tò he, anh bán táo dầm có cây kèn tây thổi lời dụ trẻ..

Anh muốn kỷ niệm một con tôm? Đừng mua, khoe mẽ chẳng được bao lâu, không mất xe cũng bị trẻ con thích tôm trộm khóa. Hay là ta cứ mua? Nom thật quyến rũ. Họ làm ra cái đẹp có phải để bầy đâu mà để ta thò tay vào túi móc tiền mua cái đẹp.

Ba hồi còi tầu xuôi, ba hồi còi tầu ngược, nghe tiếng còi làm sao phân biệt? Đi mà hỏi mấy bà buôn hàng chuyến. Tôi đáp gắt với anh chàng cứ lẽo đẽo đi theo, đôi mắt ếch, mũ cối rách diềm, gian xảo hiện ra đầy mặt. Không chừng một tay ăn cắp vặt, ý nghĩ chợt cười, đừng hòng móc hầu bao mấy bà buôn hàng chuyến áo đơn áo kép kim băng.

Các bà đi tầu Thái, ở đó có chè, có sắn, có trầu vỏ, có cau khô, có đường. các bà đi tầu Lạng, ở đó tha hồ hàng Trung Quốc. Các bà đi tầu Nam, ở đó có gạo ngô, có chiếu cói, có su hào, cà chua, có ốc, có hến. Các bà gánh gồng ngồi chật sân ga nhả quết trầu, nhả Trạng Quỳnh, nhà Ba Giai Tú Xuất..

Anh khẩn khoản bảo tôi cố chép lại cảnh ồn ào sân ga Hàng Cỏ thời loạn lạc, để mai sau hòa bình sân ga mở lớn cảnh tượng này sẽ thành cổ tích. Tôi đáp cười. Đừng chép thì hơn, cảnh tượng này chẳng bao giờ là cổ tích. Đáp lời vậy, nhưng bút tôi vẫn chép hình ảnh âm thanh tràn khung giấy lan man..

2.
Mẹ tôi ra ga. Chúng tôi ra ga. Cô em gái đến là mau nước mắt. Em trai tôi vai cõng ba lô mũ đính sao vàng. Mẹ tôi cầm tay em rất lâu, tôi ngắm nhìn em rất lâu, em gái đưa khăn lau mắt, không ai nén được nghẹn ngào.

Nhớ ngày tiễn anh trai đi du học Liên Xô, có ai nức nở đâu, chỉ mình anh trai đỏ mắt nói lời thương cha nhớ mẹ quê nhà. Nhưng hôm nay, em trai đi vào trong ấy, không thời hạn, không tin đưa, chỉ hẹn ngày về hết giặc.

Máu không là nước lã. Tôi nhìn khắp lượt sân ga, những bà mẹ mắt đầy hầm hố, những người cha tóc bạc heo may, những cô gái ríu rít tên chim đỏ hoe mắt khóc. Người ra đi gượng cười, cứng lòng, Mẹ đừng lo cho con, con sẽ trở về. Mẹ gật đầu thương. Anh gật đầu tin. Chị gái gật đầu mơ hồ. Không ai nói với ai một lời mà như nói với nhau nhiều lắm. Ga Hàng Cỏ ngày nào tầu chẳng xuôi Nam, chẳng đưa những người con trai vào nơi bom đan..

3.
Những chim tiễn đã bay đi hết. Tôi đứng một mình trên sân ga nhớ Tống Biệt Hành mà lòng không nghe sóng. Vẫn trôi trên đầu một mảng trời xanh. Ai đi ngang chào cười. Chiếc mũ lem dầu che ngang gương mặt tái. Tiếng ai chào trên loa ga nào giọng nói cũng đúc một khuôn đói ngủ. Nghe thương cô gái nhà tàu.

Em đi ngang qua, chợt nớ dáng em len lỏi từng toa, đon đả tầu Lào Cai bán phở, bán mỳ, bán bánh gai, bánh khảo. Tầu Phòng bán thuốc lá, tầu Nam bán tem thư phong bì.

Em đi ngày nối đêm lắc lư trong giông bão, vú tròn căng sữa đói con. Muốn chia lời an ủi em nhọc mệt, em cười công việc nhà tàu là vậy, tàu thời chiến vất vả hơn một chút, nhưng vui. Vui? Hỏi tròn xoe mắt.

Vui vì đưa người ra trận. Ai ngược xuôi tàu cũng đều là ra trận. Cả mấy người buôn hàng chuyến nữa sao? Em nghe phá cười. Không có mấy bà buôn hàng chuyến, thử hỏi làm sao thủ đô có gạo, có đường,có chiếu cói, có ốc, có hến?

Hai bà phin nõn từ trong tranh hứng dừa hiện ra mời chào, nung núc vú, bán gì hai chị cũng mua, mua gì hai chị cũng bán.

Uể oải lắc đầu chợt nhớ hứa mua tặng con một món đồ Noel, sờ túi một xấp dầy tem phiếu, thằng bạn đi công tác nước ngoài dúi tặng hôm qua..Nhìn trước, nhìn sau không một sắc áo vàng. Nhưng biết đâu một cánh áo vàng bỗng từ trời bay xuống. Ô dề thành kẻ tiếp tay phe.

Hai bà phin nõn bĩu môi lườm nguýt bỏ đi.
Một chàng thư sinh. Mũ cối, áo bộ đội phong trần. Lời chào lễ phép. Em từ mặt trận về còn dư ít lương khô..Khinh ra mặt. Linh tính mách về những quân đảo ngũ. Em nhờ anh mang về biếu mẹ.

Mẹ tôi? Lúc nãy ngoài ga, nhìn Mẹ khóc. Mẹ nào chẳng khóc ướt vai con. Có ngưới lính nào lại không thương mẹ. Em về tiếp nhận tân binh, mai mốt lại vào trong ấy. Nhoáng nhoàng còi báo động. Người lính vội đi

Tay tôi những phong lương khô bốc lửa. Lòng tôi nỗi xấu hổ rỉ máu. Sận ga chiến tranh. Sân ga chiến tranh. Thật gỉa bao nhiêu lẫn lộn. Hình như chỉ nước mắt mẹ thật thôi.

4.
Tôi đã bán xấp tem phiếu giữa sân ga Hàng Cỏ. Nỗi sợ hãi vô hình chẳng ai nhìn tôi. Nhưng tôi biết mắt trời nhìn thấy. Trời nhìn thấy cũng kệ trời.

Tôi ra Cửa Nam mua cho con trai một con gấu dạ, một túi kẹo bọc giấy xanh giấy đỏ, mua cho vợ vỉ kim băng, kẹp tóc.

Đạn bom mặc kệ đạn bom. Noel đã về ngang ngõ. Giặc sẽ ngừng ném bom để xúc miệng máu sám hối Chúa. Tôi muốn đón vợ con từ miền sơ tán về nhà. Tóc vợ dài kẹp bềnh bồng tóc, tã bông con quấn kim băng, có gấu dạ con như thêm bạn, kẹo hồng miệng mẹ môi con.

Thoáng bóng người quen.
Định gọi, kịp câm, ông trưởng phòng cười cười bên hai bà phin nõn, họ trao nhau xấp tem phiếu, xấp tiền. Rồi ông trưởng phòng đi nhanh về phía Cửa Nam. Tôi ngộ điều chi mà cười một mình?

Ba hồi còi tàu nuốt chửng tiếng cười tôi. Tàu Nam tăng chuyến đưa tân bình
vào trong ấy.
Ông trường phòng chạy vào ga, một xấp mũ tai bèo vinilong đen trên tay ông đưa vội cho những người chiến sĩ. Hai bà phin nõn ứa mắt nhìn theo, tay xé tập tem phiếu đã quá hạn. Một năm ông ấy dụm dành. Chúng tôi mua góp lòng cùng ông ấy.

Ga Hàng Cỏ bâng khuâng, và tôi đứng lặng giữa bâng khuâng..

NNB. Hà Nội những năm 1970, dài mãi

VANDANBNN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét