Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

Trích sách TÌNH THƠ BẠN THƠ 1/ Nguyễn Văn Hòa / 21. PHẠM THÚY NGA (THY NGUYÊN) NHỮNG XAO ĐỘNG TÂM HỒN CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐƠN THÂN


Trích sách TÌNH THƠ BẠN THƠ 1/ Nguyễn Văn Hòa

21. PHẠM THÚY NGA (THY NGUYÊN)
NHỮNG XAO ĐỘNG TÂM HỒN CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐƠN THÂN

(Nhân đọc Phố đông người của nhà thơ Phạm Thúy Nga (Thy Nguyên),
Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2014)

Thy Nguyên tên thật là Phạm Thuý Nga, làm việc tại phòng giám định ADN bệnh viện Hồng Đức, Hải Phòng. Thơ chị tha thiết một mạch ngầm luôn khát khao hạnh phúc, tình yêu giàu nữ tính. Thơ, với chị là sự gạn lọc những ám ảnh đời sống kết lắng tận đáy sâu tâm hồn nhằm giải thoát bằng ngôn ngữ mới lạ. Chị đã xuất bản 3 tập thơ: “Sân người”, “Cầm mưa”, “Phố đông người”. 
… Bây giờ cha mẹ vẫn đôi nơi
Thương các cháu chân trần trên nền hoa đá
Phố vẫn đông người ngược xuôi cơm áo
Con nghẹn lời bợt bạt vấp giấc mơ

Con vẫn đi tìm kiếm ánh đèn ô cửa cũ
Sợ dấu chân lại chồng lên dấu chân
Sợ nhẫn nại để quên dại khờ trên mắt nữa
Phố đông người mà rỗng phía cô đơn…
Tôi thật sự ấn tượng khi đọc những câu thơ trên trong bài Phố đông người - Phần I của nhà thơ trẻ Phạm Thúy Nga. Có lẽ, đó là điều khiến tôi tò mò và lần lượt đọc hết 50 bài trong tập thơ Phố đông người của chị.
Ở Phố đông người, Phạm Thúy Nga đã đem đến cho người đọc những vần thơ ám ảnh, quặn thắt niềm thương, nỗi nhớ, sự cô đơn và cả những khát vọng về tình yêu - hạnh phúc, những suy ngẫm về cuộc đời của một người phụ nữ trẻ nhưng chịu nhiều thua thiệt.
Con độc thoại phía nào cũng chỉ có lặng im
Kề sát bên lặng im con sợ mẹ giật mình trong
tiếng nấc
(Đêm trong ký ức)

Đọc tập thơ Phố đông người, tôi nhận thấy cái tôi đời tư của nhà thơ được soi rọi ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng hầu như đều biểu hiện trên cái nền tâm trạng buồn đau, xa xót.
Trong bài Nhà vắng bố, người đọc không khỏi rưng rưng nước mắt khi đọc những lời thơ nghe quặn thắt, não nề:
Ngoài trời lắc thắc tiếng mưa/ Nhà mình vắng bố như thừa rưng rưng/ Gian nhà tập thể tối bưng/ Ánh đèn leo lét kín từng bóng con/ Kéo chăn về phía mỏi mòn/ Lặng nghe hơi thở chưa tròn giấc nghiêng/ Lênh khênh cõng lại mùa riêng/ Dốc xuôi cúi lạy vườn thiêng địa đàng/ Mái hiên vỡ ngói mấy hàng/ Trèo lên mẹ đảo võ vàng lời ru
Người bố là người trụ cột gia đình, là chỗ dựa vững chắc cho các con. Ấy vậy mà, nhà mình lại “vắng bố”: Nhà mình vắng bố như thừa rưng rưng. Đó là nỗi đau, sự hụt hẫng, vì thiếu tình thương của bố đối với các con. Chính mẹ phải lo toan mọi thứ, lo cả những việc mà lẽ ra người phụ nữ không phải lo nếu nhà có đàn ông: Mái hiên vỡ ngói mấy hàng/ Trèo lên mẹ đảo võ vàng lời ru.
Phạm Thúy Nga cảm thấy miên man trong cái buồn cô độc. Ngay trong khoảnh khắc hạnh phúc đã có sự phôi pha, ly biệt: 
Ngày kết thúc nào ai muốn nói gì/ Ta chưa khởi đầu đã kiệt sức/ Cứ như ngoặc đơn thừa nét/ Cứ như bình rượu rạn nứt từ trong (Trước ngày ly hôn).
Em vẫn gầy/ Phố vẫn đông người/ Dư luận vẫn bồng bênh trôi dạt/ Biết mà không thể quay lưng/ Biết mà không thể đối mặt/ Trong anh có một người đàn ông khác dời đi… (Trong anh có một người đàn ông khác).
Sau những thất bại và đổ vỡ, chị không sao tránh khỏi nghẹn ngào:
Anh bao dung như thế cũng xa rồi/ Cõi người cứ ngổn ngang cao thấp/ Cứ ảo ảnh như vĩnh hằng số thập/ Em tìm đâu giữa hun hút biển người… (Hun hút biển người).

Ấp ủ với giấc mộng lứa đôi và tình yêu bất tận nhưng trớ trêu và chua xót thay hạnh phúc thật sự không đến với chị. Trái tim người đàn bà dang dở giờ bị tan ra nhiều mảnh. Để lại trong lòng nhà thơ những đau khổ, mất mát, thiệt thòi:
Gió phơi em bằng mặt nạ cuộc người
Mưa táp em bằng ngàn vạn câu hỏi
Anh cao lớn mà trái tim đập lệch
Để rạc rời mỏng dẹt những ngày xưa…
(Lối về)

Phạm Thúy Nga vô cùng đau đớn sau cuộc tình tan vỡ. Và chính lần chia ly ấy, nó ám ảnh đeo đuổi suốt cuộc đời chị:
Một ngày/ Nắng không nguồn cơn mà lấm đất/ Anh rụng vào tím tái tiện nghi/ Em dắt con đi như chạy…
………………………………………………………….
Phía bên kia đường xe chạy/ Ngã tư buông lỏng dăm bảy cột đèn/ Không biết đêm thừa thãi một người đàn bà/ Vẹo xiêu nghờ nghệch.
Đã năm mùa mưa giáp hạt/ Bươn bả khoáy sâu vào nấc thang oan nghiệt/ Con mọt cửa trốn đêm câm bặt/ Phố đông người mà vẫn chật khát khô.
(Phố đông người - Phần II)     

Người đàn bà dắt con đi như chạy trên phố đông nhưng lòng cô đơn đến lạ. Để rồi nhà thơ cảm thấy mình như một người đàn bà thừa thãi, dại khờ. Sự cô đơn đã ăn mòn vào sức sống của chị, khiến chị mệt mỏi. Đôi lúc thốt lên những lời nghẹn ngào, ai oán. Bằng việc vận dụng linh hoạt các thủ pháp nghệ thuật, nhà thơ đã tạo nên những hình ảnh thơ đầy sức gợi.
Đọc thơ Phạm Thúy Nga, người đọc sẽ nhận thấy đó là thơ của một người đàn bà chịu nhiều mất mát với những nỗi niềm riêng, ở đó nỗi đau chồng chất những nỗi đau. Vì thế, mỗi câu chữ đều ứ động cảm xúc, được cất lên từ sự thôi thúc của chính trái tim mình. Những nhọc nhằn, mất mát, khổ đau ập đến đời chị để lại cho chị bao tổn thương, trầy xước. Có lúc Phạm Thúy Nga cảm thấy cô độc, lạc lõng giữa cõi người, cõi đời.
Và bất đắc dĩ, chị phải miễn cưỡng bước vào ngả rẽ của cuộc đời. May mắn thay, trong những nỗi bất hạnh, không mấy suôn sẻ ấy của mình, nhà thơ Phạm Thúy Nga còn có người mẹ và những đứa con để làm chỗ dựa, để chia sẻ. Chính họ, đã tiếp thêm sức mạnh, an ủi, vỗ về, động viên nhà thơ bước tiếp chặng đường đời phía trước còn lắm chông gai, bão tố và thác ghềnh kia.
Tuổi thơ cho con những dữ dội nổi trôi
Người đời cho con lắm đắng cay dong dắt
Bất hạnh cho con nhiều trả vay đối mặt
Chỉ một mẹ thôi cho con những mùa xuân…
(Ngày Tết nghĩ về mẹ)

Vâng! Mẹ chính là người đã cho chị “những mùa xuân”, mẹ đã sưởi ấm, xua tan những giá băng, giông bão trong tâm hồn chị.
Bên cạnh người mẹ bao dung, nhân ái, chở che cho nhà thơ. Phạm Thúy Nga còn có những đứa con làm chỗ dựa tinh thần vững chắc, là niềm tin yêu, niềm hạnh phúc vô bờ đối với cuộc đời chị:
Biết con đến như một món quà lớn nhất
Tạo hóa đổi triệu triệu giọt rơi
Cho mẹ lênh lang đi giữa cuộc đời
Cho mẹ biết thế nào là hạnh phúc
(Viết ngày con 6 tuổi)

Trong cái hữu hạn, ngắn ngủi của đời người nhà thơ lo sợ trước bước đi của thời gian. Nghĩ về thân phận mình, chị ngậm ngùi, day dứt:
Mẹ từ biệt những nỗi buồn trên cuộc hành trình/ lượm lặt/ Mẹ sợ sự hữu hạn thời gian/ Sợ phải sống cuộc sống của kẻ khác/ Khi thế giới cứ mở dần những cánh cửa kiếp người.
Trái tim ấy lại thao thức, canh cánh những nỗi lo âu:
Ai trong số những người thân của mẹ và con/ Sẽ thực hữu trước chúng ta bằng ký ức/ Sẽ minh định kỹ càng những đường vòng lập thể/ Để khúc xạ qua mưa biết tạo nên những sắc độ/ cầu vồng.
Chị giãi bày những tâm sự, những lời gan ruột với con:
Có những lúc/ Đường trước mặt mà mẹ phải dò dẫm/ Phương tiện đủ đầy mà mẹ phải tập đi/ Sự gói nhặt hay muôn vạn hoàn hình của niềm tin/ và nước mắt/ Mẹ không ngại ngần sự thất lạc trái tim/ Là hạnh phúc đời mẹ là được con tìm (Đoản khúc số 32).

Có thể nói, Phạm Thúy Nga là một con người giàu nghị lực, trước những bất hạnh, nghiệt ngã của cuộc đời chị vẫn cố gắng chịu đựng, trong đau khổ chị biết vươn lên kiếm tìm niềm vui, hạnh phúc chứ không hoàn toàn tuyệt vọng.
Thơ Phạm Thúy Nga là tiếng lòng tha thiết, được chắt lọc qua những năm tháng thăng trầm của cuộc đời chị. Vì thế, với những người phụ nữ đã từng gặp trắc trở trên con đường hạnh phúc, đều tìm thấy ở thơ Phạm Thúy Nga sự đồng điệu, tri âm, tri kỷ. Không phải ai cũng dễ dàng bộc lộ tình cảm của mình bằng thơ. Thế nhưng Phạm Thúy Nga đã thể hiện một cách thành thật, cạn lòng ngôn ngữ tình yêu trong thơ của mình.
Mỗi bài thơ của chị như một câu chuyện kể, đó là những cảnh ngộ, nỗi lòng, sự trải nghiệm của chị về tình yêu, sự sống và cuộc đời.

Vì vậy, khi đọc thơ Phạm Thúy Nga, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều rất có lý khi cho rằng: “Nếu coi mỗi bài thơ chị viết như việc chị ngồi xuống kể một câu chuyện thì mỗi khi kết thúc câu chuyện chị đứng dậy và lặng lẽ ra đi để lại cho người đọc một trải nghiệm, một bài học, một suy ngẫm. Nó để lại cho người đọc một không gian. Và trong không gian tĩnh lặng nhưng nhiều xao động bên trong ấy, người ta bắt đầu nghĩ đến ý nghĩa của đời sống. Chính vì vậy mà không ít những câu chuyện chị kể đã không rời bỏ ta hoặc ta không rời bỏ chúng”.

Người đọc bắt gặp trong Phố đông người của Phạm Thúy Nga nét dân dã, giản dị, mộc mạc nhưng lại rất sống động và sâu sắc. Đọc thơ của chị, chúng ta có thể hình dung được chị cảm nhận về cuộc sống ra sao, sự khổ đau, mất mát, hụt hẫng thế nào… Mọi xúc cảm có ở trong thơ đều bắt nguồn từ những xúc cảm chân thực trong đời sống của chị. Chị đã lắng kết, chắt lọc cảm xúc ấy thành những vần thơ giàu suy tư, chiêm nghiệm, thấm đẫm chất nhân văn và tràn đầy nữ tính.

Trích sách Tình Thơ Bạn Thơ 1/
VANDANBNN gt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét