1. N h à t h ơ B Ù I C Ử U T R Ư Ờ N G H Ạ T C Á T
/ Thơ/
Nghĩ đi/ Me bay, me bay.. xuống áo tôi/ Chỉ xin me đừng đậu lại/ Kẻo mấy bà sồn tưởng tôi là thằng đốn/ Trai đường../ Kẻo mấy em tơ nhí nhảnh mắt đến xin thơ/ Về đọc nướng ban mai những điệu vần tán gái..
Nghĩ lại/ Thôi thì, me cứ bay, cứ bay/ Đậu đầy áo tôi cũng được/ Cho tôi thành cây me cũng được/ Lát nữa mình của anh sẽ rũ áo cho tôi/ Vừa rũ vừa nỉ non nhắn gửi/ Vừa rũ vừa ỉ ôi khuyên răn/ Vừa rũ vừa gào lên giận dỗi../ Những lúc ấy, tôi hiểu là mình yêu anh biết bao// Và tôi cũng yêu mình biết bao..
Gió bỗng lao xao/ Me rùng mình trút lá
Thơ tôi cùng ríu rít me bay…
Bùi Cửu Trường – Hạt Cát đò đưa
Đọc bài thơ này, nếu không quen biết tác giả thì tôi cũng đoan chắc đây là một người tử tế, có tuổi, và chắc chắn nữa là có sao Đào Hoa, nếu không cư thân – mệnh thì cũng tam hợp, nhị hợp hoặc xung chiếu ( nói kiểu này là lách cửa từ vi thôi )
Giờ Hạt Cát tôi xin chỉ nói về thơ, về tình trong thơ, trong bài Ríu Rít Me Bay mà tôi thích theo ngu ý của riêng minh.
Lá me... Ngàn vạn lá me bay. Năm năm tháng tháng bay; nắng nắng mưa mưa bay; có gió bay, không gió cũng bay ...Đố ai đi trên đường Hà Nội mà tránh nổi dính lá me vai áo. Cái Lá Me xinh xinh bé bằng nửa móng tay bay là lật rồi nhẹ đậu trên vai áo, có vô tình thì cũng dính đốm xanh, có hữu tình thi cũng in dấu vàng... Lá Me nhẹ như không hiện hữu...Và tình...Tình ơi...Ai đã qua tháng năm thanh xuân và trên đường đời dài dặc mà không thầm thương trộm nhớ đôi lần... Một bóng hình ngược phái của chính bản thể mình...Tình Mỏng như lá me, nhẹ như lá me... đầy kỷ niệm ảo huyền song tồn tại như thiên nhiên vốn có..
... Nhưng Người thơ từ tế đạo mạo này sợ. Sợ bị bắt dính bởi ai đó cũng đã ngả chiều với tình ý bất minh: “ kẻo mấy bà xồn nghĩ tôi là thằng đốn / Trai đường”.
Ui , lại nữa, Người thơ còn sợ bị em xinh đến đòi thơ ru tình, vịnh cảnh: “mấy em tơ nhí nhảnh mắt đến xin thơ...”
Thế là Người thơ vội vội vàng vàng phủi lá me, cái lá me mỏng như ý nghĩ, bay lúng liếng trong gió nắng chiều chiều... Tránh và tránh... Tránh mãi, tránh mãi...Người thơ ơi!
Bỗng người thơ / Nghĩ lại / ông nghĩ lại vì mùa mùa Lá Me không thôi bay, cái lúng liếng như gió thoảng, như có như không vẫn rơi rơi trên đường nhân thế, rơi trên vai ông cho vô tình xanh, cho hữu tình vàng, như đeo như dính trên dạn dày sương gió cuộc đời.
Người thơ đón nhận Lá Me như đón nhận định mệnh, một định mệnh thuận theo lẽ tự nhiên của nắng gió trần gian, nhẹ nhàng lất phất quanh quanh, mà con người không tránh được...
“ Thôi thì me cứ bay, cứ bay/ Đậu đầy áo tôi cũng được/ Cho tôi thành cây me cũng được...”
... Thuận theo định mệnh là thuận theo lòng mình. Tránh, me vẫn bay. Né, me vẫn đậu. Cái bay cái đậu... Nhẹ nhàng vô thanh quấn quýt của lá me làm ông quy thuận lẽ giời và đành /”cho tôi làm cây me cũng được”/... như cam chịu, lại như mong chờ ngóng đợi.
Tôi khó thấy ai bày tỏ sự mong muốn rót đầy trống vắng cõi người với một chấp nhận định mệnh giản dị đến vậy.
Lá Me đâu cứ phải có chủ, Lá Me đâu có theo sai khiến của ai ai... Nó tự do ở ngoài kia như nó vốn có... Bay và bay. Hữu duyên hay vô tình không liên quan đến Lá Me...nó cứ xanh vàng, cứ dịu chua, cứ bay, cứ đậu ở nơi nó có mặt.
Oà... Hoá ra Người thơ này cam làm cây me, muốn làm cây me ngoài đường vì: “ lát nữa mình của anh sẽ rũ áo cho tôi.”
Ú à! ...Cái nhân vật “mình của anh “ này mới lạ. Nhân vật đó nép đâu đó, hư ảo trong sâu thẳm “anh”... “ rũ áo” cho “Tôi” hiện hữu thế tục. Cái nhân vật “ mình của anh” ấy thật bí hiểm, thật vô hình lại thật hữu hình. “Anh” của “ mình” chắc gì đã là “tôi” - mà chỉ là một khái niệm, một biểu tượng Ngoài Tôi.
Viết đến thế thì Vãn bối tôi xin vái một vái dài.
Tôi vái dài vì Người thơ này mơ mà tỉnh đến lạ! Rồi “ minh của anh” bắt đầu:
/Vừa rũ vừa nỉ non nhắn gửi
Vừa rũ vùa ỉ ôi khuyên răn
Vừa rũ vừa gào lên giận dỗi”.../
Trời đất ơi! Một tính cách đặc thù của người phụ nữ hiện lên từ “ mình của anh”, “ mình” này phải có đủ tư cách, đủ lý lẽ, đủ sức mạnh mới dám Rũ ... dám Ỉ Ôi, dám Gào Lên Giận Dỗi thế này với con người “ mắt gườm đít chai” ( từ trong thơ của Nguyễn Nguyên Bảy).
Mà Người thơ ơi. Hát Cát xin thành thật chúc mừng nếu như trong cuộc đời chúng ta có được “ mình của anh “giống như thế!
...Mà thật là tôi đã nói thừa. Đọc hai câu sau này, Hạt Cát tôi xin thôi khỏi mổ xẻ, khỏi luận bình cho rườm lãng: / “ Những lúc ấy, tôi hiểu là mình yêu anh biết bao/ Và tôi cũng yêu mình biết bao”. Nếu có thật một “ mình “ như thế, thì ai cũng ao ước có được một lần trong đời!
Sự chân thành đến độ không vương bụi trần, không vương sắc giới của “ minh” đó thật đáng trong chờ ngóng đợi. Mà trong cõi nhân gian hỗn độn này giá ai mà có được một “minh” thế thì Hạt Cát thật sự ngưỡng mộ và xin kính cẩn cúi chào.
... Tôi không biết đây có phải là điều sâu kín của Người thơ không? Nhưng tôi thật lòng mừng khi đọc câu kết:/ “ Thơ tôi cùng ríu rít me bay”...Hạt Cát thấy đúng là anh đang bay, Người thơ ạ. Xin chúc mừng Người thơ. Anh hãy bay cùng với những vần thơ me bay ríu rít!
Hà nội 03/06/ 2015
Chém Gió Muôn Màu 4
Phần tg Bùi Cửu Trường Hạt Cát
Mời đọc tiếp: 1. 5. Cảm ơn Bài thơ tặng của Hạt Cát
TỰ ĐÒ ĐƯA ĐÔI DÒNG VỀ BÀI THƠ
Chém Gió Với Cỏ Non (*)
Chém Gió Muôn Màu 4
Phần tg Bùi Cửu Trường Hạt Cát
Mời đọc tiếp: 1. 5. Cảm ơn Bài thơ tặng của Hạt Cát
TỰ ĐÒ ĐƯA ĐÔI DÒNG VỀ BÀI THƠ
Chém Gió Với Cỏ Non (*)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét