Thứ Hai, 24 tháng 6, 2019

CHÉM GIÓ MUÔN MÀU 4. PHẦN TÌNH THƠ BẠN THƠ / 6. Về bài thơ CHÂN HƯƠNG của NGUYỄN NGUYÊN BẢY


Dự án sách TBT/VBV

Chém Gió MUôn Màu - Trọn Bộ 4 Tập
Đã Xb 1,2,3. Tập 4 khởi Bt 2019, Xb 2020

CHÉM GIÓ MUÔN MÀU 4.
PHẦN TÌNH THƠ BẠN THƠ


6.
 Về bài thơ
CHÂN HƯƠNG của NGUYỄN NGUYÊN BẢY


CHÂN HƯƠNG

Cháy rồi, cháy hết phần thơm
Chân hương đứng lặng nỗi buồn vô vi

Rồi mầu phẩm nhuộm phai đi

Dẫu chẳng còn gì vẫn đứng chân hương..


Nhà văn Nguyễn Văn Hòa:
Có thể nói trong hàng nghìn bài thơ của Nguyễn Nguyên Bảy mà tôi đã được đọc, hầu như đọc bài nào cũng thấy khó. Vì thơ ông không phải là loại thơ dễ cảm, không phải loại thơ đọc suông, nghe vần vè, êm tai, dễ hiểu. Thơ Nguyễn Nguyên Bảy là loại thơ đa nghĩa, mang tính biểu tượng, ẩn chứa những vấn đề mang tính nhân sinh, nhân bản, chạm đến chiều sâu văn hóa. Và trong số hàng nghìn bài thơ của ông mà tôi đã đọc, nếu chọn bài thơ hay thì có nhiều. Nhưng giả sử chọn bài thơ hay nhất của ông, theo cá nhân tôi, bài "Chân hương" sẽ là 1 trong những ưu tiên hàng đầu.
Đọc. Ngẫm. Đọc và ngẫm… Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần bài thơ "Chân hương" của Nguyễn Nguyên Bảy. Càng đọc càng thấy hay và thầm cảm phục tài dùng chữ của ông. Bài thơ lục bát chỉ vỏn vẹn 28 chữ mà gói gọn và ẩn chứa trong đấy biết bao điều, bao nhiêu câu hỏi, buộc người đọc phải suy ngẫm.
"Chân hương" nếu đọc lướt qua 1-2 lần thì người đọc sẽ không thấy bài thơ có gì đặc biệt. Chỉ là chuyện cây hương đốt cháy. Khi cháy xong còn lại chân hương. Qua thời gian màu phẩm nhuộm ở chân hương phai đi và chân hương vẫn đứng trơ lì đấy trên lư hương… Và nếu hiểu đơn giản như vậy thì bài thơ quá đỗi bình thường. Nhưng tôi đọc lại lần thứ 3 rồi lần thứ 4 mới phát hiện ra rằng Nguyễn Nguyên Bảy không viết đơn giản vậy. Bằng sự trải nghiệm, sự hiểu biết, bằng vốn sống, vốn văn hóa của một nhà khoa học, một nhà báo, một nghệ sĩ; Nguyễn Nguyên Bảy rất nhạy và “tinh quái” trong việc dùng hình ảnh, câu chữ. Vì thế, câu chuyện cây hương, chân hương, mùi thơm của hương nó là câu chuyện của thời cuộc, của con người, của đời người, của quan và dân, của thế sự nhân sinh, của lịch sử, văn hóa dân tộc. Ông khéo và tài tình khi dùng hình ảnh cây hương cháy rồi, cháy hết phần thơm và chân hương đứng lặng nỗi buồn vô vi. Độc đáo. Bình thường lại hóa lạ. Việc đơn giản lại trở nên khó hiểu. Vật vô tri, vô giác trở nên sống động, có hồn cốt. Lẽ tự nhiên, theo thời gian mầu phẩm nhuộm của chân hương sẽ phai nhưng chân hương vẫn cứ “bền bỉ” đứng, mặc cho bao biến thiên, vận động xung quanh. Từ “chân hương” lại mở ra những “chân trời” để con người ta suy ngẫm, chiêm nghiệm triết lý về con người, cuộc đời và thời cuộc…

VANDANBNN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét