Bắt nguồn từ những khái niệm như “Vạn vật nhất thể” hay “Thiên nhân hợp nhất” trong văn hóa phương Đông, người xưa có câu: “Nhân phẩm không cao, chẳng thể hạ bút”. Những bức tranh hay họa phẩm, thi ca của các nghệ thuật gia vĩ đại đều bắt nguồn từ cái đẹp trong nhân phẩm của họ.
Cổ nhân coi trọng sự thống nhất và hài hoà giữa con người và Trời, con người và xã hội, con người với tự nhiên. Con người luôn giữ gìn khuôn phép theo đạo Trời thì trời đất, vạn vật sẽ trở thành một thể thống nhất với con người. Con người chỉ cần thuận theo thiên đạo sẽ thể nghiệm được sự hợp nhất giữa Thiên đạo, nhân tính, vật tính, thế giới tự nhiên và toàn bộ xã hội.
“Thiên nhân hợp nhất” cũng là nguyên tắc mỹ học được các thế hệ nghệ thuật gia thời xưa tuân thủ. Khi các họa sỹ dùng tranh vẽ làm ngôn ngữ để biểu đạt, họ sẽ chú trọng tới việc kiến tạo cảnh giới tinh thần của con người. Sơn thuỷ và người trong tranh, thậm chí là thân tâm của người họa sỹ cũng hoà thành nhất thể, đồng thời cũng có thể khiến người ngắm tranh đạt tới cảnh giới trong tranh. “Núi mùa xuân như cười, núi mùa hạ như nộ, núi mùa thu như tô điểm, núi mùa đông như ngủ”, người họa sỹ theo đuổi sự cân bằng và hài hoà, cuối cùng đạt đến cảnh giới tự nhiên và con người đối ứng hoà thành nhất thể.
Chẳng hạn Mễ Hữu Nhân, một họa gia thời Nam Tông, chuyên vẽ tranh sơn thuỷ Giang Nam. Ông thường theo đuổi tình cảm ý vị riêng biệt của thiên nhiên trong làn sương khói mây mờ ảo. Đồng thời ông cũng không đặc tả núi non, cây cối và nước với những đường nét tỷ mỷ, mà chỉ thể hiện bằng những chấm ngang, đôi khi là những nét mực, sau đó lan rộng ra. Bút pháp này vẽ những nét ngang, từng nét, từng nét đè lên nhau, đan xen, hoà quện với nhau, tạo hiệu ứng dày đặc, phủ kín chân trời. Tranh của ông đã triển hiện được cảnh non nước Giang Nam huyền ảo vô thường.
Nhiều họa phẩm phương Đông thời xưa là mang theo vũ trụ quan “Thiên nhân hợp nhất” – con người và tự nhiên là nhất thể khi siêu xuất khỏi thời không và tâm tình của bản thân. Như vậy mới có thể thể hiện được cảnh giới cao trong một tác phẩm nghệ thuật. Rất nhiều danh họa thời cổ đại đều coi trọng đức, tu dưỡng tâm, tôn sùng nhân phẩm, chú ý hàm dưỡng. Họ tin rằng có lòng chính trực mới có thể vẽ nên những kiệt tác rung động lòng người.
Những người có nhân phẩm cao, ngòi bút tự nhiên cũng mang theo khí khái quang minh, chính đại. Nếu không, tranh nhìn qua dẫu đẹp, vẫn để lại cảm giác không ngay chính.
Cổ nhân dùng bốn chữ “Thần, Dật (an nhàn), Năng (tài năng), Diệu” làm tiêu chuẩn để bình phẩm về bức tranh và tư cách vẽ tranh của người họa sỹ.
Thời cận đại còn có thuyết phân loại những bức tranh thành tranh giang hồ và tranh sỹ phu, cho rằng: “Cốt cách tranh của tranh sỹ phu là cao nhất”. Sỹ phu phải đạt được các tiêu chuẩn sau: Một là phải có tinh thần hiền triết của Đường Tống; Hai là phải kiêm toàn các loại hàm dưỡng, học thuật; Ba là phải có công lực bút mực thâm sâu. “Tinh thần hiền triết Đường Tống” ở đây, về công là an bang trị quốc bình thiên hạ, về tư là lập đức tu thân.
Thời cận đại cũng có những họa gia còn giữ được nhân phẩm, dù ở trong những kiếp nạn lớn của văn hóa.
Lý Khổ Thiền, một họa gia nổi tiếng thời cận đại thường nói: “Con người, tất phải có nhân cách, sau đó mới có tư cách vẽ tranh. Người không có nhân cách, thì chẳng thể hạ bút.” Lý Khổ Thiền nói được làm được. Ông vốn là giáo sư của Học viện Mỹ thuật Trung ương. Sau khi “Cuộc đại cách mạng văn hoá” bắt đầu, Lý Khổ Thiền trở thành người bị đấu tố công khai đầu tiên của Học viện Mỹ thuật Trung ương. Trên “Tiểu công đường” được thiết kế bí mật tại học viện, Khổ Thiền đã bị hai “học sinh” liên tục đánh đập tàn nhẫn suốt hơn mười ngày, suýt nữa thì ông bị đánh chết, nhưng ông vẫn kiên trì, không chịu khom lưng cúi đầu “nhận tội”, hạ thấp nhân phẩm của bản thân.
Trong cuộc vận động “Đấu tố tranh đen”, Lý Khổ Thiền đã bị đưa ra đấu tố bốn lần. Có người tốt bụng khuyên ông rằng: “Dành thời gian rảnh vẽ em nhỏ bội thu là xong! Ông xem Viện mỹ thuật triển lãm chẳng phải đều là những bức ảnh bội thu, đại bội thu đó hay sao? Cũng không quá khó!” Khổ Thiền cười nhạt: “Được, tôi sẽ vẽ một bức, có chủ đề là ‘Bán đứng lương tâm, xác chết bội thu’!”
Trong cuộc đấu tố, “phe tạo phản” đã ép Khổ Thiền phải phê phán thầy giáo của mình là Tề Bạch Thạch, ông nhất quyết không làm theo, vì cảm thấy thầy giáo mình không phải là người như vậy.
Lại nói về thầy của Khổ Thiền là Tề Bạch Thạch. Trong một thời gian dài, ông sống một cuộc sống “Sinh kế thê lương, sự nghiệp hội họa gian nan” tại Trung Quốc, nhưng sau khi tới Nhật mở triển lãm tranh thì ông nổi danh. Giá trị nghệ thuật và nhân phẩm của ông được xã hội Nhật thừa nhận. Thi, Thư, Họa, Ấn và nhân phẩm của Tề Bạch Thạch sau này được tôn xưng là ngũ tuyệt.
Những câu chuyện trên đều cho thấy quan niệm của người làm nghệ thuật chân chính, rằng người không có nhân cách ắt chẳng thể hạ bút. Người không có nhân cách ắt không thể đi xa. Đây là một trong những giá trị quan quan cao nhất của các nghệ thuật gia truyền thống.
VANDANBNN st tu thân/gt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét